Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Ba Vì : hài hòa giữa du lịch sinh thái và cứt bò.

Thăng Sắc


Năm 1999, Hội thảo về du lịch sinh thái ở Việt Nam đã đưa ra định nghĩa : du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường, có đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Hỏi cụ Google, gọi là cụ để biểu thi sự ngưỡng mộ đối với kho kiến thức sâu rộng của cụ ấy, thỉ được biết thêm, trong luật du lịch năm 2005, tất nhiên của Việt Nam, có một định nghĩa khá ngắn gọn : Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương với sự tham gia của cộng đồng nhằm phát triển bền vững.
Hà Nội hiện đại có huyện Ba Vì ở phía Tây, được coi là, mà đúng là thế, một địa điểm lý tưởng cho du lịch sinh thái : có núi Ba Vì với những huyền thoại Sơn Tinh, đệ nhất Thánh trong bốn vị Thánh bất tử của Việt Nam, có vườn quốc gia với rừng cây, núi đồi, sông hồ…Đến Ba Vì, dù chỉ mới một lần có dịp, ai cũng phải thốt lên, rằng đây là nơi duy nhất của Hà Nội, người ta được hòa mình vào thiên nhiên. Nhiều người Hà Nội lạc quan, thấy mình diễm phúc hơn người Nhật Bản ở Tô-ky-ô, không phải đi mua ô xy, chỉ cần bỏ ra một tiếng chạy lên Ba Vì, căng phổi ra mà hít. Đầy ô xy !

Thế nhưng, ở Ba Vì còn có một nông trường nuôi bò lấy sữa, một công ty cổ phần sữa quốc tế, sữa Ba Vì bây giờ bán trong cả nước, chẳng riêng gì Hà Nội. Người Việt luôn có nhiều mơ ước, trong đó có một mơ ước là được dùng nhiều sữa. Vì sao ? TV và báo chí đều quảng cáo thực phẩm từ sữa tự nhiên có rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, trong đó phải kể đến những chất làm cho con trai cao to lên, con gái trẻ đẹp ra, chỉ số IQ của trẻ con tăng không ngừng…Sữa đáp ứng được những mong ước ấy, vậy nên sữa bán ra không đủ, cung chưa kịp với cầu. Công ty sữa, chắc cũng phải dày công nghiên cứu, chịu bỏ vốn ra, vốn bằng tiền và bằng cả kiến thức, đưa việc nuôi bò sữa về từng hộ gia đình. Kể từ đấy, người nông dân Ba Vì đổi đời nhờ con bò sữa, không ít người, trước đây nghèo xơ xác, nay thành triệu phú, có người còn thành tỉ phú. Ai mà không ham. Thế là con bò sữa được dắt về từng ngõ ngách, lây lan ra rất nhanh, từ thôn này qua thôn khác, xã này qua xã khác, không dám nói cả huyện, huyện Ba Vì rộng lắm, nhưng có xã đã kín việc nuôi bò. (Theo báo Nông thôn ngày nay số tháng 3 năm 2012, 100% số xã thuộc Ba Vì hiện đang tập trung phát triển bò sữa theo quy mô hộ gia đình. Huyện xác định nuôi bò sữa là nghề chính giúp dân làm giàu).  
Con bò sữa, trước sống ở nông trường, nay được về ở với người, trong vườn nhà, ngay cạnh nhà. Bò ở với người và ngược lại. Muốn vắt sữa phải cho nó ăn no, ăn no nó phải tiêu hóa nhiều, cho ra thật nhiều phân. Phân là nói chữ, dân dã gọi là cứt, cứt bò.
Một chuyến du lịch lên Ba Vì bây giờ, không hiếm gặp những chuyến xe cam-nhông chở đầy ắp phân bò tươi. Xe công nông thu gom cứt từ trong các hộ nuôi bò, đem ra đường, có khi đổ đấy thành đống, đợi xe cam-nhông đến hót đem đi. Nắng bốc mùi kiểu nắng, mưa bốc mùi kiểu mưa, tan biến hòa quyện vào sinh thái, môi trường. Bây giờ, môi trường Ba Vì, trong thơm có thối, trong thối có thơm, thối thơm lẫn lộn. Có trung tâm du lịch đã phải cho tiền mấy cái chuồng bò bên cạnh để họ dọn sạch, không bốc mùi vào các sáng thứ bảy và chủ nhật là lúc có nhiều khách !
Bài viết này không nói về người nông dân bản địa nuôi bò dọn cứt để vắt sữa, vắt ra sữa tức là vắt ra tiền, là người đầu tiên chịu cảnh sống và làm việc trong ô nhiễm. Họ đang vượt qua mưu sinh để làm giàu. Bài này muốn nói về du lịch sinh thái, Ba Vì của Hà Nội vừa muốn là khu du lịch sinh thái lại vừa muốn là trung tâm nuôi bò sữa, xem ra, theo định nghĩa đã dẫn ở trên, cứt bò và sinh thái khó mà hài hòa vào lúc này. Trong cuộc cạnh tranh giữa cứt bò và sinh thái, có vẻ như việc nuôi bò sữa trong từng hộ dân bản địa sẽ chiếm ưu thế, người này học người kia, xã này học xã kia, lan tỏa. Số bò sữa càng phát triển, việc tiêu hóa của chúng càng nhiều, môi trường sinh thái trong lành càng thu hẹp.
Những người xây dựng nông thôn mới cùng với các nhà khoa học chắc phải vào cuộc, làm sao con bò sữa ỉa ra mà cứt không thối, người nông dân có sữa bán, người tiêu dùng có sữa uống, người du lịch Ba Vì không phải ngửi mùi cứt bò.
 Hoàng hôn Ba Vì


3 nhận xét:

  1. Bài viết thoáng chút ngẫu hứng lãng tử và...không giống với style của Thăng Sắc, nhưng mà hay, nhất là cái ảnh hoàng hôn có lẽ chụp từ nhà vườn của tác giả thì phải(?)

    Trả lờiXóa
  2. Để giải quyết cái món phân bò để sạch làng tốt sinh thái không khó,chỉ cần đầu tư cho mỗi nhà một hầm bi-ô-ga, chỗ này cho phân xuống nóc hầm có ống lấy ga ra là có thể đun nấu, chỗ kia lấy bã ra bón rau cỏ, nếu ga không dùng hết đóng bình bán cho trung tâm sơ chế thành ga chất lượng cao mang về HN pán cùng với sữa...
    Nhưng câu chuyện sữa bò và những giá trị của chúng thì cần xem lại. Nếu sữa bò thực sự tốt như quảng cáo thì giống bò phải là giống siêu đẳng, vì sữa của nó còn tốt hơn cả sữa mẹ? Ất thế mà từ ngàn đời nay giống bò toàn nuôi con bằng sữa mẹ 100% vậy mà chúng vẫn " Ngu như bò"? Nhân chuyện con bò có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại những giá trị đã bị những nhà buôn các loại áp đặt một cách có hệ thống nhằm kiếm lời bất chính

    Trả lờiXóa
  3. Tầm nhìn xa.
    Cháu thích bức ảnh hoàng hôn Ba Vì!

    Trả lờiXóa