ĐẠI SỨ NGÔ ĐIỀN
Sinh thời, Đại sứ Ngô Điền kể :
Khi dự hội nghị Hòa bình về Campuchia họp ở Paris năm 1991, ông ngồi gần như đối diện với cựu hoàng Sihanouk và các đoàn 3 phái Khơ-me. Một người bạn Campuchia trong đoàn của Nhà nước Campuhcia (SOC) kể lại rằng Sihanouk đã nói ở hội trường với những người Khơ-me xung quanh: Hồi tôi (Sihanouk) làm vua ở Phnôm Pênh, ông đó (Ngô Điền) làm nhà báo. Hiện nay ông ta làm “Thái thú” ở Campuchia.
Nhớ lại vào những năm 1990-1991, thế giới rung chuyển bởi sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tình hình Campuchia cũng có những thay đổi căn bản là Việt Nam đã rút hết quân, Cộng Hòa Nhân dân Campuchia đã đổi tên thành Nhà nước Campuchia (SOC), ngày 23/10/1991 tại Paris, Hiệp định hòa bình về Campuchia được ký kết giữa 19 nước và bốn phái Campuchia, lập nên Hội đồng Dân tộc tối cao (SNC) do Sihanouk làm chủ tịch, chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên do Liên Hợp quốc tổ chức tại Campuchia. Đoàn ngoại giao ở Nông Pênh lúc ấy không đông nhưng cũng đứng trước một vấn đề là các đại sứ bên cạch SOC sẽ như thế nào khi cựu hoàng Sihanouk trở về.
Chuyện Đại sứ Ngô Điền ngồi gần như đối diện với Sihanouk ở Hội nghị Paris năm 1991 là trong bối cảnh đó. Và nếu như câu chuyện của người bạn Campuchia kia là xác thực thì trong ngoại giao đó là một dấu hiệu chứng tỏ ông Ngô Điền không dễ gì tiếp tục làm Đại sứ khi Cựu hoàng trở về Nông Pênh.
Đại sứ Ngô Điền còn kể :
Thật ra thì trước đó Cựu hoàng Sihanouk đã nhắn gửi ý tứ của mình qua miệng nhà báo người Pháp là Jean Claude Pomonti, một người rất am hiểu về tình hình Đông Nam Á. Sau khi đã gặp Sihanouk, ông này đến thăm Đại sứ Ngô Điền vào ngày 3/9/91 tại Nông Pênh và hỏi Đại sứ Ngô Điền rằng liệu ông có trình ủy nhiệm thư cho Sihanouk không, liệu Sihanouk có vừa lòng khi một người vốn là “Thái thú” lại là Đại sứ bên cạch SNC không !
Về sau này, mọi việc diễn ra đúng như vậy. Chưa đầy một tháng sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, sáng ngày 6/11/1991, Campuchia đã đề nghị Đại sứ các nước bên cạnh Nhà nước Cămpuchia (SOC) rút về nước và trình thư ủy nhiệm cho Hội đồng Dân tộc Tối cao (SNC). Việc rút cần làm lặng lẽ, không tuyên bố, lịch sự và tốt nhất là vào trước ngày 14/11/1991, tức là trước ngày Cựu hoàng trở về Nông Pênh.
Vào chiều muộn ngày 10/11/91, Đại sứ Ngô Điền được lệnh rút trước 14/11/91. Chấm dứt nhiệm kỳ công tác 12 năm ở Campuchia nhưng ông chỉ có hai ngày để làm tất cả mọi việc, từ chào từ biệt lãnh đạo bạn đến dự tiệc tiễn của đoàn ngoại giao, chào anh chị em trong Sứ quán, bàn giao, dặn dò một số công việc còn lại và thu xếp hành trang. Anh em trong cơ quan rất ái ngại cho ông vì lúc ấy ông đang mắc bệnh tiền liệt tuyến khá nặng. Rạng sáng ngày 13/11/1991, trong khi nhiều phóng viên phương Tây săn đợi ông ở sân bay Pô-chen-tông thì Đại sứ Ngô Điền cùng phu nhân lên xe theo đường bộ về thành phố Hồ Chí Minh. Bà Tỳ vợ ông không quên mang theo một cái bô để chăm sóc cho ông trên đường, và khi về tới thành phố, vì thể trạng quá yêu, gia đình đã đưa ông vào thẳng bệnh viện. Thật lặng lẽ !
Ba tháng sau khi về nước, Đại sứ Ngô Điền đã nhận được lời hỏi thặm sức khỏe của Chủ tịch SNC Sihanouk qua nhà báo người Bỉ Jacques Bekaert, lúc ấy là bình luận viên đài BBC. Biết nhà báo này đến Hà Nội, Sihaouk đã đề nghị chuyển lời hỏi thăm và nói rằng rất tiếc đã không gặp Đại sứ Ngô Điền tại Nông pênh !
Dẫu rằng Đại sứ Ngô Điền không còn trên cõi đời này nữa nhưng tôi xin ông và gia đình ông cho phép kể lại câu chuyện trên, coi là chuyện của riêng đời ông cũng được mà coi là chuyện của đất nước cũng không sai. Những chuyện ngoại giao đa chiều ý nghĩa và lý thú như vậy không có nhiều, không thể không đem kể lại cho các bạn trẻ. Nó là bài học về những toan tính chính trị ở một thời cuộc, những mưu mẹo ngoại giao để đạt tới cái đích, về sự khôn ngoan lọc lõi của những nhà chính trị già đời. Nó còn giống như một tấm huân chương, mặt trước sáng lòa ánh hào quang, còn mặt sau mà không đem lật ra thì không ai biết được nó như thế nào.
Số phận đã gắn chặt cuộc đời hoạt động ngoại giao của Đại sứ Ngô Điền với Campuchia cho tới lúc ông kết thúc nhiệm kỳ về nước. Đến tháng 11 năm 1991, ông đã có cả thảy 18 năm phụng sự ở đất nước này, tính ra bằng cả một phần ba thời gian hoạt động cách mạng và một phần tư cuộc đời của ông. Thời gian nhiều như thế nhưng cũng chỉ là những đơn vị năm tháng, còn những đóng góp của Đại sứ Ngô Điền cho công cuộc hồi sinh của con người và đất nước Campuchia sau họa diệt chủng Pôn Pốt, những suy tư trăn trở bằng tim bằng óc của ông cho quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam và Campuchia thì khó mà đem ra đong đếm được. Mà chắc không phải ai cũng có ý đem ra đong đếm làm gì.
Ông Ngô Điền là Đại sứ có thời gian công tác dài nhất ở Campuchia, trong suốt thời kỳ 10 năm của Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Nhưng ông không phải Đại sứ đầu tiên. Vị Đại sứ Việt Nam đầu tiên ở Cămpuchia sau chế độ diệt chủng Pôn Pốt là ông Võ Đông Giang. Cả hai ông đều hiểu biết cao rộng, nhưng ông Võ Đông Giang oai như một vị tướng, còn ông Ngô Điền lại nho nhã như một văn nhân. Ông vốn là nhà báo, là đại diện đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia vào năm 1956.
Lần đầu tiên tôi được biết ông Ngô Điền là lần ông giảng về công tác báo chí cho sinh viên chúng tôi lúc ấy sơ tán ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Trời rét, ông khoác chiếc áo khoác ni lông mầu xám mỏng nho nhã, tà áo trước gió cũng bay lật phật một cách nho nhã. Cho đến lúc tôi được vào Campuchia giúp việc ông, lúc ấy ông đã là Phó ban B68, đã mặc quân phục và đội mũ tai bèo mà vẫn nho nhã, tôi nghĩ có đeo cho ông khẩu súng lục k54 vào nữa thì ông vẫn cứ văn nhân. Sự hiểu biết sâu rộng cộng với cách đối nhân xử thế mềm mỏng và chân thành đến xiêu lòng người của ông đã thành cái duyên cái cớ cột chặt ông vào một thời kỳ hơn mười năm đầy cam go thử thách của nhân dân Campuchia, cũng là hơn mười năm ông đeo đuổi một cách tận tụy sự nghiệp giúp đỡ Bộ Ngoại giao Campuchia, một sự nghiệp mà vì nó ông đã hạnh phúc tột cùng trước những thành công nhưng cũng chuốc về cho mình bao nhiêu trăn trở, dằn vặt trước những mâu thuẫn khó giải quyết, những biến chuyển khó lý giải.
Trước khi đi Nông Pênh nhận nhiệm vụ, tôi đã tới thăm ông tại căn phòng nhỏ của ông ở phố Hàng Chuối. Lúc ấy ông đã ngoại 80, sau một lần bị ngã thì đã yếu lắm, nằm bất động trên chiếc giường bệnh trải ga mầu trắng. Bà Tỳ, người bạn đời của ông mà trong các ghi chép công tác của mình ông đều gọi là đồng chí Tỳ, cho chúng tôi biết : có một hôm, vô tuyến phát tin về tình hình Campuchia. Lúc ấy ông Điền đang đi trong phòng, khi nghe nói đến Campuchia thì quay ngoắt lại theo dõi vô tuyến và chính cái quay ngoăt bất thình lình ấy đã làm ông ngã và phải nằm bất động đến bây giờ. Bà Tỳ nâng ông dậy để nắm lấy tay tôi. Vẫn là bàn tay của một văn nhân, bàn tay đối với cá nhân tôi, một cán bộ thuộc cấp của ông, là bàn tay nâng đỡ dìu dắt. Ông nắm chặt tay tôi và tôi biết ông gửi gắm ở nơi tôi một điều gì. Lúc ấy tôi bỗng nghĩ tới Chê-ghê-va-ra bởi vì tôi cảm nhận được điều nhắn gửi ấy vẫn y nguyên là tình yêu của ông đối với đất nước bạn, con người bạn, sự nghiệp hồi sinh và phát triển của Campuchia. Và cả lòng bao dung nhân hậu nữa. Tình đoàn kết quốc tế trong từng sự việc cụ thể và ở từng con người cụ thể chỉ có thể cao cả đến thế mà thôi.
…………………………………………………………………………
Nhiều cán bộ ngoại giao Campuchia bây giờ nhớ về Đại sứ Ngô Điền vẫn như nhớ về một người thầy. Hình ảnh một nhà ngoại giao tài ba, một cán bộ xông xáo, một người bạn chân thành và tận tụy trong cái thời hàn vi của Bộ Ngoại Giao Campuchia nói riêng và của Campuchia nói chung vẫn in đậm trong kỷ niệm nhiều người.
Bất chấp thời thế !
Chào bác chủ nhà!
Trả lờiXóaVới ĐS Ngô Điển, khi là quân tình nguyện ở K, tôi có dịp gặp thoáng qua ở Pnumpênh, năm 80-81. Tôi có ấn tượng nể phục ông, sau này tìm trên Google không có thông tin.
Hôm nay từ bên bác Nguyễn Vĩnh sang đây, tình cờ đọc bài này. Cảm ơn, nhân tiện xin đăng lại Chuyện kể của một Đại sứ của bác.