Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

ĐÀN ÔNG LẠY VỢ

Tác giả Vũ Quốc Túy

(Cho ngày Phụ Nữ, 20 tháng 10-2011)

Tôi rất lười đọc thơ nhưng lại thích chơi thơ nên hay sưu tầm những bài ưa thích lưu vào máy tính mỗi khi tình cờ vớ được ở đâu đó.Tôi không sành thơ lắm nên có thể những bài tôi thích nhiều người không thích. Tất dĩ nhiên thôi!
 Xin kể một chuyện. Vào một buổi chiều giữa năm 2009, điện thoại tôi nhận được một tin nhắn từ một số điện thoại lạ hoắc. Nhắn lại hỏi ai đó? Trả lời Hợp tác xã thơ Hồn Rơm. Đích thị cha này hâm rồi, chập mạch rồi. Tôi gọi lại, lão  xưng tên Văn Thùy. À ra thế! Chả là tôi vừa mới có viết vài cảm nhận về thơ hắn trên một trang Web. Thế rồi lão đọc cho tôi nghe mấy câu thơ lằng ngoằng mới sáng tác. Tôi khen lấy lệ. Năm 2010, buổi tối trước ngày Lễ hội lục bát Canh Dần, trong bóng tối lờ mờ tại sân nhà số 2 Hoa Lư Hà Nội, tôi gặp Văn Thùy. Lão móc túi đưa tôi một tập giấy khổ nhỏ, cỡ A5. Hôm sau đem ra coi, hóa ra tập thơ viết tay. Chữ đẹp, mấy ông viết chữ huân huy chương phải gọi bằng cụ.  Xen kẽ các bài, các trang là các dòng thơ viết kiểu thư pháp. Đại loại “Bóng ta đổ dưới chân ta/ Cả đời không bước nổi qua bóng mình”, “Ngày giờ năm tháng đuổi nhau/ Lịch tơi tả rụng héo màu thời gian” hoặc “Người đi mắc chứng thong manh/ Chân sai cứ đổ vạ thành đường sai” v,v…


Ngoài bìa tâp thơ đề Hợp tác xã thơ Hồn Rơm, chuyên chế tạo thơ và ca dao sạch. Trang cuối đề giá tập thơ kèm theo dòng “Người lạ bán 20 ngàn/ Người quen lèn chặt giá sàn gấp đôi”. A, lão này đi bán thơ dạo! Dù sao tôi cũng tự cho mình là người quen của lão. Kinh tế tôi cũng chả khá hơn gì lão nhưng cơn bốc đồng và máu sĩ diện của tôi bỗng nổi lên như bão xoáy, liền rút ngay 68 ngàn đồng trong khoản 100 ngàn đồng là số tiền nhuận bút bài vè tôi vừa nhận được từ một tờ báo địa phương bỏ vào phong bì gửi thư bảo đảm cho tác giả tập thơ, kèm theo lời nhắn. “Tổng biên tập tạp chí Lấy Mồm Nuôi Miệng trả nhuận bút cho chủ nhiệm HTX thơ Hồn Rơm- Một bài thơ thối chia ba, lấy phần sạch nhất đem ra tặng người” Con số 68 tôi chọn mang ý nghĩa là lục bát.
Mấy ngày sau tôi nhận được điện thoại Văn Thùy, bảo ông làm thế có ngày mất toi tiền. Bọn bưu điện bảo lần sau làm thế nó phạt cho đấy.

Tôi đọc thơ Văn Thùy khá kĩ. Có thể nói cả tập gây ấn tượng cho tôi chỉ ở những hai câu, bốn câu, khó tìm ra bài toàn bích. Trong thơ không có tư tưởng lớn. Tác phẩm kiểu này khó lớn được. Nhưng dễ nhớ, dễ thuộc. Có thể so sánh một cách khấp khểnh và hơi ngoa ngoắt một tí, rằng đây là một electron chuyển động với vận tốc cực lớn bắn phá  hạt nhân nguyên tử tạo ra phản ứng dây chuyền giải phóng năng lượng, một hiện tượng vật lý thuộc thế giới vi mô. Đọc VT, tôi nhặt ra được một bài “Thi khúc lạy vợ” Nhân ngày 20-10 năm nay, xin trình bầy cảm nhận về bài thơ này. Không phải bình, không bốc thơm hay bốc thối gì cả. Nội dung bài lục bát này tôi thuộc lòng như sau:

THI KHÚC LẠY VỢ  

Công em hay lảm hay làm
Tội tôi thơ phú nguềnh ngoàng rong chơi
Nghêu ngao ca đất ngợi trời
Quên em ca cẩm nửa đời đóng băng

Chân đi lục bát loằng ngoằng
Quả tim nhịp trắc nhịp bằng đập suông
Lang thang đau cả mép đường
Yêu chay loang lổ mảng tường phong rêu

Thoắt thôi tóc sớm xế chiều
Đuôi con mắt chạm khắc nhiều chân chim
May còn nửa nổi nửa chìm
Đem phần sống sót này tìm về đây
Nửa đời bám gió leo mây
Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu
Mải mê thơ phú cánh diều
Bỏ trâu gặm cụt nắng chiều mồ côi
Quay về tầm mắt em thôi
Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh
Xin em hết sức lượng tình
Cho tôi tìm lại chính mình hôm qua
Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa
Cũng bay về phía thật thà ngày xưa
Lạy em ướt nắng khô mưa
Giận hờn xin đánh tôi thừa một roi!

 (Văn Thùy)

Chuyện yêu thơ và làm thơ chả có gì nên tội, nhưng cứ lang thang làm những việc không thiết thực bỏ mặc vợ con lam lũ là có tội với gia đình. Ngợi đất ca trời của anh chẳng phải là yêu thiên nhiên mà là cái sự viển vông vô bổ.
Từ khổ thơ thứ 2, người ta cảm nhận một Văn Thuỳ vừa say lại vừa tỉnh để rồi nhận ra những bước đi lệch lạc đã qua của mình, muốn sửa lỗi. Nhưng suy cho cùng, cái tính nết trời phú cho con người khó thay đổi nếu không muốn nói là không thể, đúng như câu ngạn nhữ Pháp “Đuổi tính tự nhiên đi, nó lại phóng tới”.Nửa đời đi bám gió leo mây, chả được tích sự gì, trở về nhà tóc đã pha sương, đuôi mắt hằn nếp nhăn, đeo bộ mặt đầy “rong rêu” ngồi phệt xuống lạy vợ để rồi nhận được cái nhìn thương cảm từ người vợ hiền vị tha đã phải khổ sở, chịu đựng vì chồng trong suốt nửa cuộc đời ngắn ngủi phù sinh.Cũng vì bám gió leo mây bị rơi tõm xuống bể trầm luân của kiếp người, may còn nửa nổi nửa chìm, không bị chết đuối mới mang được “nửa phần sống sót” về nhà. Nửa ấy chính là phần hồn mang bộ mặt đầy rong rêu ở trong phần xác còn nguyên vẹn ngồi bệt xuống trước mặt vợ. Lòng nhân ái, nghĩa vợ chồng cảm động người đọc bởi câu “Quay về tầm mắt em thôi/Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh” Cứ tưởng đấng nam nhi to tát ghê gớm lắm, hóa ra cũng chỉ bé cỏn con đủ đầm mình trong giọt lệ người vợ mà thôi. Người đọc cảm thông cùng tác giả khi anh ta muốn chữ nghĩa được bay về chốn thật thà ngày xưa. Hoá ra, muốn trở lại là chính mình, thật thà như xưa thì tác giả vẫn đang thật thà đó thôi.Và anh ta xin nhận thừa một roi là phải lắm để rồi ngựa quen đường cũ chả có gì phải ân hận. Xin lỗi đấy, nhưng muốn thay đổi tính nết thì chưa hẳn. Nét trào lộng của bài thơ đã nâng tầm cảm xúc thẩm mỹ của người đọc. Ngôn từ sắc sảo, nhuần nhuyễn, biến ảo đến mức xoá nhoà ranh giới giữa thực và mơ. Có phải nhà thơ  tạ lỗi vì chữ nghĩa của mình chưa phục vụ điều thiết thực? Đây đích thị là quan niệm về  cái chân giá trị của văn chương nói chung và thơ nói riêng .
Thơ Văn Thùy là thế, có đem đi đâu, vứt vào chỗ nào, chẳng cần tác giả kí bút danh người đọc vẫn nhận ra. Điều này không mấy người làm thơ có được.
( Ngày 17-10-2011 )   
..................................................................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét