Thứ Hai, 2 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương I


        « Chuyện kể của một Đại sứ » không phải hồi ký, không phải ghi chép công tác, không có sơ kết tổng kết gì. Chỉ là những ghi chép văn học, nay trích ra đem in, mong được chia sẻ một vài suy nghĩ của cá nhân tôi. Cũng là để bày tỏ lòng tri ân của tôi tới những người và những nơi tôi đã may mắn được công tác với tư cách một Đại sứ.
Lại nhớ hai câu thơ của Chế Lan Viên :
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.


TRÌNH ỦY NHIỆM THƯ



Năm 2005, tôi được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Vương quốc Campuchia. Theo các quy định về lễ tân ngoại giao, sau khi đã trao bản sao thư uỷ nhiệm tới Bộ trưởng Ngoại giao nước sở tại, vị đại sứ mới được bổ nhiệm phải thu xếp với Lễ tân để trình thư và tiếp kiến nguyên thủ quốc gia.
Thư uỷ nhiệm có lúc còn được gọi là Quốc thư vì thư này do nguyên thủ quốc gia ký gửi nguyên thủ quốc gia một nước khác giới thiệu người đại diện của mình. Thư uỷ nhiệm bao giờ cũng nhất thiết phải đi kèm với thư triệu hồi vị đại sứ đương nhiệm bởi vì theo thông lệ ngoại giao, tại một nước không thể có hai đại sứ cùng một lúc, phải triệu hồi đại sứ đương nhiệm rồi mới giới thiệu người kế nhiệm. Việc nguyên thủ quốc gia nước sở tại nhận thư và tiếp đại sứ mới đến là việc chính thức thừa nhận người đại diện này. Công ước Viên 1961 có quy định một số nguyên tắc đối với việc trình thư, ví dụ như các vị đại sứ trình thư theo thứ tự người đến trước, người đến sau, nghi thức đón tiếp thống nhất dành cho tất cả các vị đại sứ, không được phân biệt. Sau khi trình thư, vị đại sứ mới được chính thức hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao, được ghi danh trong danh sách ngoại giao đoàn theo thứ tự trình thư. Thông thường người nào có thời gian công tác ở nước sở tại lâu nhất kể từ khi trình thư thì được chọn làm trưởng đoàn ngoại giao…
          Ngày 9/3/2005 tôi trình ủy nhiệm thư lên Quốc vương Sihamoni. Đây là lần thứ 7 tôi trình ủy nhiệm thư trong đời ngoại giao của tôi ở những nước có sứ quán và ở những nước kiêm nhiệm. Tại châu Phi, vào những năm 1993-1995, tôi đã trình ủy nhiệm thư  lên tổng thống An-giê-ri, tổng thống Ma-li và tổng thống Sa-ra-uy Dân chủ. Tại châu Âu vào những năm 1996-1999, tôi đã trình ủy nhiệm thư lên Tổng thống Pháp, Vua Tây Ban Nha và Tổng thống Bồ Đào Nha. Lần nào tôi cũng đọc lại cuốn sách lễ tân của Pháp, cuốn sách có bìa màu xanh da trời, đầu đề tiếng Pháp là Traité du Protocole. Đây là một trong những cuốn sách nghiệp vụ ngoại giao tôi đã xin được của Bộ Ngoại giao Pháp khi tôi đi học trường Hành chính quốc gia Pháp năm 1989. Những cuốn sách này tôi gửi về Bộ, ông Lê Mai lúc ấy đã là Thứ trưởng cho gửi xuống Viện Quan hệ quốc tế để khai thác nhưng chẳng có ai khai thác, khi về nước thấy tiếc nên tôi mới lấy lại để dùng riêng cho mình, lần nào đọc lại cũng thấy có điều bổ ích.
 Lần thứ 7 trình thư là ở Vương quốc Campuchia láng giềng. Phu nhân Đại sứ được phép dự với tư cách là một thành viên trong đoàn tuỳ tùng 5 người của Đại sứ. Lễ tân của bạn dành cho Đại sứ mới những nghi lễ nhà nước trang trọng : một mô tô dẫn đường, sáu mô tô hộ tống, thảm đỏ, quốc kỳ và quốc ca hai nước, duyệt bộ đội danh dự. Phó thủ tướng, Bộ trưởng cao cấp Hoàng cung Cămpuchia Kông Xom-on đón ở cửa Hoàng cung. Phần nghi lễ diễn ra bên ngoài, dưới ánh nắng chói chang của Nông pênh mùa nóng. Đại sứ đứng nghiêm chào cờ khi quân nhạc cử quốc ca hai nước. Đội quân danh dự của bạn mặc đồng phục mầu cỏ úa, đội mũ sắt, ngù vai vàng, cổ quấn khăn vàng là mầu của Hoàng cung, chân đi ghệt rất oai nhưng súng bồng trên tay có khẩu đã cũ, sơn ở báng súng láng loáng mồ hôi tay. Quốc vương Sihamoni đứng nghiêm trang trước ngai vàng, nhẹ nhàng và cởi mở bắt tay khách, lịch thiệp tặng quà cho Đại sứ mới. Những người phục vụ bê quà cúi rạp mình hoặc quì gối bò dưới chân Quốc vương, không khác gì những đoạn phim tôi đã được xem về Hoàng cung Thái Lan. Cả Hoàng cung được trang hoàng bằng mầu vàng, tôi nghĩ chắc phải có sự liên hệ nào đó giữa mầu vàng trong nghĩa đen với từ hoàng trong nghĩa Hoàng cung. Đã từ bao đời rồi và ở đâu cũng thế, khi nào vua chúa chẳng là vàng son, bởi vậy mà vua ở lầu vàng thì gọi là Hoàng cung, vợ vua thì gọi là Hoàng hậu, họ hàng con cháu vua thì gọi là Hoàng gia, áo vua mặc gọi là Hoàng bào…Không biết con sông to lớn Hoàng Hà ở Trung Quốc thì có liên quan gì đến vua chúa không hay chỉ bởi nước sông cuồn cuộn màu đục phù sa lam lũ !
Lại nói về những lần trình thư trước, mỗi lần đều có một kỷ niệm. Về nghi lễ, có nước cao hơn một chút, có nước thấp hơn một chút nhưng đều theo một qui tắc lễ tân chung. Tại An-giê-ri, mặc dù tôi đã đọc kỹ cuốn sách về lễ tân nhưng vẫn phạm một lỗi nhỏ, tiếng Pháp gọi là une gaffe. Lễ tân chung qui định đại sứ mới đến chưa trình thư lên nguyên thủ thì chưa được tiếp xúc chính thức. Lần ấy, sau khi gặp Tổng vụ trưởng lễ tân để trao bản sao thư, tôi đã vội vàng xin gặp Tổng vụ trưởng khu vực châu  Á Thái bình dương là ông Sê-mi-si. Ông này nhận lời ngay và chúng tôi đã có một cuộc tiếp xúc vui vẻ. Ngay hai hôm sau Vụ trưởng lễ tân tên là Ô-gáp gọi tôi lên Bộ Ngoại giao nhắc nhở việc này. Tôi cãi lại rằng đây không phải tiếp xúc cấp cao mà là cuộc gặp làm việc với người phụ trách khu vực của Bộ Ngoại giao. Ông Ô-gáp nói như thế cũng không được. Thế mới biết lễ tân của An-giê-ri lúc ấy thật chặt chẽ. Đến năm 2000, khi tôi được cử làm đại diện Việt Nam tại cuộc họp Bộ trưởng các nước nói tiếng Pháp tổ chức ở Chad, tôi gặp lại ông Ô-gáp lúc này là Đại sứ của An-giê-ri. Trong bữa tiệc, tôi hỏi đùa ông là sao lúc ông làm Vụ trưởng Lễ tân ông hắc thế, ông không trả lời, chỉ cười thoải mái và cùng tôi nhắc lại những kỷ niệm thời ấy.
Nhớ bài học trên nên khi đến Pháp làm Đại sứ, tôi hỏi ngay Tổng vụ trưởng Lễ tân rằng Đại sứ chưa trình thư thì có thể làm những gì. Ông này trả lời ngọt lự rằng chỉ cần ông đừng có gặp cấp bộ trưởng đổ lên và nhất là đừng có họp báo. Tôi nghĩ hoạ có chập IC mới làm thế. Cũng nghĩ rằng lễ tân Pháp vậy mà thoáng, chặt chẽ mà vẫn thoáng. Lễ tân Pháp cũng cho mô tô hộ tống nhưng không nhiều và oai như ở Campuchia.
Các Đại sứ tuy có tiếng là người đại diện cho nguyên thủ nước mình nhưng khi đứng trước các vị nguyên thủ nơi mình được bổ nhiệm thì khó tránh khỏi tình cảm lo âu, hồi hộp, thậm chí có người còn sợ vãi…mồ hôi, ấp a ấp úng nói không ra một câu đã học thuộc. Đấy là một vài đại sứ nước ngoài họ kể lại cho tôi nghe thế thôi chứ không phải nói các vị đại sứ Việt Nam ta đâu. Đại sứ Việt Nam ta trước đây cũng chỉ được coi là ngoại tướng nhưng ra trận thì oai lắm, tự tin lắm, nói chuyện chính trị cứ chắc nình nịch vì có bài chuẩn bị trước và lại có phiên dịch mà, nói sai vào đâu được !
Tôi cũng không tránh khỏi tâm trạng hồi hộp khi được tiếp kiến Tổng thống Chirac sau khi trình ủy nhiệm thư lên ông. Ông cao to, hồ hởi, chủ động làm bớt khoảng cách giữa một nguyên thủ quốc gia với một đại sứ. Chắc lễ tân đã báo cáo trước với ông về tôi nên trong câu chuyện ông gọi tôi là ca-ma-rát (camarade). Trong tiếng Pháp, ca-ma-rát không chỉ có nghĩa là đồng chí mà còn là cách gọi thân mật của những người cùng học ở một số trường lớn, chắc ông Chirac hàm ý rằng ông và tôi đều là học sinh trường Hành chính Quốc gia (ENA). Tôi cảm nhận được niềm vinh dự to lớn này mặc dù biết rằng trong cách xưng hô thân mật ấy thì có đến 90% là lễ tân của một nhà ngoại giao lịch lãm tầm cỡ thế giới. Hôm ấy tôi hắt hơi sổ mũi rất nhiều, một phần vì xúc động nhưng phần chính là vì dị ứng phấn hoa, một thứ bệnh gây cho tôi rất nhiều khó chịu khi học tập và công tác ở Pháp. Về sau này, mỗi khi nhớ tới chữ ca-ma- rát của Tổng thống Chirac dành cho tôi, tôi lại nghiệm ra một điều thú vị là có những cái ở nơi này thì là cái gì, ở nơi khác lại chẳng là cái gì.
Những kỷ niệm như thế thật nhiều, mỗi kỷ niệm một khác. Lần trình ủy nhiệm thư ở Tây Ban Nha là lần đầu tiên trình lên Quốc vương. Lễ tân nước này qui định các vị sứ thần phải mặc lễ phục đuôi tôm. Đây là lễ phục quí tộc, người ta mặc trong các dịp vào triều, đi dự dạ hội...Đến bây giờ nhiều nơi vẫn qui định mặc lễ phục đuôi tôm khi đi dự những buổi hoà nhạc lớn. Đơn giản nhất thì những ông nhạc trưởng vẫn phải mặc áo đuôi tôm. Có một lần Công chúa Thái lan đến Paris, Đại sứ Thái tổ chức tiếp tân gala-diner, tức là vừa ăn tiệc ngồi vừa xem văn nghệ, một hình thức lễ tân cao, thoải mái nhưng sang trọng. Tôi đến dự và phát hoảng lên khi thấy mọi người đều mặc áo đuôi tôm, còn mình chỉ com-lê đen thắt cà-vạt đỏ. Đang rất lúng túng thì thấy Đại sứ Campuchia Hor Nam-hong cũng com-lê đen và cà vạt đỏ. Hai chúng tôi đang rất mừng khi nhận ra có người cùng cảnh thì lại thấy đại sứ Trung quốc đi vào, cũng com-lê đen và cà vạt màu sẫm. Thế là lại có bạn đồng cảnh , thế là đỡ bị vênh rồi. Nhưng đấy mới chỉ là trong buổi dạ hội, còn trình thư lên vua Tây Ban Nha lại hoàn toàn khác, nhất thiết phải theo qui định của lễ tân là mặc lễ phục đuôi tôm. Tôi phải thuê chiếc áo đuôi tôm, còn áo sơ mi trắng có măng sét và cổ thắt nơ thì phải mua, không ai cho thuê thứ đó cả. Mua về mặc có một lần rồi bỏ, tiếc cũng phải mua, lúc đầu bảo giữ làm kỷ niệm nhưng rồi kỷ niệm ấy cũng chẳng đem ra mà khoe được, sau để lẫn đâu mất.
Buổi lễ trình thư rất nghiêm trang nhưng cũng rất vui. Lế tân bạn dùng xe ngựa cho các tân đại sứ đi trình thư, tôi được đi xe sáu ngựa kéo. Người tháp tùng là bí thư thứ nhất của Sứ quán, anh Đinh Toàn Thắng, cũng được đi xe bốn ngựa. Chúng tôi đi một quãng dài qua quảng trường trước khi đến cung vua. Rất vui vì trên đường đi có nhiều người dân, chắc phần nhiều là du lịch, đứng nhìn cảnh lạ và vẫy tay chào chúng tôi. Tôi cũng vẫy tay lại. Khi từ trong xe bước ra, nhìn ông lễ tân đầu hói của bạn đi tháp tung cũng mặc bộ lễ phục đuôi tôm, trông hài hước chẳng khác gì bá tước Ca-ra-ba trong chuyện tranh Chú Mèo đi hia, tôi chợt nghĩ chắc trông mình cũng nực cười chẳng kém gì.
 Ở Ma-li và ở Bồ-đào-nha, thủ tục lễ tân đơn giản hơn. Đơn giản nhất là ở Sa-ra-uy Dân chủ. Tuy vậy trình ủy nhiệm thư ở Sa-ra-uy Dân chủ cũng là một lần đi trình thư rất ấn tượng. Lúc ấy Sa-ra-uy Dân chủ đóng hành dinh tại sa mạc Sa-ha-ra, gần thành phố Tin-đúp của An-giê-ri. Vì vấn đề Sa-ra-uy Dân chủ mà quan hệ giữa An-giê-ri và Ma-rốc đến lúc ấy vẫn chưa được cải thiện. Nhờ chuyến đi này mà tôi đã là một trong số không nhiều người được đến sa mạc. Cùng đi với tôi có anh Thuỷ là bí thư thứ nhất Đại sứ quán, anh Hào là phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại An-giê. Bạn cho chúng tôi ở trong một cái lều bạt màu xanh rất to và chắc chắn, buổi tối có các cô lễ tân xinh đẹp đến pha trà theo kiểu địa phương, nghĩa là nâng bình trà lên cao rót xuống để cho cốc trà có rất nhiều bọt, cho rất nhiều đường, lại bỏ thêm vào một chiếc lá bạc hà. Dưới ánh sáng trắng của ngọn đèn măng sông, các cô gái vừa pha trà vừa kể chuyện sa mạc cho chúng tôi nghe làm tôi liên tưởng đến chuyện một ngàn một đêm lẻ. Càng về khuya thời tiết sa mạc càng lạnh. Bầu trời sa mạc về đêm trong vắt, lấp lánh đầy sao, thật yên bình.
Trong khi chờ để trình thư, bạn dẫn chúng tôi đi thăm sa mạc, thăm một số bộ tộc người Sa-ra-uy ở trong các lều trại. Tôi đã gặp một cụ già mà tôi cứ ngỡ rằng đây phải là một nhân vật trong các truyện cổ A rập hiện ra. Cụ có bộ râu vểnh bạc trắng trên khuôn mặt xương xương, đầu chít khăn như trong tranh vẽ Thần đèn. Cụ đã mời tôi uống một ca sữa dê tươi nhưng đã để lên váng, vị nhàn nhạt, chua chua mà tôi còn nhớ đến bây giờ. Vì thực phẩm ở sa mạc rất hiếm nên bạn đã thịt một con lạc đà để thết chúng tôi. Cùng lúc có một đoàn từ thiện Tây Ban Nha, họ mang thuốc và mì đến cho Sa-ra-uy. Thế là trong gần một tuần, hai đoàn Việt nam và Tây Ban Nha đã xơi hết một con lạc đà nấu sốt với mỳ Ý, ngon chẳng kém gì sốt thịt bò. Đợi đến ngày thứ ba thì bạn cho trình thư. Đương nhiên là không có mô tô hộ tống mà đi trên những chiếc xe địa hình. Bạn dẫn chúng tôi đến nơi làm việc của Tổng thống, một ngôi nhà thấp, tường bằng đất trình rất dày, có thế mới giữ mát được ở bên trong. Tổng thống mặc quân phục màu cỏ úa, đã đứng đợi sẵn, cũng gọi tôi bằng đồng chí, nhưng ý nghĩa khác hẳn với chữ đồng chí của Tổng thống Chirac. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau như những chiến sĩ cùng chiến hào, không có thủ tục lễ tân nào ràng buộc.
Lần thứ bẩy trình thư là ở Hoàng cung Vương quốc Cămpuchia. Tôi trình ủy nhiệm thư lên Quốc vương Sihamoni vừa mới đăng quang không lâu. Vua cha của ông, Săm-đéc Norodom Sihanouk đã thoái vị để ông lên ngôi trị vì Campuchia từ tháng 10 năm 2004 trong một bối cảnh chính trị không ít phức tạp. Đức vua mặc com-lê màu xanh sẫm, chắc chắn là loại com-lê do những thợ may tin cẩn và tài ba may đo. Ngài đã cạo đầu theo phong tục của đạo Phật. Tôi nhận ra ánh mắt sáng long lanh và nụ cười đôn hậu của người tập thiền, ánh mắt và nụ cười rất thiện cảm khi Ngài còn là Hoàng tử, Đại sứ Campuchia ở UNESCO mà tôi có dịp được gặp và chào hỏi tại một số cuộc chiêu đãi ở Paris vào những năm 1997-1998. Sau khi nhận thư, Đức Vua đã tiếp tôi khá lâu và trong câu chuyện, Ngài đã mấy lần khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác truyền thống với Việt Nam.
Từ Hoàng cung đi ra, tôi thấy xe tôi đã cắm cờ. Thế là tôi đã chính thức trở thành vị đại sứ thứ tư của VN tại Cămpuchia kể từ 1979, sau khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ. Các vị đại sứ tiền nhiệm của tôi là ông Ngô Điền, ông Trần Huy Chương và ông Nguyễn Duy Hưng. Ông Ngô Điền trình ủy nhiệm thư lên Chủ tịch Hêng Som-rin, lúc ấy là Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Cămpuchia. Ông Trần Huy Chương và ông Nguyễn Duy Hưng trình lên Quốc vương Sihanouk, đến lượt tôi là Quốc vương Sihamoni. Trên đường từ Hoàng cung trở về Sứ quán, xe của tôi đi qua Tượng đài Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, lượn qua Đài Độc lập rồi đi trên đại lộ Nô-rô-đôm là đại lộ to và đẹp nhất Nông Pênh. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước mũi xe, tôi cảm nhận một niềm tự hào to lớn về dân tộc, về đất nước và về nhân dân Việt Nam.



2 nhận xét:

  1. Van giong van hom hinh nhung that sau sac, chu thuc su da lam nguoi doc mien man theo nhung dong chu...
    Chuc mung chu voi tat ca nhung gi da dat duoc trong cuoc doi ngoai giao cua minh!

    Trả lờiXóa
  2. Đại sứ Việt Nam quả là một người thông minh nhưng đúng mực ! Cháu cả đi học và đi lao động ở Châu Âu ~ 10 năm nên rất hiểu bài viết của chú .

    Trả lờiXóa