Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

HOA MI-MÔ-DA

Truyện ngắn của Thăng Sắc

Tôi chắc chuyến xe của tôi là chuyến cuối cùng đổ khách từ Sài Gòn xuống Đà Lạt. Lúc ấy đã muộn, nhưng nắng cao nguyên vẫn toả trên những ngọn thông, lá thông còn óng ánh bởi những hạt mưa chiều chưa ráo. Tôi cài cúc cổ vì thấy lạnh, phảng phất cái lạnh đầu đông ngoài Hà Nội. Phải đi bộ khá xa mới gặp một chiếc xe ngựa tuềnh toàng, chủ xe vạm vỡ nhưng khuôn mặt trẻ măng, con ngựa hồng còm rom mắt nhìn lơ đãng và cam chịu.
- Chú về đâu, con đưa chú đi. Trông chú, con biết ngay chú mới ở ngoài vào.
- Thế thì cậu giỏi thật. Trông tớ lớ ngớ lắm hay sao?
- Không phải đâu chú ơi, bởi tụi con đón khách nhiều nên rành đó thôi. Về đâu chú?
Trường Đại học Đà Lạt.
Người chủ xe ra roi,. con ngựa chồm lên và một lát sau tiếng vó đã reo đều trên đường dẫn tốt. Đến nơi thì phòng thường trực vừa bật đèn. Khi tôi hỏi thăm, một mái đầu bạc ló ra:
- Cô Hằng người Hà Nội không ở trường từ lâu rồi. Cô ấy về làm vườn với người bà con ở phường Thái Phiên.
Tôi thất vọng quay ra. Người chủ xe nói:
- Khỏi lo đi chú. ở phường Thái Phiên con rành lắm, con đưa chú tới luôn.
Chiếc xe lại lên dốc rồi xuống dốc. Mãi lúc này tôi mới nhận ra người chủ xe đội mũ cao bồi, bóng anh ta chập chờn trong tiếng lốp cốp vó ngựa, giống như trong phim oét-téc.
*
*        *
Lần mò tới chín giờ tối tôi cũng tìm ra Hằng. Tôi lặng đi khi Hằng hiện ra trong khuôn cửa, ánh điện vàng hoe trong nhà làm nền cho dáng mảnh mai của em. Em vẫn tết tóc đuôi sam, hai dải tóc hất ra phía trước, trong em vẫn duyên dáng và tinh nghịch như ngày còn đi học. Hằng khoác chiếc áo en mỏng màu đỏ, giống như những cô gái Đà Lạt tôi gặp chiều nay trên phố chợ. Mắt mở to ánh lên niềm vui xen lẫn bất ngờ, em quýnh lên vì mừng, quềnh quàng giới thiệu tôi với mọi người trong nhà rồi đưa tôi về phòng riêng, nấu cho tôi ăn bát mì ăn liền, ngồi nhìn tôi ăn và đặt ra biết bao nhiêu là câu hỏi. Sau đó em mang ra một liễn dâu tây trộn đường đã ướp lạnh, hóm hỉnh cười chế nhạo vì thấy mắt tôi sáng lên, thích thú.
- Làm thế nào lại có món dâu tây bây giờ?
- Anh thật ngốc nghếch. Đà Lạt là đất dâu tây mà lại. Trong vườn nhà, em cũng trồng bao nhiều.
Chúng tôi rủ nhau ra vườn ngồi. Trăng muộn vừa nhô lên khỏi đồi thông phía thị xã. Thung lũng trước mặt chúng tôi chìm ngập trong ánh trăng huyền ảo và mong manh như tơ. Gió thổi qua những đồi thông lúc gần lúc xa rì rào như sóng biển. Khung cảnh ấy thật dễ đem lại cho người ta cảm giác yên bình. Tuy vậy, cả tôi và cả Hằng nữa cũng đang rất xúc động về cuộc gặp gỡ này. Khi tôi hỏi Hằng sống ra sao, em chỉ thở dài, tiếng thở dài trong đêm nghe thật não lòng.
- Kể từ ngày em bỏ đi, thấm thoắt đã gần bốn năm. Đúng là lúc đầu em định xin làm việc ở Đại học Đà Lạt, những mong công việc sẽ làm mình nguôi ngoai nhưng không thể được. Tâm trí rối bời, đầu óc bấn loạn, em đã định đi tu. Rồi cô chú em đón về đây, ngày ngày trồng rau trồng hoa, bình lặng cũng chẳng khác đi tu là mấy. Cô chú em tốt lắm, vào làm kinh tế mới Lâm Đông không làm ăn được bươn chải lên tân đây. Bây giờ thì khá rồi.
Hằng nguyên là cô gái làng Ngọc Hà, gia đình chuyên sống về nghề trồng hoa. Em lớn lên ở cái làng hoa Hà Nội ấy, đẹp như bông hồng, bông huệ hé nở, nhưng chuyện tình duyên lại biết bao éo le. Trong số những chàng trai vây bọc quanh em có hai người được Hằng yêu mến hơn cả. Với tôi, Hằng yêu như người bạn, người anh, muốn được tôi nuông chiều và che chở. Với người kia là Lực, Hằng như một người tình si mê, đắm đuối. éo le thay, Lực lại là con một người mà với bố Hằng ông ấy đã sẵn có hiềm khích từ lâu. Vì thế, bố Hằng quyết định ngăn không cho yêu Lực. Khi Lực ngỏ lời, ông tức giận giày nát một luống hoa hồng rồi vớ con dao chém phật xuống phản mà nguyền rằng Hằng có Lực thì không có bố. Lực tự ái, không quay lại tìm Hằng. Anh cặp kè với một cô gái khác, làm như không có Hằng thì cũng chẳng sao, nhưng trong lòng quá buồn, sinh rượu chè cờ bạc, lang thang để cuối cùng phải vào tù. Hằng mất người yêu, đau khổ héo hắt, lại bị bố mẹ la rầy, ép uổng một đám khác, uất quá cô bỏ nhà ra đi.
Hằng ngồi im lặng khá lâu như để hồi tưởng lại những chuyện đã qua, thời gian kể là những năm đã qua, nhưng vết đau trong lòng còn nguyên hôi hổi. Bất chợt, em hỏi tôi:
- Nhà em bây giờ thế nào?
- Ông bà cụ yếu đi nhiều rồi. Giờ các cụ không trồng hoa đồng tiền nữa. Làng mình nay toàn trồng cẩm chướng với loa kèn.
- Thế còn cây hoàng lan?
- Vẫn sai hoa như ngày xưa. Thỉnh thoảng anh ghé qua thăm cụ vào những đêm hoa chín, thoảng mùi hoa lan chín mà nhớ đến mềm lòng. Các cụ phải thuê người hái, hoa không đủ bán vào những ngày rằm và mồng một.
Hằng lại thở dài.
- Em nhớ thương bố mẹ em lắm, nhưng bẽ bàng quá, không thể quay về. Thế còn lực, anh có nghe gì không?
- Hình như trồn tù rồi vượt biên đi Hồng Kông, ấy là nghe đồn vậy. Trước hôm đi có đến nhà tìm em, nhưng bị bố đuổi.
Hằng gục đầu xuống tối, hai vai rung lên nhè nhẹ. Tôi chợt nghĩa Hằng còn thương yêu Lực lắm, con người si mê trong em vẫn nguyên, Hằng chẳng thể thoát tục mà tu hành được. Trong lòng tôi lúc ấy dâng lên tình cảm thương xót Hằng, nhưng tôi không thể nào nói ra thành lời. Chung quanh thật yên tĩnh. Trăng đã bị mây đen che phủ tự bao giờ. Gió đẫm nước ướt lạnh thổi vù vù trên đỉnh đồi và sương đêm như những đám mây bạc đang tràn đầy xuống các thung lũng. Hằng bảo trời sắp mưa và kéo tôi vào nhà. Quả nhiên, cơn mưa ập đến chỉ một lát sau. Ngôi nhà nhỏ bé phút chốc chìm trong mưa. Tôi nhìn qua cửa sổ thấy mầu mưa trắng trong đêm, tiếng mưa đục như tiếng mưa rừng. Im lặng quá, im lặng ngay cả trong tiếng mưa rào rào và tiếng gió đập vào cành lá răng rắc ngoài vườn đêm. Tôi đứng bên cửa sổ, cứ để cho gió lạnh táp vào người, bụi mưa bắn lăn tăn trên mặt đầu óc nặng trĩu những ý nghĩ mong lung về hoàn cảnh của Hằng.
Hằng đem lại một chiếc chế xích đu để tôi nằm chợp mắt. Tôi lẵng đi trong tiếng mưa dịu dần và khi bừng tỉnh lại thì thấy căn phòng ngập mùi cà phê. Những tia nắng nhẹ sớm chiếu qua cửa sổ. Cây ngoài vườn, cây trong thung lũng là xanh mát, lóng lánh dưới ánh mặt trời. Những luống hoa vàng, hoa đỏ, hoa trắng nổi bật trên nền thung lũng xanh và sáng loáng. Tôi vươn vai, hít thật sâu bầu không khí trong vắt và thơm phức mùi lá thông.
Hằng bảo ăn sáng xong sẽ dẫn tôi đi thăm thị xã, thăm những ngôi biệt thự trong rừng thông, thung lũng Tình Yêu và hồ Than Thở. Nhưng em đã tỏ ra hoàn toàn thất vọng, khi tôi nói tôi sẽ trở lại Sài Gòn ngay sáng nay.
- Vậy thì anh lên đây làm gì?
- Để báo em là anh sắp lập gia đình.
Hằng tròn xoe mắt ngạc nhiên, thoáng vẻ thảng thốt, em lại gần tôi, cầm lấy tôi tôi bóp nhẹ, cử chỉ đầu tiên của em có kể từ khi chúng tôi thân nhau. Em nhìn tôi, mắt mênh mông buồn như trời chiều Đà Lạt.
- Cô dâu là ai đấy?
- Cũng dân Ngọc Hà mình.
- Làm gì?
- Cũng trồng hoa. Số phận muốn anh toàn yêu những người con gái trồng hoa. Hằng nói nhẹ như trong hơi thở:
- Con gái làng em vất vả lắm, anh ạ. Em mong anh chị được hạnh phúc.
Chúng tôi đi ngang qua thung lũng để xuống đường. Hằng chỉ cho tôi những cây bơ lá mỡ màng, quả lủng lẳng to bằng nắm tay, những cây hồng, quả to gần bằng cái bát ăn cơm. Trong cái tinh khiết của không khí ban mai tôi vẫn thoảng thấy mùi hăng hắc của phân ngựa lẫn với mùi ngọt nồng của dâu tây chín. Khi đi tới một khóm cây lạ, lá giống là ngâu nhưng đầy phấn trắng, tôi hỏi Hằng đó là cây gì. Em bảo:
- Cây hoa mimôda đấy. Anh chưa nghe nói về nó bao giờ à? Phải cuối năm, vào khoảng Nôen, mimôda mới nở. Nó là hoa của Đà Lạt, hoa vàng rực rỡ lắm. Người ta bảo mimôda có hồn, người làm sao, hoa làm vậy. Đến Đà Lạt gặp nó một lần không quên được. Có lẽ vì thế mà mấy năm rồi, cứ nhìn hoa nở là em lại khóc, anh ạ.
Tôi thật không biết có một loài hoa như thế, thốt lên với Hằng ước gì được thấy một lần hoa nở. Mặt trời đã lên ngang tầm nhưng ngọn thôn, tôi bảo Hằng để tôi đi một mình. Em dặn tôi trở về Hà Nội đừng nói cho ai biết về em, cả tôi nữa cũng đừng lo lắng gì cho em, em đã yên phận ở đây rồi, đừng ai làm gì khuấy động đời em nữa. Vừa nói, nước mắt vừa lã chã rơi, rồi em quay lại, đi như chạy, nho bỏ trốn, như thế nếu dằng dai chút nữa thì em sẽ theo tôi trở về làng hoa Ngọc Hà của em ậy.
Trên xe về Sài Gòn, tôi thấy quá xót xa cho em. Xe đi trong sương mù bảng lảng, hai bên đường là đồi núi và rừng xanh thẫm. Ngôi nhà em ở thung lũng kia nhỏ nhoi và mỏng manh có khác chi chiếc lá trên biển cả. Thời gian như những lớp sóng sẽ xô đẩy em, người ta sẽ lãng quên em, sẽ chẳng con ai lặn lội tới tận nơi heo hút này thăm em như tôi cả. Chuyện tình của em những ngày qua đã buồn rồi, những ngày tới em sẽ phải đơn độc đối mặt với những hoàng hôn cao nguyên cũng buồn vô hạn. Tôi gà gật trên xe, vừa nghĩ như thế vừa day dứt bởi cái màu vàng mimôda mà em vừa kể tôi nghe.
*
*        *
Những ý nghĩ trên của tôi đã lầm.
Vào một ngày mùa đông rét căm căm, khi tôi đang ngồi đọc sách bên lò sưởi trong nhà thì có tiếng gõ cửa. Đến tìm tôi là một người đàn ông trạc năm mươi, vẻ hiền lành nhưng rắn rỏi. Ông tự giới thiệu là chú của Hằng, ông kể cho tôi nghe rằng cách đây hai tháng, có một chàng trai cũng đến tìm Hằng như tôi. Họ gặp nhau vừa khóc vừa cười và một tuần sau thì dắt nhau đi.
- Đi đâu?
- Chẳng là tôi vẫn còn gian nhà lá trên một vạt đồng đồi đất đỏ ở vùng kinh tế mới Đức Trọng. Họ đưa nhau tới đó. Trước khi đi, Hằng dặn khi tôi về thăm quê, nhất thiết tôi phải mang hộ Hằng cho anh cái hộp hoa này.
Tôi run run mở nắp. Từ trong hộp tràn lên một màu vàng rực rỡ, màu vàng xao xuyến, lay động tận cùng sâu thẳm lòng người. Hoa như nắng, hoa như trăng, hoa như những cánh bướm múa lượn trên đồi thông mà tôi đã bắt gặ lúc đi bộ trong một chiều Đà Lạt. Tôi bất chợt mỉm cười, cho đạt vui, biết rằng chàng trai đến mang Hằng đi là ai rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét