1. “Hà Nội ư? Có riêng gì Hà Nội...?”
Kinh tế phát triển, đời sống
vật chất của người dân nhìn chung được nâng lên so với thời kỳ “chưa
mở cửa” thế nhưng ở chiều ngược lại đời sống văn hóa tinh thần lại
“đi xuống” đến mức “báo động đỏ”. Đây là nhận định chung của khá
nhiều người trong đó có những “chuyên gia văn hóa”, những người đang
giữ trọng trách “sản xuất” và “tuyên truyền” văn hóa của đất nước
đến mọi tầng lớp nhân dân trong khoảng vài năm trở lại đây. Nhiều
người còn thẳng thắn lên án và “định danh” những biểu hiện “lệch
lạc” trong lối sống, lối sinh hoạt của một bộ phận không nhỏ người
dân (nhất là lớp trẻ) hiện nay là: “suy đồi về đạo đức” hay “xuống
cấp về văn hóa” nói chung. Và đỉnh điểm cho thực trạng đau lòng này,
có lẽ là vấn đề đang được dư luận cả nước quan tâm và mổ xẻ tạo
thành một diễn đàn trao đổi sôi nổi trên báo điện tử Vietnamnet mấy
ngày gần đây: vì sao có một bộ phận không nhỏ người Hà Nội – những
người đang sống ngay tại thủ đô “nghìn năm văn hiến” của cả nước lại
có những biểu hiện “suy đồi về đạo đức”, “xuống cấp về văn hóa” đến
mức “không thể tin dù đó là sự thật”? Thế thì nguyên nhân nào đưa
đến thảm cảnh này? Và những ai phải chịu trách nhiệm chính?
2. Bi kịch do lịch sử để lại?
Trước hết cần khẳng định, vấn
đề “suy đồi về đạo đức” hay “xuống cấp về văn hóa” của một bộ phận
người dân hiện nay không chỉ ở riêng thủ đô Hà Nội mà là ở khắp nơi
trên đất nước. Có nhiều nguyên nhân đã được các “chuyên gia văn hóa”
đưa ra, tuy vậy với góc nhìn cá nhân cũng xin mạo muội góp vào một ý
kiến chia sẻ dưới đây.
Từ góc nhìn văn hóa – lịch
sử, có thể nói, Việt Nam trước khi có mặt của người Pháp là một xã
hội thuần nông nghiệp; mọi vấn đề tổ chức thể chế chính trị, tổ chức
đời sống, văn hóa đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và sâu sắc từ Trung
Hoa. Điều này tất yếu dẫn đến mọi “chuẩn mực” văn hóa của người dân
trong xã hội đều được xác lập dựa trên cơ sở nền tảng là những học
thuyết, tư tưởng, văn hóa ảnh hưởng từ Trung Hoa mà nổi bật nhất là
học thuyết Nho giáo của Khổng Tử.
Khi người Pháp đặt chân lên và
dần dần thiết lập sự thống trị trên toàn lãnh thổ (bởi “chủ nghĩa
thực dân”) thì như một lẽ tất yếu những nền tảng văn hóa chịu ảnh
hưởng của người Trung Hoa trước đây bị phá vỡ. Xã hội Việt Nam lúc
này bị phân hóa thành hai xu hướng. Xu hướng tiến bộ ra sức cổ vũ và
ủng hộ văn hóa Phương Tây (vừa du nhập vào), xu hướng bảo thủ thì
cho rằng cần phải lên án đồng thời ra sức bảo vệ những giá trị văn
hóa (chịu ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa) mà họ xem là “truyền
thống”. Đây có thể xem là “sự xáo trộn và mất ổn định”
hay nói cách khác là “loạn chuẩn” văn hóa đầu tiên
trong xã hội Việt Nam trong quá trình vận động và phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản (lấy tư tưởng Mac-xit làm nền tảng trong mọi đường hướng)
trong suốt một thời kì dài “đánh thực dân (sau này là “đánh đế
quốc”) – phong kiến” giành độc lập và thống nhất đất nước gần như
những vấn đề liên quan đến văn hóa phương Tây, văn hóa thời phong
