Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

BÀI HỌC ĐẮT GIÁ VỀ CHỐNG NGẬP LỤT ĐÔ THỊ

Tác giả Tô Văn Trường

Mảnh đất hình chữ S của chúng ta năm nào cũng bị bão lũ nhưng năm nay đồng thời cả miền Trung và các tỉnh Nam bộ đều chịu thiên tai khá khốc liệt. Đặc biệt là Thái Lan đang bị thảm họa lũ lụt lớn nhất nửa thế kỷ, đã diễn ra suốt ba tháng qua, gây ảnh hưởng tới ba phần tư diện tích nước này. Ít nhất 356 người đã thiệt mạng và gần 9 triệu người bị tác động trực tiếp tới đời sống. Thủ tướng Thái Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc. 4 quận ở thủ đô Bangkok đã bị ngập kể cả Viện kỹ thuật Á Châu (AIT) cơ ngơi khá hiện đại, nơi đã đào tạo hàng nghìn nhà khoa học Việt Nam cũng bị ngập hơn 1 m nước đã phải đóng cửa.

Bangkok có điều kiện tự nhiên gần như tương tự thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây ra ngập lụt do lũ thượng nguồn, lượng mưa tại chỗ và tác động của thủy triều. Trong vòng hơn chục năm gần đây, Bangkok đã kiểm soát được ngập lụt do mưa tại chỗ và thủy triều. TP. Hồ Chí Minh đã từng cử chuyên gia sang thăm quan, học tập kinh nghiệm chống ngập lụt của Bangkok. Vì sao hiện nay Bangkok đang phải vật lộn với thảm họa ngập chìm bởi lũ?. Ngoài  nguyên nhân do biến đổi khí hậu, lượng mưa lớn bất thường ở thượng nguồn đổ về, còn có nguyên nhân do chủ quan của con người. 
          Nhìn tổng thể, một điều rất lạ ở Thái Lan là lượng mưa lớn đổ xuống các miền Đông Bắc và Trung du Thái Lan suốt 3 tháng trời, gây lũ lụt tràn lan các miền này, thế mà suốt thời gian đó không có cơ quan nào và chuyên gia nào tính toán để đưa ra cảnh báo cho vùng miền cuối nguồn. Đáng lẽ họ phải tính ra từng ngày: lượng nước bao nhiêu mét khối, đến khoảng ngày nào thì lũ tràn xuống, mức nước lũ cao đến đâu. Từ đó, đưa ra cảnh báo, và các cơ quan địa phương phải có kế hoạch ứng phó sẵn sàng như nơi này thoát lũ, nơi kia cần ngăn lũ: ai làm việc gì, làm ra sao, chuẩn bị những phương tiện gì để hô một tiếng là mang ra thi hành ngay.
Việc cảnh báo sớm này là rất quan trọng vì các miền trên có độ dốc lớn, nước lũ có thể thoát đi nhanh nên người dân ở đó chỉ chịu đựng một thời gian ngắn. Nhưng xuống đến vùng Ayuthaya, Pathum Thani (trong đó có AIT- Viện kỹ thuật Á Châu) và Bangkok thì độ dốc kém, nước lũ thoát chậm. Lại thêm nhiều vùng Bangkok có mặt đất thấp hơn mực nước biển, hàng năm bị lún sụt do khai thác nước ngầm quá mức, có triều cường ập lên trong các tháng 10, 11, nước lũ xuống đến nơi này càng gây lụt lâu hơn vì khó thoát ra biển.
Trong khi đó, ở khu công nghiệp Nava Nakhorn có cả trăm nghìn công nhân, nếu họ có tổ chức bài bản, chủ động sẵn sàng ứng phó với sự cảnh báo kịp thời như nói trên thì khu công nghiệp này có thể tự lo liệu phần lớn việc đắp bờ bao. Lúc đầu, giới chức chính quyền vẫn chủ quan, cứ nói không sao đâu. Thế nên mới có chuyện khu công nghiệp được hỏi cần có người tình nguyện đến giúp đỡ không thì họ trả lời không cần! Chỉ cần mỗi người công nhân đóng góp 2 bao cát là khu công nghiệp đã có hơn 200.000 bao cát! Và 100.000 đôi tay hợp lực thì sẽ làm được nhiều việc. Các cơ quan chuyên môn cần phải cử chuyên gia thủy văn, thủy lợi, kết cấu, cơ học nền móng đến tham mưu việc xây bờ bao cho các khu công nghiệp để đảm bảo có hiệu quả. Chứ với kiểu xây bờ bao dạng nghiệp dư thì không ăn thua! Nhiều người thiếu chuyên môn không mường tượng ra việc này. Mực nước lũ thấp, vận tốc dòng chảy nhỏ, thì chất bao cát lên vài tấc là xong, nhưng không thể tiếp tục chất bao cát như thế cho đến cao hơn 2 m vì áp lực nước rất mạnh, việc bể bục bờ bao đắp tạm là điều dễ hiểu. Cần phải có các biện pháp để tăng cường ổn định các đê đập và tường chắn bằng bao tải cát trong các tình huống khẩn cấp (ways to improve the stability of dikes and sand bags in the emergency situation). Một số chuyên gia Việt Nam có kinh nghiệm chống lũ ở miền Trung góp ý biện pháp tạo đê chắn bằng bao cát, gia cường vải bạt (loại mỏng rẻ tiền, hoặc lylon cuộn), dễ áp dụng. Trong trường hợp đã chặn bao cát thì vẫn có thể gia cường bạt bằng cách luồn bạt trong nước và chặn lại. Biện pháp này tuy đơn giản nhưng hiệu quả, có thể chịu được mức nước cao từ 1,5m đến 2 m.
      Dưới thời Pháp thuộc ở Việt Nam mới bắt đầu có hệ thống thoát nước đô thị. Hệ thống cống được xây dựng bằng gạch ở khu vực trung tâm đô thị và là hệ thống cống chung để thoát cả nước mưa và nước thải. Nước thu gom được xả vào các hồ, kênh mương có sẵn hoặc trực tiếp xả ra sông. Trong thời kỳ từ 1945-1975 hệ thống thoát nước các đô thị được mở rộng, nhưng xây dựng tuỳ tiện, không theo quy hoạch, vật liệu làm cống chủ yếu là bê tông đúc sẵn và mương gạch có nắp đậy bằng các tấm đan bê tông, lại không được bảo dưỡng sửa chữa nên hư hỏng nhiều, và một phần bị bom đạn phá huỷ.
        Từ khi thống nhất đất nước giai đoạn 1975-1990 vai trò của đô thị bị giảm sút nên ngành thoát nước không được quan tâm phát triển. Từ 1990 bước sang thời kỳ đổi mới, ngành thoát nước đô thị bắt đầu được chính quyền đô thị quan tâm đến nhưng cũng phải xếp sau ngành cấp nước. Bước sang thế kỷ 21, chính quyền các đô thì bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn vai trò của hệ thống thoát nước trong hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nên đã có nhiều dự án ODA về thoát nước đang được triển khai.
          Hệ thống thoát nước hiện có ở các đô thị từ loại IV trở lên là hệ thống cống chung gồm ống bê tông đúc sẵn, mương gạch đậy nắp đan bê tông, mương đất hở, các kênh mương và hệ thống ao, hồ điều hoà. Hệ thống cống được xây dựng tuỳ tiện không theo quy hoạch phát triển của đô thị, nhiều đoạn cống có tiết diện nhỏ hơn yêu cầu lại không được bảo dưỡng nên khả năng làm việc kém, cần được thay thế hoặc sửa chữa nâng cấp, phần lớn các đoạn cống và mương không có độ dốc phù hợp để tự làm sạch và không có thiết bị để tránh bốc mùi khi thời tiết khô.
        Mức độ bao phủ của dịch vụ thoát nước chưa được điều tra khảo sát nhưng theo ước tính của các chuyên gia của Vụ hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng và của Hội Cấp thoát nước Việt Nam thì thấp hơn mức độ bao phủ của dịch vụ cấp nước, bình quân vào khoảng 40-50% (từ 1-2% ở thị trấn đến 70% ở các thành phố lớn).
        Các thành phố ở Việt Nam hiện nay có những đặc điểm khác nhau về phòng chống lũ. Về phòng lũ cho Hà nội có những đặc điểm riêng khác Bangkok. Trên hệ thống sông Hồng có hàng loạt hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, chống lũ có thể chứa nhiều tỷ khối nước, lại có hệ thống đê bảo vệ và những khu phân chậm lũ, nếu lũ lớn uy hiếp Hà Nội, có thể phân lũ vào các khu đó. Bởi vậy, vấn đề phòng lũ của Hà Nội là vận hành tốt hệ thống phòng chống lũ và giữ gìn bảo vệ đê. Tuy nhiên, vấn đề ngập lụt đối với Hà Nội lại là “nội tại” phải giải bài toán thoát nước mưa tại chỗ (tương tự trận mưa lớn năm 2008) với hệ thống trạm bơm và các đường tiêu thoát nước theo các thông số kỹ thuật mới cập nhật. Các điểm ngập trong nội thành chưa được cải thiện, vì hệ thống cống từ các ngõ ngách tiểu khu đến các mương, sông còn chưa được đầu tư cải tạo và xây dựng, nên nước mưa không thể tập trung nhanh về kênh dẫn đã cải tạo. Cần tập trung vào việc xây dựng các mạng cống cấp III, cấp II và các đầu nối từ nhà ra mạng cấp III, để công trình được đồng bộ, hoạt động có hiệu quả. Khu phố cổ Hà Nội bao lần mưa lớn không bị ngập nhờ  hệ thống thoát nước hợp lý. Nhiều nơi khác của thành phố bị ngập do các hồ điều hòa bị lấp, cống rãnh bị tắc nghẽn, hệ thống bơm chưa phát huy tác dụng, lỗi này do dân chịu 1 phần, và người lãnh đạo, quy hoạch, quản lý chịu 9 phần.
          Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực trũng thấp, rộng khoảng 255.000 ha, trong đó 80.000 ha của tỉnh Long An, nằm ở vùng cửa của nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những biến động dòng chảy trên sông, dòng triều trên biển. Địa hình thấp trũng, hướng ra biển với trên 60% đất đai thành phố có cao trình thấp dưới 2m, những vùng  trũng thấp có cao trình từ 0m đến 0,5m là những vùng ngập triều thường xuyên (đất hoang hóa và rừng). Trong khu vực cũng có những hồ chứa lớn ở thượng nguồn nhưng dung tích phòng lũ không lớn. Vấn đề ngập ở đây chủ yếu là do mưa và thủy triều. Tuy nhiên, cần nghĩ đến kịch bản khi nước biển dâng việc thoát lũ càng khó khăn và gặp lúc thượng lưu mưa lớn vượt tần suất thiết kế, các hồ bắt buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập thì thành phố sẽ ra sao? Theo đánh giá hiện nay, dự án của JICA đã phát huy hiệu quả tiêu thoát nước vùng lõi nội đô nhưng cuối năm nay nếu dự kiến mực nước triều đạt đỉnh 1,58 m thì sẽ lại là thách thức lớn đối với các dự án chống ngập của thành phố (hệ thống tiêu thoát thiết kế theo các thông số cũ đã lạc hậu).  Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, vấn đề úng ngập, thoát lũ của vùng Đồng Tháp Mười và TP. HCM với xu hướng ngày càng gia tăng. Mưa cực đoan trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn và tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, kết hợp triều cường – nước biển dâng sẽ càng gây sức ép đến hệ thống tiêu thoát nước làm gia tăng tình trạng ngập lụt cho Thành phố trong thời gian tới. Việc nghiên cứu các đề tài là cơ sở khoa học cho dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công liên quan đến việc thoát lũ cho cả vùng Đồng Tháp Mười và khu vực thành phố Hồ Chí Minh cần được đẩy mạnh, làm rõ để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí với các dự án thoát lũ của địa phương.    
          Các thành phố ở miền Trung nằm bên các dòng sông có nghiêm trọng hơn nhưng đều là những sông nhỏ nên lũ lên nhanh và rút cũng nhanh không như sông lớn Mekong. Cần phải rà soát lại quy hoạch phòng lũ các sông, những hồ chứa nhà máy thủy điện cần giành dung tích phòng lũ, những nơi có điều kiện có thể lên đê như thành phố Tuy Hòa.
          Công việc quy hoạch thoát nước ở các đô thị hiện nay mới chỉ được lồng ghép trong các đồ án quy hoạch chung phát triển đô thị, cần được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông. Qui hoạch đô thị nên có tầm nhìn dài hạn, tính đến tất cả mọi rủi ro, xem bài học các nước, nhất là thoát nước và sơ tán dân. Tuyệt đối không để mật độ xây dựng quá cao. Các công trình phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ, thông số kỹ thuật hợp lý, không cấp phép xây dựng tại những nơi nguy cơ ngập cao. Giữ nghiêm số lượng và qui mô các hồ, duy tu, nạo vét kênh, cống thường xuyên. Kiểm tra và xử phạt nặng việc đổ rác thải, xây dựng, làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh thoát nước. Tổ chức đấu thầu giao cho các cơ quan có tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm thực thi các dự án thoát nước của đô thị.
      Nói tóm lại: Hơn 6 tỷ dollars thiệt hại về vật chất, gần 400 người chết, cuộc sống hàng triệu người bị đảo lộn, môi trường hàng nghìn kilomet vuông bị tàn phá nghiêm trọng ở Thái Lan. Những con số thống kê đau buồn, chắc chắn sẽ không dừng lại ở số đó. Trận lụt này là một thảm họa thế kỷ và là bài học vô cùng đắt giá đối với người dân Thái Lan. Chia sẻ, cảm thông với đất nước bạn, chúng ta cũng cần tự rút ra cho mình những kinh nghiệm và bài học cần thiết. Cần tổ chức nghiên cứu nghiêm túc, nguồn gốc, diễn biến, và tác động của trận lụt này để chủ động xây dựng các kịch bản phòng ngừa, đối phó có hiệu quả phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét