Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Pu Sơn

Truyện ngắn của Thăng Sắc
(Các nhân vật trong truyện đều là hư cấu)



Ngồi trong chuyến bay của Hàng không Việt Nam từ Nông Pênh đi Hà Nội, Sâm-nang không khỏi ngạc nhiên pha chút thú vị về sự chóng vánh của chuyến đi này. Mới cách đây có hai hôm, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách đối ngoại gọi ông đến văn phòng và nói :
          - Trung tướng đi công tác Hà Nội một chuyến nhé.
          Dù công việc có đang bận rộn đến mấy thì cũng không bao giờ Sâm-nang bỏ lỡ một đề nghị hấp dẫn như thế. Là Trung tướng trong quân đội Hoàng gia Campuchia, ông đã có nhiều dịp đi Việt Nam nhưng tất cả các chuyến đi ấy chỉ ở miền Nam. Bây giờ ông đang dẫn đầu một đoàn gần chục sĩ quan cao cấp ra thăm Hà Nội. Ngồi trong khoang hạng nhất thật dễ chịu, Sâm-nang vừa nhâm nhi ly rượu sâm-banh mà cô tiếp viên mặc áo dài màu mận chín đem tới vừa khoan khoái nghĩ đến cái lạnh của miền Bắc Việt Nam mà lần này ông sẽ được trực tiếp trải nghiệm chứ không còn phải nghe qua người khác kể. Lúc này đã giáp Tết của Việt Nam, các bản tin thời tiết của Hà Nội liên tục báo có gió mùa Đông Bắc tăng cường và trời rét đậm rét hại. Uống hết ly rượu, Sâm-nang ngả người ra ghế, lim dim mắt nhưng thực ra ông không ngủ mà đang vạch ra trong đầu những ý tưởng công việc. Với ông chuyến đi là một cơ hội hiếm hoi để ông thực hiện một ý nguyện đã có từ rất lâu mà chưa làm được : tìm gặp tri ân người lính tình nguyện Việt Nam đã cứu ông thoát chết và dìu dắt ông trưởng thành cách đây hơn ba chục năm.

          Khi bước ra khỏi máy bay, Sâm-nang nghĩ ngay rằng những lời đồn đại ông đã từng nghe về cái rét của Hà Nội quả không ngoa một chút nào. Những người đón ông ở sân bay đã đưa cho ông một chiếc áo dạ màu xám, ông vội vàng khoác vào người nhưng lóng ngóng mãi mà chưa cài cúc được vì hai tay lạnh cóng. Ngồi trong xe đi từ sân bay về thành phố, ông thấy một bầu trời mùa đông xám ngoét và nặng nề, tuy vậy những vườn đào ven đường đã hé nụ, những bông hoa đào nở sớm chẳng khác gì những đốm nắng làm cho ông thấy rạo rực và ấm áp khiến ông bồi hồi nghĩ cuối cùng ông cũng đang đi trên đất nước quê hương của người mà ông đang muốn tìm.
          Phía Việt Nam cử cho ông một sĩ quan liên lạc trẻ tên là Quang. Quang lễ độ nhưng vui vẻ, luôn mồm hỏi chuyện Trung tướng Sâm-nang về Thủ đô Nông Pênh và về cố đô Siêm Riệp, đôi lúc Quang còn buột miệng gọi Sầm-nang là chú rồi như biết lỗi lại nhoẻn miệng cười, nụ cười khiến ông thấy cậu sĩ quan liên lạc Việt Nam có một nét gì đó thật gần gũi. Về đến nhà khách, khi mọi việc đã thu xếp xong và Quang chuẩn bị ra về thì Sâm-nang gọi lại.
          - Anh Quang có thể giúp riêng tôi một việc được không ?
          Quang không dấu được vẻ hổi hộp, hỏi lại :
          - Thưa Trung tướng, là việc gì ạ.
          Sâm-nang rất thạo tiếng Việt, ông thong thả nói :
          - Tôi nhờ Quang tìm và cho tôi gặp một người bộ đội tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu ở huyện Muông Rọ-sây thuộc tỉnh Bát-đom-boong Campuchia vào năm 1979.
          Quang nhanh nhảu :
          - Chuyện này dễ thôi, Trung tướng cho tôi xin tên họ và địa chỉ người ấy, tôi sẽ mời đến ngay thôi mà.
          - Vấn đề là ở chỗ tên họ và địa chỉ đấy. Tôi chỉ còn nhớ anh bộ đội ấy là Pu Sơn. Ngày xưa tôi có lần hỏi Pu Sơn quê ở đâu thì ông ấy nói quê ở Ninh Bình, miền Bắc Việt Nam. Bây giờ tôi cũng chỉ nhớ có như thế, liệu có tìm được không ?
          Quang vẫn nhiệt tình :
          - Hơi khó một tí, thưa Trung tướng, nhưng vẫn không sao. Tôi sẽ nhờ Tỉnh đội tìm cho, với lại ông già bố tôi cũng là lính tình nguyện hồi ấy, có thể nhờ ông hỏi thêm, nhưng mà ở Việt Nam thật ít người có tên đệm là Pu. Việt Sơn, Thanh Sơn thì nhiều chứ còn Pu Sơn thì hiếm, tôi chưa thấy bao giờ.
          Trung tướng Sầm-nang phá lên cười :
          - Chết thật thôi, tôi quên không nói cho Quang biết “pu” tiếng Campuchia là chú chứ không phải tên đệm đâu. Khi đó tôi còn trẻ hơn Quang bây giờ, tôi gọi ông ấy là Pu Sơn, nghĩa là chú Sơn.
          - À, ra là thế ! Trung tướng gọi bằng chú thì tôi phải gọi bằng bác, có phải không ạ ! Chắc bây giờ ông ấy đã già lắm, thời gian đi nhanh quá mà. Vâng, tôi sẽ nhờ hỏi xem ở Ninh Bình có bác Sơn nào là cựu quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia hay không.
          - Như thế thì tốt rồi, nhưng Quang đừng quên rằng tôi chỉ được ở Hà Nội có bốn ngày thôi đấy.
          Vào cuối ngày thứ hai, sau khi những cuộc làm việc và tiếp xúc đã kết thúc, Quang tìm Sâm-nang báo cáo, trông anh không được vui vẻ tươi tắn như thường ngày.
          - Thưa Trung tướng, tỉnh đội họ cho biết trong số cựu quân tình nguyện thì có 19 người đã tham gia chiến đấu ở Bát-đom-boong, trong số 19 người thì có hai người tên Sơn là các ông Nguyễn Việt Sơn và Đỗ Thanh Sơn hiện còn ở địa phương, một ông còn khỏe, một ông đã nghễnh ngãng…
          Sầm-nang ngắt lời viên sĩ quan liên lạc :
          - Nghễnh ngang nghĩa là gì, tôi không hiểu ?
          - Nghĩa là ông ấy đã yếu, bị nặng tai, nghe không được rõ nữa. Cả hai ông đều nói rất vui nếu được gặp Trung tướng nhưng họ không thể nhớ đã gặp Sầm-nang khi nào vả ở đâu vì họ không chiến đấu ở huyện Muông Rọ-sây. Có vài ba ông khác cũng đã chiến đấu ở Bát-đom-boong thời kỳ này nhưng sau khi giải ngũ thì đã đi các địa phương khác nên Tỉnh đội không còn nắm được.
          Thoáng một vẻ thất vọng trên khuôn mặt dạn dày sương gió của vị tướng Campuchia khi ông ngập ngừng hỏi :
          - Như thế nghĩa là không còn cách nào để tìm ra Pu Sơn nữa hay sao ?
          Quang không trả lời ngay được câu hỏi này. Anh nghĩ nếu nhờ vả, cố gắng lục soát, tìm kiếm thì rồi cũng tìm ra, nhưng việc đó đòi hỏi có thời gian trong khi Trung tướng Sầm-nang chỉ còn ở lại có một ngày một đêm nữa. Nghĩ như vậy nhưng Quang cũng không muốn nói với ông rằng ngay tức khắc thì không còn cách nào. Tuy còn trẻ tuổi nhưng Quang cũng  cảm nhận rõ và rất trân trọng niềm tâm sự và những tình cảm quý báu trong lòng vị Trung tướng, vì thế mà anh muốn chia sẻ với ông.
          - Cũng không phải đã hết cách đâu thưa Trung tướng, tôi sẽ đi hỏi thăm một số các chú các bác nữa xem sao.
          - Vậy thì lại phiền Quang hỏi giúp tôi, cố gắng nhanh nhanh nhé !
          Đêm ấy vị tướng Campuchia không ngủ được. Ông khoác chiếc áo dạ vào người rồi ra ngoài sân nhà khách đi bách bộ, vừa đi vừa rít thuốc lá. Công việc hàng ngày bận rộn và xô bồ với bao nhiêu là những toan tính chung riêng trên con đường theo đuổi binh nghiệp khiến Sầm-nang không mấy khi có thời gian điềm tĩnh nhớ về quá khứ. Vậy mà đêm nay, khi ông thả bộ trong sân nhà khách với điếu thuốc trên tay thì kỷ niệm những ngày đầu lại hiện về rõ mồn một. Lớn lên và tận mắt thấy những cảnh đói khát và đầu rơi máu chảy thời Pôn Pốt, lại là người nghiện thuốc lá, Sầm-nang thường có ý nghĩ so sánh là khoảng cách giữa sự sống với cái chết nhiều khi chỉ mỏng manh như một sợi khói thuốc, nếu như ở giữa núi rừng Bát-đom-boong vào cái đêm hôm ấy mà Pu Sơn không kéo ông qua vạch khói mỏng manh ấy, không đẩy ông về phía sự sống thì chắc chắn đã chẳng còn có ông trên đời này. Ông tự trách mình rằng đáng lẽ đã phải nhờ  tìm Pu Sơn trước chuyến đi, ngay từ khi ông còn ở Nông Pênh. Bây giờ chỉ còn có hơn một ngày ở Hà Nội, sao kịp ! Bây giờ bước từng bước một trong sân nhà khách vào đêm khuya vắng vẻ, quá khứ và hiện tại bỗng như trộn lẫn xoắn xuýt lấy nhau không thể tách bạch ra được khiến Sầm-nang vô cùng bối rối. Sầm-nang nhớ lại câu nói của Quang rằng  nếu ông gọi ông Sơn bằng chú thì Quang phải gọi bằng bác. Đúng như thế thật, thời gian trôi đi nhanh lắm, nếu như không nhân chuyến công tác này mà gặp được Pu Sơn thì rồi những ngày sắp tới công việc lại cuốn hút ông đi, biết đâu khi tìm lại thì Pu Sơn đã chẳng còn. Nghĩ như vậy vị Trung tướng thấy trong lòng dâng lên một nỗi buồn da diết, những người lính tình nguyện ấy bây giờ họ đang ở đâu và đang sống như thế nào ! Một cơn gió lạnh buốt táp vào cổ vào gáy Sầm-nang, lôi ông ra khỏi tình cảm bâng khuâng. Một ý nghĩ khác cũng cùng lúc chợt đến khiến ông phấn chấn hẳn lên : những người lính tình nguyện Việt Nam ấy ai mà chẳng là chú Sơn nhỉ ! Nghĩ như thế ông vội vàng rút điện thoại ra gọi cho sĩ quan liên lạc.
          - Anh Quang à, gọi khuya thế này anh đã ngủ chưa.
          - Tôi chưa ngủ thưa Trung tướng, có việc gì đấy ạ ?
          - Tôi nghĩ rồi, tuy không tìm được Pu Sơn nhưng tôi vẫn muốn gặp một số cựu chiến sĩ tình nguyện Việt Nam quê ở Ninh Bình là quê Pu Sơn ấy, anh thấy thế nào ?
          - Nhưng họ không chiến đấu ở huyện Muông Rọ-sây, thưa Trung tướng.
          - Chiến đấu ở Muông Rọ-sây với chiến đấu ở Campuchia thì có khác gì nhau đâu, họ đều là các Pu Sơn cả Quang ạ.  
          - Vâng, tôi hiểu, tôi thu xếp được, nhưng chắc là phải chiều muộn ngày mai vì còn phải đi đón họ, bây giờ họ đã có tuổi, đi lại chậm chạp rồi thưa Trung tướng.
          - Tôi biết, họ nhiều tuổi rồi, không tranh thủ gặp thì có khi không còn cơ hội nữa. Quang đã chẳng nói là thời gian đi qua nhanh lắm là gì !
          Buổi chiều hôm sau, theo đúng giờ hẹn, Sâm-nang và các đoàn viên khác đã  đợi ở phòng khách, ai cũng không giấu được vẻ sốt ruột mong chờ cuộc gặp gỡ tình nghĩa không có trong chương trình chuyến thăm này. Sâm-nang đứng ở cửa sổ, nôn nóng nhìn ra phía cổng nhà khách, mắt sáng ngời và nét mặt trở nên tươi rói khi thấy một chiếc xe du lịch màu bạc từ ngoài đi vào, các vị khách lần lượt xuống xe, một số người tự bước xuống trong khi mấy cậu lính trẻ phải đỡ những người khác. Sâm-nang thoáng ngạc nhiên khi không thấy Quang đi theo nhưng ông chắc chắn đoàn khách ấy chính là những người ông đang đợi nên chạy vội ra cửa đón cũng vừa lúc lễ tân dẫn đoàn vào tới. Ông chủ động ôm lấy từng người mà chào hỏi nhưng một vài vị khách khựng lại khi nhìn thấy trước họ là một vị sĩ quan đeo quân hàm Trung tướng. Đoán được điều băn khoăn đó, Sâm-nang tươi cười chào hỏi, thân mật kéo họ ngồi gần lại với mình. Ông chủ động gợi lại những kỷ niệm cùng quân tình nguyện chiến đấu tiêu diệt tàn quân Pôn Pốt ở Bát-đom-boong khiến các vị khách sôi nổi hẳn lên, bỗng như được thấy lại một thời oanh liệt.
          - Hồi ấy tôi mới chỉ mười lăm mười sáu tuổi thôi-Trung tướng Sầm-nang cảm động kể lại- tôi bị bọn Pôn Pốt thua trận bắt đem theo vào trong rừng. Bọn này là tàn quân, chịu đói chịu khát không được thời bắt tôi phải về làng tìm thức ăn cho chúng. Lúc ấy tôi chưa biết bộ đội Việt Nam là thế nào nên tôi sợ lắm, nhưng không đi thì bị chúng đập chết, chúng đã đánh tôi vỡ đầu, đến nay vẫn còn vết sẹo đây này. Mà không bị đập chết thì cũng chết đói thôi các chú ạ. Thế là tôi liều bò về làng, vết thương trên đầu nhiễm trùng tấy lên làm tôi sốt hầm hập, miệng khát bụng đói. Tôi bò lết như thế suốt đêm, khi đến gần nhà người quen ở đầu làng thì kiệt sức, vết thương và cái đói từ bao hôm quật tôi ngã xuống, bất tỉnh, trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ láng máng ý nghĩ thế là chết rồi. Sau đó tôi mơ màng biết có người đã bế tôi vào nhà, cho tôi húp nước cháo, chăm nuôi tôi đến hai ngày sau thì tôi tỉnh lại. Vừa tỉnh dậy tôi đã định bỏ trốn vì tôi còn đang rất sợ, thế nhưng người bộ đội Việt Nam bón cháo cho tôi cứ cười tươi động viên tôi, nói tiếng Khơ-me còn chưa sõi nhưng trong giọng nói có cái gì làm cho tôi yên tâm. Thế là khi tỉnh hẳn tôi nhất quyết xin theo làm liên lạc, dẫn đường  cho bộ đội Việt Nam vào rừng vận động bọn Pôn Pốt ra hàng. Người cho tôi uống nước cháo, cứu sống tôi hôm đó rồi sau dìu dắt tôi là Pu Sơn mà hôm nay tôi chưa được gặp.
          Sầm-nang vừa kể đến đó thì có tiếng gõ cửa rồi cửa bật mở. Mọi người nhìn ra thấy Quang dẫn theo một ông già cụt tay, chạc ngoài sáu mươi, lưng còng, tóc bạc trắng, dáng đi yếu nhưng ánh mắt sáng ngời và nụ cười rạng rỡ. Nụ cười ấy như một luồng điện ấm áp truyền sang Sầm-nang, ông vội đứng bật dậy, chạy ào đến ôm chầm lấy ông già, reo òa lên :
          - Pu Sơn ! Pu Sơn đến rồi !
          Ông Sơn cũng ôm lấy Sâm-nang bằng cánh tay phải, cảm động và trìu mến vỗ vỗ lên vai anh trong khi tất cả mọi người trong phòng cùng đứng lên vỗ tay hoan hô rào rào.
          - Tôi còn nhớ nhiều tiếng Campuchia đấy nhé, Trung tướng vẫn gọi tôi bằng “pu” à ?
          - Chú mãi là Pu Sơn của cháu mà !
Sâm-nang lặng đi khi đụng vào cánh tay cụt của ông Sơn, ngạc nhiên hỏi :
          - Khi chia tay cháu chú đâu có bị cụt tay ?
          Mọi người đỡ ông Sơn ngồi vào ghế trước khi ông thong thả kể :
          - Sau cái trận mà một mình Sầm-nang diệt được bẩy tên Pốt ấy, có nhớ không, thì chú chia tay đơn vị để về Puốc-sát, đến đây thì đụng Pốt, choảng nhau một trận, nó tương vào tay chú, không giữ được, phải cắt bỏ ở Nông Pênh. Trông Sầm-nang trẻ khỏe quá, mừng quá.
          Nói đến đây bỗng ông cười phá lên rồi ngập ngừng :
          - Từ nãy đến giờ vui quá, cứ quen như trước chú chú cháu cháu, bây giờ Sầm-nang là tướng, chú biết xưng hô ra sao đây.
          - Đâu có gì chú, mọi cái có thể thay đổi nhưng tình nghĩa chú cháu mình thì sao có thể khác được.
          - Ờ, Sầm-nang nói đúng quá.
          - Vậy bây giờ chú sống thế nào, con cháu ra sao ?
          Đến lúc ấy ông Sơn mới nhớ ra, đưa mắt tìm Quang. Viên sĩ quan liên lạc trẻ đang đứng ở góc phòng thấy ông Sơn gọi liền chạy tới.
          - Đây, xin giới thiệu với Trung tướng, con trai út của chú đây, có ngạc nhiên không ?
          Thật quá bất thình lình đối với vị tướng Campuchia, quả là khó tin khi câu chuyện lại xoay chuyển một cách bất ngờ như thế.  Thấy rõ vẻ ngỡ ngàng trong ánh mắt của Sẩm-nang và của mọi người, ông Sơn vội kể :
          - Chính tên tôi là Tùng, đệm là Sơn, Sơn Tùng mà, nhưng khi đi bộ đội thì lấy tên hiệu là Sơn nên anh em  Campuchia thường gọi thân mật là Pu Sơn. Khi giải ngũ thì tôi về quê vợ ở Tuyên Quang, đẻ thêm thằng Quang ở đấy. Mãi đêm hôm qua thằng Quang mới gọi điện hỏi tôi liệu có biết ai là Pu Sơn đánh nhau ở Muông Rọ-sây không thì tôi bảo nó là bố chứ còn là ai. Quang nhắc đến  Sâm-nang là tôi nhớ ra ngay.
          Nói đến đây ông Sơn quay sang Quang bảo anh đưa cho ông một bức ảnh, giơ cho Sầm-nang xem và nói :
          - Đây là bức ảnh mà một nhà báo chụp được trước khi tôi về Puốc-sát, tôi ngồi còn Sầm-nang đứng bên cạnh, vừa bé vừa gầy đây này. Lúc ấy tôi còn nguyên hai tay.
          Nước mắt lăn tròn trên má vị tướng Campuchia khi ông xem bức ảnh nhiều chỗ đã bị thời gian làm ố. Ông cảm động kéo Quang vào gần và nói, vừa như với Quang vừa như với chính mình :
          - Chú nhờ Quang ra hiệu làm lại bức ảnh này, in thêm để chú đem về cho các con chú xem. Những chuyện thế này không đem kể lại thì về sau làm sao các cháu biết được.
          Quang thật vui khi nhận ra lần đầu tiên trong đợt công tác vị Trung tướng Campuchia gọi anh bằng cháu xưng chú. Anh nắm chặt tay ông và nói :
          - Vâng, cháu sẽ làm ngay thưa Trung tướng.
          Sầm-nang lấy khăn lau nước mắt còn đọng trên má, tươi cười nói với mọi người : 
          - Hôm nay là ngày gặp mặt vui vẻ, đề nghị các chú các bác chúng ta răm-vông đi, nào âm nhạc hãy nổi lên !
          Theo tiếng nhạc, những chiến binh tình nguyện năm xưa  vào cuộc răm-vông cũng thoải mái, tự nhiên và vui vẻ như ngày nào. Pu Sơn múa cùng Trung tướng Sầm-nang, ông chỉ múa bằng tay phải, bàn tay già nua vẫn rất dẻo, những bước chân cũng uyển chuyển theo nhịp răm-vông, nhẹ tênh, phiêu diêu đưa đẩy ông trở về những kỷ niệm của một thời.



         
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét