Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Tản mạn tháng 9 năm 2012

Tô Văn Trường
Phê phán sâu sắc là thuộc tính cơ bản của việc bảo vệ tính khoa học chân chính. Đối với bất cứ hệ thống vận động nào không dựa vào quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội đều trả giá đắt.
Trên mạng đang loạn các thông tin là những điều lâu nay dư luận vẫn tranh luận. Có những thông tin có thể kiểm chứng, một số thì chưa nhưng phần lớn các băn khoăn là có thật và ai cũng thấy là có căn cứ. Tình hình hiện nay đang như một  bài toán chưa có lời giải. Nhìn vào các ngóc ngách nào của bức tranh kinh tế xã hội hiện nay, những người có tâm với cuộc sống, con người và đất nước đều cảm thấy rất ưu tư, lo lắng.
Ngay cả những “thảo dân” làm nghề lái xe ôm, tắc xi hay bà nội trợ cũng cảm thấy rất rõ các dấu hiệu của các “cơn bão” của thời cuộc đang thổi chạm cả tới “số phận bé nhỏ” của mình ( thường thì bão đâu có chạm tới cỏ!). Trong “triều chính” chắc là người ta còn thấy rõ hơn nhiều. Nhiều bài viết của các chuyên gia, trí thức tâm huyết với đất nước cho thấy nhiều vấn đề lớn đang đặt ra rất ngổn  ngang và chồng chéo.
Chuyện lớn nhất chắc là vấn đề Trung Quốc. Cái này đúng là “vừa cơ bản, vừa cấp bách” rồi, do ta đã không xử lý đúng tầm trong  một thời gian dài. Ràng buộc khó thoát ra nhất lại là ý thức hệ khiến cho trong con mắt công luận Việt Nam đang bị hút vào vòng xoáy của Trung Quốc. Có điều là có vẻ chỉ có Việt Nam ta là tự ràng buộc bởi những điều đã cam kết còn Trung Quốc thì thoả sức muốn làm gì thì làm. Người dân Việt Nam nhớ rõ ngay từ thời xưa bàn tay thao túng của người “bạn vàng”  đã nham hiểm vô cùng, nó đã tạo được tình thế ngoại giao để nước ta bị chia cắt ra thành hai miền tại hội nghị Gioneve. Nó đẩy được chúng ta vào cuộc chiến tranh tương tàn hao người tốn máu, nó đẩy được Mỹ vào thế sa lầy ở Việt Nam. Nó nuốt Hoàng Sa ngon như múi mít của ta, nó đánh ta ở cả hai đầu khi ta thống nhất được đất nước, nó có cả một chiến lược phải nắm được đầu ta từ hàng ngàn đời rồi. Bây giờ,  nó đang dùng mọi cách nô dịch ta tức là nó đẩy sự nham hiểm ngày càng thâm sâu hơn, không chỉ là làm chủ một hòn đảo mà làm chủ cả hình chữ S bằng biện pháp quyền lực mềm.
 
Có lẽ chỉ có tập hợp được trí tuệ và sức mạnh dân tộc ( cả trong nước và hải ngoại) thì người Việt Nam mới đủ sức đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để tập hợp được trí tuệ và sức mạnh của cả dân tộc lại liên quan đến “hệ điều hành”.
Các vấn đề  xảy ra ở cấp độ ngành, lĩnh vực, địa phương mà sờ vào đâu cũng thấy cũng lại do hệ điều hành là chính. Một ví dụ dễ thấy là các công trình xây dựng hầu như rất khó để có được một công trình không có vấn đề, giống như Tôn Ngộ Không dù có biến hoá thế nào cũng không dấu được cái đuôi!
Các thiên tai và nhân tai khác mà báo chí viết phản ảnh hàng ngày, các chuyên gia cũng đã phân tích khá nhiều. Thực ra, càng nói ra càng thấy rối như tơ vò. Trong đó nổi lên tình hình chung thì đời sống vật chất có vẻ tiện nghi hơn nhưng đời sống tinh thần và chất lượng con người thì lại đang đi xuống.  Nhiều giá trị dân tộc truyền thống tốt đẹp đang bị xói mòn nhanh chóng, trong khi các giá trị văn minh mới ít và chậm được hình thành và phát triển. Niềm tin giữa các con người với con người, giữa công dân và nhà nước đang rạn vỡ. Người già nuối tiếc xót xa, người trẻ ngơ ngác không biết hướng về đâu.
Để khắc hoạ đầy đủ và sâu sắc chắc cần một công trình nghiên cứu của một tập thể chuyên gia nhưng những biểu hiện lâm sàng thì ai cũng dễ dàng cảm nhận.
Trước tình thế hiện nay, để ổn định và phát triển đất nước thì có muôn vàn việc cần làm mà đã có rất nhiều hiến kế cho nhà nước. Về cơ bản, bệnh đã rõ, thuốc cũng không phải khó tìm (nhà nước pháp quyền + kinh tế  thị trường+ xã hội dân sự) nhưng trở ngại là thuốc “đắng quá", đắng đến mức không uống được. Nếu như giữ nguyên Hệ điều hành không thay đổi thì ai làm Thủ tướng cũng không thay đổi được nhiều. Ngay cả thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm được rất nhiều việc được lòng dân cũng chỉ là các việc làm giải quyết tình thế!
Mới đây, đại tá nhà báo Bùi Văn Bồng gọi điện trao đổi về cảm nhận kết quả của việc thực hiện Nghị quyết trung ương 4, tôi trả lời tất cả những suy nghĩ của mình đã viết lần trước trong bài “Lạm bàn về giải pháp thực hiện Nghị quyết Trung ương 4”(*). Công tâm mà nói Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nói rõ và đầy đủ hơn một cách công khai, khuấy động dư luận, còn các kỳ trước không giữ kín nhưng cũng không tuyên truyền rộng rãi bằng kỳ này.
Tôi có người bạn đương kim là thứ trưởng, khi còn đang giữ chức Cục trưởng của một bộ lớn,  có lần kiểm điểm nhận sự  phê bình góp ý trước các đảng viên trong đơn vị, ông phát biểu mở đầu rất công khai, thật thà nguyên văn như sau :”Tôi có khuyết điểm rất lớn là thù dai, nhớ lâu…” .  Kết quả kiểm điểm ra sao, chắc mọi người cũng hình dung  được, không cần bình luận.  Nhớ lời Phật dạy :Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác. 
Về kinh tế, có vấn đề thời sự là khủng hoảng trong ngành tài chính ngân hàng . Sau khi  bầu Kiên bị bắt đến lượt ông Trần Xuân Giá nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng ACB (cựu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch& Đầu tư ) chính thức bị khởi tố gây xôn xao trong công luận.  Trước khi bị khởi tố, ông Trần Xuân Giá nói với phóng viên ngày 21-9 rằng,  ông có bảo bối để bảo vệ mình. Bảo bối của ông  là cái mà pháp luật không có quy định, không cấm thì doanh nghiệp và người dân được làm. Ông chính là “cha đẻ” của Luật Doanh nghiệp nên ông hiểu rõ người dân  được phép làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm! Không chỉ ở trong nước mà  báo chí nước ngoài cũng rất quan tâm đến sự kiện nói trên. AFP ngày 27/9/2012 đăng tin “ Vietnam probes ex-minister as banking scandal grows”.
Ông Trần Xuân Giá có tội hay không có tội phải chờ ra tòa mới biết được. Trong mail của Anh Nguyễn Tư Siêm bình luận nguyên văn như sau: “Bác Trần Xuân Giá nói đúng như định đề Euclit ấy. Song còn cái này nữa cơ: Theo qui định thì các ngân hàng không được gửi tiền có kỳ hạn vào ngân hàng khác (chỉ được phép mở tài khoản thanh toán, tài khoản vãng lai thôi, lãi suất nhận được rất thấp). Nhưng bác Trần Xuân Giá cho phép rút 718 tỉ đồng của ACB gửi sang Viettinbank để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của ngân hàng nhà nước, phần chênh lệch giữa 2 lãi suất này không đưa vào sổ sách ngân hàng, mà đưa vào túi riêng của các lãnh đạo, bồi dưỡng tí chút cho các cá nhân đứng tên giùm. Số tiền này lại được chuyển vào tài khoản của đối tượng lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như (tổng khoản lừa đến 4.000 tỷ). Vậy, bác Giá có lấy cái định đề trên ra mà biện minh được không thì...tùy bác. Dạo ở Liên Xô, biết bác Giá học Plekhanov, hùng biện lắm. Nếu ra tòa bác ấy có khả năng tự biện hộ như Dmitrov hay Fidel Castro ấy chứ chả chơi. Chờ xem.”
          Theo tôi hiểu,  ông Trần Xuân  Giá đã làm sai bởi vì tại sao không làm với danh chính ngôn thuận là bỏ tiền vào ngân hàng khác để ăn lãi cao hơn (họ dùng tiền làm chuyện gì đó như cho vay với tiền rồi trả lãi cho mình thì là chuyện bình thường).  Nhưng vấn đề ở chỗ là tại sao lại phải phân nhỏ ra rồi giao cho 19 người, đem đưa cho thủ quĩ bên kia và không ghi chính thức? Rõ ràng là kiếm cách che dấu việc làm của mình. Nhưng nếu đây là sai sót để có lãi cao hơn nhà nước qui định thì là chuyện nhỏ như con thỏ so với việc tìm hiểu đánh giá hệ thống ngân hàng có vấn đề nợ xấu cao như hiện nay? Việc một công ty vô danh tiểu tốt phát hành trái phiếu là chuyện lớn. Ai mua trái phiếu này?  Ngân hàng nhà nước có mua không? Ngân hàng này mua ngân hàng khác (tức là làm chủ cổ phiếu) như thế nào? Doanh nghiệp sử dụng ngân hàng ra sao? Có luật lệ gì kiểm soát không? Ngân hàng cho bà con anh em của những người có cổ phần lớn mượn, hay doanh nghiệp con của tập đoàn làm chủ mình vay với mức độ như thế nào? Ngân hàng cho vay dựa vào chỉ thị của quan chức nhà nước ra sao?  Có hàng loạt vấn đề “tử huyệt” của tài chính ngân hàng lớn hơn rất nhiều so với cái sai của ông Giá!  Ngay cả bản kết toán tài sản tổng quát nhất của hệ thống ngân hàng cũng không có, thì khó lòng mà phân tích cho nên việc khủng hoảng tài chính ngân hàng không có gì lạ! Kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng ngân hàng vẫn lãi khủng chắc chắn là lãi ảo. Nhóm lợi ích ngân hàng mặc sức làm mưa làm gió, “sở hữu ngân hàng đại gia mặc sức điều vốn” lỗi tại ai nhỉ?
          Hơn tuần nay, bận nhiều với công việc chuyên môn nhưng  về khuya, tôi vẫn dành khoảng 1 tiếng  để đọc 2 tập tiểu thuyết “LŨ” của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung.  Tiến sĩ, Luật sư Kim Chi còn tận tụy, cẩn trọng, trực tiếp sửa các lỗi đánh máy vào bản thảo lần này như người thợ làm nghề đánh bóng viên ngọc quý làm cho nó sáng lên thêm.  Để làm việc này, càng giúp cho người đọc được đọc tác phẩm kỹ lưỡng, và được thấm thía những tâm sự về sự đời được Nguyễn Trung chắt lọc cho vào trang viết.
          Tiểu thuyết "Lũ" 2 tập  của Nguyễn Trung là phần tiếp theo của cuốn “"Dòng Đời" gồm 4 tập: I-Dòng xoáy, II-Nước đứng, III-Lõm nước, IV- Triều Dâng. "Dòng đời" viết xong năm 2005, có thể đọc lời bình của Trần Bạch Đằng và Cao Huy Thuần là rõ nhất vì đã được thời gian soi rọi. Người đọc có cảm tưởng về cái "Lũ" thác loạn của lũ người bị quyền lực tha hóa, biến chất, vừa có cái "lũ" mơ ước về  một cuộc cải cách chính trị mạnh mẽ như  thác đổ cho đất nước. Trước "Dòng đời",  Nguyễn Trung còn có tác phẩm "Hiến Dâng” được ông  Trần Quang Cơ đánh giá : "Ngay trong khi viết và cho trình làng cuốn “Hiến dâng”,  Nguyên Nguyên  đã thai nghén một “Dòng đời” với những ý tưởng mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn, rộng rãi hơn. Một “Dòng đời”hiện thực mà anh có thể gửi gắm vào đó cả tâm huyết mình đối với đất nước và con người Việt Nam". (Nguyên Nguyên là bút danh của Nguyễn Trung). Đọc phê bình của Cao Huy Thuần ta thấy suy nghĩ của Nguyễn Trung có nhiều nét rất giống cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nghĩ về cuộc chiến huynh đệ tương tàn: "Phải có một cái tâm rất lớn đối với dân tộc, tác giả mới thốt lên qua miệng một nhân vật trong truyện, ông Lễ, một câu chưa từng nghe ai viết:Đất nước đã thắng chiến tranh này rồi mà anh chưa thắng được em”.(Ông Lễ là đại tá trong quân đội Sài Gòn. Ông nói câu đó với người anh ruột, ông Nghĩa, đại tá trong Quân đội nhân dân)".
Trần Bạch Đằng cùng chung ý nghĩ khi phân tích "Trên tất cả, như tác giả đã gửi gắm qua nhân vật của mình, là nỗi lo day dứt làm sao tránh cho đất nước “...bi kịch lớn nhất của cuộc đời ở mọi quốc gia thường là thắng lợi của một cuộc cách mạng trở thành một thứ chiến lợi phẩm! Kẻ thắng xô sát nhau chia quả thực! Ai nhặt được cái gì thì nhặt! Ai giành được cái gì thì giành!..” (tập II).".
          Giáo sư  Nguyễn Huệ Chi đánh giá :” Anh Nguyễn Trung từ thuở "Thời cơ vàng" với tôi đã là một nhân vật có nhãn kiến phi thường. Thuở ấy, lòng anh còn chất chứa vô vàn niềm tin và có sáng kiến đưa ra dự báo về một triển vọng tốt đẹp - nếu biết chọn hướng đi - để người chấp chính có tầm nhìn sẽ có cơ hội nắm lấy. Lúc đó chúng tôi không mấy tin tưởng những gì anh tiên liệu sẽ ứng nghiệm, nhưng lòng tin vào phẩm chất trước sau như một của con người anh ấy thì vững chắc. Quả nhiên, sau "Thời cơ vàng" một thời gian, anh có tiếp "Hiểm họa đen" (Thời cơ vàng gắn với hiểm họa đen) và lúc này thì mặt bằng nhận thức chung của anh đã được... "kéo xuống" gần với nhiều trí thức trong nước, trong đó có chúng tôi. Gần đây, trong buổi họp mặt nhân 80 năm sinh anh Nguyên Ngọc, qua lời phát biểu của anh Nguyễn Trung , càng thấy rõ sự "hội nhập" giữa anh Trung với các trí thức khác là hết sức rõ ràng. Có thể nói trí thức trong nước - tất nhiên nói trí thức là nói đến một phân số nào đấy mà ta có thể mặc định với nhau - đang ở trên một chỗ đứng trong cách nhìn thời cuộc hôm nay. Duy ở một người như anh Nguyễn Trung , đang từ "thời cơ vàng" tuột xuống... "lũ" thì phản động lực ở bên trong anh mạnh hơn người khác rất nhiều. Và đó là điều để càng quý anh hơn. Tuy nhiên, như tôi cũng phát biểu trong cuộc họp mặt đã dẫn, tôi có nói đến một thế hệ "cây xà nu thất bại", anh Nguyên Ngọc và anh Nguyễn Trung không đứng ra ngoài thế hệ ấy, mà hình như chúng ta - tôi chỉ nói lứa tuổi như tôi - cũng đang mấp mé bước vào... sự "khanh vùng" (circonscrire) mà thế hệ ấy vô hình trung đã tự vạch ra. Đó là bi kịch có tính thời đại mà hình như ai cũng bất lực trong việc giải quyết nó, bởi đây là bi kịch, chứ nếu là hài kịch thì chỉ vui vẻ tiễn đưa nó đi là xong. 
 
Viết đến đây, bên tai vẳng vẳng tiếng trống, tiếng cười từ ngoài phố của các cháu thiếu nhi chuẩn bị đón tết Trung thu nhưng không hiểu sao  tôi lại có cảm giác buồn lặng. Phải chăng người lớn tuổi, biết ngồi THIỀN sẽ tìm được niềm vui khi thấy mình hết nông nổi, biết nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn. Liệu các nhà trí thức có thuyết phục nổi các vị chức sắc về một lối thoát khả dĩ cho đất nước, và thuyết phục bằng cách nào hay lại phải sử dụng  lý thuyết “vũ khí phê phán” của Lê Nin?

 TVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét