Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Yasser Arafat một con người, một chiến sỹ

Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông.
Yasser Arafat một con người, một chiến sỹ, một nhà lãnh đạo, người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam 
 
 
 
Là người làm việc lâu năm tại khu vực Trung Đông, tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo của các nước Ả rập, nhưng có lẽ kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là các cuộc gặp gỡ với  nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat.

Lần đầu tiên tôi được gặp ông Yasser Arafat vào năm 1978, khi đang làm phiên dịch viên tại Đại sứ quán Việt Nam tại Iraq. Lúc đó, tôi là một thanh niên còn rất trẻ. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã đọc và nghe nhiều về thân thế, sự nghiệp của nhà lãnh đạo Palestine nổi tiếng này, vì vậy trong cuộc gặp gỡ, tôi đã không bỏ lỡ cơ hội đến chào và bắt tay ông. Rất may người chụp ảnh lúc đó đã ghi lại được tấm hình này mà đến nay tôi vẫn còn lưu giữ.Năm 1989, ông Yasser Arafat trở lại thăm Việt Nam, tôi được cử đi phiên dịch cho ông. Tôi không chắc ông Yasser Arafat còn nhớ tới mình vì đã 11 năm trôi qua. Sau các cuộc gặp gỡ chính thức với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ngồi bên cạnh ông, tôi hỏi: "Abu Omar còn nhớ tôi không?" (Abu Omar là tên gọi thân thiết của Yasser Arafat). Ông đã trả lời rất nhanh: "Có chứ, tôi đã gặp anh ở Baghdad, Iraq". Tôi thật không ngờ ông lại có một trí nhớ tốt như vậy. Tôi liền rút trong cặp ra bức ảnh chụp với ông hồi đó và ông đã nhanh tay ký tặng vào tấm ảnh tôi chụp cùng ông tại Iraq nhiều năm trước.
Yasser Arafat là một người Ả rập thực thụ, một nhà lãnh đạo Palestine nổi tiếng, tên tuổi của ông gắn liền với số phận và cuộc đấu tranh của người Palestine. Toàn thể nhân dân Palestine đều yêu mến ông. Ông luôn luôn xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục màu xanh ô liu, khăn choàng kufi quấn quanh đầu, đôi giày cao cổ và một khẩu súng lục bên hông. Trông ông thật giản dị, không khác bất cứ người lính Palestine nào. Thế nhưng, đằng sau bề ngoài giản dị ấy là cả một sự thông minh, tinh tế và cả tính dí dỏm nữa. Mọi người chắc hẳn còn nhớ câu nói nổi tiếng của Yasser Arafat khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc: "Với cành ô liu tượng trưng cho hoà bình, khẩu súng trường cho cuộc đấu tranh giành tự do, xin đừng để cành ô liu rời khỏi tay tôi". Câu nói này đã thể hiện ý chí quyết tâm đấu tranh và khát vọng hoà bình cháy bỏng của ông. Ông đã từng ví von: "Tiến trình hòa bình Trung Đông như một phương trình mà Palestine là một ẩn số". Có một lần, khi ông chưa kết hôn với bà Suha Tawil, khi ngồi cùng ông trên xe ô tô, tôi vui miệng hỏi ông: "Abu Omar, tại sao đến nay anh chưa lấy vợ?", ông trả lời ngay: "Tôi đã kết hôn với Palestine".
Ông Yasser Arafat có một tình cảm hết sức thân thiết với Việt Nam, đặc biệt ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của nhân dân Việt Nam. Ông tỏ ra vô cùng nuối tiếc vì chỉ có thể đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1970, không được gặp Bác Hồ. Ông rất tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine. Trong bất cứ bài phát biểu nào của ông, câu kết thúc ông cũng hô vang: "Nasr aati, Fajr aati!" nghĩa là thắng lợi đang đến, bình minh đang đến. Ông luôn nói: "Nhân dân Palestine nhất định sẽ giành thắng lợi như nhân dân Việt Nam. Lá cờ Palestine sẽ bay phấp phới trên bầu trời Jerusalem như lá cờ của Việt Nam bay trên thành phố Sài Gòn năm 1975". Khi đến thăm Việt Nam, ông đã nói với các phóng viên: "Tôi vẫn chưa có Tổ quốc, Tổ quốc của tôi là Việt Nam."
Mặc dù là Tổng thống, nhưng ông Yasser Arafat rất giản dị, ít chú ý đến nghi thức lễ tân ngoại giao. Sau các cuộc gặp gỡ, hội đàm chính thức là những câu chuyện đời thường rất thân tình, ông thường hỏi han về gia đình, về quá trình học tập và công việc của tôi. Mỗi lần đến thăm Việt Nam, tôi thường được ông tín nhiệm và gợi ý đi dịch cho ông. Tôi đã nhiều lần phiên dịch cho ông kể từ khi còn là nhân viên phiên dịch của Bộ Ngoại giao cho đến sau này là Đại sứ tôi vẫn rất vui vẻ khi được đi dịch cho ông. Ông ấy thường gọi tôi là "Akhi Khai" và tôi thì gọi ông ấy là "Abu Omar".
Ngày 11/11/2004 là một ngày buồn của Palestine và những người bạn của Palestine. Yasser Arafat đã ra đi khi ước nguyện về một Nhà nước Palestine độc lập chưa được thực hiện. Ông ra đi vẫn đem theo khát vọng có một Tổ quốc cho người Palestine. Tôi tin rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng với tinh thần đấu tranh bền bỉ của mình, với sự đồng tình và ủng hộ của các dân tộc trên thế giới, nhân dân Palestine nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.
Nguyễn Quang Khai
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông
Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Palestine
thành phố Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét