Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

Chuyện kể của một Đại sứ - Chương V

        V – BỘ ĐỘI TÌNH NGUYỆN

Vào một ngày tháng 5 năm 2005, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Cămpuchia Sok An họp với các đại biểu quốc tế tại văn phòng Hội đồng Bộ trưởng để vận động các nước ủng hộ tài chính để mở Toà xét xử Khmer đỏ.  Tại cuộc họp, đại biểu nhiều nước phương Tây hứa hẹn ra tiền nhưng nêu câu hỏi về quản lý số tiền thế nào, chi tiêu ra làm sao...Đại biểu Việt Nam được  hướng dẫn là  nếu bạn có đề nghị thì trả lời đại ý là Việt Nam còn nghèo.
Ngồi dự cuộc họp này mà trong đầu tôi luôn tự hỏi đâu là mối liên hệ giữa việc lật đổ chế độ diệt chủng Khmer đỏ năm 1979 và việc mở Toà xét sử Khmer đỏ ngày hôm nay. Những người đang tham gia Toà án xét xử Khmer đỏ đã nhận ra tội ác diệt chủng của chúng từ bao giờ mà trong suốt mười năm kể từ khi Việt Nam giúp Cămpuchia lật đổ bọn đồ tể này, họ vẫn giữ ghế cho chúng ở Liên Hợp Quốc ?  Bà Helen Jervis, một người Úc, là cố vấn của Thủ tướng Hun Sen về việc thành lập Tòa án xét xử Khmer đỏ, trong một trả lời phỏng vấn cũng đã nói : chính việc những kẻ tra tấn, hành hạ và đàn áp người dân Campuchia lại là chế độ nắm giữ ghế thành viên Liên Hợp Quốc, lại đại diện cho toàn thể dân chúng Campuchia là điểm khiến người Campuchia cảm thấy đau đớn. Những cảm nghĩ đớn đau của người dân xứ Chùa Tháp được pha trộn giữa sự đắng cay, thất vọng và hoài nghi. Họ thấy rõ thói đạo đức giả của thế giới về vấn đề nhân quyền vì thế giới đó không chịu ra tay cứu giúp họ trong những giờ phút họ cần thế giới nhất.
Ieng Sary, 85 tuổi' từng là Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Pol Pot, đồng thời là em rể của trùm diệt chủng đã qua đời năm 1998.
Từng có thời gian theo học tại Pháp, Ieng Sary được hoàng gia Campuchia ân xá vào năm 1996 sau khi ra đầu thú. Tuy nhiên, ông này bị bắt giam trở lại vào ngày vào ngày 12/11/2007 và bị xét xử tại Tòa vào tháng 6 năm 2011. Ảnh: AFP.
Lại tự hỏi : thế giới ủng hộ tài chính để mở phiên toà hiện nay nhiều lắm cũng chỉ là 100 triệu đô la, còn Việt Nam giúp Cămpuchia lật đổ chế độ diệt chủng thì tính bằng cái gì ?  Bọn đồ tể đã tàn phá, cưỡng bức và reo rắc sợ hãi trong cuộc giết chóc khác thường này chỉ trong vòng có ba năm từ 1975 đến 1979, nhưng để làm hồi sinh một dân tộc, một đất nước từ con số không thì cần bao nhiêu năm ?
Những câu hỏi tự mình đặt ra này hôm nay tôi mới viết ra đây. Cũng để cùng suy ngẫm thôi, với một mong muốn để mỗi người tự mình tìm ra một lẽ công bằng trước khi có phán quyết của Tòa án quốc tế xét xử Khmer đỏ.

Ông Ngô Điền là Đại sứ của Việt Nam ở Cămpuchia từ năm 1979 đến năm 1991 kể lại là vào  năm 1982, ông có nói chuyện với một người bạn Cămpuchia lúc ấy vừa đi công tác từ tỉnh Pai-lin, một tỉnh biên giới phía Tây Cămpuchia về. Trong chuyến đi này, người bạn Cămpuchia đã hỏi một chiến sĩ tình nguyện Việt Nam bị thương muốn được trả ơn như thế nào. Người thương binh Việt Nam trả lời : điều tôi mong muốn là bà con Campuchia biết tôi đổ máu vì Campuchia.
Từ khi nghe câu chuyện này tôi đã rất muốn viết về người lính tình nguyện Việt Nam ở Cămpuchia. Viết về người lính tình nguyện Việt Nam ở Campuchia những năm 1979-1989 thì không thể không nhắc tới chế độ diệt chủng của bọn đồ tể Pôn Pốt, nhưng mà về chế độ diệt chủng này thì người ta đã viết quá nhiều. Tuy nhiên tôi nghĩ nhắc lại một chút cũng không sao, có khi lại tốt bởi vì không bao lâu nữa có thể các bạn trẻ sẽ hỏi có thật thế không, có thật đã có một chế độ diệt chủng tàn bạo như thế không ! Ôn cũ để biết mới luôn luôn phải là một nghĩa vụ. Với thế hệ trẻ Việt Nam và Campuchia, Khmer đỏ đã là chuyện cách đây hơn ba mươi năm, có thể coi như là chuyện của ngày xưa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì  cuộc sống hôm nay có bao nhiêu điều mới lạ và hấp dẫn chờ đợi các bạn, Khmer đỏ chỉ là chuyện của thế hệ trước !
 Chắc chắn không đơn giản thế đâu các bạn trẻ thân mến ạ, sự diệt chủng của Khmer đỏ tuy chỉ diễn ra trong vòng ba năm tám tháng hai mươi ngày nhưng nó mãi là một vết đen tì ố trong lịch sử Campuchia, trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam-Campuchia, là một khoảng  tối mà sẽ còn bao nhiêu người tiếp tục rọi đuốc vào đấy để tìm nhưng chắc gì đã hiểu. Những trung tâm quyền lực quyết định thường ở rất xa cỗ máy chém, những duyên cớ trực tiếp thường rất dớ dẩn nhưng lại phức tạp và khoả lấp những nguyên nhân sâu xa.
Chính những người dân Campuchia là nạn nhân của chế độ diệt chủng càng không muốn quên. Ông Mey là một trong số ít ỏi những người sống sót từ trại giam có biệt danh S-21, nói : Tôi muốn các con, các cháu tôi hiểu rằng nhà tù S-21 là có thật chứ không phải chuyện tưởng tượng ra. Tôi muốn người ta nói đến S-21 ở trường học.
Pin Yathay, một tác giả viết về Khmer đỏ nói ‘Tôi muốn thế giới biết các con tôi, vợ tôi, bố mẹ tôi, các anh chị em và các cháu, các bạn bè của tôi đã bị giết chết như thế nào’’
Theo rất nhiều tài liệu, ngày 17/4/1975 Pôn Pốt chiếm được Nông Pênh, lập tức đuổi tất cả đàn ông đàn bà, già trẻ, sư sãi, nhà giáo nhà buôn, sinh viên…ra khỏi thành phố. Những người dân bị đuổi không kịp mang theo quần áo, không kịp tụ tập con cái, không kịp gọi vợ gọi chồng, đã bị lùa đi như những bầy nô lệ. Xã hội Campuchia từ một ốc đảo hòa bình trong thập kỷ 60 đã bị Pôn Pốt biến thành một trại khổ sai khổng lồ đầy rẫy những hố chôn người, không còn trường học, chợ búa, tiền tệ, không còn nhảy múa, đi chùa, tụng kinh niệm Phật, không có sự giao lưu với thế giới bên ngoài, con người không được nói không được cười, không được vui không được buồn, không được khóc không được suy nghĩ, chỉ được cúi đầu tuân lệnh, sống câm lặng và thấp thỏm chờ đợi đến lượt mình bị hành quyết.
Tác giả Eric D.Weitz trong cuốn  Thế kỷ diệt chủng : những ý niệm không tưởng về chủng tộc và dân tộc, phần Campuchia dưới thời Khmer đỏ, kể lại rằng chế độ diệt chủng của Khmer đỏ đã giết chết từ 1,7 đến 2 triệu người. Họ chết vì đói khát, dịch bệnh, vì bị tập trung cải tạo và hành quyết, vì bị đuổi khỏi các thành phố, biệt lập đất nước với thế giới bên ngoài. Họ chết vì có quan hệ với chế độ cũ, có liên hệ với người cộng sản Việt Nam hoặc với các đảng phái khác. Và họ còn chết bằng cách này hoặc cách khác chỉ vì họ không phải là người Khmer mà là người Trung quốc hay Việt Nam.
Những cái tên điển hình của tội ác diệt chủng Pôn Pốt là nhà tù Tuol Sleng, biệt danh trại S21 ở Nông Pênh và làng Choeung Ek mà báo chí đã đặt cho cái tên nổi tiếng là Cánh đồng chết. Tuol Sleng trong từ điển tiếng Campuchia có nghĩa là Ngọn đồi độc dược, một cách vô tình mà ý nghĩa cái tên này đã gắn liền với lịch sử diệt chủng của nó, còn Cánh đồng chết là dịch từ tiếng anh The Killing Fieds, tên của một bộ phim nói về diệt chủng của Khmer đỏ, được chiếu lần đầu vào năm 1984. Hai cái tên này có mối liên hệ chết chóc ma quái trong cỗ máy giết người lúc bấy giờ. Vào năm 2006 tôi đã có dịp đi thăm lại khu di tích Choeung Ek. Làng xóm hai bên đường thanh bình trong màu xanh cây cỏ và tiếng chim gù một buổi trưa tĩnh lặng, mấy nhà sư mặc áo vàng ngồi nghỉ dưới bóng cây thốt nốt, vài con bò trắng gày dơ xương thong thả gậm cỏ, trẻ con cởi chuồng nô đùa thỏa thích như ở bất kỳ một vùng quê châu  Á nào. Vậy mà tới Cánh đồng chết, tới cái chỗ phải mua vé vào cửa thì tôi rợn cả người. Bỗng nhiên thấy vắng kinh khủng, hoang lạnh chứ không chỉ là vắng vẻ bởi vì vẫn có lác đác du khách ra vào. âm khí vẫn còn rất nặng nề cho dù ba mươi năm đã qua đi, những oan hồn vẫn còn biến thành những đàn bướm vàng bướm nâu bay là là trên phần đất có hố chôn thập thể, chết oan chết uổng thì đâu có dễ dàng mà siêu thoát đi được . Hàng ngàn chiếc đầu lâu xương sọ sắp thành hàng chật chội trên 15 ngăn trong một cái tháp tủ kính, ngay ngắn lớp trên lớp dưới, kiểu như sắp các bình sứ trong tủ nhưng không phải các bình sứ mà là những cái đầu lâu trắng nhởn, hốc mắt tròn không chớp nhìn vo vo người sống đến tưởng nhớ người chết. Số lượng đầu lâu đã được bớt đi nhiều rồi. Năm 1985 tôi đã có dịp thăm khu di tích này, lúc ấy đầu lâu bày la liệt trên các giá trong những gian nhà trưng bày, nếu tôi nhớ không lầm thì người hướng dẫn có nói là đã thu nhặt được khoảng trên dưới 20.000 đầu lâu xương sọ trong hơn 20 cái hố chôn tập thể rải rác trên cánh đồng Choeung Ek. Lúc bấy giờ các hố chôn tập thể cỏ dại lút người, dưới hố xương cốt vẫn lủng củng trơ ra. Mãi về sau này, trẻ con đến khu này bới rác vẫn thường kể : chúng cháu không biết những cái răng người này từ đâu ra, thế nhưng đôi khi trong lúc bới rác, lúc cháu đào đất và lôi ra được những bộ quần áo thì cháu cũng lôi ra cả đống răng người. Tôi nhớ hồi nhỏ thỉnh thoảng có đọc tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng, họa huần trong chuyện gặp một hai cái đầu lâu của bọn buôn thuôc phiện lậu bị giết hại trên rừng thì đã rùng rợn lắm rồi, nay đứng trước một núi đầu lâu xương cốt thì khủng khiếp quá, không so sánh được với cái gì. Tự mình nhìn tận mắt cũng còn khó tin nổi giữa thế kỷ 20 văn minh là thế mà còn có những tội ác man rợ như vậy huống chi các lớp trẻ về sau này. 

Một người Campuchia sống sót qua thời Khmer Đỏ biểu hiện tâm trạng khi đứng trước bảo tàng diệt chủng ở ngoại ô Phnom Penh. Khoảng 2 triệu người đã chết trong thời gian 4 năm cầm quyền của Khmer Đỏ ở Campuchia vì đói khát, bị hành hạ, tra tấn và hành quyết.
Tháng 1/1979, quân tình nguyện Việt Nam giải phóng người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng. 
Ảnh: AP.
Còn nhà tù Toul Sleng vốn là một trường trung học nằm trong khu phố nhỏ Toul Svay Prey ở phía Nam Nông Pênh, bọn Pôn Pốt đã quây thép gai lại rồi biến các lớp học thành phòng giam nhỏ để tra tấn các tù nhân, trở thành trại tập trung ngay giữa thủ đô và đặt cho nó biệt danh là S21. Ngay những ngày đầu năm 1979 mới tới Nông pênh tôi đã đến thăm nhà tù Tuôl Sleng. Lính Pôn Pốt đã vội vã giết hại những tù nhân còn sót lại đây ngay trước lúc quân tình nguyện giải phóng khu vực này thành thử khi tới đây tôi vẫn còn ngửi thấy mùi tanh lợm của máu, những vết máu của nạn nhân tóe lên tường, dây trên sàn nhà vừa khô tím, hôi hám, một mảnh quần màu đen còn vướng lại trên chiếc giường sắt cáu gỉ…Trên tường treo ảnh hàng loạt tù nhân, phần lớn đều mặc áo đen quấn khăn rằn. Bọn Pôn Pốt đã giam tù ở đây, tù đàn ông tù đàn bà, tù già tù trẻ con, cùm kẹp, chụp ảnh lấy cung rồi tra tấn theo kiểu S21 như là rút móng tay móng chân, đổ a xít vào mặt, khoét ngực để thả rết, dùng búa rừu roi đánh đập… trước khi chở họ đến Choeung Ek dùng xẻng dùng búa, dùng cuốc dùng gậy đập đầu hành quyết hàng loạt. Đó chính là mối liên hệ chết chóc ma quái ghê rợn giữa Tuôl Sleng và Choeung Ek. Nhiều tài liệu nói chỉ có 14 người sống sót trong số từ 17.000 đến 20.000 tù nhân ở Tuol Sleng trong đó có họa sĩ Vann Nath là người chuyên vẽ về cảnh tra tấn tàn bạo và rùng rợn ở Tuol Sleng.
Thế là ba thập kỷ đã qua đi kể từ khi thế giới biết đến những “cánh đồng chết” ở Campuchia thì mãi tới tháng 7 năm 2006 một tòa án xét xử tội diệt chủng của Khmer đỏ mới bắt đầu. Tôi thường nói đùa với mọi người rằng đã có một Tòa xét xử Khmer đỏ năm 1979 của Cộng hòa Nhân dân Campuchia, với một đoàn luật sư ít hơn đoàn luật sư bây giờ rất nhiều, với một số tiền cực kỳ li ti so với gần trăm triệu đô la bây giờ, nhưng cả hai Tòa đều có cùng một bị cáo là chế độ diệt chủng Khmer đỏ, và cuối cùng thì Tòa thứ hai có giỏi lắm cũng sẽ đạt được một kết luận về căn bản sẽ chỉ giống như Tòa thứ nhất mà thôi.
“Nói cho cùng, chính Việt Nam đã nhanh chóng chấm dứt cuộc tàn sát man rợ của kỷ nguyên Khmer đỏ trong khi phần còn lại của thế giới đang che mặt làm ngơ”.(Mark A. Ashwill, Buffalo, New York, USA, trong lời giới thiệu của cuốn Hành trình qua cánh đồng chết, tác giả Chanrithy-Him, nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh 2006) .

                                                *
                                                 *   *

Tóm tắt câu chuyện về cuộc diệt chủng lần thứ ba trong thế kỷ 20 như vậy là để phần nào làm cái việc mà người Pháp gọi là le devoir de memoire, tức là nghĩa vụ nhắc lại lịch sử cho các thế hệ trẻ, nhưng chủ tâm của tôi là để có một bối cảnh nhìn cho rõ hơn hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam những năm 1979-1989 ở Campuchia. Tôi không dám chắc lắm nhưng hình như trên thế giới rất ít nước có quân tình nguyện. Việt Nam, trong những giai đoạn khác nhau, có quân tình nguyện ở Campuchia và cả ở Lào.
 Ở Nông Pênh có phố Samdach Sotheros gần Đài Độc lập, nổi tiếng là một phố du lịch đẹp. Từ những quán ăn sang trọng ở phố này người ăn nhìn qua bên kia đường đều có thể thấy Tượng đài Hữu nghị Việt Nam- Campuchia chốt giữa công viên, với hình ảnh người lính tình nguyện Việt nam sát cánh cùng người lính Campuchia che chở cho người phụ nữ đang bồng đứa con nhỏ. Thần kỳ ở chỗ tuy những nét chạm khắc còn thô và chắc chắn không phải của một nhà điêu khắc chuyên nghiệp nhưng đã bộc lộ một ý chí dũng mãnh hoà quyện với tình cảm thân hữu trên nét mặt và ánh mắt những người lính. Họ đứng đấy xừng xững khắc tạc vào không gian và thời gian.
Cứ mỗi lần có việc đi ngang qua Tượng đài Hữu nghị, tôi đều nổi da gà vì xúc động nhớ tới những người lính tình nguyện. Sau quen dần, tôi thường ngắm nhìn những người dân đi dạo trong công viên, dưới chân Tượng đài. Họ bước những bước gấp gáp hay thong thả khác nhau nhưng đều với một dáng điệu thanh bình. Những bông phượng nở sớm cũng đỏ một cách thanh bình. Cả bầu trời đầu hè Nông Pênh cũng trong vắt mầu xanh bình yên. 
Ông Ngô Điền kể : Tháng 4 năm 1981 có một đoàn kiều dân Campuchia từ Pháp về do bác sĩ Kim Viên dẫn đầu. Khi ở Siem Riệp, Kim Viên hỏi về sự có mặt của quân đội Việt Nam. Chị phụ trách khách sạn Siem Riệp nói muốn quân đội Việt Nam rút đi thì dễ thôi, chỉ có một việc là đưa quân Campuchia lên mà đánh Khmer đỏ, nhưng hãy đến bệnh viện ở đây mà xem những ai là người bị thương, cụt chân cụt tay. Toàn là thanh niên Việt Nam cả.
Trong sổ tay của anh Lý Quang Bích, tham tán công tác tại Sứ quán Việt Nam ở Cămpuchia, có đoạn ghi : số quân Việt Nam bị thương vong trong chiến tranh chống bọn Pôn Pốt : chết 55 000 người, bị thương tương tự như trên. Thời kỳ 1977-1978, bộ đội Việt Nam hy sinh ở biên giới là 30.000 người. Từ sau 1979 và trong năm 1980 là 15000 người. Từ 1981 đến hết 1988 là 10.000 người.
 Đó là ghi chép của anh Lý Quang Bích để nói với báo chí. Còn theo số liệu mà hai tác giả Harish C.Mehta và Julie B.Metha đưa ra trong cuốn Hun Sen, Người hùng của Campuchia (Hun Sen, Strongman of Cambodia, Graham Brash, Singapore, 1999, p.86) thì con số cao nhất phải tới 220.300, trong đó 55.300 người chết, 110.000 người bị thương nặng và 55.000 người bị thương nhẹ.
Đã có một lần tôi được về Tây Ninh dự lễ tiếp nhận, truy điệu và an táng hài cốt hơn hai trăm chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở Campuchia. Buổi lễ hôm ấy được làm ở Nghĩa trang huyện Tân Biên, cách cửa khẩu Sa Mát khoảng 20 cây. Tôi tự hào, nhưng không phải không đau đớn, nhìn cảnh những người sống đón rước những người chết trở về, mỗi người chết được gói trong một bọc vải màu đỏ. Lúc ấy trong đầu tôi cứ tự nhiên bật ra những câu sau :

                             Ba mươi năm đón các anh về
                             Ba nén nhang
                             Một chén nước lã
                             Và một lá cờ đỏ

                             Bây giờ thì thôi lá cây ngọn cỏ
                             Hãy yên nghỉ đi
                             Rủ lên mộ anh cành hoa đại trắng
                             Trên cao nữa là trời xanh quê hương
                             Đất mẹ ôm anh,  ru các anh nằm.

                             Tôi
                             Một mình xin khóc
                             Nước mắt một giọt
                             Ba mươi năm.

Tại buổi lễ, những người sống gặp gỡ nhau chuyện trò vui vẻ. Trong một niềm xúc động không kìm lại được, tôi đã đọc cho một số người nghe những câu thơ trên và ngay sau đó biết rằng sự xúc động của tôi chưa đủ để có thể truyền cảm chút ít gì đấy cho người nghe. Mọi người bàn luận sôi nổi về các dự án đầu tư và thương mại. Buổi tối, tôi bật vô tuyến, thấy một chương trình văn nghệ, các thí sinh trẻ đeo số vừa hát những ca khúc về những mối tình gian dối, tình dại khờ, nước mắt hững hờ...vừa vặn vẹo như cung quăng bọ gậy trên sân khấu. Mà làm sao tôi cứ bị ám ảnh bởi khuôn mặt một nghệ sĩ khi vừa xem vô tuyến vừa nghĩ tới buổi lễ đón người chết buổi sáng, khuôn mặt người hát nó cứ ghê ghê, dại dại như khuôn mặt người lên đồng cho cô hồn hơn là biểu diễn nghệ thuật. Chẳng có lẽ tôi đã là người bảo thủ và định kiến đến mức ấy hay sao ! Giá mà các nghệ sĩ trẻ tài năng hãy làm và hát lấy một bài hát ca ngợi những người đã chết, dù cho cái chết ấy có được gọi là của người tình nguyện, hãy làm và hát lấy một bài ca ngợi người mẹ khổ đau chờ đợi con và ca ngời Tổ quốc nghèo khó mãi nhưng không ngớt bao dung thay vì hàng trăm ca khúc linh tinh về yêu đương con trai con gái đang hát hàng ngày !
 Chắc tôi đã là người cũ quá rồi. Nhưng mà, thưa các bạn, chúng ta cũ hay mới đều là những người đang sống, xin các bạn đôi lúc hãy làm như vô tình đọc lấy những đoạn tin ngắn lạnh lùng và đau buốt như thế này :
“Bộ Đội, hài cốt của khoảng 100 lính Việt Nam mất tích trong những năm 70-80 trên đất CPC đã được đưa về Việt Nam. Một Uỷ ban hỗn hợp hai nước đã được thành lập để tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam ở các tỉnh Bát-tam-bang và Siem Riệp. Hài cốt bộ đội Việt Nam đặc biệt nhiều chung quanh chùa Angkor Thom và Banteay Srei”.(Báo Cambodge Soir, tr 9, ngày 23/3/05).

Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì đến bây giờ còn khoảng 24 cái đài tưởng niệm quân tình nguyện hoặc tình hữu nghị ở các tỉnh ở Campuchia. Đài tượng niệm ở Nông Pênh mới được tu sửa lại khang trang, đẹp đẽ. Những đài ở một số tỉnh lớn như Công Pông-xom, Bát-tam-bang, Cần-đan, Công Pông-chnăng…cũng được trông nom cẩn thận, số còn lại hầu hết đều hương khói lạnh lùng, cỏ hoang leo mọc, đấy là chưa kể có những cái vô tình bị đập đi để lấy đất xây chung cư. Điều này cũng có thể hiểu được thôi. Cái cần nói ra và nói một cách thật rõ ràng là những tượng đài này có thể tồn tại mãi mãi mà cũng có thể thay đổi, nhưng các thế hệ chúng ta bây giờ và mai sau, chính chúng ta phải tôn vinh hơn nữa người lính tình nguyện Việt Nam, phải xây dựng tượng đài về họ trong tim trong óc mỗi thế hệ. Phải nhắc về họ, ca ngợi họ nhiều hơn nữa, chứ cứ như vừa qua thì công bằng mà nói là chưa đủ.
Những ngày mới sang làm nhiệm vụ ở Campuchia, tôi luôn luôn cảm thấy có linh hồn những người lính tình nguyện,  đi đâu tôi cũng đều thấy như họ vật vờ trên những cành cây ngọn lá. Với tình cảm như thế, nhiều anh em đề nghị tôi cho xây một cây hương trong Sứ quán, lấy chỗ thờ cúng hương khói cho linh hồn các chiến sĩ quân tình nguyện và vong linh bất kể người Việt nào bỏ mình trên đất CPC. Sứ quán phải là Tổ quốc của những người đang sống và của cả những người đã chết ở đây. Ngày 6/4/2005,  anh em làm xong cây hương.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét