Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

CỐ THỨ TRƯỞNG NGOẠI GIAO LÊ MAI DƯỚI GÓC NHÌN CỦA BÁO CHÍ MỸ.


Đúng 15 năm trước, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Mai, qua đời.  
Vào năm 2006, nhân kỷ niệm 10 năm ngày ông mất, một số báo Mỹ đã đăng bài nhận xét về ông. Đây chỉ là những ý kiến phản ánh góc nhìn của một số học giả, nhà báo người Mỹ và người Việt ở Mỹ. Tuy nhiên qua đó cũng hiện lên hình ảnh một nhà ngoại giao Việt Nam tài ba, có những đóng góp lớn và hình ảnh ấy vẫn còn nguyên vẹn trong kỷ niệm của những người đồng nghiệp cùng thời.
Những ý kiến này là do tác giả Trần Đức (M ỹ) sưu tầm vào năm 2006.
Nhân 15 năm nhớ ngày ông Lê Mai mất, Thăng Sắc xin trích giới thiệu lại để các đồng nghiệp trẻ tham khảo.

Ông có nói một câu nổi tiếng mà sau này thường được dẫn lại như biểu tượng cho quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ: 'Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh."  

                                               
Tờ báo Mỹ, Wall Street Journal, số ra ngày hôm nay (13/6/2006-TS) đăng một bài tưởng niệm về ông Lê Mai, mà người viết là giáo sư luật học, Mark Sidel, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam.
Là người có nhiều quan hệ ở Việt Nam - ông Mark Sidel quản lý chương trình của Quỹ Ford ở Việt Nam trong giai đoạn 1992-95 - tác giả bài viết nói quan hệ nồng ấm giữa Việt Nam và Mỹ đã nhờ rất nhiều vào nỗ lực của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai.
Năm 1991, ông Lê Mai và trợ lý ngoại trưởng về Đông Á, Richard Solomon, đàm phán lần đầu tiên về bình thường hóa quan hệ hai nước tại New York.
Trước lúc đột ngột qua đời năm 1996, ông Mai đang dẫn đầu đoàn đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ - tiền thân cho những đàm phán WTO ngày nay.
Giáo sư Mark Sidel nhận xét thông qua các hoạt động ngoại giao, ông Mai bắt đầu hiểu Việt Nam cần hợp tác và dùng vốn, công nghệ nước ngoài để phát triển.
"Ông cũng nhìn thấy nhu cầu có những chính sách kinh tế đa dạng hơn ở trong nước - một sự tách rời khỏi lý thuyết quản lý tập trung của Hà Nội thời bấy giờ, nhưng lại là viễn kiến mà chính phủ sau này đi theo."
"Ở trong nước, ông Lê Mai giúp giới chính khách và quân đội kỳ cựu hiểu ra là quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ và khối Asean có thể đem lại lợi ích cho Việt Nam mà không gây hại cho chủ quyền đất nước."
Năm 1994, ông Lê Mai được chọn vào Ban Chấp hành Trung ương, và giới quan sát khi ấy tin rằng ông sẽ được chọn để thay thế Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, và thậm chí có thể trở thành phó thủ tướng.
Tuy vậy, cái chết đột ngột của ông ở tuổi 56 đã đem lại nhiều thương tiếc.
Giáo sư Mark Sidel nhắc lại lời cảnh báo của ông Lê Mai rằng đừng để thành công trong quá khứ làm mờ mắt, mà không thấy sự thật rằng Việt Nam còn rất nghèo và tiến bộ chậm chạp……….
Tác giả bài báo nói công việc của ông Lê Mai, và lời khuyên dành cho những đồng sự trẻ tuổi, vẫn còn thích hợp ngày hôm nay.

12 tháng 6 năm 1996 : 

Tháng Sáu của năm 1996, Hà Nội đối đầu với một tình huống chính trị căng thẳng, và một biến cố bất ngờ xảy đến -Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai đột ngột từ trần. Hai hôm sau (13/6/1996) ở vùng Vịnh Bắc California, tờ San Francisco Chronicle loan tin :  Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Mai (1940-1996) chết. Ông ta là một thành viên cấp nhỏ trong phái đoàn hòa đàm về việc Mỹ triệt thoái khỏi VN năm 1973 và là kiến trúc sư chính trong chiến dịch bình thường hóa ngoại giao Mỹ-Việt Nam.
Tờ Asianweek cũng đăng tin trong mục “cáo phó” : Lê Mai, 56 tuổi, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, bị cơn kích ngất tim, từ trần ở Hà Nội vào ngày 13 tháng 6. Ông là công cụ bình thường hóa ngoại giao giữa VN và Mỹ kể từ 1977, một người có vai trò chính đưa tới sự chấm dứt cấm vận kinh tế của Hoa Thịnh Đốn vào tháng 2/1994 và tạo dựng quan hệ bình thường 18 tháng sau đó. Ông Mai từng là cựu đại sứ tại Thái Lan và đã tham dự trong phái đoàn hòa đàm Paris năm 1973.
Đạc biệt trên tờ ‘Độc Lập’ (The Independent, London) ngày 14/6/96, ký giả “lão bà” Judy Stowe đã viết một bài tường thuật tương đối đầy đủ hơn, lên tiếng ca ngợi Lê Mai là một trong những nhà ngoại giao có khả năng nhất; và dư luận chính trị quốc tế mong đợi ông sẽ là một đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Hoa Thịnh Đốn, hay có thể là người sẽ nắm giữ chức vụ Bộ Trưởng Ngoại Giao. Dù ở vị thế nào đi nữa, ông sẽ là người tháo gỡ sự cô lập quốc tế của Việt Nam trong một thời kỳ kéo dài. 1 (Obituary: Le Mai, Judy Stowe, xem chú thích )
Ông Mai nói tiếng Anh lưu loát, gặt hái nhiều kinh nghiệm trong thế giới bên ngòai trong những năm đầu thập niên 70, qua những cuộc hòa đàm kéo dài ở Paris với người Mỹ và đưa tới sự chấm dứt chiến tranh. Tuy vậy, thỏa ước ký kết vào năm 1973 đã không mang lại hòa bình và hàn gắn vết thương chiến tranh như nhiều người Việt Nam mong đợi. Cũng chẳng phải thỏa ước đó mang lại chiến thắng cho Hà Nội hai năm theo sau. Việt Nam lại sớm đương đầu với khó khăn khác, lần này là quốc gia lân bang Cambodia……… năm 1978. Mặc dù Hà Nội công bố đó chỉ là hành động tự vệ, đồng thời là chiến dịch nhân đạo nhằm giải phóng người Cambốt thoát khỏi sự cai trị man rợ của Pôn Pốt, những nhà ngoại giao Việt Nam phải hết sức khó khăn trong hơn một thập niên nhằm chính nghĩa hóa sự hiện diện quân sự ở Cambodia. Đó cũng là vấn đề chính yếu thử thách khả năng ngoại giao của ông Lê Mai.
Trong lúc sự thù nghịch giữa Việt Nam và Thái Lan đang ở cao độ, Lê Mai được bổ nhiệm làm đại sứ ở Bangkok, ông đã tạo dựng một vòng liên kết thân thiện và cảm tình của báo giới quốc tế trong cung cách đối phó và giải hoặc vấn đề Cambodia một cách mềm dẽo và khôn khéo. Trở về Hà Nội vào năm 1990, ông Lê Mai được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao. Qua vị thế đó, ông đã cải thiện sự quan hệ thân thiện với các quốc gia trong khối Đông Nam Á châu ( ASIAN ) cũng như Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự thương thảo với Hoa Thịnh Đốn gặp phải vấn đề rất khó nuốt là những quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ( Missing in Action – MIA) .
Qua nhiều thành tích ngoại giao đã xác nhận rõ hơn sự thành công của ông Lê Mai. Trong vòng hai năm, kể từ khi ông Lê Mai bắt tay vào công việc, chính quyền Tổng thống Clinton quyết định tháo gỡ cấm vận thương mại và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Cùng lúc, Việt Nam được kết nạp làm thành viên thường trực của tổ chức ASIAN (1995), một thành quả mà nhiều nhà ngoại giao trong vùng đã ngưỡng mộ những nổ lực ngoại giao sắc bén, tinh tế của ông. Nhưng hơn thế nữa, mọi người đều mong chờ ông sẽ nắm giữ vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao mới thật đúng tầm cỡ mà ông có……… 

12 tháng 6 – năm 2006

Chưa tới một năm sau ngày nhà ngoại giao Lê Mai từ trần, tự điển bách khoa Britannica trong “Year in Review 1997” đã dành hơn hai trang cung cấp một số thông tin hoạt động ngoại giao của Lê Mai. Và, 10 năm sau, thêm một lần nữa, Mark Sidel, giáo sư Luật (tại hai đại học Harvard và Iowa) đã viết thêm một bài tưởng niệm mới về Lê Mai.
Trên tờ The Wall Street Journal, trong mục “Bình luận” ngày 13/6/06, với tựa đề : “Nhà ngoại giao trầm lặng của Hà Nội” 3 ( Hanoi's Quiet Diplomat, xem chú thích ), Mark Sidel viết : “Mối quan hệ thắm thiết giữa Mỹ và Việt Nam mắc nợ nhiều với một người đàn ông mảnh khảnh, hay mỉm cười đã chết vào tháng này cách đây một thập niên trước. Không có Lê Mai, cựu thứ trưởng ngoại giao của Hà Nội, thì nước Cộng sản này không thể nào mời Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush viếng thăm vào tháng 11 tới, cũng chẳng thể nào đưa VN tới ngưỡng cửa gia nhập Tổ chức Thương Mại Quốc Tế (WTO). Thế mà ông Mai vẫn chưa được nhiều người ở ngoài Việt Nam biết tới.
Với vóc dáng của một người đàn ông khiêm tốn, mềm mỏng, nhũn nhặn, ông Mai là nhà thương thảo dẫn đầu trong việc mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Việt Nam. Vào thời điểm ông chết, thì ông là người lãnh đạo mọi nỗ lực thương thảo hiệp ước mậu dịch song phương với Mỹ - là tiền đạo cho mọi thương thảo về WTO của ngày hôm nay.
Ông Mai lớn lên từ gia đình nghèo; sinh năm 1940 tại miền Trung, thành phố Huế. Ông học Anh ngữ tại trường Đại học Sư phạm Ngoại văn Hà Nội và tốt nghiệp năm 1962. Ông cưới bà Lê Hoàng Mai (về sau là một bác sĩ nhãn khoa nổi tiếng), đóng vai trò trong Hòa đàm Paris vào những năm đầu thập niên 1970, và sau đó làm việc cho Bộ Ngoại Giao, thăng tiến nhanh chóng xuyên qua các chức vụ từ Hà Nội đến Bangkok.
Qua các công tác về ngoại giao, ông Mai đã ý thức nhu cầu Việt Nam cần có vốn liếng tư bản nước ngoài và kỹ thuật để thăng tiến. Ông cũng nhận thức Việt Nam có nhu cầu một chính sách kinh tế đa thành phần của xứ sở……….
Ông Mai hiểu rất sớm sự quan trọng để tham gia vào Hiệp hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations), thúc đẩy mậu dịch trong vùng, và bước đi chính để tham gia vào cộng đồng mậu dịch quốc tế.. Các quốc gia thành viên là Thái Lan và Mã Lai rất e ngại sự kiện Việt Nam thống trị Cambodia, và ảnh hưởng của nó trên vùng đất Đông Nam Á châu.  Nhờ công lao bền chí của ông Mai và các người cộng sự, Việt Nam gia nhập vào tổ chức vào năm 1995. Ngày nay, Việt Nam đang gặt hái thành quả với sự tăng tiến đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và mức phát triển hàng năm chừng 7.5%.
Về nội chính, ông Mai đã…….. hiểu rằng một quan hệ thân thiết với Hoa Kỳ và các quốc gia Á châu tạo nhiều tốt đẹp cho Việt Nam mà không làm suy yếu chủ quyền đất nước…
Vốn liếng chính trị mà ông Mai gặt hái được từ những cuộc thương thảo mậu dịch quốc tế có triển vọng đưa ông lên cấp cao và ảnh hưởng lớn hơn trong quyền lực chính trị – Trong mùa hè 1996 – ông đã được đề cử chức vụ bộ trưởng ngoại giao và phó thủ tướng, Giới quan sát tai mắt ở Hà Nội còn cho rằng vị thế của ông sẽ còn lên cao hơn nữa…………..
Viễn kiến chính trị của Lê Mai còn phản ánh rõ hơn qua các bài diễn văn. Mark Sidel nhắc lại lời của Lê Mai : “để đạt sự độc lập vững chắc cho đất nước, nền kinh tế quốc gia cần phải được thịnh vượng lên, và tăng cường sự tự do cho mỗi cá thể.” Ông còn cảnh cáo tinh thần tự mãn : “Đừng để thành công quá khứ biến thành cái màn che kín đôi mắt trước sự thật trần trụi này : Việt Nam còn quá nghèo nàn và sự tiến triển còn quá chậm chạp !”.   
Những thành tích về ngoại giao như thế thì không ai có quyền phê phán về năng lực làm việc của ông; một nhân cách phục vụ đất nước như thế thì không ai có quyền thắc mắc về lòng yêu nước nồng nàn và sáng suốt của ông………

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét