Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

NHẠC SĨ NGUYỄN VĂN TÝ

Tác giả : Nguyễn Phúc
Nguồn : 2011/8/27 duong quach <duongquach@hotmail.com>

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý: Giữa cảnh nghèo cô đơn
Ông nằm đó, im lìm trên chiếc giường sắt nhỏ. Căn phòng chật chội ngột ngạt, hầm hập hơi nóng của buổi trưa Sài Gòn. Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý trở mình khó khăn khi thấy chúng tôi đến thăm ông. Ông yêu cầu đỡ ông ngồi dậy, thay áo cho ông ra ghế uống trà nói chuyện dù chúng tôi muốn ông cứ nằm nghỉ và trò chuyện.

Nhạc sỹ lừng danh Nguyễn Văn Tý, thần tượng của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu tình ca, nhạc cách mạng hiện ở trong căn nhà nhỏ, cũ kỹ, tường vôi tróc lở, thiếu thốn tiện nghi ở số 94/19 đường Trần Khát Chân - quận 1 - TP HCM.
Nhìn quanh căn nhà, vài chiếc ghế cũ kỹ, bộ ấm chén cọc cạch ố vàng, chiếc đài cát sét han gỉ từ những năm 80. Bên cạnh giường ông nằm là chiếc đàn organ bám bụi, hỏng mất vài phím, có tuổi thọ không dưới 15 năm ông dùng để viết nhạc. Trên tường trơ trọi chiếc đàn tì bà cũ sờn, tróc hết nước sơn đã lâu rồi không cất tiếng vì những ngón tay của ông 5 năm nay không còn nghe lời nhạc sỹ nữa.
Ông với chiếc gậy chống ba chân, khó khăn đứng lên, chúng tôi dìu ông ra ghế. Nhạc sỹ nói: "Bác quen rồi, nếu không có ai dìu, để có thể đi từ đây ra nhà vệ sinh, bác phải mất gần 10 phút". Lòng nghẹn đắng, chúng tôi run run khi chạm vào người nhạc sỹ - thần tượng của ông bà, cha mẹ chúng tôi một thời giờ như ngọn nến trước gió, lê đi từng bước nhỏ khó khăn. Trên ban thờ, hai lư hương của hai bà vợ lạnh lẽo. Ông ngồi xuống thở dốc, khó khăn và cười: "Bác không biết các cháu là ai, nhưng thấy có người đến thăm bác mừng lắm. Cả tuần nay bác chẳng trò chuyện với ai. Buồn chỉ nhìn lên ban thờ, lẩm nhẩm tâm sự với hai bà ấy thôi".
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý có hai đời vợ. Bà vợ đầu tiên sống với ông một năm, sinh hạ một con gái thì qua đời. Bà Bạch Lê là vợ thứ hai - em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, mất năm 2004. Năm nay nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý 85 tuổi, tuổi mà người ta đang vui vầy cùng cháu con, hưởng phúc ấm những ngày cuối đời bình lặng. Nhưng hiện ông sống cô đơn lay lắt trong căn nhà lạnh lẽo.   
Hai lần tai biến mạch máu não khiến nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý bị liệt nửa người. Lần thứ 3 - lần tai biến cuối cùng không biết lúc nào xảy ra với ông khi sức khỏe của ông càng ngày càng yếu.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đi lại phải có chiếc gậy 3 chân và phải có người dìu. Cô giúp việc mà ông coi như con hàng ngày đến đỡ đần ông việc nhà, nấu nướng. Ngồi bên ông, ôm lấy bàn tay run run của ông và nghe thời gian, không gian như dừng lại. Một lúc sau, người nhạc sĩ già nói: "Từ khi bà ấy mất năm 2004, bác sống cô đơn và buồn lắm. Hai năm sau bác bị liệt. Con ở Hà Nội hơn 10 năm mới vào một lần. Đứa ở Sài Gòn thì một tháng đến thăm bác một lần. Nhiều lúc mong thấy các con lắm, nhưng bác biết chúng nó cũng bận bịu, vả lại cũng khó khăn đủ đường.
Mỗi lần Tết đến, vào mồng 2, bác đi thăm các con và lì xì cho các con từ số tiền bác cố gắng mỗi tháng để dành ra một ít. Đó là thời gian bác thấy vui nhất. Giống như hồi trẻ thơ vậy, mong Tết về trước cả tháng. Ngày xưa mong Tết vì pháo thơm, vì có quà lì xì của bố mẹ, giờ mong Tết để nhìn thấy nụ cười của con cháu".
Chúng tôi hỏi bác sinh sống hàng ngày thế nào, tiền hưu có đủ trang trải cuộc sống, thuốc men không? Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý buồn buồn nói: "Một tháng bác có 3 triệu tiền lương hưu, nhưng phần lớn dùng để mua thuốc trị bệnh. Còn lại vài trăm ngàn để ăn uống sinh hoạt. Rau cháo đạm bạc qua ngày thôi. Bác phải uống nhiều thuốc lắm, toàn thuốc đắt tiền phải tự mua, còn thuốc được cấp ít dùng vì không hiệu quả. Lâu lâu bác lại được người ta trả một ít tiền bản quyền, cũng chả biết có ở đâu để đòi, mà có biết thì cũng làm sao mà đi đòi?".
- Thế còn bạn bè có biết bác ốm đau để đến thăm hỏi giúp đỡ bác không ạ?
- Chỉ có một người thôi, mỗi tháng qua biếu bác 200 ngàn. Tháng nào quên thì tháng sau biếu bác 400 ngàn. Thỉnh thoảng nhà thơ Đỗ Trung Quân và vài người bạn qua thăm, động viên giúp đỡ bác. Có lúc buồn quá, bác gọi điện cho nhà thơ Đỗ Trung Quân hỏi có chương trình ca nhạc gì hay, dẫn bác đi xem với, bác buồn quá. Bây giờ có người để bác gặp mặt, nói chuyện cũng là niềm hạnh phúc, an ủi lớn với bác rồi. Thấy các cháu qua chơi bác vui lắm. Có người trò chuyện bác thấy khỏe ra.
Nhạc sỹ nhìn chúng tôi mắt rưng rưng. Dừng lại một lúc, tay run run cầm tách trà, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý nói tiếp:
- Bác không trách bạn bè vì có nhiều người cũng không biết bác hiện thời ra sao, hoặc xa xôi cách trở, người còn người mất. Có người thành đạt, gia tài đồ sộ như ông Phạm Duy, danh tiếng lẫy lừng, bác cũng ngồi đây mừng thay cho bạn thôi. Bác mong họ hạnh phúc, khỏe mạnh và không lâm vào tình trạng như bác. Nhiều khi, bác buồn quá ngồi ngẫm lại những kỷ niệm cũ, với anh em bạn bè, với những người phụ nữ bác từng yêu, thời kháng chiến hào hùng ấm tình đồng đội.
Rồi những “Dư âm”, “Người đi xây hồ kẻ gỗ”, “Mẹ yêu con”… vọng về từ đâu đó của ký ức để bác nguôi ngoai". Ông nhìn lên ban thờ và mỉm cười: "Bà ấy đẹp lắm, mặn mà và thanh tao. Những năm bác đi công tác biền biệt, bà ấy (chỉ bà vợ sau - Bạch Lê) phải về ở với mẹ chồng ở Thanh Chương - Nghệ An. Về sau bà ấy kể lại, những khi máy bay địch vần vũ trên bầu trời, bụng mang dạ chửa bà được mẹ bác đỡ lên bè chuối đẩy ra giữa sông để tránh bom. Khi bác về thăm nhà, nghe kể lại mà bác vừa xúc động vừa mừng vì mẹ và vợ mình vẫn an toàn qua cơn bom đạn. Mừng hơn khi bác được làm cha lần thứ hai. Bác không biết diễn tả thế nào cho các cháu hiểu cảm giác khi bác run run vén mùng nhìn đứa con gái bầu bĩnh, mắt to tròn thích thú nhìn bác, đôi môi chúm chím bập bẹ… Những hình ảnh thiêng liêng ấy là dòng suối âm nhạc tuôn trào cho ca khúc “Mẹ yêu con” ra đời. Các cháu chắc cũng từng nghe bài hát đó".
Tôi hát khe khẽ những câu đầu ca khúc mà chính thế hệ trẻ chúng tôi cũng thuộc nằm lòng: "Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa ròng. Chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng. À ới ru hời, ơi hời ru… Miệng con chúm chím xinh xinh. Như đài hoa đang hé trên cành".
- Thưa bác, cô ấy giờ ở đâu, có hay qua thăm bác không ạ?
- Cô con gái ấy hiện đang ở TP HCM cháu ạ. Cũng nhiều lần tới lui thăm bố lắm. Bác mong chờ mỗi lần con rể tay xách nách mang, chở vợ sang thăm bác. Chúng nó thương bác lắm. Cũng may ở đây còn có đứa cháu giúp việc hàng ngày đỡ đần bác, cũng đỡ cô quạnh, cháu ạ".
Rồi nhạc sỹ già mắt xa xăm kể về thời của mình, về những lãng mạn hào hoa yêu nhau không đến được với nhau. Dư âm ra đời vì mối tình trái ngang không đến được với nhau. Nhạc sỹ được mai mối với người chị, nhưng lại phải lòng cô em 16 tuổi bên tường hoa ôm đàn hát. Nhà bên đó biết chuyện uất quá, cấm cửa cả hai. Day dứt khôn nguôi, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý viết ra “Dư âm” - ca khúc nằm lòng của bao thế hệ người Việt Nam yêu tình ca.
- "Tại sao lại là "Dư âm" các cháu có biết không? Vì yêu có thể sẽ hết, sẽ quên nhưng "Dư âm" thì nhớ mãi được, nhớ cho đến chết. Nhớ để biết mình còn yêu. Yêu cả cuộc đời. Sợ nhạc sỹ mệt, chúng tôi xin phép nhạc sỹ ra về và hẹn lần sau sẽ lại ghé thăm.
Ông nắm chặt tay chúng tôi: "Rảnh thì ghé chơi với bác nhé".
Nguyễn Văn Tý - người đi gieo tình yêu
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh, quê gốc ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Gia đình truyền thống âm nhạc, cha ông là "trùm" một phường bát âm miền quê Vĩnh Phú thạo cả hát văn, hát chèo, ả đào, sau làm thợ máy ở Nhà máy xe lửa Trường Thi (Nghệ An). Ông tiếp xúc với âm nhạc khi theo học ở Trường Quốc học Vinh được một giáo viên người Pháp dạy cho những bài hát của Tino Rossi. Ông tham gia hướng đạo sinh và được một cha cố người Tây Ban Nha cho vào dàn nhạc nhà thờ. Tại đây ông được học nhạc lý cơ bản, hòa thanh, hát bè - những yếu tố khiến ông theo đuổi viết nhạc.
Cùng thời gian đó, ông được một nhạc sỹ người Trung Quốc tên Mạnh Hinh dạy chơi đàn guitar Hawaii sau một thời gian dài, đêm nào cũng nghe lỏm ngoài lớp học của ông. Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông sáng tác từ năm 1947 và ông coi sáng tác đầu tay của mình là bài “Ai xây chiến lũy” (1949). Năm 1948, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý ở Đoàn Văn hóa tiền tuyến thuộc Quân Huấn cục. Năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304 và làm trưởng đoàn. Những ca khúc trở thành bất hủ của ông liên tục ra đời: “Mùa hoa nở”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Mẹ yêu con”, “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”, “Bài ca năm tấn”…
Cuối năm 1957, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cùng nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao được nhà nước chỉ định thành lập Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Năm 2000, nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cao quý cho các tác phẩm: “Mẹ yêu con”, “Vượt trùng dương”, “Bài ca năm tấn”, “Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, “Dáng đứng Bến Tre”.
Nguyễn Phúc
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét