Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

LÊ NGUYỄN KỂ CHUYỆN NGOẠI GIAO - III


             MỘT CUỘC TIẾP XÚC NHỚ ĐỜI

Năm 1988, tôi được nhà nước cử làm Đại sứ ở Liên bang Mexico. Theo thông lệ, sau khi trình quốc thư lên Tổng thống nước bạn, tôi lần lượt xin chào xã giao lãnh đạo một số bộ ngành nước sở tại và các đại sứ trong đoàn ngoại giao ở thủ đô Mexico, trong đó có đại sứ nước B.
Đại sứ hẹn tiếp tôi lúc 10 giờ sáng. Mật độ ô tô ở thủ đô Mexico rất cao nên chuyện tắc đường gây chậm trễ trong hoạt động ngoại giao thường xảy ra. May mắn tôi đến sứ quán nước B đúng hẹn, thậm chí còn sớm hơn vài phút. Đại sứ ra đón tôi tại tiền sảnh sứ quán, bắt tay niềm nở. Bỗng ông quay ra nhìn chiếc ô tô vừa đưa tôi đến (xe Nissan, nhỏ, cũ và không có điều hòa) và nói :
- Sao ngài Đại sứ đi xe này ? Đoàn ngoại giao ở Mexico hiếm người dùng xe này lắm.
Tôi hơi bị đột ngột nhưng cũng phản ứng lại một cách tự nhiên :
- Ngài Đại sứ thân mến, đúng là xe trông không đẹp, không sang nhưng nó làm việc rất tốt. Ngài thấy đấy, nó đưa tôi đến đây rất đúng giờ hẹn của Ngài, có sai phút nào đâu.
Đại sứ dẫn tôi vào phòng khách. Tôi hơi ngợp. So với phòng khách của Sứ quán mình thì nó rộng và sang trọng quá. Từ thiết bị, bàn ghế đến ảnh trang trí bên trong hầu như đều là sản phẩm từ nước họ đưa sang. Đại sứ hỏi tôi :
- Bây giờ chúng ta nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ nào đây, tiếng B nhé ? Hơi bối rối một chút, tôi trả lời :
- Thưa Đại sứ, chúng ta đang sống và làm việc ở Mexico nên theo tôi thì dùng tiếng bản địa (Tây-ban-nha) thì thuận và có ý nghĩa hơn.  Hơn nữa, thú thật với Ngài Đại sứ là tôi không nói được tiếng B.
Đại sứ cười nhẹ :
- Xin lỗi, lần đầu tiên tôi được tiếp chuyện một Đại sứ Việt Nam mà không biết tiếng B.
Tôi bắt đầu càm thấy khó chịu và trả lời :
- Thưa Đại sứ, đúng là trước đây dưới thời thuộc địa, rất nhiều người Việt nam biết và thông thạo tiếng B vì lúc đó trong các trường học, tiếng B là ngôn ngữ bắt buộc. Nay độc lập rồi thì trong các trường học, từ phổ thông cho đến đại học, người Việt Nam chúng tôi có quyền lựa chọn ngoại ngữ mà mình thích, hoặc tiếng Anh, tiếng B, hoặc tiếng Nga, tiếng Trung...Riêng tôi được nhà nước đào tạo chuyên ngành ngoại giao và chuyên sâu khu vực Mỹ La tinh nên đối với tôi, tiếng Tây-ban-nha là ngoại ngữ tất yếu, không thể thiếu được để phục vụ công tác. Thực tế là Ngài Đại sứ cũng đã học ngoại ngữ Tây-ban-nha và chúng ta cũng đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây-ban-nha đấy thôi !
Sau màn chào hỏi có phần không được suôn sẻ lắm đó, chúng tôi bắt đầu vào nội dung câu chuyện nghề nghiệp, trao đổi với nhau về mối quan hệ giữa nước B với Mexico, Việt Nam với Mexico...Buổi gặp sắp đến hổi kết thúc, Đại sứ B chuyển sang hỏi tôi về chuyện gia đình, con cái. Khi nghe nói chúng tôi có mang theo một cháu trai khoảng 8 tuổi, ông ta liền hỏi thế hiện cậu bé đó học ở đâu ? Câu chuyện chạm đúng vào tâm trạng của chúng tôi nói riêng và có thể nói đối với tất cả cán bộ ngoại giáo nói chung trong thời kỳ đó (những năm 90 trở về trước) mỗi khi được ra nước ngoài công tác. Nếu để các cháu nhỏ ở nhà thì không yên tâm vì thiếu sự chăm sóc, dạy bảo của bố mẹ. Nếu mang theo thì ngoài tiền vé tàu xe thì còn phải tính đến tiền ăn học vì sinh hoạt phí của cán bộ ta lúc đó quá ít ỏi. (Sinh hoạt phí của tôi cộng với của phu nhân khoảng 150 USD mỗi tháng). May mắn là thông qua quan hệ với Đại sứ Liên xô (lúc đó), cháu của tôi được nhận vào học miễn phí tại trường con em cán bộ sứ quán Liên xô tại Mexico.
Tôi nói với Đại sứ B, lúc đầu định cho cháu vào trường Mexico, nhưng cháu rất ngần ngại, chỉ muốn vào trường Liên xô nên hiện cháu đang học tại trưởng dành riêng cho con em cán bộ đại sứ quán Liên xô ở thủ đô Mexico. Tôi vừa dứt lời thì ông ta nói ngay :
- Sao Đại sứ lại cho cháu vào học trường Liên xô, ở đây cộng đồng người B chúng tôi có trường dạy riêng bằng tiếng B. Nếu Đại sứ thấy cần, tôi sẵn sàng nói giúp để cháu vào học trường B theo chế độ bán trú với mức học phí không đến 1000 USD một tháng !
Tôi chân thành cám ơn tình cảm và sự quan tâm của Đại sứ, hứa về hỏi nguyện vọng và ý kiến của cháu, nếu cháu thuận chắc chắn tôi phải làm phiền đến Đại sứ (thực tế chuyện đó đã không thể xảy ra).
Cùng với thái độ chân tình, cởi mở, Đại sứ B tiễn và chia tay tôi tại tiền sảnh.
Trong cuộc đời mấy chục năm làm ngoại giao, tôi đã có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với Đại sứ của nhiều nước khác nhau, từ Á, Âu đến châu Phi, châu Mỹ, nhưng cuộc tiếp xúc tôi vừa nói trên thực là hiếm có, một cuộc tiếp xúc nhớ đời.  

1 nhận xét: