Bạn bất ngờ
trước tựa đề của bài viết này? Vâng, tôi xin nói lại: Singapore là một đất nước
nghèo khó.
Tôi đã đến
Singapore vài lần, đã đi bộ nhão khớp gối vào từng ngõ ngách Singapore và suy
ngẫm rất nhiều về đất nước này, chỉ cách Sài Gòn có 1 tiếng rưỡi máy bay.
Đó là một
đất nước nghèo vì chỉ là một hòn đảo nhỏ bé, diện tích đất nhỏ hẹp, không tài
nguyên khoáng sản, không có ruộng đồng và thậm chí không có nước ngọt để uống.
Đó là một
đất nước nghèo, vì dân Singapore không có cái gọi là sổ hồng, sổ đỏ, nghĩa là
không có đất riêng, nhà riêng mà hầu hết sống trong các căn hộ trong các chung
cư cao tầng.
Đó là một
đất nước nghèo, vì dân Singapore hầu hết đi xe điện ngầm hoặc xe buýt, ít người
có xe riêng. Giờ cao điểm người lao động sải bước trong các đường hầm để kịp
chuyến tàu MRT. Có lẽ vì phải đi bộ gấp gáp như vậy nên ta ít thấy người
Singapore béo phì.
Đó là một
đất nước nghèo, vì dân Singapore xài toàn đồ tái chế. Từng mẩu giấy vụn, từng
cái ve chai, từng lon nước ngọt... đều phải bỏ vào các thùng rác phân loại để
mang vào nhà máy tái chế. Trẻ em được dạy cho câu nằm lòng "Reuse,
Recycle" (tái sử dụng, tái chế).
Đó là một
đất nước nghèo, không đủ diện tích mặt đất để sinh sống, họ phải đào hầm xây
nhà cửa dưới đất, xe lửa chạy ngầm trong các hang động. Hàng quán, ăn uống...
nằm sâu trong lòng đất. Vì không đủ diện tích nên hàng hàng lớp lớp nhà cao
tầng chất ngất mọc lên để tăng thêm diện tích.
Đó là một
đất nước nghèo, họ chấp nhận nghề làm đĩ, hãy đến khu Geilang mà xem. Họ
mở sòng bạc to lớn, đỏ đen công khai, hãy đến khu vịnh Marina Bay mà xem. Những
cái mà người Việt Nam gọi là tệ nạn, cần phải dẹp bỏ.
Những tòa
nhà cao chất ngất mát lạnh ư? Những khu phố hàng hóa sang trọng ư? Bạn nghĩ
rằng những thứ đó là để phục vụ cho người dân Singapore? Không, đó là những cái
cần câu cơm của họ. Những tòa lâu đài tráng lệ đó để dành cho người nước ngoài
đến thuê, mua...
Người dân
Singapore có giàu có hay không? Không. Họ làm đủ ăn, không có dư dả. Họ đóng
nhiều loại thuế khi mua xe hơi, nhiều loại thuế khi tiêu dùng cá nhân. Dân
Singapore vẫn phải bỏ một phần tiền túi để khám và chữa bệnh chứ nhà nước không
miễn phí hoàn toàn. Tất cả người dân Singapore đều phải đi làm việc cật lực,
sáng sải bước lên tàu điện đến cơ quan, chiều ngủ gục trên tàu điện ngầm trên
đường về nhà.
Một thanh
niên 20 tuổi nói với tôi: "Tôi sinh ra ở Singapore nhưng có cảm giác đất
nước này không phải của tôi. Quá nhiều người nước ngoài đến đây làm việc và
sinh sống. Giá cả ở đây đắt đỏ, hầu như chỉ dành cho người nước ngoài nhiều
tiền đến tiêu dùng". Một nữ bác sĩ làm ở Bộ Y Tế Singapore nói: "Tôi
làm nhiều việc, có nhiều tiền nhưng đóng thuế gần hết, không có dư".
Và cách sống
của người Singapore cũng vậy, của những người nghèo. Họ ăn chắc mặc bền. Từng
centimet đường cũng phải kiểm soát. Những con đường làm bằng nhựa tốt để dùng
được bền lâu. Những thùng rác đặt khắp nơi trên đường phố để giữ sạch môi
trường, giảm thiểu bệnh tật. Diện tích đất thì nhỏ, không đủ chỗ cho con người
cư ngụ, nhưng rất hào phóng cho thảm cỏ, cây xanh.
Với trẻ con,
người lớn dạy cho chúng nó tinh thần tiết kiệm, biết yêu thiên nhiên. Trẻ con
được dạy cách vắt óc sáng tạo ra những cái mới. Chúng được dạy rằng đất nước
Singapore phát triển hay không, không phải là nhờ rừng vàng, biển bạc, ruộng
đồng bát ngát, dầu mỏ ngoài khơi. Đất nước Singapore nghèo khó chỉ có thể phát
triển bằng trí óc, vâng, bằng trí óc, bằng sự sáng tạo, bằng tính tuân thủ pháp
luật. Trẻ em được hưởng một nền giáo dục siêu phàm ngay từ khi chập chững biết
đi.
Với sự giáo
dục đó, những thanh niên Singapore đã xây dựng nên đất nước của họ. Chỉ là
một dòng sông ngắn ngủi, nhưng người Singapore đã biến 2 bên bờ thành thiên
đường du lịch. Chỉ là những ngôi nhà cổ xây dựng hàng trăm năm trước, nhưng đó
là nơi hái ra tiền. Chỉ là bờ biển hạn hẹp, nhưng họ biến nó thành bến cảng sầm
uất. Chỉ là những căn phòng họp, nhưng đó là tụ điểm của những dự án kinh doanh
to lớn. Những khách sạn sang trọng, sân bay siêu cấp, building chói lòa... đó
là những thứ tạo ra của cải, thay thế cho tài nguyên thiên nhiên, cho ruộng
vườn, dầu mỏ. Những cuộc thi sáng tạo được trao giải thưởng để tôn vinh lao
động trí óc. Và bằng trí tuệ, họ tự tuần hoàn nước ngọt để tiêu dùng mà không
cần phải nhập khẩu nước từ Malaysia như trước đây, thậm chí còn xuất khẩu nước
đóng chai qua Malaysia. Họ đã xây dựng nên một Singapore mà cả thế giới ngã mũ
cúi chào.
Phải chăng
dân Singapore là giống dân đặc biệt, được sinh ra đã có trí thông minh siêu
phàm như dân Do Thái? Không, đó là nơi hợp chủng quốc với đa phần người Hoa,
còn lại là Mã Lai và Ấn Độ. Chẳng thể nói họ thông minh siêu phàm.
Rõ ràng
Singapore không hề giàu có, không hề thông minh vượt trội. Cái mà họ có được
ngày hôm nay và cả trong tương lai đều trích ra từ trí tuệ. Thành quả ngày nay
là từ cung cách quản lý, từ tầm nhìn, từ giáo dục... Cái họ có mà ta không có,
đó là văn minh.
Phan Xuân
Trung
3/6/2012
Dùng từ VĂN MINH để khái quát đặc điểm của người SINGAPORE tôi e rằng chưa thật chính xác .Và đánh giá cái mà VN chúng ta chưa có là VĂN MINH liệu có gây ra cãi cọ không ?
Trả lờiXóaBạn Thanh Dạ thân mến,
Trả lờiXóaTôi cũng chia sẻ ý kiến của bạn. Tuy nhiên tôi thấy nếu có một cuộc cãi cọ về chuyện này thì cũng hay, bởi vì nhiều khi, tận trong lòng tôi cũng nghĩ, hay là người dân mình "có vấn đề" !!!
Nhớ lại dân mình trong chiến tranh gian khổ thế sao mọi chuyện cứ đâu vào đấy cả,vẫn "thóc không thiếu một cân,quân không thiếu một người". Bởi có lẽ vì lúc ấy QUYỀN LỢI CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC LÀ MỘT,Ý ĐẢNG THỐNG NHẤT VỚI LÒNG DÂN.Bây giờ CHÚNG TA ĐÂU CÒN LÀ VÔ SẢN NỮA ? (Đảng viên giàu hơi nhiều )Nhưng SỰ CÔNG BẰNG VỀ NGHĨA VỤ VÀ QUYỀN LỢI KHÔNG CÒN NHƯ TRƯỚC NỮA.Đó chính là nguyên nhân dẫn tới mọi LỘN XỘN KHÁC .Thời CỤ HỒ nói ĐẢNG TA LÀ ĐẠO ĐỨC,LÀ VĂN MINH .Bây giờ tại sao phải CHỈNH ĐẢNG ? Vì ta đã đánh rơi mất TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC,VĂN MINH CHĂNG ?
Trả lờiXóa