Ông Bồng, chiến sĩ & nhà ngoại giao | |||
Ông
làm Đại sứ tại Guinea từ 1969-1972 (kiêm nhiệm Mali và Mauritania); Đại
sứ tại Chile năm 1973; và Đại sứ tại Angola (kiêm nhiệm Seychelles,
Ghana, Ghi-nê xích đạo - Guinée Equatoriale) 1976-1981. Từ 1982 - 2002
ông làm Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh, sau đó giúp cho Bộ Ngoại
giao một số công việc cho đến khi chính thức nghỉ hưu vào năm 2006. Ông
Vũ Hắc Bồng được Chile trao tặng tấm Huân chương cao quý nhất dành cho
người nước ngoài và Huân chương Hữu nghị của Cuba. Ông là một trong 10
nhà ngoại giao được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ suốt đời đợt đầu
tiên.
Thời gian trôi đi, khi chạm ngưỡng
tuổi 85, ông Vũ Hắc Bồng không thể hình dung cuộc đời mình lại được
chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của Việt Nam và thế giới trong thế kỷ
20 đến như thế! Những năm tháng tuổi trẻ và trưởng thành của ông, ở một
khía cạnh nào đó, vẫn còn ít người biết đến, kể cả những đồng nghiệp
trong ngành Ngoại giao. Chỉ đến khi cuốn sách Chuyện đời Đại sứ do nhà
văn Nguyễn Thị Ngọc Hải biên soạn ra mắt đầu năm nay tại TP. Hồ Chí Minh
(3/2012) thì cả một đời công tác của ông mới có dịp “bật mí”... Cuốn
sách kể lại những dấu mốc hoạt động đáng ghi nhớ của ông Bồng từ khi là
anh bộ đội cụ Hồ thời kháng chiến cho đến nhà ngoại giao Vũ Hắc Bồng hôm
nay...
Với một người làm ngoại giao thì bản
lý lịch trích ngang đã rất ưng ý và cũng là hoàn hảo. Người ta sẽ hỏi
tại sao một con người như ông Bồng, xuất thân từ chiến sĩ bình thường,
không có điều kiện học hành ngoại giao bài bản mà rồi trưởng thành vượt
bậc và ghi dấu ấn đáng nể trong sự nghiệp ngoại giao? Ngoài nỗ lực bản
thân, đương nhiên rồi, thì thế hệ của những cán bộ như ông Bồng còn được
dẫn dắt và thôi thúc vì những lẽ gì nữa?
Chuyện trò với ông Bồng những lần gặp
gỡ đã vỡ ra cái “bảo bối” làm nên thế hệ ông nằm ngay nơi phẩm chất đặc
biệt ở lớp người ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng vừa vặn bước vào
cuộc đời chiến sĩ. Đó thật sự là một trường học lớn. Những năm tháng
sôi nổi khí thế cách mạng, thế hệ của ông tự nhiên được trau dồi và trui
rèn trong cuộc đấu tranh sinh tử giành giữ đất nước. Tất cả đã làm nên
tính cách kiên định, lập trường và bản lĩnh vững vàng để sau này vượt
qua được biết bao gian nan thử thách trong hoàn cảnh thiếu thốn khó khổ
hơn chúng ta ngày nay rất, rất nhiều...
Từ người lính, rồi “người lính làm ngoại giao”
“Hắc Bồng” là quả bưởi đen (quê Nghệ
của ông kêu là trái bòng). Đúng, da ông Bồng thật là đen, đến mức ông
Thạch (Nguyễn Cơ Thạch) khi sinh thời đùa ông là “Hắc Ín”. Cái tên tự
đặt trong những ngày kháng chiến năm 1946 đã theo ông suốt gần bảy chục
năm nay trong các giấy tờ, bằng khen, huân huy chương và tất cả các hoạt
động ngoại giao sau này.
Trong cuốn sách Chuyện đời Đại sứ đã
nói ở trên, ông Vũ Hắc Bồng dành hẳn những trang đầu kể về mấy năm chiến
đấu làm Tỉnh đội trưởng Hải Dương trước khi ông cùng đồng đội có một
cuộc trường chinh hiếm thấy lúc bấy giờ. Đó là chuyến hành quân đi bộ
xuyên Việt gần một năm ròng rã, suốt từ chiến khu Việt Bắc cho tới chiến
trường Nam Bộ (1949-1950). Cả một chặng đường gian khó, hiểm nguy mà lý
lịch sau này thường chỉ ghi một dòng ngắn ngủi: “Trung ương cử vào Nam
Bộ bổ sung cán bộ cho chiến trường”.
Ông Bồng cũng kể rằng, sau khi ký Hiệp định Geneva 1954, với ông cái nghi thức ngoại giao đầu tiên trong đời anh bộ đội trẻ tuổi Vũ Hắc Bồng là cái bắt tay “thằng Tây” khi ở rừng ra, chờ đoàn xe của Pháp chở về Trạm để nhận công việc. Khi ấy ông Bồng được phiên chế tại Ban Thi hành Hiệp định đình chiến Nam Bộ để làm việc thường xuyên với phái đoàn quân sự Pháp trong thời hạn 300 ngày thực hiện tập kết.
Sau khi tập kết ra Bắc, ông Vũ Hắc
Bồng còn có những năm làm việc ở phái đoàn liên lạc quân sự Việt Nam bên
cạnh Ủy ban Quốc tế giám sát Hiệp nghị Geneva, từ việc chống cưỡng ép
di cư, rồi giám sát tại Khu phi quân sự (DMZ – Demilitarized Zone) ở
Vĩnh Linh, trước khi trở thành cán bộ Phòng chính trị. Ông Bồng bảo rằng
thời gian sau cùng này ông đã mở mang nhiều kiến thức và kinh nghiệm
đối ngoại khi được làm việc với ông Lưu Văn Lợi, Hà Văn Lâu (các thủ
trưởng của ông), ông Nguyễn Minh Vỹ, Lý Văn Sáu (Ban Thống nhất), ông
Trần Lâm (Đài phát thanh)… và có những tiếp xúc, cung cấp thông tin cho
các nhà báo quốc tế bắt đầu có mặt nhiều hơn ở miền Bắc.
Nhìn lại quãng thời gian này ông Bồng
thấy nó quý giá ở chỗ, từ một người cầm súng chiến đấu cho lý tưởng độc
lập tự do nay hằng ngày đối mặt với đối phương, tranh đấu từng luận
điểm, từng chứng cứ để yêu cầu bên đối địch thực hiện đúng Hiệp định.
Ông nói: “Ngồi lại với nhau thì phải dùng ý chí, lý lẽ…, cũng lắm lúc
phải hết sức dằn lòng lại, bởi không thì đổ vỡ…”. Theo ông, chính đó là
đặc thù của cuộc đấu tranh mới, đấu tranh trong đàm phán ngoại giao.
Cuộc đời làm ngoại giao chuyên nghiệp
Ông Vũ Hắc Bồng mang quân hàm Trung tá từ 1962; và tới 1970 thì chuyển ngành hẳn về Bộ Ngoại giao.
Khi nhìn lại cuộc đời mình, ông Bồng
tổng kết nó trong 2 nhiệm vụ: Quân sự và Ngoại giao. Ông bảo, “hai cái
anh này” đều ganh đua hết mình, chúng tác động và hòa trộn vào nhau đến
mức mình cũng “chẳng nhận biết rành rọt được”.
Thời gian đảm nhiệm 3 nhiệm kỳ Đại sứ
(12 năm), rồi làm việc ở Bộ (Chánh Văn phòng Bộ), cũng như sau này ở Sở
Ngoại vụ (hơn 20 năm), nhà ngoại giao Vũ Hắc Bồng không những dốc hết
sức lực mà cả rất nhiều tâm huyết cho công việc, nên ở lĩnh vực công tác
nào ông Bồng cũng ghi được những dấu ấn cụ thể.
Chuyến đi làm Đại sứ tại Cộng hòa
Guinea của ông thật là đặc biệt. Đó là “trường hợp cuối cùng” trong
Quyết định của Chủ tịch nước cử đi có chữ ký của Bác Hồ. Ông Bồng còn
giữ được, nguyên văn như sau: “Lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa; Căn cứ… Nay cử ông Vũ Hắc Bồng làm Đại sứ Đặc mệnh nước Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Ghi-nê, thay ông Nguyễn Đức
Thiệng. Chủ tịch nước VNDCCH đã ký. Hồ Chí Minh”. Lệnh ký ngày 24/7/1969
trên một tờ giấy pơ-luya mỏng tang, chữ đánh máy, có chữ ký những nơi
“sao gửi”… Ông Bồng còn kể thêm, bản Quốc thư ông cầm đi Guinea trình
Bạn cũng là Quốc thư cuối cùng mang chữ ký của Hồ Chủ tịch.
Sau Guinea, ông Vũ Hắc Bồng còn tiếp tục nhận nhiệm vụ Đại sứ tại Chile, và sau đó là Angola.
Anh em trong ngành gặp ông thường đùa
vui gọi ông là “Đại sứ đảo chính”. Đúng là thế. Số phận như run rủi đem
trao hết cái khó khăn phức tạp nhất vào tay một con người để thử thách
bản lĩnh, phải chăng là trường hợp của ông Bồng? Cả 3 nước thời ông Bồng
làm Đại sứ đều xảy ra đảo chính. Mức độ căng
thẳng phức tạp mà Sứ quán phải đối phó là ở Guinea, sau nữa đến Chile.
Còn Angola may mắn hơn, tình hình bình thường vãn hồi không lâu sau đó.
Câu chuyện đáng nhớ nhất là ông Đại sứ
cho mở cửa Sứ quán để hơn 20 con người thuộc một tổ chức cách mạng tiến
bộ ở Guinea vào tá túc. Nước sôi lửa bỏng như thế thỉnh thị sao kịp.
Hóa ra là một quyết định đúng, sau này tăng thiện cảm với nước bạn...
Hỏi ông lý do tiếp nhận, ông Bồng chỉ nói: “Vì nghĩa vụ mà mình phải mở.
Đó không phải chuyện của Sứ quán mà còn là chuyện hình ảnh của Việt Nam
nữa”.
Kết thúc giai đoạn “đi sứ” là một giai
đoạn dài và đặc biệt nữa của ông Vũ Hắc Bồng. Ông làm Giám đốc Sở Ngoại
vụ TP. Hồ Chí Minh. Đấy là quãng thời gian đầy những thử thách đối với
công tác ngoại giao và ngoại vụ: Giải quyết người ra đi có trật tự
(chương trình ODP) với cả triệu người sang Mỹ và các nước khác; Giải
quyết các vấn đề từ hệ lụy trong “vấn đề Campuchia” và sau đó ta rút hết
quân (1989); Tham mưu và phối hợp với Thành phố phát huy những nhân tố
đầu tiên về đầu tư nước ngoài, đổi mới quản lý kinh tế của địa phương;
và nhất là tham mưu và phục vụ hàng loạt những hoạt động đối ngoại cấp
cao mà Thành phố được Trung ương phân công đón tiếp...
Có lẽ ít ai trong ngành ngoại giao mà
cuối đời yên tâm gắn bó với một công việc suốt ¼ thế kỷ liền như ông Vũ
Hắc Bồng (1982-2006) ở Sở Ngoại vụ. Và từ chính công việc chiếm trọn nửa
thời gian công tác của mình, ông Bồng đã ghi thêm những dấu ấn khó phai
mờ đối với nhiều ngành, nhiều giới và đồng nghiệp Thành phố. Không
những thế, vì làm công tác ngoại giao, nên hình ảnh và ấn tượng về “Mr.
Bồng” cũng in đậm ở nhiều người nước ngoài - mà trong số đó đa phần là
giới chính khách và nhà báo, các đối tác cấu thành hoặc liên đới khăng
khít với lĩnh vực ngoại giao.
Xin trích lại đây một trong những đánh
giá của giới ngoại giao nước ngoài đối với ông Vũ Hắc Bồng khi chia tay
ông nghỉ hưu: “Ông có thể hài lòng nhìn lại một sự nghiệp với nhiều
thành công lớn, một cuộc đời nghề nghiệp đã mang lại cho ông lòng kính
trọng của mọi người...” (Niels Sundvik, Tổng Lãnh sự Thụy Điển).
Nguyễn Vĩnh
* Bài viết có sử dụng một số tài liệu trong tác phẩm Chuyện đời Đại sứ của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải.
|
|||
|
Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2012
Ông Bồng, chiến sĩ & nhà ngoại giao
Blog Nguyễn Vĩnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét