Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

PGS Trần Ngọc Vương: Cái gọi là hiếu học chỉ là hiếu danh

By NTZung, on October 13th, 2011

Đây là một bài phỏng vấn ông Trần Ngọc Vương (chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam Trung đại, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) về tình hình giáo dục VN
Là người đã nhiều năm nghiên cứu về văn hoá Việt Nam, PGS.TS Trần Ngọc Vương có những lý giải rất sâu sắc về sự  khủng hoảng các giá trị văn hoá, đạo đức cũng như thẳng thắn đưa ra những nguyên nhân của thực trạng này.
Có nhiều chuyện không ổn
Nhiều người cho rằng các giá trị đạo đức, văn hoá của ta đang bị đảo lộn?
Tôi nghĩ chúng ta phải thừa nhận một thực tế là xã hội đang khủng hoảng về các giá trị và có rất nhiều hệ giá trị đang bị lộ ra các bất cập. Chưa nói về “phần cứng”, mà ngay những cái có tính chất ứng xử của cá nhân trong đời thường thôi, nghĩa là đạo đức và văn hoá thể hiện ra trong hành vi của đời sống hằng ngày, thì cũng phải thừa nhận là đang có nhiều chuyện không ổn.
Ông muốn nói tới tính vị kỷ, cá nhân?
Có những thời gian người ta được (hay phải nói là bị) dopping bằng lý tưởng, thậm chí bằng những ảo tưởng, sáo ngữ. Nhưng ngày nay, dường như không ai còn có  thể: Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng, lòng nhẹ khoẻ anh dân quê sung sướng, ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành. Không còn tâm lý đó nữa. Không phải vì người ta kém cỏi mà là vì cái nhiệm vụ ấy, giai đoạn ấy, tâm thế ấy nó qua rồi, không lặp lại được nữa. Cái mà người ta quan tâm nhất là: Bao giờ thì tôi ổn? Bao giờ thì tôi đủ tiền để mua nhà, lập gia đình, nuôi con, nuôi được bố mẹ già… Trong thời chiến những câu hỏi kiểu đó không đặt ra một cách ráo riết, nhưng trong thời bình, loại câu hỏi này đặt ra trực diện và ráo riết đấy.
PGS.TS Trần Ngọc Vương
PGS.TS Trần Ngọc Vương
Và chính mỗi cá nhân cũng phải tự trả lời?
Câu hỏi đó phải được trả lời một cách rất thiết thực cụ thể. Vậy hãy cụ thể hoá nó đi. Nếu  những người có trách nhiệm không ý thức đầy đủ về việc đó mà cứ chờ đợi một sự tuần tự luỹ tiến nào đó thì mỗi người phải tự tìm cho mình các đáp án, các thủ đoạn, các phương tiện và cách thức để phản ứng lại tình huống, ngoại cảnh, môi trường. Có như vậy mới đáp ứng được các nhu cầu, đòi hỏi của cá nhân. Mà để tự phát, thiếu định hướng và giải pháp cụ thể cho hàng triệu người tức là loạn. Lúc bấy giờ mà lại loay hoay tìm chỗ, tìm nơi quy kết thì muộn rồi, hỏng rồi.
Cái gọi là hiếu học chỉ là hiếu danh
Ông đã viết, thách thức lớn nhất với giới trẻ là phải lựa chọn đúng các giá trị văn hóa cho chính mình…?
Đừng nhìn thanh niên và những người trẻ tuổi nói chung một cách quá siêu hình, thụ động và đánh giá họ một chiều. Nên nhớ rằng, nhân cách cá nhân trong rất nhiều phương diện lại được kiến tạo và tự kiến tạo từ rất sớm. Vì vậy, phải tôn trọng tính tự nhiên ở trong họ.
Đáng mừng là gần đây có những người trẻ tuổi từ chối nghiệp làm thuê giá cao để lựa chọn lấy một số phận làm chủ khó khăn. Cái đáng biểu dương là quyết tâm tự khẳng định, tự trưởng thành. Chính họ mới là những người có ý chí, có lý tưởng và mục đích rất cụ thể.
Tiếc là nhiều khi họ lại không được tạo điều kiện bởi xã hội đang cổ vũ cho những chuyện ngược lại, chẳng hạn những nỗ lực vô vọng nhưng lại rất tốn kém để bằng cấp hóa một con người, để có một cái danh. Ở nông thôn, cái tâm lý con đỗ đại học để vênh vang đang rất phổ biến, nhưng có bằng cấp rồi làm gì tiếp nữa thì lại rất thiếu rõ ràng.
Nhưng đó là truyền thống hiếu học?
Hoàn toàn không phải vậy. Hiếu học thực là bao giờ anh học thấy vui, thấy thích và quan trọng nhất là anh không quan tâm đến chuyện bằng cấp. Hiếu học ở đây là hiếu tri, ưa chuộng sự biết. Tôi có thể nói chắc chắn rằng người Việt Nam không hiếu học theo tinh thần đó. Nhiều người đỗ, ra làm quan rồi là không “thèm” học nữa cho nên tỷ lệ những người Việt trở thành bác học cực kỳ thấp. Cái mà chúng ta gọi là hiếu học chỉ là hiếu danh.
Hiếu danh thì cũng tốt chứ, vì nó sẽ thành mục tiêu để phấn đấu?
Đáng buồn đó lại là cái danh rất sơ đẳng là bằng cấp. Danh thật thì nó có khác. Người ta thích danh hiệu nhà thơ hơn là tác giả của những bài thơ thật hay. Trong khi đọc một bài thơ hay thường là người đọc quên tác giả đi, chỉ biết có bài thơ. Hiếu học thực sự là cái niềm vui bên trong tự nó, vui vì được khám phá, sáng tạo, tìm kiếm, vật vã trăn trở… Vậy thì điều cần giáo dục cho đứa trẻ đó là ý thức mãnh liệt về sự tự khẳng định, tự khám phá.
Điểm nóng của giáo dục
Như một số nhà giáo dục vẫn nói, phải tạo cho đứa trẻ tâm lý mỗi ngày đến trường là một ngày vui?
Học mà không có niềm vui thì sẽ là khổ sở, miễn cưỡng. Cá  nhân tôi ngày xưa cũng vậy, thích học, say mê cái sự  học. Bố mẹ là nông dân, gia đình từ  xa xưa cũng có ít nhiều truyền thống về học vấn, nhưng cái mà nhờ đó tôi trưởng thành lên và trong không khí gia đình còn bảo lưu được, đó là tinh thần giấy rách phải giữ lấy lề và một cái nếp gì đó rất mơ hồ về lòng tự trọng, tự tôn, không cho phép mình tự coi thường bản thân và khát vọng hướng tới cái gì đó là đích thực. Từ nhỏ tôi đã thấy thích đi học và học môn nào cũng thích. Khi vào đại học, ngoài môn học “của mình” rồi còn tìm kiếm đọc đầy hứng thú để hiểu về những lĩnh vực khác. Như là thỏa cơn khát vậy.
Đó là do tố chất?
Tố chất thì nhiều người có, nhưng để làm được nhiều việc  ra tấm ra món thì không hoàn toàn chỉ nhờ vào tố chất. Tôi quen biết rất nhiều người có tư chất trời sinh là vượt xa ngưỡng trung bình, mà rốt cuộc không có thành tựu gì đáng nói. Có người đáng trách, nhưng có người lại là nạn nhân của hoàn cảnh. Nhìn một cách tổng quát thì con người “được tạo ra” trước khi là “tự trở thành”.
Tức là vẫn phải quay lại với vấn đề giáo dục?
Phải nói rằng đến thời  điểm này việc đi tìm một triết lý giáo dục  đang trở thành vấn đề cực nóng. Tôi chọn bàn một “điểm nóng” cụ thể. Đó là mỗi năm chúng ta có trên 1 triệu học sinh tốt nghiệp phổ thông, nhưng chỉ có từ 1/8 – 1/10 số đó vào đại học, cao đẳng, học nghề… Chuẩn bị thế nào cho số còn lại bước vào đời? Chưa nói tới tiêu chí, lý tưởng, mục tiêu, khát vọng phấn đấu… chúng ta chưa có câu trả lời tổng thể cho họ mà còn chưa đáp ứng cái yêu cầu tối thiểu là có việc để làm.
Hàng triệu người mỗi năm tới 18 tuổi mà không có công ăn việc làm là nguy, là chúng ta đang tạo ra một đội ngũ tội phạm tiềm tàng rất lớn. Bởi vì “Đói ăn vụng, túng làm càn” bởi vì “Thừa thãi chân tay”. Định hướng giáo dục và đồng thời cả tiêu chí giáo dục phải trên cơ sở ấy. Cái thiếu lớn nhất của chúng ta là thiếu cụ thể trong các mục tiêu.
Xin cảm ơn ông về  cuộc trò chuyện này!
PGS.TS Trần Ngọc Vương sinh năm 1956 tại Quảng Bình, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1976, bảo vệ luận án Tiến sĩ  tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga 1994. Hiện ông là chủ nhiệm bộ môn Văn học Việt Nam Trung đại, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Các công trình chính: Loại hình học tác giả văn học – Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam; Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung; Văn học Việt Nam thế kỷ X – thế kỷ XIX những vấn đề lý luận và lịch sử; Di sản văn chương Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ.
Nhật Minh (Thực hiện)



4 comments to PGS Trần Ngọc Vương: Cái gọi là hiếu học chỉ là hiếu danh


  • ếch con MonsterID Icon ếch con
    Theo tôi nghĩ việc học cũng như làm việc sẽ có hai phần .Một phần để thỏa mãn đòi hỏi của một sinh vật :ăn ,uống ,vị trí của nó…Một phần hướng thượng với những lý tưởng cao cả .
    Trong nền giáo dục nước ta hình như chỉ chú trong đến phần đầu mà bỏ lơ phần sau .Ví dụ cụ thể là ta thấy hiện nay tỉ lệ đăng ký thi đại học cũng như số điểm của những khối nghành kinh tế ,ngân hàng đang cao hơn thậm chí vượt trội so với các khối ngành nhân văn như sử ,văn.
    Một triết lý giáo dục đầy đủ là một triết lý vừa đảm bảo cho con người duy trì sự tồn tại đơn giản nhất của mình vừa hướng con người đến vươn lên những giá trị cao cả .
  • Tố chất thì nhiều người có, nhưng để làm được nhiều việc ra tấm ra món thì không hoàn toàn chỉ nhờ vào tố chất. Tôi quen biết rất nhiều người có tư chất trời sinh là vượt xa ngưỡng trung bình, mà rốt cuộc không có thành tựu gì đáng nói. Có người đáng trách, nhưng có người lại là nạn nhân của hoàn cảnh. Nhìn một cách tổng quát thì con người “được tạo ra” trước khi là “tự trở thành”.
    Đừng tự hào vì mình nghèo mà học giỏi mà hãy tự hào vì mình học không giỏi mà vẫn giàu. Câu nói cửa miệng của dân miền Nam
  • Dag MonsterID Icon Dag
    “Đừng tự hào vì mình nghèo mà học giỏi mà hãy tự hào vì mình học không giỏi mà vẫn giàu. Câu nói cửa miệng của dân miền Nam”. Alas
    - Đấy không chỉ là câu nói của người miền Nam, đấy là triết lý của tuyệt đại đa số các thành viên dân tộc Việt Nam ngày nay. Cổ nhân có câu: “Chỉ vì tài nên vạ”. Trong truyện Kiều Nguyễn Du cũng viết: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Còn theo nhận xét của cá nhân của tôi: Không có ai lố bịch hơn là những kẻ sẵn tiền nhưng vô học, không có kẻ nào nguy hiểm hơn là những kẻ ngu dốt những cầm quyền sinh quyền sát trong tay. Một xã hội có quá nhiều những người học giỏi nhưng phải chịu cảnh nghèo hèn là một xã hội vô đạo, đáng phải giải tán hoặc để cho kẻ khác nô dịch.
    PS. Đây cũng nói thêm, tôi có thể không giầu, nhưng rất may không thể gọi là nghèo và cũng không thể coi là hèn.
  • vo vi MonsterID Icon vo vi
    Dân Việt thực ra không hiếu học. Đầu tiên, người ta học vì muốn thoát khỏi cảnh nghèo (làm nông dân). Sau đó là háo danh, cũng vì học không thực chất và cũng vì nghèo hèn nên thèm khát cái danh mà người khác có (kể cả dù biết là rởm)
    Theo tôi, người Việt bây giờ nên đặt mục đích học để biết xấu hổ, biết thấy nhục trước đã. Biết xấu hổ khi nói dối, và thấy xấu hổ khi phải nghe người thân (nhất là bề trên) nói dối. Đơn giản thế thôi, thì đã là căn bản để có cái học thật. Dù chỉ là học một nghề để kiếm sống, cho nó ngay thẳng, chưa nói chuyện cao xa tri thức, hiểu biết gì.
    Nhưng mà, tôi e để có điều đơn giản đó còn khó hơn lên Trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét