Lời giới thiệu: Khi tôi hỏi, “Thưa chú, cháu muốn viết vài dòng giới thiệu về chú thì, theo chú, cháu nên viết như thế nào cho đúng, đủ và không thừa ạ?
Chú Trần Việt Phương trả lời rằng, “Chỉ cần một dòng thôi, không tới vài dòng đâu cháu ạ: Trần Việt Phương, tên khai sinh Trần Quang Huy, người Hà Nội gốc, sinh năm 1928, hoạt động yêu nước từ năm 1944 và làm thơ từ năm 1960”.
Tôi hỏi xen ngang, “Thưa chú, chú định làm thơ cho đến bao giờ?”. Không suy nghĩ, chú Trần Việt Phương nói như nói từ trái tim ra, “Chú nghĩ rằng người làm thơ cần tự biết mình, khi không còn sức sáng tác thì nên dừng lại. Có một nhà thơ đàn anh dặn chú: “Có thể gắng làm thơ, nhưng đừng gượng làm thơ”. Chú thấy lời dặn ấy rất đúng và chú xin làm theo như vậy”.
Đợi chú dứt lời, tôi hỏi: Thế còn công việc phải làm của một chuyên gia cao cấp kinh tế - chính trị chú định bao giờ thì kết thúc ạ? Chú trả lời, giọng chú rất nhỏ: “Đó là nghiệp, không phải nghề, cháu ạ”.
Tôi nghĩ, giới thiệu chừng đó về chú chưa đủ, vội nêu ý muốn viết thêm dòng nữa, dòng đó như thế này đây: “Ông không tự nhận mình theo đạo Phật nhưng tất cả những gì toát ra từ ông, rất Phật". Chú đồng ý thêm câu này vào lời giới thiệu.
Chú là như vậy, và nội dung bài phỏng vấn này sẽ thể hiện như vậy: Một Trần Việt Phương bàng bạc Phật tính một cách tự nhiên, Phật tính mà như không Phật tính.
Tạ Thị Ngọc Thảo (ttnt): Thưa ông, ông là người mà, từ trẻ, đã đi theo cách mạng, đã làm cách mạng, đã sống với cách mạng, đã thuộc vào tầng lớp lãnh đạo cách mạng, và đã được trí thức, quần chúng yêu quý như một nhà chính trị chân chính; xin ông vui lòng cho biết người làm cách mạng có một đời sống tâm linh không?
Trần Việt Phương (TVP): Tôi làm cách mạng từ trẻ nhưng chưa bao giờ thuộc tầng lớp lãnh đạo cách mạng.
Theo tôi hiểu, hiện nay có những quan niệm khác nhau về tâm linh là gì và có vai trò như thế nào. Xin không đi vào những vấn đề ấy. Tôi chỉ nghĩ rằng người nào cũng có tâm linh và có đời sống tâm linh, dẫu có tự biết rõ như vậy hay không.
Người làm cách mạng nói chung là một người tỉnh thức, nên có một đời sống tâm linh mà tự mình biết rõ.
Năm 16 tuổi, khi bắt đầu làm cách mạng, do trải nghiệm chừng nào cuộc sống trên phố hè Hà Nội và do học văn học Pháp, tôi biết khái niệm linh hồn và đã có cảm nhận thực tế về linh hồn. Công tác cách mạng đầu tiên của tôi là chiến đấu chống một âm mưu và hành động định tha hoá linh hồn lớp học sinh trẻ chúng tôi. Càng lớn lên, càng làm cách mạng lâu hơn, tôi càng thấy tầm quan trọng sâu xa của đời sống tâm linh đối với con người và xã hội người.
ttnt: Những người làm cách mạng ở Việt Nam thường có ý thức cách mạng từ nhỏ, do phần đông người làm cách mạng là dân nghèo, hoặc có kinh nghiệm sống với dân nghèo. Riêng ông, lúc nhỏ, ông đã có kinh nghiệm sống gì khiến ông vừa là người đi làm cách mạng, vừa là người có những kỷ niệm gần gũi với nhà Phật?
TVP: Tôi là con thứ tư trong một gia đình có 7 con của một công chức bậc thấp thời trước, chồng là giáo viên tiểu học, vợ vốn là người bán rau, sau khi lấy chồng thì ở nhà làm nội trợ và nuôi dạy con. Từ năm 10 tuổi đến năm 16 tuổi, đến khi đi làm cách mạng, tôi là bạn hàng ngày của nhóm thiếu niên, thanh niên dân nghèo đầu đường xó chợ ở chợ Hôm và phố hè Quận Hai Bà, Hà Nội.
Suốt 6 năm ấy, trong tôi có một người học sinh trường Bưởi (tôi chỉ dành rất ít thì giờ cho việc học), và có một đứa trẻ đầu đường xó chợ trong phần lớn thời gian của mỗi ngày, mỗi đêm. Một lần cùng bạn đầu đường xó chợ đi qua nhà tôi ở phố Mai Hắc Đế, gần chợ Hôm, tôi chỉ vào nhà mà bảo : “Nhà tao đây”, thì dẫu đó là căn nhà một tầng xoàng xĩnh, các bạn tôi đều nghĩ rằng tôi là đầy tớ, ngày xưa gọi là “thằng nhỏ”, vừa xin được vào hầu hạ trong nhà ấy, chứ không thể nghĩ tôi là con chủ nhà.
Kỷ niệm và bài học đầu đời thấm thía của tôi, theo tôi suốt đời, là từ một gia đình nghèo, ngày càng sa sút, từ bạn đầu đường xó chợ, từ Văn hoá phương Tây, đặc biệt là chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Pháp.
Tôi đã được gặp nhiều người Phật, đặc biệt là trong dân nghèo.
ttnt: Ông là nhà chính trị, ông là hội viên Hội nhà văn, và ông còn là một nhà thơ - trong thơ ông cũng đượm chất cách mạng. - Tập thơ “Cửa mở” của ông thể hiện điều đó. Ông có thể chia sẻ điều gì đã thôi thúc ông viết những vần thơ khí khái và đẹp đẽ như thế?
TVP: Thơ của tôi là ước vọng và chừng nào thực tế cuộc đời tôi, là cách tôi hiểu, tôi quan hệ với con người, với cuộc đời, với sự sống.
ttnt: Trong những bài thơ nóng bỏng tính chính trị và cách mạng của ông, lại có những câu thơ mà người đọc, nếu là Phật tử, sẽ suy qua lĩnh vực khác. Ví dụ, hai câu thơ trong bài thơ “Ai”: “Ta giãy giụa trong vòng xoáy sinh tồn/ Chỉ mong một môi trường không ô uế”. Thưa ông, “môi trường không ô uế” mà ông mong đó có phải chỉ là môi trường chính trị? Có bao giờ ông nghĩ, tư tưởng Phật giáo có thể góp phần lớn tạo ra môi trường không ô uế đó?
TVP: Tôi nghĩ rằng triết học Phật góp phần rất to lớn tạo ra môi trường sống không ô uế.
Theo sự tìm hiểu còn rất sơ lược và có thể có chỗ sai lầm của tôi đã nhiều năm rồi về lịch sử triết học, tinh thần, tâm linh của Ấn Độ, từ thời Vedi khoảng hơn 9000 năm trước Giê-xu, qua thời Bà-la-môn chừng 1500 năm trước Giê-xu, đến thời Phật hơn 500 năm trước Giê-xu, tôi còn nhớ lại như sau :
Buddha trong tiếng Sanskrit có nghĩa là người tỉnh thức, người đã tự khai sáng, nghĩa ấy dần dần rộng thêm ra, nói về người đại ngộ, gặp được niết bàn (nirvana) ngay trong mình, trở thành người đại hạnh, người đã đến được nơi tận cùng cần đến. Shakyamuni (Thích ca mâu ni) có nghĩa là người hiền triết (muni) thuộc lớp người Shakya, là lớp tinh hoa của đẳng cấp tinh hoa, vốn tên là Gautama. Shakyamuni là một người hiền triết thuần khiết, nhưng không phải người duy nhất. Chỉ riêng ở Ấn Độ, trước và sau Gautama, có nhiều người hiền triết thuần khiết. Ở khắp các thời và khắp các nước trên thế giới, những người hiền triết thuần khiết càng nhiều hơn.
Điều đặc biệt của Gautama là sau khi đại ngộ, Gautama đã dành 45 năm, từ năm 35 tuổi đến năm từ trần 80 tuổi, để đi tuyên đạo, truyền đạo và hành đạo, trở thành người sáng lập Phật giáo. Một trong những chỗ sáng giá của Phật giáo nguyên thủy là chống lại tư tưởng và tinh thần phân chia đẳng cấp quá nặng của Bà-la-môn, tự tôn Bà-la-môn là đẳng cấp thượng đẳng.
Có một chi tiết trong đời Gautama tôi rất thích : Sau khi rời gia đình quyền quý ra đi, cùng với 5 bạn đường sống đời khổ hạnh, ở đáy của xã hội, chịu mọi đau thương, cực nhọc, vừa sống điêu đứng vừa suy ngẫm, chiêm nghiệm, đến cuối năm thứ 5, Gautama thấy ra rằng khổ hạnh và ép xác như vậy không phải là con đường chân chính để đến nơi cần đến, nên đã bỏ, không tiếp tục như thế, và bị 5 người bạn cho là phản bội. Nhưng chính nhờ sự thấy ra ấy, cũng là một sự ngộ quan trọng, mà 1 năm sau, Gautama đại ngộ khi ngồi suy ngẫm dưới một gốc cây bồ đề. (tôi dùng những từ của tôi : "suy ngẫm", "chiêm nghiệm", chắc không phải từ nhà Phật).
Về triết học, theo cảm nhận có tính chất cá nhân của tôi, sự đại ngộ của Gautama có thể tóm tất là : Cùng một lúc, Gautama thấy tất cả, nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy, cảm thấy tất cả, cái tất cả ấy thật sự là tất cả, bao gồm tất cả sự người trên trái đất, và rộng lớn hơn đến vô cùng, tất cả sự sống trong tất cả các vũ trụ, vũ trụ này và các vũ trụ khác, đồng thời cùng một lúc, Gautama thấy tất cả là không có gì.
Tất cả là không có gì, và không có gì là tất cả. Tôi hiểu rằng câu trên đây là sự tóm lược thô thiển, thiếu sót, và có thể sai, triết học rất sâu xa, phong phú của Ấn Độ thời Phật, với đóng góp của nhiều nhà triết học Ấn Độ xuất sắc, mà người ta gọi chung là triết học Phật.
Về kinh Phật, tôi có một kỷ niệm: Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tôi gặp một bài tôi rất thích, trong đó có một đoạn ý là Nguyễn Du từng đọc nhiều kinh Phật, nhưng thấy chưa được rõ ràng, cho đến khi nhận ra rằng :
"Tài tri vô tự thị chân kinh"
(Tạm dịch : Mới biết rằng không có chữ là chân kinh)
Trong bài ấy, tôi đặc biệt thích hai câu :
"Nhân liễu thử tâm nhân tự độ
Si tâm quy Phật, Phật sinh ma"
(Tạm dịch : Người tự biết lòng mình thì người tự cứu
Si tâm quy Phật, Phật sinh ma)
Tôi đã nghĩ đến bài ấy khi tôi viết :
"Sáng đi quanh Hồ Gươm xem mua bán
Đêm khuya về thơ chữ Hán Nguyễn Du
Hà Nội phố nhoáng nhoàng và thanh thản
Hương a còng lãng mạn đẫm mùa thu"
Tôi thường nghĩ rằng: Sống tử tế, lương thiện, giản dị, chân thành, vị tha, sống hướng tới cái đúng, cái đẹp, cái tốt, sống phấn đấu phát hiện và thực hiện cái mới, cái sáng tạo là sống Phật, tuy không hề nghiên cứu triết học Phật, cũng không hề theo Phật giáo. Có nhiều lúc, tôi muốn viết “triết học phật”, chứ không phải “triết học Phật”. Ở đây, Phật là danh từ chung, không phải danh từ riêng.
ttnt: Einstein, nhà bác học của thế kỷ 20, có viết: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Triết học Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (Helen Dukas và Banesh Hoffman (bt.), “Albert Einstein - Bình diện nhân văn”, NXB Đại học Princeton, 1954). Ông nghĩ sao về nhận định này?
TVP: Einstein là người từ trẻ tôi đã rất ngưỡng mộ, vô cùng ngưỡng mộ, về trí tuệ, khoa học và nhân cách. Tuy nhiên, trong câu nhận định này của Einstein, từ nhận thức và trải nghiệm của mình, nếu được phép, tôi xin thay "tôn giáo" bằng "niềm tin", và thay " triết học Phật giáo" bằng "triết học Phật".
ttnt: Đã hơn một lần ông tự nhận mình là “con vật chính trị” (political animal). Cụm từ đó có một định nghĩa chính xác và nhân bản xuất phát từ quyển “Chính trị” của triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384–322 TCN). Aristotle đã viết: “Mục đích của con người là đi tìm hạnh phúc”. Quan điểm này rất gần với đạo Phật, vì mục đích tối hậu của Đức Phật là chấm dứt khổ đau. Vậy “con vật chính trị” trong ông ý niệm gì về đạo đức và suy nghĩ gì về hạnh phúc, thưa ông?
TVP: Tôi là một con vật chính trị suốt đời, mà nghề nghiệp không phải chỉ là hoạt động chính trị thực tiễn, dẫu nếu tốt đẹp thì hoạt động ấy giàu tình yêu và tính nhân văn. Nghề nghiệp của tôi là suốt đời phấn đấu vận dụng trong chính trị thực tiễn triết học, lý luận, tư tưởng mà tôi lựa chọn, noi theo, và những cảm xúc, những tình cảm của riêng tôi
Con vật chính trị ấy đã viết nhiều lần 2 ý sau đây :
"Đi cho cuối đất cùng trời
Đến nơi người thật là người với nhau"
Và
"Một đời tích oán nuôi hờn
Thì thôi một giọt tình thương cũng vừa
Từ bao giờ đến bây giờ
Người thương người để nắng đùa trong cây
Bàn tay nắm lấy bàn tay
Nâng niu cuộc sống mỗi ngày người ơi"
ttnt: Đọc thơ ông ai cũng nhận ra sự tiếc nuối một quá khứ trong trẻo, sự bẽ bàng trước thực tế hiện nay, và mơ ước một tương lai tươi sáng. Tâm trạng ấy có giúp cho ông tự tại như hai câu thơ đậm tính thiền trong bài “Nghĩa” của ông: “Không có gì tạo thành tất cả / Tất cả đầy những không có gì.”?
TVP: Tôi không tiếc nuối một quá khứ trong trẻo, mà chỉ cố gắng góp phần kế thừa thành tựu và tránh khỏi thất bại của quá khứ. Tôi không bẽ bàng trước thực tế hiện nay, mà chỉ cố gắng góp phần phát huy những mảng sáng và loại bỏ những mảng tối trong thực tế hiện nay.
Nhận thức của tôi dần dần định hình lại là :
Sự sống rộng lớn hơn sự người (từng người và cả loài người). Chỉ xét riêng trên trái đất này, con người là một thành tố trọng yếu của sự sống, nhưng thành tố người bình đẳng và phải tương kính, tương thân, tương ái với các thành tố khác, như cát bụi, đất đá, nước lửa, cây cỏ, chim muông, ngày đêm, sáng tối, trước đây, bây giờ, sau này, sát kề, gần gũi, xa xôi… , mỗi thành tố đều có sự chủ động của mình góp phần tạo nên sự sống trên trái đất. Sai lầm rất nặng là chủ nghĩa "con người là trung tâm", tệ hơn nữa, chủ nghĩa "con người là tạo hoá".
Nhìn rộng ra trong vũ trụ này và trong tất cả các vũ trụ khác, những thành tố của sự sống không sao biết hết và kể xiết, sự sống thật sự vô cùng vô tận và bất diệt. Một ví dụ “nhỏ” : Trên Diêm Vương Tinh, theo thời gian ở trái đất, thì 60 năm mới có 1 lần mùa xuân.
Triết học Phật nhận ra rằng mọi thành tố của sự sống chỉ có sự tồn tại trong quan hệ với nhau, chứ không thể tách riêng và có sự tồn tại riêng, tự thân.
Trên đây là tôi đã xin được nói rõ hơn một chừng nào hai câu :
"Không có gì làm thành tất cả
Tất cả đầy những không có gì
Tiếp ngay sau hai câu ấy, là lời nguyện cầu trần thế :
“Biến hoá thế nào thì biến hoá
Đừng làm cô gái mất hàng mi"
ttnt: Thưa ông, phải chăng chính Mẹ của ông đã góp phần không nhỏ làm nên một nhà chính trị được trí thức và quần chúng yêu quý? Và, Vợ của ông là người phụ nữ như thế nào mà trong một bài thơ của ông, bạn đọc thấy câu thơ “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi” được lấy làm tên bài ?
TVP: Mẹ tôi là người đã truyền cho tôi tình yêu thương con người, sự khiêm cung nhún nhường và điều tâm niệm về cách sống : "Khi trong đời có một người phải nhận phận hẩm hiu, phải chịu thiệt thòi, đau đớn, thì hãy luôn luôn nhớ rằng người ấy là mình". Mẹ tôi đã từ trần cách đây 68 năm. Trong cuộc sống hiện nay, tôi vẫn thường gặp và thầm nói chuyện với mẹ tôi, ban ngày và ban đêm.
Vợ tôi năm 2011 này đã 78 tuổi, cách đây 60 năm là học sinh của tôi ở trường sư phạm, từ 56 năm nay là người yêu, người vợ, người bạn tri kỷ thân nhất, người học sinh cũ, người em, người chị của tôi, từ nhiều năm nay là người mẹ của các con tôi, người bà của các cháu tôi, luôn luôn là chỗ dựa tinh thần và hậu phương tình cảm của tôi.
ttnt: Từ thời “khi xưa ta bé” ông có hay theo Mẹ đến chùa? Khi đã là nhà chính trị ông có thường cùng bạn đời của mình viếng chùa?
TVP : Tôi học triết học Phật, nhưng không theo tôn giáo Phật.
Tôi có từng đến thăm một số chùa Phật giáo, một số nhà thờ Thiên chúa giáo, một số nhà thờ Hồi giáo, như đến thăm những kiến trúc và những cảnh quan đẹp, trang nghiêm, thanh tịnh. Tôi hoàn toàn không biết và không theo các nghi thức Phật giáo. Riêng tiếng mõ, nhất là vào hoàng hôn và đêm khuya, thì tôi thấy đánh theo bất cứ cách nào, miễn là chậm rãi, đều thấm thía và sâu xa triết học.
ttnt: Thay mặt VHPGVN chân thành cám ơn ông về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này. Và, xin phép trân trọng chép tặng ông bài kệ đã giúp tôi giữ được sự an nhiên trước thời cuộc:
“Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời được an lành;
Tất cả các thời đều an lành.
Xin đức từ bi thường gia hộ”.
Lâu quá ghé thăm bác.
Trả lờiXóaVâng, bài phỏng vấn hay nhất là quan niệm của Trần Việt Phương về Phật tính. Xin phép bác đăng lại.