kiến lúc này gần như lại bị lên án, xóa bỏ. Dù muốn dù không, ở chỗ
này chúng ta cũng đã thừa nhận có những sai lầm vì đã vô tình đồng
nhất giữa những giá trị văn hóa của nhân loại dù là của phương Tây
hay phương Đông với những tập đoàn thù địch, phản động. Cho nên, lẽ
ra ta chỉ “đánh” những “thế lực phản động” (cụ thể ở đây là những
tập đoàn phong kiến vốn đã phơi bày những yếu kém, lạc hậu hay “chủ
nghĩa thực dân”, “chủ nghĩa đế quốc” tàn bạo xâm lược chủ quyền chứ
không phải “đánh” văn hóa phong kiến hay văn hóa Phương Tây. Khẩu
hiệu: “Phú, Trí, Địa, Hào, đào tận gốc trốc tận rể” là một
minh chứng tiêu biểu nhất cho sai lầm đã được Đảng thừa nhận sau
này. Và đây chính là lần “loạn chuẩn văn hóa” lần thứ hai của chúng
trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ khi “mở cửa” cho đến nay,
có thể nói tuy nhiều vấn đề của đất nước (trong đó có văn hóa) đã
được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn nhưng cơ bản nhìn chung
xã hội vẫn còn bị phân hóa bởi hai xu hướng: ủng hộ văn hóa phương
Tây, phê phán lên án quyết liệt những vấn đề liên quan đến văn hóa
Trung Hoa (coi đó là xiềng xích nguy hiểm) vốn đã ăn sâu vào tận
xương tủy của rất nhiều người Việt Nam; ngược lại là xu hướng xem
những giá trị văn hóa bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa là “tinh
thần”, là “bản sắc”, là “truyền thống” văn hóa dân tộc cần phải giữ
gìn, phát huy. Khoan bàn đến chuyện ủng hộ xu hướng nào, tuy nhiên
có thể nói đây cũng là biểu hiện rõ ràng cho thấy chúng ta còn vẫn
còn bị “xáo trộn và mất tính ổn định” trong việc xác lập những giá
trị riêng mang tính cốt lõi, nền tảng trong xu hướng hội nhập phát
triển của đất nước. Ngoài ra, trong xu hướng thế giới mở, sự bùng nổ
thông tin của thời đại ngày nay thì sự xáo trộn và mất ổn định thậm
chí mất kiểm soát những giá trị văn hóa vốn góp phần làm nên “hồn
cốt” của dân tộc đang ngày một trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Thế nhưng điều đáng tiếc là vấn đề này chúng ta lại ít chú ý (có lẽ
do quá tập trung cho việc phát triển kinh tế, ổn định đời sống vật
chất mà quên việc chăm lo đời sống tinh thần – vấn đề này xin được
bàn kỹ hơn ở phần sau).
***
Từ những vấn đề trên có thể
nói, đây là sự trớ trêu của lịch sử khi đã đặt dân tộc vào những
“tình cảnh ngặt nghèo” nhất trong quá trình vận động và phát triển.
Ở góc nhìn văn hóa, hậu quả của những sự “loạn chuẩn” văn hóa kéo
dài này đã vô tình gây nên sự hoang mang đối với người dân. Bởi mỗi
lần thay đổi “ý thức hệ” là một lần “xáo trộn” văn hóa (cho phù hợp
với chính sách của nhà cầm quyền). Điều đáng nói là chỉ trong một
thời gian ngắn nhưng có quá nhiều sự thay đổi và “xáo trộn” nên
người dân thật sự không cách nào thích ứng cho kịp. Họ cảm thấy
hoang mang, mơ hồ thậm chí mất phương hướng trước những vấn đề của
cuộc sống khi không biết “dựa vào đâu”, “tin vào ai” để xác lập cho
bản thân một thái độ ứng xử phù hợp, đúng đắn. Đây chính là một
trong những nguyên nhân căn bản và sâu xa nhất gây nên những sự
“lệch lạc” hay “xuống cấp” và “suy đồi” văn hóa đạo đức trong xã hội
ta hiện nay.
Vì vậy, đề cập đến những hiện
tượng “xuống cấp về văn hóa” hay “suy đồi về đạo đức” trong xã hội
ta hiện nay mà không xem xét đến yếu tố này như một nguyên nhân căn
bản sẽ khó lý giải và tìm ra những giải pháp khắc có hiệu quả. Ví
như vấn đề “suy đồi đạo đức” hay “xuống cấp văn hóa” hiện nay không
chỉ diễn ra ở thủ đô Hà Nội mà là ở khắp nơi trên đất nước nhưng tại
sao Hà Nội lại là nơi bị dư luận “điểm danh” đâu tiên? Thật ra, cũng
không khó để lý giải chuyện này. Thứ nhất, do Hà Nội là thủ đô, là
trung tâm, là “đầu não” của đất nước - nơi trực tiếp “sản xuất” và
“tuyên truyền” văn hóa của cả nước mà còn như thế thì dù muốn dù
không cũng phải chịu sự “phán xét” trước tiên. Bên cạnh đó, so với
các địa phương khác phải chăng Hà Nội là nơi mà theo nhiều người thì
sự “xuống cấp” và “suy đồi” đạo đức, văn hóa là trầm trọng nhất.[1]
Nói điều này không phải nhằm mục đích nhục mạ người dân thủ đô mà
trước hết nên xem đây là sự “phản tĩnh” cần thiết để mọi người dù
đang sống ở bất kỳ nơi đâu hiểu rằng nguy cơ suy đồi văn hóa đang
hàng ngày rình rập chúng ta. Đồng thời khi đã hiểu được bản chất vấn
đề rồi có khi mọi người cần thông cảm cho người Hà Nội hơn. Sở dĩ
tôi nói vậy là vì hai lý do:
Một là, như đã nói, Hà Nội với
tư cách là thủ đô, là thủ phủ của đất nước nên gần như tất cả những
vấn đề liên quan đến chính sách văn hóa thì Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng
và tác động một cách trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Điều đó cũng có
nghĩa sự xáo trộn và mất ổn định trong việc xác lập những giá trị
văn hóa của dân tộc qua các chặng đường lịch sử như đã phân tích ở
trên thì Hà Nội là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nói cách khác, ở bất
cứ thời kỳ nào, hoàn cảnh nào nếu những chính sách văn hóa của nhà
cầm quyền ban ra đúng đắn, lành mạnh thì người dân thủ đô khi ấy sẽ
là người “hưởng lợi” nhiều và trước nhất; còn ngược lại nếu những
chính sách văn hóa sai lầm hay tiêu cực thì cũng chính người Hà Nội
chứ không phải người dân địa phương khác phải gánh lấy hậu quả khủng
khiếp nhất. Đây là nguyên nhân có tính khách quan cần nhìn nhận và
thông cảm cho người dân thủ đô.
Hai là, một lý do khác vừa có
yếu tố là khách quan vừa mang chủ quan gây nên sự “xuống cấp và suy
đồi văn hóa, đạo đức” của người Hà Nội nặng nề hơn so với các vùng
miền khác bởi Hà Nội là địa phương có đường biên tiếp xúc với “thằng
cha láng giềng” Trung Quốc gần và trực tiếp nhất. Như một lẽ tất yếu
chúng ta ở gần một “anh hàng xóm quỷ quyệt, xảo trá” nên dù có cố
gắng tự bảo vệ mình bằng những “chuẩn mực” riêng (để không bị “gần
mực thì đen”) nhưng vì “ở cạnh nhau” lâu dài và mãi mãi nên chắc
chắn sẽ không tránh khỏi có lúc nào đó ta lơ là, mất kiểm soát. Để
rồi khi không kiềm chế được ta buộc phải “chẳng đặng đừng” mà buông
ra những tiếng “chửi thề” (nhằm bày tỏ sự bức xúc của mình với anh
hàng xóm xảo quyệt kia). Mà một khi đã buông ra tiếng “chửi thề” thì
khó giữ nổi danh hiệu “người Tràng An thanh lịch” vì dù muốn dù
không “chửi thề”chính là biểu hiện của sự thô tục và thiếu văn hóa.
Đó là chưa kể nếu không tỉnh táo, quên mất “giọt máu đào” để rồi
“bán anh em xa mua láng giềng gần” thì càng nguy hiểm hơn nữa!
Tóm lại, nếu cho rằng đất nước
ta hiện nay đang bị “loạn chuẩn” văn hóa thì sự “loạn chuẩn” này một
phần là do sự trớ trêu của lịch sử để lại. Lịch sử văn hóa dân tộc
Việt Nam nhìn từ phương diện này có thể nói đó là một bi kịch đớn
đau!
3. Trách nhiệm thuộc về ai?
Nếu nói sự “xáo trộn và mất ổn
định” của những giá trị văn hóa do lịch sử để lại là nguyên nhân sâu
xa gây nên sự “loạn chuẩn” hay “suy đồi” văn hóa của con người hiện
nay thì cũng cần thừa nhận còn một nguyên nhân trực tiếp đã gây nên
thảm cảnh này? Vậy nguyên nhân trực tiếp ấy là gì? Xác định rõ
nguyên nhân này cũng đồng nghĩa với việc chỉ ra trách nhiệm xã hội
đối với thực trạng bát nháo và suy đồi về văn hóa trong xã hội hiện
nay.
Trong bài viết
Trách nhiệm văn hoá là trách nhiệm chung,[2]
GS Trần Hữu Dũng khái quát lại có “ba thành phần” phải có
“trách nhiệm đối với văn hóa” đó là: người “sản xuất văn
hóa”, người “phê bình văn hóa” và người “tiêu thụ văn hóa”.
Từ góc nhìn này, có thể
nói, “sự xuống cấp và suy đồi văn hóa, đạo đức” xã hội hiện nay,
ngoài nguyên nhân khách quan do lịch sử để lại thì một nguyên nhân
không kém phần quan trọng khác đó là do chính những con người hiện
tại, cụ thể là những người đang nắm trọng trách định hướng và tuyên
truyền văn hóa trong bộ máy nhà nước (những “người sản xuất và phê
bình văn hóa” như cách nói của giáo sư Trần Hữu Dũng). Bởi văn hóa
vốn chỉ có ý nghĩa và giá trị với người đang có mặt, đang thụ hưởng
vì thế dù muốn dù không tất cả chúng ta đang có mặt ở đây đều không
thể chối bỏ trách nhiệm này. Tuy nhiên, cũng cần phải xác định rõ
thành phần nào phải chịu trách nhiệm chính chứ không thể nói trách
nhiệm xã hội một cách chung chung được. (Mặt khác, cũng cần phải
thấy rằng tuy “người tiêu thụ văn hóa” cũng là một thành phần phải
chịu trách nhiệm về sự “xuống cấp” văn hóa nhưng theo tôi ở nước ta
đại bộ phận những “người tiêu thụ văn hóa” hiện nay vốn là những
người dân ít có điều kiện và cơ hội phát biểu những vấn đề văn hóa
“lớn lao” so với hai thành phần “người sản xuất và phê bình văn hóa”
vì thế ở đây chúng tôi chủ yếu nhấn mạnh đến trách nhiệm của hai
thành phần này mà thôi).
***
Rõ ràng đến thời điểm này phải
thừa nhận một điều những người đang nắm giữ trọng trách “sản xuất và
phê bình văn hóa” đang rất lúng túng và lơ là trong việc xác lập
những cái gọi là “chuẩn mực văn hóa” của dân tộc trong sự vận động
và phát triển của đất nước. Nghiêm túc mà nói đến nay, những cái gọi
là “tinh hoa” văn hóa dân tộc vốn đã bị xáo trộn và mất ổn định qua
từng chặng đường lịch sử vẫn chưa được xác lập lại sao cho thật
thuyết phục, tránh rơi vào cực đoan, phiến diện. Cụ thể, phải làm
sao xác lập những giá trị văn hóa căn bản nhất góp phần làm nên
“diện mạo” của dân tộc để mọi người dân thật sự tin tưởng và xem đó
như những giá trị văn hóa mang tính nền tảng, một “cứu cánh của tâm
hồn” trong cuộc sống nhất định họ phải hoàn thiện một cách tự giác;
những giá trị văn hóa thật sự mang lại niềm tự hào cho người dân
trong quá trình hội nhập, giao lưu với bạn bè thế giới; và để bạn bè
thế giới nhìn vào là nhận ra đó là giá trị văn hóa xuất xứ từ Việt
Nam... Thật đáng tiếc, tất cả những vấn đề này thời gian qua lại ít
được chú trọng, ít được xem xét một cách nghiêm túc và thấu đáo. Xin
được minh chứng sự “lúng túng” này qua một số biểu hiện sau:
Thứ nhất, nói về
những giá trị làm nên “bản sắc’ và “cá tính” riêng của dân tộc cho
đến nay hầu như trong đường hướng xây dựng và phát triển đất nước
trong thời kỳ mới dường như chúng ta vẫn mới dừng lại ở việc hô hào
một cách rất chung chung thông qua những khẩu hiệu cổ động vốn chỉ
để đọc cho nhau nghe trong những cuộc họp và giăng mắc đầy khắp các
hàng cùng ngõ hẻm trên khắp nẻo đường đất nước. Tiêu biểu là khẩu
hiệu mà bất kỳ người người Việt Nam nào cũng được ít nhất vài lần
nghe hay được nhắc nhở buộc phải nghe, đó là: “Xây dựng nền văn
hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Đây là khẩu hiệu rất hay
nhưng rõ ràng là quá mơ hồ. Bởi thế nào là “nền văn hóa tiên tiến”,
thế nào là “đậm đà bản sắc dân tộc”? “Tiên tiến” ở đây là gì, “bản
sắc dân tộc” chỗ này là gì? Mỗi người dân trong cuộc sống cần suy
nghĩ, hành động như thế nào thì đất nước mới thật sự có được “nền
văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”? Có ai xác định và nói
một cách thật cụ thể những điều này để ít nhất hình thành một “cẩm
nang” đưa vào trường học như một pháp lệnh buộc ngành giáo dục phải
rèn luyện cho các em học sinh qua từng cấp học chưa? Nhất là
xem đó như là một “chiến lược” trong việc xây dựng và đào tạo con
người phục vụ đất nước trong tương lai? Để các em trước khi
nhận tấm vé thông hành là công dân chính thức của đất nước thì nhất
định những giá trị văn hóa kia phải thấm vào xương tủy?
Hay chúng ta đã làm gì để mỗi
người dân qua từng thế hệ đều thấu hiểu, tự hào với ý thức tôn trọng
giữ gìn một cách tự giác nhất những giá trị truyền thống, những
“tinh hoa” văn hóa làm nên “hồn cốt” của dân tộc ở từng “bộ môn” cụ
thể một cách thật thuyết phục chứ không “vì lợi ích nhóm”, vì sự háo
danh, sĩ diện hão... mà thêu dệt nên. Ví như: tinh hoa văn hóa của
dân tộc trong văn chương nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, kiến trúc,
âm nhạc... là gì, có những tác phẩm nào, văn nghệ sĩ nào là đáng tôn
vinh nhất?; tinh hoa văn hóa trong lịch sử, quân sự, khoa học là ai,
công trình gì, chiến công gì...?
Nhà thơ Chế Lan Viên vốn được
xem là người làm thơ “giàu chất trí tuệ và triết lý” ấy mà lại viết
ra câu thơ khái quát về dân tộc, theo tôi là chua xót và đau đớn
quá:
“Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc.
Sắc tài sao mà lắm truân chuyên” (Đọc Kiều – Chế Lan Viên)
Khoan bàn đến chuyện “chiều
sâu tư tưởng” của nhà thơ ở đây là gì nhưng trước hết, thi sĩ nỡ nào
lấy cô Kiều (một cô gái bán hoa – mà có người không đồng cảm gọi là
con đĩ) để so sánh với cả dân tộc như thế liệu có ổn không về mặt
văn hóa? “Đời dân tộc”, “tinh hoa” dân tộc liệu có giống như “đời”
của một cô nàng (cho dù có tài sắc đi nữa nhưng cũng thể phủ nhận sự
thật trong cuộc đời mình cô đã “sống làm vợ khắp người ta”?). Chế
Lan Viên vì quá yêu cô Kiều hay thầm xót xa cho dân tộc mà lại hạ
bút thế này?
Một ví dụ cụ thể như trên để
thấy, lâu nay chúng ta cứ nói, cứ hô hào về “tinh hoa”, về “bản sắc”
văn hóa dân tộc nhưng nói thế nào cho thật sự thuyết phục, cho mọi
người dân (nhất là những người trẻ) đều cảm thấy tự hào và xem đó
như cứu cánh của tâm hồn họ thì gần như vẫn rất mơ hồ!
Thứ hai, trong khi
vẫn chưa xác lập, vẫn chưa chỉ ra đâu là những giá trị văn hóa cốt
lõi làm nên “cá tính” riêng của dân tộc để người dân noi theo nhưng
chúng ta lại không thôi phát động các phong trào mang tính bề nổi.
Không khó để nhận ra bất cập này qua việc khắp các hang cùn ngõ hẻm;
từ thành thị đến nông thôn đâu đâu cũng thấy gắn những bảng hiệu:
“cơ quan văn hóa”, “khu phố văn hóa”, “hẻm văn hóa”, “phường văn
hóa”, “xã văn hóa”, “thôn văn hóa”, “làng văn hóa”, “gia đình văn
hóa”... Thế nhưng nghịch lý ở chỗ là đâu đâu cũng thấy kêu gọi
phấn đấu “xây dựng và giữ vững danh hiệu... văn hóa” ấy nhưng trên
thực tế thì hoàn toàn ngược lại, tức là đâu đâu cũng đầy dẫy những
biểu hiện của sự “suy đồi văn hóa”.
Tương tự vậy, trong khi người
dân nhất là lớp trẻ vẫn đang mất phương hướng trong việc xác lập
“chuẩn mực văn hóa” của dân tộc để làm hành trang ứng xử với cộng
đồng thì “những người sản xuất và phê bình văn hóa” lại mạnh ai nấy
bày tỏ tính “duy ngã độc tôn” về vấn đề này đến mức cực đoan. Người
thì bảo thủ cho rằng tất cả những gì liên quan đến người Việt mình
(hay của địa phương mình) cũng đều tốt đẹp hơn so thiên hạ; cái gì
của mình cũng là “nhất”. Cho nên mới có những câu “văn mẫu” rất sáo
rỗng, đại loại như: “dân tộc VN có truyền thống...”; “người dân
VN có truyền thống...”, “người phụ nữ VN có truyền thống...”, “thanh
niên VN có truyền thống...”; “người Hà Nội là thanh lịch nhất”;
“Nghệ An là đất địa linh nhân kiệt”,“Nghệ Tĩnh là đất học”, “Cần Thơ
là trung tâm văn hóa vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.... Trong khi
đó, những người theo xu hướng “cởi mở” hơn thì không ngận ngại phủ
nhận và xổ toẹt những giá trị văn hóa cha ông.
Có thể nói, hậu quả của những
việc làm này vô tình đã gây ra những “phản ứng ngược” rất tai hại vì
chỉ càng làm cho người dân nhất là các bạn trẻ càng thêm rối tung,
rối mù hơn. Những người có cơ hội đi đây đi đó, trải nghiệm cuộc
sống nhiều sẽ bất ngờ nhận ra tại sao người Việt mình tự nhận có
nhiều “truyền thống tốt đẹp” thế kia nhưng sao trong quá trình xây
dựng, đất nước vẫn cứ nghèo nàn lạc hậu; “văn hóa xuống cấp”; còn
thiên hạ chẳng thấy họ hô hào có nhiều “truyền thống tốt đẹp” như
mình nhưng sao đất nước họ lại giàu mạnh, người dân họ rất có văn
hóa? Những người khác thì thấy, dân tộc mình cũng “không đến nỗi
nào” nhưng sao có người lại phủ nhận và lên án gay gắt, quyết liệt?
Vì thế, càng làm cho họ thêm hoang mang và mất phương hướng vì không
biết “tin vào ai”, không biết “dựa vào đâu”, “chuẩn mực nào” để hành
xử sao cho không bị xem là “lạc hậu”, “cổ hủ”, “trì trệ” đồng thời
lại không bị “ném đá” là “lai căng”, “mất gốc”...
Những chuyện như thế này lâu
dần sẽ gây sự hoài nghi và mất niềm tin trong dân chúng ngày một
tăng lên. Một khi người ta không tin thì người ta sẽ không theo và
chắc chắn sẽ chọn một cách hành xử khác (có thể tích cực nhưng cũng
có thể là rất tiêu cực).
Thứ ba, nói đến
trách nhiệm trong việc xác lập, ổn định và tuyên truyền những giá
trị, những chuẩn mực của văn hóa dân tộc hiện nay không thể không
nhắc đến vai trò của ngành giáo dục. Bởi giáo dục chứ không phải môi
trường nào khác chính là nơi trực tiếp “sản xuất” và gieo những hạt
mầm văn hóa đầu tiên góp phần hình thành nhân cách, bồi bổ tâm hồn
cho con người. Thế nhưng đáng tiếc thay dường như bản thân ngành
giáo dục hiện nay vẫn chưa thật sự ý thức hết tầm quan trọng của vấn
đề này! Vai trò và trách nhiệm của ngành giáo dục hiện nay đang bị
bóp méo, có thể nói đây là “sự tha hóa trong môi trường lẽ ra rất
văn hóa”. Giáo dục gì mà chỉ chăm chăm hướng đến việc “dạy để có
thành tích”, “học chỉ để thi” cộng với việc xã hội “xem trọng bằng
cấp hơn năng lực” không những đã vô tình không ươm, không gieo được
những hạt giống tâm hồn cao đẹp mà còn nhanh chóng làm cho nó bị
thui chột, héo úa, cằn cỗi hơn. Cho nên, hậu quả là các bạn trẻ tuy
chưa rời ghế nhà trường nhưng những suy nghĩ lệch lạc do nghèo nàn
về văn hóa tâm hồn; sẵn sàng cư xử bạo lực với bạn mình ngay trong
lớp học; sẵn sàng “chết” vì “thần tượng” nào đó xa lắc xa lơ bên xứ
người; hay thậm chí bắt chước người lớn tạo scandal để được nổi
tiếng...
Cuối cùng, trong thời đại bùng
nổ công nghệ truyền thông hiện nay, nói đến trách nhiệm văn hóa đất
nước cũng không thể không nhắc đến vai trò của hệ thống truyền thông
báo chí, nước nhà. Báo chí vừa là sản phẩm văn hóa đồng thời cũng là
phương tiện để tuyên truyền văn hóa thế nhưng thật đau lòng mà nói,
nền báo chí của chúng ta hiện nay chẳng khác gì một cái chợ đầy rác
rưởi rất bẩn thỉu. Người dân nhất là các bạn trẻ vốn đã không được
trang bị những chuẩn mực văn hóa cần thiết giờ lại bị tiêm nhiễm
những thứ rác rưởi ấy thì thử hỏi văn hóa không “loạn”, không “xuống
cấp”, không “suy đồi” mới là chuyện lạ.
4. Thay lời kết
Con người muốn được xem là “có
văn hóa” nhất định phải trải qua một quá trình rèn luyện, bồi đắp
lâu dài trong một môi trường văn hóa ổn định, lành mạnh. Để xảy ra
sự “loạn chuẩn” hay “lệch lạc” văn hóa như hiện nay ngoài những
nguyên nhân do lịch sử để lại thì phần nhiều là do cách “ứng xử” của
chúng ta hiện nay (đặc biệt là hai thành phần “sản xuất” và “phê
bình” văn hóa). Để kết thúc bài viết này xin mượn ý kiến của GS Trần
Hữu Dũng như một lời chia sẻ và đồng cảm như sau:
“Chúng ta thường trách nhà
nước không nâng đỡ đúng mức, thậm chí đã kềm chế tiến bộ văn hoá,
song nghĩ cho cùng, không một nhà nước nào có thể “sản xuất” văn
hoá. Tất nhiên sự “can thiệp” mạnh tay của nhà nước vào văn hoá, mà
lại không có một nâng đỡ nào đáng kể, là một điều đáng phàn nàn. Nhà
cầm quyền, nhất là những người có trách nhiệm đối với sinh hoạt văn
hoá, phải nhận trách nhiệm của mình đối với hậu thế. Chúng ta cũng
thiếu những nhà văn hoá lớn. Song không ai trong chúng ta là vô can.
Chúng ta quá dễ dãi với văn hoá hạ cấp, chúng ta quá thờ ơ, dửng
dưng với văn hoá có chất lượng. Chúng ta không bảo tồn di sản văn
hoá dân tộc. Và nói thẳng, đôi khi chúng ta, mỗi chúng ta, có những
hành động thiếu văn hoá!”[3]
Nguyễn Trọng Bình
Cần Thơ, 5/6/2012
[1]
Xin mời đọc thêm loạt bài của các nhà văn, nhà báo, nhà văn
hóa... bàn luận về vấn đề này trên báo điện tử Vietnamnet
thời gian qua như: “Chỉ có Hà Nội mới có “văn hóa chửi”,
“Tôi sợ mặt trái văn hóa hà Nội”, “Vì sao Hà Nội xấu xí như
vậy?”; “Dân hà nội khinh tiền và người có tiền như thế
nào?;“Văn hóa xuống cấp, Hà Nội như một cái chợ?”;“Hà Nội
chưa bao giờ thanh lịch?”,“Thủ đô nghìn năm văn hiến và...
“văn hóa bãi bia”... sẽ thấy rất rõ điều này.
[2]
Trần Hữu Dũng, 2012,
Trách
nhiệm văn hóa là trách nhiệm chung, Thời báo Kinh tế
Sài Gòn, số Xuân
[3]
Trần Hữu Dũng, như trên.
http://www.viet-studies.info/NguyenTrongBinh_VanHoaXuongCap.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét