Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Danh hão

Tô Văn Trường

Ở đời, “danh” thường đi với “lợi”. Nếu không có lợi về cả vật chất và tinh thần, thì chẳng cần danh làm gì! Tất nhiên cũng có nhiều loại danh: danh thật (có thể đuợc vinh danh), danh giả (có thể bị giả danh). Còn danh hão thì như một thứ đồ trang sức rỏm mà người dùng thì tự biết giá trị của nó. Tuy nhiên, vì quyền lợi, nhiều kẻ vẫn thích danh hão để nhất thời vênh vang, “tự suớng”!

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên thông tin Việt Nam được Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation- NEF), một tổ chức tư nhân ở Anh, công bố Việt Nam được xếp hạng thứ hai trên thế giới theo chỉ số hành tinh hạnh phúc  (Happy Planet Index - HPI).
Theo tôi nhớ,  đây là lần thứ ba Việt Nam ồn ào về ba cái chuyện hạnh phúc này rồi. Hạnh phúc là gì? Điều này còn nhiều tranh cãi và cũng khó định nghĩa chuẩn xác. Bởi vậy, việc đưa ra một tiêu chí tuyệt đối nào để "đo" trạng thái hạnh phúc quả là một việc còn rất mơ hồ! Nếu theo triết lý sống : "hạnh phúc là được làm cái gì mình thích và thích cái gì mình làm" thì có thể "lần " theo tháp Maslow về nhu cầu của con người gồm 5 bậc để đánh giá theo phương pháp thống kê số đông hẳn sẽ định hình được mức độ thỏa mãn nhu cầu vật chất, tinh thần của cả xã hội.
Chỉ số hành tinh hạnh phúc của NEF dựa vào mối quan hệ giữa ba thông số là tuổi thọ, sự hài lòng cuộc sống (theo thu nhập dựa vào tổng sản phẩm quốc nội -  GDP) và mức tiêu thụ tài nguyên theo dấu chân sinh thái.
Không có gì phải bàn cãi về việc một tổ chức tư nhân của Anh đánh giá mức độ hạnh phúc con người vì ngay từ dữ liệu đầu vào là sự hài lòng, thoải mái trên cơ sở thu nhập quốc dân đã không thể đại diện đầy đủ cho đời sống tinh thần con người. Đâu chỉ có thu nhập đầu người tính trên GDP là yếu tố duy nhất để đánh giá mức sống vật chất và tinh thần. Dân các nước Libi, Ai Cập ...có thu nhập còn cao hơn Việt Nam ta nhiều, sao họ vẫn nổi loạn lật đổ chính quyền?
Nhu cầu được tôn trọng và sáng tạo, cống hiến cho cộng đồng cũng là những tiêu chí quan trọng của hạnh phúc con người khi mà các nhu cầu " cấp thấp" hơn như cơm ăn , áo mặc hàng ngày đã được thỏa mãn. Dù thu nhập đầu người tính theo GDP có cao nhưng tính nhân văn của cá nhân bị đè nén, khả năng tự do sáng tạo để đóng góp những giá trị cá nhân vào kho tàng giá trị chung của xã hội bị hạn chế thì con người trong hoàn cảnh đó có hạnh phúc không? Chắc là không cho nên mới có Mùa Xuân Ả Rập nơi thu nhập đầu người không phải là thấp.
HPI không có cơ sở khoa học và thực tế, lại thiếu hẳn tính nhân văn. Vì suy cho cùng đánh giá con người trong một cộng đồng xã hội, trong một thể chế chính trị mà xét theo hạnh phúc cỡ nào thì cũng khó phân định. Nhiều tiền, ít phải lao động, chưa chắc hạnh phúc. Hưởng nhiều sản phẩm công nghệ cao cũng chưa chắc hạnh phúc. Môi trường sinh thái dẫu tốt, nhưng môi trường xã hội-dân chủ chẳng ra gì, đâu có thể coi là hạnh phúc?  Nếu xét về "mức độ hài lòng với cuộc sống" NEF không hề có số liệu điều tra khảo sát lấy ý kiến của người dân Việt Nam. Còn “dấu chân sinh thái” là khái niệm rất lập lờ, ba phải. Công nghiệp chậm phát triển thì tất nhiên tài nguyên, môi trường ít bị đụng đến. Khi khoa học kỹ thuật với nền công nghiệp phát triển mạnh cần phải khai thác tài nguyên, thì cái gọi là "dấu chân sinh thái" coi như bị "mất dấu" ư?  Chính vì  trong công thức tính để "dấu chân sinh thái" dưới mẫu số dẫn đến kết quả tai hại là các quốc gia càng kém phát triển càng có cơ hội xếp hạng cao! 
Nhìn ra thế giới, để xem thực trạng của Costa Rica là quốc gia được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới ra sao? Costa Rica là nước nghèo, tài nguyên không đáng kể, diện tích tự nhiên rộng mà dân số quá ít. Tổng cộng, Costa Rica có 51.100 kilômét vuông (19.730 dặm vuông) lãnh thổ cộng thêm 589.000 kilômét vuông lãnh hải. Tính đến năm 2005, Costa Rica có dân số ước tính khoảng 4,43 triệu người, coi như chỉ bằng dân số hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình (Thanh Hóa trên 3,4 triệu người, Ninh Bình gần 1 triệu người). Đa số dân Costa Rica mang ít nhiều dòng máu của người di dân Tây Ban Nha, sống dựa vào thiên nhiên là chính nên rất nghèo, nhiều vùng dân cư còn du canh du cư, chọc lỗ tra hạt, canh tác và hái lượm như thời nguyên thủy. Trong khi đó, diện tích Costa Ri ca gấp 6 lần VN. Như vậy, chỉ riêng so sánh về khai thác thiên nhiên ở hai nước để chấm điểm nhất-nhì đã là vô cùng khập khiễng.
Nhìn vào thực tế của Việt Nam, nếu danh hão ở tầm quốc gia, sẽ dễ dẫn đến bàng quang , tự bằng lòng với các tình trạng thê thảm như đất nước tụt hậu, nguy cơ bị phụ thuộc Bắc phương là nhỡn tiền, nông dân kêu cứu vì bị cướp đất, bất công xã hội, trẻ con bị tước mất tuổi thơ vv...Danh hão về phương diện cá nhân, cũng đang tràn lan, nguyên nhân từ truyền thống văn hóa - phong kiến chuộng bằng cấp, hư danh, coi nhẹ thực nghiệp, thực học. Từ thể chế thiếu dân chủ, dẫn đến sử dụng cán bộ không theo năng lực & hiệu quả công việc mà theo bè cánh thân quen, do đó chỉ biết dựa vào những tiêu chí bề ngoài như bằng cấp, học vị, khiến mọi người đua nhau đi tìm những danh hão.  Danh tuy hão nhưng lại đem tới vô vàn bổng lộc, sự trọng vọng có thực nên trở thành không  "hão" chút nào và khiến nó trở nên càng hấp dẫn hơn. Tác hại của danh hão làm triệt tiêu vai trò đáng phải có của các hiền tài - nguyên khí Quốc gia, những người vốn khiêm nhường, không  chấp nhận bon chen.
Việt Nam được xếp hạng  là đất nước hạnh phúc thứ hai trên thế giới, chỉ là một trò vui của tổ chức tư nhân Anh quốc.  Mong rằng những người tỉnh táo khi  “cổ vũ” cũng cần phải biết phân biệt đâu là danh thật, danh hão. Danh hão mà không đi kèm với quyền lực thì càng làm trò cười cho thiên hạ. Đã đến lúc phải báo động về tâm lý, xu hướng sử dụng danh hão! Bởi vì nó làm cho chúng ta đánh mất mình, tự ru ngủ mình và ru ngủ người khác, khi đất nước đang cần những cái đầu tỉnh táo.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét