Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

TỪ THÙ ĐỊCH ĐẾN ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC

(Phát biểu của Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội thảo ngày 21 tháng 12 năm 2011 nhân kỷ niệm lần thứ 20 ngày kiến lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn quốc)

Thưa Ngài Đại sứ,
Thưa quý bà, quý ông,

          Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đã có nhã ý mời tôi tới dự cuộc hội thảo rất có ý nghĩa này nhằm kỷ niệm lần thứ 20 ngày kiến lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Niềm vui của tôi không chỉ phản ánh tâm tư của một người dân Việt Nam trước những bước phát triển mạnh mẽ của sự hợp tác giữa hai nước chúng ta mà còn là cảm xúc cá nhân của một người đã từng trực tiếp tham gia vào quá trình đó. Nhân dịp này tôi muốn chia xẻ cùng quý vị một số hoài niệm và một số suy nghĩ riêng tư về mối quan hệ này.
          Trước hết tôi muốn nói về sự khởi nguồn. Vào đầu những năm 90 thế kỷ trước tôi là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam mà một trong những nhiệm vụ được phân công là phụ trách khu vực châu A – Thái bình dương. Vào thời điểm đó Việt Nam bắt đầu triển khai công cuộc đổi mới và mở cửa, chủ trương mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trên thế giới với trọng tâm là khu vực châu A – Thái bình dương, trong đó có Hàn quốc. Đúng lúc ấy, qua Đại Sứ Quán tại Băng cốc, phía Hàn Quốc cũng đánh tín hiệu về lòng mong muốn thiết lập quan hệ với Việt Nam và mời đoàn Việt Nam sang Seoul dự phiên họp của ESCAP. Tôi được cử làm Trưởng đoàn Việt Nam để nhân dịp đó thăm dò khả năng kiến lập quan hệ giữa hai nước.
          Trong thời gian ở Seoul tôi đã có dịp tiếp xúc trực tiếp với các quan chức Hàn quốc để trao đổi ý kiến song tiếc rằng hai bên chưa đi tới được sự nhất trí về mức độ quan hệ: phía Việt Nam lúc đó chủ trương tiến từng bước, trước hết hãy lập quan hệ lãnh sự, còn phía Hàn quốc lại muốn tiến thẳng đến quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.
          Sau đó hai bên tiếp tục trao đổi ý kiến nhưng ở cấp thấp hơn: phía Việt Nam là Trợ lý Bộ trưởng, còn cá nhân tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo phía sau sân khấu; phía Hàn quốc, nếu tôi không nhầm là Đại sứ ở Băng cốc. Lần này vẫn chưa đi tới được sự thỏa thuận về việc lập quan hệ ngoại giao do vướng mắc vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh nên mới chỉ thỏa thuận lập Văn phòng liên lạc. Chỉ tới cuối năm 1992 hai bên mới đi tới nhất trí về việc kiến lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ với nhận thức rằng, phía Hàn quốc sẽ giải quyết những hậu quả chiến tranh thông qua việc gia tăng đầu tư và dành ODA cho Việt Nam.
          Tôi kể lại những câu chuyện này để thấy rằng quá trình kiến lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã trải qua những khó khăn, khúc mắc như thế nào. Điều đó cũng dễ hiểu do di chứng nặng nề của chiến tranh và ảnh hưởng của thời kỳ “Chiến tranh lạnh”. Mặt khác quá trình đó cũng cho thấy những trắc trở cho dù rất phức tạp đi nữa vẫn có thể vượt qua được nếu lợi ích của hai bên gập nhau.
          Riêng về phía Việt Nam thì lợi ích cơ bản là sau những năm tháng chiến tranh tàn khốc kéo dài, kế đến lại bị bao vây cô lập đi đôi với những hậu quả của cơ chế kế hoạch hóa tập trung nên đã vấp phải cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội khá nghiêm trọng. Để thoát khỏi tình trạng này, ở bên trong chúng tôi đã khởi động công cuộc đổi mới về mọi mặt; ở bên ngoài chúng tôi thực thi chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, trong đó Hàn Quốc là một cái đích hướng tới vì Hàn Quốc là một nước phát triển nhanh, có nhiều kinh nghiệm quý báu có thể tham khảo, là một nhà đầu tư và một thị trường đầy tiềm năng.
          Còn lợi ích của phía Hàn Quốc là gì thì chúng tôi mong các bạn chia xẻ. Về phần mình chúng tôi đoán rằng, đi đôi với sự phát triển mạnh mẽ của mình, Hàn Quốc cũng cần thị trường, trong đó Việt Nam là một điểm đến đầy hứa hẹn, vả lại đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách bao vây cô lập Việt Nam đang được rỡ bỏ, nhiều nước lớn, kể cả Trung Quốc, Tây Âu, Nhật Bản và Mỹ từng bước bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Hàn Quốc chắc cũng không muốn chậm chân.
          Ngoài ra cũng cần kể đến hai nhân tố khác nữa. Đó là văn hóa hòa hiếu của người Việt Nam sẵn sàng khép lại quá khứ cho dù có nặng nề đi nữa để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ giữa các dân tộc. Và hai là, xu thế hòa bình, hợp tác vì phát triển gia tăng mạnh mẽ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, xu thế toàn cầu hóa lan tỏa rộng khắp.
          Nói tóm lại đã xuất hiện cục diện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thuận chiều cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta.
          Sau khi hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao, tôi được cử làm Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc về hợp tác kinh tế, khoa học-kỹ thuật nên đã được trực tiếp chứng  kiến sự phát triển quan hệ mọi mặt giữa hai nước diễn ra thế nào.
          Nói một cách hình ảnh thì đó là dòng chẩy liên tục từ con suối nhỏ, ra sông lớn rồi ra biển khơi !
          Thật lòng mà nói, cá nhân tôi cũng không tưởng tượng nổi quan hệ Việt – Hàn lại phát triển một cách bùng nổ đến như vậy.
Chỉ trong vòng hai mươi năm mà quan hệ thương mại hai chiều đã tăng lên 26 lần, từ 500 triệu lên 12,9 tỷ USĐ; Hàn Quốc trở thành bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam và Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Hàn Quốc.
Về đầu tư trực tiếp, nay Hàn Quốc đứng hàng đầu với trên 3.000 dự án của 2.500 công ty với trên 23,5 tỷ USĐ vốn đăng ký, sử dụng 400.000 lao động Việt Nam!
Về viện trợ phát triển, Hàn Quốc đứng thứ hai trong số các nhà tài trợ song phương cho Việt Nam và Việt Nam là nước tiếp nhận viện trợ lớn nhất của Hàn Quốc với 34 dự án trị giá khoảng 1,2 tỷ USĐ.
Hàn Quốc còn là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba của Việt Nam, đã tiếp nhận tới 65.000 lao động từ phía Việt Nam.
Bên cạnh sự phát triển vượt bậc của sự hợp tác trên những lĩnh vực vật chất, mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng mang tính bùng nổ.
Nhân tố có tính quyết định đối với toàn bộ sự hợp tác Việt – Hàn là sự phát triển của mối quan hệ chính trị chuyển từ sự thù địch, nghi ngại sang sự hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia, tiếp đó được nâng lên thành “quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ XXI” (2001) rồi “đối tác hợp tác chiến lược” (2009). Trên cơ sở đó đã hình thành truyền thống tiếp xúc cấp cao thường xuyên, đối thoại chiến lược ngoại giao – an ninh – quốc phòng thường niên; mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quốc phòng, an ninh, giữa nhiều địa phương được thiết lập và không ngừng gia tăng…Chúng ta không chỉ hợp tác chặt chẽ với nhau trên bình diện song phương mà sự hợp tác trên bình diện đa phương cũng ngày càng đa dạng và sôi động. Ngày nay Việt Nam và Hàn Quốc là những người bạn cùng hội, cùng thuyền trong nhiều thẻ chế như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, APEC, ASEM, WTO, LHQ…
Một nét khá đặc biệt trong quan hệ Việt – Hàn là sự giao thoa văn hóa, sự giao lưu giữa người và người. Ngoài sự giao lưu, tiếp xúc thông qua sự trao đổi các đoàn, các nhà doanh nghiệp, du lịch, ngày nay ở mỗi nước chúng ta có khoảng 100 ngàn người của nước kia sinh sống, lao động, kinh doanh, trong đó có trên dưới 45 ngàn gia đình Việt – Hàn.
Xem như vậy có thể nói nhân dân hai nước chúng ta không chỉ cộng tác mà còn cộng sinh, thậm chí giữa nhiều gia đình Việt Nam và Hàn Quốc còn hòa quyện huyết thống nữa! Truyền thống do Hoàng tử Lý Dương Côn, con Vua Lý Nhân Tông và Hoàng tử Lý Long Tường, con Vua Lý Anh Tôn của Việt Nam sang định cư trên bán đảo Triều tiên và có nhiều đóng góp cho đất nước Cao ly từ 8 thế kỷ trước xem ra đang được tiếp nối.
Nếu như các bạn hay nói tới “kỳ tích Sông Hàn”, sự phát triển của Việt Nam trong ¼ thế kỷ Đổi mới cũng có thể được coi là kỳ tích sông Hồng và sông Cửu Long thì sự phát triển thần kỳ của mối quan hệ Việt – Hàn chuyển từ sự thù nghịch sang đối tác chiến lược có thể gọi là “Kỳ tích Thái Bình Dương”. Chúng ta có đầy đủ cơ sở để nói rằng, trong sự phồn vinh của mỗi nước chúng ta có sự đóng góp quan trọng của mối quan hệ đối tác Việt – Hàn.
Trong kỳ tích đó ĐSQ Đại Hàn Dân Quốc ở Hà nội và cộng đồng người Hàn quốc ở Việt Nam có những nố lực lớn lao. Chúng tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao cống hiến quý báu của các bạn!
Người ta có thể đặt câu hỏi: nhân tố gì đã tạo nên kỳ tích đó? Như trên tôi đã nói, động lực quan trọng hàng đầu là sự trùng hợp lợi ích giữa hai bên. Đương nhiên cùng với thời gian, đi đôi với sự phát triển của mỗi nước và những chuyển biến ở khu vực và trên thế giới, lợi ích ấy cũng có những sự thay đổi. Nếu như trước đây lợi ích của hai nước chúng ta mới ở mức gập nhau thì nay đã gắn kết với nhau; nếu như trước đây sự hợp tác Việt – Hàn mới bó hẹp trong phạm vi hai nước thì ngày nay nó còn liên quan tới những diễn biến trong cả khu vực châu A – Thái Bình Dương và phần nào cả trên thế giới. Nói một cách khác,  cơ sở song trùng lợi ích ngày càng rộng hơn và sâu hơn, tạo nên động lực thúc đẩy hai nước chúng ta liên kết với nhau chặt hơn. Đó là chưa kể nhân dân hai nước chúng ta có nhiều nét tương đồng về văn hóa, góp phần làm cho sự hiểu biết lẫn nhau dễ dàng hơn, sâu sắc hơn.
Ngày nay chúng ta đang bước vào thời kỳ mới với nhiều nét mới. Tôi xin chia xẻ một số tầm nhìn về tương lai chí ít là 5 – 10 năm tới.
Việt Nam đã bước qua ngưỡng cửa của một nước có thu nhập trung bình và đang nhằm tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong mươi năm tới. Để giành mục tiêu này, Việt Nam đang đặt cao nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển có chất lượng hơn, bền vững hơn. Thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ này, bên cạnh nhiều việc khác phải làm, Việt Nam cần đổi mới công nghệ, gia tăng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế tạo, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, hạn chế các ngành gây ô nhiễm môi trường, tiếp cận nền kinh tế tri thức và kinh tế xanh.
Hàn Quốc đã trở thành thành viên OECD, có nền công nghiệp phát triển cao, đạt mức tiên tiến của thế giới. Trong thời gian tới chắc rằng Hàn Quốc sẽ còn vươn tới nhiều đỉnh cao mới của nền kinh tế tri thức, sánh vai, thậm chí cạnh tranh với các quốc gia phát triển hàng đầu của thế giới.
Trong khi đó châu A – Thái Bình Dương là nơi hai nước chúng ta sinh tồn đang trở thành khu vực phát triển năng động nhất của thế giới, nhiều người còn nói thế kỷ XXI là thế kỷ châu Á – Thái Bình Dương. Trong vài ba năm tới Cộng đồng ASEAN mà Việt Nam là một thành viên tích cực và Hàn Quốc là một đối tác quan trọng sẽ hình thành. Những sự kiện ấy đang mở ra nhiều cơ hội mới cho hai nước chúng ta. Mặt khác ở đây cũng còn tồn tại không ít nhân tố khó lường có thể gây mất ổn định đòi hỏi tất cả các quốc gia ở khu vực, trong đó có hai nước chúng ta gia tăng hợp tác để cùng nhau hóa giải.
Dựa trên những kinh nghiệm hợp tác và những thành quả đã thu lượm được trong 20 năm qua, tính đến những diễn biến mới ở mỗi nước và trong khu vực, để hiện thực hóa và củng cố mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược” riêng tôi hình dung trước mắt chúng ta sẽ nẩy sinh một cách tiếp cận mới như:
Một là, sự hợp tác kinh tế - thương mại nên đi cả hai chân: vừa nâng cao chất lượng, vừa gia tăng độ liên kết. Theo cách nhìn của tôi, về chất lượng hợp tác nổi lên hai vấn đề. Đó là cân bằng hơn sự hợp tác, trong đó có vấn đề Viẹt Nam nhập siêu quá lớn – mọt vấn đề đã lưu cữu từ khi tôi còn làm đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác. Trong lúc Việt Nam đang nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có yêu cầu cân bằng xuất – nhập khẩu thì nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách. Thứ đến là chuyển dịch cơ cấu đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam theo hướng giảm bớt công nghiệp gia công cũng như các công nghiệp tiêu hao năng lượng và gây ô nhiễm môi trường, gia tăng công nghiệp phụ trợ để cung cấp cho công nghiệp Hàn Quốc ở trong và ngoài nước đi đôi với việc gia tăng công nghiệp chế tạo và công nghệ cao.
Một yêu cầu mới nữa là đã tới lúc tính đến việc nâng cao tầm hợp tác lên mức liên kết (connectivity), tạo nên sự bổ sung, lồng ghép của hai nền kinh tế chứ không chỉ dừng lại ở mức trao đổi.
Hai là, trước những diễn biến vừa có nhiều thuận lợi, vừa ẩn chứa không ít thách thức ở châu Á – Thái Bình Dương thì yêu cầu nâng cao hơn nữa mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược về chính trị giữa hai nước càng cần hơn bao giờ hết để góp phần hữu hiệu cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực.
Ba là, như trên tôi đã nói, nhân dân hai nước chúng ta không chỉ cộng tác mà còn cộng sinh nên sự hợp tác văn hóa ngày càng có ý nghĩa. Sự hiện diện văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam ngày càng lan tỏa, từ điện ảnh, nghệ thuật tới ẩm thực, thời trang song tiếc rằng sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc còn rất mờ nhạt. Tôi hy vọng rằng, những người làm văn hóa và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều nỗ lực thiết thực để gia tăng sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở Hàn Quốc nhằm góp phần làm cho nhân dân Hàn Quốc hiểu biết nhiều hơn về Việt Nam. Bên cạnh đó có vấn đề về sự khác biệt nào đó trong văn hóa ứng xử của người Việt và người Hàn. Có lẽ để ứng phó với khí hậu hàn đới, người Hàn thường có tính cách nóng hơn; ngược lại sống ở vùng nhiệt đới người Việt thường trầm tính hơn. Nếu chúng ta xích gần hai cực đó lại gần nhau hơn thì sự cộng sinh sẽ êm đẹp hơn.
Đã nghỉ hưu, lui về đời thường, tầm nhìn của tôi có hạn. Tôi mong rằng tại cuộc hội thảo này các vị sẽ phóng tầm mắt nhìn xa hơn, sâu hơn để kiến nghị những biện pháp thiết thực, hữu hiệu, làm cho quan hệ hai nước Việt – Hàn thực sự trở nên mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, mang lại sự phồn vinh cho hai nước.
Năm mới 2012 săp tới tôi xin chân thành chúc Ngài Đại sứ và toàn thể quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng ! Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp!


2 nhận xét:

  1. "Bên cạnh đó có vấn đề về sự khác biệt nào đó trong văn hóa ứng xử của người Việt và người Hàn. Có lẽ để ứng phó với khí hậu hàn đới, người Hàn thường có tính cách nóng hơn; ngược lại sống ở vùng nhiệt đới người Việt thường trầm tính hơn. Nếu chúng ta xích gần hai cực đó lại gần nhau hơn thì sự cộng sinh sẽ êm đẹp hơn".
    Cháu thích nhất cách nêu và giải quyết khác biệt về văn hóa giữa VN-HQ này của Bác Vũ Khoan.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Tony, mình sẽ chuyển ý kiến rất hay của Tony tới ông Vũ Khoan.

      Xóa