Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

CHỢ NGƯỜI VIỆT Ở PHỐ BOLSA (MỸ)

Tác giả : Nguyễn Tài Ngọc

Tổng số hôn nhân trong năm 2009 ở Mỹ là 2,080,000, và ly dị là 840,000*. Có nghĩa là cứ mười anh xin phép được nắm tay em trọn đời thì bốn chị xin mấy anh bỏ tay em ra. Người Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng nằm trong sác xuất này, một tỷ lệ khá cao so với ở quê nhà: trong một triệu hôn nhân thì chỉ có một ly dị.
Tại sao ở Mỹ ly dị quá nhiều? Lý do đơn giản là sinh hoạt giải trí vào buổi tối sau khi đi làm về hoàn toàn không hiện hữu, thật nhàm chán. Ở Paris hay SàiGòn, chín hay mười giờ tối ra đường người ngợm đông nghẹt, hàng quán khắp nơi; trong khi ở Mỹ chín giờ tối ai nấy đã vào chuồng ngủ. Vợ chồng vì thế tối ngày chẳng có gì làm, đâm ra chán nhau nên ly dị. Ông Frank Yao, chủ nhân mall Phước Lộc Thọ trên đường Bolsa vì thế nẩy ra ý kiến bắt đầu vào cuối tháng 6 mở hàng quán đêm ở parking trước  Phước Lộc Thọ vào chiều Thứ Sáu, Thứ Bẩy và Chủ Nhật, đến 12 giờ đêm.
Nhân dịp đi ăn tối với một vợ chồng bạn ở Thụy Sĩ  ở Santa Ana, vợ chồng tôi nán lại ghé qua xem Phố đêm trước khi về nhà.
Lái xe vào parking  tìm chỗ đậu, không ai có thể phủ nhận là Phố đêm này vừa mới mở đã thành công. Số xe đậu khá đông, phải chạy ra parking sau mới có chỗ. Tiến ra phía trước Phước Lộc Thọ, một người sẽ thấy ngay một khán đài dã chiến, nơi các ca sĩ chưa-lên-mà-đã-xuống thực tập. 5, 6, cái bàn và chừng ba chục chiếc ghế xếp thành hàng một cho khách hàng ngồi, và giống như dân số nữ giới so với nam giới ở chùa Phước Hòa, số ghế có cho số khách muốn ngồi quá ư là ít.
Hai trong ba cửa hàng là tiệm ăn. Cháo lòng, thịt nướng, gỏi bò khô đu đủ, miến gà, chè, bắp nướng, nước mía… món gì cũng có, chỉ thiếu có mỗi món thịt cầy. Món thức ăn nhiều hàng quán bán nhất là hột vịt lộn. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy hai anh Mỹ trắng xem một gian hàng bán thịt nướng và hột vịt lộn. Thấy tôi chụp hình mấy trái trứng, anh ta múc ra một trái và bảo tôi chụp thêm một tấm nữa. Người Mỹ rất kinh dị khi thấy dân Á Đông ăn hột vịt lộn nên tôi hỏi làm sao biết mà đến đây mướn sạp để bán. Anh ta nói với tôi là anh ta có một người bạn gái Việt Nam. Ấy, thế mới là yêu chứ:
Yêu nhau cau bẩy bổ ba,
Em nói anh đi bán hột vịt lộn thì anh dạ liền, nghe em.
Tiệm ăn nào cũng tương đối đắt hàng, khách đứng xếp hàng mua tương đối đông. Lều bán những thứ khác như đồ chơi trẻ em, DVD nhạc Việt Nam, quần áo, trang sức, vật lưu niệm… tương đối vắng khách. Số bố mẹ dẫn con nít ra đây cũng đông. Một món đồ chơi con nít cầm chơi nhiều nhất là súng nhựa bắn bong bóng xà-bông.  
Khu bàn ghế cho người ta ngồi ăn đông nhung nhúc những người. Chung quanh một băng ghế đá là một nhóm đàn ông mà người nào đi ngang qua không thể nào không khâm phục tài nói sinh ngữ ngoại quốc của họ: ai cũng nói tiếng Đức lưu lót trôi chẩy, mở miệng nói một câu là có một chữ Đ.M. Đ. gì mà lắm thế, mỗi một lần nói là mỗi một lần Đ.M. Sức những ông này khỏe thật.
Chúng tôi đi bộ rảo một vòng độ nửa tiếng rồi về nhà. Phố đêm Phước Lộc Thọ là một cảnh tượng vui mắt, thế nhưng trong tâm trí tôi, tôi sẽ không trở lại lần thứ hai. Tôi hỏi ý kiến của vợ tôi xem nàng nghĩ như thế nào, và dĩ nhiên thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn,  ý nghĩ của nàng cũng giống như của tôi.
Khi vừa mới bước vào xem những gian hàng, ý tưởng đầu tiên của tôi là “Không khác gì ở Việt Nam!”.  Khách hàng là người Việt Nam, cá tính là người Việt Nam nên “không khác gì ở Việt Nam” là lẽ đương nhiên: Dân Việt Nam như dân Trung Hoa ăn nói lớn tiếng eo éo khắp nơi, không đếm xỉa đến sự có mặt chung quanh của người khác. Hàng quán xếp đặt bừa bộn cẩu thả với mục đích kiếm tiền không chú trọng về hình thức, chỉ có khách Việt Nam mới đến mua, không thể nào hấp dẫn du khách nước ngoài. Rác rưới khắp mọi nơi, nhiều gần bằng đống rác vĩ đại ở trên đường Nguyễn Thiện Thuật gần chợ Bàn Cờ. Thùng rác để ở đó chứ không phải không, nhưng quá ít, vỏn vẹn vài cái, đầy ắp không thấy ai đổ. Nhưng nếu thùng rác có trống cũng chẳng ai chịu tốn sức đi vài bước đến thùng rác vì khi ăn xong, người ta bỏ ly đĩa giấy đầy khắp trên mặt đường. Có người dọn dẹp thì dại gì mình không xả rác xuống đất! Tàn thuốc lá thì khỏi nói: vất nhan nhãn trên mặt đường.
Chỉ trừ khi tháp tùng bạn bè từ xa đến đi xem thắng cảnh, Phố đêm Phước Lộc Thọ đối với tôi bây giờ là: Adios, Sayonara, không cần trở lại lần thứ hai.

Nguồn : http//www.saigonocean.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét