Cây cau vốn là hình ảnh của làng quê xưa nhưng bây giờ đã có nhiều người đem cau vào phố. Hàng cau thẳng và đẹp nhất Hà Nội có lẽ là hàng cau hai bên lối dẫn vào chùa Trấn Quốc ở Hồ Tây, bóng cau soi nước mặt hồ làm tăng thêm nét êm bình của một ngôi chùa Việt. Nhưng đấy là cau trồng trong chùa. Bây giờ cau còn được trồng trong phố, trước nhiều khách sạn lớn hay trong sân vườn một số công sở. Nhiều hơn cả vẫn là cau trồng ở nhà riêng. Nhiều người đặt dưới gốc cau một cái vại sành, lấy bẹ cau làm máng hứng nước mưa. Ai đã từng một lần uống nước mưa hứng tàu cau thì chỉ nhìn cái vại sành đặt dưới gốc cau là đã thấy mát lịm, ngọt ngào. Có người còn công phu trồng cạnh gốc cau một khóm trầu không, dây trầu quấn quít leo quanh thân cau, chắc để nhắc tới câu chuyện tình xưa có hai anh em cùng yêu thương một người con gái.
Hà Nội đã quen với hình ảnh những người bán cau rong. Họ đèo sau xe đạp thường là hai cây, có khi ba bốn cây đã cao hơn xải tay, đi từ phố này sang phố khác. Đi gần họ có thể nghe được cả tiếng lá cau non lật bật lẫn trong tiếng máy xe còi xe inh ỏi. Họ đến tận nhà người mua để trồng cây, hạ cây xuống hố rồi nắn nót cho cây cau đứng thẳng, đúng hướng, hoà hợp với khung cảnh xung quanh. Họ dặn khi cau bén rễ nên chôn quanh gốc một mớ ốc, cây sẽ lên xanh tươi. ở những công trình vừa xây dựng, người ta phải trồng loại cau vua, thân to một vòng ôm, cao tới sáu bẩy mét, lá to như lá dừa mới xứng với nhà cao tầng. Có to thật, nhưng thứ cau ấy để bên cạnh cau thôn quê chẳng khác gì thằng ngố khổng lồ bên cạnh cô thôn nữ duyên dáng. Bì sao được với cau ta !
Có cây cau trong phố là có cái loáng thoáng thôn quê trong nhộn nhịp Hà Nội. Mỗi nét cau là một nét chấm phá trữ tình trong bức tranh phố phường. Cau thôn quê nở hoa, thơm từ sáng đến tối, thơm thâu đêm. Cau trong phố cũng ra hoa nhưng không thơm được như thế. Thành phố thời hiện đại làm tan loãng đi ít nhiều những nồng nàn chân quê. Tuy vậy, chỉ loáng thoáng bóng cau cũng đủ làm dịu bao nỗi lòng, bớt đi nhiều mệt mỏi đô hội, làm cho tình cảm người ta lắng lại sau một ngày bươn chải.
Hà Nội đã hiếm người ăn trầu. Những buồng cau đều quả, bóng vỏ được đưa từ thôn quê về, chủ yếu chỉ dùng trong các lễ ăn hỏi. Người ta cắt chữ hỷ màu đỏ, nhỏ bằng đốt ngón tay, đem dán lên quả cau màu xanh vân vi, trông thật đẹp và trang trọng. Mẹ tôi đã sang tuổi tám mươi. Một sáng mùa thu, bà vừa bổ cau vừa bảo : các lễ ăn hỏi ngày nay, dù lịch lãm tân tiến đến đâu vẫn không thể bỏ qua miếng trầu quả cau.
Hỏi ra thì nhiều người muốn nhưng không phải ai cũng có thể trồng cau ở Hà Nội. Các cụ bảo “chuối sau cau trước” là vì vườn tược xưa rộng rãi, chứ người Hà Nội bây giờ lấy đâu ra lắm đất. Một mét đất mặt phố có khi đã là cả một sản nghiệp !
Những người trồng cau trong phố ai cũng nói vì nhớ quê. Trong số họ thế nào chẳng có người đã từng một thời ở làng, đã từng biết câu ca : “Ra vườn hái quả cau xanh, bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu”. Làm sao quên được những đêm trăng, hoa cau rụng sáng sân, phủ trắng nóc bể nước, vương như sao lấp lánh trên mái tóc người tình. Mùi hương hoa cau thanh bạch mà nồng nàn, hít thở nó rồi thì thứ hương thơm tinh khiết ấy sẽ theo ta mãi, bền chặt trong ta bất kể thời gian, không gian. Chẳng thế mà nhiều cô bác ở xa về thăm quê đã không ngại ngần mua đôi cau cảnh đem theo sang tận xứ người, trồng vào chậu, đặt trong nhà. Không được cau ta, có bóng dáng cây cau cũng là tốt. Bóng dáng cây cau là bóng dáng quê hương, cũng làm dịu đi bao nhiêu khắc khoải nhớ nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét