Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Nếu họ "nổi giận" thì sẽ thế nào

Vũ Khoan
TT 10/3 - Dạo này trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy mọi người bàn nhiều về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu, và tôi cũng quan tâm theo dõi. Nhiều lập luận trái chiều được đưa ra, nhưng hơi ít tiếng nói của tuổi trẻ hoặc nói hộ họ. Với tư cách chủ tịch Hội đồng bảo trợ tài năng trẻ, tôi thấy một số khía cạnh cần được cân nhắc rất kỹ.


Tôi có rất nhiều dịp giao lưu, tiếp xúc với sinh viên, thanh niên và câu hỏi thường trực của các bạn ấy là cồng ăn việc làm. Nếu kéo dài tuổi hưu của các bậc sinh thành, của các bác, các cô, các chú, các dì…thì không hiểu các cháu sẽ tìm đâu ra cơ hội kiếm ăn chứ chưa nói tới chuyện cống hiến? Có người kêu “chưa kịp cất cánh đã phải hạ cánh”, thế nhưng thanh niên lại trăn trở: việc làm còn chưa có nói gì tới chuyện cất cánh! Mà tuổi trẻ không có việc làm thì tài năng sẽ thui chột, nhiệt huyết sẽ nguội lạnh và tâm trạng sẽ nặng nề. Thức tế cuộc sống cho thấy, tuổi trẻ không có việc làm dễ phát sinh những tiêu cực xã hội, nói dại nếu họ “nổi giận” thì sẽ thế nào chắc mọi người đều có thể tưởng tượng được.

Xã hội nào muốn phát triển cũng phải từng bước  “thay máu”, ngược lại sẽ trì trệ, già cỗi. Hơn nữa chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, công tháy đổi từng tuần, từng ngày và tuổi trẻ là nguời nắm bắt cái mới nhanh nhạy nhất vì so với thế hệ cũ, họ được đào tạo tốt hơn nhiều. Nhiều việc tôi cứ phải cầu cứu cháu nội, cháu ngoại mình, cháu nhỏ học lớp 5 đã thành thạo công nghệ thông tin lắm rồi.. Chúng ta đang hướng tới xã hội công nghiệp hiện đại, chẳng lẽ cứ giữ lại những người dùng điện thoại di động cũng không thạo hay sao, nhất là ta đang tiến tới chính phủ điện tử. Chẳng thế mà doanh nghiệp nước ngoài vào làm ăn ở ta một phần quan trọng là để tận dụng “thế hệ vàng” của Việt Nam.
Lâu nay ta luôn hô hào “trẻ hoá đội ngũ” nhưng cứ đến dịp bầu bán lại luôn luôn lúng túng, chỉ tiêu hạ thấp độ tuổi không bao giờ đạt được; ngay tổ chức Đảng, tổ chức Đoàn cũng vậy. Các tổ chức khoa học thì khan hiếm đầu đàn, nhiều vị đầu đàn đáng kính đã quá già yếu nhưng không có lực lượng kế cận thay thế. Nếu xử lý chuyện kéo dài tuổi nghỉ hưu thế nào đó lại làm trầm trọng thêm tình trạng này thì nguy hại lắm.
Liên quan tới chuyện này, hồi cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước cơ quan tôi làm việc lâu năm là Bộ Ngoại giao một thời đã ngừng tuyển dụng do chủ trương tinh giản biên chế; điều đó đã gây ra sự hụt hẫng thế hệ đến nay, sau hơn hai chục năm, vẫn còn bị ảnh hưởng. Kéo dài “đầu ra”, bịt “đầu vào” rất có thể sẽ gây ra tình trạng tương tự.
Nói tới những người được kéo dài tuổi nghỉ hưu, người ta nhấn mạnh “quyền” được cống hiến. Khái niệm “quyền” cũng nhiều chiều lắm. Ngay chị em phụ nữ bên cạnh quyền cống hiến còn có quyền làm việc phù hợp với giới tính của mình, trong đó có quyền được nghỉ để chăm lo cho gia đình, trông nom con cháu chứ? Cón gái tôi đã tận hưởng cái quyền này trước tuổi nghỉ hưu theo chế độ đến 5 năm và rất hài lòng với chuyện đó. Ngoài ra từ lâu tôi cứ trăn trở một điều: nhiều khi các cháu không ngoan có lẽ một phần vì các mẹ quá bận công việc xã hội, không có điều kiện giậy giỗ. Chuyện trò với chị em lao động, nhất là lao động nặng nhọc tôi thấy họ có tâm lý khác hẳn những người “có ghế”. Thú thật quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu cho những người “từ cấp vụ phó trở lên” nghe kỳ kỳ thế nào ấy. Ngay trong thời gian đương chức cũng phải bổ nhiệm có thời hạn nữa là. Mà về hưu trên danh nghĩa đâu đã phải là hết đường cống hiến? Hoàn toàn có thể làm theo hợp đồng và sẽ cống hiến được nhiều hơn vì không phải bận bịu chuyện hành chính. Chỉ sợ không biết làm việc gì khác ngoài việc “chỉ tay năm ngón”,”cho ý kiến chỉ đạo” mà thôi.
Có người nói luật đã thông qua thì phải thi hành. Điều đó có phần đúng nhưng luật cũng do ta thảo ra, nhiều khi chưa tính được hết và chưa thật khớp với cuộc sống, nếu phát hiện thì có thể kiến nghị chỉnh sửa chứ? Vả lại đây là nghị định thực hiện luật thì hoàn toàn có thể thiết kế sao cho không trái luật, đồng thời cũng không để lại những hậu quả lâu dài cho xã hội. Lúc này xuất hiện qua nhiều quy định pháp quy nói nhẹ ra là “là lạ”, gây bức xúc trong xã hội vốn đang có không ít chuyện bất ổn. Vậy nên khi soạn thảo văn bản về vấn đề này cũng nên tính toán sao để giảm bớt chứ không gia tăng tình trạng đó.
Cuối cùng xin chia xẻ rằng, “ai bảo về hưu là khổ, không về hưu sướng lắm chứ…” vì có điều kiện vắt vẻo ghế đá suy ngẫm sự đời và ở tư thế ấy xin nêu lên mấy ý trên để rộng bề xem
 

2 nhận xét: