(Petrotimes)
- Những bậc phụ huynh có điều kiện kinh tế vốn tưởng mình đã lựa chọn
và gửi gắm con mình vào một môi trường tốt nhất… Cho đến một ngày, những
nghi vấn dồn lại, họ lập một nhóm “điều tra” đi mục sở thị cơ sở chế
biến thức ăn cho con mình. Có người, sau cảm giác kinh hãi thì khóc ngay
khi nhìn thấy quang cảnh bếp nấu ăn cho các cháu nhếch nhác, hộp bơ còn
nguyên chân gián chết, những túi thịt chảy nước, rau thối… ở nơi gọi là
Công ty Cơm Việt. Nhà trường và phụ huynh họp lên họp xuống, trong lúc
đó, Công ty Cơm Việt âm thầm biến mất…
9 triệu đồng học phí và những suất ăn “kinh dị”
Chị
T.V – một phụ huynh có con nhỏ học tại Trường mầm non Quốc tế Canada
Maple Bear (Trường Maple Bear) kể: “Cứ nghĩ đến chuyện con mình bị ăn
thứ thức ăn kinh khủng ở trường suốt bấy lâu nay mà nước mắt lại trào
ra. Cứ ngỡ mình đã cho con học trong một môi trường tốt nhất rồi. Không
ngờ lại khổ thế”.
Không ít người giật
mình khi biết mức học phí gửi trẻ ở Trường Maple Bear khoảng từ 9 đến 12
triệu đồng/tháng. Vậy mà các em nhỏ lại phải ăn những món ăn được chế
biến không bảo đảm vệ sinh, thậm chí có thể nói là “bẩn ở mức kinh dị”.
Gần đây, một nhóm phụ huynh có con đang theo học tại các cơ sở khác nhau
của Trường Maple Bear đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ tại nơi cung
cấp đồ ăn hàng ngày cho học sinh Trường Maple Bear – Công ty Cơm Việt.
Các phụ huynh bàng hoàng nhận ra bếp nấu của Công ty Cơm Việt rất bẩn
thỉu, nhếch nhác. Một phụ huynh cho biết: “Tại đó, vật dụng phục vụ nấu
ăn, ống cắm đũa hoen rỉ, khăn lau bát đũa phơi tại khu vực trông bẩn
thỉu. Ngoài ra, máy xay thịt để dưới đất, cũng cáu bẩn. Thậm chí có cả
chân gián trong bơ thực vật. Tủ đông không cắm điện, một bên để thịt có
nước chảy trong túi nilon, một bên để rau, mướp đã nhũn cùng với măng,
chè đỗ đen và miến…”.
Một
phụ huynh có 2 con học tại lớp KB2, SB2 của trường phân tích: “Từ tháng
12/2010 nhà trường đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Cơm Việt để cung cấp
thức ăn cho các con tại trường. Điều này có nghĩa một năm rưỡi qua con
chúng ta đã ăn thực phẩm do cơ sở này chế biến”. Được biết, bản hợp đồng
cung cấp dịch vụ ăn uống cho học sinh giữa Trường Mapble Bear và công
ty trách nhiệm hữu hạn Cơm Việt, đơn giá bữa sáng cho học sinh là 11.000
đồng/suất, bữa trưa 22.000 đồng/suất, và bữa chiều là 11.000 đồng/suất
(chưa kể VAT).
Hợp đồng ký trước, Công ty Cơm Việt thành lập sau?
Sau
chuyến “khảo sát” của nhóm phụ huynh và giữa lúc nhà trường cùng các
phụ huynh còn chưa đi đến sự đồng thuận về những phương án tiếp theo thì
cơ sở của Công ty Cơm Việt bỗng dưng đóng cửa im ỉm, biển hiệu được dỡ
bỏ. Không ít người nghi ngại: phải chăng Cơm Việt chính là “sân sau” của
một ai đó trong ban lãnh đạo Trường Maple Bear. Theo một số phụ huynh
của Trường Maple Bear tìm hiểu, Công ty TNHH Cơm Việt – đơn vị cung cấp
suất ăn hàng ngày cho các bé ở trường này đăng ký thành lập vào ngày
22/11/2010. Giám đốc của công ty là ông Đào Xuân Ích. Theo bản đăng ký,
đây là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ ăn uống theo hợp đồng. Tuy
nhiên, công ty này lại ký hợp đồng cung cấp dịch vụ ăn uống cho học sinh
với Trường Maple Bear vào ngày 1/12/2010. Như vậy, công ty này được
thành lập trước ngày ký hợp đồng khoảng hơn 1 tuần (?!)
Nhiều
phụ huynh bức xúc kể: trong cuộc họp ngày 21/5, đại diện của Trường
Maple Bear đã xổ toẹt: “Nếu không hài lòng với những quyết định và hành
động của trường, phụ huynh có quyền chấm dứt sử dụng dịch vụ”. Đã thế,
phụ huynh còn sửng sốt hơn khi chuyến đi khảo sát của họ diễn ra vào thứ
5 tuần trước (17/5/2012), thì ngay sau đó một ngày (18/5/2012), đoàn
kiểm tra do Phó chánh thanh tra Sở Y tế – ông Hàn Tự Do cùng Thanh tra Y
tế đã kiểm tra đột xuất công ty này. “Kết quả, công ty có đầy đủ các
giấy tờ hợp lệ, có cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm. Nguồn thực phẩm
đầu vào của công ty được lấy chủ yếu của siêu thị Metro và các siêu thị
tin cậy trên địa bàn”.
Khi
một số phóng viên tìm đến cơ sở của công ty này ở địa chỉ số 108, tập
thể Giao thông 208, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì thấy cơ
sở này đóng cửa và tấm biển của công ty cũng đã được tháo gỡ. Chủ nhà
cho thuê địa điểm cho biết, Công ty Cơm Việt đã không còn hoạt động nấu
nướng từ 3 ngày nay và chuẩn bị chuyển địa điểm khác. Tiền thuê nhà hơn
20 ngày trong tháng này họ cũng chưa thanh toán và đồ đạc cũng chưa được
chuyển đi”. Và cho đến ngày bỗng dưng biến mất, lãnh đạo Công ty Cơm
Việt vẫn là một ẩn số, kiên định với giải pháp “im lặng chờ bão qua”. Mà
“quả bóng trách nhiệm” trong câu chuyện này không chỉ nằm ở phía trường
Maple Bear.
Trường và phụ huynh nhọc nhằn tìm lại “tiếng nói chung”
Một
số phụ huynh cho biết: Ngày 18/5, bà Nguyễn Thị Thu Hải – Giám đốc điều
hành Công ty TNHH MTV Citymart Company, người đang giữ vị trí Hiệu
trưởng nhà trường đã có cuộc họp khẩn cấp với một số phụ huynh ở cơ sở
Golden Westlake nhưng không giải quyết được vấn đề gì. Một phụ huynh
tham dự cuộc họp kể: “Cô Hải thừa nhận chưa bao giờ đến khảo sát bếp của
Công ty Cơm Việt. Và thực tế là nhà trường không hề giám sát chất lượng
của các bữa ăn”. Nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc vì khi mọi việc vỡ lở
thì cô Hải nói với phụ huynh rằng, gia đình có thể tự chuẩn bị đồ ăn cho
con trong giai đoạn này. “Tại sao chúng tôi đóng tiền học phí cho con
cao hơn hẳn so với các trường khác, kể cả là các trường mầm non quốc tế,
để rồi hàng ngày phải mang cơm cháo đến lớp cho con? Hơn nữa, nhà
trường bảo quản đồ ăn chúng tôi mang đến thế nào? Cho con chúng tôi ăn
thế nào? Nguội hay nóng phụ thuộc vào vật dụng đựng thức ăn chúng tôi
sắm sửa ư?”.
Tại cuộc họp giữa Ban
lãnh đạo Trường Maple Bear với các phụ huynh vào ngày 21/5, chị Phạm
Ngọc Lan – phụ huynh học sinh cho biết: “Sau khi biết thông tin con mình
hằng ngày phải ăn những thực phẩm ôi thiu ở trường đang theo học, tôi
đã đưa con đi khám vào cuối tuần trước.
Kết
quả là bác sĩ phát hiện ra trong dạ dày của bé có một cục hạch. Bác sĩ
bảo nguyên nhân là do thức ăn hàng ngày của cháu”. Trong cuộc gặp lần
này, ông Thomas Chan, Tổng giám đốc Trường Maple Bear còn nói, những
hình ảnh mà các mẹ đưa ra trong cuộc họp không chứng tỏ được việc thức
ăn có bị ô nhiễm và là thực phẩm được chế biến cho học sinh Trường Maple
Bear hay không. “Chúng tôi là chuyên gia giáo dục, không phải là chuyên
gia dinh dưỡng nên không thể biết được thực phẩm bẩn có vào trong
trường và đi vào trong dạ dày của các em hay không. Chúng tôi chọn đơn
vị cung cấp thức ăn này vì họ đảm bảo những yêu cầu về giấy tờ, chứng
nhận, bằng cấp. Chúng tôi trả 48.400 đồng/ngày tiền thức ăn là đã cao
hơn mức hiện nay, vì mức tiền ăn của các trường công lập chỉ
25.000đ/ngày”.
Nói lời xin lỗi… dường như quá khó?
Quả
thực, lý lẽ trên của lãnh đạo nhà trường không thể “lọt tai”. Một số
phụ huynh yêu cầu nhà trường đổi đơn vị cung cấp thức ăn trong lúc chờ
trường xây bếp ăn riêng. Một số đề xuất các thương hiệu như nhà cung cấp
Aden (cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh trường quốc tế Pháp, Hanoi
Academy…).
Ngày 21/5, sau khi trình
chiếu cho phụ huynh xem những giấy tờ chứng minh về công ty Cơm Việt đủ
điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm như: Giấy chứng nhận vệ sinh an toàn
thực phẩm, giấy chứng nhận bảo hiểm suất ăn cho trẻ, hợp đồng với nhà
cung cấp thực phẩm và hóa đơn mua hàng tại một số siêu thị… nhà trường
đã “thay mặt Công ty Cơm Việt” xin lỗi phụ huynh. Các phụ huynh cho
rằng, như vậy là chưa thỏa đáng, nhà trường cần phải có những bồi thường
cụ thể như học phí và các khoản phí khám sức khỏe toàn diện cho các bé.
Thậm chí có nhiều phụ huynh còn yêu cầu thay Ban Giám hiệu hiện nay của
nhà trường. Nhiều người bất bình khi Tổng giám đốc nhà trường ủy quyền
cho một luật sư đứng ra gặp gỡ phụ huynh, vì điều này chứng tỏ sự thiếu
thiện chí và tôn trọng phụ huynh. Ngoài ra, trong cuộc họp ngày 21/5,
trong khi vị luật sư này yêu cầu phụ huynh không được quay phim cuộc
họp, ai vi phạm sẽ bị mời ra ngoài, thì ở một góc xa trong phòng, ngay
cạnh khu vực giáo viên của trường ngồi dự họp, trường lặng lẽ ghi hình
cuộc họp bằng máy quay chuyên nghiệp.
Sau
nhiều cuộc tiếp xúc không thành công, đến chiều ngày 28/5, lãnh đạo
Trường Mapple Bear trả lời một báo điện tử về việc trường thừa nhận
trách nhiệm khi để xảy ra sự cố liên quan đến chất lượng đơn vị cung cấp
thức ăn cho học sinh. Tổng Giám đốc Thomas Chan nói trên báo: “Chúng
tôi thừa nhận đây là sự việc nghiêm trọng, lãnh đạo Trường Mapple Bear
xin thừa nhận trách nhiệm đã không giám sát chặt chẽ cơ sở chế biến thức
ăn cung cấp cho nhà trường. Chúng tôi thành thật gửi lời xin lỗi đến
các phụ huynh về sự cố đáng tiếc này, Trường Mapple Bear cam kết sẽ nỗ
lực khắc phục trong thời gian sớm nhất để cung cấp những dịch vụ tốt
nhất cho các học sinh đang học tập tại trường…”. Ông Thomas cũng đưa ra 6
cam kết đối với phụ huynh trong việc khắc phục hậu quả sự cố an toàn
thực phẩm.
Tuy nhiên, các phụ huynh
cho biết, họ chưa nhận được lời xin lỗi chính thức nào từ phía nhà
trường, chỉ có một quyển sổ được gửi tới từng phụ huynh trong đó có thư
của ông Thomas Chan viết về những tiêu chí giáo dục của trường; thông
tin giới thiệu hiệu trưởng mới, giới thiệu đầu bếp sẽ giám sát chất
lượng thức ăn và nhà cung cấp thực phẩm Aden; giấy xác nhận của một
phòng khám ở Vạn Bảo về việc không cần thiết phải khám tổng thể cho toàn
bộ học sinh của trường sau vụ việc này vì thức ăn chế biến không hợp vệ
sinh không có ảnh hưởng lâu dài. Hiện phụ huynh của trường đã gửi bản
kiến nghị với những đề xuất cụ thể và đưa ra thời hạn 5 ngày để ban lãnh
đạo nhà trường trả lời về phương án giải quyết. Trong khi đó, học sinh
của trường đang khá chật vật để thích nghi với bữa trưa do khách sạn Hà
Nội cung cấp, bởi khách sạn không quen nấu cho trẻ với nhiều lứa tuổi
khác nhau; các bữa phụ (sáng và chiều) của trẻ chỉ đơn thuần là bánh và
sữa mua sẵn trong siêu thị. Nhiều phụ huynh đành chấp nhận mang đồ ăn
chế biến sẵn ở nhà đến trường cho con.
Huyền Trang
(Năng lượng Mới số 125 ra thứ Sáu ngày 1/6/2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét