3
Chúng tôi âm thầm đi theo chú Tư, không ai muốn nói với ai một lời nào. Gió từ sông thổi lên mát lạnh làm tôi hết ngái ngủ. Tôi đi ngang cây mít gần chùa Bà, chỗ chiều qua người lớn đã chọc tiết con bò. Cây mít lù lù hiện lên đen xì trong đêm, bóng nó in hết như bóng con bò đang vồng lên, đi lại được, đang muốn chồm tới co cẳng chĩa sừng nhát chúng tôi. Tôi bám chặt lấy má, khe khẽ hỏi :
- Má ơi má, ba đâu ?
Bà hẩy tôi ra, nói :
- Bé cái miệng chớ, đi lẹ lên.
Tôi thất thểu bước theo bà, lúc ấy tôi đâu có biết một khi đã bị Pốt lôi đi là đã cầm chắc cái chết, lúc ấy tôi vẫn còn nghĩ ba tôi vẫn còn ờ ờ đâu đây và sẽ chạy đuổi theo kịp chúng tôi. Bởi vậy khi đã tới mé sông mà tôi vẫn giấu má quay lại nhìn xem có thấy ba đâu không. Không có ba nhưng tôi thấy chú Tư lùi lũi đi sau cùng nên cũng bớt sợ hãi. Quả nhiên chủ ghe đã đợi sẵn, nhắc chúng tôi không được gây ồn, vội vàng kéo chúng tôi lên ghe. Chú Tư giữ má tôi lại, dặn thêm :
- Tôi phá bè cho trôi theo ngay bây giờ. Chị Sáu về tới trước thấy gỗ bè mình thì ráng vớt lên nghen.
Má đáp cụt ngủn :
- Được rồi.
Thoắt cái chú Tư đã quay ngược lên bãi, tôi lên trên ghe quay nhìn lại đã không thấy chú đâu. Chủ ghe là một người đàn bà gày bé loắt choắt nhưng dáng vẻ cứng cáp. Bà chỉ chống sào một vài cái là ghe đã nhúc nhích khỏi mé. Vừa chống sào bà vừa hỏi chuyện má :
- Thím về đâu ?
- Nói về bển thì cứ về chớ biết về đâu .
- ủa, kỳ vậy sao !
- Từ nhỏ tới giờ đã bao giờ được về dưới đâu. Không chạy Pốt thì cũng ở miết trên đó luôn.
- Vậy tôi cứ để thím xuống Vĩnh Xương nghen.
- Cho tôi xuống đâu cũng được. Cứ không có Pôt là được rồi.
- Cái ông khi nãy biểu để thím xuống Vĩnh Xương. ổng là chồng thím hả ?
Má không trả lời. Ghe đã ra tới giữa sông, bắt đầu trôi nhanh. Dòng sông ban đêm đùng đục sáng, êm ả hiền hoà, mêng mang. Tôi nằm ngửa trên sàn ghe, mắt nhìn những ngôi sao lặng lẽ nhấp nháy, trong bụng hơi có chút giận dỗi nghi ngờ má và chú Tư đã bỏ ba tôi lại một mình mà không chờ ổng. Đói khát, mệt mỏi, tôi thiếp ngủ rất say, khi tỉnh dậy đã thấy mình đang nằm co quắp trên bậc thềm gạch một ngôi đình nhỏ. Ngay cạnh đấy anh Hai và Som Bát đang sắp thun cho một thằng nhỏ dáng chừng cùng tuổi với anh Hai. Thằng này thắt thun thành dây quấn quanh người, thun mầu xanh thắt với màu đỏ và màu vàng trông rất ngộ. Tôi hỏi :
- Má đâu anh Hai ?
Anh Hai xắp từng cái thun đưa cho người bạn mới, trả lời :
- Má ra bến, dặn mày cứ ở đây chờ má, trưa má về.
- Em đói lắm anh Hai.
- Bộ tao không đói sao ?
Som Bát thêm vô :
- Tao cũng đói muốn chết nè.
Người bạn mới quen hỏi anh Hai :
- Con nhỏ này là em mày hả ?
- Em.
- Coi bộ nó đói thiệt đó.
- Tao cũng đói thiệt chớ.
- Tao biết rồi. Ông chủ tịch xã kêu chúng bay là Việt kiều trên đó chạy về, có gì khó khăn thì dân làng phải giúp.
- Giúp làm sao ?
- Để tao chạy đi lấy bắp cho tụi bay ăn.
Nó nhanh nhẹn vút đi, một thoáng sau mang về ba trái bắp nướng đã nguội, có chỗ nướng cháy đen ngòm. Tôi bẽn lẽn chút đỉnh rồi cũng theo anh Hai và Som Bát vồ lấy ăn ngấu nghiến. Nó hỏi anh Hai :
- Mày tên gì ?
- Dũng, Hai Dũng. Còn mày ?
- Tư Cháy, chắc vì đen quá đó. Mày coi tao có đen không ?
- Đen thiệt nhưng mà ngó mày dễ coi.
- Sạo quá mà nghe hoài vẫn thấy sướng. Má cũng biểu tao đen nhưng coi khôi ngô. Con nhỏ em mày tên là gì ?
- Nó tên là Nhung, hơn mười tuổi mà còm nhom.
Tôi lại đưa tay lên nhìn, quả là gầy guộc trông ốm như que củi. Chắc nom tôi bé nhỏ và xấu xí dễ sợ. Dòm chi tôi mà dòm trắng trợn vậy, lại còn cười hơ hớ mới thiệt đáng ghét. Hóa ra là tại tôi gặm bắp bôi nhọ sang hai bên mép, anh Hai biểu coi mày như đứa có ria. Tôi tức quá liệng luôn trái bắp đang còn dở khiến cả lũ ngây mặt.
Cháy xoay qua chỉ Som Bát :
- Còn thằng này ?
- Som Bát. Mẹ nó bị Pốt bắt đi rồi.
- Tao biết rồi, ông chủ tịch biểu Pốt đang uýnh dữ lắm.
Chui chao là xạo, nó là chi mà cái gì cũng tao biết rồi. Nó lấy chân đá trái bắp tôi vừa liệng văng ra xa, trỏ tay hỏi anh Hai :
- Mày biết chơi bật thun không ?
- Không biết chơi.
- Để tao chỉ cho, dễ ợt mà. Nhưng bật thun ăn tiền đó, không chơi không đâu.
- Tao không có tiền.
- Khó gì, để tao dạy cho cách kiếm tiền. Tha hồ chơi.
Lúc ấy có một người đứng tuổi đi từ trong chùa ra. Người này bận đồ bà ba màu trắng đục như màu hột vịt, dáng đi còng còng, người coi ôm ốm. Ông dừng lại chỗ chúng tôi hỏi :
- Tụi bay về hồi nào ?
Tôi và anh Hai ngơ ngác, thao láo mắt nhìn, không biết trả lời ra sao. Tư Cháy nhanh nhảu :
- Ông Hai Phán coi đình đó. Mày nói với ông ấy mày về khi nào đi.
- Đêm qua.
- Ba má tụi bay đâu ?
- Ba bị Pốt dẫn đi, kẹt lại rồi. Má ra bến.
Ông Hai Phán lắc đầu buồn rầu. Ông nói :
- Đến trưa tụi bay vô ông cho ăn cơm.
Nói rồi ông đi, hai tay vung vẩy, cái lưng còng như lưng tôm. Tư Cháy nói :
- Coi vậy mà ông Hai được lắm. Ông ấy giúp rất nhiều Việt kiều chạy về.
Buổi chiều có rất nhiều nhà khác mới về cũng vô sân đình tìm chỗ trú. Trẻ con nheo nhóc khóc oe oé, người lớn nháo nhác tìm nhau, í ới kêu gọi kiếm ăn kiếm uống. Ông Hai Phán chạy ra chạy vô, dỗ dành an ủi mọi người, cho nhà này mấy cái chén ăn cơm, nhà kia ít muối. Anh em tôi thơ thẩn trong đám người chạy loạn đến chiều thì má về, có chú Tư đi kèm. Thấy chú Tư tôi mừng quá reo lên rồi chạy ùa tới ôm riết lấy chân chú. Chú ngồi xuống cùng lúc nựng tôi.
- Về được đây là yên tâm rồi. Tụi bay ngoan quá.
Tôi nói :
- Vậy mà con tưởng chú cũng kẹt lại với ba.
Nhắc tới ba ai nấy đều xìu mặt. Má lấy vạt áo thấm nước mắt. Chú Tư quay qua anh Hai và Som Bát :
- Tụi bay đi vác gỗ bè giúp chú đi.
Tôi ở lại với má, theo bà vô vườn tìm một chỗ thoáng và sạch sẽ để chụm lửa nấu cơm. Suốt từ sáng tôi mới có một trái bắp vô bụng nên giờ đói cồn cào. Tôi luẩn quẩn quanh má khiến bả sốt ruột, bả gắt :
- Lui ra, đi kiếm cho má mấy cái cành khô làm củi, lẹ lên.
Nhà tôi trú ở sân đình một hôm rổi chuyển qua Hội quán là nơi xã đón tiếp bà con chạy ở trển về. ở đây tôi gặp nhiều người có vẻ quen quen. Họ nói với nhau lẫn lộn cả tiếng Campuchia cả tiếng Việt. Nhà nào tới đây cũng được một túi gạo và một ít muối, ở lại một hai hôm rồi lại tản mát đi. Má được mấy ổng xã chỉ cho một chỗ đất ven sông dựng tạm cái chòi để ở. Chú Tư đem gỗ bè làm cột, những đoạn gỗ gòn đã ngấm nước nặng chịch. Mái và liếp được làm bằng đủ thứ bao bố, bìa các tông, mảnh tôn, những người dân trong xóm cho cái gì thì lợp lên cái đó. Tôi rất thích cái chòi, trông nó nho nhỏ xinh xinh nằm dưới mấy cây dừa nghiêng nghiêng đổ ra bờ sông. Thích nhất là có chỗ đi về, đỡ phải vạ vật. Hôm dựng xong, anh Cháy đem tới hai cái cờ vải đưa cho chú Tư.
-Chú Tư nè, ông xã biểu đưa chú treo lên cây dừa cho bà con phấn khởi. Cái cờ đỏ sao vàng này là cờ Tổ quốc, cái nửa xanh nửa đỏ này là của mấy ông giải phóng, chú đem treo đi, con phụ cho.
Nghe Tư Cháy giảng giải cho chú Tư tôi nghĩ quả thiệt cái gì nó cũng biết. Còn tôi, đây là lần đầu tiên tôi thấy những lá cờ này, anh hai và Som Bát cũng vậy thôi, nhưng cứ ngó chú Tư thành kính nâng niu những lá cờ tôi cũng đủ biết đối với chú nó thiêng liêng tới mức nào. Ngay lập tức trẻ con người lớn xúm tới phụ chú treo hai lá cờ lên cây dừa, cờ bay phần phật ngay trên nóc chòi nhà tôi. Chú Tư xúc động nói với mọi người :
- Đây là Tổ quốc mình, được ở trên Tổ quốc mình thiệt là sung sướng. Tụi bay cúi chào cờ đi.
Chúng tôi nhất loạt cúi chào. Tôi hỏi :
- Chú Tư, sao mình không thắp nhang ?
- Đâu có, mình chào cờ chớ có cúng bái gì đâu.
Sau đó ít bữa chú Tư xách túi, kéo Som Bát bỏ đi. Anh Hai và tôi cuống cuồng níu chú lại. Chú xoa đầu tôi, nói :
- Chú ở chung nhà với má không có tiện.
- Không sao đâu chú, má cũng muốn chú ở lại mà.
Chúng tôi nhìn má. Bà cúi đầu, buồn rầu :
- Má con tôi rơi vô cảnh này, bây giờ cũng chỉ biết nương tựa vô chú.
Tôi reo lên :
- Đó, chú thấy chưa ! Cả má cũng muốn chú ở lại mà.
Chú Tư và Som Bát không đi nữa. Chú lấy những đoạn gỗ bè còn lại khéo léo đóng thành hai cái vạt dùng để làm giường nằm, cái to cho má con tôi, cái nhỏ cho chú và Som Bát. Tôi biểu chú đổi lại, cái nhỏ cho tôi với má, cái to cho chú với hai anh. Mọi người vỗ tay biểu tôi sáng ý. Nằm trên vạt gỗ gòn có đau lưng nhưng vẫn tốt hơn nằm đất.
Mỗi ngày lại có thêm người tới dựng chòi bên bờ sông, làm nên một cái xóm đông đúc những người chạy loạn, cũng buôn buôn bán bán, tìm tìm kiếm kiếm, đi về tất bật, chiều đến cũng khói vương, trẻ con người lớn tắm gội lặn ngụp dưới sông. Nhà tôi có phần đỡ vất hơn mọi người vì má có mấy chỉ vàng của ông Pâu đưa, nay cắt dần ra đổi gạo đổi cá. Mỗi lần đổi gạo má đều nói miệng ăn núi lở, riết rồi cũng xót, bả tính với chú Tư :
- Chắc phải vô chợ vô xóm kiếm xem có việc gì làm thuê làm mướn, chớ ngồi nhà hoài tôi đâu chịu nổi.
- Chị Sáu khỏi lo kiếm việc, mai tôi đi dạo cá, chị đội vô xóm bán.
Má ngạc nhiên :
- ủa, kiếm đâu ra ghe mà chú đi dạo ?
- Cái xuồng thôi, có người trong xóm chịu nhượng lại.
- Mắc không ?
- Không có. Họ giúp mình.
- Chú biết dạo từ khi nào ?
- Tôi sông nước xình đầm từ nhỏ mà chị Sáu. Mình ít người, không có ghe thì mình dạo lòng tong với cá thiểu. Kinh Năm Xã này nhiều vô kể.
Tôi bám riết chú Tư trong mọi việc. Tôi rất thích gần chú bởi không bao giờ chú coi tôi là con nít. Má và anh Hai luôn xem thường rôi, hễ mở miệng là rủa tôi đồ con nít. Chỉ có ba và chú Tư là coi tôi như người lớn. Bây giờ ba ở đâu không biết, có người nói với má là ổng bị Pốt đập đầu chết rồi. Tôi kinh hãi nhớ tới bữa cơm có thịt bò nướng, những miếng thịt bị đá vung vãi, cái miệng ba há ra mà không kịp đưa miếng thịt vô, nhớ tới tiếng kêu thất thanh cuối cùng của ba : má nó ơi tôi đi.
Việc đầu tiên tôi giúp được chú Tư là bằm lươn làm mồi dạo cá. Chú chỉ có một lượt là tôi làm được ngay. Chú lại khen tôi sáng ý khiến tôi sướng rơn. Có gì khó đâu, chỉ cần chặt đầu con lươn, cho nhỏ máu vô nồi nước rồi chặt thành từng khúc, bằm thịt lươn ra cho nhuyễn là được. Dễ ợt mà. Chú Tư lấy lươn bằm chấm vô mỡ cá rồi đưa xuống nước quậy, cá lòng tong với cá thiểu bu đến nhung nhúc kín mặt nước, lúc ấy chỉ cần nhận mảnh gỗ dạo xuống mà múc cá lên. Thường chú Tư đi từ sớm, chừng gần trưa chú về là má có vài chục ký đội vô xóm, ngày hai lần sớm chiều, nhờ thế mà có cái ăn cho cả nhà. Nhiều hôm chiều muộn, không bán không đổi được, má đem cá cho khắp lượt cái xóm ven sông. Sáng sáng tôi thức dậy từ sớm phụ chú Tư. Anh Cháy tới kêu anh hai va Som Bát đi mót bắp, họ đi cả ngày. Thấy tôi chăm chỉ bằm lươn, anh Cháy gọi tôi là con nhỏ bằm lươn. Dần dần cả cái xóm tạm ven sông cũng gọi tôi là con nhỏ bằm lươn, gọi chú Tư là anh Tư dạo cá. Kinh Ngũ Xã có độc mình chú Tư dạo cá thiểu cá lòng tong. Tôi thích lắm vì như vậy là trong mắt mọi người tôi không đến nỗi chẳng ra cái gì. Con nhỏ bằm lươn, nghe được lắm chớ. Tôi đã nhảy lên xuồng theo phụ chú Tư mấy lần, thoả thích múc cá đổ vô lòng xuồng, cá nhảy loang loáng ánh bạc, vẩy cá bắn lên dính chặt vào mặt vào tóc tôi. Tôi cũng múc cá, cũng chuyển cá cho má, nhanh thoăn thoắt. Buổi tối ở nhà, chú Tư còn dạy cho tôi biết đánh vần nữa. Những lúc tôi học thì anh Hai và Som Bát đã lăn ra ngủ. Tôi ham lắm, chẳng mấy đã thuộc hết mặt chữ khiến cho chú Tư và má rất hài lòng. Má nói với chú Tư :
- Con nhỏ sáng dạ, lại chịu khó, nhờ chú mà biết đọc biết viết rồi. Không như tôi, đến bây giờ không biết ký tên mình.
Chú Tư hài hước chọc má :
- Sao tôi thấy chị Sáu ghi số kí cá, số tiền nợ nhanh vậy !
- Thì mình làm nghề gì thạo nghề đó thôi chú.
Ngày này tiếp ngày khác, tự tôi cũng nhận thấy mỗi ngày tôi mỗi lớn thêm một chút, càng ngày càng làm thêm được nhiều việc. Các anh con trai mải chơi làm sao mà biết được điều ấy. Tôi không khoe các anh bởi có nói họ cũng không tin, họ coi tôi là đồ vô tích sự. Chính các anh ấy mới thật là vô tích sự. Anh Hai suốt ngày kéo Som Bát gắn với anh Cháy đi chọi dép ăn thun, có khi ăn tiền, thua được cãi nhau tùm lum. Má nói anh Hai học lỏm những cái không hay của anh Cháy thì nhanh lắm. Một lần tôi thấy anh đem về một cái dép tông, một nhúm đinh guốc, lấy cục đá to bằng nắm tay hì hục ngồi đóng hết nhúm đinh vô mép dép tông. Tôi hỏi :
- Anh đóng đinh vậy để làm gì ?
- Im đi, mày thì biết cái gì mà hỏi.
- Anh Hai nói em biết đi, để làm gì ?
Anh Hai vẫn nện từng chiếc đinh vào mép tông, không ngẩng lên.
- Để tao đánh mấy đứa con nít tụi bay.
- Ứ phải, em mắc gì mà anh đánh. Nói đi em cho tiền.
Anh Hai dừng tay, ngẩng lên :
- Mày lấy đâu ra tiền ? Lấy của tao hả ?
- Đâu phải, má cho.
- Vậy sao má không cho tao ?
- Anh đi cả ngày, ai cho. Anh làm cái đó để làm gì ?
- Liệng thun.
- Sao phải đóng đinh ?
- Cho vừa tay. Tiền đâu ?
Tôi đưa anh mấy đồng tiền có hình con ngựa. Thiệt ra đây là tiền anh Cháy cho, anh ấy nói tiền cũ nhưng vẫn xài được. Anh Hai nắm luôn tiền, toét miệng cười rồi cầm tông kéo Som Bát vọt thẳng.
Chú Tư không muốn cho tôi theo dạo cá nhiều, sợ tôi gặp nắng gặp mưa. Chú biểu không nghe lời thì chú sẽ thôi dạy tôi học. Tôi thích học lắm, không đòi theo chú nữa, nhưng cũng vì thế mà ở nhà buồn, tôi liền bám anh Hai đi lang thang. Anh Hai không cho nhưng anh Cháy biểu để tôi đi cầm thun. Chúng tôi chạy ra sân nhà Hội quán, đã có hai ba đám chọi dép ở đó, có cả người lớn vô công rồi nghề vây quanh coi, la hét om xòm. Anh hai rút chiếc dép tông sau lưng đưa tôi cầm hộ rồi chạy biến ra quán bà Năm toét mua thun. Anh thường giắt tông ra đằng sau, giắt đằng trước má thấy má la, có khi má thu luôn. Anh Hai nhập vô đám anh Cháy. Tôi đứng trong vòng người vây quanh, thấy anh Hai thua hoài, coi bộ tức tối lắm. Đã thế anh Cháy lại kèm riết, nhất định không để cho anh Hai chơi gian.
- Ê Dũng, mày phải thảy đúng cữ đó nghe.
- Không phải nhắc, tao bước đúng ba bước.
- Đâu có, đã hai lần mày bước quá năm bước rồi.
- Mày nói sạo.
Anh Cháy sải ba bước rồi lấy cái đầu que vạch một vạch ngang.
- Đó, mày cứ bước quá cái vạch này thì coi chừng tao đó.
Anh Hai lùi lại trước khi sải mấy bước dài, tay cầm tông thảy vô đích. Được lớn, anh Hai khoái quá hét tướng lên. Nhưng vừa quay lại định thu thun thì anh Cháy cũng vừa tiến tới, cầm cái tông có đóng đinh đập thẳng vô mặt anh Hai. Tôi sợ quá, nhắm nghiền mắt lại, khi hé mở thì thấy anh Hai ôm mặt, máu chảy ướt đầm trên một gò má. Thấy anh Hai chảy máu, anh Cháy thu thun rồi lẳng lặng bỏ đi. Bất thình lình anh Hai từ phía sau chạy tới ôm ghì lấy anh Cháy mà cắn vô tai. Anh Cháy hét lên đau đớn, giẫy ra vùng chạy. Tôi vừa khóc vừa kéo anh Hai chạy về nhà, Som Bát lững thững theo sau. Cả chiều cả tối anh Hai ngồi nhà, buồn rầu ủ rũ. Chắc phen này hai người sẽ thù nhau, chưa biết chừng còn uýnh nhau to nữa. Tôi đến gần định nói câu chuyện gì cho khuây thì anh dứ vào mặt tôi gắt :
- Mày mét má tao uýnh mày chết.
Vậy mà ngày sáng hôm sau khi tôi đang bằm lươn đã thấy anh Cháy thập thò ở gốc dừa. Anh vẫy tay gọi tôi lại :
- Thằng Dũng nó ra sao rồi mày ?
- Vẫn ngủ.
- Ngủ gì mà nhiều vậy. Vô đánh thức nó ra cho tao.
- Không, để các anh lại uýnh nhau hả.
- Không ai uýnh nhau nữa. Tao rủ chúng nó đi lượm vỏ đạn. Mày đi không ?
- Các anh có uýnh nhau nữa không ?
- Đã nói rồi, bộ không nghe lủng hả ? Vô kêu nó đi.
Tôi quay vô gọi anh Hai và Som Bát. Anh Hai và anh Cháy nhìn nhau, chỉ sượng sùng một chút thôi. Anh Cháy hỏi :
- Mày đau không ?
- Không. Mày đau không ?
- Không. Lấy tí mỡ cá thoa vô là khỏi ngay.
- Ai biểu ?
- Tao biết, ngoại tao thường làm như vậy.
Họ đợi tôi bằm hết mẻ lươn. Anh Cháy dẫn chúng tôi ra mé sông, biểu chúng tôi cứ ngồi chơi trên một cái gò, lát nữa thế nào cũng được coi tàu chiến của ta lên bắn nhau với Pốt, lúc bấy giờ sẽ tha hồ lượm vỏ đạn về bán. Chúng tôi ngồi trên gò cao, nhìn thấy ghe xuồng qua lại thanh bình trên dòng sông mênh mông. Vậy mà chỉ một lúc sau đã nghe tiếng ca nô phành phạch từ miệt dưới lội ngược dòng. Anh Cháy đứng thẳng lên, reo to :
- Kia kìa, tàu quân sự của mình đó, tụi bay ơi.
Chúng tôi đứng bật dậy, quả nhiên thấy hai chiếc tàu máy sơn xám xé nước lao tới, nước phía sau tàu cuộn lên thành những dải sóng trắng xoá.
- Coi đã không Dũng ! Som Bát có thấy không !
- Đã quá. Tàu chiến hả mày ?
- Tàu chiến đó, mày không coi thấy súng đại liên đó sao ?
- Tao đã bao giờ được coi đại liên đâu. Ngày ở trên Miên tao thấy lính Pốt bận đồ đen, vác súng AK.
- Lát nữa bộ đội mình bắn đại liên, vỏ đạn toé vô mép sông, mình đi bới lượm về.
- Bắn ở đâu ?
- Gần chùa Bà. Mình đi lên khá xa, phải chạy mới kịp trước tối.
Chúng tôi mải miết chạy dọc sông, mồ hôi nhễ nhại. Được một quãng thì nghe tiếng súng nổ pằng pằng liên hồi. Anh Cháy phấn khích quá hét tướng lên :
- Đó, mày nghe chưa ? Bộ đội mình bắn đại liên đó. Đã quá.
Chúng tôi đi quãng nữa thì bỗng có mấy anh chị bất thình lình từ trong khóm chạy ra chặn lại. Họ mặc đồ bà ba và mang súng AK.
- Mấy đứa nhóc quay về đi, không sợ ăn đạn Pốt hay sao ?
Anh Cháy khựng lại, nói nhỏ :
- Xui quá, đụng du kích rồi.
Cũng vừa lúc đó một chị du kích nhận ra Cháy :
- A, thằng Cháy. Ba mày kiếm từ sáng. Đi về ngay đi.
Cháy cãi :
- Không về, về bây giờ có mà ăn đòn tuốt xác.
- Ba mày tới kia kìa.
Cháy định bỏ chạy thì mấy người du kích cầm tay giữ lại. Ba của Cháy coi rất mập và đen không thua Cháy chút nào. Ông túm lấy con rồi cười ha hả với mấy người du kích :
- Thằng chả này táo tợn lắm, không cột lại thì nó sang tới chùa Bà lượm vỏ đạn chớ chơi à. Ha ha, nắm được thóp nên tóm được chú mày rồi.
Ông lôi Cháy ngược trở lại. Cháy im re chạy theo, ngỗ ngược như anh Cháy mà im re chạy theo, ngó thấy kỳ quá hà. Anh Hai đợi họ đi một quãng cách ra rồi cũng lặng lẽ bám theo. Phía sau chúng tôi súng vẫn nổ đì đoàng. Về tới nhà, Cháy bị ba ảnh cột vô chân giường, mặc kệ cho trẻ con xúm xít đứng xem bên ngoài chọc ghẹo. Có vẻ như anh Cháy đã quen bị cột thế này rồi nên tôi thấy anh bình thản, chốc chốc lại nhe răng cười với lũ trẻ con. Ba ảnh cũng coi việc đó là thường, cột xong con liền với cái điếu cày mồi thuốc hút thì vừa lúc ông Hai Phán lòng còng đi tới. Ba Cháy hỏi :
- Chú Hai, chú đi đâu ?
- Tao thấy mày kéo thằng nhỏ, tới xem có chuyện gì.
- Có gì đâu chú, tôi phải giữ nó ở nhà, để thả ra nó đi coi tàu chiến, đi lượm vỏ đạn, có lúc đụng Pốt chết tươi.
Ông Hai Phán nói :
- ồ, con nít mà. Chập này nghe chừng căng thẳng quá rồi. Du kích nói hôm qua nó đốt mấy nhà gần chùa Bà.
- Đúng rồi, tôi thấy nhà cháy, khói lên đen ngút phía ấy.
Tôi không muốn coi anh Cháy bị cột ở chân giường nên bỏ anh Hai và Som Bát lại, một mình đi về nhà. Sau cái ngày anh Cháy bị cột vô chân giường không lâu thì Pốt đánh tới Vĩnh Xương. Như thường lệ, chú Tư đi dạo cá lượt chiều về, tôi và chú phụ cho má mang vô xóm bán. Má đi được một hồi thì anh Hai kéo Som Bát đi luôn, chẳng biết đi đâu. Tôi chắc lại kêu anh Cháy ra bãi lượm vỏ đạn, độ này hai bên bắn nhau liên hồi, dễ lượm, bán ra tiền nên họ ham lắm. Chú Tư thong thả uống miếng nước vối nóng. Tôi đang định đi dội nước cho đỡ mùi cá tanh thì bỗng nghe xôn xao tiếng người gọi nhau. Tiếng xôn xao dội lên càng lúc càng gần, càng rõ thành những tiếng gọi nhau thất thanh, kêu la kinh hãi. Rồi súng nổ rộ lên như xé, mùi khói súng khét lẹt ngay gần. Chỉ thoáng cái mà cuộc sống vừa rất yên ả đã hoá loạn lạc. Người ta tháo chạy tứ tung, ai có xe bò thì chất lên xe bò, ai có xe đạp thì chở bằng xe đạp, phần lớn mang vác hoặc đội trên đầu bất kể cái gì có thể mang theo được. Từng tốp chạy dưới mé sông, từng tốp khác lại chạy ngay sau vườn, quát nạt con nít, kêu than thảm thiết, nét mặt ai cũng căng thẳng hoảng hốt. Không ai nói được cho ai biết cái gì đang xẩy ra, chỉ kêu Pốt đến là đủ để mọi người chạy tán loạn. Chú Tư quăng chén nước qua bên, vội vã cuộn mấy thứ đồ đạc quần áo. Xong rồi chú đi ra đi vô, sốt ruột chờ má và các anh. Chán rồi không chịu nổi, chú biểu tôi :
- Con ngồi im đây, không được chạy đâu nghe. Để chú vô xóm kiếm má với tụi nó.
Chú vừa chạy ra thì đụng ông Hai Phán. Ông hỏi :
- Sao thằng Tư chạy ngược vậy, mày định đi tìm Pốt hay sao ?
Mấy người quen khác cũng cản chú, nói chú muốn chết hay sao mà chạy hướng vậy. Ngay lúc đó một trái đạn rớt nổ gần bên, tiếng nổ đinh tai, tiếng gào thét thảm thiết vang lên. Mọi người quay nhìn, thấy xác chết nằm chung với người bị thương đang dẫy dụa. Chú Tư hoảng hốt quay lại kiếm tôi, chưa bao giờ tôi thấy chú hoảng hốt như thế. Một tay chú ôm bọc đồ, một tay chú kéo tôi.
- Chạy mau con.
Những tiếng nổ lớn liên tiếp vang lên inh tai. Tôi cắm đầu thục mạng chạy theo chú Tư, vừa chạy vừa thở dốc, mùi thuốc súng và mùi khói ở những đám cháy xộc vào mũi vào mắt cay xè. Chú Tư kéo tôi chạy dưới mép sông, bùn lép nhép mút lấy chân làm chúng tôi chạy chậm lại. Tôi hỏi :
- Mình chạy đâu chú ?
- Ráng chạy tới xuồng đi con.
Khi ngang qua Hội quán, tôi nghe có tiếng trẻ khóc thảm, ngó sang thấy đứa bé bò bên xác mẹ nó nằm cong queo. Tôi thương nó quá, núp vô một gốc dừa dòm lên, thấy một người đàn ông lao tới ôm nó chạy đi, bỏ lại xác người đàn bà. Chú Tư nhắc tôi :
- Chạy mau con, kẻo mình cũng chết luôn.
Tôi lao đầu chạy theo chú, hai chân quýnh lên, có lúc díu vô nhau chực té xấp. Tới bến đã thấy rất nhiều người chạy bằng xuồng. Chú Tư quăng túi đồ lên xuồng của mình, kéo tôi lên theo rồi vội vã bơi đi. Chú hỏi vọng sang một ông lão đang bơi xuồng bên cạnh :
- Mình chạy hướng nào chú ơi ?
- Đừng chạy vô kinh Ngũ Xã, chết ráo. Cứ theo mọi người bơi về kinh Xáng Tân châu.
- Tiếng Miên kêu là gì ?
- Kêu là cồn Tà Cai Chôn.
- Vậy con biết rồi, cám ơn chú.
Lúc ấy trời đã xẩm tối, mặt sông loang loáng màu đỏ mặt trời lặn. Từ ngoài sông nhìn vô xóm thấy lửa cháy từng đám ngùn ngụt và vẫn nghe tiếng đạn bắn nhau dày như mưa. Tôi sợ run lên từng chập. Chú Tư biểu :
- Mình xuống được sông coi như là sống rồi, không phải sợ nữa.
- Má với các anh ấy sao rồi chú ?
- Chắc lạc rồi, chờ lúc nào êm thì đi kiếm.
- Liệu má và các anh có dính đạn không chú ?
- Chú biết sao được con.
- Sao Pốt lại đánh tới ác vậy chú ?
- Con còn nhỏ, chú có nói con cũng không hiểu. Chuyện hai nước mà con.
- Vậy sao con không thấy bộ đội mình ?
- Có chớ, bộ đội dành đường cho dân chạy, họ bọc đánh Pốt ngoài đồng, con thấy sao nổi.
Xuồng chú Tư bơi một quãng xa rồi mà vẫn thấy lửa cháy đỏ trong xóm. Tôi vừa đói vừa khát vừa lạnh mà không dám kêu than vì sợ chú buồn. Trong xuồng làm chi có cái gì có thể ăn được. Tôi bụm một bụm nước sông rửa mặt cho tỉnh, lấy lưỡi liếm nước cho đỡ khát. Tôi hỏi chú Tư :
- Sắp tới kinh Xáng Tân Châu chưa hả chú ?
- Chừng nào người ta tới thì mình tới. Con mệt thì ngủ đi, khi nào tới chú kêu.
Tôi nhìn ra chung quanh thấy có đến chục cái xuồng và ghe cũng đang bơi cùng chiều. Tôi lặng im, không hỏi chú nữa. Trong lòng tôi thật nặng nề, tim như bị ép lại vì lo cho má, anh Hai và Som Bát. Thế là lại chia đàn xẻ nghé, kể từ đây bắt đầu phận nổi trôi phiêu bạt mà tôi không thể nào biết phía trước kia đang chờ mình bao nhiêu cuộc hợp tan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét