Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương I

Lời giới thiệu của Nhà xuất bản Lao Động

Thăng Sắc là bút danh của nhà văn Nguyễn Chiến Thắng, tác giả tập truyện ‘Chớp mắt cùng số phận’ (Nhà xuất bản Văn học) đã được dựng thành phim truyện năm 2007.
Nguyễn Chiến Thắng gắn bó thật nhiều với đất nước Campuchia, đã từng có thời gian công tác tại đây ngay sau ngày chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ năm 1979 và rồi sau này trở thành vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Campuchia. Là nhà ngoại giao, anh đã góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Là người viết, anh đã thật sự yêu thương đất nước và con người của xứ sở Ápsara huyền thoại để ‘Chú Tư, con là ai’ có thể  rung động mỗi trái tim bạn đọc.

Qua lời kể của Nhung, cô bé Việt kiều mười tuổi ở một xóm nhỏ nghèo, nơi có nhiều bà con Việt kiều sinh sống, câu chuyện dẫn dắt chúng ta đi suốt khoảng thời gian từ 1975 đến 1985, với những người dân nghèo lênh đênh phiêu bạt kiếm sống trên sông nước, khi thì lặn lội trên dòng Mê Kông, lúc thì lam lũ trên mặt Biển hồ. Họ luôn phải đối mặt với bao nhiêu gian nguy, từ cuộc xua đuổi chém giết của bọn diệt chủng Pôn Pốt đến những loạn lạc, ly tán, con mất cha, vợ lạc chồng. Vậy mà trong cuộc mưu sinh chật vật ấy, họ vẫn như những bông sen tươi thắm vươn lên từ bùn đen, tinh khiết toả hương và nhất là khôn nguôi nhớ về đất Mẹ. Họ là Nhung, là Gấm, những cô gái luôn khao khát được yêu và đã yêu những người con trai Campuchia như Chăm Rươn, như So, yêu giản dị nhưng hết mình; là Chú Tư, người con của sông nước, đã bất chấp mọi cảnh ngộ cay nghiệt để giữ trọn chữ tín,  bảo vệ và gìn giữ pho tượng Phật bằng vàng, một báu vật mà người dân Campuchia trong lúc loạn lạc đã nhờ chú cất giữ; là anh Khả, người lính tình nguyện Việt Nam, trong một lần truy quét tàn quân Pôn Pốt, đã anh dũng hy sinh ngay trước ngày được nghỉ phép về Việt Nam thăm vợ con...Sông nước mêng mang, họ là những con người nhẫn nhịn, cần cù, thuỷ chung và tín nghĩa vậy mà vẫn không thoát khỏi một số phận mãi cơ cực. Cơ cực nhưng sao họ vẫn sống đầy ắp tình người với những triết lý thật giản đơn mà thấm thía. Họ là những người dân nghèo giàu lòng nhân ái, vượt lên trên mọi hoàn cảnh theo cái cách thật bình thường nhưng thật đáng khâm phục, mang chính mồ hôi và máu của mình tô thắm bông hoa hữu nghị Việt Nam-Campuchia.
Chăm chú theo từng dòng tiểu thuyết, bạn sẽ chầm chậm cảm nhận những đêm trăng mùa cá linh trên sông Mê Kông, nắng gió cay cực mùa nước nổi ở Biển Hồ và cuộc sống chân thực qua từng lời thoại, từng hành động của từng nhân vật. Để thấm thía hơn những khao khát đời thường của những người Việt sống trên đất Campuchia  trong "Chú Tư, con là ai".

                                      Nhà xuất bản Lao Động, tháng 6 năm 2009

                                               
1

Ba tôi lấy một miếng giấy dầu chèn vô chỗ dột trên mái nhà, miệng lẩm bẩm :
- Mưa gì mà mưa dữ quá trời.
ổng lóng ngóng mãi với miếng giấy mà dột vẫn hoàn dột, cái mái thấp lè tè chỉ kiễng chân một cái là với tới mà ổng cứ loay hoay để nước rỏ vô mặt ông thành giọt rồi lại rớt tiếp xuống chân tôi rất khó chịu. ổng thật đoảng quá, nếu như tôi cao lớn hơn bây giờ một chút thì tôi đã giành lấy việc này, nhưng mà bây giờ tôi chưa đứng tới vai ổng. Bên ngoài mưa như đổ nước. Má ngồi bó gối nhìn dòng sông mưa trắng xoá, từng đám lục bình trôi nổi phóng theo dòng nước đổ. Gió thổi dàn dạt ngoài mặt sông, dưới sàn sóng đánh ầm ập. Mưa đều như ru ngủ, tôi lăn qua nằm cạnh hai anh tôi, mắt nhíp vô. Đang thiêm thiếp tôi bỗng choàng tỉnh khi nghe có tiếng người gọi ba. Tiếng gọi hoảng hốt và sợ hãi loang ra trong mưa lạnh khiến tôi rùng mình. Kế đó có chiếc xuồng cập vô nhà. Tôi ngồi bật dậy, nhận ra chú Tư. Ba tôi ngạc nhiên hỏi :
- Tư đó à ? Chuyện gì mà tới giờ này ?
Chú Tư đứng dưới trời mưa, lấy tay gạt nước trên mặt, chiếc xuồng chòng chành chao đảo. Giọng chú run rẩy khác với thường ngày :
- Đi phụ tôi một chút, anh Sáu.
- Phụ gì vậy ?
- Chôn út Thuỷ. Nó bị bắn chết rồi.
Má tôi chạy ra, la lên :
- Trời ơi, thiệt không chú ?
Ba tôi nhảy phóc qua xuồng chú Tư, giành lấy chèo, bơi xuồng đi trong mưa. Tôi nhìn với theo, thấy chú Tư ngồi ôm dì út, mặt dì ngã hất ra sau, trắng bệch. Nghe nói út Thuỷ bị bắn chết mà tôi khiếp sợ, nước tiểu dím cả ra quần. Làm sao út Thuỷ có thể chết được, út Thuỷ khỏe đẹp rạng rỡ như ban ngày tràn ngập nắng. Khi ba má tôi đi làm, chú Tư thường chèo xuồng đưa út Thuỷ ghé nhà tôi. Chú hóm hỉnh đưa tôi mấy cắc, biểu tôi lên bờ chơi rồi mua kẹo ăn. Tôi thường hớn hở chạy đi liền. Có lần tôi trở lại kiếm miếng nước uống, bất thình lình lao vô, bắt gặp chú Tư đang ôm hun út Thuỷ. Tôi đứng khựng lại một chút rồi quay lưng chạy biến. Nhưng cái khựng lại một chút ấy cũng đủ để tôi nhìn thấy dì út tóc rối bời, khuy cúc áo bung ra để lộ cặp vú trắng nõn, mắt hốt hoảng vẫn chưa hết ánh đê mê man dại. Chạy tới mặt đê tôi đứng lại thở hổn hển, trong lòng ước ao sau này tôi cũng sẽ có cặp vú đẹp như cặp vú dì út, cũng có người đàn ông ôm hun tôi như chú Tư làm với dì út. Tôi vừa thở vừa nghĩ sao mình còn con nít mà mong muốn kỳ vậy. Đẹp như thế làm sao dì út có thể chết được chớ. Tôi bấu dính lấy má, vừa run vừa lập cập hỏi :
- Sao út Thuỷ chết được má, út đẹp quá mà.
- Con nhỏ này ngốc hết chịu nổi, đạn bắn vô thì đẹp mấy mà chẳng chết.
- Tại sao người ta lại bắn út Thuỷ ?
- Im miệng, nhóc con biết gì mà hỏi chi lắm !
Ba cùng chú Tư đi một chập rồi trở về, ướt mẹp, đất bẩn bết vô người. Chú Tư ngồi một xó, ôm mặt khóc, hai vai rung lên. Lần đầu tiên tôi thấy người lớn khóc dữ như vậy. Cái chỗ chú ngồi khóc cũng là cái chỗ chú đã ngồi ôm út Thuỷ. Giờ út Thuỷ đã ở trong lòng đất, nước mưa chắc thấu vô ướt thũng và lạnh buốt. Nếu không chịu nổi ướt lạnh út Thuỷ đội đất chui lên là thành ma, ma út Thuỷ. Tôi rất sợ khi nghĩ như vậy. Má đi tới đi lui, bà muốn hỏi chi đó nhưng coi bộ không dám. Ba im lặng vấn thuốc hút, hút hết điếu ông hỏi :
- Nói nghe đã xảy ra chuyện gì đi Tư.
Chú Tư ngẩng lên,  mặt xanh mét nhưng mắt đỏ xọc.
- út Thuỷ chết rồi.
- Thì mình vừa chôn nó xong, nhưng cớ sao nó chết ?
- Tụi nó bắn. Mới chập tối này.
- Tụi nào ?
- Chắc là Pốt chớ còn tụi nào. Lúc đó chưa mưa, tôi cùng Thuỷ đi thả câu, sát mé Nam Vang. Chưa kịp buông thì thấy bốn năm người bận đồ đen trên bờ gọi tôi, bắt cập vô cho họ kiểm tra.  Trông họ hung dữ, tôi không dám vô, vội quay xuồng ra. Vậy mà họ bắn liền, độc ác quá trời, coi mạng người chẳng ra gì hết.
Không ai nói gì thêm nữa. Má thút thít khóc. Chú Tư ngồi chút xíu rồi đứng lên, câm lặng bỏ đi.
Tối hôm sau, lúc mọi người đã tắt đèn đi ngủ thì lại có thuyền cập vô nhà. Tôi lạ lắm, ngồi dậy theo má, thấy một người vừa đen, vừa mập lại vừa lùn.
- Ông Sáu, ông nhận ra tôi không ?
Ba tôi cẩn thận hỏi :
- Ai đó ?
- Tôi là Pâu đây mà, thường bán đồ cho ông đó.
- Ôi, ông Pâu hả ? Có việc gì đó ông ?
- Bà chủ và cậu nhỏ đang ở trên xuồng với tôi. Xin ông để họ vô đã, rồi tôi sẽ nói rõ câu chuyện.
- Bà chủ đâu có thể vô cái chòi chết tiệt, vừa nát vừa dột của tôi được.
Ông Pâu van vỉ :
- Trời ơi, lúc này là lúc nào ông Sáu, gấp lắm rồi.
Ba tôi vẫn lưỡng lự, nhưng cuối cùng ổng nói :
- ờ, vậy mời bà chủ vô đi.
Giá như là má thì bà đã không cho vô, không chừng còn đuổi ông Pâu đi, còn ba thì lúc nào cũng hiền lành tốt bụng vậy đó, cái gì cũng ờ ờ một chút rồi làm tuốt, không kể có lợi hay không. Má thường bảo ba vô tích sự, ba cũng ờ ờ rồi cười trừ.
Ông Pâu đỡ bà chủ bước từ xuồng lên nhà, cậu nhỏ cũng nhảy sát theo. Ông Pâu buộc xuồng vô cọc, xách lên một cái túi bự. Bà chủ chắp tay chào ba má tôi. Chắc hẳn chưa bao giờ có người ăn bận sang trọng như vậy chắp tay chào mình nên ông bà thật lúng túng, coi rất tức cười, quả thật không nghĩ tới chuyện út Thuỷ vừa bị bắn chết hôm qua thì tôi đã cười lớn. Cậu chủ cũng chắp tay chào, tôi kỳ lạ thấy trên bàn tay cậu có một ngón út nhỏ xíu dư ra. Tôi xoè ngay tay mình ra đếm, đếm hai lần tay tôi cũng chỉ có năm ngón, vậy chắc chắn là tay cậu ta có tới sáu ngón. Thấy tôi đếm ngón tay, cậu ta lập tức giấu tay ra sau, gườm gườm nhìn tôi, tức tối và nghi ngờ. Đã thế thì tôi cho tức chết luôn. Tôi xoè bàn tay phơi ra trước mặt, đang định đếm to lên thì anh hai kéo tôi ngã về phía sau. ảnh dứ nắm đấm vô mặt tôi :
- Coi chừng ông cho ăn đấm. Để cho nó yên.
Tôi ngồi thụp xuống bên ảnh, cam chịu. Đã quá nhiều lần tôi chịu ăn đấm của ảnh nên chẳng ngốc gì.
 Ông Pâu đỡ bà chủ ngồi xuống cạnh má. Ông nói :
- ăng ca vào Nam Vang rồi, đang bắt người và đang đuổi hết dân ra ngoài, bây giờ chợ búa, nhà cửa phố phường vắng tanh, đi tới đâu cũng gặp người bị giết chết. Ông chủ của tôi cũng bị bắt mang đi rồi. Ngay trước lúc bị bắt, ông chủ có nói nhỏ biểu tôi phải đưa bằng được bà chủ tạm lánh về dưới. Lúc này tôi không biết nhờ cậy ai, liền nghĩ tới ông Sáu.
Ông Pâu là người ở tin cậy của ông bà chủ, thường bán ve chai đồng nát cho ba má tôi, bởi ba má tôi là người hiền lành chăm chỉ nên lâu dần thành quen biết. Nghe nói vậy ba tôi hốt hoảng quá, lặng im, không nói gì. Má liền tranh lấy nói :
- Mèn đét ơi, chúng tôi thế này làm sao mà đưa được bà chủ về dưới !
Ông Pâu khẩn khoản :
- Dân Nam Vang bị lùa đi hết rồi, ai không đi đều bị ăng ca giết hết, chúng tôi biết làm thế nào đây.
Ba tôi băn khoăn một chập rồi nói :
-ờ, mới tối qua ở đây cũng có một người bị tụi bận đồ đen bắn chết, không biết có phải ăng ca bắn không.
- Không phải ăng ca thì là ai hả ông Sáu ! ăng ca của ông Pốt không biết tốt xấu ra sao mà giết người dữ quá. Bà chủ quay lại Nam Vang thì chúng cũng giết tiêu luôn.
Bà chủ của ông Pâu không sõi tiếng Việt, thấy mọi người nói qua lại chỉ hiểu bập bõm, lo sợ quá quay qua khóc nhưng không dám khóc to. Thấy vậy ba tôi nói với ông Pâu :
- Thôi được, ông cứ để bà chủ ở đây ít bữa,  coi thế nào rồi tính, lo trước nhiều quá đâu có xuể.
Khuôn mặt ngăm đen căng thẳng của ông Pâu dãn ra, ông cười sung sướng :
- Vậy trăm sự tôi nhờ cậy ông bà, ông bà sống mà về được dưới thì bà chủ tôi cũng về đước dưới, bất quá có sao thì cũng coi là số phận, ông bà ạ.
Ba tôi hỏi ông Sáu :
- Thế còn ông thì đi đâu mà không kèm bà chủ ?
 -Tôi phải quay lại tìm vợ con tôi, bây giờ tôi không biết đang ở đâu. Có chết tôi cũng không bỏ họ được
Nói tới đó mặt ông Pâu lại căng ra rồi ông liền quỳ xuống chắp tay vái bà chủ.
- Thưa bà Pha Vi, tôi không đi theo hầu hạ bà được như những năm tháng vừa qua, nhưng may thay đã có người anh em của tôi đây. Đức Chí Tôn cao cả sẽ phù hộ cho bà và cậu chủ được mạnh khoẻ, thoát được hoạn nạn này.
Ông Pâu lại xoay qua ba má tôi :
- Xin Đức Chí Tôn cao cả phù hộ cho ông bà Sáu bởi tấm lòng độ lượng ông bà Sáu dành cho bà chủ của tôi đây.
Bà Pha Vi lấy khăn lau nước mắt rồi chắp tay chào lại ông Pâu. Ba tôi đỡ ông Pâu dậy.
- Tôi nghèo khổ, không có học, nhưng vẫn biết tin vô Phật, vẫn biết phải cư sử ra sao vào lúc này chớ ông Pâu.
- Vậy tôi yên tâm từ biệt mọi người rồi.
Ông Pâu lanh lẹ nhét vô tay má một cái gói nhỏ.
- Xin gửi ông bà mấy chỉ vàng để chi tiêu giúp đỡ bà Pha Vi, không nhiều nhặn gì nhưng cũng là để thêm vào với ông bà, xin bà nhận cho.
Nghe nói mấy chỉ vàng thì má tôi choáng luôn, ú ớ đứng ngay ra như khúc gỗ, tay nắm chặt cái gói nhỏ. Thì từ nhỏ tới giờ bà có biết vàng bạc là thứ gì đâu, bỗng dưng bây giờ cầm trong tay một cái gói nằng nặng như vậy làm sao mà không hồi hộp được. Ông Pâu đội nón lên, chiếc nón rộng che khuất trán. Ông vội vã bỏ đi, một lúc sau chỉ còn thấy bóng ông nhỏ xíu chèo xuồng trên mặt sông. Ông Sáu đi rồi má tôi tháo liền cái gói nhỏ, reo lên sung sướng như vớ được vàng :
- Mèn két ơi, ba nó tới coi nhanh đi, có tới mấy cái nhẫn thiệt nè, thiệt đây nè !
Tôi ghé dòm qua nhưng vàng đối với tôi cũng chẳng thích thú bằng bàn tay sáu ngón. Với lại má tôi đẩy tôi ra xa bà luôn còn vàng thì bả giắt vô cạp quần. Cậu chủ nhỏ chắc đã đói mệt nên  quay qua ngủ bên cạnh hai anh tôi. Tôi làm một giấc dài ngoẵng qua đêm, lúc tỉnh dậy đã sáng trắng, nắng chói chang. Ba má đi buôn ve chai từ sớm, một mình bà Pha Vi ngồi trong góc nhà. Cậu chủ nhỏ đã theo hai anh tôi lên xóm chơi đùa. Tôi tìm nồi cơm, nồi cơm chỉ còn mấy hạt, tôi quèn quẹt vét cho lên mồm với thìa tương hột mặn đắng, tu một ngụm nước rồi vội chạy lên xóm. Anh tôi và lũ trẻ đã tụ tập ở đó, có cả cậu chủ nhỏ, trẻ con gọi cậu là Som Bát. Tôi chăm chú nhìn bàn tay Som Bát, nó cố tình giấu bàn tay ra sau. Tôi kéo anh Hai, biểu :
- Thằng Som Bát có sáu ngón tay.
  Anh Hai liền reo lên :
- Ê, tụi bay ơi, Som Bát thừa một ngón tay đây nè.
Som Bát không giấu được nữa. Nó đứng thộn mặt, gượng gạo cười, giơ cao bàn tay cho trẻ con xem. Khi Som Bát đã khoe ra ngón tay thứ sáu của nó thì chẳng đứa nào để ý đến nữa. Chúng nó kéo nhau rồng rắn đùa rỡn. Tới gần bờ sông bỗng nghe có tiếng súng nổ và tiếng người thét lên. Chúng tôi sợ quá, bỏ chạy thục mạng, tới ngôi chùa đầu làng ngồi lại nghỉ. Đứa nào mồ hôi cũng nhễ nhại. Chợt một thằng trông thấy cây vú sữa trong vườn chùa, trái chín chĩu chịt. Thế là nó tháo tông ra liệng. Rồi đứa nào cũng bắt chước làm theo, lượm gạch đá liệng. Vú sữa rớt xuống lộp bộp, chúng tôi giành nhau lượm lấy bửa ra ăn. Anh ba tôi la lên :
- Tụi bay đừng liệng nữa. Tao leo lên bẻ rồi bọc đem xuống, không bị bể, ăn ngon hơn.
Anh hai tôi ngăn :
- Đừng leo mày, kiến nhiều lắm đó, nó chích cho mày thấy mồ luôn.
Nhưng thoắt cái anh ba tôi đã leo tới nhánh cao. Anh cởi áo ra bẻ những trái chín bọc vào áo rồi cẩn thận thả xuống cho chúng tôi ở dưới đỡ. Khi anh tụt xuống tôi thấy kiến chích lưng anh đỏ lựng. Tôi lấy tay phủi kiến trên đầu trên mặt cho anh, những con kiến càng đỏ như chuồn chuồn ớt, đuôi cong lên, chích đau rưng rức. Tôi giành lấy một trái chín đưa cho anh, nhựa ở cuống dây ra tay tôi vừa trắng vừa dính. Chúng tôi đang rất thích thú với trò chơi này thì có ba người đi xe đạp tới, coi họ rất hung hăng. Họ đều mặc quần áo đen và quấn khăn cà ma giống hệt nhau. Họ quăng xe qua bên rồi quây chúng tôi lại. Tôi nghĩ bỏ mẹ cả rồi, đụng Pốt thật rồi. Đứa nào cũng sợ xanh mặt. Một tên hét lên :
- Trẻ con duôn bẻ trộm trái, đánh cho chúng chết hết đi.
Chúng tôi run rẩy khiếp sợ dạt vô một góc tường, có mấy đứa liều lĩnh bỏ chạy.
Một tên cúi xuống gườm gườm nhìn bọn tôi, hỏi :
- Đứa nào vừa leo lên cây bẻ trái?
Tất cả đều im lặng. Tên bận đồ đen tháo cái khăn cà mà cầm tay, trợn mắt trắng dã, hung dữ gầm lên :
- Đứa nào, đứa nào, chúng mày muốn chết hết cả lũ hay sao ?
Nhìn mắt hắn trợn lên, răng hắn nhe ra hung dữ quá, một thằng nhóc nhất trong lũ chúng tôi khóc thét lên, nước mắt chảy ướt nhoè, tay chỉ anh ba. Lập tức cả ba tên đâu lại kéo riêng anh ra. Anh vùng vẫy trong tay chúng, cãi lại :
- Thường khi tôi vẫn trèo cây này mà không có ai giữ. Sư thày cho chúng tôi trèo hái quả mà.
Một tên bận đồ đen chỉ vô trong chùa, giận dữ nói :
- Mày không thấy lũ sư sãi bẩn thỉu ấy đã trốn hết cả rồi hay sao, không thấy chúng ông đã nhốt bò trong chùa rồi hay sao ? Mày là thằng nhóc duôn có đúng không ? Vậy thì chúng ông đánh chết bỏ mẹ mày đi ! 
 Cả ba đứa đua nhau túm chặt anh ba, lấy khăn cà-ma trói giăng hai cánh tay anh ra phía trước, mặc cho anh giãy dụa, kêu thét đau đớn, mặc anh van nài và cuối cùng thì chửi tục. Chúng buộc đầu khăn vô bàn chở xe đạp rồi đạp đi, kéo  anh ba lệt xệt chạy theo. Lũ trẻ con đã bỏ chạy gần hết, còn mấy đứa chúng tôi đứng kinh hãi, im thin thít, không dám kêu khóc. Chúng kéo anh ba lết ra khỏi chùa, khi ấy anh còn cố ngoái lại nhìn tôi, miệng méo xệch, mắt đẫm nước, kinh hoàng.
Không biết anh hai, Som Bát và tôi đã về tới nhà như thế nào. Vô nhà rồi tôi mới khóc. Khóc rất nhiều nhưng khi ba má về tôi không dám mét. Ba má càng hỏi tôi càng khóc nhưng quyết không nói gì. Tôi nghĩ nếu mét người lớn thì anh ba tôi mắc tội. Tôi muốn binh anh. Nhưng rồi ba má đi hỏi lũ trẻ và ông bà cũng biết được hết. Họ đau đớn ngã dúi vô một góc khóc âm thầm. Tôi đứng khóc nức nở. Anh hai thương má, xoa lưng cho bả. Thấy vậy, Som Bát cũng lấy bàn tay sáu ngón vuốt lên lưng bà Pha Vi. Ba kéo tôi vô lòng, lau nước mắt cho tôi rồi nói :
- Con út cùng mấy ảnh đi ngủ đi, tới giờ này khuya rồi.
Chúng tôi nghe lời, co ro nằm vô một góc. Tôi lăn bên này, trở bên kia mà vẫn thấy rộng, vẫn không đụng anh ba như mọi khi. Mọi khi đụng vô anh, nếu anh còn thức là ảnh đẩy tôi ra, nếu anh ngủ say rồi thì tha hồ mà gác. Tôi nhớ anh, trằn trọc không ngủ được, đang cố nhắm mắt để thiếp đi thì bỗng  bị má lôi dậy, bả ôm sốc lấy tôi rồi lấy chân đạp vô mấy anh, miệng la :
- Tụi bay dậy mau, chạy lẹ đi không chết hết bây giờ.
Tôi ôm chặt cổ má, gục vào vai bả ngủ tiếp, bị bả véo một cái vô bắp tay đau điếng khiến tôi tỉnh hẳn. Bà Pha Vi run lên bần bật khi nghe tiếng súng nổ dữ dằn, từng tia lửa đỏ từ sông nhằm hướng xóm ven bờ chiu chíu bay tới. Mọi người la hét xô nhau chạy lên bãi. Tới khúc có vườn chuối đã thấy mấy người ngồi đó, ba tôi dò dẫm hỏi :
- Vợ chống Sáu Đoàn đây nè, ai ngồi đó ?
- Mỗi mình em nè, ngồi đây đi anh Sáu, cho khỏi sợ.
Má nghe giọng nhận ra người quen, bả buông tay tôi rồi ngồi thụp ngay đó :
- Mấy mẹ con Tám Dung hả. Tao chạy một hơi  mệt thấy mồ.
Chúng tôi ngồi lại. Muỗi như chấu bu vô chích túi bụi, ba tôi bẻ tàu chuối cho mọi người xua không xuể. Đứa con dì Tám bị muỗi chích tứ phía không chịu được, khóc choe choé. Nó khóc diết quá tới chừng dì Tám không cầm được. Dì đưa thằng bé cho má tôi :
- Thế em ôm nó chút, em chạy về lấy cái mùng, rẹt cái tới ngay.
Ba tôi kéo dì lại.
- Bay đừng có liều, đạn nó bắn như vãi chớ đùa đâu.
Quả nhiên thi thoảng tôi cũng nghe tiếng đạn bay chíu qua rồi cắm phập vô thân cây chuối kêu phùm phụp. Dì Tám bất chấp, chạy biến vô trong đêm. Tôi nghe tiếng Som Bát thì thầm nói với ba :
- Ông Sáu nè, tụi con vơ lá chuối khô đốt muỗi nghe ông.
Ba tôi giật nảy :
- ủa, đâu có được con, thấy có lửa tụi chúng bắn tới liền. Ráng lấy tàu chuối mà xua, ráng đi tụi bay.
Dì Tám biểu đi cái rẹt lấy cái mùng mà mãi không thấy quay trở lại. Đứa bé khóc chán rồi cũng rúc vô lòng má ngủ. Má vừa xua muỗi cho nó, vừa làu bàu :
- Con này đểnh đoảng quá, vứt con cho mình coi rồi biến đi đâu mất tiêu, không chừng lại đi kiếm trai !
 Mọi người dựa vô nhau gà gật tới sáng thấy im thì kéo nhau về. Má ôm đứa trẻ dông thắng tới nhà dì Tám, vừa tới cửa thì bất thình lình quay phắt ra, hốt hoảng la lên :
- ối mèn ơi, con Tám chết rồi.
  Mọi người chạy xô tới. Dì Tám nằm vắt ngang lối ra, mặt ngếch về phía bãi sông, mắt mở trừng trừng, một tay vẫn còng queo ôm cái mùng. Mặt dì muỗi bu kín, con nào cũng mọng như những hạt đậu, đen kịt. Một vệt máu tím bầm loang trên sàn, máu loang tới đâu muỗi bu kín tới đó thành một dải dây đen. Chồng dì Tám thò tay vuốt mắt cho vợ, xong rồi xoè tay ra thấy đầy xác muỗi, máu dính đỏ lòm. Tôi sợ hãi la lên :
- Dì Tám bị muỗi chích chết hả ba ?
- Không có, chắc về lấy mùng bị Pốt bắn.
Chồng dì cắt về một tàu chuối làm cái quạt xua hết muỗi đi, đàn muỗi từ xác dì bay lên tới đâu người ta tránh tới đó chớ không có ai dám đập, có những con no mọng không bay lên được thời rớt xuống mặt đất, lúc đó có người mới lấy chân di lên, máu phọt ra. Chắc chắn đó là máu dì Tám rồi, khiếp sợ thiệt đó.


                  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét