Muợn câu thơ Nguyễn Đình Thi trong bài "Đất Nước" nhằm điễn
đạt những suy tư.
Những ngày tháng Tám giữa thành phố Sài Gòn khó để cảm được bầu trời
ấy, mùi hương ấy của một thuở để mà thấm vào tận trong sâu thẳm cái cảm giác
"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may"
với "Gió thổi
mùa thu hương cốm mới để mà "nhớ những ngày thu đã xa".
Thế nhưng lại xốn xang cái tứ thơ, day dứt với hình ảnh
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam
từ máu lửa
"Tức nước vỡ bờ", đúng vậy. Có quy luật đó mới có được
một "Nước Việt Nam từ máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".
Chính cái "sáng lòa" này giục giã những suy tư! Vào
những ngày này 67 năm về trước, như một phản ứng dây chuyền, mệnh lệnh
khởi nghĩa như được phát ra từ trái tim yêu nước vốn lưu chuyển trong
huyết quản giòng máu quật khởi Việt Nam, cả nước ào lên như "nước
vỡ bờ", chớp lấy thời cơ, giành lấy chính quyền. Vì “Giờ
quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy
đứng dây đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”1. Đó là sự biểu
dương vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc “không phân biệt
thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và
tín ngưỡng”. Chính sức mạnh ấy làm nên sự "sáng lòa" kia.
Trong âm vang lịch sử, bỗng nhớ lại những
dòng "ánh sáng" từ bộ óc vĩ đại của Victor Hugo, đại văn háo Pháp :
" Ánh sáng, Ánh sáng! Biết đâu đấy, những khối u minh dày đặc ấy lại
không trở thành trong suốt. Những cuộc cách mạng chẳng phải là những cuộc thay
hình đổi dạng là gì?... : "Hãy làm cho tư tưởng dậy lên như gió lốc. Cái
đám quần chúng kia có thể trở nên phi thường, tuyệt vời. Ta hãy biết khai thác
các đám cháy mênh mông những nguyên lý, những đạo đức đôi khi tóe lửa, chói
lòa, rung động trong những giờ phút nào đó"...Xuất phát từ đó mà đại
văn hào Pháp khuyến cáo : " Hãy nhìn qua dân chúng, bạn sẽ nhìn thấy
chân lý"!2 Đừng quên rằng, lịch sử là một sự vận động trong thế
tương quan giữa nhiều lực nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó.
Ngày từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân
hiện thực tạo ra song vẫn không là phụ thuộc vào cá nhân họ.
Bởi thế mà Hégel cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, thật ra,
không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Cái hợp lực tạo ra sức
mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính
là quần chúng nhân dân : những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng
lúc, đúng thời điểm cần có họ. Chỉ ra được thời điểm ấy chính là người đem lại
ánh sáng tỉnh thức mà V.Hugo đã nói! Ánh sáng tỉnh thức ấy đến từ bộ
phận tinh hoa của nhân loại nói chung và của dân tộc nói riêng. Và đấy mới
chính là biện chứng của cuộc sống trong dòng chảy miệt mài, sôi động, nghiệt
ngã không bao giờ ngưng nghỉ của một đất nước như đất nước thân
yêu của chúng ta. Bởi thế, khi nói đến bộ phận tinh hoa của dân tộc chính là
nói đến sự kết tinh của sức mạnh của khối quần chúng nhân dân vĩ đại trong họ,
lực lượng làm nên lịch sử.
Vì rằng, "ngay cả những tư tưởng thiên tài của những vĩ
nhân, liệu chúng ta có chắc chắc rằng những tư tưởng ấy có chuyên nhất là công
trình của riêng họ không? Hẳn nhiên bao giờ chúng cũng được sáng tạo bởi những
con người đơn độc; nhưng hàng nghìn hạt bụi mới tạo thành phù sa và chính từ
phù sa ấy, những tư tưởng mới nẩy mầm. Phải chăng chính tâm hồn của những đám
đông đã hun đúc nên chúng. Chắc chắn đám đông bao giờ cũng vô thức, nhưng chính
cái vô thức ấy có lẽ là một trong những bí ẩn của sức mạnh đám đông"3.
Gustave Le Bon giải thích như vậy trong "Tâm lý học đám đông".
Và rồi cái " bí ẩn của sức mạnh đám đông" ấy sẽ bùng phát mạnh
mẽ khi được đánh thức bởi những tư tưởng khai sáng. Nhưng, tư tưởng khai
sáng ấy đến từ đâu nếu không phải từ những bộ óc con người? Đương
nhiên, không phải ở bất cứ bộ óc người nào. Cũng không phải từ trò chơi súc sắc
của thượng đế hay của các thế lực siêu nhiên nào đó. Theo Einstein : "Tạo
hóa hào phóng vung ra vô số sản vật, nhưng chỉ hy hữu mới sản sinh ra vài hạt giống
tốt" 4. Còn Gustave Le Bon thì lưu ý thêm rằng : "Trong mọi
hành động của chúng ta, phần vô thức thì to lớn còn phần lý trí thì nhỏ bé. Cái
vô thức tác động như một lực lượng hãy còn chưa được biết rõ"5.
"Cái bí ẩn" đến từ đó!
Ấy vậy mà, "cái đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được
là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học
chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng thảng thốt hay kinh
ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, đã tắt rụi lửa sống trong mắt mình"
6 chính Albert Eintein đã khẳng định mạnh mẽ như vậy đấy! Cho nên bộ óc thiên
tài ấy tuyên bố thật sòng phẳng và cũng thật tường minh : "Với
tôi, sự huyền nhiệm về tính vĩnh cửu của sự sống cùng với sự thức nhận và tiên
cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một
phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là quá
đủ!"7.
Phải chăng vì thế mà ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào, bất cứ thể chế
chính trị nào, bộ phận tinh hoa của dân tộc cũng giữ một vai trò "
không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc".
Cho nên, "trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là của quý
không gì có thể thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì
có tất cả, thiếu nó, thì cái còn lại còn gì là đáng giá”.8 Cách
mạng tháng Tám năm 1945 là minh chứng sống động của điều ấy. Cứ nhìn vào thành
phần của Chính phủ Cách mạng lâm thời và sau đó là Chính phủ Kháng chiến do Hồ
Chí Minh đứng đầu là hiểu rõ được điều đó. Đó chính là hình ảnh thu nhỏ của
khối đại đoàn kết toàn dân mà bộ phận trí thức ưu tú, những "hiền tài",
bộ phận tinh hoa tiêu biểu cho trí tuệ của dân tộc mà các cụ ta gọi là "nguyên
khí quốc gia", được quy tụ bởi một tầm nhìn vượt lên phía trước, bứt
khỏi những bất cập, hạn hẹp.
Đáng buồn là hiện thực sống động và thấm đẫm chất văn hóa ấy có lúc
bị chìm đi bởi nhiều lý do, mà nguy hiểm nhất là sự tác động của tư tưởng
Mao ít, cường điệu cuộc đấu tranh giai cấp được xác định là "động
lực của sự phát triển", đưa cuộc đấu tranh "ai thắng ai"
mà điểm quy chiếu là "ý thức hệ" chứ không phải là lợi ích
dân tộc làm điểm tựa để nhìn nhận và đánh giá trong mọi ứng xử, làm đảo lộn
hệ thống giá trị truyền thống văn hóa, nền tảng tinh thần của đời sống xã hội.
Căn bệnh của não trạng và hành vi lấy một lý luận chính trị-xã hội làm chân lý
tuyệt đối và duy nhất, loại trừ và thủ tiêu mọi lý luận, mọi tư tưởng chính trị
khác đã là một căn bệnh lâu đời của loài người. Từ khoảng đầu thế kỷ XX căn
bệnh ấy được gọi là căn bệnh tôn sùng “ý thức hệ”, sống và đấu tranh với
nhau vì “ý thức hệ”.
Cái tên gọi ấy có xuất xứ từ Tây
Âu. Căn bệnh ấy phân chia cả loài người và từng dân tộc, từng quốc gia, cho đến
từng gia đình thành phe ý thức hệ này đối lập sống chết vơí phe “ý thức hệ”
khác. Tình hình này rõ nhất là sau Cách mạng tháng Mười 1917 và nhất là sau
chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong chiến tranh lạnh. Bệnh ý thức hệ ấy ở
Mỹ, Âu không kém gì ở Liên Xô và Trung Quốc thời ấy. “Chủ nghĩa Mc Carthy”
ở Mỹ là một ví dụ. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, bệnh “ý thức hệ”
vẫn còn rất nặng ở quy mô cả loài người, từng quốc gia, thậm chí từng gia đình
chứ không hết và chưa chắc đã nhẹ bớt đi. Ví như cuộc đấu tranh giữa ý thức
hệ “tân tự do” với “ý thức hệ”, đúng hơn, với những lợi ích
dân tộc và cá nhân, chống lại ý thúc hệ “tân tự do” là rất sâu và không
kém phần đối nghịch.
Ở ta cũng từng có những mong muốn chuyển
“ý thức hệ Mác-Lênin thành ý thức hệ của toàn dân”! Từ Đại hội VI, với
tư duy “Đổi Mới”, chúng ta thấy rõ đó là một sản phẩm duy ý chí, lấy lòng
mong muốn thay cho thực tế như cách mà Phạm Văn Đồng đã phân tích trong
"Văn hóa và Đổi mới". Để rồi, hiện thực sống động có ý nghĩa lịch sử
ấy đã được trả về cho lịch sử với Cương Lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc Việt
Nam được xác lập từ tháng 9.2004: “đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong
và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức
hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu
giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện
thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đầt nước vì dân giàu nước
mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”.
Xác lập được điều này chính là một bước đột phá quan trọng, đưa nhận
thức trở lại đúng với quy luật vận động của cuộc sống, từ đấy mà mở ra một cục
diện mới, rất mới. Bởi lẽ, phát triển luôn luôn là tự phát triển trong
tiến trình tiến hóa, tạo nên những thuộc tính hợp trội, được thực hiện
bằng các cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống. Tiến
hóa qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và
chọn lọc tự nhiên, mà còn bằng hợp tác và cùng phát triển. Chính sự
đa dạng của tiến hóa như vậy tạo nên sự đa dạng, phong phú, rất phức tạp, song
cũng hết sức sinh động của cuộc sống. Cuộc sống nói chung và cuộc sống của con
người trong xã hội. Mà xã hội lại là một hệ thích nghi cực kỳ phức tạp, trong
đó, các thành phần khác nhau, những yếu tố đối lập, tùy theo sức hút của mục
tiêu chung đều có lợi cho tất cả, thì không nhất thiết phải đối đầu theo
kiểu tư duy “ai thắng ai”, dẫn đến một kết cục phải thanh toán lẫn nhau
để giành quyền thắng, chứ không chịu tìm cách thông qua những tương tác có
tính hợp trội để có thể tìm được khả năng cùng thắng. Với tư duy Đổi
Mới bằng cột mốc Đại hội VI, một loạt những vấn đề được nhìn nhận lại, trong đó
có việc trả lại những giá trị bị đảo lộn một thời.
Căn bệnh ấu trĩ một thời ấy đã hủy
hoại nền móng của văn hóa và đạo lý dân tộc mà cứ cho là giữ vững "lập
trường". Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần phân tích : “Cách mạng tháng
8 năm 45 đánh đổ thực dân phong kiến là chuyện tất yếu phải làm để giành lại
độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng rồi theo trớn đó
mà chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa! Thử
hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng
Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là “phong
kiến” cả chứ gì? Liệu có ai dung túng cho chuyện xúc phạm đến ông cha?
Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì?”.
Theo cái "trớn" đó, nhiều trí
thức tên tuổi vốn là niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam đã bị vô hiệu hóa vì cho
là mất quan điểm lập trường. Xin chỉ dẫn ra một trường hợp nhà triết học Trần
Đức Thảo, một đỉnh cao của tư duy triết học thế kỷ XX, “nhà triết
học Việt Nam mà những bài giảng đã để lại dấu ấn cho cả một thế
hệ trí thức nước Pháp” như đánh giá của Lucien Sèvre. Nhà triết học
Pháp này đã có lần nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng : “Tạp chí
Triết học của Việt Nam toàn là chính trị, chẳng có chút triết học
nào trong đó cả”. Thủ tướng cũng phải công nhận điều đó. Và anh
Việt Phương, người đưa thông tin này, có nhận định : “Thời Trần Đức
Thảo sống và nghiên cứu sau 1954, xã hội chúng ta là một xã hội xã
hội đặc biệt mà nguyên nhân gây ra những bi kịch cho những trí thức
như Trần Đức Thảo có khi không hẳn là sự độc ác hay ghen ghét của
cá nhân hay thế lực nào đó. Nguyên nhân chính, theo tôi, là sự giáo
điều chân thực. Chính vì chân thực nên chúng càng khủng khiếp. Cái
giáo điều ấy độc lập với nhân cách của mỗi người. Có thể bản chất
họ rất tốt nhưng khi đụng đến cái giáo điều của họ, họ trở nên rất
đáng sợ. Và Trần Đức Thảo chính là một nạn nhân. Nguyên nhân khác nữa
là có những lực lượng ăn theo, không hề tin vào giáo điều ấy nhưng
tung hô nó để tìm kiếm cơ hội cho mình. Đây chính là những kẻ phá
hoại khủng khiếp nhất. Và một lực lượng thứ ba nữa là những người
thiếu thông tin, thiếu kiến thức, không ở trong cuộc, một lòng một dạ
tin theo những điều cấp trên nói, số đông nói. Tất cả những lực
lượng xã hội ấy làm thành một “tập đại thành” mà những thân phận
trí thức như Trần Đức Thảo không thể hòa nhập được”. 9
Số phận bi thảm của nhà trí thức,
nhà triết học lớn của thế kỷ XX không chỉ riêng của Việt Nam ấy,
cũng như bi kịch của một số nhà trí thức văn nghệ sĩ khác một
đời bị bầm giập, vì không cam chịu dẫm theo lối mòn, muốn độc lập
suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo là nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự xuống cấp của
diện mạo văn hóa, của hệ thống giáo dục đào tạo và của đạo lý xã hội đang là
nỗi bức xúc lớn hiện nay.
Phải chăng cần nhắc lại ở đây lời cảnh
báo của nhà bác học Lê Quý Đôn cách đây gần 4 thế kỷ : “Nếu tài sức chưa
làm nổi thì cũng thành một người biết bồi bổ nguyên khí cho nước.
Còn nếu dùng chút ít hiểu biết riêng của mình thì dù bằng hình
danh pháp thuật có thỏa mãn được một thời, nhưng rồi sẽ để độc hại
đến đời sau”.10 Cho nên, : “tô sức ở bên
ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp bên trong thì bên ngoài tốt tươi….Cái lớn
thì đủ sức bao dung cái nhỏ, mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn”, bởi
vậy “cần phải thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của
nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó”, đấy là
lời nhắn nhủ của danh sĩ triều Nguyễn thế kỷ XVIII Nguyễn Văn Siêu.
Chính
vì những lẽ đó, từ những suy tư nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm nay, xin
được gợi lại một câu của M. Gorky : “Tổ
quốc sẽ ít bị đe dọa hơn nếu có nhiều văn hóa hơn”11.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét