Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

"Ngược dòng thời gian" : tự truyện của ông Trần Quang Cơ


Tôi vừa được ông Trần Quang Cơ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao tặng cho cuốn “Ngược dòng thời gian” là cuốn tự truyện của ông. Bìa sách đẹp giản dị, có in ảnh của ông chắc là đang phát biểu ở diễn đàn Liên hợp quốc. Sách đẹp nhưng in ít, chỉ đủ để tặng cho con cháu trong nhà và bạn bè thân quen. Ông bảo : Tập tự truyện này viết ra coi như để ghi lại cuộc đời ông, những mẩu chuyện trong đó toàn là sự thật, cũng như các suy nghĩ và tình cảm trong sách cho đến nay ông vẫn  suy nghĩ như vậy.
Tôi đã cùng tác giả lội “Ngược dòng thời gian” để trở về miền kỷ niệm, đã bắt gặp một Trần Quang Cơ thời thơ dại, cậu bé Trần Quang Cơ sớm mồ côi cha mẹ nhưng được sống đùm bọc trong tình yêu thương chăm bẵm của các anh, các chị; một Trần Quan Cơ thời niên thiếu, nghịch ngợm nhưng thông minh, hay quan sát, suy ngẫm và lý giải; một Trần Quang Cơ thanh niên lăn lộn với những chuyển biến của thời cuộc để cuối cùng đã gặp gỡ cách mạng tháng Tám và sớm “nhập cuộc” với bầu máu nóng của trái tim tuổi 20, một Trần Quang Cơ yêu đương với chiếc khăn của vợ tặng có thêu ghép hai chữ C V(Cơ Vượng)  thành hình trái tim. Và cuối cùng là một Trần Quang Cơ-nhà ngoại giao, với những người làm việc cùng thời với ông thì đấy là một Trần Quang Cơ thủ trưởng-đồng nghiệp-anh em hòa lẫn với nhau làm một, cùng với một đời “chinh chiến” đối ngoại tạo nên một khuôn mặt không thể phai mờ của ngành ngoại giao Việt Nam.
Hình như để lý giải phần nào cái lý do, cái lẽ ông viết cuốn tự thuật, trong lời mở đầu ông viết :”Người già thường hay sống với quá khứ, nghĩ về quá khứ”. Tôi nghĩ, trong lý luận văn chương thì cái “sống với quá khứ, nghĩ về quá khứ” của người già chính là cái trở về nguồn, trở về nguồn theo nghĩa nhân văn. Đấy là cái cách sống của người già để “đi tìm lại thời đã qua” ( A la recherche du temps perdu), và trong cái cuộc tìm kiếm lại chính mình này, người ta mong tìm thấy và có thể tìm thấy những viên kim cương lấp lánh của trí tuệ, nói quá lên một chút thì  những viên kim cương này chính là những xá lỵ tinh thần đã được gạn lọc tinh kết của cả một đời từng sống. Cho dù là lối viết có văn chương hay đơn giản thì cũng vẫn lồ lộ lên những trải nghiệm, lồ lộ những sự việc mà cuối cùng chỉ còn trần trụi là sự thật (transparence). Ông viết “Vì quá khứ dù đã theo dòng chảy của thời gian đã qua đi rồi nhưng đó là sự thật. Sự thật sống động, với những hình ảnh cụ thể, khác với tương lai”. Đấy chính là cái giá trị của Tự truyện ông muốn để lại cho đời.
Đúng như ông nói, người già thì hay nghĩ về quá khứ. Từ khi tôi về hưu, mỗi khi đi ngang qua Bộ Ngoại giao, tôi cứ thấy có một tình cảm bâng khuâng, cứ nghĩ như là mình có thể gặp đâu đó trước cổng Bộ những anh em đồng nghiệp một thời. Khi tôi đọc Ngược dòng thời gian thì tôi cũng có cái tình cảm ấy, đọc cuốn sách mà như mình đứng trước cổng Bộ là nơi gắn bó cả đời làm việc của mình. Quả thật là ẩn hiện  trong những dòng chữ, những con số về ngày tháng, tôi đều có thể gặp một cái tên quen thuộc, một  sự kiện quan trọng có ảnh hưởng tới những bước ngoặt của đất nước mà còn ít được nói đến, và, ở một góc một phần nào đấy của từng sự việc sự kiện thì đều có thể thấy được dáng dấp của một thời mình từng sống. Có thể chính là điều đó đã đem đến cho tôi tình cảm xúc động thật sự khi đọc Ngược dòng thời gian.

Tôi cứ tự hỏi làm sao ông có thể hoàn thành được cuốn sách trong điều kiện sức khỏe của ông “đã già lại bệnh tật” ! Làm sao ông có thể vượt lên trên tuổi tác và ốm đau để viết ra những trang đau đáu sự đời và nồng nàn một tình yêu thương gia đình và bạn hữu đồng nghiệp như vậy ! Câu trả lời chỉ có thể là sự dâng hiến, con tằm đang cố gắng nhả hết tơ. Cho đời là những suy ngẫm và tâm sự thời cuộc. Cho các thế hệ hậu duệ của Bộ Ngoại giao là những tình cảm nghề nghiệp nồng nàn và những bài học nghiệp vụ quý giá. Và ông làm được việc đó cũng còn nhờ ở người “chống lưng” cho ông (chống lưng là nói theo cách nói bây giờ) mà trong suốt cuốn sách ông chỉ viết vỏn vẹn bằng độc một từ : Vượng. Một từ nhưng mà đủ hết cả. Ông viết trong lời kết : “Nhất là nhờ có sự thông cảm và chăm sóc tận tình của vợ tôi, vì thế tôi mới hoàn thành được tập tự truyện này”.
          Tôi đã xin phép ông được giới thiệu cuốn sách. Ông bảo sách đã tặng cho tôi thì tùy tôi sử dụng. Được lời ấy, tôi xin giới thiệu với bạn bè Lều văn, nhất là các bạn sinh viên trẻ trong Học viện Ngoại giao, hai chương là “VÀO NGÀNH NGOẠI GIAO” và “5 NĂM TRONG ĐOÀN ĐÀM PHÁN VỚI MỸ TẠI PARIS”.
                                                              Thăng Sắc

              VÀO NGÀNH NGOẠI GIAO (1954-1997).

          Tháng 10 năm 1954, tôi trút bộ quân phục - bộ đại cán 4 túi – sau  khi nằm chờ duyệt quy chế chuyển ngành tại Tạm trú xá của quân đội đặt ở Tu viện Liễu Giai (nay thành một khách sạn tại phố Đội Cấn, Hà Nội) hơn tuần lễ.

Về Hà Nội, tôi mới gặp lại các anh tôi. Điều đáng mừng là trong kháng chiến cả 6 anh em trai không một ai theo địch. Anh cả tôi, Trần Quang Đình, trong kháng chiến làm ủy viên ủy ban kháng chiến tỉnh Phúc Yên rồi chuyển lên ủy ban kháng chiến tỉnh Tuyên Quang. Anh Liêm làm ty Thông tin Thái Nguyên. Anh  Đẩu là đại tá ở Cục Quân lực  Bộ Tổng Tham Mưu. Anh Khuê công tác  ở ngành Công An. Riêng anh Bích là dân thường bị địch càn bắt được đem giam ở trại giam Nhà Tiền Hà Nội, sau được chị Mận xin bảo lãnh để Pháp thả ra.
Sau khi một nửa đất nước được giải phóng, đội ngũ cán bộ ngoại giao cần được bổ sung gấp những anh em có đôi chút khả năng về đối ngoại, mà địch vận cũng có hơi hướng đối ngoại.
Từ Địch vận chuyển sang Ngoại giao, trước hết là anh Phan  Hiền. Hình như do anh Phan Hiền giới thiệu, tôi được điều động sang ngành Ngoại giao cùng với các anh Phan Kế Định, Phùng Mạnh Cung, Hoàng Quang . . Sau đó còn có anh Lưu Văn Lợi, anh Hoàng Mười, anh Đặng Nghiêm Bái, ...
Tôi về Bộ Ngoại giao với số vốn còm về tiếng Pháp của trường trung học hồi Pháp thuộc và lõm bõm tiếng Anh tự học. Khi đó Bộ Ngoại giao mới chỉ có 3 vụ khu vực (và một vài vụ nghiệp vụ) : Vụ Châu Á do bác Ca Văn Thỉnh, rồi anh Lê Lộc làm vụ trưởng; Vụ Xã hội chủ nghĩa do anh Nguyễn Thanh Hà làm vụ trưởng; Vụ Tây âu do anh Phạm Ngọc Thuần làm vụ trưởng. Ngoài ra, có các vụ ngiệp vụ : Vụ Tổ chức Cán bộ do anh Nguyễn Ngọc Uyển làm vụ trưởng, Vụ Lễ tân do anh Vũ Đình Hùynh làm vụ trưởng và anh Đặng Chấn Liêu làm vụ phó, Vụ Lãnh sự do anh Vũ Hoàng  làm vụ trưởng.
Tôi được phân về Vụ Châu á. Mới đầu tôi là chuyên viên, sau giữ chức trưởng phòng Ấn – Miến (Myanmar)-Nam Dương (Inđônêxia).
THAM GIA ĐOÀN VIỆT NAM HỌP HỘI NGHỊ 
Á-PHI LẦN I
(BĂNG-ĐUNG)
Tháng 4 năm 1955, với tư cách là chu)tên viên phòng ấn độ Miến điện- Nam dương, tôi được tham gia đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu, có nguyên bộ trưởng Ngoại  giao Hoàng Minh Giám làm phó đoàn, đi dự Hội nghị Á- Phi lần
thứ nhất ở Băng-đung (Inđônêxia). Vì lâu ngày tôi không nhớ hết,
chỉ nhớ trong đoàn có các anh Hoàng Văn Đức, Việt Phương,Ngô
Điền,Vũ Minh,...
Khi đó nước ta chưa có máy bay nên phải thuê một máy bay hai động cơ của Ấn Độ chở đoàn ta sang Gia-các-ta. Sau khi ghé thăm thủ đô Rangoon của Miến Điện một ngày, rồi lại bay tiếp sang Gia- các-ta. Lúc máy bay bay qua biển Đông, gần tới hải phận Inđônêxia thì hỏng một động cơ. Lúc đó tôi bất chợt nghĩ tới một sự cố xảy ra cách đó một tuần cũng trên biển Đông này, khi chiếc máy bay chở các nhà báo quốc tế từ Hồng Công sang Inđônêxia để đưa tin về Hội nghị Băng-đung đến giữa biển Đông thì bỗng nổ tung trên trời. Trong số nạn nhân có anh Tống Minh Phương, tùy viên báo chí của sứ quán ta Ở Bắc Kinh. Lấn đầu ra nước ngoài và cũng là lần đầu đi máy bay, tâm trạng tôi lúc đó có phần lo lắng nhưng thấy mọi người đều bình thản nên tôi cũng yên dạ. Thế rồi mặc dù động cơ có trục trặc, phi hành đoàn vẫn bình tĩnh đưa máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Sukarno-Hatta ở Gia-các-ta.
Đến Băng-đung đoàn được nhân dân địa phương bên ngoài
cũng như đại biểu các nước đón chào nồng nhiệt. Đón chào Việt
Nam như lá cờ đầu của phong trào giải phóng dân tộc với chiến
thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng.
Hội nghị họp từ ngày 18  đến ngày 25 – 4 - 1955 . Cũng là những ngày làm việc căng thẳng của đoàn, nhất là bác Phạm Văn Đồng và bác Hoàng Minh Giám . Ngoài việc tham dự các phiên họp toàn thể, các bác còn tranh thủ tiếp xúc với trưởng đoàn các  nước, nhất là các lãnh tụ nổi tiếng của phong trào giải phóng dân tộc hồi bấy giờ như Nehru của ấn Độ, Sukarno của Inđônêxia, Chu Ân Lai của Trung  Quốc, Nasser của Ai-cập,...
Chuyến đi công tác đó đối với tôi cũng coi như một lớp học vỡ lòng ngắn ngày về ngoại giao.

TRONG ĐOÀN BỘ NGOẠI GIAO ĐI THĂM
TRUNG QUỐC
Tháng 5 năm 1956, Bộ trưởng Ung Văn Khiêm dẫn đầu đoàn cán bộ BỘ Ngoại giao Việt Nam sang Trung Quốc theo lời mời của BỘ Ngoại giao Trung Quốc. Trong đoàn có anh Nguyễn Thanh Hà, vụ trưởng Vụ các nước xã hội chủ nghĩa, anh Vũ Đình Huỳnh, vụ trưởng vụ Lễ Tân, anh Vũ Hoàng, vụ trưởng vụ Lãnh sự, anh Nguyễn Ngọc Uyển, vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ, chỉ có anh Nguyễn Việt và tôi là cấp trưởng phòng. Còn có anh Đạt và anh Phách, Hoa kiều nhưng là cán bộ ngoại giao Việt Nam, đi dịch
cho đoàn.
Sau một thời gian ở Bắc Kinh làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bạn đã tổ chức cho đoàn đi tham quan các danh lam thắng cảnh ở Bắc Kinh và quanh đó : CỐ Cung, Di Hoà Viên, Thiên Đàn, Địa Đàn, Vạn Thọ Sơn, Thập Tam Lăng, Vạn Lý trường thành. . . rồi đã tham quan thành phố cảng Thiên Tân. Bạn chiêu đãi rất hậu hĩ – vì thời kỳ đó quan hệ răng-môi còn mật thiết, răng chưa cắn vào môi. Có bữa ăn ở Thiên Tân có tới gần 30 món, ăn xong 15 món, rồi đến món chè, tưởng rằng bữa ăn đã kết thúc nhưng không phải! Trong các món ăn Tàu, tôi khoái nhất là món vịt quay của Bắc Kinh và món bánh bao "cẩu pú lì (tức là "chó không rời" (chắc vì bánh bao ngon quá!) của Thiên Tân. Tôi và một vài anh em nài anh Khiêm gợi ý với bạn cho đi thăm Thượng Hải, song anh Khiêm không muốn phiền bạn nên không đồng ý.
                                                          *
                                                     *         *
Tháng 2 năm 1957, tôi lấy vợ. Chúng tôi quen nhau và gần nhau vì cùng công tác ở Bộ Ngoại giao (Vượng từ đoàn thanh niên tiếp quản Thủ đô chuyền sang Ngoại giao).
Trước khi cưới, Vượng rủ tôi về chỗ mẹ xin phép. Mẹ lúc này ở làng Tố, Đông Anh, với chị Thịnh. Tôi kể hết với mẹ hoàn cảnh gia đình tôi. Đặc biệt tôi nói đến anh Đẩu. Tôi đi bộ đội đã lâu nhưng chưa có vợ. Bà nghe xong, ưng ý đế chúng tôi cưới nhau. Sau đó hai chúng tôi còn vào đền Cổ Loa chụp tấm ảnh kỷ niệm mà tôi còn lưu giữ đến bây giờ.
Khi đó tôi 30 tuổi, Vượng 22 tuổi. Lễ cưới của vợ chồng tôi
được tổ chức đúng tinh thần "độc lập tự chủ”. Lý do rất đơn giản là
vì chúng tôi hoàn toàn tự túc, không yêu cầu một sự hỗ trợ tài chính nào từ gia đình hoặc cơ quan.
Tôi nhớ mãi lúc đó cả hai chúng tôi dồn hết tem phiếu cả năm lại - thời bao cấp mọi thứ đều phải có tem phiếu mới được mua – rồi đi xếp hàng tận cửa hàng Mậu dịch Tràng Tiền (nay là Tràng Tiền Plaza )  mới mua đủ vải để may chiếc vỏ chăn đôi màu nâu. Sau khi đăng ký kết hôn ở khu phố (hồi đó chưa có phường) , tối ngày 10 tháng 2 năm 1957, chúng tôi tổ chức lễ cưới tại căn phòng lớn của nhà ở tập thể của Bộ Ngoại giao ở số 58 phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học). Tiệc cưới có những một thùng nước chè, mấy bao thuốc lá Tam Đảo, dăm đĩa bánh “bích-quy mậu dịch”. Khách mời chỉ là số bạn thân quen của chồng hoặc vợ. Phòng "hạnh phúc" của vợ chồng tôi là một căn buồng nhỏ của nhà số 6 phố Chu Văn An là nơi ở tập thể của Bộ Ngoại giao. Buồng này nguyên là cái toa-let cũ được phòng Quản trị của Bộ chiếu cố cấp cho vì cả hai vợ chồng tôi đều là cán bộ của Bộ. Nó chỉ rộng độ hơn 10 mét vuông, kê mấy tấm ván làm giường , không đủ chỗ kê giường, mà khi đó chúng tôi làm gì có tiền tậu nổi một cái giường đôi !
(Về vấn đề nhà ở hồi đó, cần phải kể lại là: khi mới tiếp quản Thủ đô (năm 1954), tất cả cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao đều ăn ở ngay tại  trụ sở của Bộ - số 1 Tôn thất Đàm. Ngôi nhà này vốn là Sở Tài chính thời Pháp thuộc. Các phòng làm việc ban ngày cũng là buồng ngủ ban đêm của anh chị em cán bộ nhân viên của Bộ. Bàn làm việc ban ngày cũng là chỗ ngả lưng buổi trưa và chỗ ngủ ban đêm. Ăn uống cũng ở ngay trong Bộ cả. Khi đó chỉ riêng có một nhân vật  đặc biệt, vì anh được ưu tiên ở một căn phòng tại phố Trần Phú, đặc biệt vì ngày nào anh cũng phải thức đêm ngủ ngày để "săn tin qua đài và qua các cuộn tin từ "fax" tuôn ra để có tin tức sốt dẻo là bản tin hàng ngày cung cấp cho lãnh đạo Bộ. Đó là anh Mạnh troa tê-dê. Vì vậy anh đã có biệt danh là Mạnh troa tê-dê" (nghĩa là Mạnh "tin tức thế giới").
           Mấy năm sau Bộ được phân một số nhà mà chủ của nó đã theo chân  Pháp di tản vào trong Nam. Trừ bộ phận bảo vệ, mọi người đều ra ở các nhà tập thể của Bộ ở bên ngoài. Năm 1956 tôi được phân về ở trên tầng hai nhà số 56 phố hàng Đẫy (phố Nguyễn Thái Học bây giờ) cùng với anh Trấn Anh Khuê và anh Đoàn Quang Minh.)
 Vợ chồng tôi sống với nhau được chừng 45 ngày thì Vượng cùng 4 người nữa (Nguyễn Thu Nguyệt, Nguyễn Trung, Thắng và Tiến) được Bộ cử sang CHDC Đức học một thời gian dài.
Trước khi chia tay, Vượng trao cho tôi một cái khăn mùi xoa  nhỏ bằng vải trắng,viền vàng xung quanh, ở ngóc có thêu 2 chữ C  và V gắn vào nhau thành hình trái tim.
                                                      *
                                                 *        *
           Buồn vì phải xa vợ mới cưới, nhân khi đó Bộ đang chọn một
 số cán bộ ngoại giao sang Trung Quốc bồi dưỡng nghiệp vụ, tôi liền  nhận đi. Sau khi học 6 tháng Hoa văn ở Việt Nam học xá do một cô giáo người Trung Quốc dạy, tôi cùng 7 cán bộ ngoại giao nữa ( Trần  Viết Hà, Nguyễn Khải, Nguyễn Tài Hiền, Lê Văn Thức, Nguyễn Như Đới, Trần Văn Đào, Tràn Đức Tuệ) đáp xe lửa sang Bắc Kinh.  Chúng tôi theo học lớp chuyên tu 2 năm tại Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh-1958-59. Học viện cũng là nơi ăn ở luôn. Tôi và bạn Nguyễn Tài Hiền được phân ở một phòng cùng với một học viên người Trung Quốc. Các người khác cũng vậy, cứ 2 lưu học sinh Việt Nam lại kèm một học viên người Trung quốc ở cùng phòng. Nhưng những học viên Trung Quốc này hầu hết có gia đình ở Bắc Kinh nên cứ chiều thứ bẩy lại về nhà đến sáng thứ hai mới trở lại Học viện.
Thời kì này là thời kì Mao tiến hành cuộc Đại nhảy vọt với những sáng kiến độc đáo như phát động phong trào thổ cao lò đắp lò bằng đất sét để nấu gang- cả nước từ trường học đến thôn xã, đâu đâu cũng đắp lò rồi cho vào đó tất cả những gì bằng kim khí, rồi nổi lửa lên để đúc gang thép (!); rồi phong trào diệt chim sẻ (vì sợ chim sẻ ăn hết thóc lúa ).. . Bọn lưu học sinh chúng tôi cũng tham gia phong trào lục hóa Bắc Kinh tức là lên núi trồng cây để chắn gió cát cho Bắc Kinh, vì mùa đông cũng là những ngày gió thổi cát từ phương Bắc  bay về. Chúng tôi phải lấy giấy báo dán kín các ô cửa kính để cho cát khỏi lọt vào và cũng để chống  rét luôn. Rồi cũng tham gia việc phá bỏ các khu nhà cũ để xây dựng Quảng trường Thiên An Môn bây giờ.
Hồi đó ăn uống rất kham khổ tuy là lưu học sinh nước ngoài
(Lớp tôi còn có 1 người Bắc Triều Tiên) được ưu ái hơn, song bữa ăn ít khi có miếng thịt. Bữa nào không phải ăn mằn thầu ( một thứ bánh bao) làm bằng bột ngô mà được bát mì sợi "không người lái” đã là đại tiệc rồi.
Trong thời gian này, tình cảm của vợ chồng tôi chỉ được thể hiện qua những lá thư mỏng manh nhưng nặng tình nhớ thương. Tôi còn lưu giữ được cả một tập thư viết trên giấy pơ-luya màu xanh nhạt, định để làm kỷ niệm khi về già, nhưng khi ở nhờ nhà anh Đẩu, nhà 7 khu bộ đội Nam Đồng, bị lạc mất .
Đầu năm 1959, Bộ Ngoại giao lại gửi một số cán bộ nữa (Vũ Sơn,Đào Viết Dĩnh, Trần Mỹ, Nhàn) sang Bắc Kinh cũng học chuyên tu 2 năm về quan hệ cuốc tế. Song do tình hình chính trị (Trung Quốc và liên xô bắt đầu có bất đồng về quan điểm) nên số an hem đó chỉ học một năm rồi năm sau cùng về với chúng tôi.
Năm 1959 học xong khóa chuyên tu ở Trung quốc, tôi lại về Bộ Ngoại giao. Được ít lâu khi Bộ Ngoại giao chủ trương đào tạo cán bộ ngoại giao, tôi được giao làm công tác giảng dậy nhiệm vụ ngoại giao cùng với các anh Nguyễn Khải, Trần Văn Đào, Nguyễn Như Đới và Võ Anh Tuấn. Võ Anh Tuấn trong nhóm học ở Liên Xô về. Nhóm đầu tiên học ngoại giao ở Liên Xô có các anh Võ Anh Tuấn , Cù Đình Bá, Nguyễn Quang Tạo, Lê Lương Thắng , Hoàng ….
Lúc đầu Bộ Ngoại giao chưa có trường riêng , mới chỉ là một khoa của trường Đại Học Kinh tế - Tài chính do anh Đoàn Trọng Truyến làm hiệu trưởng, anh Hồ Ngọc Nhường làm hiệu phó.Anh phạm Ngọc Quế phụ trách khoa Ngoại giao, tôi làm phó khoa. Đầu năm 1963 Bộ còn giao cho tôi cùng mấy anh nữa còn mở một khoá chuyên tu cho cán bộ ngoại giao ở ngay Câu lạc bộ quốc tế gần Bộ Ngoại giao.
Năm 1960 , Vượng học Ở Đức về, nhưng đã xin chuyển sang
Tồng cục Lâm nghiệp. Hai vợ chồng mới được xum họp, nhưng  ở đâu? May sao khi đó Ban Liên hiệp đình chiến của anh Hà Văn Lâu vừa giải tán và giao lại cho Bô Ngoại giao ngôi nhà số 151 đường Nam Bộ (nay là phố Lê Duẩn). Bạn Trần Viết Hà đã khéo vận động phòng Quản trị Bộ cấp cho vợ chồng tôi một căn phòng ở tầng hai, rộng chừng hơn 20 mét vuông, ngay cạnh phòng của gia đình anh phạm Ngọc Quế. Thế là vợ chồng có chỗ ở. Chính Ở đây Vượng đã sinh con gái đầu lòng. Cháu sinh vào mùa hoa sen nở nên chúng tôi đặt tên cháu là Trần Hương Liên. Thương con thương cháu, mẹ vợ tôi đã về ở với chúng tôi để chăm nom cháu nhỏ. Hình ảnh bà cụ hàng ngày ẵm cháu Liên sang vỉa hè nhà 149 (ngay cạnh nhà 151 ) nhặt rau tập tàng về nấu canh cho cháu - vỉa hè khi đó mọc đầy cỏ và rau dại - luôn sống động trong tâm khảm tôi mỗi khi nhớ đến mẹ. Trong hoàn cảnh đất nước còn đang trong thời kỳ kinh tế bao cấp, đời sống nhân dân và cán bộ rất khó khăn thiếu thốn, nhìn thấy con vẫn bụ bẫm khoẻ mạnh, càng biết ơn bà và mẹ nó.

LÃNH SỰ Ở CƠ QUAN TỔNG LÃNH SỰ TẠI COLOMBO
(CEYLON)
Vào khoảng quý 4 năm 1963  anh Phạm Ngọc Quế được cử đi làm
tồng lãnh sự Ở Colombo, thủ đô của Ceylon (nay đổi là Sri Lanka)
Anh Quế đế nghị Bộ điều tôi sang làm cán bộ của tổng lãnh sự quán.
Giữa năm 1963, vợ chồng tôi cùng cháu Liên đáp xe lửa sang
Côn Minh, rồi từ đó đi máy bay qua Rangoon, thủ đô Miến Điện
(nay là Myanmar), ở chơi với anh em sứ quán mấy ngày xong lại đi  máy  bay tới Colombo.
 Tổng lãnh sự quán Colombo khi đó chỉ có 5 người (nếu kể cả Vượng và cháu Liên thì là 7): anh Phạm Ngọc Quế, tôi, Quế (phiên dịch) Điển cơ yếu) và bác Sáu, lái xe. Ngoài ra, ta còn thuê một người địa Phương, bà Pereira, làm thư ký. Được ít lâu, chính phủ của bà Bandaranaike bị đổ. Chính phủ mới thuộc cánh cực hữu quyết định tổng lãnh sự quán hai nước xã hội chủ nghĩa là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Bắc Triều Tiên, mỗi nơi chỉ được để lại một cán bộ ngoại giao  và một nhân viên. Bộ chỉ định tôi ở lại cùng anh Điển, cơ yếu.
BÍ THU THỨ NHẤT ĐẠI SỨ QUÁN TA Ờ INDONESIA
Mấy tháng sau anh Phạm Ngọc Quế trở lại Colombo, Bộ lại điều tôi  sang đại sứ quán ta ở Inđônêxia làm người thứ hai của sứ quán,với chức danh là bí thư thứ nhất, tuy ở đó đã có một bí thư thứ nhất, anhTrần Mỹ.
 Thời gian ở sứ quán ở Inđônêxia, có một kỷ niệm tôi khó quên: một hôm Vượng bỗng nhiên bị cảm nặng, đã hôn mê, gọi và giật tóc cũng không tỉnh. Tôi rất hoảng. Rất may nhờ Dương Minh
(phiên dịch tiếng Anh) có quen biết một bác sĩ người Hoa ở phố  Tàu,  anh vội đi mời ông ta đến. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên đã tai qua nạn khỏi.
 Đến giữa năm 1965, đúng lúc đại sứ Phạm Bình về nước, thủ đô Jakarta đã xảy ra cuộc đảo chính quân sự: Chính quyền của tổng thống Sukarno bị các tướng lĩnh lật đổ,  tướng Suharto lên nắm chính quyền. Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Inđônêxia, Aidit bị giết. Các đảng viên cộng sản đều bị giết hoặc bị tù đày. Quân đội Inđônêxia xông vào đập phá sứ quán Cu ba và sứ quán Trung Quốc. Riêng sứ quán Trung Quốc thì bị đập phá nghiêm trọng hơn vì họ cho là có liên quan đến Đảng Cộng sản Inđônêxia. Một cán bộ ngoại giao Trung Quốc chống lại bị đánh bị thương phải nhập viện. 
Tối hôm đó, tôi phải họp cơ quan bàn việc bảo vệ sứ quán. Có hai ý kiến: bác Duân, tham tán thương mại, chủ trương cần tỏ thái độ bất hợp tác với chính quyền quân sự, cố thủ trong sứ quán, nếu lính Inđônêxia xông vào sứ quán tạ như đã vào sứ quán Trung Quốc thì dùng chai lọ gậy gộc chống lại chúng; còn tôi chủ trương trái lại, sứ quán cứ mở cửa hoạt động bình thường, dùng ngoại giao xử lý mọi tình huống phức tạp. Bí thư thứ nhất Trần Mỹ giữ thái độ trung lập. Cuối cùng với tư cách "quyền đại sứ", tôi quyết định sứ quán ta vẫn mở cửa hoạt động bình thường.
Ngay sáng hôm sau, tôi đến sứ quán Trung Quốc và sứ quán Cu ba thăm hỏi và vào bệnh viện úy lạo cán bộ ngoại giao Trung Quốc bị thương. Xe của tôi đi đâu đều giương cờ đỏ sao vàng với chủ ý tỏ cho quân đội của tướng Suharto thấy sứ quán việt Nam vẫn hoạt động bình thường.
Đến khi đại sứ Phạm Bình trở lại, Bộ quyết định rút tôi về nước. Gia đình tôi và vợ con anh Trần Mỹ đi từ Jakarta tại cảng Surabaya, rồi từ đó đi nhờ tầu vận tải Babuchkin của Liên xô về Hải phòng. Sở dĩ không đi máy bay về nước, vì khi đó sau khi tạo dựng ra cái gọi 1à "sự kiện Vịnh Bắc bộ”, máy bay Mỹ đã bắt đầu đánh phá miền Bắc. Lúc tàu Babuchkin vào hải phận Việt Nam, máy bay quân sự Mỹ còn nhào lượn sát tàu đề uy hiếp. Ông thuyền trưởng người Nga đã chụp cảnh lúc phi cơ Mỹ sà xuống sát tàu Babouchkin và tặng lại tôi một tấm ảnh làm kỷ niệm chuyến đi này.
Sau khi từ Inđônêxia trở về, chúng tôi có ngay hai vấn đế cấp bách phải giải quyết: tìm chỗ sơ tán cho bà cháu và tìm chỗ ở cho vợ chồng. Năm 1965 Mỹ leo thang chiến tranh: bắt đầu dùng máy bay B52 đánh ở miến Bắc - ngày 12 tháng 4, B52 ném bom đèo Mụ Giạ.
Sang năm 1966 , ngày 17  tháng 4 máy bay Mỹ đã ném bom tới Văn Điển, ngoại ô Hà Nội. Theo chỉ dẫn của anh Đinh Văn  Trúc, bạn anh Liêm, hai vợ chồng tôi đưa bà  cháu Liên và Khanh, Thu Hùng - con anh Đẩu  đi sơ tán vế ở một xóm hẻo lánh mạn Yên   Dũng thuộc tỉnh Bắc Giang. Nơi đó an toàn tuy hơi xa. Bà con nông dân ta thật tốt, chủ nhà, ông bà Thắm, đã nhường cả ngôi nhà gỗ cho mấy bà cháu ở.
Tôi nhớ có lần hai vợ chồng nhân ngày nghỉ mang thức ăn - mắm, muối, mỡ và các thức ăn khô - tiếp tế cho bà cháu nơi sơ tán. Riêng cái khoản gạo thì nhờ tài dân vận của bà nên đã được giải quyết tại chỗ. Phải đạp xe từ sáng đến tối, qua đền Kiếp Bạc mới tới được bến đò bên bờ sông - tôi không nhớ tên sông, chỉ biết là sông chảy qua đền Kiếp Bạc. Bên kia sông đã là xóm mà thấy bà cháu sơ tán, nhưng chủ đò ở bên kia sông đã  về nghỉ. Thế là hai vợ chồng đành trải mảnh nylon ra bãi cỏ bờ sổng ngủ, đến sớm hôm sau mới qua sông được.
Vấn đế thứ nhất đã được giải quyết. Còn vấn đế thứ hai khó giải quyết hơn. Từ năm 1965 đến năm 1968, vợ chồng tôi luôn phải đau  đầu về vấn đề~ở đâu ? Khi mới Ở Inđônềxia về, Bộ Ngoại giao phân cho vợ chồng tôi một căn phòng trong dãy nhà cấp 4 ở sân nhà số 9 đường Thanh Niên. Tôi đến xem nhà, thấy nhà cửa  tuềnh toàng , từ sáng đến trưa nắng chiếu vào tới quá nửa căn phòng rộng chưa đầy 20 mét vuông, kém xa căn phòng chúng tôi ở trước khi đi. Tôi từ chối không nhận. Đành tạm đi ở nhờ. Lúc này Vượng đã là cán bộ của Tổng cục Lâm nghiệp. Phương án đầu tiên là ở nhờ nhà anh Nguyễn Tạo, tổng cục trưởng, ít lâu sau thấy không tiện nên lại khăn gói đi ra ở nhờ một căn phòng thuộc tiêu chuẩn của mấy ông cán bộ cấp vụ tổng cục Lâm nghiệp tại khu tập thế Nguyễn Công Trứ.
Buồn về cái cảnh hai vợ chồng cứ xách va-li đi ở nhờ hết năm này qua năm khác, trước khi đi Paris, tôi đặn Vượng ở nhà bán hết các thứ có thể bán để cốt sao kiếm lấy một chỗ ở ổn định. Cũng là uất quá mà nói vậy thôi chứ có biết ở nhà vợ mình sẽ xoay sở ra sao đâu!
                                                    (Còn tiếp)




1 nhận xét: