Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Trung Quốc hành động vô nhân đạo

TT - Đó là ý kiến của các chuyên gia luật pháp nhận định về vụ tàu Trung Quốc rượt đuổi và bắn tàu ngư dân Quảng Ngãi ngay trên vùng biển Hoàng Sa của VN.
Ngày 26-3, tàu QNg 96382 của ngư dân Bùi Văn Phải (28 tuổi, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) vẫn nham nhở những vết cháy vì bị tàu Trung Quốc bắn khi đang hành nghề trên biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN. Khuôn mặt buồn bã và chưa hết hoảng sợ, ông Phải tâm sự: “Chuyến đi biển hãi hùng vừa qua vừa bị lỗ vốn, thiệt hại hơn 300 triệu đồng, tàu bị bắn cháy”.
“Họ hung hăng, dữ tợn quá”

"Hiện nay Trung Quốc và VN chưa có xung đột vũ trang mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đối với dân thường VN. Theo tôi biết, chưa có một quốc gia nào hành xử một cách tầm thường như vậy. Kể cả có tuyên bố chiến tranh thì các quốc gia cũng không dùng vũ lực để ứng xử với dân thường, nhất là trong trường hợp này là ngư dân lương thiện, không có vũ khí đối trọng, đang làm ăn bình thường"
Luật sư HOÀNG NGỌC GIAO
(viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật & phát triển)
Ông Phải lầm lũi bước lên tàu, nhặt nhạnh từng mảnh gỗ không còn nguyên vẹn, khóe mắt ngấn nước. “Hơn mười năm đi biển, cũng đụng độ tàu Trung Quốc nhiều lần nhưng lần này họ hung hăng, dữ tợn quá” - thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh nói.
Ông Thạnh kể: “Tay không tấc sắt, khi biết là tàu chiến, chúng tôi cho tàu bỏ chạy, ngư dân vào khoang tàu ẩn nấp. Nhưng họ đâu có tha, cứ rượt đuổi, hai tàu ngư chính to lớn kèm tàu của tôi xịt vòi rồng, chịu sao cho thấu”.
Ngư dân Huỳnh Văn Long - người cùng đi trên tàu của ông Thạnh - kể thêm: “Khoảng 9g sáng 13-3, sau mấy ngày tránh gió lớn, tàu thả neo, anh em thay nhau lặn bắt hải sản. Nhưng từ phía tây bắc, một chiếc tàu cứ lừng lững tiến lại. Từ phía đông bắc, thêm một chiếc tàu xuất hiện. Tàu chúng tôi phải rút neo nhanh, tăng ga chạy. Lập tức hai tàu Trung Quốc áp sát tạo thế gọng kìm, vừa rượt đuổi vừa xịt vòi rồng, thi nhau quần thảo. Đuổi tàu cá chừng vài chục hải lý thì hai tàu Trung Quốc dừng lại, quay về”.
Theo lời của các ngư dân, hôm sau tàu quay lại khu vực bị rượt đuổi để tiếp tục đánh bắt. Ở đó được một tuần lại đụng tàu Trung Quốc. Lần này chỉ có một tàu ngư chính. “Khi thấy chiếc tàu lớn tiến tới, tui cho tàu chạy. Đuổi được vài hải lý, tàu Trung Quốc nổ súng gây cháy khiến toàn bộ khoang cabin tàu của chúng tôi bể nát, phát lửa ngay chỗ chứa ngư cụ và bốn bình gas” - ngư dân Phải buồn bã thuật lại. Thấy tàu cá bốc cháy, tàu ngư chính bỏ đi, các ngư dân vội vàng thay phiên nhau múc nước biển dập lửa. Khi dập xong thì nhìn bốn bình gas bị lửa cháy sém, vỏ đen thui, ai cũng rùng mình. Chẳng còn bụng dạ nào ở lại đánh bắt nữa, ngư cụ để trên khoang cũng bị hư hại hết nên các ngư dân dong thuyền một hơi về Lý Sơn.
Đề cập vụ việc tàu cá của ngư dân bị bắn, bà Phạm Thị Hương - phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn - cho biết huyện đã kiến nghị có chính sách hỗ trợ thích đáng để ngư dân có điều kiện tiếp tục vươn khơi bám biển, bám ngư trường. Ông Nguyễn Quốc Chinh - chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải - nói: “Chúng tôi đã hướng dẫn chủ tàu làm đơn báo cáo với các ngành liên quan. Nghiệp đoàn cũng mong nhận được sự giúp đỡ của các ban ngành, nhà hảo tâm để ngư dân Phải có điều kiện sửa lại tàu, tiếp tục vươn khơi bám biển”. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Khoa - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - cũng nói tỉnh đã có ý kiến đề nghị Quỹ hỗ trợ ngư dân giúp đỡ để ông Phải sửa chữa tàu, đồng thời tỉnh chỉ đạo UBND các huyện ven biển tiếp tục động viên ngư dân ra khơi bám biển.
Đề nghị đảm bảo an toàn cho ngư dân
"Hành động tấn công ngư dân VN là bước leo thang mới trắng trợn của Trung Quốc. Ngoài việc phản đối bằng con đường ngoại giao, chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa tới việc bảo vệ tính mạng người dân"
Ông DƯƠNG DANH DY
(nguyên tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu, Trung Quốc)
Chiều 26-3, ông Nguyễn Ngọc Đức, chánh văn phòng Trung ương Hội Nghề cá VN, cho biết tổ chức này đã chính thức có công văn kiến nghị đảm bảo an toàn hoạt động sản xuất của ngư dân VN. Hội Nghề cá VN đề nghị các cơ quan chức năng “ngăn chặn ngay những hành động ngang trái của Trung Quốc, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.
Theo ông Đức, Trung ương Hội đã nhận được báo cáo của Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết Trung Quốc gia tăng việc cản trở, xua đuổi tàu cá của ngư dân khi khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của VN. Tuy không bắt giữ tàu như những năm trước nhưng Trung Quốc thường xuyên dùng tàu rượt đuổi, sử dụng vòi rồng phun nước, ném đá, thậm chí bắn thẳng vào tàu của ngư dân VN. Có khi phía Trung Quốc còn cho người lên tàu cướp, phá tài sản, thu máy thông tin liên lạc, ngư cụ, nhiên liệu.
Báo cáo của Hội Nghề cá Quảng Ngãi còn nêu rõ: ngày 23-3, tàu QNg 94590TS bị tàu hải giám Trung Quốc vây bắt, thu giữ 21 bóng đèn (dùng để dụ cá), đuổi tàu ra khỏi khu vực Trường Sa. Ngày 17-3, tàu QNg 96399TS bị tàu hải giám và máy bay trực thăng Trung Quốc rượt đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Ngày 13-3, tàu QNg 96417TS và tàu QNg 96382TS bị tàu hải giám Trung Quốc số hiệu 262 và 263 rượt đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Ngày 11-3, tàu QNg 96679TS khi đang khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc số hiệu 841 cản trở không cho khai thác, rượt đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Đặc biệt, ngày 28-1 (lúc 11g) tàu QNg 55535TS khi đang khai thác thủy sản gần đảo Đá Lồi đã bị tàu Trung Quốc số hiệu 787 bắn thẳng vào cabin làm vỡ hai tấm kính, cháy một số quần áo của thuyền viên, cướp đi 200m dây câu và đuổi ra khỏi khu vực Hoàng Sa. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, khu vực Hoàng Sa bị Trung Quốc phá sóng nên các máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh (GPS) không thể liên lạc được với các trạm bờ, nên không báo cáo phản ảnh kịp thời những sự cố xảy ra.
Cố tình không tôn trọng luật pháp quốc tế
Luật sư Hoàng Ngọc Giao - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật & phát triển - cho biết việc Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân VN ngày 20-3 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa một lần nữa cho thấy Trung Quốc đang cố tình không tôn trọng luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ)và hành xử thiếu trách nhiệm với phần còn lại của thế giới.
Theo luật sư Giao, Hiến chương LHQ luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không sử dụng vũ lực.Trung Quốc không những chỉ là thành viên của LHQ mà hơn thế còn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Hơn ai hết, Trung Quốc phải có trách nhiệm với hòa bình và an ninh quốc tế, nhưng lại vi phạm bằng các hành động tấn công ngư dân VN. Hành động tấn công đó không phải là cách cư xử được chấp nhận trong văn minh thế giới hiện nay. Nó chỉ càng làm mất uy tín chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế và tỏ rõ họ hành xử vô trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Theo tiến sĩ Ngô Hữu Phước - trưởng bộ môn công pháp quốc tế, khoa luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, tàu cá Quảng Ngãi đang đánh cá hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền VN nhưng lại bị tàu tuần tra Trung Quốc truy đuổi trong khi toàn bộ thủy thủ đoàn không có bất kỳ biểu hiện hành động hoặc hành động nào liên quan đến việc sử dụng vũ lực hoặc chống trả. Tàu đánh cá là mục tiêu dân sự, mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với tàu đánh cá là vi phạm pháp luật quốc tế và các quy tắc nhân đạo quốc tế.
Theo một chuyên gia về công pháp quốc tế của VN, ngoài chuyện vi phạm vùng biển VN, hành vi bắn ngư dân là không thể chấp nhận được. Chuyên gia này cho biết chuyện bắn vào ngư dân nước khác ở các vùng biển tranh chấp là điều đặc biệt hiếm khi xảy ra. “Đối với luật nhân đạo quốc tế thì không bao giờ được sử dụng vũ khí đối với người dân thường cả” - ông nói. Theo ông, “hành động của VN trong những chuyện này rõ ràng là phải cương quyết hơn”.
Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):
Một bước leo thang trắng trợn
Việc tàu Trung Quốc có vũ trang truy đuổi và nổ súng bắn tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi khi tàu này đang đánh bắt cá bình thường trên ngư trường quần đảo Hoàng Sa của VN là một hành động cực kỳ nguy hiểm, một bước leo thang trắng trợn, thô bạo và đầy thách thức.
Rõ ràng Trung Quốc không chỉ dừng lại ở mức đe dọa dùng vũ lực, mà họ đã trực tiếp sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền hợp pháp của VN. Chúng ta cần phải tính đến biện pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, để yêu cầu bồi thường và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của VN. Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 quy định việc giải quyết các tranh chấp bằng thủ tục tố tụng tại Tòa án quốc tế về Luật biển (tòa này đặt trụ sở tại Hamburg thuộc Cộng hòa Liên bang Đức).
CHI MAI
Trung Quốc vẫn ngang ngược
Trong cuộc họp báo ngày 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trắng trợn tuyên bố việc tấn công các tàu cá Quảng Ngãi tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN là việc làm hoàn toàn “chính đáng”.
Bất chấp luật pháp quốc tế, ông Hồng Lỗi còn ngang ngược nói: “Các hành động của Trung Quốc là cần thiết và chính đáng. Dựa vào việc kiểm tra của các bên liên quan, lúc xảy ra vụ việc (Trung Quốc) không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào cho tàu cá VN”.
Ông Hồng Lỗi còn tuyên bố phía Trung Quốc sẽ đốc thúc VN thực hiện các biện pháp cần thiết, đẩy mạnh việc giáo dục và quản lý ngư dân của nước mình, ngừng ngay các hành động phi pháp có liên quan đến vấn đề trên.
ĐÔNG PHƯƠNG (Theo Tân Hoa xã)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét