Chương 10.
Tuất không ngủ muộn được nên từ rất sớm, khi VTV3 vừa phát
chương trình hướng dẫn tập y-ô-ga, đã bảo lái xe đưa mình lên Bờ Hồ, vào cà phê
Gió Hồ Gươm. Đường phố lúc này còn vắng, Tuất mở toang kính xe cố hít lấy chút
không khí trong lành của ban mai Hà Nội. Tên là Gió Hồ Gươm vì ở gần Hồ Gươm chứ
thực ra quán này toàn dùng gió điều hòa,
những lúc mất điện khách nóng muốn chết. Được cái trang trí khá tinh, mấy bức
tranh phong cảnh sơn dầu ký tên họa sĩ
Quốc Tuấn còn tạm có thể gọi là nghệ thuật, khách ngồi trong quán có thể trông ra hồ, mặt hồ xanh màu cổ kính
là cái màu xanh rêu phong đặc quánh chỉ xanh ở Hồ Gươm. Bên bờ hồ, các ông bà
có tuổi vô tư đứng vẩy tay, tập theo bài “Đạt ma dịch cân kinh” trong khi một
đôi tình nhân trẻ bắt đầu ngày mới bằng cách điềm nhiên vắt vai nhau ngồi trên
ghế đá. Trong quán lác đác đã có mấy người ngồi đọc báo An ninh Thủ đô trước
phin cà phê lững thững nhỏ từng giọt, mặc kệ sự đời tha hồ hối hả ở bên ngoài.
Tuất vừa đặt đít vào cái ghế ở chỗ quen thuộc thì một cô
nhân viên đã đon đả :
- Anh Tuất ăn sáng chưa ?
- Ngủ dậy ra đây ngay, ăn vào đâu.
- Anh ăn gì để em gọi ?
Cái sự ăn sáng của Tuất bây giờ cũng trở thành phức tạp, phức
tạp ở chỗ không biết ăn cái gì. Thường thì nó rất thích ăn phở, lúc đầu chỉ ăn
phở vỉa hè của cô Tèo cạnh chung cư Nơi Sum Họp rồi tiến lên ăn phở Bát Đàn nổi
tiếng Hà thành. Người ta lại mới giới thiệu cho Tuất một chỗ ăn phở vừa sang vừa
ngon, là nơi lấy bát phở đậm chất quốc hồn quốc túy để tụ tập nhau của các
doanh nhân. Doanh nhân thì có bao giờ tụ bạ để chém gió không đâu, chỉ có các
quý ông công chức về hưu mới rỗi hơi ngồi tào lao ở công viên hoặc quán cà phê
rẻ tiền, chứ còn doanh nhân, họ gặp nhau là để quan hệ, là thua và được. Là tiền
! Cái nơi lấy bát phở làm cớ gặp nhau này chính là một khách sạn lớn, phở ở đây
ngon hết chỗ nói, đắt cũng hết chỗ nói, bởi thế các quý ông công chức về hưu chỉ
nghe mà không bao giờ nhìn thấy bát phở chứ đừng nói đến thưởng thức. Đôi ba lần
đầu vào ăn phở chỗ này Tuất thật sự khoái, nó chỉ chăm chú vào bát phở nóng
giãy, mùi thơm hoi hoi béo ngậy thoát lên từ những miếng nạm bò Úc đã mềm lại
giòn, ăn xong Tuất bê cả tô lên húp nước soàn soạt. Sảng khoái thật. Thế nhưng
bây giờ Tuất ít đi ăn phở ở đây vì nó ghét phải chào hỏi nhau nhiều quá. Mệt,
ăn bát phở không yên nên mất ngon, vừa cầm đũa đã phải đứng lên bắt tay, khi
thì sếp này, lúc thì sếp kia, toàn những
người mà doanh nhân gọi là khách ăn kèm, ghét nhưng vẫn nhất quyết phải mời bằng
được.
Ngồi ăn phở trong quán cà phê Tuất được yên nhưng lại không
được bát phở ngon, chỉ là loại phở gọi là phở. Ôi, chuyện nhỏ thế cũng có giá
huống chi những chuyện lớn. Chấp nhận. Tuất chép miệng :
- Mày gọi cho anh bát nạm gàu, ăn vậy, nhưng cố giữ nóng
vào.
Vừa ăn hết bát phở, đang định gọi cà phê thì chuông điện
thoại reo. Tuất bốc máy, thấy người gọi là Xuân Trường, nó vội nghe.
- Tuất à, chú có bận không, mình gặp nhau một tí đi ?
- Bận gì đâu, em đang ngồi cà phê thôi. Gặp anh ở đâu ?
- Chú qua đón anh rồi mình ra cà phê, có chuyện hay lắm.
- Vâng, em đến ngay.
Lúc ấy nắng sớm đã bắt đầu đổ xuống mặt hồ, biến hóa cái
màu xanh lưu cữu thành mặt nước bạc lấp lóa. Xe cộ qua lại đã chật đường. Xuân
Trường gọi vào giờ này ắt phải có chuyện nên Tuất vội vã đi nhanh. Cơ quan của
Xuân Trường trông thật to cao và uy nghi, kiến trúc vuông vức đậm nét xã hội chủ
nghĩa, mỗi tội xây đã lâu nên có vẻ lạc mốt. Tuất định đi thẳng vào thì có anh
bảo vệ chặn lại, nghiêm mặt hỏi :
- Gặp ai, có việc gì ?
- Tôi có hẹn với anh Xuân Trường.
Lập
tức Tuất được mời vào một cái phòng khách con con có bộ xa-lông đen ngồi đợi.
Nhìn anh bảo vệ trạc tuổi mình chỉ mặc chiếc sơ mi trắng có cái phù hiệu đeo
trước ngực, Tuất chợt nghĩ ở đây uy nghiêm như thế mà bảo vệ không oai, không mặc
đồng phục như nó trước kia.
Xuân Trường tập tễnh đi ra, họ kéo nhau đến một cái cà phê
kín đáo ở một con phố kín đáo có những cây sấu cổ thụ. Cô nhân viên cà phê mặc
áo dài mầu ô liu hỏi Xuân Trường :
- Chú ngồi phòng riêng nhé ?
- Ừ.
Vào phòng rồi, Xuân Trường cười cười bảo Tuất :
- Chú gọi cho Diệu Hương đi, bảo nó ra đây bàn chuyện làm
ăn.
Tuất lúng túng, xoay xoay chiếc điện thoại trên tay.
Mấy hôm trước Tuất đã đi ăn tối cùng Diệu Hương và Xuân Trường,
nhưng họ toàn nói chuyện bâng quơ, gọi là làm quen nhau. Cả Diệu Hương và Xuân
Trường đều tỏ ra rất thoải mái, vui vẻ, khiến cho Tuất cảm thấy thật là dễ chịu.
Mới tối hôm qua họ cũng ngồi với nhau, đi ăn đồ Nhật, đồ Hàn, đồ hải sản mãi đã
chán nên rủ nhau đến một tiệm Pháp trên phố Ngô Thì Nhậm. Họ chọn một bàn ba
người gọn xinh ở ngoài trời, dưới ánh sáng vàng ấm áp mờ ảo của ngọn đèn lét nhỏ
gắn trên tường có những cây vạn niên thanh leo uốn tự nhiên. Hình như đã rất
quen thuộc, Xuân Trường gọi ngay cho mình một đĩa xa-lát kiểu Pháp to tướng và món sườn cừu nướng, Diệu Hương thích món
súp nguội gọi là súp cốc-tai và món chính là lườn vịt nướng bơ. Tuất ngượng
ngùng cầm quyển thực đơn bìa cứng to đùng, xoay ngang xoay dọc, thấy toàn những
tiếng Anh tiếng Pháp nên bất lực. Thấy vậy anh nhân viên phục vụ chạy đến giới
thiệu cho nó những món ăn của nhà hàng. Nghe đến món bít-tết bò Úc là món quen
thuộc nên Tuất chấm ngay. Anh nhân viên hỏi Tuất :
- Anh dùng mê-điềm chứ ạ ?
Thấy nét mặt lơ ngơ của Tuất, Xuân Trường đang nói chuyện với
Diệu Hương vội quay sang giải thích :
- Là chú thích bít-tết nướng vừa phải hay nướng chín ?
- Cứ nướng chín cho chắc.
Xuân Trường cười thông cảm :
- Chín quá ăn xác, không ngon đâu chú ạ. Chú phải đi ăn Tây
nhiều cho nó quen, trong giao dịch cần lắm đấy.
Khi nhà bếp dọn món đầu ra, Diệu Hương lấy chiếc thìa bạc
múc xúp, vừa đưa lên miệng đã kêu ré lên :
- Mặn quá, súp gì mà mặn thế này !
Anh nhân viên lại vội vàng chạy đến.
- Thưa chị, có mặn hơn một chút nhưng món xúp Pháp thường
có vị như thế, chị dùng kèm với bánh mỳ ạ.
Lần đầu từ khi quen nhau, Tuất thấy cặp lông mày Diệu
Hương xếch lên như lông mày tượng Quan
Vân Trường. Đi kèm với cái nhíu mày dữ tợn ấy là một mệnh lệnh thức đanh gọn :
- Đổi đi, cho ít muối thôi.
Anh nhân viên băn khoăn tới mức hoảng sợ, chắc hẳn trong đầu
anh ta đã hiện ra một phép tính chuyên nghiệp là ai sẽ chịu 25 đô cho món xúp bị
bỏ dở này.
- Cứ bỏ đi, tính tiền như thường, cốc xúp vặt ấy mà.
Thắc mắc được tháo gỡ, anh nhân viên vui vẻ bê cốc xúp đi.
Diệu Hương quay sang Tuất cười, nét mặt rạng rỡ như chưa từng có cái nhíu mày vừa
rồi.
- Lại nói chuyện tiền, không phải tiền trả bữa tối nay đâu
nhé, mà là tiền vốn đầu tư ấy, Tuất chắc là trường sức lắm nhỉ ?
Đã có nhiều người quan tâm và hỏi đến khả năng vốn liếng của
Tuất. Với câu hỏi này bao giờ Tuất cũng trả lời rất thật là chưa bao giờ nó có
nhiều tiền như thế, còn việc nhiều như
thế là bao nhiêu thì thằng Khe đã dặn nó đừng bao giờ tiết lộ, rằng trong làm
ăn thường người ta có một thì phải nói lên thành mười. Có lẽ vì thế mà Tuất đã
trả lời Diệu Hương rằng vốn nó nhiều lắm, đủ để tham gia vào các dự án của cô
ta.
Xuân Trường thấy thằng Tuất cứ cầm chiếc điện thoại mà
không bấm số nên động viên :
- Chú chưa gọi cho Diệu Hương bao giờ chứ gì, đừng ngại, bảo
cô ấy ra đây một lát thôi, chín giờ anh lại có cuộc họp.
Tuất gọi cho Diệu Hương, bấy giờ cô ta mới thức dậy nhưng
nói sẽ nhanh chóng ra ngay. Trong lúc đợi, hai người gọi cà phê, đều là hai đen
nóng nhưng Tuất bảo đem theo cho một cốc nước sôi. Thấy vậy Xuân Trường nhận
xét :
- Chú uống cà phê theo kiểu Mỹ à ? Anh đi Mỹ thấy người ta
thường hay chế thêm nước sôi. Ở bên ấy người ta ăn nhanh, uống nhanh, cà phê xta-bấc
cũng là cà phê uống nhanh thôi.
Tuất ú ớ, chẳng biết nói thế nào. Thực ra nó cũng mới uống
cà phê từ vài ba năm nay, từ khi nó bốc lên. Cũng như ăn phở buổi sáng, ở Thung
Củ lấy “điếu” đâu ra phở mà ăn. Uống cà phê đặc nó đắng, không uống được, mà
không uống cà phê thì lại không sành điệu mỗi khi đi gặp gỡ, tiếp xúc như thế
này, nên nó mới gọi thêm nước sôi để pha loãng ra chứ có Mỹ mẽo gì đâu. Nó đành
đung đưa nói theo :
- Em không thích uống cái kiểu cà phê nhâm nhi, không có thời
gian nên mình phải uống cho nhanh.
Xuân Trường rút trong túi ra một cái hộp màu xanh to
hơn bao thuốc lá một tí, bật cái tách.
- Chú hút thuốc đi, xì gà Tây Ban Nha đấy. Anh có khối,
mình hút quen nên người ta biếu, chú mà thích anh chuyển cho, tha hồ hút.
Xuân Trường khều khều đầu điếu thuốc, lại rút trong túi ra
cái bật lửa Thụy Sĩ màu đỏ có chữ thập trắng, châm lửa, hít vào rồi ngửa cổ
thong thả nhả khói ra như kiểu hút thuốc lào. Mùi khói thuốc, Tuất thấy, cũng
như mùi khói thuốc lào, như thế không hiểu nó ngon theo kiểu gì. Bố cái Ly ở
Thung Củ hút thuốc lào, hễ cứ nhả khói ra là lơ mơ kêu ngon trong khi cái Ly và
Tuất thấy hôi xì một mùi hôi đậm đặc.
- Em không hút thuốc lá, chỉ mê uống rượu thôi.
- Rượu là tốt, đàn ông có rượu như cờ có gió chú ạ.
Xuân Trường háy háy mắt, như là muốn gửi thêm ý gì vào câu
nói đó.
Diệu Hương mở cửa đi vào khi Xuân Trường chưa hút hết điếu
thuốc, nhanh nhẹn, quen thuộc như đã ra vào đây thường xuyên, đem theo vào
trong phòng mùi nước hoa thoang thoảng thơm, trông thật gọn gàng xinh xắn trong
chiếc áo len dài bó đai màu tím. Diệu Hương gọi một đĩa bánh cuốn và một cốc
sinh tố bơ cho bữa sáng. Cô ta nhìn Tuất, miệng cười, đôi mắt cũng cười, tất cả
cử chỉ đều toát lên vẻ thân thiết như là đã có từ lâu với Tuất.
Xuân Trường dụi điếu thuốc vào gạt tàn, nói :
- Bọn anh cà phê rồi, Diệu Hương vừa ăn vừa nói chuyện nhé,
tranh thủ, anh còn phải về họp.
Tuất nghĩ anh này chắc phải sếp to, lần nào gặp cũng thấy
phải về họp.
- Chuyện là thế này-Xuân Trường chậm rãi nói-Báo cáo tóm tắt
về dự án Thiên nga xanh đang được xem xét, có vẻ thuận đấy. Anh báo tin mừng
này cho Diệu Hương. Đây là dự án mà Diệu Hương đã tâm huyết theo đuổi từ lâu Tuất
ạ, khó khăn mãi bây giờ mới đặt được nó lên bàn. Nếu được thông qua thì đây sẽ
là một công trình vào loại khủng và rất có ý nghĩa, góp phần cải tạo môi trường
dân sinh và xã hội ở đây, góp phần làm đẹp cửa ngõ phía Tây thành phố.
Xuân Trường dừng lại, với tay tìm mẩu thuốc hút dở nhưng
thuốc đã tắt, anh ta quay qua tợp một ngụm cà phê rồi hào hứng nói tiếp.
- Hơn hai héc-ta ở đấy bây giờ là đất vàng đấy, mọi người
thử nghĩ xem làm gì còn đâu hơn nữa !
Nghe đến câu “đất vàng” Tuất đã thấy nóng ran cả người, nó
lấy bàn tay vuốt mái tóc vẫn còn nguyên nếp, đấy là động tác quen làm mỗi khi
nó cần tập trung, tuy nhiên lúc này trong đầu nó như có ai đánh nhịp vang lên
hai tiếng Kim Thổ.
- Tất nhiên mới chỉ là thông qua về nguyên tắc, để biến những
sào đất lởm khởm ấy thành vàng thì Diệu Hương còn chán việc phải làm, trước hết
phải cụ thể hóa dự án và tiến hành huy động vốn.
Diệu Hương tranh lời :
- Phép chưa có, tiền thì không, anh bảo lấy gì ra mà cụ thể
hóa dự án của anh đây !
Xuân Trường lườm nhanh Diệu Hương rồi chuyển mắt qua nháy
nháy nhìn Tuất :
- Phải vẽ nó ra chứ. Anh gợi ý cho hai đứa về làm nhanh cái
dự án để có cơ sở mà xin cấp phép xây dựng và huy động vốn. Thế này Tuất nhé,
chú cứ tưởng tượng với một diện tích hơn hai héc ta thì mình có thể làm những
gì, thí dụ, chú về chú cứ cho lập mô hình 4 hay 5 cái nhà chung cư, cái thấp
cũng phải 27, 28 tầng, cái cao hơn 30 gần 40 tầng, cứ gọi là chung cư cao cấp.
Thế chưa đủ, còn phải có một khối nhà dịch vụ và thương mại 7, 8 tầng gì đó, một
khu biệt thự liền kề với khoảng trăm lô đất, đấy là chưa kể chú còn cần phải
có diện tích trồng cây xanh và làm đường
đi…Đại khái thế, dự án bây giờ ai người ta cũng làm thế cả mà, chú về chú cứ
cho làm đi, anh sẽ hỗ trợ, ủng hộ các em đến thành công, tất nhiên là phải kín
đáo chứ cái bọn báo chí bây giờ chúng nó bới móc phanh phui kinh lắm, chớ có để
sơ hở rồi lĩnh đủ.
Diệu Hương lấy đũa gẩy gẩy miếng ớt đỏ ra ngoài bát mắm,
xuýt xoa kêu cay nhưng mà ngon, thong thả làm gọn một miếng bánh cuốn rồi mới
nói :
- Thông qua được dự án là có công lớn của anh Trường, anh
thật hết sảy. Bây giờ bắt tay vào thực hiện dự án này tất nhiên Hương phải lấy mỡ nó rán nó, nhưng mà có làm thế thì mình vẫn phải có ít vốn,
cần nhiều là khác. Không biết Tuất có sẵn sàng tham gia không ?
Tuất choáng luôn. Nó ngất ngư như vừa uống một ngụm quốc lủi
khi bụng đói. Dự án Thiên nga xanh nó đã nghe từ lâu, là doanh nhân địa ốc anh
đếch nào chả máu cái chỗ đất này. Các công ty đua nhau đệ trình nhưng chẳng
“xi-nhê” gì. Bọn thằng Khe cái Thúy, theo ý Tuất, đã nhiều lần đại diện cho
công ty địa ốc và chứng khoán Kim Thổ ôm tiền mon men đến nhưng bị bật ra ngay,
chúng nó chưa phải loại doanh nghiệp đã được để mắt tới. Thế mà lần này vận may
lại đến, bất ngờ nhưng suôn sẻ như mọi vận may đã đến với Tuất. Đúng là chỉ có
Cô cho thì được. Nó ngồi nghe Xuân Trường và Diệu Hương nói, run rẩy sướng, chỉ
lắp bắp được mấy câu :
- Em có vốn mà.
Xuân Trường nhấc cái môi thâm của mình lên để nhếch ra một
nụ cười :
- Chắc đấy nhé, anh nào góp vốn lớn nhất thì nắm luôn Giám
đốc dự án.
Tuất không biết rằng trước khi gọi nó ra cà phê, cả Xuân
Trường và Diệu Hương, bằng nhiều cách, đã kiểm tra và kết luận khả năng vốn của
Tuất là có thật. Tiền nó có trong tài khoản, rất nhiều mà chưa biết đầu tư vào
cái gì. Nhà đất nó cũng có, đủ để đem giấy tờ đi cầm cố vay thêm. Diệu Hương
nói sổ đỏ tức là tiền ngân hàng, chỉ cần có một ít sổ đỏ là có tiền, điều đó
làm cho Tuất càng thấy tự tin. Về mặt nhân sự ở công ty Kim Thổ, tuy thằng Khe
với cô Thúy chẳng học hành gì mà cái gì cũng biết, mà giới địa ốc và chứng
khoán phải kinh sợ. Người được đào tạo đến nơi đến chốn là Trà My, một kế toán
giỏi thật sự, người biết lo trước tính sau. Vậy nên công ty của Tuất cứ như một
cỗ xe, tướng sĩ pháo mã đủ cả, xe chạy êm đềm nhịp nhàng nhờ các vận may liên
tiếp đến. Nay Diệu Hương lại như một nàng công chúa thơm tho ngồi vào, khác nào
như được lắp thêm một động cơ nhiều mã lực, cỗ xe tha hồ nhún nhảy băng qua các
loại ghềnh thác. Thật chẳng còn gì bằng !
Sau lần gặp gỡ ở tiệm cà phê, Diệu Hương và Tuất xoắn lấy
nhau, quấn quýt như hình với bóng. Tuất nghĩ công việc làm ăn nó phải thế. Mà
Tuất cũng thích thế. Ra vào những khách sạn sang trọng, lui tới các tiệm ăn lớn,
lên xe xuống xe cùng với một quý cô đài các con ông lớn trước ánh mắt thèm muốn
và thán phục của các đồng nghiệp kinh doanh khác làm cho Tuất kiêu hãnh, quên tịt
mất cái gốc gác Thung Củ của mình. Một buổi chiều, khi họ từ mảnh đất dự án trở
về tới phố Hàng Bông, Diệu Hương bảo Tuất xuống xe đi bộ dạo chơi một chốc. Một
tay nắm chặt cái quai túi Éc-mét màu sữa, tay kia trong tay Tuất, Diệu Hương
vui tươi bước trên hè phố, tung tăng chẳng khác nào một đứa trẻ đáng yêu. Cô ta
ríu rít nói với Tuất :
- Hương rất thích đi bộ ở mấy cái phố cổ này, đặc biệt
thích là phố Chân Cầm, Tuất thích không ?
Tuất chưa đến phố Chân Cầm lần nào, điều đó cũng dễ hiểu bởi
vì nó chưa ở Hà Nội đủ lâu để có thể đi khắp các phố phường. Nó nhanh trí hỏi lại
:
- Tại sao Hương lại đặc biệt thích phố Chân Cầm ?
- Lạ thế, Hương cũng không biết nữa, nhưng mà mỗi lần đi
trên con phố này Hương luôn cảm thấy mọi cái thật gần gũi, như là nó thuộc về
mình, hai bên mặt phố ở đây nhìn sang nhau thân thiện, mấy cây bàng khẳng khiu
cũ kỹ cứ như những người làm chứng già nua ấy. Từ đây ra hồ Gươm chỉ mấy bước
chân, thích thế. Tuất biết không, hồi còn học ở Đức, mỗi khi nhớ về Hà Nội là
Hương nhớ ngay đến phố Chân Cầm, có khi còn như nghe được cả tiếng ngân nga của
chuông nhà thờ Lớn. Ôi, còn mấy hàng quà ở đây mới tuyệt chứ, đã bao giờ Tuất
ăn quà ở đây chưa, có bún ngan, bún riêu, bún đậu, lại có mấy hàng chè thập cẩm
trên vỉa hè nữa cơ đấy.
- Vậy thì bây giờ mình qua đó ăn quà nhé, Diệu Hương thích
ăn gì bây giờ nào ?
- Giờ này thì chỉ ăn chè thôi, trời lạnh thế này ăn cốc chè
nóng thật hết sảy.
Họ rẽ sang phố Lý Quốc Sư, sà vào hàng chè ngay góc phố
Chân Cầm, gọi hai cốc thập cẩm. Một lũ học sinh mặc đồng phục mùa đông cũng đã
ngồi ở đây, vui nhộn quấy thìa lanh canh trêu chọc nhau trong khi hai anh chị
Tây ba lô đứng nhìn nửa ham muốn nửa do dự.
Ăn chè xong lúc đứng lên Diệu Hương thỏ thẻ với Tuất :
- Tuất chưa bao giờ dẫn Hương về nhà Tuất đâu nhé. Sợ người
yêu ghen à ?
- Người yêu có đây đâu mà sợ. Về ngay bây giờ nhé ?
- Chứ còn đợi đến bao giờ !
Tuất không phải là người thật nhạy cảm, tuy vậy, giọng nói
và ánh mắt Diệu Hương cũng đủ để cho nó hiểu đã đến lúc nó cần chứng tỏ tư cách
người đàn ông. Tuất đã mua cho mình một
căn hộ 160m2 trên tầng 9 ở một chung cư sang trọng, cao cấp hơn cả chung cư cao
cấp Nơi Sum Họp. Căn hộ này có ban công nhìn ra hướng Tây và hướng Đông Nam, thằng
Khe khi dẫn Tuất đi xem nhà đã nổi lên như một ông thầy phong thủy chính cống,
nó nói rằng các cửa nhìn ra hướng Tây và hướng Đông Nam rất hợp với tuổi của Tuất,
hợp cả với việc làm ăn của công ty Kim Thổ. Mỗi lúc trở về căn hộ của mình, Tuất
không thể quên được cảm giác lâng lâng khi lần đầu cầm chiếc chìa tra vào ổ
khóa, tiếng khóa bật đánh tách gọn gàng, rồi Tuất đặt tay lên cái nắm đấm cửa
sáng loáng, nhìn vào thấy khuôn mặt mình biến dạng tròn xoe đến tức cười. Bước
qua cánh cửa căn hộ, Tuất chếnh choáng ngơ ngẩn ngắm nhìn nội thất trong nhà
cho đến lúc ấy còn mới lạ đối với chính nó. Đêm đầu ở nhà mới Tuất sung sướng tới
thao thức không ngủ được, nó mở một chai rượu Ba-lăng-tin cầm một ly ra đứng ở
cửa sổ vừa nhâm nhi vừa nhìn về phía Tây là hướng Thung Củ. Trái với bầu trời
đêm Hà Nội luôn sáng hồng ánh điện hắt lên, ở phía ấy đêm như một tấm thảm đen
dày chỉ để lọt ra vài ngôi sao lấp lánh yếu ớt.
Tuất dẫn Diệu Hương về căn hộ ấy, đã có thể coi như đủ tiêu
chuẩn tử tế để đón cô nàng. Tuy nhiên, khi vừa mở cửa bước vào, Tuất vẫn thấy
Hương nhíu mày không hài lòng. Hương đảo mắt nhìn quanh một lượt rồi nói :
- Khiếp, Tuất ăn ở lôi thôi quá. Có mùi gì chua chua !
Tuất biết đó là mùi vỏ chuối và vỏ dưa hấu còn để chất đống
trong góc bếp nó chưa kịp vứt. Nó định chạy đến vơ đi nhưng Hương đã kéo tay nó
lại.
- Không cần đâu, kệ nó. Phòng tắm có nước nóng không ?
- Có chứ, 24/24.
- Dẫn Hương vào tắm cái đã.
Hương nhanh chóng cởi bỏ đồ rồi xả nước ấm khắp người. Cô
ta lúng túng tìm sữa tắm nhưng không thấy, tuy vậy cô lại mỉm cười, rất hài
lòng khi nhận xét rằng căn hộ này chưa có dấu vết của phụ nữ. Hương kéo cái
khăn bông trắng đưa lên mũi ngửi, mùi thơm xà phòng đàn ông tỏa ra làm cô ta rạo
rực. Hương gọi với ra :
- Tuất ơi, hộ tí.
Tuất đờ đẫn chạy vào.
Hương dúi cái khăn tắm vào tay Tuất.
- Lau cho người ta đi !
Đó là một tình thế không thể cưỡng lại, thế nên, Tuất đã
làm cái điều mà một trăm người đàn ông thì chín mươi chín người không thể từ chối.
Ngay trong phòng tắm. Khi xong, Hương bá cổ Tuất, hỏi :
- Lần đầu à ?
Nó gật đầu.
- Thật không ?
- Thật trăm phần trăm.
- Phịa ! Người yêu ở quê để thờ à?
- Chưa dám. Thế còn Hương, cũng lần đầu à ?
Hương phá lên cưởi, phả cả hơi thở vào mặt Tuất.
- Ừ, lần đầu với Tuất.
Tuất ra tủ lạnh lấy hoa quả và nước uống đem ra để lên mặt
bàn xa-lông, miếng dưa hấu đỏ tươi nổi bật trên mặt bàn đá màu trắng trông như
trong một bức tranh vẽ tĩnh vật. Hương sấy
tóc xong đi ra ngồi cạnh Tuất, lấy gương
và thỏi son C.D tô lên môi màu hồng hoa sen. Tuất hỏi :
- Hồi ở Đức Hương học về gì ?
- Anh-phoóc-ma-tíc, công nghệ mới, bằng tiến sĩ rồi. Thế
còn Tuất ?
Tuất đần người trước câu hỏi bất ngờ mà cho đến bây giờ
chưa có ai hỏi nó. Không muốn nói thật nhưng cũng không có đường nói dối, nó
quanh co trộn lẫn giữa thật và giả :
- Tuất chưa có bằng gì, nhưng mình nghĩ ở Việt Nam người ta
coi trọng cái bằng quá. Thực ra thì vẫn có nhiều con đường dẫn đến thành đạt mà
không nhất thiết phải có bằng cấp, giống như trường hợp của Tuất đây, nếu cứ
theo đuổi học hành đến cùng thì làm gì có ngày hôm nay ngồi trong phòng này với
Diệu Hương. Cuộc sống là trăm màu trăm vẻ và thật là tuyệt, có đúng không ?
Diệu Hương quay ra phản đối ngay lập tức :
- Không được, không được, ở mình nhất thiết phải có bằng.
- Có nhất thiết không, như mình không bằng cấp gì mà vẫn
vươn lên, khác nào như thép chưa tôi đã rắn !
Tuất rất khoái cách ví von của mình nghĩ ra khi học “Thép
đã tôi thế đấy”, tuy nhiên nó cụt hứng ngay khi Diệu Hương kiên quyết một cách
nghiêm chỉnh :
- Không được, sắp làm chủ dự án rồi, không có tiến sĩ kỹ sư
ai người ta giao cho. Kỹ sư không làm được thì phải có cái tiến sĩ.
Tuất thở dài, nhỏ thôi nhưng cũng đủ cho Diệu Hương nghe thấy.
- Bây giờ bận thế lấy đâu ra thời gian học tiếp mà làm bằng.
Thật bất ngờ khi Diệu Hương nói nhẹ như không :
- Lo gì, chuyện nhỏ ấy mà, để Hương thu xếp. Tuất thích bằng
gì ?
Tuất chưa kịp phản ứng
thì may thay Hương đã nhẹ nhàng nói tiếp :
- Kinh doanh quản trị nhé, tiến sĩ về quản trị là phù hợp đấy.
Còn
gì khoái hơn khi nghe câu nói mà ngay lúc ấy Tuất không phân định được là thật
hay đùa, nó là điều kỳ diệu quá mức tưởng tượng nếu là thật, còn là đùa thì quá
chớn và chẳng khớp gì với khung cảnh của câu chuyện. Tuất vớt vát hỏi :
- Phải học trong thời gian bao lâu ?
- Học hành gì, người ta bảo làm thế nào thì cứ thế mà làm,
nhanh thôi. Đừng lo lắng nữa kẻo mà thép chưa tôi lại mềm nhũn ra thì hỏng bét.
Thôi, Hương đi đây không muộn rồi.
Cái việc trong buồng tắm khi nãy Tuất làm khá chóng vánh
nên Hương vẫn còn thấy thòm thèm, kiểu
như người mới ăn nửa bữa. Vậy nên đến tối cô ta lại ghé qua nhà Xuân Trường. Đã
tám giờ tối mà anh này chưa về, Diệu Hương lấy chìa khóa Xuân Trường dành cho
cô mở cửa, thay đồ, tìm trong tủ lạnh thức ăn rồi lên giường nhâm nhi chờ đợi.
Mãi gần chín giờ Xuân Trường mới về, mặt đỏ au. Diệu Hương không lạ, tối nào
anh ta chẳng đi nhậu như thế. Tuy vậy cô cũng nói một câu, nói để mà nói chứ
không có ý nẹt cũng không có ý ghen :
- Lại đi với con nào phải không ?
Xuân Trường vứt cái cặp đen to cộm lên đi-văng, cởi bỏ quần
áo ngoài, cười hỏi :
- Hôm nay đi với Tuất, đã xảy ra chiến tranh hay đụng độ gì
chưa ?
- Rồi, chiến tranh.
- Thế nào, có khá không ?
- Trai tân, so làm sao được với anh.
- Lắm chuyện, vào tắm với anh đi.
Diệu Hương nhảy từ trên giường xuống, lao gọn vào vòng tay
Xuân Trường. Họ cuốn lấy nhau một lúc rồi ra xa-lông ngồi, Xuân Trường đem đến
cho Diệu Hương một cốc nước nho mát lạnh, còn anh ta cầm trên tay cho mình một
ly rượu mạnh. Nhâm nhi chén rượu thơm và nóng rực ở cổ họng, anh ta nói với
Hương :
- Hôm qua thằng Tuất đến đây đưa anh một bọc, dự án vừa mới
trình lên mà sao đã có tiền về nhanh thế.
- Em biết, cả công ty nó đứa nào cũng đăng ký vài chục căn,
hôm trước giá 25 triệu một mét vuông hôm sau đã 50 triệu. Cả bọn nhà quê ở cái
thôn Thung Củ của nó cũng đua nhau ra, nghe nói có đứa còn bán cả bò góp tiền lấy
một căn. Khiếp quá, tin vào thằng Tuất cùng quê mà.
- Lúc thằng Tuất đưa tiền anh trả lại cho nó 500 triệu, nó
bảo không cần, nó có phần của nó rồi, chắc đợt này nó vớ bẫm.
Diệu Hương bật cười lên khanh khách, tiếng cười thỏa mãn
như thú nhận phần của cô ta cũng chẳng kém gì.
- Còn phải nói. Nhưng liệu dự án liệu có được thông qua
không anh ?
- Biết sao được, cứ đợi xem, nhưng mà đừng cho thằng Tuất
biết . Anh dặn thêm nhé…
Diệu
Hương tròn mắt nhìn Xuân Trường :
- Cái gì mà quan trọng thế !
- Nếu em có tham gia thì chỉ lướt thôi chứ đừng giữ, với lại
vốn đứa nào đứa ấy quản, riêng ra, chớ có chung đụng gì, tốt nhất đừng cho nó
biết mình có bao nhiêu.
Cô ta lại bật cười khanh khách :
- Thế có mà dở hơi. Đợt này được một ít, em định đổi xe
đây. Đi mãi con Căm-ry chán rồi, em định lấy con Ao-đi.
Xuân Trường tợp cạn ly rượu rồi đứng lên mở ngăn kéo lôi ra
một cái bọc gói giấy màu đen to tướng đưa cho Diệu Hương :
- Em cầm lấy mà đổi ô tô.
Chương 11.
Tuất đã nói dối Diệu Hương.
Nó đã làm chuyện ấy với Ly. Không phải một lần mà là vài lần
kể từ sau khi chúng nó hôn nhau dưới gốc bòng. Cây bòng trắng hoa vào những mùa
xuân, có khi hoa rụng xuống gài vào mái tóc xanh mướt của Ly, vương vào đấy mùi
thơm chưng cất từ thôn quê ngày xuân. Khi đã có tiền, nhiều tiền, mấy lần Tuất
rủ Ly đi nhà nghỉ nhưng Ly từ chối. Tuất nói từ thị xã Sơn Tây lên Đá Chông có
nhiều nhà nghỉ đẹp và thơ mộng. Ly bảo Tuất đi mà rủ người khác vào nhà nghỉ. Mỗi
lần tranh cãi nhau như thế chúng nó lại làm tình dưới gốc bòng.
Tuất không thể kể những chuyện như thế cho Diệu Hương khi
cô này hỏi nó lần đầu à. Nó giấu Hương bởi vì, tận sâu trong tim nó, chuyện ấy
giữa nó với Ly còn có điều gì hơn cả ham muốn. Nói thiêng liêng thì hơi quá,
nhưng với những mối tình chân thành và nghiêm túc thì chuyện ấy bao giờ cũng ngả
về phía thiêng liêng. Cái Ly đã trao mình cho Tuất một cách hết sức tự nhiên, đầy
đam mê, nhưng đấy là cái đam mê tự nhiên của người vợ. Thằng Tuất cảm nhận được
tình cảm ấy của Ly, thành thử, nó đã rất bị động và lúng túng với Diệu Hương.
Nó ân hận suốt cả buổi tối, tự dằn vặt vì sao đã không kiên quyết từ chối mà lại
sấn sổ lao vào làm cái việc xấu xa phản bội Ly. Tuất mang chai Ba-lăng-tin ra uống,
mấy ly rượu ngoại đã giúp nó lấy lại niềm tin rằng cái việc nó làm với Hương chỉ
là việc không thể thoái thác trong làm ăn chứ chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, sau buổi chiều ở căn hộ của Tuất,
Tuất và Diệu Hương còn qua lại nhiều lần nữa, đều là Diệu Hương chủ động, số lần
gặp nhau tăng lên thì những mặc cảm ở Tuất cũng bớt dần.
Mưa đầu xuân và những ngọn gió bấc lạnh buốt làm cho nhịp
điệu nhộn nhịp hối hả của Hà Nội như chùng xuống, đường phố mưa rơi tí tách,
lép nhép bẩn, những ai không có công việc
gấp rất ngại bước ra đường. Tuất dậy muộn sau một đêm đi nhậu tới bến, trong số
những bạn rượu luôn có Xuân Trường và Diệu Hương. Đĩa sườn cừu nướng “mê-điềm”
cùng với rượu vang chính hiệu Pháp làm cho Tuất đến lúc ngủ dậy vẫn còn thấy nặng
bụng. Tuất quấn chiếc khăn bông xanh mỏng quanh người, ra mở rộng cánh cửa sổ
hướng Tây đứng hít lấy cái không khí ẩm ướt và mát lạnh bên ngoài. Nó chợt thấy
nhớ Thung Củ, nhớ Ly, nhớ cây bòng giờ này chắc đã kết rất nhiều hoa trắng và
mùi thơm quyến rũ đến khó tả trên mái tóc Ly. Tuất quay vào xem đồng hồ, đã hơn
tám giờ sáng. Nó bấm xem lịch trong chiếc máy điện thoại thấy không có hẹn hò
nào, ok, hôm nay ngày nghỉ, Tuất muốn tranh thủ về thăm người yêu, chắc Ly phải
mong lắm vì đã mấy tuần chúng nó không gặp nhau. Tuất bấm máy gọi cho Ly :
- A lô, Ly à, đang làm gì đấy ?
Tiếng Ly trong máy :
- Ông giời đi vắng hay sao mà mày gọi về thế, bận lắm cơ mà
!
- Ngày nghỉ mà, tao phóng về nhá.
- Về đi, hôm nay thằng Tuyến ăn hỏi đấy, mời cả chi đoàn,
vui lắm.
- Tuyến nào ?
- Rõ đại gia có khác, bạn bè nghèo quên nhanh thế, nó chẳng
học trên chúng mình một lớp là gì !
- Tao nhớ rồi, đã lấy vợ à, nhanh thế ?
- Mày tưởng mày còn trẻ lắm sao !
- Thôi, tao phóng đây, nhưng chỉ về với mày thôi, không
lang bang với tụi kia đâu. Về mình bàn chuyện này.
- Chuyện gì ?
- Lại còn hỏi, cũng như thằng Tuyến chứ còn sao !
Tuất vào phòng tắm đánh răng rửa mặt qua loa, xịt thêm chút
nước hoa, vuốt mớ tóc hất lên, rất bằng lòng đứng ngắm người thanh niên đẹp
trai trong gương. Đang mặc quần áo ấm chuẩn bị đi thì điện thoại vang lên. Tuất
nhấc xem, thấy Xuân Trường gọi. Không biết có chuyện gì mà ông lớn gọi vào lúc
này khiến Tuất ngập ngừng, nửa muốn nghe nửa muốn mặc kệ, nhưng Tuất không dám
mặc kệ.
- Hôm nay chủ nhật, chú không rủ cái Hương đi đâu à ?
- Em đang định về quê.
- Ra cà phê đi, anh có chuyện muốn bàn với chú.
- Có vội lắm không, em về quê đến chiều tối quay lại.
- Có việc đấy, ra ngay đi.
Tuất ngồi đợi, nhâm nhi hết một tuần cà phê mới thấy Xuân
Trường khệnh khạng “ra ngay”. Anh ta có cái khệnh khạng tự nhiên, theo nghĩa
đen bởi vì có cái chân thọt và lưng gù, nhưng khó chịu hơn vẫn là cái khệnh khạng
nghề nghiệp, tức là cái khệnh khạng quan chức, hai cái đó làm cho dáng đi của
Xuân Trường trở nên rất đặc biệt khiến cho mấy vị cà phê sáng đều phải ngước
nhìn khi anh ta bước vào, cái nhìn nửa ái ngại, nửa nghi ngại. Tuất nhanh nhẹn
đứng lên kéo ghế cho Xuân Trường.
- Chú đợi anh lâu chưa ?
- Em uống hết cốc cà phê rồi.
- Anh phải đợi lái xe, sáng chủ nhật cũng muốn để nó ngủ muộn
tí.
- Không sao, em rỗi mà.
- Thỉnh thoảng chú có đảo qua dự án không ?
- Em vẫn ra luôn, công việc tốt anh ạ. Anh uống gì để em gọi
?
- Chú cho anh đen đá. Này, anh nghe nói có đơn kiện về cái
vụ đền bù đấy, cả chuyện làm tắc đường ống thoát nước, gây ô nhiễm gì đó ?
- Ngại gì anh, dự án nào mà chẳng có mấy cái vụ đấy.
- Công việc đang tiến triển tốt nhưng chú không được chủ
quan, phải kiểm tra xem nó mắc ở khâu nào, thêm bớt nó vừa vừa thôi, đừng để phải
trình lên điều chỉnh mệt lắm.
- Vâng, anh yên tâm.
Cà phê ra, Tuất đỡ lấy, dùng thìa ngoáy đá kêu lách cách
trước khi đưa sang cho Xuân Trường. Anh này cầm lấy cốc cà phê rồi nói :
- Này, có chuyện này anh hỏi chú, hình như mày với cái
Hương dính rồi phải không ?
Tuất bỗng đỏ mặt, không hiểu tại sao cuộc trao đổi lại tự
nhiên nhảy từ chuyện dự án sang chuyện đàn bà. Nó lúng búng hỏi lại :
- Dính thế nào anh ?
Xuân Trường vẫn điềm tĩnh :
- Có vẻ như cái Hương có thai. Nó không nói gì với chú à ?
Mặt Tuất đỏ dừ, thái độ lúng túng chuyển hẳn sang thành
hoang mang, im như hến mấy phút rồi mới ú ớ :
- Không thấy cô ấy nói gì. Nó nói với anh à ?
- Nó nói với anh là nó có thai với Tuất, hỏi anh rất nhiều
về Tuất, hỏi ý kiến anh thế nào nếu như nó đi đến hôn nhân với chú.
Tuất há hốc mồm.
- Thật á anh ?
- Thật đấy. Anh nói là anh rất mến chú. Chú là một thanh
niên khỏe khoắn, mạnh mẽ, có năng lực, đầy triển vọng. Hai đứa đang cùng đầu tư
vào những dự án lớn, rất ý hợp tâm đầu nên việc làm ăn anh thấy thuận lợi, có
phải không ?
- Ờ…
- Bởi vậy anh mới bảo cái Hương là nếu hai đứa có duyên mà
đi đến vợ chồng thì rồi phải biết, chúng mày cùng tuổi nhỉ ? Các cụ xưa bảo
cùng tuổi nằm duỗi mà ăn ! Anh chưa biết ý chú thế nào ? Mà này, cái việc có
thai ấy mà, phải cẩn thận đấy, bố cái Hương
kinh lắm, ông ấy mà biết là lên bờ xuống ruộng đấy, không khéo hỏng cả.
- Em chẳng thấy Hương nói gì với em !
- Chắc nó còn ngại nên hỏi anh trước. Chú thấy thế nào ?
- Em cũng chả biết thế nào.
- Hai đứa nên gặp nhau sớm mà trao đổi, đừng để chuyện
riêng tư ấy ảnh hưởng đến công việc đấy.
Xuân Trường hài lòng nhận ra ánh mắt hoảng hốt của Tuất. Anh ta đòi trả tiền cà phê. Tuất chẳng còn
tâm hồn đâu mà tranh giành chuyện vặt ấy. Nó vội vã phóng đi tìm Diệu Hương, thế
là cái dự định về quê thăm Ly bỗng chốc tiêu tan.
Diệu Hương vẫn trong bộ đồ ngủ, nằm trên giường xem vô tuyến.
Tuất nhận ra đấy là một phim nhiều tập của Hàn Quốc. Cô ta chẳng buồn rời mắt
khỏi màn hình, hỏi :
- Tuất đến đấy à, vào đây với Hương.
Tuất đến ngồi cạnh, giường đệm đầy mùi thơm của Diệu Hương.
Cho tới lúc này Tuất đã được biết mùi thơm từ ba người con gái. Đầu tiên là mùi
thơm tỏa ra từ trong phòng cô Thúy, bây giờ là Giám đốc tiếp thị của công ty
Kim Thổ. Về sau này Tuất nghĩ đó là mùi thơm rất nồng của nước hoa Liên Xô. Mùi
thơm của Diệu Hương là mùi thơm tỏa ra từ phấn son, dầu gội, dầu tắm, nước hoa,
toàn là đồ hiệu. Tuất nghĩ cái Ly không làm gì có những thứ đó, nó đã mấy lần
tìm đồ hiệu mua cho Ly nhưng kịp nhớ ngay ra rằng cái Ly ở nhà đang phải vắt sữa
bò. Mùi thơm của cái Ly, Tuất nghĩ, là mùi tỏa ra từ da thịt, từ tóc, từ hơi thở
tinh khiết, nó là mùi hoa bưởi, hoa cau, lá hương nhu lại phảng phất mùi rạ rơm
chuồng bò, tóm lại, Tuất đánh gọn cho một câu, đó là cái mùi Thung Củ. Cái mùi ấy
tạo ra những luồng điện co giật Tuất mà nó không thấy có ở Diệu Hương.
Diệu Hương hạ bớt tiếng thuyết minh phim, quay lại hỏi Tuất
:
- Làm sao mà ngây ra thế, muốn à ?
- Tuất có chuyện này muốn hỏi Hương.
- Nghiêm trọng nhỉ, chuyện gì ?
- Có thai à ?
- Ờ, thì sao ?
Tuất đã tưởng Diệu Hương sẽ có cùng một tâm trạng lo âu như
nó nhưng cô nàng lại tỉnh queo khi thản nhiên hỏi lại Tuất như thế.
- Giờ làm thế nào ?
- Chả làm thế nào. Tuất không thích à ?
- Thích, thích …, nhưng không phải lúc.
Diệu Hương bật cười khanh khách, kéo Tuất vào lòng mình mà
xoa đầu nó.
- Đến bao giờ mới là phải lúc, ông giám đốc dự án ơi. Mình
cưới nhau là xong chứ có gì mà trông ông đần mặt ra thế ! Yên tâm đi, rồi đây
dù có bất cứ chuyện gì xảy ra thì Hương cũng luôn ở bên cạnh, cùng Tuất vượt
qua khó khăn hoạn nạn cơ mà.
Tuất nằm im cho cô ta vuốt tóc mình, nghĩ một lúc mới nhớ
ra cái phao cuối cùng có thể làm cho nó thoát ra khỏi tình thế oái oăm này.
- Bố em ấy, ông cụ mà biết chuyện này thì chết cả lũ.
- Đợi Hương ăn sáng xong chúng mình đến thăm ông ấy. Hôm
nay chủ nhật ông ấy mới có nhà. Mà Tuất cũng phải ra mắt bố người yêu chứ, chẳng
thấy ai như Tuất cả, làm ăn như thế, người ta đỡ đần cho như thế mà cứ mất mặt.
- Mọi cái có anh Trường lo, Tuất vẫn còn sợ gặp cụ lắm.
- Ông ấy có là cọp đâu mà phải sợ. Hơn nữa, Hương nói cho
mà biết, ông ấy đang giục con gái lấy chồng đấy !
Thế là không còn đất lùi. Liền sau đó hai đứa đi đến nhà bố
của Hương. Mới bước vào cổng Tuất đã rút khăn lau mồ hôi, tim đập loạn nhịp, nếu
không có Hương bên cạch chắc nó đã bỏ chạy. Một người mặc bộ đồ ngủ bằng lanh
màu cà phê sữa đang ngồi lom khom trước một cái máy láp-tốp có quả táo bị cắn một
miếng. Không ngẩng lên mà vẫn hỏi :
- Hương về à, đi với ai ?
- Bố ạ, đây là anh Tuất, bạn trai của con. Anh ấy là giám đốc
dự án Thiên nga xanh đấy.
Vẫn lúi cúi nhìn vào màn hình máy tính.
- Bạn trai à, ngồi đi !
Tuất ghé đít ngồi vào xa lông da êm như ru kê trước mặt.
- Cậu tên gì ?
- Cháu là Tuất ạ.
- Bao nhiêu tuổi ?
- 25 tuổi ạ.
- Bằng tuổi con Hương. Quê đâu ?
- Thung Củ, Hà Tây.
- Hà Tây sắp về Hà Nội rồi. Bố mẹ làm gì ?
- Bố mẹ cháu về hưu rồi ạ.
- Trước làm gì ?
- Bố cháu bộ đội mất sức, mẹ cháu làm vườn.
- Tốt. Cậu tên gì ?
Hình như nhớ ra đã hỏi tên một lần nên chữa lại :
- Cả tên cả họ ấy ?
- Trần Đức Tuất ạ.
Lúc này nghe đọc cả họ mới ngẩng lên, hình như liên tưởng tới
điều gì, rõ ràng rướn mắt nhìn nhưng hai
mắt chỉ là hai gạch ngang ti hí. Tuất chớp lấy cơ hội này mà lấy hết can đảm
nhìn nhanh vào mặt. Nó nghĩ ngay tới một cái thủ lợn dày mỡ béo ú ngồn ngộn đặt
trên mâm trong các đám rước ở quê. Tuất ân hận vì đã có liên tưởng hỗn hào ấy,
cho dù nó chỉ xẹt qua, tuy nhiên, trí tưởng tượng nông cạn của một chàng trai
Thung Củ chỉ có thể cộc lốc và thẳng thừng như thế, làm sao nó có thể có được
những mỹ từ ẩn dụ ví von khi mà cái bộ mặt ấy thực sự là biểu tượng thắng lợi của
xôi thịt, sự phè phỡn được thỏa mãn mà bày biện ra, một câu thách đố ngang ngược
đối với đói nghèo. Bởi vậy, khi mà được chiêm ngưỡng nó thì ai mà chẳng liên tưởng
như Tuất. Thiên hạ ối người liên tưởng kiểu ấy nhưng không nói ra, ai mà biết
được.
Tuất đang không biết mình sẽ còn bị chất vấn thế nào nữa
thì may quá Hương từ trong phòng bên cạnh đi ra, tươi cười :
- Đến giờ này dự án tiến triển thuận lợi bố ạ.
- Có gì cứ nói với thằng Trường, không phải nói đến bố.
- Vâng. Công việc dự án bận lắm, con và anh Tuất ghé thăm bố
tí thôi. Anh Tuất có quà biếu bố mẹ, con đã cất trên đầu giường bố ấy. Còn chuyện
của con với anh Tuất chúng con thưa với bố mẹ sau nhé, bây giờ vội, chúng con
đi đây.
- Tốt, mau mà nói với mẹ chuyện của hai đứa đi.
Khi đã ra khỏi cổng, Tuất kéo Hương, hỏi nhỏ :
- Sao Tuất không thấy Hương mang theo cái gì mà dám nói Tuất
có quà ?
- Tiền chứ là cái gì. Bận sau thì đừng có mà đi tay không
nhé.
- Thế còn nói với cụ về chuyện của chúng mình thì là chuyện
gì ?
- Ngốc ạ, chuyện có thai chứ còn chuyện gì ? Thế Tuất không
muốn lo vụ này à ?
- Bị động quá, không biết lo kiểu gì.
- Khỏi lo đi, chỉ cần gật đầu một cái là xong hết mọi chuyện
ý mà, sướng chưa !
Tuất muốn về nhà mình thật nhanh, nằm một mình ngẫm ngợi về
những gì vừa xảy ra trong cái ngày chủ nhật không biết là may mắn hay xui xẻo
này. Trả Hương về đến cổng chung cư, Tuất vội vã quay đi thì Hương bỗng gọi giật
lại :
- Khoan đã Tuất ơi, tẹo nữa quên cái này.
Hương lấy trong túi xách ra một phong bì thư đưa Tuất và dặn
:
- Tuất vào trường đưa thư này cho bà giáo sư Ánh Thiên, sau
đó họ bảo làm gì thì cứ thế mà làm. Nhớ quà kha khá vào nhé.
Tuất tò mò rút thư ra xem, thấy viết :
“Thân
ái gửi chị Ánh Thiên,
“Tôi giới thiệu với Giáo
sư người cầm thư này muốn làm luận án tiến sĩ, đề tài quản trị kinh doanh. Giáo
sư làm việc cụ thể với đương sự, người này đã có kinh nghiệm thực tế nên có thể
cấp bằng mà không cần kiểm tra.
Chúc Giáo sư mạnh khỏe,
Thân ái”.
Chương 12.
Chiếc xe Hon-đa Tàu màu đen kéo theo chiếc xe bò cải tiến
chất đầy cỏ voi khựng lại vì chết máy ngay đúng dốc hồ Bơn. Cô gái chủ xe lấy
tay áo quệt mồ hôi bết trên mặt, đang lúng túng không biết làm thế nào để nổ
máy thì vừa lúc có tiếng xe máy đi tới, người đi xe thấy xe cỏ voi ven đường liền
đi chậm lại.
- Ly đấy à, làm sao mày lại đứng đây ?
Ly mừng quýnh reo lên khi nhận ra đó là anh Cuộc, người đàn
ông tốt bụng trong thôn được mệnh danh là sát thủ hồ Bơn vì anh này hễ thả cần
là có cá.
- Ôi anh Cuộc, anh đi câu về à ? Chẳng hiểu sao cái xe của
em tự nhiên lăn đùng ra chết máy, em không biết làm thế nào, anh hộ em mấy.
- Để tao xem. Bây giờ phải tháo nó ra khỏi cái xe cỏ này
đã. Khiếp, sao mày kéo nặng thế !
Anh Cuộc lấy chân đạp cái chân chống xe của mình dựng nó
sang một bên, tháo chiếc mũ bảo hiểm màu vàng nhỏ bé như chiếc mũ của trẻ con
treo vào tay lái xe máy rồi quay lại cùng Ly tháo chiếc hon đa chết máy ra khỏi
xe cỏ.
- Nhà Ly đang nuôi mấy con bò ?
- Hai con đang vắt sữa anh ạ.
- Bà xã tao mới có một con mà đã phát sốt, nuôi bò hơn nuôi
người. Này, tao hỏi thật nhé, nhà mày nuôi bò làm gì, thằng Tuất thành đại gia
rồi, tiền để đâu cho hết mà mày phải vất vả khổ sở thế ! Bao giờ thì cưới ?
Câu hỏi này chẳng khác gì một thứ thuốc độc ngấm rất nhanh
vào gan vào phổi làm cho sắc mặt Ly mới vừa hồng hào mà bỗng tái dại ngay đi,
tim đập rộn lên như trống ngũ liên. Đã
có nhiều người ở Thung Củ hỏi Ly cái câu hỏi
đáng ghét ấy, người dân Thung Củ ai chẳng biết Tuất và Ly yêu nhau đã từ
lâu. Yêu nhau đến bỏ cả học. Việc Tuất trở thành đại gia nay đã thành niềm kiêu hãnh của cả Thung Củ, ở cái thôn
toàn phân bò này, nơi mà người nông dân quanh năm suốt tháng chỉ biết bán mặt
cho đất bán lưng cho giời vì sự mưu sinh mà bỗng dưng không biết thế nào lại nảy
nòi ra một đại gia, thì hỏi, ai mà chẳng tự hào. Chuyện về Tuất được đem ra nói
ở mọi chỗ, từ chỗ cỗ bàn, ma chay, cưới xin đến các cuộc rượu tàn đêm của đám
trai làng, từ chỗ làm cỏ, vun lúa của các bà các cô đến ngay cả khi đi gánh
phân vãi ruộng người ta cũng kháo…, cứ như trên đời nay chỉ còn chuyện về thằng
Tuất là đáng kể đáng nói. Tất cả những điều tốt tiếng xấu về thằng Tuất, tất
nhiên bao giờ cũng dính đến cái Ly, đều chạy quanh thôn như một dòng chảy từ
nhà này sang nhà kia, bao giờ cũng được thêm vào đôi ba câu đàm tiếu, cuối cùng
đổ cả vào tai Ly, nó như cái phễu trơ miệng ra mà hứng hết lấy, đến nỗi Ly phát
hoảng sợ khi thiên hạ coi như thằng Tuất
có bao nhiêu tiền thì cái Ly cũng có tưng đấy. Thiên hạ sai toét, yêu nhau đến
có thể bỏ học theo nhau nhưng Ly chưa hề nhận tiền của Tuất bao giờ, điều đó
không có trong những tiêu chuẩn về tình yêu của Ly. Tuy nhiên, Ly không thể đứng ra giữa ngã ba làng, chỗ có cái loa mỗi
sáng phát bản tin của xã, mà hét lên với mọi người rằng sự thật Tuất có đưa tiền
nhưng cô đã kiên quyết không nhận. Nhiều người biết việc ấy, họ nhìn vào cái
cách làm ăn chân chất,vất vả cực nhọc của Ly mà biết cô đã không nhận tiền của
Tuất . Có người bảo như thế là cô dại khờ, đằng nào chẳng thành người trong
nhà, tội gì không nhận mà tiêu cho sướng. Người khác lại bảo cô thế là khôn
ngoan, ứng xử đúng lẽ, có như thế tình yêu mới không bị đồng tiền làm hỏng đi,
mới là tình yêu đích thực. Miệng lưỡi thiên hạ thật không biết đằng nào mà lần
!
Ly im lặng. Ly sợ người ta hỏi Ly cái câu hỏi anh Cuộc vừa
nêu ra. Đã hơn hai tháng Tuất không về,
nay đã quá hè, ve sầu đã thôi ra rả, những ngày oi ả báo hiệu bão tố đang rập
rình ngoài biển. Người trong thôn cũng bắt đầu lời ong tiếng ve rằng bỗng dưng
không thấy thằng Tuất về nhà cái Ly, rằng
ngoài Hà Nội thằng Tuất đã có người yêu mới. Hai tháng bặt tin, Tuất không về Thung Củ,
không gọi điện hay nhắn tin cho Ly, thường thì với những lứa đôi đã quen hơi
bén tiếng, hai tháng im lặng chẳng mấy khi báo hiệu điều gì tốt lành. Ly đã nhiều
lần gọi điện cho Tuất, gọi vào cái số mà Ly đã thuộc lòng, đến nhắm mắt vào
cũng bấm đúng được, vậy mà chỉ có giọng nói rất dịu dàng của cô bưu điện đáp lại
: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng
gọi lại sau”. Tức chết được chứ vui lòng cái gì. Một lần bức xúc quá Ly đã đáp
chiếc điện thoại đi, nó đập vào tường nghe đánh bốp rồi rơi xuống. Ly xót xa
cúi xuống nhặt lại, lấy tay xoa xoa lau đi những vết bụi bẩn. Cô sợ máy bị hỏng,
không nghe được, nhỡ khi Tuất gọi lại. Sau lần ấy Ly rất sợ đi ra đường mà gặp
người quen.
Chiếc xe chết máy làm anh Cuộc nhớ tới câu thơ tụi trẻ con
vẫn đọc : thứ nhất là tại bu-gi, thứ nhì là tại cái gì ở trong. Bởi vậy, lắc
cái bình xăng thấy vẫn còn đầy, kéo cái le lên vẫn thấy ngon, anh Cuộc liền lấy
cờ-lê tháo cái bu-gi ra. Quả nhiên chỗ đánh lửa đen nhẻm khói, muội khói bám đầy.
Anh vừa lau sạch nó, vừa thấy ái ngại cho Ly. Chẳng lẽ câu hỏi của anh đã chạm
đúng vào nỗi đau của nó. Chẳng lẽ những lời xì xào của dân Thung Củ rằng Tuất
đã đá cái Ly để yêu người khác là đúng ! Ối giời, tụi trẻ bây giờ yêu nhau một
chốc một thoáng, thay người yêu như thay áo, chuyện ấy là chuyện thường ngày ở
huyện. Huống chi thằng Tuất bây giờ đã giàu có, quá giàu có, thiếu gì các em
chân dài ngoài Hà Nội bu theo. Đấy là anh Cuộc nghĩ như vậy trong khi anh lắp
cái bu-gi vào xe máy. Lắp xong anh khẽ đề một cái, ăn ngay, máy lại nổ giòn.
- Ngon rồi đấy. Mày giữ để anh lắp lại cái xe cỏ vào cho.
Kéo nặng thế này nhớ đi chậm thôi. Hôm nọ cái Sáu chở nặng quá, bị va quệt ngã
xoài ra, đập mặt xuống, bao nhiêu răng vung vãi cả ra đường.
- Em có đi thăm chị ấy, bây giờ móm, trông thật tội nghiệp,
có bán con bò cũng không đủ làm bộ răng
giả. Em cám ơn anh Cuộc nhé.
- Có gì mà cám ơn. Mau về đi, đến giờ vắt sữa rồi.
Ly về tới nhà thấy bố đang đứng ở cổng, ý chừng như đợi cô.
Ông chạy ra đỡ bó cỏ cho con gái, Ly ngửi thấy mùi nước đái bò nồng nặc trong râu tóc, quần áo ông, chắc ông
vừa dọn chuồng, trước khi vắt sữa chuồng phải sạch. Hất bó cỏ xuống ông quay
qua hỏi :
- Có tin gì của nó không ?
- Không.
- Tao đi uống rượu bên đám giỗ nhà Thành, người ta nói ầm
lên.
- Kệ người ta.
- Kệ sao được, người ta bảo nó sắp cưới vợ ngoài ấy. Hay là
mày lên thăm ông bà Triệu rồi hỏi xem, nhân thể mang biếu ông bà ấy can sữa ?
- Ai cưới thì cưới, hỏi làm gì ! Bây giờ đi vắt sữa đã.
Ông bố quặn đau từng khúc ruột khi thấy con gái mình nói những
câu đó trong nước mắt, nó không khóc mà mắt đỏ hoe, nước mắt trào ra. Thương
con quá mà bất lực, ông bần thần bước từng bước vào bếp, đứng đấy mà không nghĩ
ra vào bếp làm gì, lại bước từng bước ra sân đứng nhìn Ly vắt sữa.
- Hôm nay vắt xong để đấy, bố mang đi giao cho.
Đấy có thể là cái việc duy nhất ông đỡ được cho con lúc
này. Ly lặng im lấy khăn ra giếng múc nước lau mặt, nỗi đau như được nước mát
chườm vào, dịu xuống. Kể từ lúc có những
chuyện nửa tin nửa ngờ về Tuất, bao nhiêu lo lắng, chán nản và sợ hãi cô chỉ biết
trút cho cái Hiền, người bạn thân cùng lớp ngày trước của cả Tuất và Ly. Hiền
đã cố học hết lớp 12, đầu tiên thi vào Đại học sư phạm Hà Nội, trượt. Lại thi
vào Cao đẳng sư phạm, trượt nữa. Cuối cùng đi học cô nuôi dạy trẻ, bây giờ về
làm cô giáo mẫu giáo ở nhà trẻ của xã. Ăn cơm tối xong Ly thay quần áo sạch sẽ
rồi mang theo can sữa lẳng lặng sang nhà Hiền.
Người con gái bị phụ tình bước những bước thấp bước cao trong bóng tối,
chẳng khác gì một con thuyền tre mỏng manh đang chao đảo đi tìm chỗ bấu víu. Tiếng
con ve cà cộ ra rả bức bối trên cành xoan khiến Ly khó chịu cúi xuống rút chiếc
dép ở chân đập liên hồi vào thân cây mà nó không ngừng kêu. Ly nhặt một viên sỏi
ném, lúc tiếng con ve câm bặt thì Ly giật
mình vì sự im lặng bỗng tràn ngập trong bóng tối. Cái gốc xoan hiện lên lù lù
và cô chợt thấy như có bóng thằng Tuất đứng đợi làm cô rợn người. Cô bước tiếp,
vội vã như chạy.
Cả nhà Hiền đang ngồi
quanh mâm cơm, vui vẻ một cách láo nháo, ấm cúng theo cái kiểu thôn quê, chiếc
vô tuyến Sam-sung ba mươi hai inh trên nóc tủ búp phê ọp ẹp đang phát chương
trình thời tiết, dự báo đợt nóng còn kéo dài. Ly chào mọi người rồi đi thẳng
vào bàn nước trong gian giữa ngồi đợi. Đang lơ đãng nghe tin quảng cáo mì ăn liền
thì Ly chợt trông thấy trên bàn có cái phong bì thiếp cưới, trên mặt phong bì
có in hình trái tim, bên trong trái tim có hai chữ T và H nhũ vàng lồng vào
nhau, ôm ấp xoắn xít như không gì có thể gỡ chúng rời ra được. Mồ hôi bỗng túa
ướt đầm trán, tay run lên bần bật như người phải cảm nhưng không cưỡng lại được
tò mò, Ly lôi tấm thiếp ra xem, đọc thấy :
Trân
trọng kính mời ông bà
Đến dự tiệc mừng lễ thàanh hôn của hai con chúng
tôi là
Trần Đức Tuất & La Thị Diệu Hương
Tổ
chức vào hồi 17 giờ ngày 8 tháng 7 năm 2007
(tức ngày 24 tháng 5 Đinh Hợi)
Tại phòng khánh tiết khách sạn Công Nông
Số 1168 Trần Hưng Đạo, Hà Nội
Rất hân hạnh được đón tiếp
Nhà trai Nhà gai
Trần Đức Triệu La Như Sửu
Lại
Thị Vanh Tạ Bich Thủy
Tấm thiếp trong tay không khác gì cục than bỏng rát, cũng
không khác gì chiếc kìm cộng lực đang siết chặt trái tim Ly, bóp nát nó ra
thành muôn mảnh đau buốt. Cô lả xuống lịm đi trên chiếc ghế tràng kỷ bằng tre,
không hay biết gì. Thế là chuyện tình của Ly, tình yêu của Ly thật không ngờ đã
kết thúc một cách bi thảm nhất.
Trong lúc ấy ông bà Triệu, bố mẹ Tuất, cũng đang ngồi trước
một xấp thiếp mời mà ông bà dự định hôm sau đi đưa là vừa hết. Việc đi mời cưới
ở Thung Củ là việc không thể nhờ ai, nhất thiết đích danh ông bà phải đi. Hai
ông bà chia nhau cả ngày đã đi được hơn một chục nhà, trong đó có nhà cái Hiền.
Chuyện đám cưới thằng Tuất con nhà Triệu thế là bung bét khắp thôn xóm, người
thì hỏi con dâu tại sao không phải là cái Ly, người khác cật vấn ăn hỏi dạm ngõ
bao giờ mà đã cưới nhanh thế. Mấy ông bà già đã móm hết một nửa số răng, nói
không đủ hơi nhưng vẫn cả quyết rằng dù có là cỗ yến cũng không có chuyện đi tận
Hà Nội, trong khi cánh thanh niên háo hức muốn dự lễ để xem đám cưới ở Hà Nội tổ
chức thế nào. Chỉ trong có một ngày đi mời mà có vẻ như ông Triệu đã sụt cân,
luôn tay vòng ra sau đấm thùm thụp vào thắt lưng ê ẩm. Mệt thân mệt xác đã
đành, lại còn mệt đầu mệt óc, nguyên do là vì thằng Tuất cứ làm rối tung rối mù
cả lên, bố mẹ, họ hàng nhà Tuất đều phải chạy theo nó. Bây giờ thời a còng,
chuyện cưới xin là cứ phải con cái đặt đâu
bố mẹ ngồi đấy. Thực ra, ông bà Triệu không phải lo cái gì, mọi cái đã
có thằng Tuất sắp đặt, đám cưới tổ chức ở Hà Nội cũng là do nó quyết. Thằng Tuất
chỉ muốn duy nhất một việc là nhờ bố mẹ chiềng mặt ra với dân Thung Củ. Hôm thằng
Tuất thông báo cho ông bà nó sẽ cưới vợ ở Hà Nội, ông Triệu giận tím mặt, giận
sôi lên đến mức hết cả rung tay trong mười lăm phút :
- Sao mày có thể làm cái việc thất đức như thế hả Tuất !
Bởi vậy bây giờ ông không còn mặt mũi nào mà cầm cái thiếp
mời đến nhà bố mẹ Ly. Tính đi tính lại, ông quyết định phải viện tới cái ông bạn
lắm mồm lắm mép của mình là ông Điển. Móc cái điện thoại trong túi quần, ông
run run bấm số. Tiếng ông Điển ở đầu dây bên kia :
- A lô, có chuyện gì mà ông gọi tôi vào giờ này ?
- Ông đã lên giường rồi hay sao mà kêu muộn ?
- Tôi có ngủ được cũng phải nửa đêm. Có chuyện gì à ?
- Có đấy, lại chuyện của thằng Tuất. Mai ông thu xếp về sớm,
tôi nhờ ông một chuyến.
- Con người của tự do, đi lúc nào thì đi chứ việc gì phải
thu xếp ! Chắc là chuyện cưới xin của nó ?
- Đúng rồi, nhưng chuyện dài lắm, để mai nhé, nói qua điện
thoại tốn tiền.
- Bố đại gia mà còn lo tốn mấy đồng điện thoại vặt !
Sáng sớm hôm sau, ông Triệu vừa rửa mặt xong đã nghe tiếng
xe máy 102 của ông Điển phành phạch ngoài ngõ, chắc ông Điển phải rời Hà Nội từ
4 giờ rưỡi. Vừa dựng xe xong ông này đã nói oang oang :
- Tôi trằn trọc cả đêm, cứ nghĩ vẩn vơ, không biết có chuyện
gì.
- Từ mấy hôm nay tôi cũng có ngủ được đâu, chuyện cưới xin
của nó đáng phải là vui mà nay biến thành đau đầu.
Như thường lệ, hai ông kéo nhau ra gốc khế ngồi, chỗ này
bao giờ cũng lộng gió nên ông Điển gọi là “nghinh phong lầu” mặc dầu chẳng có
cái lầu nào.
- Tôi đã đưa gần hết thiếp mời, nhưng còn một chỗ khó nghĩ
quá, ông phải cố vấn cho tôi.
- Đoán ra từ đêm qua, nhà con Ly chứ gì ?
- Thật chẳng có gì giấu được ông. Tôi muốn sáng nay ông đi
với tôi đến nhà bố mẹ nó rồi lựa lời thế
nào mà mời người ta. Để cho người ta đừng có chửi vào mặt mình chứ ai người ta
còn đi dự !
- Ông có biết thái độ con Ly thế nào không, nó có vững
không ?
- Khoảng một tháng trước
nó có lên thăm chúng tôi, còn mang cho can sữa, dáng chừng cũng muốn hỏi
rõ những tin đồn về thằng Tuất. Thế nhưng nó không hỏi, ngồi im một lát rồi băn
khoăn đi về.
Ông Điển ngập ngừng đưa ra một giải pháp :
- Tội nghiệp con bé, đưa thiếp mời chắc nó phải sốc lắm.
Hay là thôi, đừng mời nhà ấy.
- Như thế cạn tàu ráo máng quá, không được, còn phải nhìn mặt
nhau cho đến lúc chết cơ mà, vậy nên mới phải nhờ ông hôm nay, ông vẫn có tài uốn
ba tấc lưỡi.
Ông Điển nghĩ ngợi một chút song có vẻ cũng không tìm ra được đáp án nào bèn nói :
- Thôi, cứ để đến nơi rồi mình tùy cơ mà nói với họ, thực
ra ngoài chuyện chúng nó yêu nhau thì hai nhà bố mẹ cũng đã có cam kết gì đâu !
Ông Điển cong lưng đạp xe, máy xe rất nhạy, nổ luôn phành
phạch. Ông Triệu cẩn thận cho tấm thiếp vào một cái túi đeo bên mình, lẩy bẩy
bám lấy ông Điển để ngồi lên xe máy. Bà Triệu đứng nhìn hai ông già u 50 đèo
nhau bằng xe máy thì lo lắng nói :
- Cứ đi từ từ thôi nhé, mũ mã chẳng có, nhỡ tai nạn thì khổ
đấy.
Đến nơi, ông bố Ly ra đón, mái tóc bạc hoa râm húi cua tua
tủa chổng lên, lẳng lặng không nói gì, không thấy biểu hiện vui buồn gì trên
nét mặt, chỉ thấy ánh mắt đờ đẫn hoảng hốt. Vào nhà thấy bà mẹ Ly vẫn nằm trên
giường, gày guộc teo tóp. Ba ông ngồi quanh bàn, bố Ly im lặng rót nước, chén
nước nguội ngắt. Không khí nặng nề, ông Triệu không dám lấy tấm thiếp ra, cũng
không biết bắt đầu câu chuyện thế nào, cứ ấp a ấp úng :
- Ông ạ, tôi bị mệt ốm từ mấy hôm, khó nói, à nói khó, nên
có ông bạn tôi đây, tôi nhờ ông ấy thưa với ông bà câu chuyện…
Ông Điển thấy vậy mới đỡ lời :
- Vâng, ông bạn tôi đây là ông Triệu, cũng là chỗ vẫn quen
biết với ông bà, là hôm nay ông bà Triệu có việc vui, con trai là cháu Tuất sắp
tổ chức nên đến để được mời ông bà đi dự tiệc mừng cho chúng nó. Tôi cũng đã được
ông bà Triệu cho biết về mối quan hệ giữa hai gia đình ta, về quan hệ giữa cháu
Tuất và cháu Ly, ông bà Triệu cũng đã thương yêu cháu Ly như con cái trong nhà,
lúc đầu ai chẳng ngỡ hai nhà sẽ thành thông gia, nhưng mà ông ạ, các cháu chưa
có đủ cái khôn cái duyên ấy, mà không đủ duyên thì không đi đến kết tóc se tơ
được. Là cha mẹ, ai cũng mong chúng nó đến với nhau, nhưng nay đã không đủ
duyên thì cô cậu mỗi người lại mỗi ngả, xây dựng hạnh phúc riêng của mình, vậy
nên, ông bà Triệu cũng mong ông bà mừng cho cháu Tuất, tôi mạn phép nói thế có
phải không ạ !
Ông bố Ly vẫn chẳng nói gì, lặng lẽ rút trong túi chiếc áo
nâu sồng đang mặc ra một tờ giấy học sinh gấp tư đưa cho ông Triệu. Ông Triệu
đưa cả hai tay đỡ lấy, hai tay run đùng đùng, rồi mượn kính của ông Điển để đọc
:
“Con trăm ngàn lần lạy bố
mẹ, bố mẹ tha thứ cho con, con không thể ở nơi này được nữa, con phải bỏ đi chứ
không thể ở Thung Củ được nữa, con xin bố mẹ hãy bảo trọng, cố mà giữ gìn sức
khỏe, đừng có lo lắng gì cho con, con không chết là tốt rồi, con không biết
ngày mai thế nào nhưng sẽ có ngày con báo tin về. Con đi đây”.
Ông Triệu thẫn thờ đánh rơi tờ giấy. Ông Điển vội vàng nhặt
lên, cầm lấy kính đọc những dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng mực tím, thỉnh thoảng có những chữ
nhòe đi vì nước mắt, rồi ông ngước lên hỏi :
- Nó đi rồi à ?
Ông bố Ly lặng lẽ gật đầu.
- Từ lúc nào ?
Tận lúc này mới có hai giọt nước mắt lăn ra từ hai con mắt
đã đục như mắt cá chết của ông bố Ly. Ông lặng lẽ lấy tay quệt ngang rồi mếu
máo nói, giọng lạc đi thảng thốt :
- Từ sáng sớm.
Chương 13.
Chiếc Land Cruiser Prado màu đen chở Lê Kiên đến khoảng dốc
gần ngã ba phố huyện Lộc Ninh thì từ từ
rẽ vào ven đường rồi dừng lại, anh lái quay sang nói với Kiên :
- Chắc bị mắc đinh rồi anh ạ, để em thay cái vỏ xơ-cua.
- Có lâu không ?
- Nhanh mà anh, anh xuống xe cho thoáng, em làm chút xíu
xong ngay.
- Tớ có phụ được gì cho cậu không ?
- Có gì đâu anh, mình em làm ngon mà.
Trong
lúc chờ người lái thay lốp, Lê Kiên tranh thủ đi dạo chung quanh, tận dụng cái
thời gian rỗi rãi ít ỏi trong một ngày làm việc. Lúc này đã gần chín giờ sáng,
nắng vàng rực rỡ óng ánh trên các vòm
cây xanh, gió mát thổi đến từ những miệt rừng đem theo mùi mật ong và mùi thơm
hoa phong lan. Lê Kiên bước từng bước một trên cái vỉa hè rộng nhưng nhấp nhô,
mọc lác đác từng đám cỏ dại, thảnh thơi tận hưởng không khí thơm tho trong mát
và cái khoảng khắc bình yên của phố rừng ngày cuối năm. Chính vào lúc tưởng đã
quên đi những lo toan tính toán bận rộn thường ngày thì Lê Kiên nhìn thấy phía
trước mình, trên vỉa hè, một người ngồi ôm bụng dưới gốc cây bằng lăng, vẻ đau
đớn, bên cạnh có một cái túi vải, trông như cái tay nải ngày xưa. Anh nghĩ thầm
chắc lại một người đi đường chẳng may làm sao đây, những cảnh đời bất hạnh đi đến
đâu cũng dễ gặp thường ngày, ý nghĩ ấy làm cho chút thanh thản sớm mai bỗng
dưng tan biến mất. Lê Kiên bước nhanh tới, nhận ra đấy là một phụ nữ. Anh cúi
xuống, khẽ hỏi :
- Này chị ơi, chị làm sao thế, tôi có giúp được gì không ?
Lê Kiên bắt gặp đôi
mắt cô ta ngước nhìn, chỉ một thoáng cũng đủ để anh thấy một đôi mắt trong
nhưng mọng nước. Lê Kiên nhỏ nhẹ hỏi lại,
cố làm cho người phụ nữ tin tưởng :
- Chị có đau ốm gì không, tôi đưa chị đến bệnh viện nhé.
Người phụ nữ vẫn ngẩng nhìn, tay ôm bụng, miệng mấp máy nói một câu mà ý nghĩa
ngược hẳn với ánh mắt đang cầu khẩn van lơn :
- Ông không giúp được đâu, em đau đẻ.
Lê Kiên thở phào nhẹ nhõm, anh cho rằng việc sinh nở là một
tin tốt lành. Chắc vì một lý do nào đấy mà người phụ nữ chưa đến kịp nhà hộ sinh nên anh vội nói :
- Tôi giúp được, tôi sẽ đưa chị đến bệnh viện ngay bây giờ.
Người phụ nữ nhìn Lê Kiên thăm dò,mắt sáng lên đầy hy vọng.
- Em sắp đẻ nhưng không có tiền, không quen ai ở đây, không
biết bệnh viện ở chỗ nào, ông làm sao mà giúp được !
- Chị yên tâm, tôi có tiền, tôi biết bệnh viện ở đâu. Nghe
giọng nói biết chị là người Bắc, đồng hương cả mà, chị đừng lo.
Người phụ nữ bám vào gốc cây, cố đứng dậy, còn Kiên đưa tay
đỡ, gượng nhẹ nâng cô ta lên, động tác ấy của Kiên tự nhiên và vô tư đã xua đi
chút thẹn thùng xấu hổ ở người đàn bà đau đẻ trước một người đàn ông xa lạ.
- Tôi đưa chị đến khoa sản nhé ?
Chị ta gật đầu, mặt nhăn nhó vì đau, một tay ôm bụng, tay
kia bá vào vai Kiên bước đi, không nghi ngờ, không tin tưởng. Phó mặc, miễn là
đứa con phải chào đời.
Người phụ nữ này chính là cái Ly, đã bỏ nhà ra đi từ bảy tháng trước, mang theo trong
mình giọt máu của thằng Tuất. Buổi tối hôm ấy ở nhà Hiền, sau khi được mọi người xoa dầu và ép uống một
cốc trà gừng, Ly chạy như một con điên về nhà, ngồi dúi xuống gốc cây bòng suốt
đêm mà khóc nấc lên. Cây bòng như một người bạn hiểu được nỗi tủi hận của Ly
nên thỉnh thoảng cũng rung lên trước những ngọn gió đêm lạnh lùng. Khóc cạn nước
mắt, Ly đứng lên, vỗ vỗ vào thân cây, ôm lấy nó vuốt ve, thủ thỉ nói ra những
điều như đang rỉ máu trong lòng : “Mày đã thấy chúng tao cùng khóc cùng cười ở
đây mà sao nó lại có thể bỏ tao, thôi nhé bòng ơi, tao phải đi, tao không thể cứ
ở Thung Củ để hàng ngày phải nhìn thấy mày được nữa, đau lắm, đau đến chết mất”.
Nói ra được như thế rồi Ly quả quyết đi vào nhà, vớ cái bút quyển vở viết lại
cho bố mẹ mấy chữ, vội vàng vơ mấy bộ quần áo rồi lặng lẽ bỏ đi như một kẻ chạy
trốn. Đi về đâu cô không cần biết, nhưng phải đi, trong lòng đầy những oán hận
và yêu thương lẫn lộn. Trời vẫn còn mờ tối khi Ly ra tới ngã ba cuối thôn. Cô dừng
lại, rút điện thoại gọi cho cái Hiền.
- Mày dậy chưa, đi ra ngã ba với tao một tí.
Hiền hoảng hốt :
- Có chuyện gì thế ?
- Cứ ra đây, mang cả cái thiếp cưới của thằng Tuất cho tao.
Hiền mang theo cái thiếp cưới của Tuất, Ly cầm lấy lùa nó
vào trong đẫy. Rồi ôm lấy Hiền mà khóc, khóc mãi. Hiền hỏi :
- Mày bỏ đi à ? Nghĩ kỹ chưa ?
- Không biết, cứ đi đã.
- Đi đâu ?
-
Không biết, đi thật xa.
-Tao có bà cô làm nông nghiệp ở Bình Phước, cô ấy vẫn rủ
tao vào làm vườn với cô ấy, hay là mày vào đấy.
- Vậy thì tốt quá.
- Tí về tao nhắn địa chỉ vào điện thoại cho mày.
- Ừ, nhắn ngay đi. Đừng có nói với bất cứ ai là tao ở đấy,
hiểu không.
Ly nói trong nước mắt. Bức xúc quá, Hiền buột miệng :
- Tiên sư thằng đểu, cả thôn bảo nhau đếch đứa nào đi dự
đám cưới của nó. Bây giờ tao đèo mày ra bến xe Xuân Khanh nhé.
Hiền đèo Ly, im lặng, không ai nói với ai câu nào. Đến dốc
Thung Củ thì Ly bấm vào lưng Hiền, bảo dừng lại. Đấy là lúc Ly do dự nhất giữa
đi hay không đi. Chỉ cần cô quay nhìn về phía Thung Củ, chắc giờ này bố mẹ cô
cũng vừa trở dậy sau một đêm không ngon giấc, hốt hoảng và đau đớn khi thấy bức
thư cô để trên bàn, có cái chén nước đè lên, nếu bây giờ ở phía ấy mọi người bỗng
chạy túa cả ra, hô hoán lên cho bố mẹ cô biết rằng cái Ly đang ở đây, đang đứng
đấy, định bỏ đi, hãy lôi nó về thì chắc cô cũng sẽ quay đầu trở lại. Nhưng ở đấy
bây giờ đang là phía sau cô, im lặng trong sương mờ buổi sớm, những lớp sương
mù sẽ tan dần đi, đọng lại trên lá cây ngọn cỏ, đợi khi mặt trời lên sẽ lấp
lánh tỏa sáng như ngàn vạn viên kim cương nhỏ xíu rồi nhanh chóng biến mất. Ly
đứng dõi nhìn về thôn một lúc lâu, mắt nhìn như thấu qua lớp sương lạnh giá,
nghẹn ngào không cất lên được lời từ biệt hay lời xin tha thứ. Rồi Ly quay lại,
nước mắt lã chã tuôn rơi, đứng nhìn về hướng Đông là hướng Hà Nội. Tuất đang ở
đấy, có khi giờ này vẫn còn đang ôm người ấy mà ngủ ngon lành. Mới hôm kia, khi
cô chưa tận mắt thấy cái thiếp mời, trong tim cô, Tuất vẫn là người yêu. Kể cả
bây giờ, nếu chuông báo tin nhắn bỗng reo lên tít tít, nếu Tuất nhắn cho cô những
dòng tin nhắn như trước đây, những dòng tin nhắn mà cô vẫn còn lưu trong máy, rằng
nó yêu cô, rằng hai đứa sinh ra là để cho nhau, thì cô không thể nào nhấc nổi
chân lên mà bước đi được. Nhưng cũng như phía sau cô, phía đằng Đông hoàn toàn
im lặng, ở đấy chỉ có ánh mặt trời ban mai đang sáng dần lên, hồng cả một bầu
trời, ở đấy, chỉ sau một đêm, thằng Tuất đối với cô bỗng trở nên một người hoàn
toàn xa lạ. Buổi sáng trên dốc Thung Củ thật êm đềm thế mà trong lòng Ly đầy
bão tố. Cô quay lại, đau đáu nhìn vể phía Thung Củ như cố trì kéo thu giữ lấy
cái bóng mờ ảo của thôn quê vào mắt mình. Kiên quyết không để bịn rịn trào lên,
Ly dứt khoát bước đi. Hiền níu áo bạn lại :
- Tao còn hơn năm trăm nghìn đây, cầm lấy.
Ly nắm tiền vào trong lòng bàn tay, dặn Hiền :
- Mày hãy chạy qua chạy lại với bố mẹ tao nhé, tao cảm ơn
mày.
Ly
bỏ đi, bất chấp tất cả. Hỏi đường đi tới bến xe Giáp Bát Hà Nội, bắt xe Sài
Gòn, rồi đi tiếp lên Bình Phước lấy xe ôm về địa chỉ Trảng Đá mà cái Hiền nhắn
cho. Bà cô của Hiền cao gầy, có cái mũi dài trên khuôn mặt phúc hậu, nước da sạm
nắng khỏe mạnh của người làm lụng vất vả kiếm sống. Là một người đàn bà ít nói
nhưng tốt bụng, bà biết cái Ly sẽ đến vì Hiền đã gọi điện từ trước. Lúc có tiếng
gọi, bà chạy ra mở cổng, trong cái chạng vạng của chút nắng cuối ngày còn rớt lại,
bà thấy một người con gái tóc rối bù, mặt mũi nhọ nhem mồ hôi, quần áo nhàu
nát, thân hình tã tượi. Đó là Ly sau hai ngày đêm chịu quăng quật và đói khát
trên đường đi. Bà ái ngại :
- Đi đường vất lắm phải không, cô đi mãi, biết rồi. Vào tắm
rửa cho mát rồi ăn cơm con ạ, rõ tội nghiệp !
Hóa ra bà cô của Hiền cũng vì tình mà bỏ vào Bình Phước, sự
ngẫu nhiên ấy đã làm hai cô cháu thông cảm và thương nhau nhiều hơn. Đã lâu
không có ai để nghe bà kể về những ngày cũ kỹ ở Thung Củ, nay có Ly bà như vớ
được bạn tri âm. Ly phụ giúp bà mọi công việc nương rẫy, tự mình khai hoang gần
sào đất trồng rau cải. Đất mùn mục và xốp, rau lên như thổi, Ly bó thành từng
bó cho vào chiếc thùng xốp đèo sau xe, mỗi sáng đạp quanh xóm một loáng đã bán
hết, một nghìn một mớ ngày cũng kiếm được bốn, năm chục nghìn. Những ngày mưa
nước suối chảy xiết, Ly mang lưới ra cái khe ở ven rừng bẫy cá, có lúc được
hàng cân cá quả, đem bán góp vào tiền bán rau làm vốn giắt lưng. Ly cởi mở,
mang hết chuyện riêng tư của mình kể cho bà vào những buổi tối bên mâm cơm đạm
bạc, hỏi bà về cách giữ cái thai trong bụng cho tốt. Có một lần trong những
ngày đầu, hai cô cháu đang nói chuyện nuôi bò sữa ở Thung Củ thì bỗng bà hỏi :
- Mày đẻ vào năm nào ?
- Năm 1983 cô ạ. Làm sao hả cô. ?
Bà cô bấm ngón tay đen đủi và xương xẩu, nói :
- 1983 là Quý Hợi, đàn bà con gái Đinh Nhâm Quý là truân
chuyên lắm.
Bất thình lình bà cô lại hỏi :
- Cái thai mấy tháng rồi ?
- Cháu vào đây với cô đã hơn một tháng, tính ra có khi hơn
ba tháng rồi cô ạ.
Bà cô nhìn thẳng vào mặt Ly mà nói :
- Hay là bỏ đi ? Ở đây người ta có thuốc, xổ ra rồi đem vào
trong rừng chôn, chẳng ai biết.
Cái điều bà cô vừa nói ra ghê gớm và khủng khiếp quá khiến
cô hoảng sợ há hốc mồm, mắt trợn ngược lên nhìn bà, cái nước da nâu đen của bà
bỗng biến thành xám ngoét, đám tóc bạc thưa trên đầu bỗng biến thành những con
rắn trắng ngoe lên như đầu phù thủy trong những chuyện cổ tích quái dị khiến Ly
muốn vùng chạy. Ly chưa kịp hoàn hồn thì cô lại nói tiếp, cái mặt đau khổ méo xệch
đi :
- Cô nói thế là vì cô thương con thôi, giữ nó rồi khổ suốt
đời đấy con ạ. Ở đây toàn rừng rú, bỏ đi ở đây không ai biết, sau rảnh rang lấy
chồng rồi lại có.
Tiếng nói của bà như tiếng búa đe chạm nhau, đập vào tai Ly
nhức tận óc. Cô gục xuống khóc. Những ngày sau họ ít chuyện trò với nhau, cho tới
một hôm bà cô nhẹ nhàng bảo :
- Mọi người ở đây đều phải lên huyện để đẻ. Mấy bà đỡ vườn
giờ đã già yếu lắm rồi. Con tính sao ?
- Con sẽ lên huyện.
Bà cô im lặng để cho hai giọt nước mắt khô lăn trên má.
Kiên và người lái xe đưa Ly tới khoa sản. Các cô hộ lý bắt
Ly đi tắm thay trước khi vào phòng khám, khi quay ra trông cô sáng sủa hẳn lên
trong bộ đồ xanh nhạt của bệnh viện. Kiên ngồi ở ghế đá dưới bóng một cây xoài
chờ người lái xe đi nộp các khoản tiền viện phí. Một lúc sau anh này quay lại hỏi
Kiên :
- Người ta bảo có ba giường trong phòng đẻ thì kín cả rồi,
chỉ còn một phòng tự nguyện, nếu không thuê thì cô ấy phải nằm chung giường.
Không nghĩ ngợi, Kiên nói :
- Lấy phòng tự nguyện cho người ta.
Anh lái xe đã quen với những việc làm như thế này của chủ
mình nên vui vẻ đi thực hiện tắp lự. Kiên đi vào xem cái phòng tự nguyện nó ra
làm sao, nhân thể hỏi mấy cô hộ lý :
- Các em có biết bao giờ thì cô ấy sinh không ?
- Chắc cũng nhanh thôi anh ạ, vừa nẫy nghe nói đã mở ba bốn
phân rồi.
Kiên bảo người lái xe :
- Vậy thì mình ra gốc xoài ngồi đợi đến khi mẹ tròn con
vuông hãy đi.
Ngồi vẩn vơ một lúc thì có một bác sĩ trẻ đi ra. Cô này
tươi cười hỏi :
- Anh là Lê Trung Kiên, người nhà sản phụ Ly phải không ?
- Vâng, tôi là Kiên. Sản phụ Ly là cái cô vừa vào phòng tự
nguyện chứ gì ?
- Phải rồi. Anh có phải doanh nhân Lê Trung Kiên chuyên về
xây dựng không ?
- Sao bác sĩ lại hỏi vậy ?
- Tôi đã thấy anh trên vô tuyến một vài lần rồi, gớm, cả tỉnh
này ai mà không nghe tiếng doanh nhân Lê Trung Kiên.
- Chết thật, còn chán tôi mới xứng đáng với danh hiệu doanh
nhân, bác sĩ ạ.
Câu trả lời tự nhiên và thành thật khiến cô bác sĩ cũng
không khách sáo mà đưa ngay ra một nhận xét :
- Anh cứ khiêm tốn, tôi tưởng chỉ cần lập công ty xong, làm
ăn phát đạt chút là sẽ thành doanh nhân.
Kiên bật cười trước cái định nghĩa gọn ghẽ ấy và hỏi lảng
đi :
- Tình hình cô Ly thế nào chị ?
- Cô này số sướng thật, được đại gia đưa đi đẻ. Dự sinh nhanh
thôi, bây giờ đã mở sáu phân, các chỉ số đều bình thường, siêu âm tại chỗ thấy
con trai, không có dấu hiệu bất thường, anh yên tâm.
Mặc dù đã làm từ thiện nhiều lần nhưng chưa bao giờ Kiên
rơi vào một hoàn cảnh vừa éo le, vừa hài hước như bây giờ. Mới đây thôi, khi
các y tá hỏi anh tên của sản phụ, anh còn không trả lời được. Họ đắn đo, nghi
hoặc, không hiểu câu chuyện là thế nào, còn anh cũng chẳng hơi đâu mà đi giải
thích. Tuy thế, khi biết anh là đại gia Lê Trung Kiên thì mọi chuyện lại xoay
chuyển khác đi hoàn toàn, thuận lợi dễ dàng mọi nhẽ. Lúc này chỉ có Ly là chưa
biết cái người đã đưa tay cứu giúp mình, cái người đã tạm thời hất đi cho cô mọi
nỗi lo toan về cuộc vượt cạn là ai, và cô cũng chẳng còn tâm trí nào để nghĩ tới
điều đó. Vào lúc một giờ rưỡi, khi ánh nắng đã ngả sang màu vàng chói đậm đặc,
cô nghẹn ngào bật khóc khi nghe được mấy tiếng oe oe. Một cô y tá vẫy Kiên vào
đứng trước cửa sổ phòng đỡ đẻ, nâng đứa
bé còn đỏ hỏn lên cho anh nhìn. Lần đầu trong đời thấy một hình hài đỏ hỏn lạ
lùng như thế anh bỗng cảm nhận một tình
cảm lạ lùng chưa bao giờ biết tới, mà ngay lúc ấy anh không định được ra nó là
gì.
Buổi chiểu hôm ấy trở về cơ quan Kiên thấy tâm trạng thật
vui. Anh kể cho mọi người nghe câu chuyện người phụ nữ tí nữa đẻ rơi giữa đường
và đứa bé đỏ hỏn hiện lên trong khung cửa sổ bệnh viện. Nhưng rồi tâm trạng ấy
cũng chẳng kéo dài được bao lâu, công việc cuốn hút làm anh quên bẵng tất cả
cho đến ngày thứ ba thì có một cú điện thoại gọi đến.
- Chào anh Kiên, tôi là bác sĩ Thu ở khoa sản đây.
- Vâng, chào bác sĩ. Có việc gì đấy ạ ?
- Tôi gọi để nhắc anh về sản phụ Ly ấy mà. Mẹ tròn con
vuông cả rồi mà chưa thấy ai đến đón. Với lại hôm nay chúng tôi cũng không cho
cô ấy xuất viện được vì vừa phát hiện cháu bé bị vàng da sinh lý, chắc phải giữ
cháu lại để điều trị một vài hôm nữa. Vấn đề là hôm trước anh mới chỉ thanh
toán viện phí cho ba hôm đầu thôi…
Kiên vụt nhớ lại câu chuyện mà anh đã vướng vào, cười vui vẻ
:
- Bác sĩ cứ yên tâm điều trị cho cháu bé, tôi sẽ cho người
đến bệnh viện ngay. Tôi cũng chưa kịp hỏi người nhà cô ấy ở đâu để nhắn họ đến
đón.
Bác sĩ ngạc nhiên :
- Ơ, thế anh không phải…
- Không, gặp cô ấy sắp đẻ rơi trên đường thì tôi đưa vào bệnh
viện đấy thôi. Nhưng không sao, tôi sẽ đến xem thế nào.
Trước khi cúp máy bác sĩ còn thốt lên một câu :
- Anh thật tốt quá !
Hai hôm sau Kiên quay lại thăm Ly. Thấy Kiên, cô bác sĩ trẻ
hôm nọ chào đon đả :
- Xin chúc mừng anh Kiên, mọi chuyện tốt đẹp cả rồi. Mẹ
cháu tốt sữa lắm.
- Cám ơn bác sĩ và cả kíp đỡ nhé.
Lúc anh vào phòng, Ly đang nằm nghiêng ôm con cho nó bú
trên chiếc giường một nệm trắng tinh tươm. Cô hơi ngẩng lên, ngạc nhiên và bối
rối nhìn vị khách đầu tiên và duy nhất đến thăm. Đấy là một thanh niên đã cứng
tuổi nhưng không có chút vẻ gì là ông như cô đã gọi hôm trước. Hôm trước vừa
đau đẻ vừa lo sợ, cô chỉ còn nhớ đã có người đưa tay đỡ cô lên chứ còn hình ảnh
người ấy thế nào hoàn toàn nhạt nhòa. Khi đã mẹ tròn con vuông, những lúc ôm
con trong lòng, Ly thường hình dung ra vị cứu tinh của mình phải là người đã có
tuổi, có quyền và giầu có. Cô thầm cầu mong người ấy lại xuất hiện. Nay, người ấy
đứng đây, mái tóc cắt cua, nét mặt trẻ trung và cương nghị. Ly kín đáo nhìn kỹ vị ân nhân của mình, tuy lạ
lùng nhiều hơn quen biết mà cô vẫn thấy có cái gì rất gần gũi làm cho cô yên
lòng.
Kiên từ tốn ngồi xuống chiếc ghế nhựa xanh để ở
đầu giường.
- Cháu nó có khóc không cô ?
Giọng nói khỏe mạnh đầy sinh khí vẫn không át được sự dịu
dàng trong câu hỏi khiến Ly xúc động vô cùng. Trong khi chờ câu trả lời, mắt
anh nhìn Ly chân thành đến mức phá tan đi sự bối rối của người đang cần phải lụy,
gieo vào lòng cô một sự tin tưởng hoàn toàn tự nhiên.
- May quá anh ạ, cháu nó ngoan lắm, chẳng khóc mấy.
- Cô có khỏe không, có ăn được không ?
Ly thấy da gà như nổi hết trên cơ thể mình khi người đàn
ông trước mặt cô vừa hỏi câu hỏi mà cho đến giờ này, chưa có một người nào hỏi
cô, điều đó đã chạm tới những nỗi buồn cô độc sâu kín nhất trong lòng.
- Được anh ạ, cơm đây họ nấu ngon lắm, em ăn hết bay.
- Ăn được sẽ khỏe nhanh và có sữa cho con bú. Bác sĩ bảo
mai cô đã có thể ra viện. Tôi chưa kịp hỏi rõ hoàn cảnh của cô, cô sẽ về đâu hoặc
muốn báo cho ai để tôi giúp ?
Đó, điều Ly chờ đợi đã đến. Đứa con vừa chào đời đã cuốn
hút mọi tâm tư tình cảm của Ly, tuy vậy cô không thể không nghĩ tới những ngày
tiếp theo, cô và đứa bé sẽ trôi dạt về đâu. Cô không trả lời, quay mặt đi chỗ khác nhưng
Kiên vẫn nhận ra là cô đang rất hoảng hốt, khi quay lại, hai mắt cô đã ướt nhòe
nước. Cô sụt sùi :
- Em không có chỗ nào để đi, không có người thân nào ở đây
để báo. Em sợ lắm !
Cả hai cùng im lặng một lúc. Kiên không biết nên nói gì
thêm để dỗ dành an ủi. Đối với Kiên, việc đưa Ly vào bệnh viện mấy hôm trước là
việc giúp một người gặp khó trên đường, là một việc làm rất thường tình. Mỗi lần
gặp những hoàn cảnh khó khăn, Kiên chưa bao giờ từ bỏ giúp đỡ và anh thường làm
đến cùng nhưng phần trách nhiệm cũng chỉ dừng lại ở hành động tương trợ nhân
ái. Bởi vậy, những câu hỏi như người phụ nữ bí ẩn vừa sinh con trai này là ai, ở
đâu tới, cơ sự thế nào mà ra nông nỗi này cũng chỉ lởn vởn xuất hiện thoáng
qua. Tuy nhiên, ngay giờ đây, nhìn đôi mắt sũng nước và vẻ mặt thất vọng đến thảm
hại của người thiếu phụ, Kiên không khỏi đặt ra một câu hỏi khác, rằng có nhất
thiết tìm hiểu những điều đó hay không khi mà mẹ con cô ta đang cần phải được
giúp đỡ. Thế là anh không ngần ngại nói với Ly :
- Thôi được, tôi cũng chưa biết hoàn cảnh của cô, nhưng
không sao. Tôi có nhà, có chỗ cho mẹ con cô ở tạm những ngày đầu nếu cô đồng ý.
Có lẽ trước mắt cứ thế đã để cô có điều kiện trông nom con cẩn thận.
Ly chỉ biết ôm con khóc rưng rức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét