Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

"Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ số không" Sài Gòn, ngày 30 tháng 4 năm 1975

Trần Ngọc Quyên trích dịch nhân kỷ niệm 30/4.


"Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ số không" gồm các phóng sự về kết cục của cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm là tên một cuốn sách do Borries Gallasch (Bo-rit Ga-lát-sơ) chủ biên, được xuất bản tại CHLB Đức (Tây Đức trước đây) chỉ hai tháng sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Cuốn sách gồm các phóng sự về những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh do 9 phóng viên “gạo cội” của các nước phương Tây viết ngay tại Sài Gòn. Họ là những  nhân chứng quan trọng có mặt tại Sài Gòn đúng vào giờ phút lịch sử ngày 30.4.1975. Các phóng sự này giới hạn trong khoảng thời gian 10 ngày trước và 10 ngày sau 30.4.1975.
 Dưới đây là trích dịch một phóng sự có tên „Sài Gòn, ngày 30 tháng 4năm 1975“ của Borries Gallasch, phóng viên Tạp chí Der Spiegel (Tấm gương) là tạp chí chính luận uy tín nhất của CHLB Đức (Tây Đức trước đây và cả CHLB Đức ngày nay).

*******

... “Giờ số không đã kéo dài 5 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ sáng khi chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của Mỹ rời Sài Gòn, đến mười hai giờ trưa cờ của Mặt trận Giải phóng (MTGP) tung bay trên Dinh Độc Lập.

Dietrich Mummenday (Phóng viên Báo "Tấm gương hàng ngày", ND) và tôi đã trụ qua đêm tại Hội Chữ thập đỏ đường Hồng Thập Tự và khoảng 8 giờ sáng cùng nhau đến khách sạn Caravelle, nơi phần lớn các phóng viên nước ngoài còn trụ lại ở Sài Gòn đang tụ tập tại đây: chủ yếu là người Pháp, người Nhật, một vài người Anh, Ý và chúng tôi. Mummenday và tôi không còn kiên nhẫn ở lại khách sạn lâu hơn nữa và đã đi đến văn phòng của hãng Reuter nằm chếch ngang với Dinh Độc Lập, cách khách sạn khoảng 2 km. Tôi lo sợ, đầu gối run lập cập đến mức khó lòng đi tiếp được nữa, tuy vậy tôi vẫn cố đi tiếp: khoảng 11 giờ 15 tôi đã đứng trước Dinh Độc Lập lúc này nằm yên lặng trước mắt tôi như một bảo tàng vào buổi sáng chủ nhật, không có người canh gác; trước các hàng rào chắn và chướng ngại vật bình thường được canh gác rất nghiêm ngặt nay ngổn ngang những mũ sắt, quân phục, súng ống, thậm chí cả lựu đạn và một khẩu súng phóng lựu chống tăng. Tuyệt nhiên không một bóng người, lác đác có tiếng súng nổ, phía xa vẫn còn vọng lại tiếng nổ của kho đạn ở Tân Sơn Nhất. Tôi đi qua cổng sắt hé mở, một viên thiếu tá đi về phía tôi, rồi đi qua mặt tôi, như là anh ta không hề nhìn thấy tôi. Tôi đi trên bãi cỏ, thầm nghĩ rằng bất kỳ giây phút nào cũng có thể có ai đó bắn vào xe tôi; các binh lính đang tranh luận với nhau bên bậc tam cấp lên cửa chính, một chiếc xe sang trọng màu đen lướt tới, Nguyễn Văn Huyền, Phó Tổng thống của nền Cộng hòa đang hấp hối, chui vào xe. "Chúng tôi đang chờ một phái đoàn của Mặt Trận Giải phóng đến Dinh này vào bất kỳ lúc nào, ông có thể chờ ở đây nếu ông muốn”. Binh lính trong đội cận vệ của Tổng thống cũng không thèm giơ tay chào, khi xe chở người có vị trí thứ hai của quốc gia đi qua trước mặt họ, chạy ra khỏi Dinh bằng cổng sau.
Tôi thở mạnh, bước tiếp lên bậc tam cấp vào cửa chính, qua khu sảnh rồi leo lên lầu một, ở đây tôi gặp Hà Huy Đính, một luật sư Sài Gòn người nhỏ bé, là học trò của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu. Hà Huy Đính mới xuất hiện từ mấy hôm nay từ Phong trào bí mật, cũng có cùng ý nghĩ như tôi: đơn giản là cứ đến đây, nếu có xảy ra điều gì thì cũng tại đây. Anh ta đã ở lại bên tôi trong suốt 3 giờ tới.
Trong khoảnh khắc đó, khi chúng tôi còn đứng giữa sảnh, thì cửa cầu thang ở phía bên trái mở ra: Tổng thống Minh "lớn", Thủ tướng Mẫu, một vài Đổng lý vừa từ hầm trú ẩn lên lầu một. Minh "lớn" nói: "Cũng hay là có các ông ở đây, các ông sẽ được chứng kiến cảnh vận mệnh của đất nước tôi được chuyển giao vào tay những người xứng đáng hơn tôi như thế nào".
Trong khi đám tùy tùng đi đi lại lại đầy lo âu, thì Minh "lớn" vẫn đứng nguyên và im lặng ở giữa sảnh, nhìn qua lớp kính chắn của Dinh qua bãi cỏ sang phía Nhà thờ lớn. Bỗng nhiên có tiếng súng, tiếng lựu pháo nổ và từng tràng súng máy vang lên; tôi vội nằm xuống đất, tìm chỗ trũ ẩn đằng sau một cột bê tông, tiếng ầm vang đến chói tai. Một cuộc đảo chính trong phút cuối cùng chăng? hay một cuộc tấn công vào Dinh? liệu chúng tôi có phải chết? Quả thực tôi rất sợ.
Nhưng không hề có một tấm kính nào bị vỡ, chúng tôi rời chỗ trú ẩn của mình, Minh "lớn"  vẫn còn đứng nguyên tại chỗ cũ, to lớn như một tượng đài bên cạnh ông Thủ tướng nhỏ thó của mình. Trước mắt tôi là một cảnh tượng không thể tin được: ba chiếc xe tăng với những lá cờ to quá khổ của MTGP đang lăn bánh tới cổng sắt hướng về khu vườn của  Dinh, súng bắn loạn xạ, trút đạn lên không trung: Những phát súng thể hiện niềm hân hoan , dàn giao hưởng của chiến thắng, phút giây của niềm vinh quang! Chiếc xe tăng đầu tiên đã húc đổ cánh cổng, lăn bánh thẳng trên bãi cỏ nhằm chính hướng Dinh lao tới, hai chiếc xe  tăng còn lại vòng sang bên trái và bên phải, rồi cả ba xe tăng cùng dừng lại trước mặt tiền của Dinh; khoảng 20, 30 xe tăng khác tiến vào theo.
Tôi chạy ra ban - công, chụp ảnh; thật là một cảnh ngoạn mục. Và rồi viên Chỉ huy của chiếc xe tăng dẫn đầu, tay trái cầm súng, tay phải cầm cờ xông lên cầu thang, xuýt xô ngã cả tôi, hai chiến sĩ khác của MTGP đứng gác phía  bên trái và bên phải bên cạnh cầu thang, không ai đếm xỉa đến Minh "lớn"  và những người khác lúc này đang đứng hơi chếch về một phía trước phòng chờ của Tổng thống.
Đứng trước tôi là viên Chỉ huy xe tăng, nói rất to với tôi một câu gì đó mà tôi không hiểu. Đính gọi với sang tôi: "Mở cửa ban - công ra, mở ra". Tôi tiến lại mở cánh cửa bằng kính ra, anh ta chạy lướt qua tôi, kéo cờ lên, vẫy đi vẫy lại lá cờ; phía dưới xe tăng tiếp tục tiến vào, tất cả đều bắn chỉ thiên, một số phóng viên cũng từ phía bên ngoài đang chạy nhanh trên bãi cỏ.
Chỗ kia là nhóm ba mươi binh sĩ cuối cùng của chế độ cũ đã đầu hàng, có lẽ họ là những binh sĩ cuối cùng của quân đội Thiệu còn chưa kịp trút bỏ quân phục trên người và chưa bị đè bẹp trong những giờ cuối cùng này. Họ giơ cao tay xin hàng và sắp thành 3 hàng trên bãi cỏ.
Tôi chạy trở vào Dinh, thật may vừa đúng lúc: là người châu Âu duy nhất trong Dinh, là phóng viên duy nhất có mặt tôi đã được chứng kiến cảnh tượng Minh "lớn", Tổng thống của Cộng hòa Việt Nam đã bị ông Phạm Xuân Thệ, Chỉ huy một đơn vị quân đội thuộc "Đoàn Đông Sơn" của Quân Giải phóng bắt như thế nào. Tay cầm khẩu súng lục đã lên đạn, một khẩu K55 của Nga, bản thân ông ta cũng có vẻ hồi hộp, ông Thệ đã nói rất to với Tổng thống: "Ông Minh, chúng tôi yêu cầu ông đi ngay với chúng tôi đến Đài phát thanh và ra lệnh cho quân đội đầu hàng vô điều kiện, để máu khỏi phải tiếp tục đổ".
Nhưng Minh chần chừ không muốn đi, ông ta đề nghị ghi âm phát biểu của mình ngay tại đây, trong Dinh; người ta thảo luận, các lý lẽ được trao đi đổi lại; ngày càng có nhiều chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời (CPCMLT) xông vào sảnh. Lúc bấy giờ người ta quay ra đi tìm một chiếc máy ghi âm, nhưng uổng công. Cũng như trong toàn thành phố này, ở đây (Dinh Độc Lập) các viên chức và nhân viên kỹ thuật không chỉ rời chỗ làm việc của mình, mà họ còn lấy đi tất cả những gì có thể mang đi được: không còn sót một máy ghi âm nào trong Dinh.
Sự lộn xộn thực sự diễn ra khi viên Tư lệnh của Bộ chỉ huy tiếp nhận đầu hàng của CPCMLT, Chính ủy Bùi Văn Tùng (Đại tá Bùi Văn Tùng - nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2, chú thích của ND) tham gia vào kịch bản. Nhóm người giữa lúc đó đã đông lên gấp bội được dẫn vào phòng khánh tiết của Dinh ở lầu một, nơi chúng tôi đang đứng chờ. Trong khi đó một số phóng viên từ bên ngoài cũng đã kéo vào cùng với các chiến sĩ của CPCMLT, Minh, Mẫu và Chính ủy Tùng.
Sau mấy phút Minh, Mẫu và viên Chính ủy rời phòng trên, theo sau là tất cả những ai giữa lúc đó đã có mặt tại đây. Chúng tôi đi xuống cầu thang, ra bãi cỏ, đến ngang chỗ đài phun nước thì Minh và Mẫu trèo lên một chiếc xe Jeep, có hai chiến sĩ của CPCMLT đi hộ tống, Chính ủy Tùng và một chiến sĩ nữa trèo lên chiếc xe Jeep thứ hai. Tôi đứng ngay cạnh đó, vừa bám chặt lấy ông ta, vừa năn nỉ bằng tiếng Pháp xin được đi theo và ông ta gật đầu. Đính và tôi nhẩy lên phía sau của xe Jeep; xe lăn bánh, chỉ có hai xe Jeep này của chúng tôi chạy giữa một thành phố đang sôi sùng sục, nhưng dường như mọi sự lo sợ cũng bỗng nhiên biến mất; xe chạy qua sứ quán Mỹ đã bị cướp bóc trống rỗng tới một ngôi nhà phụ của Đài phát thanh nằm trên đường Nguyễn Bình Khiêm.
Chúng tôi lên lầu một của tòa nhà, vào một phòng Studio nhỏ, các nhân viên kỹ thuật giật bức chân dung Thiệu khỏi tường, vứt qua cửa sổ xuống sân.
Một khoảnh khắc trôi qua, chúng tôi ngồi đây và không biết làm gì. Mẫu phe phẩy một quyển sách mỏng làm quạt, Minh và Tùng ngồi trên hai ghế đệm, tôi ngồi giữa hai người, trên một chiếc bàn nhỏ. Trong khi đó Tùng đang dự thảo bài phát biểu đầu hàng của Minh trên một tờ giấy mầu xanh.
Vũ Văn Mẫu tỏ ra hài lòng, nét mặt ông ta hân hoan như đây chính là chiến công của cá nhân ông ta vậy. Là người đồng sáng lập và Người phát ngôn của Lực lượng thứ Ba cách đây một tuần ông ta còn giải thích với tôi về sự cần thiết của Nhóm Trung lập của ông ta đối với mọi tương lai chính trị ở Miền Nam Việt Nam. Lúc này mà ông ta còn nói tới cơ may của Lực lượng thứ Ba, sau khi ông ta đã đầu hàng, cả sau khi mà tình hình đã thay đổi lớn đến như vậy! Nhà chính khách chuyên nghiệp này thậm chí còn không chút ngượng ngập khi ông ta tuyên bố với nét mặt rạng rỡ rằng: "Không còn Lực lượng thứ Nhất nữa, cho nên cũng không cần tới Lực lượng thứ Ba nữa. Sự hòa giải dân tộc đã diễn ra nhanh hơn là chúng tôi dự đoán. Bây giờ  tất cả chúng tôi cùng nhau phụng sự nhân dân, không phân biệt ai". "Không phân biệt cả chính kiến à"?, tôi hỏi. "Có, có chính kiến khác nhau, nhưng chúng chỉ khác nhau ở con đường mà chúng tôi muốn đi đến mục tiêu chung".
Chính ủy Tùng có vẻ khó nhọc trong công việc viết lách: Khuôn mặt nghiêm trang, không cử động khi ông ta cắm cúi viết viết, xóa xóa. Có thể như thế chăng? Những con người này đã chiến đấu từ 30 năm nay cho cùng một sự nghiệp, chiến đấu giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác một cách độc nhất vô nhị vào đến tận hang ổ cuối cùng (của chế độ Sài Gòn) là Dinh Độc Lập theo đúng ý nghĩa của từ ngữ này. Và họ chưa kịp chuẩn bị sẵn những lời để có thể diễn đạt thành văn trong lúc này.
Trong lúc đó người ta đã trở nên thân mật với nhau, không khí căng thẳng ban đầu đã dịu đi. Viên chỉ huy Phạm Xuân Thệ, người đã bắt Minh tại Dinh, tuy vẫn còn cầm súng lục trên tay, song có lẽ chỉ còn do thói quen. Nét mặt anh ta bây giờ cũng tỏ ra tươi tỉnh và thỉnh thoảng lại quay sang nói với Minh: "Anh Minh, anh đừng sợ; chúng tôi chỉ chiến đấu vì dân tộc chúng ta, chúng tôi chỉ chiến đấu chống lại kẻ thù của chúng ta, anh hãy nói trên đài phát thanh để máu khỏi tiếp tục đổ. Bây giờ chúng tôi đã có mặt tại đây, và không ai làm gì hại anh, cũng sẽ không có ai làm gì hại anh cả".
Minh im lặng. Những người đàn ông trong quân phục mầu xanh mũ tai bèo đứng nhìn ông ta một cách tò mò, họ tạo thành một vòng tròn, trong khi phía ngoài cầu thang người ta vẫn còn bắn sung mừng chiến thắng; những người chiến thắng không kìm được sự xúc động cao độ của mình và trước sự hưng phấn say sưa của niềm vui chiến thắng họ tung tăng như những em nhỏ.
Cuối cùng thì Minh cũng lên tiếng, con người năm 1963 đã lật đổ Diệm và nay nhờ đầu hàng kịp thời đã cứu Sài Gòn khỏi bị tàn phá, đã hỏi người canh giữ mình: "Anh (hay em) tôi thế nào, bao giời tôi có thể gặp Anh (hay chú) ấy?" (Trong tiếng Đức từ “Bruder” không phân biệt được là anh hay em - ND).
Định mệnh Việt Nam: Anh (em) của Tổng tống là một vị tướng trong quân đội Miền Bắc Việt Nam, từ 20 năm nay hai anh em đã chiến đấu chống lại nhau trong hai quân đội thù địch nhau của nhân dân họ.
Chỉ huy Thệ im lặng. Mọi người bỗng dưng im lặng và sự yên lặng tức thời đã làm cho những câu nói tiếng Anh của Đính bạn tôi trở nên như một lời bình luận quá to của một phóng viên trong chương trình thời sự: "Kẻ thất bại muốn hòa giải".
Một số chiến sĩ bắt chuyện với tôi bằng tiếng Nga, họ nhìn thấy tấm phù hiệu đeo trên ngực tôi đề "Báo chí Đức" và tất nhiên chỉ nguyên việc tôi được phép có mặt tại đây cũng làm cho họ nghĩ rằng tôi phải từ CHDC Đức tới. Họ muốn nói chuyện với tôi về Marx - bạn tôi Hà Huy Đính nói cho họ rõ tôi là ai, tự nhiên họ trở nên không cởi mở như trước nữa, có vẻ hoài nghi hơn, không hẳn thân thiện, nhưng dè dặt hơn.
Và rồi cũng đã đến lúc: Không ai trong số người có mặt biết xử dụng máy ghi âm. Chính ủy Tùng bằng một cử chỉ không thể hiểu lầm được đã ra hiệu cho tôi biết tôi cần phải làm gì: Minh đọc thử bài phát biểu vào băng ghi âm của tôi. Quá trình ghi âm lặp đi lặp lại 3 lần: lần thứ nhất Mính nói vấp, và đáng lẽ mở đầu phải đọc là: "Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn...", thì ông ta lại muốn nói là: "Tôi, Tướng Dương Văn Minh, ra lệnh cho các lực lượng vũ trang hãy hạ vũ khí..." Trao đi đổi lại , cuối cùng đã đi đến một giải pháp thỏa hiệp, không mấy hài lòng đối với Minh: "Tôi, Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống Chính quyền Sài Gòn...". Nhưng do chữ viết tay của Chính ủy Tùng khó đọc đối với Minh, nên Minh đọc sai nhiều chỗ, mỗi lần như vậy lại phải đọc lại từ đầu.
Cuối cùng thì việc ghi âm cũng xong xuôi, Minh đã kết thúc bài phát biểu bằng 4 chữ "...Miền Nam Việt Nam!" đọc rất đúng trọng âm.
Cả bài phát biểu của Mẫu và Chính ủy Tùng cũng đều do tôi ghi âm, sau đó tất cả mọi người cùng đến một ngôi nhà phụ nhỏ, vào phòng bá âm: tôi ngồi trước micro và cho chạy băng ghi âm với ba bài phát biểu, Minh ngồi phía bên trái tôi, Chính ủy Tùng, Mẫu và Chỉ huy Phan Xuân Thệ đứng phía sau. Qua cửa kính người ta ra hiệu cho chúng tôi: làm lại một lần nữa, sát vào micro hơn, cho nhỏ âm thanh đi một chút. Xong, viên Chính ủy cảm ơn, nói gì đó mà tôi không hiểu. Hà Huy Đính dịch lại. Thì ra, để thưởng công tôi được phép lái chiếc xe Jeep đưa Chính ủy Tùng trở lại Dinh Tổng thống. Chúng tôi đi ra đường, tôi ngồi vào tay lái, Chính ủy Tùng ngồi bên cạnh.
Nhưng tôi không gặp may, tôi không nổ được máy, không biết nổ máy một xe Jeep như thế nào? Người lái xe của Chính ủy vốn dã không thích thú gì để tôi làm thay chức năng của anh ta, dứt khoát từ chối chỉ dẫn cho tôi cách nổ máy. Trong khi đó viên Chính ủy Tùng cũng hết kiên nhẫn chờ thêm. Chúng tôi trèo lên một xe khác, tôi lại là hành khách.
Đường trở về chúng tôi đi qua các phố xá của Sài Gòn, lúc này đã là khoảng 14 giờ chiều, khắp nơi đầy các đơn vị Quân Giải phóng chốt giữ các ngã ba, ngã tư. Đường phố đông nghịt người, xe chúng tôi đi không có hộ tống: Sài Gòn, từ giờ này phút này trở thành Thành phố Hồ Chí Minh, đã nắm chắc trong tay CPCMTL mà không có sự kháng cự đáng kể nào. Tôi chỉ nhìn thấy một binh sĩ miền Nam VN duy nhất chết tại góc phố; một lái xe xích lô đặt anh ta lên bệ để chân phía trước xe của mình và chở đi, như rác rưởi cần được dọn sạch.
Đến Dinh tôi phải xuống xe. Hai ngày sau đó Minh cùng với Nội các của ông ta đã tiến hành bàn giao công việc tại Dinh, sau đó ông ta được thả tự do, được về nhà, về với vườn phong lan của ông ta.
Liệu Người chiến thắng có muốn hòa giải không, ngay lập tức và không có trả thù ? Liệu người đó có thể thực hiện được điều đó không, ngay cả khi người đó muốn ?
Những ngày đầu tiên sau giải phóng chưa nói được gì nhiều về điều đó. Tuy các đường phố vẫn đông người, người ta cười nói mừng vui, tuy các anh "Bộ đội", những người lính từ trên rừng về được chào đón khắp nơi như những người giải phóng, chỉ sau mấy giờ họ đã có thể đi lại tự do như những người du lịch trên các phố mà không cần mang vũ khí - nhưng liệu hình ảnh này của sự hòa hợp có đánh lừa người ta không ?...
Vâng cuộc sống đã trở lại bình thường gần như không cần có sự quá độ, không có dấu hiệu của sự hận thù, ngay cả một số ít người Mỹ còn ở lại cũng được đối xử tử tế. Tất cả mọi người đều nói tới hòa giải. Trên các đường phố điều đó đã diễn ra một cách phô trương đến mức sự hoài nghi của tôi tăng lên. Trong số những thanh niên kia, những người lúc này đang ôm hôn các anh Bộ đội, xin chụp ảnh chung với họ, có những người chỉ mấy tuần trước đây trong các giờ thiết quân luật tay còn lăm lăm súng M16 của Mỹ đi cướp bóc ban đêm trên Quảng trường Lam Sơn, một người còn gạ bán cho tôi một vé máy bay đi Mỹ để lấy đô la”...

Trần Ngoc Quyên
(trích dịch)

1 nhận xét: