“Dân trí thấp” đó là câu nói cửa miệng của nhiều người, nhất là của những nhà quản lý nước ta khi viện dẫn lý do dẫn đến một hiện tượng xã hội nào đó mà họ không “quản lý” được. Ùn tắc và tai nạn giao thông-dân trí thấp! Gây ô nhiễm môi trường-dân trí thấp! Tệ nạn xã hội-dân trí thấp. Và nay khi đề cập đến Luật biểu tình lại cũng có vị đại biểu Quốc hội công khai khuyên chưa nên cũng vì dân trí chưa cao! Rõ ràng đây là việc đáng bàn bởi trên diễn đàn của Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã công khai, minh bạch nói về Luật biểu tình.
Từ "dân trí" mang ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều từ "Literacy". Từ gần nhất có thể là "intellectual capital" (vốn trí tuệ). Mặc dầu đã có một số nghiên cứu đánh giá Literacy và xếp hạng một số quốc gia, tiếc một điều là vẫn chưa có nghiên cứu đánh giá "intellectual capital" của Việt Nam.
Một số vị lãnh đạo và lão thành cách mạng thường nói về : dân quyền, dân tâm, dân trí, dân sinh. Dân trí là một yếu tố trong hệ thống những yếu tố̀ tạo thành̀ trình độ, năng lực, phẩm chất, bản lĩnh của dân, tương tác với các nhân tố khác.Trí tuệ của dân có một phần rất quan trọng là vốn trí tuệ dân tộc tích lũy từ lịch sử, có thăng trầm nhưng thường được bồi bổ, làm giàu đẹp thêm, đó là sự thông tuệ và minh triết dân gian, là truyền thống và bản sắc văn hóa, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trí tuệ bao gồm: trí tuệ thông minh, trí tuệ cảm xúc, trí tuệ tâm linh, trí tuệ thích nghi, trí tuệ sáng tạo, trí tuệ trong các quan hệ xã hội, trí tuệ vượt thử thách, khó khăn, trí tuệ ứng xử trước những tình thế nguy hiểm, ngặt nghèo. Phần trí tuệ ấy, dân có vì dân chính là dân, sống cuộc sống của dân, có những trải nghiệm của dân, kế thừa những thành quả của tổ tiên, của các thế hệ cha, anh. Người dân Việt Nam nào cũng có phần trí tuệ ấy.
Trí tuệ của dân có một phần rất quan trọng nữa là trí tuệ được đào tạo, bồi dưỡng, được dạy bảo trong gia đình, được truyền thụ trong xã hội, được trau dồi, rèn luyện suốt đời nhờ nền giáo dục quốc dân, được thử thách,̀ nâng cao trong hoạt động và sinh hoạt của mỗi người theo chức năng, nghề nghiệp của từng người.
Một chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, một hệ thống thể chế thực sự và chân chính dân chủ, tự do, coi trọng cá nhân, dân tộc và nhân loại, ấp ủ, nâng niu, phát huy, trọng dụng nhân tài, thì giúp cho các phần của dân trí phát triển bừng nở. Khi nghiên cứu, phân tích về dân trí, thì nên xem xét cả hai phần của dân trí , và xem xét quan hệ giữa dân trí với dân quyền, dân tâm, dân sinh.
Người ta nói đến dân trí thấp hay cao không phải dựa vào sự đánh giá đáng tin cậy mà chủ yếu là để biện minh cho một quan điểm nào đó. Có điều chắc chắn là dân trí ngày nay cao hơn năm 1945-1946. Vậy mà hồi đó, cuộc bầu cử Quốc hội dân chủ hơn nhiều. Hà Nội được bầu 6 đại biểu mà có tới 70 người ứng cử, tự do vận động bầu cử. Hiến pháp cũng tốt hơn và các quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền biểu tình được tôn trọng hơn. Cần nhớ thêm rằng khi ấy, quân Tàu Tưởng còn đang đóng trên miền Bắc nước ta, các đảng phái chống đối cũng hoạt
động quyết liệt nhưng ý nguyện của người dân thực sự được bộc lộ, phát huy sức mạnh toàn dân tộc dưới sự anh minh của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.
động quyết liệt nhưng ý nguyện của người dân thực sự được bộc lộ, phát huy sức mạnh toàn dân tộc dưới sự anh minh của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Có ý kiến cho rằng Hiến pháp đã ghi quyền biểu tình rồi thì thực hiện là tốt nhất, không cần luật quy định cụ thể nên thực hiện thế nào, vì không loại trừ nguy cơ Luật trở thành công cụ hạn chế biểu tình. Còn một nguyên tắc nữa cực kỳ quan trọng: Người dân được phép làm mọi việc Hiến pháp không cấm, chính quyền chỉ được phép làm cái gì Hiến pháp cho phép, dân chủ thì phải làm đúng như thế.
Luật biểu tình của nước ngoài
Rất nhiều nước không có luật biểu tình, kể cả Mỹ và Pháp vì đó là quyền đương nhiên ghi trong Hiến pháp. Bởi thế, cho nên họ chỉ có qui chế hướng dẫn do chính quyền địa phương xem xét, quyết định. Ở thành phố NewYork, có hướng dẫn biểu tình hay tụ tập vui chơi cũng thế ở nơi công cộng do Sở công viên và giải trí quyết định. Để tụ tập vì mục đích khác biểu tình (tổ chức vui chơi, hội chợ), phải đưa yêu cầu trước 21 ngày. Để tụ tập biểu tình phải đưa yêu cầu trước 5 ngày. Sở phải cho phép mọi đơn yêu cầu biểu tình với mục đích phát biểu ý kiến, có xem xét đến mức độ và nguồn nhân vật lực mà Sở có, tức là Sở có thể cho phép biểu tình với cách thức tổ chức không gây khó khăn cho giao thông và có thể từ chối địa điểm và đề nghị địa điểm khác vì một số lý do. Khi có khác biệt ý kiến về địa điểm và ngày giờ tổ chức biểu tình, thì hai bên thương lượng với nhau để tìm đến sự đồng thuận.
Biểu tình được định nghĩa là đứng tụ tập một chỗ ở nơi thường không được phép, ví dụ như trên lòng đường phố, trong công viên, trước công sở, có thể ngăn cản giao thông. Do đó, người biểu tình không có giấp phép vẫn có thể biểu tình nhưng chỉ được hành xử như một người đi bộ bình thường, tức là luôn luôn phải di chuyển, không được đứng nguyên một chỗ lâu, phải hành động như người đi lại trên đường, không được cản trở giao thông.
Luật biểu tình của Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trước Quốc hội về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và người dân cần có Luật biểu tình. Đây là hành động rất đáng ghi nhận, và trân trọng vì Thủ tướng đã công khai, minh bạch hòa cùng âm hưởng tiếng nói của lòng dân. Nhận thức là cả quá trình, đất nước nào muốn tồn tại và phát triển cũng phải dựa vào lòng dân, vì được lòng dân là được tất cả.
Hiến pháp và hệ thống luật lệ là của từng nước, có thể học tập, tham khảo của nhau, nhưng không có cái gương, cái mẫu nhất thiết phải rập khuôn theo. Không có nguyên tắc bắt buộc rằng hễ đã là quyền cơ bản được xác định trong Hiến pháp, thì thôi, không làm luật về quyền ấy nữa. Đã là quyền cơ bản Hiến định, thì Luật phải bảo đảm việc thực thi quyền cơ bản ấy rất thuận lợi, dễ dàng, không thủ tục rườm rà, rắc rối. Những quy định hướng dẫn của chính quyền địa phương ở Mỹ về thực hiện quyền biểu tình là theo tinh thần tạo thuận lợi, dễ dàng như thế. Thực thi Luật như thế nào lại là một chuyện khác. Khi giới cầm quyền hoặc nhóm quyền lực này, hay nhóm quyền lực khác muốn hạn chế, thậm chí phá biểu tình của một tầng lớp cư dân nào đó, thì họ có nhiều thủ đoạn và cung cách lắm, từ thủ đoạn "lách" không phạm Luật đến thủ đoạn trắ̀ng trợn, ngang nhiên trái Luật, phá Luật.
Về logic, Luật biểu tình của nước ta phải do Quốc hội là cơ quan lập pháp đứng ra soạn thảo. Do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, Chính phủ đã giao cho Bộ Công an thực hiện. Bộ Công an cần nghiên cứu kỹ, hiểu thấu đáo lòng dân, tránh việc soạn thảo rơi vào tình trạng nặng về thuận lợi cho quản lý nhà nước cả về tiện và lợi hơn là bảo đảm quyền công dân. Vì vậy, phải công bố dự thảo theo thời hạn do Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định để dân góp ý. Theo dõi các ý kiến phát biểu đóng góp vào Luật biểu tình và việc “bấm nút” ở Quốc hội, người dân có thể đánh giá hiểu được trình độ “quan trí” của những người đại diện cho dân.
Khi xây dựng Luật biểu tình, người dân có 2 yêu cầu chủ yếu là: Thứ nhất, đó phải là Luật về một quyền cơ bản của con người và của người công dân, không được có những quy định, những thủ tục bắt buộc rườm rà, phức tạp, gây khó cho việc thực hiện quyền cơ bản ấy, thậm chí biến Luật biểu tình thành Luật hạn chế hoặc Luật cấm biểu tình. Nhìn sang Malaysia thấy giới Luật sư và nhiều người dân đang kịch liệt phản đối Luật biểu tình mới được ban hành vì có nhiều điều ràng buộc, hạn chế. Thứ hai là giá trị của Luật biểu tình hoàn toàn bằng, không kém không hơn, giá trị của sự thi hành Luật. Làm đú́ng Luật biểu tình đúng có lẽ nếu không quan trọng hơn thì ít ra cũng quan trọng bằng soạn thảo, hỏi ý dân và thông qua Luật biểu tình đúng.
Thay cho lời kết:
Có thể khẳng định rằng, nhờ sự phát triển của nền giáo dục toàn diện và điều kiện tiếp cận các dịch vụ thông tin truyền thông đại chúng, dân trí của nước ta đã được nâng cao rất nhiều so với thời đất nước mới được độc lập năm 1945. Đó là một thuận lợi lớn để Nhà nước ta có thể đưa ra những bộ Luật mà một xã hội dân chủ cần phải có, trong đó có Luật biểu tình. Thiết nghĩ sẽ không thừa nếu một lần nữa chúng ta nhắc lại với nhau câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc kết từ ý của dân:”Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét