Thứ Ba, 24 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương VI

            MỘT LẦN ĐI SIÊM-RIỆP



Nhớ lại đầu năm 2009 tôi có dịp đi từ Nông Pênh đến Xiêm Riệp bằng ô tô. Chuyến đi gần bốn trăm cây số mất khoảng hơn năm tiếng với các bạn người Campuchia đã để lại cho tôi thật nhiều những ấn tượng tốt đẹp.  
Đường đi không so được với  đường của Trung Quốc hay của Thái Lan nhưng so với Việt Nam thì không thua kém gì. Điều khó chịu nhất của cánh lái xe là thỉnh thoảng lại có mấy con bò thong thả qua đường, không thận trọng thì cả xe cả bò quay lơ ra ngay. Anh bạn người Việt cùng đoàn vô tư bình luận : chỉ có ở CPC mới để bò « tham gia giao thông » kiểu này. Tôi phải kín đáo nói nhỏ vào tai anh ấy rằng ở mình chẳng cần đâu xa mà ngay ở khu đô thị Mỹ Đình, nếu không cẩn thận thì cũng xơi no. Chỉ khác của bạn là bò trắng còn của mình là bò vàng mà thôi.
Phải qua các tỉnh Công Pông Chnang, Công Pông-chàm rồi mới đến Xiêm Riệp. Lúc này mùa khô sắp qua nhưng mùa mưa chưa tới nên thời tiết nóng lắm, mỗi lúc dừng xe uống nước thì mấy du khách nữ không dám rời khỏi cái điều hòa nhiệt độ trong xe khiến anh bạn hướng dẫn người Campuchia  áy náy  :
- Hà Nội của các bạn thời tiết tốt lắm, không nóng như thế này.
Tôi nghĩ thầm cậu ta có biết thời tiết của Hà Nội thế quái nào đâu mà khen. Mùa rét thì rét thấu xương, mùa nóng thì độ ẩm cao ngất nghểu, xểnh ra một cái là viêm họng viêm mũi. Tôi nghĩ thời tiết Trung bộ Bắc bộ của mình là thời tiết khắc nghiệt, có điều nó là của mình, từ lúc mình sinh ra cho đến khi chết đi nó vẫn là như thế, không thay đổi, nó thấm vào máu xương vào tâm hồn mình rồi thì thành đẹp, thành mơ mộng, vậy thôi chứ có thuận lợi hơn gì người ta.
Phong cảnh hai bên đường thật thanh bình. Những cây thốt nốt mọc xen trong những ruộng lúa vừa gặt hoặc bên cạnh những ngôi nhà sàn nhỏ xinh. Cây thốt nốt gắn bó với người Campuchia giống như cây tre gắn bó vơi làng quê Việt mình vậy. Tôi nhớ báo Cambodia Daily ngày 6/1/2006 có bài viết của Lor Chandara và David McFadden nhan đề 50.000 cây thốt nốt để vạch đường biên với Việt Nam, nội dung thế này :
“Ngày 5/1, Chan Sarun, Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia cho biết Campuchia dự định sẽ trông nom việc trồng khoảng 50.000 cây thốt nốt trong năm nay tại các tỉnh giáp giới với Việt Nam nhằm làm biểu tượng của tự hào dân tộc và cải thiện đời sống của người dân nghèo… “Bộ Nông nghiệp có kế hoạch trồng các cây giống dọc các tỉnh giáp biên với Việt Nam vì những nơi này thiếu các cây thốt nốt và chúng tôi muốn chứng tỏ rằng Campuchia có một phong cảnh rộng lớn về cây thốt nốt.” Ông Sarun nói: “Đâu có cây thốt nốt, đó là Campuchia.”…
 …”Vào tháng ba, một sắc lệnh của Hoàng gia đã đưa cây thốt nốt trở thành loài cây quốc gia của Campuchia; sắc lệnh này cũng chỉ ra loài hoa, loài cá, bò và hoa quả quốc gia của Campuchia”.
Đọc bài báo xong tôi nghĩ chắc tác giả nói vui rằng « đâu có cây thốt nốt đó là Campuchia » thế thôi chứ cây thốt nốt có nguồn gốc tận châu Phi kia mà. Châu Á thì các nước Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Ấn độ đều có cây thốt nốt, cây thốt nốt đều gắn bó với người dân của họ. Ở Ấn độ từ rất lâu người ta đã dùng cây thốt nốt theo hàng trăm cách khác nhau, có kinh nghiệm lắm. Người Campuchia cũng dùng cây thốt nốt theo nhiều cách khác nhau, từ lá đến rễ chẳng bỏ đi cái gì. Bây giờ người ta đã làm cả bia cả rượu từ nước cây thốt nốt, cũng dễ say ra phết, đến Nông Pênh mấy anh bạn uống thử nói vui rằng mới một ly đã phê.
Trước khi đi Siêm Riệp, tôi đã được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh sơn mài cỡ lớn vẽ Angkor Wat, trong tranh nào cũng có cây thốt nốt. Những cây thốt nốt này được vẽ theo một bút pháp chính thống, giống nhau và hơi cứng nhắc với màu xanh xám buồn bã. Campuchia vào mùa mưa thường có rất nhiều mây xám. Hình như các hoạ sĩ hay vẽ vào mùa này, những bức tranh Angkor Wat Angkor Thom thường cũng có màu xám lạnh lẽo của đá và của mây, những cây thốt nốt cũng xám trên nền trời tối thành thử những bức tranh tuy đẹp nhưng cứ đượm buồn.
Nói gì thì nói, cây thốt nốt của người ta đã được vinh danh thành cây biểu tượng của quốc gia. Ở Việt Nam mình có cây gì, con gì là biểu tượng !

                                                            *
                                                          *   *

Trở lại chuyến đi Siêm Riệp. Các bạn Campuchia giải thích cho tôi nghĩa từ Siêm Riệp có liên quan tới những cuộc giao tranh giữa người Miên (Campuchia) và người Siêm (Thái lan) trước kia. Tên một tỉnh khác ở phía Tây Campuchia là Bát-tam-bang cũng có nghĩa liên quan đến chiến trận, một vị tướng chiến đấu chống quân xâm lược cho đến lúc rơi mất cả gậy. Tôi bỗng có một nhận xét rất bất chợt nhưng cũng thú vị, đó là tên nhiều tỉnh ở phía Đông Campuchia không dữ dội mà êm đềm hơn, ví dụ như Công-pông-chàm nghĩa là bến của người Chàm, Công-pông-xom là bến của sự thuận tiện, Xoài Riêng là đất xoài…Nhận xét vu vơ ấy mà.
Trên đường đi, tôi để ý thấy có những tấm biển lớn cắm ven đường, đa phần thì ghi là CPP (Đảng Nhân dân Campuchia), thỉnh thoảng ghi Samransy Party (Đảng Samrainsy), Ranarith Party (Đảng Ranarith), lại có khi ghi FUNCIPEC (Đảng FUNCIPEC) hay Humain rigsth Party (Đảng Nhân quyền)
Một anh bạn Việt Nam tò mò hỏi người hướng dẫn các biển ghi trên đường như thế là thế nào. Người hướng dẫn hào hứng giải thích :
- Đấy là các đảng chính trị ở Campuchia, đảng nào giành được phiếu ở đâu thì cắm biển ở đó.
Mọi người đều à lên, lúc ấy mới nhớ ra Campuchia là nước có nhiều đảng. Một người trong đoàn lại hỏi :
- Campuchia có bao nhiêu đảng  ?
- Ối giời ơi nhiều lắm anh ạ, tôi không nhớ hết bao nhiêu nhưng phải tính đến vài chục. Nhiều vậy nhưng chỉ có vài đảng là có đông người ủng hộ, mạnh nhất là Đảng Nhân dân.
Người bạn Việt Nam chữa  :
- Đảng Nhân dân Cách mạng  chứ ?
- Bỏ chữ cách mạng rồi, bỏ để cho phù hợp với tình hình thôi chứ nội dung thì vẫn là đảng cách mạng, vẫn giữ độc quyền lãnh đạo thôi.
Anh bạn trong đoàn  bị tẽn tò nhưng vẫn dè dặt hỏi :
- Thế anh theo đảng nào ?
Anh hướng dẫn người Campuchia cười ngoác miệng, để lộ ra mấy cái răng bọc vàng :
- Tôi theo CPP.
Mấy anh chị trong xe thở phào, cách gì thì với CPP mình cũng vẫn gần gũi hơn, đỡ phải giữ gìn kín đáo khi trao đổi chuyện trò
- Sao lại theo CPP ?
- Tôi theo CPP vì đảng này đem lại hòa bình, cơm no áo ấm cho người dân Campuchia. Đảng chúng tôi đã thắng liên tục trong bốn cuộc bầu cử liền đấy. Đó là thành tích của chúng tôi bởi vì chế độ nhiều đảng cũng phức tạp lắm anh ạ, đảng viên phải phấn đấu gấp mười lần bình thường, công tác đảng cũng gấp mười lần, thời trước chỉ có một Đảng Nhân dân Cách mạng thì không ai cạnh tranh, không ai chạy đua, không sinh hoạt đảng cũng không ai nói gì, bây giờ nhiều đảng mình không gương mẫu là bị các đảng đối lập nó soi, nó móc ra, đến khi tranh cử là mình mất phiếu như không.
Tôi thật mến phục anh chàng đảng viên CPP trẻ tuổi, sinh ra sau thời diệt chủng Pôn Pốt mà có thể nói về đảng của anh ta với một niềm kiêu hãnh như thế. Tôi hỏi :
- Anh học tiếng Việt ở đâu mà sõi thế ?
- Tôi học Đại học Ngoại thương, ở Láng Hà Nội ấy. Tôi thích được đi đây đó nên khi về nước đã xin vào ngành du lịch, cũng không trái nghề lắm anh ạ.
Có lẽ Campuchia là nơi có nhiều người nói tiếng Việt nhất, đấy quả là một vốn quý cho quan hệ hữu nghị và làm ăn buôn bán giữa hai nước. Có điều rồi đây mình sẽ gìn giữ và phát huy cái vốn quý giá này như thế nào đây !

                                                                *
                                                              *   *

Khoảng 12 rưỡi chúng tôi tới Siêm-riệp. Siêm Riệp của bạn đẹp lắm, hùng vĩ mà lại thơ mộng, cổ kính mà lại  gần gũi vì có Angkor Vát, Angkor Thom và những đền đài cổ tích khác trong một khung cảnh núi rừng thâm nghiêm.  Thế nhưng trong lịch sử thì công cuộc xây dựng đền đài đã hút đi bao nhiêu nguyên khí, đế quốc Campuchia bị khánh kiệt rồi đi đến suy sụp.
Chúng tôi tranh thủ đi thăm Angkor Vát và Angkor Thom ngay trong buổi chiều. Khi thu mỗi người hai mươi đô la vé vào cửa, anh bạn hướng dẫn lại cười hồn nhiên :
- Tổ tiên chúng tôi để lại cho chúng tôi kỳ quan này, nó đã phải trải qua bao nhiêu là thăng trầm lịch sử để đến bây giờ thế hệ chúng tôi được hưởng lợi từ nó. Đó là niềm tự hào của dân tộc Khmer, với nó, chúng tôi có thể kiêu hãnh ngẩng cao đầu.
Người hướng dẫn đưa chúng tôi đi vào một thời lịch sử Campuchia qua những đền đài miếu mạo được xây đắp bằng đá, qua hàng ngàn bức tượng khắc trên đá, qua những cái đầu mãng xà cũng bằng đá đang vươn lên. Và qua khuôn mặt Bay-on, nụ cười Bay-on đầy huyền bí, nụ cười đã thôi miên hàng trăm năm lịch sử và bây giờ vẫn đang thôi miên hiện tại của chúng ta.
            Tôi đã đọc đã nghe về Angkor, kỳ quan huyền thoại này của người Campuchia không xa lạ trong hiểu biết của tôi. Vậy mà khi đến trước những công trình kiến trúc kỳ vĩ có một không hai này tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng, trong lòng tràn đầy tình cảm khâm phục. Phải đứng trước Angkor để có thể hiểu được điều mà nhà thám hiểm người Pháp Alexandre Henri Mouhot đã thốt lên năm 1858 khi ông tìm lại được Angkor lúc ấy hoang tàn và bị vùi lấp trong rừng rậm nhiệt đới dày đặc : “Trời ơi, ước gì tôi có thể viết hay như Chateaubriand hay Lamartine, hoặc có thể vẽ đẹp như Claude Lorrain để làm cho bạn bè biết được những tàn tích có một không hai này đẹp và kỳ vĩ như thế nào !”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét