Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Cuộc chia tay thần thoại

            Truyện ngắn

           Trên một bãi biển cổ xưa nhất nước ta có 2 bố con người đánh cá sống trong ngôi nhà lưng dựa vào vách núi, cửa nhìn ra biển mênh mông gió mặn mòi.
          Bất chấp 80 năm lặn ngụp chài lưới,  người cha vẫn bền dai như chão, dáng quắc thước, da đỏ au nắng, râu tóc bạc bồng bềnh mây. Đôi mắt ông tuy đã mờ nhưng vẫn có cái nhìn hun hút sâu như đau đáu một nỗi niềm.
Dù có khỏe thì cũng không thể nào cưỡng lại được được cái quy luật tự nhiên là tuổi cao thì sức phải giảm, ông trao lại chiếc mủng cho con trai, còn mình hàng ngày đóng khố đeo dao đi rào vườn. Lũ khỉ từ eo núi sau nhà rình rập suốt ngày, cứ lãng đi là chúng ào xuống bẻ bắp vặt chuối. Ông già kiên nhẫn uốn nắn những khóm mây gai, đến khi gai mấy đâm túa máu trên mấy ngón tay mới chịu ngồi nghỉ. Vậy mà không thể nào ken kín được cái hàng rào, làm thế nào bầy khỉ cũng vẫn tỉa ra được lối phá vườn.
Một buổi trưa, khi đang đặt bẫy ở bìa rừng thì ông già chợt thấy có bầy chim lạ bay ngang, con xanh con đỏ ríu rít. Chúng chao lượn náo nhiệt, thả rơi những thứ hoa quả mà 80 năm ông chưa hề thấy một lần. Chúng sà xuống, chừng như muốn đậu lại, nhưng thấy vườn toàn bẫy với rào gai nên lại líu lo vút bay về núi. Cũng từ hôm ấy, đêm không ngủ nhìn ra biển ầm ào chuyển động, ông thấy chân trời sáng rực ngũ sắc cầu vồng. Ông lão đánh cá cho rằng vì mình thiếu siêng năng cúng bái nên vùng biển này mới bỗng thấy nhiều sự lạ. Ông bèn lau dọn ban thờ, treo lại bức tranh tổ tiên có vẽ 1 người thuyền chài đóng khố cầm giáo. Hàng ngày hương khói chăm chỉ mà trong những giấc mơ ông vẫn thấy lũ khỉ vào vườn bẻ bắp vặt chuối, thuồng luồng hiện lên từ biển đi vào nhà, nước rỏ ròng ròng, vặt râu, túm tóc ông. Thế là ông mài dao thật sắc, vào rừng hạ cây tre 99 đốt về dựng cây nêu xừng xững trước nhà, lại phá đá nung vôi rắc hình cái cung to, dây cung căng hết cỡ đã đỡ sẵn mũi tên nhọn hoắt chĩa ra phía biển.
Làm xong từng đấy việc, tưởng đã yên, nào ngờ lại phải lo về phần đứa con trai. Từ hôm có bầy chim lạ và biển sáng sắc cầu vồng, con trai ông trở nên sao nhãng thờ cúng, kéo bè kéo bạn đàn đúm đêm ngày. Ông liền gọi con bảo ban :
         - Con sông có nguồn, cái cây có gốc, mày phải biết lo lắng phụng thờ tổ tiên, làm ăn chăm chỉ để mong có ngày mở mặt ra được. Một đời bố, bố chỉ vì con. Muốn đóng thuyền to, sắm lưới rộng cho con, nhưng sức đã tàn, trí lại cạn. Nay có nhiều điểm lạ, bố lo con không giữ được nếp.
Người con cười đáp rằng:
        - Cái mủng của bố chỉ bắt được lũ cá nhỏ. Con muốn bắt cá lớn, muốn vươn xa và làm nên những điều kỳ diệu. Người ta nói rằng có chim lạ mấy lạ là dấu hiểu của đất chuyển đấy, báo trước việc có rồng lại sắp hạ xuống đất mình.
        Người bố trầm ngâm, nói như tự sự:
       - Đất này  đã có một lần rồng hạ xuống, nhưng đấy chỉ là chuyện kể.    
      Từ lúc bố sinh ra, thấy toàn chuyện cơ cực, rồng không có, chỉ toàn khỉ, khỉ lấn át người không ngẩng được mặt lên. Cả đời đắm đuối với biển mới gây dựng được cho con mảnh vườn và ngôi nhà này. Con phải lo mà giữ lấy, chuyện rồng phượng viển vông chớ tin.
        Người con không cười nữa, điềm đạm thưa :
        - Con tin là có chuyện rồng sẽ hạ xuống đất này bố ạ, nhưng rồng chỉ hạ xuống bãi rộng và ăn thức ăn để trong bát vuông, bố con mình hãy chuẩn bị theo rồng mà bay tới những cõi lạ.
Nói rồi người con đào đất nặn những chiếc bát vuông đem nung, lại mang dao phá dỡ hết những khóm mây gai. Người cha kinh ngạc :
        - Con điên hay sao?
        - Không, con không điên, con đang đón những gì đang tới.
        Từ hôm ấy, hai cha con không ai nói với ai lời nào, cha cặm cụi  hương khói thờ cúng, con hì hục nặn bát đợi rồng. Đến một hôm, đất trời bỗng chuyển vần, biển ào ào sôi động, mây ngũ sắc bay là là mặt đất, gió lạ thoang thoảng hương thơm. Rồi biển bỗng rùng rùng chuyển. Từ phía chân trời sang lóa, một con vật sặc sỡ, mạnh mẽ nhưng mềm mại bay vào bờ, lượn trên ngôi nhà của bố con người thuyền chài. Một già một trẻ đứng ngợp trong ánh hào quang, ngây nhìn sự lạ. Một lúc sau người con chợt tỉnh, vội vàng mang bát vuông có sẵn của ngon vật lạ đặt ra bãi mời rồng. Con rồng vẫn lượn trên cao, uyển chuyển, nhịp nhàng nhưng đầy ngần ngại. Chợt bầy chim lạ sau núi bật nói tiếng người.
        - Hạ cây nêu xuống.
       Người cha kinh hoàng khi đứa con giằng lấy con dao trong tay ông xăm xăm chặt cây nêu, chặt chín nhát thì cây nêu đổ và đứt rời thành chín mươi chín đốt. Lúc ấy con rồng từ từ liệng thấp, than như song cuộn, uyển chuyển hạ xuống bãi trước nhà.
        Người con nắm tay bố, van vỉ :
       - Bố ơi nhanh lên, rồng đợi mình đấy. Ngàn năm chỉ một lần này. Bố con mình hãy mau cưỡi rồng mà bay lên.
Người cha vừa níu con lại vừa ẩy nó về phía bãi, run sợ trong ánh hào quang ngày càng rực rỡ. Ông ngỡ ngàng nhìn đứa con đang vừa khóc vừa trèo lên mình rồng, lại tần ngần nhìn chín mươi chín đốt tre ngổn ngang trước ngôi nhà. Cái nhìn không còn đau đáu và sâu hút,  nước mắt lã chã lăn trên gò má già nua. Ông muốn bước đi theo tay con vẫy nhưng lại ngập ngừng ngoái nhìn tấm hình người đóng khố cầm giáo trên ban thờ. Ông cảm rõ sự trì trệ của tuổi tác và những sụt lở trong lòng, giống như những đụn cát đang sụt lở dưới những cơn mưa lũ. Ông  biết chắc rằng nếu vượt qua khoảng khắc này, chỉ một khoảng khắc này thôi, thì ông sẽ tới được với người con đang vẫy gọi. Nhưng những cố gắng yếu ớt của ông không đủ sức đẩy ông tới, gió đã nổi lên ào ào, mây ngũ sắc vần vã, con rồng đã mạnh mẽ cất mình bay, nhẹ nhàng lượn trên ngôi nhà 3 vòng rồi nhằm cao xanh lồng lộng vút lên, đem theo người con tràn trề sức lực.
Con rồng bay đi rất nhanh, mang theo nó cả ánh hào quang, chỉ để lại ánh nắng rực rỡ của một miền biển xưa nhất nước ta. Ông già đánh cá thẫn thờ ngồi lại bên chiếc mủng. Đã hơn 80 năm gắn bó với nó, với ý nghĩ chính chiếc mủng này đã giúp ông làm nên cơ nghiệp. Vậy mà giờ đây, sau cuộc chia tay thần thoại mà ông chính là người trong cuộc, ông mới ngộ ra rằng chiếc mủng kia không bao giờ có thể đưa ông tới được những bến bờ xa.
Nước biển vốn dĩ đã mặn, chiều hôm ấy lại mặn hơn bởi những giọt nước mắt của ông già đánh cá cô đơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét