Chương 14.
Dung tự mình lái chiếc xe Méc E500 màu đen từ từ rẽ vào khu
trụ sở của Công ty TNHH Xây dựng Lê Trung Kiên. Nghe tiếng còi quen thuộc, người
bảo vệ vội vã chạy ra mở cổng. Dung đưa xe vào chỗ đỗ, mở cửa bước ra, lộng lẫy
dưới ánh nắng chan hòa. Chiếc áo bồng vai màu trắng tinh khiết với những nẹp
đăng ten mỏng tuyệt đẹp bó gọn cơ thể người phụ nữ trưởng thành, chiếc váy hoa
mỏng lật phật trước gió nhẹ, Dung lấy trong túi xách Lu-i Vút-tông ra chiếc
kính râm mắt to đeo lên, nhân thể đưa tay vuốt nhẹ mái tóc mềm đen bóng ra sau
rồi đi thẳng vào khu nhà ba tầng là khu cơ quan, vừa lúc gặp cô thư ký của Kiên
đi ra.
- Ủa, chị Ba, chị đẹp quá trời ! Chị tới sao không kêu trước
cho em ?
- Chị tới coi anh Hai về chưa, lần này ảnh đi lâu dữ há.
- Chưa có về đâu chị, ảnh còn bên đất Campuchia, phải hai giờ chiều mới về tới cửa khẩu.
- Vậy à, chắc chị đi cửa khẩu đón ảnh quá à.
Khi Dung quay ra xe thì bỗng nghe có tiếng trẻ oe oe khóc ở
khu nhà tập thể của nhân viên. Dung ngạc nhiên hỏi cô thư ký :
- Có ai mới sinh em bé đó ?
- Hổng có, chị này là người nhà của sếp, mới vô sinh con được
hơn một tháng.
- Chị đâu có nghe ảnh nói người nhà nào ?
- Ủa…
- Mình vô coi được không em ?
- Dạ.
Cô thư ký dẫn Dung vào phòng Ly, lúc ấy đứa con đã nằm ngủ
yên, còn người mẹ trẻ đang ngồi sắp bỉm. Thấy có người lạ là một phụ nữ xinh đẹp
và sang trọng bước vào, Ly giật mình buông mớ đồ trên tay, vội ôm lấy con. Bất
ngờ trước cử chỉ hoảng hốt ấy, Dung đứng sững lại nhìn hai mẹ con Ly. Chỉ
thoáng một cái, với những giác quan đặc biệt chỉ có ở những phụ nữ nhạy cảm,
Dung nhận ra ngay rằng thiếu phụ trẻ ôm con trước mặt cô có điều gì đàn bà hơn
mình, cảm nhận thoáng qua đó khiến cô có đôi chút hoang mang, điều chưa bao giờ
xảy ra ở người con gái vừa xinh đẹp, vừa giàu có lại nhiều quyền lực và tự tin
như Dung.
Dung lên tiếng trước trong khi Ly giương đôi mắt nai đầy
nghi ngại nhìn Dung, lo lắng chờ đợi một
điều gì tồi tệ.
- Cô là em anh Hai, cô mới vô ?
Ly nào đã biết anh Hai là ai nên cô im lặng. Thấy vậy người
thư ký đang đứng ở cửa giải thích :
- Anh Hai là anh Hai Kiên đó mà chị.
- Ờ, cô có phải là em anh Hai Kiên đó không ?
Ly thật thà :
- Dạ, không phải ạ.
- Vậy chớ sao cô vô đây ?
- Em bị nhỡ…Em ở nhờ .
Dung không nén được sốt ruột :
- Chui cha, kỳ quá à, có biết bao nhiêu người cơ nhỡ ! Vậy
cô đồng hương với anh Hai ?
- Không ạ.
- Thế là thế nào, để tui hỏi anh Hai cho rõ.
Dung đỏ bừng mặt khi cô nói thế và rút điện thoại trong túi
ra, những ngón tay búp măng vuốt vuốt miết miết trên chiếc điện thoại màu hồng.
Người thư ký đứng nhìn, mỉm cười, cả công ty này đều biết Dung đang tấn công sếp
của họ.
- A lô, em nè anh Hai, sao anh bảo hôm nay dìa, anh đang ở
đâu ?
Tiếng Kiên trả lời trong máy :
- Anh đang về, gần tới cửa khẩu rồi.
- Vậy à, em lên rước anh chịu không ?
- Khỏi cần, công ty lên đón anh rồi.
- Anh Hai, em muốn hỏi anh về cái vụ cô Ly là sao ?
- Cô ấy là người gặp khó khăn, anh đỡ cô ấy.
- À, làm phước vậy hả. Thôi, em cúp máy nghe anh Hai, chiều
mình gặp nhau, đi ăn với Câu lạc bộ anh há !
Dung chào Ly, trong lòng vẩn lên những nghi ngờ về cô thiếu
phụ trẻ đẹp. Trong khi đó Kiên đang ngồi xe từ biên giới về Bình Phước. Chuyến
đi dự án lần này anh hơi có chút sốt ruột, không phải vì công việc mà là vì câu
chuyện của Ly, không biết giờ này hai mẹ con cô ấy thế nào. Rồi anh cũng sẽ phải
nói chuyện kỹ hơn với Ly, hỏi cho rõ ngọn ngành để tính xem cách giúp cô tiếp
theo ra sao. Cú điện thoại vừa rồi của Dung chứng tỏ Dung và những người khác
đang có những thắc mắc về chuyện này. Về đến công ty, việc đầu tiên là Kiên tắm
gội sau chuyến đi dài trên những chặng đường đất đỏ. Nước mát làm anh thấy khỏe
khoắn lại. Anh gọi người phục vụ pha cho một cốc chè líp-tông nóng, khoan khoái
ngồi vào bàn làm việc, lướt qua một tập hồ sơ dày mà cô thư ký đã để sẵn trên
bàn. Chỉ liếc qua để xem trong thời gian đi dự án thì ở nhà có những chuyện gì
mà khi ngẩng lên đã quá 6 giờ chiều. Kiên vặn mình đứng lên, đóng cửa phòng làm
việc. Anh quyết định rẽ qua thăm mẹ con Ly trước khi đến chỗ hẹn ăn tối. Bóng
chiều phủ kín sân công ty, gió từ rừng thổi về chạy quẩn lay động những cây
xoài to và mát rượi. Những cơn gió rừng như thế đã quen thuộc với Kiên từ nhiều
năm nay, mỗi khi đi công tác xa Bình Phước, anh thường gọi nó là những ngọn gió
xao xuyến của núi rừng. Vừa bước tới căn phòng của Ly đang ở, Kiên giật mình dừng
lại trước cửa. Đèn trong phòng đã bật
sáng. Qua khuôn cửa sổ mở, Ly đang đứng vạch vú cho con bú, mặt cúi xuống nhìn
con đầy trìu mến, hình dáng ấy ngời sáng lên một vẻ thánh thiện trong ánh đèn
chiều chập choạng. Kiên lặng lẽ đứng nhìn, không muốn làm Ly giật mình, sợ phá
vỡ của cô những khoảng khắc thanh thản
ít ỏi này. Đây là lần đầu tiên Kiên bắt gặp Ly trong tình trạng không lo âu,
không hoảng sợ. Hình như đứa trẻ vừa bú vừa gờ gờ ngủ. Ly xoay nó trên tay, ôm
nó vào lòng, đung đưa và khe khẽ hát ru.
Hà hơi
Con cò mà đi ăn
đêm
Đậu phải cành mềm
lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt
tôi nào….
Tiếng hát ru của Ly nhẹ lắm, nhẹ mà rõ, nhẹ như ngọn gió
trong mát thoảng trên cánh đồng lúa đầy hương thơm của quê hương Thái Bình của
Kiên. Lâu lắm rồi, không biết từ bao giờ, Kiên mới lại nghe một tiếng hát ru, một
tiếng hát ru gợi nhớ làm Kiên nổi da gà. Ở trong phòng Ly đã đặt con xuống giường,
cô cứ cúi khom người nhìn ngắm nó không chán. Đến lúc ấy Kiên mới nhẹ gõ cửa.
Ly vội vàng chạy ra, thốt lên :
- Ôi anh Kiên, em cứ tưởng ai, sợ quá. Anh vừa đi công tác
về ? Anh ngồi đây đi.
Ly kéo ghế đưa Kiên, phát ra một tiếng động. Anh hít thấy
mùi thơm rất khó tả của trẻ con và mùi sữa hoi hoi trong căn phòng. Kiên nói :
- Khẽ thôi, để nó ngủ.
Một lúc im lặng rồi Ly hỏi :
- Anh về lần này rồi có đi lâu thế nữa không ?
- Tôi chưa biết, có chuyện gì à ?
- Không…À có. Em muốn xin với anh một điều.
- Cô nói đi.
- Em xin anh xếp cho em một việc làm ở công ty để em có điều
kiện vừa trông con vừa làm việc. Em đã gây cho anh quá nhiều phiền hà, phải
không anh ?
- Để xem. Tôi cũng chưa kịp hỏi nhiều về hoàn cảnh gia đình của cô, cô có cần
tôi báo cho ai không, cho bố cháu chẳng hạn.
- Không, không đâu anh ạ. Nhất định không. Em muốn được một
mình yên ổn với con. Em muốn không bao giờ em và con em nhắc đến người ấy nữa.
- À, tôi hiểu, nhưng ít nhất cũng phải nói cho tôi biết cô
từ đâu vào đây ?
- Em người Thung Củ, Sơn Tây anh ạ. Em bỏ nhà đi cách đây bảy
tháng, vào chỗ người quen ở Trảng Đá ấy. Khi em sắp sinh cháu thì bà ấy bảo phải
lên Lộc Ninh mới có nhà thương, đến chỗ gốc cây thì may quá, ông giời xui khiến
em được gặp anh.
Không nói ra nhưng Kiên cũng đoán được đứa trẻ và cuộc
phiêu lưu của người mẹ thật ra là kết quả của một câu chuyện tình tồi tệ. Anh
thở dài, buồn bã nghĩ rằng cuộc đời có quá nhiều những tình yêu ngang trái, những
bội bạc, phản trắc và mưu tính. Kiên hỏi Ly :
- Cô học hành thế nào, nếu xếp việc thì xếp việc gì ?
- Em học đến lớp mười thì nghỉ, ở nhà nuôi bò và làm nông
nghiệp, bởi vậy em chỉ làm được những việc chân tay. Anh đã cứu em thì xin anh
cứu cho chót, em chỉ mong có việc làm để nuôi con.
Nói đến đấy nước mắt Ly lại nhòe ướt làm cho Kiên cũng khó
giữ được sự bình yên trong lòng.
- Như vậy là cô không có chỗ nào để đi, cũng không biết
mình có thể làm gì, đúng không ?
- Vâng.
- Thôi được, để tôi tính. Việc chân tay có nhiều nhưng chỉ
sợ sức lực cô không làm được…
Ly vội cướp lời :
- Việc gì em cũng làm được, chỉ cần em được làm việc để có
tiền nuôi con thôi.
- Thế cô đã đặt tên và làm giấy khai sinh cho cháu chưa ?
Khi đặt ra câu hỏi ấy Kiên không hình dung được rằng anh đã
đem đến một niềm an ủi lớn lao đến nhường nào cho người mẹ cô đơn đang lúng
túng trước niềm hạnh phúc vô bờ bến là việc khai sinh và đặt tên cho đứa con của
mình. Có lẽ điều đó đã làm cho má cô đỏ dậy lên, trong lòng cô chan chứa tình cảm
biết ơn khi cô ngước mắt nhìn Kiên :
- Ôi, em chưa biết nên đặt tên cho nó thế nào anh ạ. Ở quê
em người ta thường tìm cái tên xấu xí đặt cho con để nó được khỏe mạnh, có lẽ
vì thế mà ông bà vãi cháu tên buồn cười lắm, vậy mà ông bà vẫn ốm yếu dặt dẹo
suốt.
Kiên tò mò hỏi :
- Ông bà vãi là thế nào ?
- Trong quê gọi ông bà ngoại là ông bà vãi mà anh. Tức là bố
mẹ đẻ ra em ấy. Em đã định gọi điện về hỏi các cụ nhưng lại sợ lộ là mình đang ở
đây. Ở quê lại còn tránh đặt trùng tên với người khác nữa cơ anh ạ, các cụ bảo
là tránh tên húy, vậy mà hồi đi học, em đọc sách thấy nói có nơi người ta yêu
quý ai thì lấy tên người đó đặt cho con mình, có đúng không anh ? Hay là…
Quả thật đặt tên cho đứa trẻ mới sinh là một việc làm trọng
đại, cái tên đẹp hay xấu, có ý nghĩa như thế nào đối với tương lai của nó sẽ
theo đuổi gắn bó nó suốt cuộc đời. Kiên chờ Ly nói cái tên đứa trẻ nhưng cứ thấy
cô dông dài, vì thế anh mới hỏi :
- Hay là làm sao ?
- Em muốn cháu lấy họ mẹ có được không anh ?
- Được chứ, luật cho phép mà.
- Thế thì em đặt cho cháu cái tên là Hoàng Văn Cường. Em
tên là Hoàng Thị Ly anh ạ, anh còn chưa biết cả họ của em, đúng không ?
- Được đấy, để tôi nói mấy anh chị ở công ty hướng dẫn cô
làm khai sinh cho thằng Cường.
Nói thế rồi anh cười. Ly cũng cười. Lần đầu tiên anh thấy
Ly cười, nụ cười tươi tắn và hạnh phúc để lộ ra chiếc răng khểnh sáng bóng
duyên dáng. Cũng vừa lúc đó chuông điện thoại reo, Kiên nghe máy, hóa ra là
Dung gọi đi ăn tối.
Dung đợi anh ở nhà
hàng Cô Tám đối diện với vườn măng cụt rộng gần một héc-ta đất của Dung. Giới
buôn trong tỉnh đặt cho Dung cái biệt danh là “nữ chúa hoa quả” bởi cô tuy ít
tuổi nhưng là thương lái bao thầu hầu hết số hoa quả trong tỉnh, đấy là không kể
trong tay cô còn có một đồn điền cao su mênh mông đang độ khai thác sát biên giới.
“Nữ chúa” mặc chiếc áo cộc tay lụa màu xanh bó sát người, vừa thoáng thấy Kiên
đã nhanh nhẹn đứng lên vẫy tay gọi :
- Em đây nè, anh Hai.
Nhìn Kiên đi vào phong phanh trong chiếc áo sơ-mi cộc tay kẻ
ca-rô, nước da bắt nắng đen thui, Dung ái ngại :
- Buổi tối lạnh rồi, sao anh Hai không khoác thêm chiếc áo
khoác ?
Kiên nhìn cô cười, hai hàm răng trắng lộ hết ra, thân hình
vạm vỡ của anh cộng với cái đầu cắt bốc như muốn nói với Dung là anh đã quá
quen với nắng với gió rồi.
Nhà hàng có tên dung dị là Cô Tám nhưng lại là một hàng
sang, khách ra vào không ồn ã. Đã có bốn năm người ngồi đợi anh cùng với Dung,
họ đều là những doanh nhân trong tỉnh, tụ tập nhau mỗi khi có thể để vừa vui vừa
trao đổi chuyện công việc. Kiên đi vòng quanh bàn, bắt tay và chào hỏi từng người
rồi ngồi vào ghế.
- Ngồi chờ đói bụng quá nên em kêu mấy món rồi, anh Hai
thích gì kêu thêm đi.
Kiên cầm quyển thực đơn lật qua mấy trang, hỏi :
- Em gọi gì rồi ?
- Hai món là đọt mây nướng và heo thả rông cũng nướng luôn.
Rượu vang đỏ, loại anh Hai thích đó.
- Vậy đủ rồi.
- Ít quá, sao không kêu thêm đi ?
- Ăn tới đâu kêu tới đó, không nên gọi thức ăn chất ngồn ngộn
trên bàn, xài không hết, lãng phí xót ruột lắm. Còn một ghế nữa chờ ai đây ?
- Anh Dũng ủy ban đang tới.
- Dũng hói ấy hả, tay này vui tính mà biết nhiều chuyện lắm.
Nhân viên nhà hàng rót rượu cho mọi người, màu rượu đỏ
óng trong cốc ánh lên cả má Dung. Họ chạm
cốc, tiếng cốc va nhau mảnh và đanh. Ngồi trước mặt Kiên là một người hơi thấp,
béo mập, tóc chải mượt, anh này có tên là Hán, chuyên thi công đường xá và cầu
cống nên được gọi vui là Hán Cống. Hán Cống tợp một ngụm vang rồi xoay xoay cái
cốc trên tay, hỏi Kiên :
- Anh Kiên qua bển công việc chắc thuận lợi chứ ?
Qua bển tức là qua làm ăn bên Campuchia, Kiên có mấy công
trình bên đó nên thường xuyên đi về. Đây là một thị trường mới mẻ, có những hứa
hẹn trông thấy nhưng cũng giấu trong nó nhiều rủi ro khó lường. Những người có
trách nhiệm trong bộ máy nhà nước thường nhấn mạnh khía cạnh chính trị trong việc
làm ăn ở đây và kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam qua đầu tư theo ý nghĩa đó.
Kiên là một trong những doanh nhân xông xáo trong lĩnh vực cầu đường ở đây.
- Cho là thuận lợi thì cũng có nhiều cái thuận lợi, nói là
khó khăn thì thật nhiều khó khăn, nhưng công việc của tụi mình nó vậy mà. Tôi
qua đó thi công cái cầu, nhỏ thôi, ngoài ra tìm hiểu cho cô Dung đây chuyện làm
cao su bên ấy ra sao.
Dung vội hỏi :
- Ra sao anh, liệu mình qua làm có được không ?
- Ngành cao su của mình cam kết đưa diện tích trồng cây cao
su ở Campuchia lên hàng trăm nghìn héc-ta nhưng còn nhiều cái khó. Liều thì được,
thận trọng thì phải chờ đã.
Vừa lúc đó Dũng ủy ban đi vào, anh này cao và có dáng đi
như là hơi ngả về sau, phơi cái trán hói
ra ánh điện bóng loáng. Anh ta xách theo một cái túi lớn, miệng cười nói
bô bô :
- Xin chào, có quà cuối năm tặng các quý vị đây nè.
Anh ta lấy ra những cái lốc lịch in đậm con số 2008 màu đỏ
trên nền những bông hoa mai vàng tươi rói đưa cho mọi người, ai đón nhận cũng
vui vẻ như là đang đón năm mới.
Kiên quay qua Dung nói :
- Tết ở đây không bao giờ rét, nhớ cái rét ngoài Bắc quá.
Dung có hát được bài “Nỗi nhớ mùa Đông” không ? Bài này của nhạc sĩ nào ấy nhỉ
?
- Của nhạc sĩ Phú Quang. Em hát được, anh Hai với các anh
thích nghe không ?
Tất nhiên là mọi người vỗ tay rào rào trước một đề nghị cởi
mở và thật đáng yêu như thế. Dung đứng
lên rất tự nhiên, cô hướng về Kiên, ánh mắt chan chứa tình cảm :
- Em còn chưa có biết mùa đông thế nào đây, người ta kể mùa
đông miền Bắc giống như một cái máy lạnh khổng lồ làm cho cả trong nhà ngoài
sân đều lạnh buốt, đúng không anh ?
Mọi người đều im lặng lắng nghe Dung hát. Giọng hát của
Dung chỉ ở mức của những người hát ka-ra-ô-kê, lại hát không có nhạc đi kèm,
nhưng tình cảm nhiệt thành và sôi nổi của cô đã thực sự cuốn hút mọi người. Khi
lời cuối của bài hát vừa dứt, trong tiếng vỗ tay hò reo, Dũng ủy ban giơ ly rượu
lên nói :
- Tôi đề nghị chúng ta nâng cốc cám ơn “nữ chúa” đã dám hát
tranh bài hát của Thu Phương, đề nghị chúng ta uống cạn để “vờ như mùa đông đã
về”.
Không khí vui vẻ với bài hát về mùa đông quả thật đã gây được
xúc động cho những người con đất Bắc xa quê như Kiên, trong khoảng khắc ấy anh
đã thật sự động lòng nhớ đến Ly, hình
dung cô đang cô đơn đến thế nào vào những ngày năm hết tết đến thế này. May mà ở
đây không có mùa đông !
Dũng ủy ban, sau khi cạn ly rượu thứ ba thì hấp háy nói :
- Có chuyện này báo cho các vị đây, nhưng nhớ là thông tin
chưa được kiểm chứng đó nghe.
Mọi người im lặng hướng cả về phía người bỗng dưng trở
thành quan trọng nhất trong bữa tiệc. Anh ta nói rành rẽ :
- Lãnh đạo thành phố đã bàn và có hướng cơ cấu Hai Kiên
tham gia Hội đồng Nhân dân kỳ này. Chuyện này thiệt đó, có ai báo anh Hai chưa
?
- Không có, tin của anh là đầu nước.
Trong khi mọi người ồ lên phấn khởi thì Kiên không tỏ ra có
chút ngạc nhiên nào, cũng không vồ vập trước cái tin mà có thể mọi người cho là
tốt đẹp. Riêng Dung vỗ tay đôm đốp vui mừng ra mặt :
- Tuyệt quá, anh Hai thiệt là xứng đáng, xứng đáng về mọi mặt
đó.
Kiên quay sang Dung từ tốn :
- Còn phải để coi.
Hán Cống đã ngà ngà, cứ mãi lải nhải đòi Dung phải hát lại
bài “Nỗi nhớ mùa Đông” trong khi Dũng ủy ban tiếp tục nói về vai trò của doanh
nhân trong công cuộc phát triển đất nước. Khi cuộc tiệc tàn, Dung nấn ná kéo
Kiên ngồi lại với riêng mình, cả buổi tối nay cô đã rất nóng lòng hỏi anh về vụ
người thiếu phụ trẻ.
-
Anh à, cái cô Ly đó là sao ? Em hỏi nhân viên của anh người thì biểu không biết,
người thì nói đó là em anh ngoài Bắc vô, em thấy nó kỳ quá !
Kiên đã quen với tính khí của Dung là người buôn bán thẳng
thắn, cũng đã từ lâu nhận biết tình cảm của cô dành cho mình nhưng anh lại
không thấy có chút nào rung động, trước sau giữ một thái độ rất đúng đắn ở mức
bạn bè làm ăn quan hệ giúp đỡ nhau. Anh nói :
- Có gì kỳ đâu em. Chút nữa cô ta đẻ rơi giữa đường, anh gặp
thì đưa vào bệnh viện, đẻ xong mới biết cô ta không chốn nương thân nên giúp, vậy
thôi.
- Thiên hạ ca ngợi anh quả là đâu có sai, em ngưỡng mộ quá
à. Anh có muốn em giúp thêm gì cho cô ấy không ?
- Cũng chưa có gì cần.
- Vậy tới anh làm thế nào ?
- Chắc kiếm việc cho cô ấy làm nuôi con.
- Rồi, nhớ đừng để liên lụy gì nghe, tới lúc nào đó bố đứa
trẻ đến làm tùm lum thì chẳng ra gì.
- Không có đâu, giúp người ta thôi mà.
Đến lúc này Kiên bỗng giật mình nhớ ra là Ly vừa mới đặt
tên cho đứa con là Hoàng Văn Cường. Chết thật, sao lại có chuyện trùng hợp lạ
lùng thế này, anh tên là Kiên, đứa trẻ tên là Cường, Kiên Cường ! Kiên băn
khoăn tự hỏi có nên nói lại để cô ta lấy cái tên khác cho đứa bé, vẫn còn kịp
vì chưa làm khai sinh. Nhưng anh sẽ nói với Ly lí do như thế nào cơ chứ ! Hay
thật, đứa trẻ có tội tình gì mà chỉ một chút liên hệ như thế đã làm mình lăn
tăn ! Đấy là những điều Kiên đang lặng lẽ nghĩ trong đầu. Thấy Kiên bất giác lơ
đãng Dung cũng không hỏi gì thêm, cô chuyển chủ đề câu chuyện :
- Cái tin Dũng ủy ban nói ấy, anh nghĩ sao ?
Kiên
không thật sự hào hứng trở lại câu chuyện này.
- Anh không nghe thấy gì, nhưng nếu có thật thì anh cũng
không có năng lực.
- Đâu phải tưng đấy người đều có năng lực, nhất là về làm
ăn kinh tế. Đất nước giờ này cần những người như anh, anh vô cuộc đi, tụi em ủng
hộ hết mà.
- Anh còn có những dự định của anh.
- Trời ơi anh ơi, người ta nói vui nhưng cũng có cái đúng, bao
năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần đó sao ! Lợi mình lợi chung mà anh !
Kiên ngụm một ngụm rượu, để cho cái vị chát ngọt ngào tan
ra trong miệng. Anh chỉ mủm mỉm cười.
Kiên cũng biết rằng những ai được cơ cấu tức là đã trúng
vào một vị trí độc đắc, tức là đã được để mắt tới, con đường tiến thân đã rộng
mở phía trước với những chức vị đầy hứa hẹn. Chính anh đã đứng trước khúc rẽ
sang con đường ấy khi vào một sáng cuối năm rực nắng có một chiếc xe con đeo biển
số xanh rẽ vào cổng công ty, anh lái vội vã mở cửa xe, bước ra là một người cao
to mặc áo sơ mi cộc tay trắng, tay xách chiếc cặp đen mỏng lịch thiệp. Người
này tháo chiếc kính râm đang đeo, nheo mắt nhìn toàn bộ cơ ngơi của văn phòng
doanh nghiệp trước khi thong thả bước vào phòng khách. Lê Kiên vội vã chạy từ tầng bốn xuống, bất ngờ trước
chuyến thăm không hẹn trước này.
- Anh Bảy, sao anh không báo em trước để em đón ?
Vị khách có tên là anh Bảy đi đến mừng rỡ ôm lấy Kiên, vỗ vỗ
tay lên vai ông chủ doanh nghiệp :
- Mình đi ngang qua, nhân tiện rẽ vô coi cậu có nhà thì ngồi
chơi, không thì về chớ có gì đâu mà phải báo. Sao, chuẩn bị tết nhất đến đâu rồi
?
Kiên biết thừa là quan chức có mấy khi bỗng dưng ghé thăm,
lại nhìn cái kiểu ăn mặc chính thức khi anh Bảy xách cặp đi vào cũng đủ biết
đây là một cuộc thăm viếng làm việc.
- Cũng ổn rồi anh. Nhân tiện anh Bảy hỏi, em xin báo cáo
luôn với anh là không những đã trả đủ lương cho cán bộ nhân viên công ty mà họ
còn được thưởng tết hẳn một tháng lương nữa, anh chị em phấn khởi lắm.
- Tốt, tốt, thế là tốt. Chưa phải đã quá khó khăn nhưng
tình hình cũng không còn được thuận lợi như mấy năm vừa rồi nữa mà cậu đảm bảo
được thế là tốt.
Họ ngồi vào bộ ghế xa-lông gỗ lát bóng loáng có những đường
vân gỗ sậm nâu tuyệt đẹp. Anh Bảy nhìn vào hai chiếc độc bình gỗ đồ sộ đặt ở
phía đối diện với chỗ mình ngồi thì thầm nghĩ các thứ đồ gỗ trong phòng khách
này đã thể hiện một nét thế mạnh của tỉnh nhà.
- Mình nghe nói trước đây Kiên đã làm trong nhà nước, ở Bộ
Giao thông Vận tải, vậy sao lại ra mở công ty ?
Câu hỏi bất thình lình của anh Bảy đã làm Kiên chợt nhớ rất
nhanh về những ngày ngồi ở cơ quan Bộ, một thời gian ngắn ngủi nhưng cũng lưu
giữ nhiều ấn tượng, những ngày mà công việc bao giờ cũng chỉ bắt đầu thực sự từ
tám giờ rưỡi hoặc chín giờ sau màn trà lá của mọi người trong phòng. Kiên đã dị
ứng với cái kiểu lãng phí thời gian ấy, phản ứng đầu tiên của anh là ở nhà đọc
sách cho đến chín giờ mới lên cơ quan, đến nơi là ngồi vào làm việc ngay. Những
người trong phòng có thể chấp nhận việc đến muộn do kẹt xe, chấp nhận bỏ ra
hàng tiếng cho thuốc nước buổi sáng chứ không chấp nhận lối làm việc thực chất
còn mới lạ lúc bấy giờ, thời bao cấp đã sinh ra một thế hệ chỉ muốn làm cho
xong việc chứ không tận tâm làm cho tốt công việc của mình. Kiên đã bị phê bình
vì chỉ một mình anh hùng hục một lối, tất nhiên cái cớ để phê bình là tác phong
không hòa nhập.
- Chuyện đó dài dài anh Bảy, nhưng để trả lời anh một cách
ngắn gọn thì đó là vì em muốn làm một cái gì thật tốt. Phải làm một cái gì…!
- Ủa, vậy ở Bộ thì không làm được tốt công việc hay sao ?
Kiên không trả lời thẳng vào câu hỏi.
- Không phải bỗng dưng mà đất nước đã mở ra cho chúng em
nhiều sự lựa chọn như bây giờ, ở đấy mỗi người đều có cơ hội chọn lấy công việc
phù hợp nhất cho mình. Điều đó thật là tuyệt phải không anh Bảy !
Kiên dừng lại một chút, không phải để chờ đợi một câu nói đồng
tình nào đấy của vị khách. Anh nhìn ra ngoài cửa sổ, phía bên ngoài nắng sớm vẫn
chan hòa trên luống hoa mười giờ nở đỏ thắm bên lối đi.
- Tất nhiên, không phải bất cứ ai, kể cả những người thân
nhất của mình, cũng đều hiểu và chia sẻ sự lựa chọn của mình, bởi vì, ôm ấp ước
mơ làm một điều gì tốt đẹp cho đất nước thực chất là một cuộc dấn thân, tuy điềm
tĩnh và khoa học, nhưng đầy mạo hiểm anh ạ.
- Tốt, tâm huyết đấy !
Anh Bảy vừa nhận xét như thế vừa lấy trong cặp ra một cuốn
sổ tay bìa xanh, có sợi đánh dấu màu đỏ, lật trang đã được đánh dấu ra và nhìn
vào đó :
- Hôm nay có chuyện này, mình thay mặt các anh lãnh đạo,
trao đổi với Kiên. Hiện trong Hội đồng Nhân dân khuyết hai vị trí, dự định ăn tết
xong sẽ bổ sung. Sau khi bàn bạc kỹ, mọi người cơ bản thống nhất giới thiệu
Kiên là một trong ba ứng cử, đề nghị Kiên khai bổ sung cái hồ sơ đây để mình
chuyển qua Mặt trận. Là thủ tục thôi mà.
Niềm vui rạng ngời trong mắt anh Bảy, sở dĩ anh vui vì anh
nghĩ mình đang đem tin tốt lành đến cho người khác. Anh lại lấy trong cặp ra một
bộ hồ sơ, trịnh trọng đẩy nhẹ sang phía Kiên.
- Lãnh đạo bây giờ đánh giá rất cao lớp trẻ có trình độ
chuyên môn cao, giỏi về công nghệ, thạo về thương trường, giàu tâm huyết, bởi vậy
theo kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, Lãnh đạo có ý sau này nếu làm tốt sẽ cơ cấu
Kiên vào chân phó chủ tịch lo phần kinh tế.
Đã quen nghe lời bày tỏ lòng biết ơn của người vừa được thần
may mắn sờ tới anh Bảy thật không ngờ
khi liếc mắt lên nhìn thấy vẻ mặt cương nghị nhưng thản nhiên của Kiên. Kiên với
tay khẽ đẩy tập hồ sơ về phía anh Bảy, nói nhỏ nhưng rõ ràng :
- Em nhờ anh Bảy về thưa lại với mọi người, em rất cám ơn sự
quan tâm và lựa chọn này, tuy nhiên, nhìn vào những công việc bộn bề và dự án sắp
tới của em, em phải từ chối.
Anh Bảy quá ngạc nhiên, thốt lên :
- Ơ hay cái cậu này, cậu làm sao thế !
- Chỉ là em thấy không đáp ứng được mong muốn của các anh.
Em phải tập trung thời gian và sức lực cho những dự kiến mà em theo đuổi.
Chương 15.
Những báo cáo tiến độ công trình, bản vẽ thiết kế, quyết
toán từng đợt…chất đống trên mặt chiếc bàn ô van màu gụ rộng hai mét, công việc
phức tạp và nặng nề như một quả núi đá khổng lồ đè lên lưng Giám đốc dự án Trần
Đức Tuất. Nó mời hết trợ lý này đến kỹ sư khác tới văn phòng trao đổi, thực ra
là để hỏi người ta nên quyết định từng việc cụ thể thế nào, chỉ thế thôi mà
cũng kéo từ sáng sớm cho đến tối mịt. Một tuần chỉ có vài tối là Tuất được về
nhà sớm ăn cơm với vợ và chơi với con trước giờ nó đi ngủ. Đã nhiều lúc Tuất ra
đứng một mình ở cửa sổ phía Tây nhìn về Ba Vì, nhớ tới những ngày vô lo vô nghĩ
mà thở dài đầy luyến tiếc. Cứ đà này, Tuất nghĩ, rồi không biết mình sẽ bị đẩy
đi đến tận đâu, khác nào người đã cưỡi trên lưng cọp. Dưới mắt những cán bộ
nhân viên dưới quyền, Tuất là một giám đốc đầy quyền thế, nhưng nó, nó lại thấy
hoàn toàn xa lạ và cô đơn giữa những người này. Tuất chỉ thấy thoải mái và tự
tin khi bên cạnh nó có người của công ty Kim Thổ, nhất là khi Trà My hoặc thằng
Khe có mặt ở đó.
Một hôm, mặc dù đã bật điều hòa ở mức 19 độ lạnh, Tuất vẫn
còn cảm thấy nóng. Nó gọi Khe đến bảo :
- Này, anh chịu khó về ông bà già tôi một tí, không biết
các cụ định gửi cho con bé cái gì mà cứ gọi rối lên.
Thằng Khe biết tỏng ông bà già nhà Tuất muốn ra thăm cháu nội
mà Tuất chưa cho ra, ở công ty ai có chuyện gì mà Khe không biết. Tuy thế nó vẫn
giả vờ hỏi :
- Ông bà đã ra thăm cháu chưa hả sếp ?
- Chưa thu xếp được.
Đi thăm cháu nội thì có cái gì mà phải thu xếp, chẳng qua
là do con vợ Tuất không muốn để ông bà ra, người vô tư nhất trong công ty là cô
Thúy cũng phải thốt lên là con vợ Tuất khinh bố mẹ chồng ra mặt.
- Anh muốn tôi về làm gì ?
- Động viên các cụ tí, nhân thể xem có chuyện gì mà gọi lắm
thế.
- Có bơm cho các cụ ít không ?
- Không cần, ông bà chẳng biết tiêu gì rồi lại đem cho người
khác.
- Được rồi, tôi đi ngay.
- Ừ, bảo anh Quý lấy xe đưa anh đi.
Ra khỏi Láng, xe của
Quý phải nối theo một dãy xe khác bò trên đoạn đường phụ gập ghềnh để tránh
công trường đang thi công ngập bùn đất sau một cơn mưa rào. Hai bên đường cũ
đang đào bới, những chiếc máy xúc, máy cẩu đang hì hụi làm việc, ủn đẩy dằm xới
san lấp hàng núi đất đỏ, nhà nước đang thi công một con đường rộng sáu làn ô tô
ở đây. Con đường này khi xong khoảng cách từ Hà Nội về nhà Tuất sẽ không là gì,
vèo cái đến.
Gần trưa, hai anh em Khe đã trở lại công ty, khệ nệ mang
theo lên phòng của Tuất một cái lồng nhốt hai con gà mái ghẹ, một rổ trứng gà
tươi, một nồi cá trắm đen kho khô.
- Các cụ khỏe, bảo nhân tiện có xe, bắt tôi mang những thứ
này về cho chị Hương bồi dưỡng, trứng gà ta để cho cháu nội các cụ dùng.
Tuất nhìn cái lồng gà, thốt lên ngao ngán :
- Chết thật thôi, anh mang ra làm gì. Cô ấy có bao giờ ăn
những thứ này đâu, suốt ngày sợ béo, toàn những thực phẩm chức năng ăm-uẩy ăm-uây gì ấy. Thôi, bây giờ thế này,
hai con gà thì anh lấy một con, cho cái Trà My một con, trứng anh chia đôi cho
cô Thúy một nửa anh Quý một nửa, còn cái nồi cá tôi thích thì để cho tôi.
- Thế cũng được, nhưng các cụ biết các cụ chửi cho thối
thây.
- Cái gì phải giữ kín thì biết đường mà giữ cho kín, khỉ ạ
!
Hết giờ, Tuất mang theo nồi cá về nhà, vừa mở cửa bước vào
Diệu Hương đã chun mũi hỏi :
- Có mùi gì ấy nhỉ ?
- Bà nội gửi cho xoong cá kho, cá trắm đen ngon mà lành lắm.
- Khiếp, đã bảo đừng có gửi linh tinh, ai ăn.
- Để đấy Tuất ăn.
- Thế thì đậy kín vào chứ đừng để mùi ra cả nhà. Tìm chỗ
nào mà để chứ đừng có nhét vào tủ lạnh, hơi nó ra cả tủ. Này, anh đi tắm thay
quần áo rồi hãy bế Nhím Bông đấy nhá !
Nhím Bông là níc-nêm của Thu Hường, con gái Diệu Hương, hai
má con bé phúng phính hồng tươi, tóc dày và quăn, đặc biệt đôi mắt đen láy như
hai hạt nhãn lúc nào cũng mở tròn xoe. Thỉnh thoảng Diệu Hương ôm ghì lấy Nhím
Bông mà hôn, vừa hôn vừa nói sắp đến sinh nhật 2 tuổi Nhím của mẹ.
Tuất tắm táp sạch sẽ rồi đi vào ngồi chơi với con. Nó bế
Nhím Bông lên, nhìn vào mắt, vào mũi, vào mồm nó, cố tìm xem con gái giống mình
ở điểm nào. Thấy vậy Diệu Hương tủm tỉm cười, bảo :
- Dớ dẩn, con còn bé, lớn lên còn thay đổi, sao đã biết nó
giống mẹ hay giống bố !
Giữa lúc ấy thì có tiếng chuông, Tuất chạy ra mở cửa, thấy
Xuân Trường đến. Anh này quăng cặp sang bên, hỏi thăm mọi người qua loa rồi chạy
vào bế thốc Nhím Bông lên mà hôn. Diệu Hương cau mày nói :
- Khiếp, người còn mồ hôi chua lòm mà cứ hôn hít nó chùn chụt
thế kia !
- Phải để cho nó quen với môi trường chung quanh chứ, cách
biệt nó làm sao được. Cho nó nương theo tự nhiên mà sống, chớ có cưỡng lại tự
nhiên, không phải bỗng dưng mà tạo hóa lại cho đứa trẻ quyền được miễn dịch khi
bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu đâu nhé.
Xuân Trường nói thế là ám chỉ Diệu Hương đã không cho con
bú chỉ để giữ cho mình có bộ ngực thanh xuân mãi. Bất chấp lời cảnh báo của Diệu
Hương, anh ta vẫn lấy mồm dũi vào lườn con bé làm nó cười lên khanh khách. Thấy
thế Diệu Hương gọi người giúp việc bảo bế em bé vào trong phòng rồi kéo mọi người
ra xa-lông. Xuân Trường quay sang hỏi Tuất :
- Chú đã biết có chuyến đi châu Âu chưa ?
- Em có nghe thằng Khe nói, người ta đang đề nghị đăng ký.
- Đăng ký chưa ?
- Chưa, em chưa hỏi ý Hương.
Xuân Trường nháy nháy mắt :
- Nên đi, hai đứa đăng ký kẻo muộn, anh cũng tham gia đoàn,
đi một chuyến cho vui, biết đâu có thể móc nối làm được chuyện gì !
Diệu Hương nói :
- Ai trông con cho mà đi ?
- Mượn thêm một cô nữa trông nom, đi có một tuần, lo gì.
Thế là việc tham gia đoàn đã được quyết định, giống như nhiều
quyết định quan trọng dường như cũng diễn ra rất nhanh chỉ theo ý một người. Tuất
nói :
- Em có vợ chồng đứa em làm bên sứ quán, chắc qua lần này gặp
được nó.
- Thế càng vui.
Đây là lần đầu tiên Tuất xuất cảnh, lần đầu ra nước ngoài,
lại đi trong một đoàn lớn nên nó tỏ ra rất rụt rè, làm gì cũng dè dặt nhìn vợ.
Máy bay bay cả đêm, trong khi nhiều người nghẹo đầu ngủ, ngáy ro ro ngon lành,
Tuất mơ mơ tỉnh tỉnh, nôn nao đứng lên ngồi xuống. Khi máy bay hạ cánh là lúc
chạng vạng sáng theo giờ địa phương, đoàn doanh nghiệp được tách riêng đưa thẳng
tới một trung tâm hội nghị, ở đấy người ta tổ chức một cuộc gặp gỡ bàn tròn với
doanh nghiệp địa phương. Thằng Tuất và Diệu Hương được xếp vào bàn số 3, bàn của
những doanh nhân có quan tâm tổng hợp, nghĩa là họ chẳng quan tâm đến một lĩnh
vực nào cụ thể cả. Bước vào phòng họp, liếc thấy nó cũng chỉ là một cái hội trường
nhỏ, Tuất lăn tăn hỏi Diệu Hương :
- Sao bảo bàn tròn mà chẳng thấy cái bàn tròn nào ?
- Quỷnh ạ, bàn tròn là tên gọi một loại gặp gỡ, có nhất thiết
phải có bàn tròn thật đâu. Mình cứ tìm một chỗ mà ngồi vào thôi.
Họ tìm vào chỗ có đông người Việt Nam, tự nhiên thành một
nhóm riêng tách khỏi các doanh nghiệp bạn, thế là Tây nói chuyện tiếng Tây, ta
nói chuyện tiếng ta, tình trạng ấy kéo
dài một lúc thì có một anh tóc râu vàng, cao lêu đêu cầm mi-crô đứng lên nói một
mạch.
Tuất hỏi Hương :
- Nó nói tiếng gì thế ?
- Không phải tiếng Đức, tiếng Đức thì mình đã nghe được.
Hình như tiếng Anh, nhanh quá nên chẳng hiểu nó nói gì.
Một nữ doanh nhân trong đoàn, người duy nhất mặc áo dài bên
ngoài khoác áo vét màu xanh thẫm rất ấn tượng,
đứng lên, hình như chị này đã đi dự nhiều lần, nói to bằng tiếng Anh :
- We need translation, please !
Tuất lại quay sang hỏi Hương :
- Bà ấy nói gì đấy ?
Hương không giấu vẻ khó chịu :
- Bà ấy bảo cần phải có phiên dịch.
Lúc ấy vị diễn giả
tóc râu vàng mới ngừng nói, đứng nhìn ngơ ngác, ngán ngẩm thổi phì phì vào
mi-crô khi trông thấy trong số người nghe có mấy vị đang gục đầu ngủ gật. Sau một
chuyến bay cả đêm và bị lệch giờ, Tuất cũng díu mắt lại, nó tập trung hết sự cố
gắng rướn mắt lên vì trong đầu nó vẫn lơ mơ ý nghĩ cuộc gặp này rất quan trọng,
nhưng càng gắng sức thì mắt nó càng ngoan cố sụp xuống, không tài nào cưỡng lại
được. Liếc sang cạnh thấy Diệu Hương đã gục xuống bàn từ bao giờ, ngáy rất nhẹ,
tất nhiên có nhẹ thì cũng vẫn là ngáy. Năm phút sau người ta điều được phiên dịch
từ bàn tròn số 2 sang, hỏi ra mới biết ở đấy đang tập trung trao đổi về một
lĩnh vực chuyên môn cao nên ai cũng có thể tự xoay xỏa mà không cần phiên dịch.
Sau một tiếng, mọi người lên hội trường lớn, có băng rôn
chào mừng, có diễn văn bên này bên kia. Đông người nên Tuất càng dễ ngủ, nó gục
xuống điềm tĩnh ngáy cho đến khi có người lay dậy ra xe buýt đi về khách sạn nhận
phòng thì đã thấy tỉnh táo hẳn lên. Nó bảo với Diệu Hương :
- Vừa đến đã hội nghị, làm kiểu này mệt bỏ mẹ, chẳng khoa học
tí nào !
Buổi tối vợ chồng Thư tìm đến chơi với vợ chồng Tuất. Trong
thời gian Thư học ở Đại học ngoại ngữ thì yêu được một anh cán bộ Cục quản trị
tài vụ Bộ Ngoại Giao, vừa tốt nghiệp là cưới luôn. Anh này giúp Thư thi được
vào Bộ rồi họ đăng ký đi công tác sứ quán. Vợ chồng Thư đến cùng với một phụ nữ
khoảng trên dưới bốn chục, chị này mặc áo khoác màu đỏ chót, đầu đội chiếc mũ mềm
rộng vành màu xanh, miệng nói thì mắt và tay cũng nói, trông rõ ra là một Việt
kiều. Thư giới thiệu đấy là chị Vân, vì vợ chồng Thư bận phục vụ đoàn chính thức
nên nhờ chị Vân đến để giúp vợ chồng Tuất. Mấy doanh nhân nhà đất và chứng
khoán đang bơ vơ liền bám theo vợ chồng Tuất để đi ăn tối. Một người vẫn được
coi là sành sỏi nói với chị Vân :
- Trước khi đến một nước nào tôi thường có thói quen tìm hiểu
kỹ nên biết ở đây có nhà hàng hải sản “Đại gia Màu xanh lơ” nổi tiếng lắm, chị
đưa chúng tôi đến đó đi.
Quá ngạc nhiên, chị Việt kiều thốt lên thán phục.
- Các anh chị mới ở trong nước qua mà sành ghê hà ! Đấy là
chỗ dành cho người có tiền chứ đâu dành cho chúng em, mắc lắm, chúng em ở ngay
đây mà chỉ dám đi ngang qua ngó vô chứ đâu dám tới gần.
- Mắc là thế nào ?
- Nghe nói mỗi suất ăn ít nhất cũng cỡ sáu trăm “Ơ”, chưa
tính tiền rượu và tiền boa.
Vị doanh nhân sành sỏi làm phép tính :
- Sáu trăm “Ơ” chuyển sang tiền mình khoảng hai mươi triệu
mỗi người, thế nào, mọi người có thử cái không ?
Diệu Hương vỗ tay reo lên :
- Có gì mà không thử, mấy khi có dịp đến đây.
Những
người khác lại tỏ vẻ chùng lại khi nghe xướng lên cái khoản tiền quá lớn cho một
bữa tối ấy, người này nhìn người kia, cuối cùng lại chính cái anh sành sỏi phán
:
- Thôi, đắt quá mà chắc gì đã ngon. Đi ăn búp-phê cho thoải
mái.
Thế là mọi người reo lên tán thưởng :
- OK, đây là chuyến đi tìm hiểu mà ! Hãy đi trải nghiệm nào
!
Chị Vân đưa khoảng gần một chục vị tới cửa hàng búp-phê “
Ánh Trăng” sang trọng gần khách sạn. Nhà hàng đã lên đèn, những ngọn đèn màu
xanh nhạt giấu kín tỏa ra ánh sáng dịu mát làm cho khách hàng tưởng như đang đứng
dưới ánh trăng, không khí rất thoải mái, người ra người vào tấp nập, người đứng
người ngồi vừa ăn vừa chuyện trò ồn ào tự nhiên.Tuất đã quen ăn búp-phê ở Hà Nội
rồi, nó hoàn toàn không thấy gò bó, chọn một cái đĩa thật to rồi lượn một
vòng, cái gì cũng gắp một gắp, chất
thành một mâm tú ụ trên tay. Thấy thế chị Vân nhắc khéo :
- Anh cứ từ từ, lấy tới đâu dùng tới đó, mình có thời gian
mà.
Chị Việt kiều không ngờ lời nhắc ấy lại đụng vào lòng tự ái
của thằng Tuất. Thằng Tuất cảm nhận lời nhắc ấy như một sự xúc phạm, nó đứng khựng
lại,vênh mặt lên, trợn mắt nói rõ to :
- Bà
thử nhìn mặt tôi xem có phải là mặt thằng ăn mày không, có phải mặt thằng chết
đói không ? Có phải tôi đến đây để xin một bữa ăn đâu ! Bà không biết là đã bỏ
tiền mua mâm thì phải đâm cho thủng chứ !
Thấy thế mấy
người bạn chung quanh phá lên cười làm chị Việt kiều tẽn tò ngẩn mặt ra trong
khi mấy ông bà Tây gần đó lạ lùng trố mặt nhìn. Bữa ăn tối nhanh chóng kết
thúc, mọi người ra về vui vẻ. Và rất buồn ngủ nữa. Về đến khách sạn, Tuất làu
bàu bảo Hương :
- Ngày mai mình “điếu” theo đoàn nữa, ở nhà bảo cái Thư nó
dẫn đi sốp-pinh, ok không ?
Không đợi Hương có ok hay không Tuất đã lăn ra ngủ trong
khi Hương vào phòng tắm. Khi Tuất thức dậy, nhìn đồng hồ khách sạn là ba giờ
đêm, tính ra là khoảng chín giờ sáng ở nhà nên nó rất tỉnh. Không thấy Hương nằm
cạnh, nhìn quanh cũng không thấy Hương đâu. Dẫu cho đầu nó chứa một bộ óc rất
lười thì nó vẫn nghĩ ngay ra được rằng lúc này Hương chỉ có thể ở trong phòng
Xuân Trường trên tầng năm. Tuất vớ vội chiếc áo vét khoác vào cho đỡ lạnh, mở cửa đi ra, ngoài hiên vắng tanh, im ắng
trong ánh điện vàng mờ. Nó đi đến cầu thang, do dự bấm lên tầng năm, nhưng khi
thang máy đến thì nó lại vội quay vào phòng, đóng cửa lại, y hệt một tên trộm
đi rình mò vừa bị phát hiện phải chạy trốn. Đã một lần khi đi làm về, tại ngay
nhà nó, Tuất đã bắt gặp Xuân Trường và Diệu Hương đang rất thân mật với nhau.
Khi ấy Xuân Trường quay ra nhếch cười và bình thản nói với Tuất :
- Tốt nhất là chú nên tránh đi một lát !
Chương 16.
Dung xoay mình trên chiếc ghế xoay bọc da trong phòng làm
việc, tự nhủ phải cố gắng tập trung nhưng không tài nào tập trung được, từ ít
lâu nay cô thường mất tập trung như thế. Cô ngả người vào lưng ghế, mở rộng đôi
mắt to đen nhìn lên trần nhà, làm như mình không nghĩ gì nhưng thật ra mọi suy
nghĩ của cô đang hướng về phía Kiên. Trong con mắt của cô Kiên là người đàn ông
lý tưởng và đã từ lâu cô lặng lẽ tìm cách giành lấy tình yêu của Kiên. Những
tính toán và việc làm của Dung để hướng tới Kiên có vẻ nhẹ nhàng và thong thả,
bởi ngoài công việc cô thấy Kiên không dính dáng gì tới đàn bà. Đôi khi Dung
nghĩ trường hợp của Kiên như thế cũng là lạ, anh sẽ là một thế giới mới mẻ và đấy
quyến rũ để cô mặc sức khám phá, đấy có thể là một thế giới thần tiên, cũng có
thể là một mảnh đất khô cằn đầy những hoang mạc. Dù nó là thần tiên hay hoang mạc
thì Dung vẫn hy vọng cô sẽ có thể bước vào thế giới ấy và cùng anh làm nên những
điều kỳ diệu trong cuộc đời này, Dung đã rất tự tin như thế. Tuy nhiên mọi cái
có vẻ như đang thay đổi, có cái gì đó không ổn từ khi xuất hiện trong cơ quan
công ty của Kiên người đàn bà với đứa con hoang, Dung vẫn nghĩ về mẹ con Ly như
thế. Việc đứa con Ly được đặt tên là Cường và nó luôn mồm gọi Kiên bằng ba, ba
Kiên, việc công ty của Kiên rất quan tâm chăm sóc đến công việc và đời sống của
mẹ con Ly đã khuấy lên trong lòng Dung những mối nghi ngờ, cô cho rằng như thế
là có cái gì đó đang xâm nhập vào lãnh địa mà cho đến bây giờ cô vẫn coi là của
riêng cô. Dung rất khó chịu với sự hiện diện của mẹ con Ly, nhưng thật trớ
trêu, cô vẫn phải làm như là thật tâm muốn chia sẻ với lòng thương người vốn có
của Kiên. Tuy nhiên, cái điều làm Dung không yên tâm, đôi khi hơn cả không yên
tâm, Dung còn cảm thấy mình mất tự tin, là chính con người Ly. Đến Dung cũng phải
ngơ ngẩn thừa nhận Ly là thiếu phụ trẻ đẹp. Dung nghĩ, chẳng lẽ Ly đẹp là vì cô
là người đàn bà một con, như các cụ xưa đã nói, gái một con trông mòn con mắt !
Không phải, khối gì gái một con trông có ra cái gì đâu. Ở Ly có một nét gì
khác, lạ lắm, nhiều lúc Dung đã để công tìm hiểu nhưng cô vẫn chưa khái quát được
cái nét đẹp ấy thành câu thành lời, có điều càng để công suy đoán và ngẫm nghĩ
thì Dung thấy cái nguy cơ đối với cô đến từ chính điều đó : Ly đẹp và quyến rũ
một cách rất tự nhiên. Và thế là, với sự khôn ngoan của người con gái đang muốn
giành lấy tình yêu về cho mình, Dung đi đến kết luận cần phải tách Kiên ra khỏi
mẹ con Ly. Có điều làm thế nào mà tách họ ra, với lý do gì ? Nghĩ mãi thì cuối
cùng Dung cũng tìm được một mẹo mà thoạt nhìn có vẻ như sẽ che giấu được những
tính toán của cô. Dung ngồi bật dậy, với tay lấy điện thoại gọi cho Kiên.
- Anh à, anh có rảnh hông, qua em chút đi, em có chuyện này
muốn trao đổi với anh !
Một lúc sau Kiên đã có mặt ở văn phòng của Dung. Thấy Kiên,
Dung tươi tỉnh hẳn lên .
-Anh Kiên lẹ ghê à, em kêu gấp thế mà tới ngay được, sếp
nhanh như vậy thì nhân viên nào theo kịp
!
- Anh quen rồi, làm gì cũng phải khẩn trương chứ em. Nào,
có chuyện gì hay đấy, có quan trọng không ?
- Không đâu anh, chuyện zui, Dung muốn bàn với anh. Anh ngồi
đi.
Hai người ngồi vào xa-lông, Dung vừa pha trà, vừa nói :
- Anh Hai biết đó, trước giờ em chỉ thu mua chớ không có sản
xuất, mình không sản xuất nên không làm ra được sản phẩm theo ý mình. Thu mua
cũng tốt anh Hai ạ, nhưng thu mua phần lớn mới chỉ đủ tiêu chuẩn cung ứng cho
người tiêu dùng trong nước hoặc cho những thị trường dễ tính như Trung Quốc hoặc
Campuchia. Nay em muốn sản xuất, tự mình làm ra sản phẩm vươn tới những thị trường
phát triển như Nhật Bản, Úc hoặc châu Âu. Ý anh sao ?
Biết Dung là một phụ nữ nồng hậu nhưng quyết đoán, là người
luôn vươn tới những ý tưởng táo bạo và tốt đẹp trong công việc kinh doanh của
mình nên anh không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án của cô. Tuy nhiên,
khi đã nói đến những ý tưởng kinh doanh, Kiên không thể không bộc lộ bản tính bộc
trực và ngay thẳng của mình.
- Việc vươn tới những thị trường khó tính là có thể nhưng
không ít khó khăn, bởi vì, một khi mà doanh nghiệp không tạo ra được những sản phẩm đúng chuẩn quốc tế
để phục vụ trước hết cho chính người tiêu dùng trong nước thì họ cũng không thể
tạo ra được sản phẩm chuẩn để đưa tới thị trường khó tính, hoặc nếu có cũng chỉ
là chốc lát, tạm thời.
Kiên đã hào hứng chia sẻ những suy nghĩ ấy với Dung, thật
thú vị khi đấy cũng là những suy nghĩ của chính Dung nên cô đã chăm chú nghe
không sót một lời, thầm cầu mong Kiên sẽ ghé vai cùng cô biến những ước muốn tốt
đẹp đó thành hiện thực.
- Anh Hai, anh đúng là con người của công việc ! Em cũng
nghĩ rứa nên vừa mới lấy một trang trại bên Lâm Đồng với mục đích vừa sản xuất,
vừa thu mua. Em sẽ đầu tư mọi mặt, nhất là công nghệ, phải là công nghệ tiên tiến
cơ, để sản phẩm của mình ở đây đạt chuẩn EU luôn, anh Hai tham gia chứ ? Đừng
có từ chối như cái vụ cơ cấu đó nghe, cái vụ đó anh Hai kỳ quá.
- Anh không nói trước được nhưng mà cách gì anh cũng sẽ ủng
hộ Dung.
Dung nhanh nhẹn chớp lấy lời :
- Ủng hộ nhân sự có được không ?
- Được, ý em là gì ?
- Nói nhân sự nghe to tát nhưng thực ra Dung chỉ nghĩ tới
cô Ly. Số cô ấy hên, gặp được anh cưu mang. Mẹ con cô ấy ở bên anh tới giờ đã bốn
năm, thằng bé lớn quá rồi. Từ lâu em đã có ý nghĩ chia sẻ với anh, kiếm cho cô ấy việc gì làm tốt hơn, đời sống ổn
định hơn mà cái đó chưa có xuất hiện. Bây giờ với cái trang trại bên Lâm Đồng
chắc có việc cho cô ấy quá, anh Hai nghĩ sao ?
Kiên hơi lạ về sự sốt sắng bất thình lình này bởi vì suốt bốn
năm qua có bao giờ anh thấy Dung quan tâm tới mẹ con Ly sống thế nào đâu. Kiên
hỏi lại hết sức tự nhiên :
- Ở bên công ty của anh mẹ con Ly còn dựa được vào hai cô cấp
dưỡng chứ qua đó rồi biết xoay xở thế nào ?
- Ổn mà anh, bên công ty em cũng lo được đầy đủ cho cô ấy.
Với lại cô ấy cũng phải bươn chải lên mà sống chớ đâu có dựa dẫm mãi được !
- Anh có đỡ cô ấy nhưng cô ấy không dựa dẫm đâu. Bản lĩnh đấy.
Em định trả lương cho cô ấy thế nào ?
- Rộng rãi mà anh, có đáng là bao đâu nếu cô ấy làm việc tốt.
- Chắc chắn cô ấy làm việc tốt, cái đó em không phải lo.
- Làm sao anh tin vậy ?
- Cô ấy làm việc bên anh từ bốn năm rồi, anh biết chứ.
- Vậy anh đồng ý với em là chuyển cô ấy đi ?
- Anh đồng ý thôi, cho cô ấy có cơ hội tốt hơn nhưng cứ để anh
về hỏi thêm cô ấy.
- Tất nhiên rồi, nhưng mà cũng phải khẩn trương, đang cần
anh ạ. Nhân tiện Dung muốn hỏi anh Kiên,
có vẻ như là anh Kiên nâng đỡ cô ấy hơi quá mức so với người khác, đúng hông
anh ? Có chuyện gì không anh ?
Khi nêu câu hỏi này Dung thấy hai má mình bỗng nóng lên
trong khi Kiên cũng bất thình lình nhận thấy đôi má Dung đỏ ửng, trông cô thật
xinh. Kiên thật thà trả lời :
- Ừ, thoạt đầu cũng chỉ định giúp cô ấy qua lúc khó khăn,
nhưng sau hiểu hoàn cảnh cô ấy, lại thấy cô ấy chăm ngoan nên anh giữ lại.
- Vậy nếu cô ấy qua Lâm Đồng thì sẽ phải xa anh, anh Hai thấy
có vấn đề gì không ?
Kiên ngẫm ngợi một lúc rồi trả lời :
- Không có vấn đề gì, thỉnh thoảng ghé thăm mẹ con cô ấy
cũng được.
Thực ra thì không phải không có vấn đề như Kiên vừa trả lời
Dung. Quan hệ giữa Kiên với Ly từ khi bé Cường mới sinh cho đến nay nó được bốn
tuổi đã âm thầm chuyển biến. Quan hệ ấy như một mạch nước ngầm lặng lẽ chảy
trong lòng đất, kín đáo nhưng thấm đẫm ra chung quanh, chỉ còn chờ đến lúc bung
ra thành sông suối cuộn chảy. Bởi vậy cái đề nghị của Dung không khỏi làm cho
Kiên băn khoăn. Trở về công ty, Kiên đến thẳng phòng của Ly. Lúc này mẹ con Ly
đã được Kiên cho chuyển đến một nơi ở tốt hơn, rộng rãi thoáng mát hơn, có bếp
núc và công trình phụ sạch sẽ, tóm lại là giống như một căn hộ riêng biệt. Bé
Cường chạy ra ôm chầm lấy Kiên, reo lên :
- Ba Kiên, ba đi đâu giờ này mới tới !
Bé Cường đã đi mẫu giáo được một năm, ở lớp đều là các em
bé địa phương, cô giáo cũng là người địa phương nên bé Cường nói giọng miền
trong sõi lắm. Kiên ôm nó vào lòng, vuốt mái tóc xoăn xoăn của nó, thơm lên chiếc
má bầu bĩnh của nó.
- Ba đi công chuyện, Cường đi học về có được bé ngoan không
?
Bé Cường không trả lời câu hỏi ấy mà nó mách :
- Bạn Hợi quậy lắm ba Kiên ạ, bạn ấy bị cô bắt quay mặt vô
tường.
- Thế bạn Cường có ngoan không, có được phiếu bé ngoan
không ?
- Con không bị quay mặt vô tường, bạn Hợi không được phiếu
bé ngoan.
Như vậy là Kiên biết bé Cường không được phiếu bé ngoan.
Anh cười, thằng bé láu lỉnh quá, nó là đứa trẻ nghịch ngợm nhưng ngoan, lại rất
biết nịnh ba Kiên. Lúc ấy Ly đang đứng nhặt rau muống ở bếp. Kiên nhìn vào thấy
dáng cô trong ánh chiều chập choạng vừa mảnh mai vừa cô đơn. Đã từ lâu, mỗi lúc
nhìn dáng cô như thế Kiên đều thấy tim mình như nghẹt lại, đều tự tra vấn rằng
anh đã làm được gì để cho mẹ con cô bớt buồn khổ. Về công việc, từ người lao
công những ngày đầu, anh đã xếp Ly vào chân giúp việc cho kế toán trưởng của
công ty, coi như chân kế toán phụ. Sắp xếp như thế là để Ly nhận được một khoản
lương cao hơn, tránh cho cô cái mặc cảm hàng tháng phải nhận một khoản trợ cấp
ngoài lương từ Kiên. Kiên biết điều đó vì đã có lần Ly nói với anh rằng cô
không thể cứ ngửa tay nhận tiền của anh mãi thế này được. Với khoản lương kế
toán phụ cộng với những khoản tiền thưởng của công ty, lại không phải trả tiền
nhà, Ly đã có thể lo cho con đi học mẫu giáo và lo cho cuộc sống của hai mẹ con
khá tươm tất. Tuy nhiên, chưa bao giờ Kiên chạm vào những nỗi niềm thầm kín của
Ly. Lúc đầu Kiên không quan tâm tới chuyện riêng của Ly, anh không muốn tò mò
và chỉ nghĩ đơn giản rằng giúp Ly là việc
nhân đạo cần làm cũng giống như anh và công ty đã làm với bao nhiêu những hoàn
cảnh khó khăn như thế. Nhưng rồi ngày tháng qua, Kiên thấy ở Ly có nét gì lạ lắm,
nó cứ từ từ cuốn hút sự chú ý của anh mặc dù Ly hoàn toàn không làm gì hoặc nói
gì để anh phải để ý đến cô. Giữa hai người lại có cái gạch nối tự nhiên là thằng
bé Cường làm cho sự chú ý của Kiên ngày càng gia tăng, đến mức Kiên nhận ra rằng
hình như Ly đang làm cho cánh cửa trái tim anh, một trái tim đã khép kín từ mối tình đầu tan vỡ, hé mở trở lại.
- Bác Kiên ở lại ăn cơm với mẹ con Cường nhé, em nấu sắp
xong rồi.
Từ trong bếp Ly nói vọng ra, giọng cô thanh mà ấm áp. Kiên
vui vẻ nhận lời vì anh muốn trao đổi với Ly cái ý chuyển chỗ của Dung vừa đưa
ra chiều nay, nhân tiện anh cũng muốn có một lần chuyện trò thật thân tình, xóa
đi cái khoảng cách vẫn có giữa một ông chủ và một nhân viên.
- Trong khi chờ đợi để anh đi tắm cho Cường nhé.
Ly vội vàng quay ra :
- Ấy chết, ai lại thế. Em xong ngay rồi đây, bác để em tắm
cho cháu.
- Anh làm được mà, nào Cường đi lấy quần áo sạch đi.
- Mẹ Ly phải lấy, con vô phòng tắm trước với ba Kiên.
Chắc vừa tắm Kiên vừa cù nó nên thằng bé cười khanh khách.
Ly nói với vào cho Kiên nghe thấy :
- Bác Kiên giỏi quá nhỉ, tí nữa bác đút cơm cho Cường chắc
nó chịu ăn đấy, nó lười ăn lắm bác ạ.
Chưa bao giờ Kiên chăm sóc một đứa trẻ theo kiểu thế này,
nó không làm anh khó chịu mà ngược lại anh thấy rất vui.
- Được rồi, cứ để tí nữa anh thử xem. Hôm nay Cường sẽ ăn mấy
bát cơm nào ?
- Con ăn năm bát.
- Năm bát cơ à, nhiều thế !
- Thế thì con ăn sáu bát, thế này này.
Bé Cường giơ cả hai bàn tay lên, cười khoái chí khi thấy nước
bắn cả vào mặt ba Kiên. Kiên lấy chiếc khăn bông trắng bọc vào người bé Cường
lau sạch nước rồi bế nó ra ngoài trong khi nó cứ lấy tay xoa vào cằm anh, vừa
khanh khách cười vừa nói :
- Eo ơi râu của ba Kiên nè !
Đợi ăn cơm xong, khi ngồi bên bàn nước, Kiên mới thong thả
nói với Ly :
- Cô Dung bên công ty rau quả vừa nói với anh chiều nay là
muốn thu xếp cho em qua Lâm Đồng làm việc ở trang trại của cô ấy.
Ly ngước nhìn Kiên khi nghe anh nói như thế. Kiên nhận thấy
chút vẻ thảng thốt trong ánh mắt của Ly khi nhìn anh khiến anh bất chợt nhớ lại
ánh mắt của cô cách đây bốn năm, khi anh gặp cô trên vỉa hè Lộc Ninh, trước khi
đưa cô vào bệnh viện sản. Anh vội vàng giải thích :
- Thấy em nhanh nhẹn nên cô ấy muốn giao cho em một việc
làm tốt hơn, có điều kiện thuận lợi hơn. Đấy cũng là ý tốt của cô ấy, không biết
ý em thế nào ?
Ly ẵm bé Cường trong lòng, im lặng xoa đầu xoa lưng cho nó,
mắt nhìn xuống buồn buồn, mãi rồi mới trả lời :
- Mẹ con em ở đây được thế này là đều trông cậy vào bác, em
làm sao dám có ý gì, đi hay ở là như ở bác sắp xếp. Lâm Đồng có xa không anh ?
- Cũng gần thôi em.
- Đến đấy thì em làm gì ạ ?
- Theo cô ấy nói thì em phải trông coi thu mua và phân phối rau quả ở đấy, công việc
chắc đòi hỏi sự nhanh nhạy, cũng phải quan hệ nhiều.
- Thế thì không biết em có làm được không.
- Được quá đi chứ, có điều em có muốn đi hay không thôi !
Khi nói câu đó, Kiên bất chợt nghĩ trong đầu, giá như cô ấy
sẽ bảo với anh rằng cô ấy không muốn rời xa anh.
- Em đã nói rồi, đi hay ở là do anh sắp xếp, em đâu dám có
ý gì. Đến chỗ mới, xa công ty, chắc sẽ buồn, thằng Cường chắc sẽ nhớ ba Kiên lắm
đây, nhưng không lo, mẹ con em chịu được mà anh.
Kiên nghe thấy cô thở dài, tiếng thở dài làm cho buổi tối
chùng xuống, buồn bã. Kiên lại hỏi :
- Công việc ở công ty thế nào, em có thích không ?
Câu hỏi ấy của Kiên làm cho Ly vui hẳn trở lại.
- Thích lắm anh ạ, em học được rất nhiều. Có lúc chị kế
toán trưởng bận hoặc đi công trình, chị ấy cho em làm sổ sách thay, em làm được
cả.
Một ý nghĩ chợt lóe trong đầu Kiên, rất nhanh, và anh quyết
định không một chút chần chừ :
- Thế thì không đi Lâm Đồng, để Ly về Sài Gòn học kế toán,
anh đang cần kế toán giỏi, toàn tâm toàn
ý.
- Đi đâu cũng do anh, nhưng mà được đi học kế toán thì
thích hơn, thích như mơ ấy anh Kiên ạ !
Lúc ấy bé Cường dụi mắt, kéo áo mẹ nó nói :
- Má ơi con buồn đi ngẩu.
- Con buồn ngủ rồi à, mà cũng đã hơn tám giờ, mẹ cho con đi
ngủ đây, mai còn đến lớp Gấu Bông chứ.
Ly bế con vào giường, không quên thơm lên má nó trước khi
quay ra. Khác hẳn với mọi khi anh thường đứng lên ra về vào lúc còn sớm, lần
này Kiên vẫn ngồi nấn ná đợi Ly, nung nấu ý muốn bày tỏ tình cảm của mình. Giữ
im lặng mãi không được, chi bằng tốt nhất cứ nói thẳng ra.
Ly rót nước đưa cho
Kiên.
- Bác Kiên uống nước đi.
Kiên đỡ lấy chén nước và nói :
- Sao tới giờ Ly vẫn gọi anh bằng bác, nghe nó cách xa quá,
có thể thay đổi cách gọi được không ?
Ly lại thở dài, đôi mắt buồn cụp xuống.
- Em biết gọi bác thế nào !
- Bằng anh !
Người đàn bà một con khẽ mỉm cười, đôi mắt cũng khẽ ngước
lên, mấy sợi tóc khẽ buông xuống má, hình ảnh ấy đẹp lạ lùng khiến Kiên ngẩn
ngơ rung động.
- Em vẫn gọi bác bằng anh đấy thôi.
Thời buổi bây giờ con trai con gái có bao nhiêu cách tỏ
tình lãng mạn, thế mà Kiên vẫn không biết chọn cho mình một cách. Anh ngồi ngây
ra, phải đến một phút, nghe rõ tiếng tim mình đập rộn lên, mãi rồi mới ấp úng từng
lời :
- Ừ, phải rồi, nhưng mà…anh muốn hơn nữa, là anh yêu, chứ
không phải anh bác.
Đấy là vì Kiên không biết, cái khoảng lặng ấy chính là những
giây phút lãng mạn nhất trong tình yêu, là giây phút trước khi nụ hồng nở thành
đóa, là trước lúc mặt trời xuất hiện, là cái điểm trước lúc con suối tràn ra
sông. Đó là một khoảng lặng vang dội, làm rung động trái tim mọi cô gái đang
yêu, hơn bất cứ một lời tỏ tình hoa bướm nào. Ly cũng ngồi cúi đầu ngẩn ra một
lúc rồi im lặng ngước mắt nhìn Kiên. Trong gần hai năm qua, họ đã thầm hiểu
nhau muốn gì nhưng ai cũng giữ gìn ý tứ, bởi thế quan hệ hai người mới như một
cái mạch nước ngầm. Bây giờ đã đến lúc nó bung ra tuôn chảy đây rồi. Ly đã chờ
đợi khoảng khắc này trong nỗi thấp thỏm, đôi lúc run sợ, sợ nó đến rồi lại biến
mất, lại tuột khỏi tay mình. Như con cò đã gặp bão, cô nói trong hụt hơi, rất
nhẹ nhưng Kiên vẫn nghe rõ :
- Em đã một lần rồi, em sợ, em không dám…
Anh vội cướp lời :
- Anh cũng một lần rồi,
anh đã tưởng mình không còn yêu được nữa. Cám ơn em đã làm trái tim anh rung động,
lại biết thế nào là yêu.
- Em sợ lắm, em không xứng đáng với anh.
- Giờ đây trong tim anh, em là người phụ nữ tuyệt vời, đẹp
người đẹp nết. Anh đã quyết rồi, anh sẽ cùng em đi tiếp phần đời còn lại. Em nghĩ gì về điều đó
?
Ly bối rối lấy ngón tay chấm vào chén nước rồi vẽ những đường
nét nguệch ngoạc lên mặt bàn. Kiên thấy nhẹ người khi bộc bạch ra được những
ngôn từ yêu đương mộc mạc. Ly ấp úng :
- Em cũng nghĩ rồi, em sẽ tới với anh.
Đêm ấy cả hai người
đều rạo rực không ngủ được. Sau khi Kiên ra về, Ly liền lôi từ trong ngăn kéo
ra một cái hộp bánh bích quy cũ bằng sắt tây trong đó cô để ít tiền và một số
thứ lặt vặt. Cô lục tìm trong đám lộn xộn ấy, lấy ra từ đáy hộp tấm thiếp cưới
của Tuất mời nhà cái Hiền. Khí hậu miền Nam khô và nóng, tấm thiếp không bị ẩm
mốc, trông như còn mới nguyên. Ly soi nó ra trước đèn, đọc lại một lần nữa, tim
không nhói đau nhưng hai giọt nước mắt vẫn rơi xuống tấm thiếp. Rồi Ly cầm ra bếp
bật lửa châm đốt. Thế là cả cuộc đời học trò lận đận mà vui tươi ở Thung Củ, cả
tình yêu đầu đời và cả những năm tháng đầy tủi hận vừa qua đã thoáng cái bỗng
dưng biến thành nhúm tro tàn. Trong khi đó Kiên về tới nhà, lên phòng ngủ mà
không sao chợp mắt được. Anh bật dậy kéo ghế ra cửa sổ ngồi ngắm trăng, thấy mặt
trăng to tròn vành vạch lơ lửng giữa bầu trời bảng lảng chút sương mờ. Anh
thích thú với cảnh thơ mộng ấy, đã từ lâu lắm rồi con người doanh nghiệp của
anh chỉ biết đến dự án, công trình và vốn, những thứ ấy cứ xoay tít thò lò như
một cái bánh xe không dừng lại được, lấy đâu ra chút khoảng khắc ngắm trăng
lãng mạn như đêm nay. Nếu lúc này có Ly bên cạnh, hai người cùng ngắm mặt trăng
kia thì chắc sẽ thú vị lắm. Kiên ngồi như thế trong cái hơi lạnh của đêm, tự để
mình đuổi theo những ý nghĩ không đầu không đuôi và mong trời mau sáng để lại
đi gặp mẹ con Ly.
Kiên là người đã nói là làm, nói thế nào làm như thế, vậy
nên chỉ một tuần sau cái buổi tối tràn
ngập ánh trăng thơ mộng ấy là Kiên đã đưa mẹ con Ly về thành phố Hồ Chí Minh.
Anh thuê một căn hộ ba phòng ở tầng 6 một chung cư cao cấp ngay gần trung tâm với
đầy đủ tiện nghi và một lớp mẫu giáo ngay ở tầng một. Anh cũng xin cho Ly vào học
một lớp kế toán cấp tốc, có học thêm cả vi tính nữa, tất nhiên với học phí khủng,
kinh tế thị trường mà. Tuy nhiên anh không để Ly đi học ngay mà dành thời gian
cho mẹ con cô thăm thành phố và làm quen với cuộc sống đô thị. Với Ly mọi chuyện
diễn ra cứ như mơ, đôi khi cô nghĩ đến nàng Lọ Lem trong truyện cổ tích thì
cũng chỉ may mắn đến như cô là cùng. Thỉnh thoảng khi chỉ có một mình cô ở nhà,
cô thường tự hỏi mình đang sống thật hay chỉ là mộng ảo. Để chắc chắn rằng mình
đang sống giữa đời thực, cô mở cửa sổ từ tầng 6 đứng nhìn dòng người xe ầm ì di
chuyển, rồi lại lấy tay véo thật mạnh vào má mình xem có thấy đau hay không. Mọi
cái trong nhà đều rất xịn và hiện đại, rất mới mẻ đối với Ly. Một lần cô cầm
cái điều khiển ti-vi, thử các chức năng của nó rồi bấm vào nút chuyển kênh, bất
thình lình cô thấy hình ảnh Tuất trên màn hình. Khỏi phải nói lúc ấy cô bất ngờ
và bối rối thế nào. Cô giữ nguyên kênh truyền hình, tay vẫn run run cầm chiếc
điều khiển, chăm chú theo dõi. Trên màn hình Tuất đang trao một khoản tài trợ
cho đồng bào vùng bão lụt, số tiền được viết thành những con số to trên một cái
bảng giấy. Đã năm năm không gặp Tuất, những
ngày đầu bỏ đi thỉnh thoảng cô có gặp nó trong những giấc mơ không đầu không
đuôi nhưng đều là những giấc mơ về Thung Củ, nay thấy Tuất thật khác. Anh ta mặc
com-lê màu đen, sơ mi trắng không thắt cà vạt, béo tốt, cái bụng phưỡn ra, nếu
Tuất không cười, nụ cười có lẽ sẽ không bao giờ Ly quên được trong cuộc đời
này, thì đó đã là một thằng Tuất khác với hình ảnh mà cô giữ về nó. Đang tập
trung nhìn hình ảnh người yêu thời học trò thì bất thình lình cô nghe thấy MC nói : “Đề nghị chúng ta vỗ tay hoan hô Tiến
sĩ, Chủ tịch hội đồng quản trị Trần Đức Tuất”. Một câu hỏi thoáng nhanh trong đầu
khi Ly nghe rõ hai chữ tiến sĩ : mình có
nhầm không, thằng Tuất cùng thôi học với mình hồi lớp mười cơ mà ! Không nhầm
được, trừ cái bụng phệ ra thì kia đích thực là thằng Tuất. Màn hình đã chuyển
sang hình ảnh các vị tiến sĩ, chủ tịch khác làm công tác cứu trợ. Ly thở dài,
thầm nghĩ nếu thằng Cường không đi học mẫu giáo chiều nay thì nó đã có thể thấy
hình ảnh bố nó. Ý nghĩ ấy làm cô thoáng buồn.
Ly giật thót mình khi cô thấy như có người đứng sau. Cô hoảng
hốt quay lại, thấy Kiên đang tiến đến, đặt tay lên vai cô. Anh nhẹ nhàng hỏi :
- Em vừa thấy thằng Tuất trên ti-vi phải không ?
- Anh à, em vô tình bật lên thì thấy, trông nó khác quá.
Anh cũng biết nó à ?
- Anh chưa gặp nhưng đã có lần nghe nói về nó. Giới kinh
doanh gọi nó là Tuất “điếu” hay là Tuất “Lắc-xờ-ti”.
- Sao lại là Tuất “điếu” hả anh ?
- Không phải điếu hút thuốc lào đâu, tại thằng này cứ mở mồm
ra là “điếu” với nắt, tục tĩu lắm.
Ly chợt nhớ lại ngày đi học.
- Đúng thế, ngày đi học ở Thung Củ nó cũng hay chửi tục lắm
rồi. Nó mà cũng là đại gia được à anh, em không hiểu làm sao mà nó giàu nhanh
như thế, lại còn là tiến sĩ nữa ?
Kiên vẫn đứng sau Ly, lùa tay vào tóc cô vuốt nhẹ.
- Nghe anh em bạn nói lại thì thằng này bao giờ cũng gặp
may, lại dựa được vào thế bố vợ nó. Vợ nó cũng giàu lắm, người ta gọi vợ nó là
công chúa họ La.
- Anh biết về nó còn nhiều hơn em đấy. Em chỉ biết thằng Tuất
đến cái đoạn nó bỏ em rồi em bỏ đi thôi.
Kiên buông tay khỏi tóc Ly để dìu cô đến ngồi trên ghế. Anh
âu yếm nhìn cô và hỏi :
- Em có bao giờ hối tiếc về cuộc tình với Tuất không ?
Ly không ngần ngại trả lời :
- Những ngày đầu cô đơn, nặng nề lắm anh ạ, không có anh
che đỡ thì em không biết mình sẽ khổ sở thế nào. Có thể như địa ngục, nhiều lúc
không thiết sống. May mà có thằng Cường. Em kiên quyết giữ nó vì đó là tình yêu
đầu tiên của em, là quê hương và tuổi thơ của em chứ không phải vì thằng Tuất.
Có vì thế mà anh ghét bỏ em không ?
Cô rơm rớm nước mắt nhìn Kiên. Kiên lấy ngón tay quệt giọt
nước mắt trên má Ly, kéo cô vào gần mình.
- Không bao giờ, đơn giản vì anh yêu em. Anh cũng có một mối
tình dang dở, em chưa biết nhỉ ?
- Em chỉ đoán thôi, vì anh lớn tuổi như thế, không thể
không yêu. Anh kể đi.
- Anh đã yêu một người tên là Nhung, cô ấy cũng yêu anh lắm
nhưng bố anh không cho bọn anh đến với nhau. Bố anh và bố cô ấy là bạn nhưng
xung khắc với nhau về chính kiến nên ghét bỏ nhau, đi đến kiên quyết cấm đoán
con cái. Thực ra thì đấy cũng là một cách họ phản kháng, thế hệ của họ có những
nỗi đau riêng. Nhung bỏ đi xuất khẩu lao động rồi sau học nhạc, bây giờ là nhạc
sĩ ở bên Đức.
- Anh còn yêu chị ấy không ?
- Chị ấy đã có chồng và hai con. Thỉnh thoảng bọn anh vẫn
email cho nhau, cô ấy cứ giục anh lấy vợ.
- Sao anh không lấy vợ đi ?
- Anh cưới Ly nhé, đồng ý không ?
Ly ngả đầu vào vai Kiên.
- Hoàn cảnh em như thế, nhỡ bố anh lại không đồng ý thì sao
?
- Cũng có thể. Bố anh là người cũ lắm, cụ muốn mọi cái phải
theo đúng những tiêu chuẩn của thế hệ cụ, cái gì cũng phải chấp theo lối cũ.
Nhưng cụ già rồi, còn anh, anh sẽ tự quyết để giành lấy tình yêu của mình.
Chương 17.
Một lần khi nói
chuyện về các mác xe ô tô, thằng Khe nắc nẻ cười :
- Đếch gì lại có cái mác xe là Lắc-xờ-ti, vừa lắc vừa sờ,
ai chẳng thích !
Nghe thế thằng Tuất chợt nghĩ các đại gia toàn đi Lệch-xớt
với Au-đi, mãi cũng nhàm. Chán ! Nó nghiêm chỉnh bảo Khe :
- Anh lấy cho tôi chiếc Lắc-xờ-ti màu đỏ, đi cho nó nhộn !
Khe bảo :
- Cái ấy tậm tịt lắm. Nhộn thật nhưng không đẳng cấp, xe bình
dân ấy mà.
- Cần “điếu” gì, cứ có thật nhiều măn-ní măn-nì là thành đẳng
cấp hết, không đúng à ! Giờ tôi chỉ ngại mỗi con Rôn-roi thôi, còn lại thấm gì.
Anh cứ lấy cái Lắc-xờ-ti đỏ đi cho khác biệt. Cần phải tạo cho mình sự khác biệt
!
Từ đấy thằng Tuất đi Lắc-xờ-ti thật. Cũng từ đấy người ta gọi
nó là Tuất “lắc sờ ti”.
Vào một sáng sớm mùa hè, khi đang sắp xếp những công việc định
làm trong ngày thì Tuất bỗng nghe tiếng trống trường gần công ty vọng lại, tiếng
trống dội vào tận sâu lắng trong lòng nó, làm nó rạo rực, nôn nao nhớ, đầu óc lởn
vởn những cánh hoa phượng đỏ đầu mùa. Thế là nó bỏ mọi công việc, tự lái Lắc-xờ-ti
đi về Thung Củ. Nó muốn đi một mình hơn là đi với lái xe, một mình phù hợp với
tâm trạng nó trong những ngày này. Đoạn đường cao tốc Láng Hòa Lạc đã gần xong,
đang chờ ngày khánh thành, xe của Tuất chạy bon bon gần trăm cây số giờ thật dễ
chịu. Kể từ ngày cưới vợ ba năm về trước,
đây là lần thứ hai Tuất về quê. Nó rất sợ phải gặp mặt những người dân Thung Củ,
không phải vì giữa Tuất và họ bây giờ đã có một khoảng cách rất xa, khoảng cách
giữa giàu và nghèo như một cái hố đen càng ngày bị khoét sâu. Chuyện đó thường,
chỉ cần bỏ ra mấy con bò sữa cho những người dân nuôi bò vắt sữa là tình hình
được cải thiện ngay. Điều nó sợ chính là mỗi lần về Thung Củ là mỗi lần nó như
gặp lại Ly, cái gì ở đây cũng nhắc cho nó những kỷ niệm còn nguyên vẹn và hôi hổi
về một cuộc tình tưởng chừng như đẹp đẽ và bền vững nhất trên đời. Tuất chưa
bao giờ đủ tĩnh tâm để nhìn nhận lại cuộc chạy đua kiếm tiền của nó trong những
năm tháng qua được mất những gì, tuy nhiên nỗi buồn cô đơn do việc đánh mất Ly thật to lớn và đang ngày một lộ
rõ, những nỗ lực để chấp nhận cuộc sống gia đình vợ con nhung lụa không đủ che
lấp đi nỗi nhớ da diết cái Ly với biết bao nhiêu ân hận và oán trách chính mình. Tự nhiên nó
biến thành hai thằng Tuất, phân thân, một nửa là công việc và vợ con, một nửa là nỗi nhớ người yêu
xưa và sự giày vò.
Bà Triệu thấy con về thì mừng lắm, rối rít hỏi thăm cháu nội.
- Có một tí đường đất, sao không cho mẹ con nó về chơi với
ông bà ?
Tuất không thể nói với mẹ rằng Diệu Hương chưa bao giờ muốn
về Thung Củ. Mỗi lần Tuất rủ Diệu Hương, kể cả trước lúc cưới đáng lẽ phải về
ra mắt bố mẹ chồng, cô ta chỉ nói gọn lỏn và kiên quyết : Tuất cứ đi đi, Hương
không về quê Tuất đâu.
Tuất vô cớ bực tức, trả lời mẹ :
- Ối giời, nó không về thì thôi chứ cần “điếu” gì !
Thế là mẹ nó gắt ầm lên :
- Ơ hay cái thằng này, vợ mày là con người ta, dâu thì dâu
chẳng dâu thì mặc xác nó, nhưng còn con mày, nó là giọt máu của nhà này chứ,
sao lại lần lữa mãi mà không đưa nó về !
- Được rồi, rồi sẽ đưa nó về cho bà, bây giờ bà để con yên
đã.
- Tao cũng lấy làm lạ, vợ con gì kiểu ấy, cấm bao giờ về
chơi thăm bố mẹ chồng, hay là chúng mày đại gia, chúng mày có tiền chúng mày
khinh ông bà già này ! Có nghèo thì cũng đẻ ra mày, cũng nuôi mày đến lúc thành
đại gia.
Ông Triệu từ nãy đến giờ đứng run, nói chen vào :
- Thôi bà, con nó vừa về.
Tuất lẳng lặng mở cốp xe lấy ra một túi đồ rồi nói :
- Con đi một tí đã.
Ông Triệu hỏi :
- Đi đâu ?
- Đến thăm bố mẹ cái Ly.
Bà Triệu chưa hết cơn bức xúc, đứng chống nạnh chửi với
theo :
- Tiên sư bố nó, chỗ tử tế thì bỏ, chỗ xiên xỏ thì lao đầu
vào, toàn cứt mà tưởng là thơm, đồ tham vàng bỏ ngãi , không đem cháu về giả
cho tao, tao ra tận nơi tao chửi vào mặt !
Đã từ lâu Tuất biết chuyện Ly bỏ đi nhưng không biết cô đi
đâu, sống như thế nào, bởi vậy lần này nó quyết đeo mo vào mặt về thăm bố mẹ
Ly, cốt là để hỏi ông bà ấy có tin gì không. Sau trận mưa rào đầu mùa con đường
dẫn vào nhà Ly sũng bùn, trơn tuột, bùn dính chặt vào đế giày của Tuất. Cách
đây mấy năm Tuất đã có thể bỏ giày mà lội chân đất nhưng nay nó không thể làm
thế, nó đi giày Tây quen chân rồi. Những
cái chuồng bò ven đường phân chất thành ụ bốc lên mùi khai thối rất khó chịu
khiến Tuất thỉnh thoảng phải chun mũi nín thở mặc dù trước đây nó đã suốt ngày
quanh quẩn với Ly trong cái mùi khai thối nồng nặc ấy. Cảnh vật quen thuộc và gần
như không thay đổi đã làm cho Tuất nhận ra chính nó đã thay đổi rất nhiều. Tuất
bước vào nhà vừa lúc mặt trời ló ra khỏi mây làm cho gian nhà sáng bừng lên. Bố
mẹ Ly đang lặng lẽ dọn cơm trưa, tỏ ra quá bất ngờ khi thấy người con rể hụt bước
vào. Tuất chờ đợi câu nói rất quen thuộc trước đây của ông bố cái Ly mỗi khi nó
đến và gặp bữa : “Cái Ly lấy bát đũa cho thằng Tuất ngồi ăn một thể ”. Không làm gì còn câu nói ấy nữa, chỉ có sự ngạc
nhiên lạnh lùng của ông bố Ly :
- Anh Tuất về có việc gì ?
Tuất sượng sùng :
- Cháu tranh thủ về thăm hai bác, công việc bận quá nên lâu
ngày không gặp, hai bác có khỏe không ạ ?
Mẹ Ly không nói gì, ngồi thở mệt mỏi ở giường đưa mắt kèm
nhèm nhìn Tuất. Ông bố Ly không trả lời câu hỏi thăm của Tuất mà chỉ tay vào
cái ghế trước đây Tuất vẫn ngồi :
- Anh ngồi chơi.
Tuất đưa túi quà tới đặt trước mặt mẹ Ly.
- Cháu có ít thuốc bổ, hai bác uống cho khỏe.
Ngay lập tức bà mẹ Ly xua tay rồi đẩy cái túi ra xa mình,
không nói gì. Ông bố Ly thấy thế bèn nói :
- Không lấy quà của anh đâu, anh đem về để ông bà đằng ấy
dùng.
Tuất quay ra ngồi vào cái ghế nó vẫn ngồi, hỏi thẳng không
úp mở :
- Cháu muốn biết cái Ly bây giờ đang ở đâu, hai bác nói cho
cháu được không ?
Lúc này bà mẹ cái Ly mới lên tiếng, giọng thều thào của người
hụt hơi :
- Anh còn hỏi nó làm gì, nó đi đâu, ở đâu, gần bốn năm trời
chúng tôi có biết gì đâu. Giá mà mạnh khỏe thì cũng cố gắng mà đi tìm con,
nhưng mà giời bắt hết ông ốm đến bà bệnh, làm sao đi được !
Bà với cái khăn trên thành giường chùi nước mắt, không ngừng
sụt sịt. Ông bố cái Ly cứ ngồi lì ra, chẳng nói chuyện, chẳng hỏi han. Tuất hỏi
mẹ cái Ly :
- Nó có thường gọi điện về cho hai bác không ?
- Chúng tôi làm gì có điện thoại. Một vài lần nó gọi về nhờ
qua máy của cái Hiền.
Tuất lóe lên một tia hy vọng khi nghe nhắc đến cái Hiền. Nó
cũng không thể ngồi lâu trong không khí gượng gạo và sự im lặng bẽ bàng thế này
nên hỏi han qua loa mấy câu rồi đứng lên ra về. Ông bố Ly cầm túi quà đưa lại
cho nó :
- Anh cầm về, chúng tôi không nhận đâu.
- Thuốc tốt mà, hai bác dùng đi.
Tuất bước nhanh ra ngoài cổng như trốn chạy. Ông bố Ly nói
với theo :
- Anh không cầm thì để rồi tôi mang lên cho ông bà trên ấy.
Tuất vội vàng đến nhà cái Hiền đúng lúc nó đi cắt cỏ bò về.
Thấy có người đeo kính râm, mặc áo ti-sớt đứng ở cổng Hiền nhìn mãi mới nhận ra
Tuất. Tuất cũng không dám gọi Hiền ngay vì sợ nhầm với chị nó, trông nó lam lũ
và có vẻ già hơn trước nhiều. Hiền lên tiếng trước :
- Tuất phải không, khiếp trông cứ như đại gia ấy, chẳng nhận
ra.
- Trông mày cũng khác quá, có vẻ hơi béo ra.
- Ba, bốn năm rồi có gặp nhau đâu mà không khác. Tao ở nhà
vất vả bỏ mẹ. Tao đoán thế nào mày cũng về hỏi tin cái Ly, có đúng không ?
- Mày biết nó ở đâu mà không bảo tao !
- Thế mà cũng nói ! Mày có vợ có con, có bao giờ mày hỏi tới
nó đâu mà báo với mày. Ngay cả tao ở nhà cũng có bao giờ mày hỏi tới đâu, rõ vớ
vẩn !
- Xí xóa, bây giờ mày cho tao biết nó đang ở đâu, làm gì đi
?
Hai đứa vẫn đứng ở cổng nói chuyện chứ không vào nhà. Hiền
thun mũi hít mùi nước hoa tỏa ra từ áo của Tuất rồi nói :
- Về Thung Củ mà bôi nước hoa xịn thế này các cụ chưởi cho
bỏ mẹ. Đang tự nhiên bỏ cái Ly đi lấy đứa khác, bây giờ hỏi nó làm gì ?
- Tao muốn đi tìm nó.
Hiền bĩu môi :
- Vợ con yên ấm thế đi tìm nó làm cái gì nữa, định lấy nó
làm lẽ à, còn lâu nhé, nó đã thề không bao giờ nhìn mặt mày nữa.
- Đấy là việc của tao, mày cho tao số điện thoại của nó là
được.
- Nó toàn gọi số công cộng, cả tao nó cũng không cho số di
động của nó.
- Thế nó đang ở đâu ?
- Bình Phước.
- Nhưng mà chỗ nào ở Bình Phước chứ ?
- Chịu, nó cũng không nói.
- Ly có kể nó sống thế nào không ?
- Cũng tươm, đủ để nuôi con đàng hoàng.
Tuất há hốc mồm :
- Nó lấy chồng rồi à ?
- Khéo hỏi, mày lấy vợ thì nó phải lấy chồng chứ sao, chẳng
lẽ làm gái ế đợi mày à !
Hiền thương hại Tuất khi thấy mặt nó đuỗn ra, đầy vẻ thất vọng.
Tuất đứng đần thối một lúc rồi nói :
- Mày cho tao số điện thoại của mày, có gì tao gọi lại. Nếu
Ly gọi mày thì hỏi kỹ rồi báo tao nhé, bạn bè chỉ nhờ nhau có một việc ấy thôi.
Hiền mỉa mai :
- Bạn bè nhờ nhau ! Bao nhiêu năm bạn sống chết ra sao mày
có biết gì đâu ! Chuyện đi tìm cái Ly thì quên đi nhé, nó đang yên ổn nuôi con,
đừng có phá nó.
Sau khi lấy điện thoại của Hiền, Tuất vội vàng phóng thẳng
về Hà Nội , tâm trạng khấp khởi với một chút hy vọng mong manh. Nó gọi anh Quý
vào văn phòng, mời ngồi rồi rót nước mời uống khiến anh ta hết sức ngạc nhiên về
cử chỉ khác thường ấy. Tuất nói :
- Tôi có chuyện muốn nhờ anh làm, nhưng đây là chuyện đàn
ông, chỉ tôi với anh biết, tuyệt đối không được để lộ cho mụ Hương. Được không
?
- Đã có nhiều chuyện đàn ông chỉ tôi với anh biết, đến giờ
có lộ cho ai đâu mà sao hỏi thế ?
- Chuyện này hệ trọng hơn nhiều.
- Thế à, chuyện gì ?
Anh Quý cũng cảm nhận thấy có điều gì hệ trọng khác thường,
anh ta im lặng nghe.
- Anh nhớ có lần tôi đã nhờ anh cầm điện thoại về quê cho
người yêu của tôi không, có nhớ mặt cô ta không ?
- Có nhớ chứ, ấn tượng lắm, chỉ gặp một lần thôi là có thể
nhớ được mãi.
Trong phòng chỉ có hai người mà anh Quý vẫn nhìn trước nhìn
sau :
- Nói thật nhé, hơn đứt bà Hương nhà anh bây giờ.
- Thế này anh ạ, cô ấy vì hận tôi mà bỏ nhà ra đi, nay đang
ở Bình Phước. Tôi muốn biết hiện cô ấy sống ra sao, chồng con, công việc thế
nào. Nhờ anh lật sới tung cả Bình Phước
lên, tìm cho ra.
- Đơn giản thôi, anh cho tôi địa chỉ cụ thể và điện thoại của
cô ấy.
- Nếu có thì tôi đã chẳng nhờ đến anh.
- Thế thì khó nhỉ !
- Nếu dễ cũng không cần đến anh. Anh đi một chuyến, tiền
tiêu bao nhiêu cũng được, miễn là có kết quả. Anh chỉ cần nói với mọi người là
đi phép giải quyết việc nhà, tuyệt đối giữ kín. Được việc sẽ có thưởng lớn, ok
?
- Ok !
Anh Quý ra rồi Tuất ngồi vắt cổ lên thành ghế lim dim nhớ lại
mái tóc xanh mướt bao giờ cũng thơm tho cái mùi thơm Thung Củ, nhớ cái gốc cây
bòng rụng đầy hoa trắng vào mỗi cuối xuân, con đường đến trường bụi đỏ bám đầy
những bước chân sáo nhảy. Đang lan man ngược về những ngày hạnh phúc không cần
đến tiền ấy thì có tiếng điện thoại reo, Tuất giật mình lấy máy ra nhìn, thấy
Diệu Hương nhắn tin sẽ đi tập và về rất muộn. Tự nhiên nó rùng mình.
Sau đó ngày nào Tuất cũng gọi điện cho anh Quý. Hôm anh Quý
trở ra Hà Nội cầm về cho Tuất một bức ảnh chụp từ xa nhưng Tuất vẫn nhận ra đó
là cái Ly tay dắt một đứa trẻ.
- Tôi đã làm như anh dặn, kín đáo bới tung cả Bình Phước
lên, thật không ngờ cái hôm tìm đến địa chỉ thì đúng lúc mẹ con cô ấy ra xe đi
về thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vội lấy điện thoại chụp được cái hình này đem về
cho anh. Vào thành phố Hồ Chí Minh mà không điện thoại, không địa chỉ thì có mà
giời tìm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét