Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

ĐI SAU THỜI ĐẠI

Truyện ngắn của Vũ Đức Tâm

Tác giả Vũ Đức Tâm nguyên là Đại sứ-Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, là người đã có nhiều đóng góp cho nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật của Việt Nam. Say mê văn hoá nghệ thuật, tự trong con người ông ông đã là một nhà văn hoá. Lều văn xin giới thiệu truyện ngắn Đi sau thời đại của ông Vũ Đức Tâm.
Trông tác giả Vũ Đức Tâm cũng khá giống ông Chopin đấy chứ

“ĐI SAU THỜI ĐẠI”
(Kỉ niệm về một thời xa vắng)

Đôi lời phi lộ

Kính gửi: nhà văn Thăng Sắc,
Trong lúc dọn dẹp đống tài liệu cũ, tôi vớ được cái truyện ngắn viết cách đây đã hai mươi năm dựa trên những sự việc hoàn toàn có thật. Điều không thật duy nhất là tôi đem những cái thật ở chỗ này, chỗ kia, của người này, người kia ghép lại thành một truyện. Tôi ướm thử  một vài tờ báo, họ đều có nhận xét chung là “có đôi chỗ nhạy cảm, phải  sửa và cắt mới đăng được”. Tôi bèn mang về và cất vào ngăn kéo…cho đến hôm nay, đọc lại, mới bật cười vì cái gọi là “nhaỵ cảm” hồi ấy so với bây giờ chả là cái đinh gì khi chúng ta đã “tiến từ chế độ phong kiến lên chế độ phong bì”. Tôi không có “túp lều” nào nên gửi đến anh truyện này, nếu thấy được, xin anh hạ cố cho nó cư ngụ trong “Lều Văn” của anh, kẻo mưa gió cuộc đời, bụi thời gian sẽ làm tan biến những kỉ niệm buồn, xót xa pha lẫn bi hài này của một thời thì… cũng tiếc lắm thay!
Kính,
VDT


So với bạn bè thì vợ chồng tôi luôn “đi sau thời đại”. Trong khi chúng đua nhau mua xe máy mới toanh, xây nhà cao cửa rộng, vợ con ăn mặc sang trọng, đẹp đẽ thì vợ chồng tôi vẫn cưỡi xe đạp cọt kẹt “đời Sài Gòn chót”, vẫn chui rúc trong căn phòng 12m2 mà hễ trời mưa là vợ chồng con cái tha hồ hứng nước và tát nước. Tôi không tài nào hiểu nổi chúng nó “đào” đâu ra tiền mà lắm thế.
Rồi thì, qua một thằng bạn thân, tôi cũng hiểu được rằng xe máy, nhà lầu, những tiện nghi sang trọng, đắt tiền ấy chúng có được là nhờ những chuyến đi nước ngoài học tập, nghiên cứu hoặc dự hội nghị, hội thảo đủ loại. Ấy thế mà sau gần mười năm ra trường, mặc dầu có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, thông thạo cả tiếng Nga, Anh, Pháp, tôi chưa hề được cử đi nước ngoài học tập, nghiên cứu hay trao đổi kinh nghiệm gì cả. Thế thì tôi nghèo là phải lắm rồi. Thằng bạn thân còn nói toẹt ra rằng nguyên nhân chính là do tôi quá thiên về học hành, nghiên cứu mà quên mất mặt quan hệ. Quả vậy, suốt ngày tôi chỉ cắm cúi vào sách vở, ghi ghi chép chép, làm hết thí nghiệm nọ đến thí nghiệm kia. Tôi không mấy khi chuyện trò, tán gẫu với đồng nghiệp, cũng không bao giờ để ý xem nhà thủ trưởng ở đâu, có những ai, thủ trưởng bà là người thế nào… Vì thế mà mọi người cho tôi là một kẻ tự cao tự đại, không có tính quần chúng. Khi nào có suất đi nước ngoài, chả bao giờ bộ tứ nghĩ đến tôi cả. Để kết luận, nó khuyên tôi phải sửa chữa nhược điểm nêu trên để có thể được xuất ngoại “kiếm tí vốn cho vợ con đỡ khổ” và “hãy vứt bớt sách vở đi để trở về với đời thường.”
Vì gia cảnh thúc bách quá, tôi đành thử làm theo lời khuyên của thằng bạn cố vấn. Tôi tỏ ra vui vẻ, niềm nở hơn trong tiếp xúc với mọi người. Tôi năng đến xin ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng hơn. Giờ giải lao tôi không ngồi lì với đống tài liệu mà tham gia vào những câu chuyện mà trước mình từng cho là vô bổ. Tôi còn học chơi “tiến lên”, chơi “tá lả” để có dịp “gần gũi” quần chúng hơn… Những thay đổi “tích cực” ấy của tôi nhanh chóng được bộ tứ ghi nhận và dịp may đã đến với tôi. Một viện nghiên cứu bên châu Âu mời cơ quan tôi cử một cán bộ sang dự hội thảo trong năm ngày. Mọi chi phí do phía bạn đài thọ. Bộ tứ đã nhất trí 100% cử tôi đi vì tôi là một cán bộ “có tinh thần cầu tiến và chan hòa với mọi người”.
Thằng bạn cố vấn chúc mừng tôi. Vợ con tôi thì hoan hỉ ra mặt vì hi vọng vào sự “đổi đời” qua chuyến xuất ngoại này của tôi. Vợ tôi mang hết số tiền dành dụm và còn vay thêm để sắm sửa tư trang cho tôi, may cho tôi bộ com lê để “bố nó mặc cho có tư thế”. Trước khi tôi lên xe ra sân bay, cô con gái 7 tuổi còn ghé sát vào tai bố thầm thì: “Bố nhớ mua cho con con búp bê biết đi nhé!”
Lần đầu tiên ra nước ngoài, lại sang ngay một nước châu Âu văn minh nên tôi bỡ ngỡ vô cùng. Sau khi làm thủ tục với ban tổ chức, tôi nhận được một phong bì tiền ăn uống và tiêu vặt của tôi trong thời gian hội thảo. Các đại biểu được xếp ở trong cùng một khách sạn sang trọng với đầy đủ tiện nghi: vô tuyến màu, điện thoại, tủ lạnh đầy đồ ăn, thức uống, rượu bia… đến mức mà nếu có ba điều ước tôi cũng chẳng còn biết ước gì nữa. Tối, tôi đi nằm sớm vì quá mệt. Nhưng tôi cứ trằn trọc trên giường không sao ngủ được vì lạnh mà tìm khắp phòng không thấy chăn đâu. Tôi đành trở dậy, lấy quần áo ấm mang theo mặc hết vào người. Tôi thầm thán phục sức chịu rét của người Âu: “Đúng là họ sinh ra ở xứ hàn đới”. Hôm sau tôi mới khám phá ra rằng mình nằm ngủ trên chăn mà không biết. Ngỡ ngàng rồi cũng chóng qua, tôi bắt đầu tận hưởng những thứ trời cho mà bấy lâu mình thèm khát. Cái tủ lạnh trong phòng cứ như tủ “Thạch Sanh”, hôm trước với đi thì hôm sau đi họp về mở ra tôi lại thấy đầy ắp. Đúng là châu Âu văn minh, no đủ. Họ đã chi tiền vé cho mình sang tận đây, lại còn cho ở khách sạn sang, ăn uống thỏa thích. Cứ nghĩ tới vợ con ở nhà là tôi lại ứa nước mắt. Ngoài giờ họp tôi tranh thủ đi phố, lượn lờ trong các siêu thị với hàng hóa đủ loại cứ hoa cả mắt. Đến lúc ấy tôi mới thấy giá cả đắt khủng khiếp. Với số tiền được cấp tôi cứ ngỡ là to, hóa ra không thấm gì so với giá sinh hoạt ở đây. Hôm đầu tiên, tôi ăn trưa tại nơi tổ chức hội thảo. Tôi chọn hai món ăn chính, một món tráng miệng và một chai bia nhỏ. Khi thanh toán tiền, tôi suýt ngất xỉu vì món tiền cao quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi qui đổi ngay ra tiền Việt và thấy nó tương đương với một phần tư tiền ăn của cả gia đình tôi trong một tháng. Từ đó, mỗi khi ăn sáng ở khách sạn (đã được tính vào tiền phòng), tôi cố ních cho no, buổi trưa, tôi thường ăn bánh mì không và uống nước rô bi nê cho “dễ tiêu hóa”, còn buổi tối thì đã có tủ “Thạch Sanh”. Ngoài con búp bê biết đi và miếng vải nhung Pháp, tôi chả dám mua gì khác, định bụng mang tiền về Bangkok mua sắm quà cáp vì mọi người nói ở đó rẻ hơn nhiều và cũng hợp gu người châu Á ta.
Hội thảo xong, tôi sửa soạn mã hồi. Khi tôi trả chìa khóa phòng, cô lễ tân bảo tôi chờ một lát và chìa ra một tờ giấy bảo tôi thanh toán tiền điện thoại và những thứ mà tôi đã ăn, uống trong tủ “Thạch Sanh”. Nhìn số tiền tổng cộng bên dưới, tôi tái mét mặt vì nó ngốn gần hết số tiền mà tôi dành dụm. Hóa ra ban tổ chức chỉ chi tiền phòng và giặt giũ, còn các khoản khác ai sài gì thì tự bỏ tiền túi ra mà thanh toán. Tôi cố trấn tĩnh nhưng tay vẫn run run khi đưa trả số tiền mình nợ. Rời khách sạn, lòng tôi nặng trĩu.
Về đến Bangkok, tôi lại không gặp may vì các chuyến bay về Việt Nam gần nhất đều không còn chỗ. Tôi phải ở lại nhà khách Sứ quán một tuần. Thế là lại đẻ thêm ra một khoản chi nữa mà tôi không lường trước. Vì chế độ bao cấp đã xóa bỏ nên tôi phải trả tiền ở cho Sứ quán. Còn ăn, tôi đành diễn bài ca “mì ăn liền” cho đỡ tốn. Tôi theo anh em đi chợ bò bê, chợ pra tu nạm mua sắm ít quà cho gia đình và bạn bè, dù ngắn dù dài người ta vẫn cho rằng mình đi nước ngoài kia mà, vậy thì phải có quà chứ. Không còn tiền mua áo Na tô làm “lương khô”, tôi bèn nẩy ra sáng kiến mang hai con dao Thụy Sĩ nổi tiếng mà tôi được tặng khoe một anh bạn cũng quá cảnh về nước nhưng tiền bạc rủng rỉnh hơn tôi. Anh ta mê ngay vì dao này rất sắc và có nhiều công dụng, trên thế giới chỉ có Thụy Sĩ mới có. Thế là mỗi con dao tôi đổi ngang một áo Na tô.
Về đến nhà hôm trước, hôm sau tôi đến ngay cơ quan trình diện thủ trưởng và báo cáo sơ bộ chuyến đi. Tôi mang theo một gói bút bi, vài bao thuốc 555 và mấy gói kẹo làm quà cho anh chị em trong cơ quan. Mọi người hút thuốc, ăn kẹo, uống nước chè, chuyện trò rôm rả, mừng cho tôi thành công trong chuyến xuất dương đầu tiên. Buổi tối, tôi ghé thăm nhà thằng bạn cố vấn, biếu nó bao thuốc, vợ nó cái khăn, cho con nó gói kẹo. Nó bảo ngay: “Cậu cứ bầy vẽ, mình hiểu hoàn cảnh cậu quá rồi, tiền đâu mà nhà mình ai cũng có quà thế. Thế cậu đã đến biếu quà bộ tứ chưa?” Tôi thật thà: “Ơ mình cứ tưởng đem kẹo và thuốc đến cơ quan mời mọi người là được rồi”. Bạn tôi cười phá lên: “Ôi, ông Trưởng phòng Cung trăng ơi, chả bao giờ các vị ấy đòi cả, nhưng mình phải tâm lí chứ. Với anh em, ăn kẹo, hút thuốc, bút bi là được rồi. Còn các vị ấy, cậu phải có quà riêng mà phải “chất” vào cơ đấy. Như thế thì mỗi bận duyệt lên lương hay đi nước ngoài, các vị ấy mới nhớ đến mình chứ.” Tôi cãi: “Nhưng mà các vị ấy thừa hiểu mình đi có mấy ngày mà tiền lại bị ngốn vào cái khoản khách sạn gần hết.” Bạn tôi lại bật cười: “Các vị ấy bận trăm công ngàn việc, cớ sao cậu lại bắt họ phải biết cái việc cỏn con của cậu. Tri thức khoa học của cậu đúng là của một nhà bác học, nhưng tri thức xã hội thì không bằng thằng con nít. Để được việc, nhiều lúc có đi nước ngoài nước trong gì đâu mà người ta cứ phịa ra để có cớ biếu xén. Chán vạn người ở ngay giữa thủ đô, nhà chật bằng lỗ mũi, thế mà mùa nào thức ấy vẫn mang hoa quả biếu thủ trưởng, miệng ngọt xớt “cây nhà lá vườn đấy ạ”. Mà cũng tại cậu ngu lâu cơ. Lẽ ra phải tìm vào Sứ quán mà ở rồi rút tiền khách sạn ra có phải được món tiền kha khá không. Phải năng động, sáng tạo chứ, cứ ù lì như cậu thì ăn cám”.
Thằng bạn mắng mỏ có lí quá, tôi tiu nghỉu về bàn với vợ. Vợ tôi khẽ cau mày: “Anh thấy đấy, bao nhiêu tiền dành dụm em đã đem ra sắm sửa chuẩn bị cho chuyến đi  rồi, mà còn phải vay nợ thêm mới đủ. Người ta đi nước ngoài thì dôi ra, còn anh thì lõm vào. Âu cũng tại cái số mình không phất lên được. Biết tính sao bây giờ?” Suy nghĩ hồi lâu, tôi hiến kế: “Anh sẽ đi gặp anh bạn về cùng chuyến bay hỏi mượn tạm hai cái Na tô, mình có hai cái, vị chi là bốn, mỗi vị một Na tô kèm vài bao 555 thế thì “chất” quá rồi còn gì. May sao anh bạn đã đổi áo lấy dao Thụy Sĩ ấy mang về những một tá Na tô, lại là chỗ quen biết với nhà vợ tôi nên vui vẻ cho vợ chồng tôi mượn vô thời hạn. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, đang gói thành bốn gói quà để đưa đi thì thằng bạn cố vấn phóng xe đến, hớt hơ hớt hải: “May quá, gặp cả hai vị đây rồi. Hôm qua mình quên không nói là phải có quà cho thủ trưởng bà nữa vì “lệnh ông không bằng cồng bà”, nhiều lúc muốn mọi việc suôn sẻ phải đi “cửa” bà đấy. Thôi mình về đây.” Tôi và bà xã kiểm xem của nả còn gì đáng giá để làm quà cho thủ trưởng bà, nhưng bế tắc. Tôi thừ người, chán nản. Bỗng nhiên, vợ tôi rụt rè nói: “Hay là tặng bà ấy miếng vải nhung Pháp mà anh mua cho em?” Tôi quay nhìn vợ, phân vân. Cô ấy hơi cúi xuống, mắt chớp chớp: “Rồi anh còn được đi nữa cơ mà.” Tôi đặt tay lên vai vợ, im lặng, thấy cay cay sống mũi…
Lại có tiếng xe máy. Lại là thằng bạn cố vấn. Tim chúng tôi thót lại. Nó bảo rằng hiện ở nhà thủ trưởng còn có cô cháu nội kém con gái tôi độ một vài tuổi. Hai vợ chồng thủ trưởng rất cưng cháu nên nếu tôi có quà cho nó thì chỉ có tốt mà thôi. Hai vợ chồng tôi lại đau đầu nghĩ xem còn cái gì “chất” không, nhưng lần này có đốt đuốc lên mà tìm cũng chả thấy gì. Tôi đảo mắt nhìn khắp phòng và dừng lại giữa giường nơi con gái tôi đang ngồi say sưa chuyện trò với “em búp bê biết đi” của nó. Như có linh tính, cháu ngẩng đầu bắt gặp ánh mắt của bố. Chắc lúc ấy trông tôi thiểu não lắm. Nhà chỉ có 12m2 nên dù không muốn, cháu cũng đã nghe hết mọi chuyện trao đổi giữa bố mẹ. Sau giây phút ngập ngừng, cháu bế búp bê tiến về phía chúng tôi, sụt sịt: “Bố mang búp bê cho em chơi, khi nào đi công tác nữa, bố mua cho con con khác cũng được.” Không ai bảo ai, hai vợ chồng tôi ôm chầm lấy cháu. Ba chúng tôi không ai nói gì cả, cứ để cho những giọt nước mắt rơi rơi…
Chuyện trên đây xảy ra lâu rồi, nhưng tôi không bao giờ quên được. Hiện nay, vợ chồng tôi vẫn thuộc loại “đi sau thời đại”. Bạn bè đã “lên” xe Dream từ lâu rồi, nhưng chúng tôi mới chỉ “81 chót” mà mỗi khi về quê nó trở thành chiếc “zin 4 cầu”. Chúng bạn sống trong những căn nhà khang trang, còn chúng tôi sống trong căn hộ tập thể ở ngoại vi thành phố. Tuy nhiên, chúng tôi bằng lòng với cuộc sống của mình. Hằng ngày, sau giờ làm việc, vợ tôi lo việc nội trợ, còn tôi dịch sách, tài liệu hoặc dạy ngoại ngữ. Các con học bài và tranh thủ giúp mẹ việc nhà. Tuy thu nhập không cao nhưng thà như thế còn hơn lúc nào cũng phải lao tâm khổ tứ, chạy vạy các cửa để “theo kịp thời đại”. Ngẫm cho kĩ mới thấy các cụ dạy thật chí lí: “Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy, ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o”

Hà Nội, 09/1990
Vũ Đức Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét