Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Tháo ngòi nổ Trung Đông

Đại sứ Nguyễn Quang Khai


Khu vực Trung Đông gần đây có một số chuyển biến theo hướng hoà dịu. Thay cho những lời khẩu chiến, đe doạ chiến tranh của các bên là việc cùng nhau hợp tác để giải quyết hoà bình các cuộc xung đột. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ các nước lớn, đặc biệt là Nga và Mỹ có những thỏa thuận nhằm giải quyết các vấn đề xung đột bằng biện pháp hoà bình.
Lên nắm quyền hồi tháng 8/2013 sau thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử, Tổng thống Iran Hassan Rohani đã có những bước đi đầu tiên nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Barack Obama và ông Hassan Rouhani ngày 27 tháng Chín là cuộc đối thoại đầu tiên giữa lãnh đạo cấp cao hai nước sau 34 năm kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo 1979 đến nay. Tân Tổng thống Iran Hassan Rohani đã đưa ra những đề nghị mới nhằm tháo gỡ bế tắc cho vấn đề hạt nhân Iran, hối thúc cộng đồng quốc tế giảm nhẹ tiến tới xoá bỏ cuộc cấm vận đối với Iran.

Ngày 15/10, Iran, Liên hợp quốc và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã nối lại các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Iran. Đây là phiên hội đàm đầu tiên giữa chính phủ mới của ông Hassan Rohani với Uỷ ban 5+1 gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an do Ngoại trưởng Liên minh châu Âu bà Catherine Ashton dẫn đầu. So với các cuộc đàm phán mới đây nhất tại Kazakhstan tháng Tư, khi Iran từ chối hạn chế một số hoạt động làm giàu uranium và đặt chương trình hạt nhân của mình dưới sự giám sát quốc tế thì các cuộc thương lượng hiện nay tại Geneva được coi là đi vào nội dung thực chất hơn, củng cố lòng tin giữa các bên.
Tại cuộc đàm phán này, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif đã trình bày một đề nghị mang tính đột phá mang tên "Khép lại cuộc khủng hoảng không cần thiết để mở ra những chân trời mới”, theo đó Iran khẳng định sẽ thi hành một chính sách hạt nhân mới chỉ phục vụ mục đích hoà bình, hợp tác chặt chẽ với IAEA, cho phép quốc tế thanh sát các cơ sở hạt nhân, hạn chế dần dần các hoạt động hạt nhân nhạy cảm.... Tất cả các bên tham gia đàm phán đều cho rằng đây là các cuộc thương lượng hết sức bổ ích, mang tính chất xây dựng nhất từ trước tới nay, đánh giá cao đề nghị mang tính đột phá của Iran. Thậm chí, người đứng đầu phái đoàn Mỹ Wendy Sherman còn kêu gọi Quốc hội Mỹ tạm ngưng và giảm nhẹ các biện pháp cấm vận đối với Iran.
Về vấn đề Syria, Mỹ và các nước phương Tây đồng ý với sáng kiến của Nga về việc yêu cầu Syria tiêu huỷ tất cả các kho vũ khí hoá học của mình đồng thời Mỹ huỷ bỏ kế hoạch tấn công quân sự chống Syria. Sáng kiến này của Nga đã giúp “tháo ngòi nổ” của một cuộc chiến tranh cận kề, ngăn chặn được một thảm hoạ không chỉ đối với khu vực Trung Đông mà còn đối với toàn thế giới. Trên cơ sở sáng kiến của Nga, sau ba ngày đàm phán tại Geneva, Nga, Mỹ và Liên Hợp quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng trong việc giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm nay tại Syria thông qua việc triệu tập Hội nghị quốc tế về hoà bình Syria hay còn được gọi là Hội nghị Geneva II vào tháng 11/2013. Đây được coi là cơ hội duy nhất đề đưa các bên vào bàn đàm phán tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Chính phủ Syria tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Đặc phái viên Lakhdar Brahimi, sẽ tham dự Hội nghị Geneva II mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Cùng với tuyên bố này, Tổng thống Bashar Al Assad đã ký sắc lệnh về việc Syria tham gia Công ước cấm vũ khí hoá học và ngày 14/10 và Syria đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức cấm vũ khí hoá học (OPCW). Syria cũng đã đệ trình lên tổ chức OPCW bản kê khai chương trình vũ khí hoá học của mình và kế hoạch tổng thể cho tiến trình triệt tiêu loại vũ khí này, đồng thời cho phép các thanh sát viên của Liên Hợp quốc thanh sát tất cả 11 địa điểm lưu giữ khoảng 1.300 tấn vũ khí hoá học của mình. Đây là những động thái tích cực của chính phủ nhằm loại bỏ các quan ngại của Mỹ và phương Tây đối với Syria. Người đứng đầu Phái bộ chung của OPCW và Liên Hợp quốc Sigfrid Kaag đã đánh giá cao sự hợp tác của Chính phủ Syria, khẳng định Syria đã “hợp tác đầy đủ” trong việc tiêu hủy kho hóa học của nước này.
Đi ngược lại những cố gắng của chính phủ Syria và cộng đồng quốc tế, tất cả các tổ chức trong phe đối lập, đặc biệt là Hội đồng Dân tộc Syria, tổ chức đối lập lớn nhất của Syria ở nước ngoài được phần lớn các nước Ả Rập và phương Tây công nhận đã tuyên bố tẩy chay Hội nghị Geneva II. Các tổ chức này vẫn coi sự ra đi của Tổng thống Bashar Al Assad là điều kiện tiên quyết để tham gia đàm phán. Vấn đề lớn nhất hiện nay là phe đối lập đang tìm cách gây cản trở cho việc triệu tập Hội nghị hoà bình Geneva II.
Trên bình diện tiến trình hoà bình Trung Đông, sau ba năm bế tắc, cuối tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbass và Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu đã có cuộc tại thủ đô Washington của Mỹ nhằm tìm kiếm một nền hòa bình giữa Israel và Palestine. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong vòng sáu năm qua Israel đã nới lỏng các biện pháp phong toả Gaza, cho phép vận chuyển các nguyên vật liệu xây dựng vào dải Gaza qua cửa khẩu Kerem Shalom. Israel cũng bắt đầu xây dựng đường ống dẫn nước, nhằm tăng gấp đôi lượng nước cung cấp cho dải đất này từ 5 triệu m3 lên 10 triệu m3 một năm. Đây là những diễn biến tích cực đang mở ra những tia hy vọng mới cho cuộc đàm phán hòa bình Israel - Palestine. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh quyết định quay trở lại bàn đàm phán của Israel và Palestine sau ba năm đình trệ, đồng thời cam kết Mỹ sẽ nỗ lực hết sức trong việc giúp các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Những chuyển biến tích cực tại khu vực Trung Đông đang mở ra một tia hy vọng cho tất cả những ai mong muốn hoà bình và ổn định cho khu vực này. Tuy nhiên, hy vọng này còn hết sức mong manh. Hệ quả phức tạp của Mùa Xuân Ả rập, sự dính líu của bên ngoài, đặc biệt là các nước lớn vào các cuộc tranh chấp ở khu vực... đã làm cho tình hình trở nên hết sức phức tạp và tương lai khu vực Trung Đông vẫn còn chờ đợi nhiều nỗ lực hơn nữa để có hòa bình.
         Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét