Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Ông nội

Truyện ngắn

Chiều hôm ấy mẹ tôi đi làm về muộn hơn thường lệ. Khi cả nhà đã quây quần quanh bàn ăn thì mẹ mở cửa bước vào, mặt tươi hơn hớn. Bà nội vội vã đứng dậy lấy thêm bát đũa, giục mẹ tôi :
- Rửa tay đi rồi mau ngồi vào ăn cho nóng.
Mẹ tôi vừa rửa tay, vừa ngặt nghẽo cười khiến cả nhà ngạc nhiên lắm. Thấy vậy bố tôi hỏi :
- Hôm nay trúng quả gì hay sao mà vui thế ?
          Mẹ tôi vẫn vừa cười, vừa hổn hển kể :
- Hôm nay trên mạng có mục “Những bài văn bất hủ” của học trò, xem tếu quá, buồn cười đến chết được. Buồn cười nhất là mấy câu tả ông nội, xem xong một cái là cười vãi, vửa đi đường vừa cười, hệt như con điên ấy.
Mọi người hồi hộp nghe chuyện. Bố tôi hỏi :
- Nó tả thế nào mà em buồn cười thế ?
- Nó tả thế này : “ Nhà em có nuôi một ông nội, ông nội suốt ngày chẳng làm gì cả, chỉ trùm chăn ngủ, đến bữa ăn ông ló đầu ra hỏi : cơm chín chưa bây ?”. Buồn cười chết được nhưng mà đúng !
Cả nhà tôi phá lên cười. Tôi liếc qua ông nội, ông nội cũng cười, lúc đầu cười vui nhưng sau dần tôi thấy ông chỉ cười gượng gạo. Rồi ông không cười nữa, mặt ông bỗng xịu lại, đôi mắt xụp xuống, ông ngồi im lặng. Sau đó ông đứng dậy, lặng lẽ bỏ lên tầng. Bà nội bảo :
- Các con cứ ăn cơm đi, để mặc ông, tí bà đem cho ông ăn sau. Độ này ông hay nghĩ ngợi.
Không còn ai cười tiếp nữa. Tôi thấy có điều gì bất an nên ăn vội cho xong bữa rồi đi lên với ông. Ông đang lúi húi tra cuốn Từ điển tiếng Việt, chiếc kính lão tụt xuống mấy lần, những ngón tay gầy guộc và khô khốc của ông run run lần giở từng trang một. Tôi hỏi :
- Ông tra chữ gì để cháu tìm cho ông.
- Chữ bé quá, ông đọc khó. Cháu tra cho ông chữ “nuôi” xem nó có nghĩa gì.
Tôi nghĩ chắc ông phải đo lại kính rồi. Cuốn Từ điển tiếng Việt này ông dùng từ năm 1994 đến bây giờ, tuy đã gần hai mươi năm nhưng nó vẫn thế, chữ in trong sách có bé đi chút nào đâu. Tìm được chữ “nuôi” tôi bảo ông :
- Ông để cháu đọc cho ông nghe nhé.
- Không, để ông tự đọc được.
- Ông tra chữ “nuôi” để làm gì ?
- Trẻ con nó tinh lắm cháu ạ. Những đứa viết được những câu văn ngộ nghĩnh như thế đều là những đứa có khả năng quan sát, nó tả đúng cả đấy. Thôi, cháu để ông xem, cháu đi về phòng cháu đi.
Tôi đi ra, để cho ông yên. Về phòng tôi cứ nghĩ mãi rằng chữ “nuôi” thì có nghĩa gì đặc biệt đâu mà ông phải để tâm tìm hiểu. Những người khác trong nhà đều đã rất quen với việc ông tra các loại từ điển nên không ai để ý nữa. Mẹ tôi bảo ông đến tuổi lẩn thẩn rồi. Có nhẽ thật vậy, một lần đi học về tôi thấy ông ngồi lụi cụi đánh giầy, bôi cả một vết si đen lên mặt, chắc tại ông quệt mồ hôi. Tôi hỏi ông :
- Ông đi đâu mà đánh giầy thế ?
Ông ngẩng lên nói :
- Ông bây giờ còn đi đâu nữa. Ông đánh giầy cho bố mày đấy, bố mày chỉ biết đi, không biết giữ.
Tôi lại bảo ông :
- Để cháu mang ra ngoài cho họ đánh, mất có năm ngàn.
- Thì ông cũng có việc gì làm đâu !
Đêm ấy tôi học khuya, chốc chốc lại nghe tiếng ông ho. Cách đây mấy năm, mỗi khi ho ông thường vừa cười vừa nói : một mái ấm gia đình thường phải có tiếng ho của người già và tiếng khóc của trẻ con. Dạo này có vẻ ông ho mau hơn,  nhưng khi ho ông  không còn nói câu ấy nữa.
Tôi đi ngoại khóa theo lớp ba ngày, sau ba ngày về nhà tôi không thấy ông đâu. Buổi tối tôi hỏi bố thì bố bảo :
- Chắc ông lại đi chơi với mấy người bạn của ông thôi.
Sang ngày thứ tư vẫn không thấy ông về. Tôi hỏi bà :
- Bà ơi, ông nội đi đâu mà hôm nay chưa về, ông có bảo bà là ông đi đâu không ?
Từ khi tôi biết nghĩ, tôi thấy mọi sự chăm sóc chiều chuộng trong nhà đều như ở bà nội tôi cả. Những ngày non nớt đầu đời cả tôi cả em tôi đều lớn lên bụ bẫm trong tay bà. Bà còn là người lo đến bữa ăn giấc ngủ cho ông nội tôi. Bố mẹ tôi thấy bà bế ắm trông nom con của họ thì rất vui vẻ và coi đó là điều tự nhiên, nhưng khi thấy bà đơm cơm, pha nước cho ông thì lại bảo cách ấy là cổ, trong gia đình hiện đại bây giờ ai ăn cơm thì tự đứng lên mà lấy ở nồi cơm điện, con dâu, con trai và các cháu không cần phải chấp theo lối cũ làm gì. Bà mặc kệ, vẫn tự tay mình xới mỗi bữa cho ông hai lưng cơm, vẫn chiều chiều pha cho ông ấm nước chè. Lại còn cười bảo tôi : bà già rồi, có muốn cũng không theo được đời mới đâu cháu ạ.
Đến ngày thứ năm chưa thấy ông về nhà, bà tôi không còn vững được nữa. Bà hốt hoảng bảo tôi :
- Bà thấy nóng ruột lắm rồi, ông không bao giờ đi đâu lâu thế mà không bảo bà.
- Bà gọi điện cho ông chưa ?
- Ông quên điện thoại ở nhà, không mang theo. Mà không biết ông mày có quên không hay là lại dỗi, không muốn ai gọi. Cả thuốc huyết áp cũng không mang theo mới chết chứ.
- Bà bảo bố mẹ cháu đi tìm đi.
- Bà đã muốn bảo từ hôm qua nhưng thấy bố mẹ cháu bận quá. Tối nay thế nào cũng phải giục họ đi tìm ông.
Buổi tối bố mẹ tôi về là ngồi vào bàn ăn ngay, trong bữa ăn cũng không thấy ai hỏi ông đâu, cũng không thấy bà bảo họ đi tìm. Chắc bà lại sợ bữa ăn mất vui. Ăn cơm xong, mẹ tôi kèm em học bài, còn bố tôi thì gọi điện thoại. Tôi nghĩ nếu tôi còn bé như xưa và nếu cô giáo ra đầu bài là hãy tả bố em, tôi chắc cũng sẽ viết là “bố em ăn xong không xỉa răng, đứng lên cầm ngay lấy cái điện thoại nói chuyện công việc liên hồi”. Đợi bố nói xong một cuộc, tôi níu lại hỏi :
- Bố ơi, đã năm hôm ông chưa về, không biết ông đi đâu, bố mẹ đi tìm cho bà đi.
          Đợi tôi nói xong bà nội mới thêm vào :
- Bố nó tìm cách hỏi xem ông đi đâu, bà sốt ruột quá.
         Bố tôi đứng lặng im, cái di động trong tay rung nhưng không nghe. Rồi nói :
- Chắc lại đi chơi với mấy ông bạn của ông thôi. Cứ để mấy hôm, không đi mãi được đâu, biết tìm ông ở đâu bây giờ.
          Bà tôi im lặng nhưng nét mặt bà nhau nhúm lại, bỗng chốc như già đi bao nhiêu tuổi, tôi trông cũng phát sợ. Đêm ấy bà không xem vô tuyến mà đi nằm sớm, ngoài tiếng điện thoại của bố tôi thì trong nhà hoàn toàn im ắng, không có tiếng ông ho, không có tiếng trẻ khóc.
         Sáng sớm hôm sau bỗng có điện thoại reo. Đây là máy điện thoại bàn, mà máy bàn thì từ lâu ít ai còn gọi đến nữa, trong nhà đã mỗi người một cái di động. Cả bà cả bố tôi đều vồ lấy máy, cùng nghe. Hóa ra là ông nội tôi. Ông bảo bà là ông đang ở một nhà dưỡng lão, dặn bà và tôi đến chơi và cầm theo cho ông mấy thứ cần dùng cùng mấy quyển sách để ông đọc. Bố hỏi ông có làm sao không thì ông bảo thoải mái lắm, mọi người cứ yên tâm để ông ở lại đấy ít lâu.
Bố tôi bảo để chủ nhật thuê xe cả nhà đi đón ông về. Tôi nhất định lấy xe máy đi thăm ông ngay. Bà xếp vào một cái túi du lịch cho ông mấy bộ quần áo, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, thuốc huyết áp, hộp bánh bích quy và không quên cái điện thoại. Tôi lấy trong tủ sách ra mấy quyển sách ông thích. Khi tôi vào lớp mười, nghe nhiều người nói về ông, tôi mới biết ông nội tôi đã là người đi nhiều, đọc nhiều. Khi tôi còn nhỏ, tức là lúc còn rất thích chơi với ông, ông thường đọc cho cháu “đít tôn của ông” nghe nhiều chuyện, trong đó có những chuyện mà mãi về sau này tôi mới hiểu và thấy hay. Tôi phóng một mạch, đến chập choạng tối thì gặp ông. Có mấy hôm mà râu tóc ông dài ra, nom ông gày tọp đi. Tôi ôm chầm lấy ông, lòng rưng rưng. Tôi cũng cảm thấy ông đang run lên nhưng ông lại vuốt tóc tôi và nói :
- Kìa cháu, con trai phải mạnh mẽ lên chứ.
Tôi mếu máo nói :
- Vâng, cháu vẫn mạnh mẽ đấy. Tại sao ông đi lâu thế mà không gọi điện báo cho mọi người ở nhà, ai cũng sốt ruột ông ạ.
- Ông phải xin lỗi mọi người, ông đã muốn gọi cho bà và cháu nhưng ông quên mất điện thoại, mãi hôm nay mới gọi nhờ người ta được.
          Nơi ông đang ở là một cái trại dưỡng lão do con trai của một người bạn ông làm giám đốc. Ông giám đốc này lập ra trại dưỡng lão, tiếp nhận các cụ ở nhiều nơi nhưng riêng bố mẹ mình thì lại để chăm sóc ở nhà. Ông nội tôi đến chơi với ông bạn già, được dẫn đi thăm trại dưỡng lão, thấy hợp cảnh mình liền xin ở lại. Ấy là ông nói với tôi như thế. Khi tôi đưa mấy cuốn sách cho ông thì ông bảo tôi :
- Đọc sách nhiều chưa phải là điều quan trọng cháu ạ.
Tôi đã quen với những cách răn dạy của ông nên mới hỏi lại :
          - Vậy thì điều gì là quan trọng khi đọc sách hả ông ?
          - Phải làm thế nào để sống theo những gì học được từ sách.
          - Nghĩa là thế nào ạ ?
          - Nghĩa là phải cố gắng làm nhiều hơn những gì mình có thể làm cho mọi người.
         Tôi lặng im, ngẫm nghĩ về những điều ông nói. Bỗng ông hỏi :
          - Cháu có thích đọc sách không ?
          - Có ạ, sao ông lại hỏi thế ?
           - Là vì ông muốn để lại cho cháu cái tủ sách của ông. Không bao nhiêu nhưng có nhiều quyển ông thấy hay lắm.
           - Vâng, cháu cảm ơn ông. Nhưng ông ơi, cháu muốn hỏi ông là làm sao ông lại bỏ nhà để vào đây ? Có phải vì mẹ cháu hôm nọ nói cái chuyện vui về bài văn kia không hả ông ?
            - Không phải đâu cháu ạ. Nó chỉ giúp cho ông ngẫm thêm ra thôi.            Không cần đến những đôi mắt trẻ nhỏ thì đến một lúc nào đấy những người già như ông bà cũng tự nhận thấy là mình thừa ra ngay trong nhà mình.
           Tôi chưa ở độ tuổi để có thể hiểu hết mọi lẽ đời, từ nhỏ đến bây giờ lúc nào ông cũng dậy tôi phải biết mạnh mẽ, tôi đã cố gắng để tỏ ra mình là một thiếu niên mạnh mẽ, vậy mà nghe ông nói thế, trái tim non trẻ và khỏe mạnh của tôi cũng phải nhói đau. Tôi vội vàng ôm chặt lấy ông, gào lên :
             - Không phải thế đâu, không phải như ông nói đâu. Chủ nhật này bà và bố mẹ cháu sẽ lên đón ông về.
           Tôi cứ ôm ghì lấy ông, úp đầu vào ngực ông, nghe rõ tiếng tim ông đập nhỏ mà nhanh. Tôi không thể cảm nhận được hết những điều ông đang cảm nhận nhưng tôi thấy rõ bàn tay ông đang xoa trên đầu tôi, không chỉ vuốt ve mà còn như đang che chở. Ông nhẹ nhàng :
              - Sáng mai cháu nên về sớm để kịp đi học, nói với bố mẹ cháu không phải lên đón ông. Nếu bà muốn thì cháu nói với bố mẹ có thể để cho bà lên đây ở với ông. Ông bà còn nuôi nhau được.
            Tôi giơ tay bịt mồm ông rồi hét lên, giống như khi còn bé tôi vẫn làm :
             - Không ! Không ! Không ! Ông phải về với cháu.
            Ông nội không nói gì, lặng im ôm tôi vào lòng.
            Đêm ấy tôi nằm bên ông, trằn trọc mãi mà không thể nào ngủ được. Có vẻ như ông ho nhiều hơn nhưng mỗi lần ho ông đều cố khẽ khàng, ý chừng để cho tôi ngủ được yên. Khi thiếp đi, trong giấc mơ nặng nề, tôi thấy bóng một người, không thấy rõ mặt, chỉ thấy bóng nhưng tôi vẫn nhận ra người ấy là ông nội, khuất dần nhưng rất rõ, đang đi về hướng Tây, ở đấy hoàng hôn đỏ ối và nhiều gai như quả gấc chín.

                                                                             Hà nội, 21/4/11
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét