(Báo Thế Giới&Việt Nam, số 45, 11/2013)
Thế là đất nước ta lại sắp bước vào hành trình mới
trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ còn 2 năm nữa, tới cuối năm 2015,
Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột: an ninh, kinh tế và văn hóa sẽ ra đời. Cuộc
đàm phán về cơ chế Đối tác xuyên Thái bình dương (TPP) mà nước ta tham gia cùng
11 quốc gia khác đang tiến nhanh tới hồi kết. Cuộc đàm phán về việc hình thành
Khu vực mậu dịch tự do (FTA) với Liên minh châu Âu, Liên minh thuế quan Nga –
Biê-la-rút-xơ – Ca-dắc-xtan, với Hàn quốc…đang được đẩy mạnh.
Trong
thời điểm hội nhập kinh tế quốc tế nhộn nhịp như vậy, trong tôi, một người đã từng
được tham gia ngay từ đầu quá trình này bỗng trồi dậy sự hồi tưởng về những bước
hội nhập trước đây. Năm 1995 nước ta gia nhập ASEAN, đồng thời tham gia Khu vực
mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Lúc đó sự hiểu biết về các thể chế “mậu dịch tự do” còn hạn chế, các cam kết có mức độ và
theo lộ trình tương đối dài, lại với các đối tác không khác biệt quá xa về sức
mạnh nên sự quan tâm, lo lắng không mãnh liệt lắm.
Năm 2000 nước ta bước lên bậc
thang mới về hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký Hiệp định thương mại song
phương với Hoa kỳ (BTA) theo chuẩn WTO với một nền kinh tế hùng mạnh nhất thế
giới và một nước có lịch sử quan hệ với nước ta khá phức tạp nên càm giác còn lại
là sự pha lẫn giữa mừng và lo: mừng là mở ra cánh cửa bước vào thị trường rộng
lớn hàng đầu thế giới, lo là không biết có trụ vững trong sự cạnh tranh
không? Thế rồi sự bùng nổ buôn bán giữa
hai nước đưa kim ngạch hai chiều từ dưới 1 tỷ đô-la lên tới hàng chục tỷ, trong
đó ta xuất siêu lớn đã đẩy lùi mối lo.
Với cái đà đó, sự hồ hởi, lạc
quan đã bộc lộ mạnh mẽ khi nước ta gia nhập WTO cùng với việc nước ta đăng cai
cấp cao APEC vào cuối năm 2006, thậm chí
có người nghĩ quá đi rằng nước ta “hóa rồng” tới nơi.
Và nay
khi nước ta sắp tham gia một loạt thể chế FTA mới, xem chừng trong dư luận
không ít tâm tư trái chiều. Điều này cũng dễ hiểu vì nhiều lẽ liên quan tới bối
cảnh trong và ngoài nước không thuận như trước. Một là, nước ta bước vào hành trình mới trong bối cảnh kinh tế thế
giới vừa trải qua một cơn bạo bệnh mãi tới nay vẫn chưa thoát hiểm hoàn toàn; hai là, nước ta đang phải đối mặt với
không ít khó khăn, thử thách trước mắt, đồng thời lại phải chuyển đổi mô hình
tăng trưởng; ba là,những cam kết mới,
nhất là theo TPP thuộc “thế hệ thứ tư”, tức là sâu rộng hơn rất nhiều, trong đó
bao gồm cả những lĩnh vực phi thương mại, chưa nằm trong quy định của WTO như đầu
tư, mua sắm chính phủ, các vấn đề xã hội môi trường…
Phản
ánh sự phân vân khi bước vào hành trình mới, một số người thậm chí cho rằng những
khó khăn nội tại là do hội nhập, thậm chí có người còn nặng lời cho rằng ta thất
bại. Nếu không trang trải vướng mắc này thì làm sao có thể nhẹ bước trên con đường
mới? Vậy thật hư ra sao? Ta hãy bình tâm nhìn vào thực tế, kể cả các con số khô
khan.
Nếu không
gia nhập WTO, liệu xuất khẩu của nước ta có gia tăng mạnh mẽ như vừa qua không?
Năm 2006 kim ngạch xuất khẩu mới có 39,8 tỷ US đô-la, tới năm 2012 đã là 115 tỷ, tức tăng xấp xỉ 3 lần!
Trong 6 năm qua mặc dầu kinh tế trong và ngoài nước đều khó khăn nhưng tốc độ
gia tăng xuất khẩu liên tục ở mức trên dưới 20%/năm (trừ năm 2009). Một số người
hay nhấn mạnh một “câu nói có cánh” là ta “thua ngay trên sân nhà” trong khi
đáng ra nên nói là có mặt ta “thua trên sân nhà”, nhưng có mặt ta lại “thắng
trên sân người”; nếu không thì lý giải sao được hiện tượng hàng loạt hàng hóa của
nước ta như go, cà phê, hồ tiêu, may mặc, giầy dép, thủy sản… chiếm lĩnh thị phần
không nhỏ, thậm chí bị người ta tìm cách kiềm chế?
Nếu không tham gia WTO liệu đầu tư nước ngoài
có đổ vào nước ta như vừa qua không? Từ năm 2007 tới nay trên 60 tỷ vốn đầu tư
nước ngoài đã được giải ngân, đóng góp xấp xỉ 20% GDP, trên 22% tổng vốn đầu tư
của toàn xã hội, khoảng 60% kim ngạch xuát khẩu, tạo ra 2,5 triệu việc làm trực
tiếp và khoảng 3 – 4 triệu việc làm gián tiếp…
Bên cạnh
những kết quả hữu hình nói trên, nhờ hội nhập nước ta còn thu hoạch được những
kết quả vô hình nhưng cực kỳ quan trọng là thể chế quản lý được cải thiện; sự
hiểu biết của các doanh nghiệp đối với cung cách làm ăn, cạnh tranh trên thương
trường quóc tế được nâng lên rõ rệt, vị thế của đất nước được đề cao chưa từng
có…
Đương
nhiên, đằng sau những con số ấn tượng ấy còn ẩn chứa không ít sự bất ổn nhưng
chắc chắn rằng không có những kết quả nhãn tiền ấy thì kinh tế nước ta còn khó
khăn hơn chứ không phải chúng là tác nhân gây ra những khó khăn kinh tế ở nước
ta.
Mặt
khác cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa tận dụng được triệt để những cơ hội
mới mở ra, chưa ứng phó thật hữu hiệu với những thách thức mới nẩy sinh. Đây
chính là điều cần nhấn mạnh để chuẩn bị hành trang tốt hơn khi bước vào hành
trình mới.
Trước hết
cần nhận thức rõ hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện cần nhưng chưa đủ để
phát triển; nhân tố quyết định nhất chính là bản thân ta. Muốn tranh thủ tối đa
cơ hội, ứng phó hữu hiệu với thách thức thì khâu đầu tiên là mỗi cơ quan, mỗi
doanh nghiệp cần hiểu rất rõ “luật chơi”, những cam kết cụ thể chứ không chỉ dừng
lại ở nhận thức chung chung. Do vậy, ngay trong quá trình đàm phán cần có sự
liên thông giữa người đi đàm phán và những người sẽ thực hiện; nếu do yêu cầu
giữ bí mật phương án đàm phán không tham vấn trước được thì chí ít kết thức đàm
phán xong khoản nào cần thông báo ngay khoản ấy cho người thực hiện để có
phương án chuẩn bị.
Về phần
mình các cơ quan và doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch hành động rất cụ thể,
chi tiết chứ không thể dừng lại ở những “chủ trương”, “phương châm” chung
chung, trong đó các cơ quan liên quan cần chủ động hoàn thiện thể chế để tạo
thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khai thác điều lợi, bảo hộ sản xuất kinh
doanh trong nước bằng các biện pháp luật chơi cho phép; còn các doanh nghiệp
ngay từ bây giờ phải xếp sắp công việc làm ăn phù hợp với điều kiện hội nhập mới
chứ không thể hành xử theo kiểu “nước đến chân mới nhẩy”.
Sở dĩ
chưa tận dụng được những cơ hội mới mở ra, chưa ứng phó hữu hiệu với những
thách thức ập tới sau khi gia nhập WTO một phần chính là do thiếu vắng những điều
trên; nếu nay, khi sắp bước vào hành trình mới mà lại vấp phải thì mối lợi thu
được sẽ hạn chế, nguy cơ hứng chịu sẽ nhiều hơn. Thật đáng tiếc nếu mấy năm sau
lại phải than vãn vì để lỡ cơ hội!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét