Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân mà thượng đế ban cho. Cuộc đời lại vốn ngắn ngủi. Nếu người này, thế hệ này “sân siu” 1 năm là “ăn gian”, là “đánh cắp” của thế hệ sau 1 năm, “sân siu” 10 năm là “ăn gian”, “đánh cắp” 10 năm.
Vì vậy, đừng lấy cớ “sân siu”, “ngoại lệ” để ăn cắp thời gian của thế hệ sau. Đừng để bọn trẻ chửi thầm chúng ta trong bụng: “Bọn giặc già, hãy xéo về đi”.
Bức thư này không phải những người trẻ không viết được. Thậm chí là “nạn nhân”, họ viết còn hay hơn cái “lão già” Bùi Hoàng Tám này nhiều. Họ không dám viết bởi sợ bị qui chụp là hỗn láo, vô lễ với bậc cao niên… Thôi thì đành chấp bút giúp họ vậy.
Thưa các bác!
Trong tất cả các văn bản, chúng ta đều nhấn mạnh đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Xin hỏi có hay không sự nói một đằng, làm một nẻo? Bởi nếu làm đúng như những gì đã nói, chúng ta không đến mức thiếu trầm trọng cán bộ trẻ như hiện nay.
Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ dân số trẻ hàng đầu thế giới nhưng nhìn vào bộ máy lãnh đạo các cấp, ta thấy rõ sự già nua đến mức nào?
Ở hàm Bộ trưởng, có lẽ người trẻ nhất là Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã tròn 50 tuổi. Số bộ trưởng dưới 55 tuổi đếm trên đầu ngón tay. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cũng tương tự. Thậm chí, trưởng phó phòng cấp sở ngoài 40 tuổi vẫn được coi là cán bộ… trẻ.
Ngay tại Hà Nội, cơ cấu bầu vào HĐND vừa qua không đủ số lượng đại biểu trẻ là một ví dụ điển hình. Một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thủ đô của đất nước mà thiếu cán bộ trẻ thì thật đáng báo động.
Trong lịch sử, ngay từ ngày đầu giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ nhiệm hàng loạt các bộ trưởng ở độ tuổi ba mươi mà tên tuổi của họ rạng danh đến ngày nay. Đó là các vị Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… Rồi các bậc các mạng tiền bối như Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai… Họ đều rất trẻ.
Nếu nhìn vào lịch sử, chúng ta còn thấy những bậc hào kiệt như Quang Trung Nguyễn Huệ 35 tuổi xưng vương, 36 tuổi đại phá quân Thanh với trận Đống Đa – Ngọc Hồi lưu danh thiên sử.
Thưa các bác!
Nếu quả thật thiếu cán bộ trẻ, nguyên nhân do đâu nếu không phải do chính những người già chúng ta bởi trong các khâu phát hiện, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc đều nằm trong tay chúng ta.
Những người lớn tuổi chúng ta thường có cái nhìn kẻ cả, không tin và cũng không dám tin thế hệ trẻ. Đó là sự nhầm lẫn tai hại. Nhất là trong sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hôm nay, diện mạo thế giới thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ thì việc lỗi thời của một thế hệ như chúng ta là điều khó tránh khỏi.
Và giả sử họ không đáng tin thật thì chả lẽ chúng ta sống mãi, khỏe mãi để ôm đồm?
Có một cái cớ mà chúng ta hay vin vào mỗi khi đề bạt, cất nhắc là bởi thế hệ trẻ chưa từng trải, ít vốn sống, thiếu kinh nghiệm. Đó là lý do… hài hước bởi trẻ thì làm sao đã có “từng trải”, làm sao nhiều “vốn sống” và “kinh nghiệm”?
Vả lại về sự “từng trải”, xin thưa hầu hết mọi công việc ở cơ quan lớn nhỏ chúng ta đều ôm đồm bằng hết, có cho họ được tham gia đâu mà đòi hỏi họ “từng trải”? Còn cái gọi là “vốn sống và kinh nghiệm”, xin nói thẳng tư duy bây giờ là tư duy sáng tạo chứ không phải tư duy “kinh nghiệm” kiểu “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa…”.
Khi khoa học càng phát triển thì chủ nghĩa kinh nghiệm càng bị thu hẹp. Yếu tố quyết định làm nên thành công của thế giới hôm nay là tư duy sáng tạo và chỉ có sáng tạo mới thay đổi được thế giới. Mà sáng tạo thì thưa các bác, nó thuộc về thế hệ trẻ như nó đã từng thuộc về chúng ta những ngày còn trẻ.
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận kinh nghiệm song nó chỉ là một yếu tố khiêm tốn. Tiếc thay giờ đây, nhiều khi nó được dùng như tấm bùa cho tư tưởng “sống lâu lên lão làng”
Điều đáng lo ngại nhất là khi những lý do trên chỉ là cái cớ của sự tham quyền cố vị. Cái thói “đó rách ngáng chỗ” đã kìm hãm phát triển và đây chính là bi kịch của đất nước.
Vì vậy, trong khi chúng ta chưa có một cơ chế sàng lọc hữu hiệu thì cách ít tệ hại nhất hiện nay là về hưu đúng độ tuổi. Nếu có chăng, chỉ trừ một số rất ít những nhà khoa học thuần túy, thực tài và không dính vào công tác quản lý.
Còn lại, đến tuổi nghỉ là nghỉ, tuyệt đối không có bất cứ ngoại lệ dù là ai, ở bất cứ cương vị gì. Kiên quyết xóa bỏ tư duy “sân siu” tuổi tác để nấn ná, bấu víu. Có như thế, luật pháp mới nghiêm minh, đất nước mới mong có kỉ cương.
Thưa các bác!
Chúng ta được sinh ra trên cõi đời này đã là một đặc ân mà thượng đế ban cho. Cuộc đời lại vốn ngắn ngủi. Nếu người này, thế hệ này “sân siu” 1 năm là “ăn gian”, là “đánh cắp” của thế hệ sau 1 năm, “sân siu” 10 năm là “ăn gian”, “đánh cắp” 10 năm.
Tôi chấp bút cho họ bởi tôi cũng ít nhất là không còn trẻ nữa. Nói với người mà cũng là nói với chính mình, để răn mình vậy…
Kính!
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét