Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương IV

NẠN NHÂN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN BỊ KHỦNG BỐ GIẾT HẠI



Sau khi trình Quốc thư, tức là sau khi đã chính thức trở thành Đại sứ, Đại sứ Pháp Francois D’YVON là người đầu tiên mời vợ chồng tôi ăn cơm tối tại nhà riêng. Sứ quán Việt Nam và Sứ quán Pháp ở cùng phố, Sứ quán Pháp ở số 1, Sứ quán Việt Nam ở số 436 đều trên đại lộ Mô-ni-vông.  Đây là một bữa tối thân mật, bạn đãi chúng tôi món thịt cừu. Chúng tôi nói hết chuyện này sang chuyện kia và thật bất ngờ là cuối cùng nhận ra cả hai đã làm việc gần như  cùng vào một thời gian ở An-giê-ri vào những năm 1994-1995.
Lúc ấy  tôi là Đại sứ, còn ông là Đại biện Đại sứ quán Pháp. Chúng tôi đã nhanh chóng nhắc lại kỷ niệm về nạn khủng bố, nhắc lại diễn biến của vụ bắt cóc máy bay của hãng Air France hôm 24/12/1994. Chính ông đã là người gọi điện báo cho tôi biết có một nạn nhân là người châu  Á. Người ấy là Tham tán thương mại của Sứ quán Việt Nam, anh Bùi Giang Tô. Trong đêm 26/12/1994, khi thương lượng để đưa xác anh Bùi Giang Tô về nước, chính ông YVON lại đề nghị  nếu Sứ quán Việt Nam có ra bệnh viện nơi đang để xác anh Tô thì Sứ quán Pháp có thể đưa xe quân sự đi hộ tống. Các nhà ngoại giao gặp lại nhau như thế cũng không phải là hiếm. Ví dụ như năm 1997, tại Hội nghị cấp cao Pháp ngữ ở Hà Nội, tôi đã gặp lại đại sứ Ma-li cùng thời với tôi ở An-giê-ri.  Ở Paris tôi cũng gặp lại đại sứ Hàn quốc là người đã rút khỏi An-giê-ri rất sớm sau khi có những nạn nhân khủng bố là người Hàn quốc. Khi về Campuchia,  tôi gặp lại nhiều cán bộ Ngoại giao của bạn Campuchia đã từng công tác tại Pháp như chị Suol Sa-phươn, anh Prak Sokhorn bây giờ đều đã là cán bộ cao cấp trong chính quyền. Không kể đến toàn cầu hóa và thế giới thông tin hiện đại, cộng đồng các nhà ngoại giao cũng không đến nỗi quá lớn và quá khác biệt để không thể thỉnh thoảng lại gặp lại nhau một đôi lần, ở thành phố này hay thủ đô kia. Và không ít những người đã trở thành bạn bè mãi với nhau cho đến lúc về hưu.
Vào cuối năm 1993, việc tôi được cử làm Đại sứ ở An-giê-ri đã tương đối rõ. Tôi xin đi An-giê-ri là vì tôi nghĩ lần đầu tiên đi công tác cũng nên tìm một nước vừa phải, lại có thuận lợi về ngôn ngữ. Có một lần ông Trân Quang Cơ, lúc ấy là Thứ trưởng thứ nhất, hỏi tôi cậu đi đâu, tôi nói em đi An-giê-ri. Ông cười nói rằng quá bằng cậu đi nghỉ mát. Chắc nhiều anh em trong Bộ Ngoại giao thời ấy còn nhớ giọng cười khoáng đạt của ông Cơ, người mà theo những lời đồn đại thì đã không nhận chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ở đại hội Đảng lần thứ VII. Nếu điều này là thật thì đây quả là một quyết định không dễ dàng gì và rất đáng khâm phục. Sau ông, không nghe đồn đại  còn một khí tiết nào như thế nữa.
Ông Trần Quang Cơ không có ý trách móc gì tôi trong câu nói đùa “quá bằng cậu đi nghỉ mát”. Tôi hiểu xuất sứ là từ câu thành ngữ tiếng Pháp « retraite dorée », có thể dịch nghĩa là một nơi nghỉ ngơi được dát vàng,  ám chỉ một sứ quán nào đấy còn ít quan hệ, Đại sứ còn ít việc để làm. Thật tiếc thay nơi ấy lúc bấy giờ đã hoàn toàn không phải An-giê-ri. Nạn khủng bố ở đây ngày càng tăng lên, khi tôi đến thì cũng là lúc hầu hết người nước ngoài bỏ An-giê về nước hoặc tạm lánh đi nơi khác. Nạn khủng bố ở An-giê lúc ấy tàn khốc không khác gì nạn khủng bố ở I-raq những năm 2004-2005 nhưng người ta còn ít nói đến, theo ngôn ngữ báo chí thì còn ít được « médiatisé », vì thế còn ít được biết.
Anh Bùi Giang Tô là tham tán thương mại, hiền lành, ít nói, chăm chỉ với công việc. Ngày 24/12/1994 anh về nước công tác kết hợp nghỉ phép, đi chuyến 11h trên chiếc Air-bus định mệnh của hàng không Pháp. Sau này tôi cứ nghĩ giá như hôm ấy anh bỏ quên hộ chiếu, bị rơi vé máy bay, bị chặn xe vì một lý do nào đấy thì mọi cái có thể đã khác. Tuy nhiên, những chuyện giá như ấy đã không xẩy ra, đoạn đường của anh từ Sứ quán ra sân bay thật suôn sẻ, như vậy chẳng phải là số mệnh hay sao ! Tôi nhớ tôi ngồi làm việc đến gần 4 giờ chiều thì xuống vườn. Sứ quán ta tại An-giê-ri có một khu vườn dốc theo thoải đồi khu phố Hydra, trong vườn có gần chục cây cam. Cam được trồng chắc từ lâu lắm nên già cỗi, quả ra nhiều, khi chín thì vàng ối rất đẹp mắt nhưng nước chua như chanh. Buổi chiều hết việc, chúng tôi thường xuống vườn, ngồi dưới những gốc cam ấy pha chè uống. Tôi xuống đến sân thì anh em gọi có điện thoại của Sứ quán Pháp báo có vụ bắt cóc máy bay ở sân bay An-giê và có một nạn nhân là người của Sứ quán Việt Nam. Tôi gọi điện hỏi lại thì người ở đầu dây bên kia không dám khẳng định nạn nhân là cán bộ Sứ quán Việt Nam nhưng lại nói chỉ được phép khẳng định có một nạn nhân là người châu  Á. Linh tính mách tôi ngay rằng người ấy là Bùi Giang Tô. Lập tức tôi vội vàng phóng xe ra sân bay, ở đây đã có đủ các loại lính vây vòng trong vòng ngoài. Thấy xe cắm cờ Việt Nam, mọi người đều dãn ra. Những ngày công tác ở An-giê-ri, hễ ra khỏi Sứ quán là xe tôi cắm cờ. Tôi cứ nghĩ rằng lá cờ ấy như lá bùa hộ mệnh. Chúng tôi thường nói với nhau chuyện khủng bố là chuyện nội bộ của bạn, còn Việt Nam thì không thể là mục tiêu của FIS tức là lực lượng Hồi giáo cực đoan. Việt Nam không có quyền lợi gì ở đất nước bên bờ Địa Trung Hải này ngoài tình cảm hữu nghị. Những gắn bó trong cuộc đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc đã làm cho người Việt Nam và người An-giê-ri quen đối sử với nhau theo tinh thần đoàn kết chiến đấu, có bạn An-giê-ri gọi là « combattantisme ». Lá cờ đỏ sao vàng phần phật bay trên mũi xe lúc ấy làm cho tôi yên tâm. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tôi thật thấm thía câu dặn dò của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là chúng tôi, những Đại sứ, chúng tôi có chỗ dựa đằng sau mình là cả một lịch sử bốn nghìn năm và cả một dân tộc anh hùng.
Trở lại sân bay An-giê-ri. Thấy tôi đến, ông Tổng vụ trưởng Tổng vụ Châu Á Bộ Ngoại giao An-giê-ri Sê-mi-si chạy ra, hỏi tại sao tôi biết. Tôi nói Sứ quán Pháp thông báo. Ông tỏ ra không hài lòng về việc làm của Sứ quán Pháp, nói to với tôi rằng chính phủ An-giê-ri sẽ làm hết sức để đảm bao an ninh cho người nước ngoài, kiểu như để mọi người chung quanh đều nghe thấy. Sau đó ông kéo tôi ra riêng một chỗ và nói nhỏ với tôi rằng chuyện này chưa thể thông báo rộng rãi được. Lúc ấy đã khoảng 16h30, sự thật thì anh Bùi Giang Tô đã bị sát hại từ mấy tiếng trước đó. Theo phía An-giê-ri thì xác anh nằm vắt vẻo trên cầu thang lên máy bay. Khi máy bay được lệnh bay, họ đã đưa xác anh về quàn tại bệnh viện quân đội. Anh em Sứ quán đã thay nhau ra lau rửa cho anh, đặt anh nằm trong quan tài, đầu gối lên một cái gối cho ngay ngắn, sau đó đóng hòm kẽm. Chính việc đặt một cái gối cho ngay ngắn đã đẻ thêm chuyện. Hãng Air France nhận sẽ đưa anh về, nhưng khi an ninh soi quan tài thì phát hiện một vật đen kê trên đầu nạn nhân mà họ không xác định được đó là vật gì. Đang đêm an ninh Pháp đòi mở quan tài. Phía An-giê-ri đề nghị phải có mặt cán bộ Sứ quán Việt Nam thì mới cho mở. Phía Pháp lại làm găng, đòi phải hoàn tất công việc trong đêm để sáng hôm sau bay sớm. Tôi đã nói với phía Pháp rằng việc bắt cóc máy bay xẩy ra trên lãnh thổ An-giê-ri, Pháp phải làm việc với An-giê-ri, Việt Nam đề nghị Pháp phối hợp với An-giê-ri đưa nạn nhân về càng nhanh càng tốt trong ngày hôm sau. Cuối cùng họ chấp nhận đưa về Paris nhưng ở đây hình như an ninh Pháp vẫn bắt phải mở ra xem cái gối kê đầu. An ninh Pháp làm khó dễ thế thôi, họ sợ chủ yếu từ phía mấy người Hồi giáo chứ còn họ cũng biết thừa rằng đối với Việt Nam lúc ấy ngay cả tìm hiểu khái niệm khủng bố là gì cũng chắc đã có mấy ai quan tâm.
Anh Tô được biết đến như là nạn nhân Việt Nam đầu tiên bị khủng bố giết hại. Trước anh cũng có một vài chuyên gia giáo dục bị chết ở An-giê-ri, những cái chết không thật rõ ràng nhưng cũng chưa đủ bằng chứng để khẳng định được là do khủng bố. Là người đầu tiên nhưng ý nghĩa đầu tiên ấy là đớn đau. Tôi nhớ khi tôi đi trình thư uỷ nhiệm ở Sa-ra-uy Dân chủ, Lễ tân Sa-ra-uy cho chúng tôi đi thăm sa mạc. Sa mạc có một vẻ đẹp lạ lùng lắm, lạ lùng nhất là những đoá hoa đỏ, đỏ như máu bật lên từ cát. Tôi gọi đó là những bông huyết sa, máu của cát, chụp ảnh để làm bưu thiếp gửi về Hà Nội khoe với bạn bè. Những bưu thiếp ấy tôi nhờ anh Tô cầm về. Trong số những đồ vật của anh Tô còn nhặt lại được có tấm thiếp tôi gửi, ở góc thiếp có dính máu. Đấy là những ấn tượng kinh tởm nhất của tôi về khủng bố lúc bấy giờ. Càng về sau tôi càng có nhiều dịp nghĩ ngợi về khủng bố, những vụ lớn như vụ 11/9/2001 ở Mỹ, những vụ nhỏ như nạn côn đồ ở Việt Nam mình thì thực chất cũng là khủng bố mà thôi.
Chúng tôi đã phủ lá cờ đỏ sao vàng trên quan tài anh Bùi Giang Tô tại sân bay khi đưa tiễn anh về nước. Trong cái phòng chờ có căng bạt mầu xanh lá mạ của sân bay, chiếc quan tài phủ cờ đỏ cứ đỏ chói lên nhức nhối làm tôi nhớ tới cái nắng trên bãi biển trong một tiểu thuyết hiện sinh của An-be Ca-muy. Bốn anh em chúng tôi là anh Nghị, anh Láu, anh Thủy và tôi đã đứng ở bốn góc quan tài rồi khiêng anh đi một đoạn. Đấy là tất cả những gì thuộc về nghi lễ chính thức chúng tôi có thể làm cho anh. Đợi về đến Sứ quán rồi chúng tôi mới ôm nhau khóc, cả Sứ quán ôm nhau khóc, lập bàn thờ làm lễ truy điệu anh. Trời An-giê cuối năm cứ trong vắt cái màu xanh Địa Trung Hải nhưng đối với chúng tôi thì đấy là một cuối năm thật buồn.
Bây giờ gặp Đại sứ Pháp ở Campuchia hóa ra lại là người đã trực tiếp tham gia giải quyết vụ bắt cóc máy bay này, chúng tôi thường ôn lại kỷ niệm thời ấy, kỷ niệm về An-giê-ri, một đất nước tươi đẹp và giàu tài nguyên. Cũng nói với nhau về đề tài khủng bố. So với thời kỳ chúng tôi còn ở An-giê-ri, so với những hình thức khủng bố mà chúng tôi biết ở An-giê-ri thì ngày nay khủng bố quốc tế đã phát triển lên rất nhiều, tinh vi hơn, nguy hiểm hơn, rộng khắp và tàn bạo hơn lên rất nhiều. Tuy nhiên, suy xét về nạn khủng bố quốc tế ngày nay, trong bối cảnh thế giới còn đầy rẫy những áp bức và bất công, vẫn có những điều không thể hiểu được một cách thấu đáo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét