Chương 1.
- Nó mà tòi ra con bê đực thì cái Ly thôi học !
Bằng giọng khàn đặc của người nghiện thuốc lào, ông bố Ly
đã nói như thế lúc chiều nay, khi con bò cái cong đuôi lệch sang một bên, mông
tóp lại, rắm rít tuôn ra ùm ùm. Đấy là những dấu hiệu con bò đen khoang trắng gốc
Hà Lan của nhà nó sắp đẻ. Chuyện bò đẻ đối với người dân Thung Củ là chuyện lớn,
luôn được chờ đón, tiền là ở cái bụng con bò chửa căng tròn kia. Ở Thung Củ người
ta gọi trâu, bò, gà, lợn…là những “con của”. Nhiều người thành tâm mang vàng
hương ra tận mộ ông bà bố mẹ ở giữa đồng, khấn vái, cầu xin những người thân ở
thế giới bên kia độ cho “con của” đẻ ra con bê cái. Ông bố Ly không làm thế, chỉ
lấy bàn tay thô nhám với những ngón tay dùi đục xoa xoa vỗ vỗ lên mông con bò
và nói với Ly :
- Chắc chỉ đêm nay thôi. Mày phải thức canh chừng, hễ bò đẻ
thì gọi ngay bố dậy.
Tiếng
gáy i ỉ của lũ dế trong vườn và mấy tiếng chó sủa vu vơ làm cho đêm nhà quê tối
như mực càng thêm im ắng, khiến cho Ly, tuy đã quen với khung cảnh này mà vẫn
thấy rợn. Nó ngồi thu lu ở góc giường, thỉnh thoảng lại đập muỗi đánh cái bốp.
Những cơn gió cuối hè tha hồ lùa qua cửa sổ vào tận trong nhà, thoải mái mang
theo cái mát lạnh về sáng kèm mùi nước đái bò khai nồng nặng nề.
- Sao không chợp mắt đi một lúc ?
Hóa ra bố nó cũng chưa ngủ, thảo nào Ly không nghe thấy tiếng
ngáy như cối xay lúa của ông. Mẹ Ly cựa mình yếu ớt. Bà bị ốm từ lâu nay nhưng
chưa tìm ra bệnh, vay mượn thuốc thang đã bộn tiền mà chưa thấy dấu hiệu thuyên
giảm. Bây giờ cả nhà đang thao thức chờ đợi vào cái sự kỳ diệu của con bê nằm
trong bụng mẹ kia. Nó mà là một con bê cái thì ngay lập tức sẽ có giá hơn chục
triệu đồng, còn một con bê đực thì coi như công cốc. Bởi vậy Ly buồn ngủ nhưng
không dám chợp mắt, ngồi nôn nóng chờ xem đêm nay số phận sẽ cho cô con bê đực
hay con bê cái. Những ý nghĩ về việc có được học tiếp hay phải thôi học đang lơ
mơ luẩn quẩn trong đầu thì Ly giật mình nghe tiếng con bò rống lên, ò ò vang rền
như là muốn báo hiệu một sự kiện trọng đại,
phá vỡ cái yên tĩnh vẫn đang còn đặc quánh. Ly vội vàng bật đèn, chưa kịp gọi
thì ông bố đã vùng dậy, hai bố con chạy ào ra chuồng bò. Con bò khoang ưỡn đầu lên rặn đẻ, nước dịch chảy ra ướt đẫm
phía sau, một cái bọng chui ra từ chỗ ấy, nước lầy nhầy chung quanh. Ông bố Ly
kêu cô đưa cho cái xô nhựa, lấy tay bấu
vào cái bọc, nước trong bọc vàng như nước chè òa chảy vào xô. Hàng tháng nay
ông đã đi hỏi mọi người cách đỡ đẻ cho bò nên ông làm việc ấy có vẻ thành thạo. Những người nuôi bò truyền nhau rằng phải lấy
cái nước ấy cho con bò uống thì nó đẻ mới nhanh, vậy nên ông bố Ly cứ ấn cái xô
vào miệng con bò trong khi nó chỉ chịu thè lưỡi liếm rồi lại ngẩng đầu lên mà rống.
Ly sốt ruột và lo lắng đứng sau, bỗng thấy hai khúc chân như hai cái que củi khẳng
khiu thò ra thì vui mừng reo lên:
- A, nó đẻ rồi bố ơi.
Ông bố Ly quăng cái xô sang bên, chạy vội lại, xắn tay áo
lên rồi nắm lấy hai cái chân kéo nhẹ. Rất nhẹ và từ từ cái đầu rồi đến cái mình
con bê thòi ra, rồi cả con bê trơn tuột rơi đánh huỵch xuống đất. Vừa làm xong
một công việc nặng nhọc và đầy ý nghĩa, con bò mẹ mệt mỏi nhưng thỏa mãn quay lại
thè lưỡi thong thả liếm con. Ông bố Ly cuống cuồng gọi :
- Chạy vào lấy cái đèn pin ra đây, nhanh lên.
Ly chạy nhanh như một làn gió, mang chiếc đèn pin ra đưa bố.
Ông ngồi xuống, một tay nhẹ nhàng nhưng dứt khoát lật con bê, một tay soi sát
đèn pin vào phía dưới, thấy một cái ngẩu pín bé tí nổi lên ở bụng con bò non.
Ông đứng phắt ngay dậy, điên tiết quăng luôn cái đèn pin trong tay ra gốc khế,
đèn tắt ngấm. Ông chán nản bỏ vào nhà, để Ly đứng một mình bên cạnh con bò vẫn
điềm nhiên liếm cho con, nó không phải là người để có thể hiểu được cái hành động
hắt hủi vừa rồi của ông chủ nó. Ở Thung Củ này cho đến bây giờ, nếu người đẻ
con trai thì được trọng, đẻ con gái thì bị khinh, ngược lại bò đẻ thì người ta
trọng cái khinh đực. Trước cái kết cục không được chờ đợi này, Ly đứng buồn bã
thẫn thờ một lúc rồi cũng thất vọng đi vào, trong lòng thật ái ngại cho con bê non.
Ngay sáng hôm sau con bê lập tức bị đem bán cho người ta
làm thịt, nó được người mua nhét vào một cái lồng sắt mắt cáo, bốn chân thò ra
ngoài như bốn cái chân bàn, cả cái lồng được buộc lên xe máy chở đi. Tiền bán con bê chỉ được hơn một triệu, một
triệu vào nhà Ly khác nào như gió vào nhà trống, chẳng bõ bèn gì. Với một khoản
lớn tiền nợ, nợ công ty bò sữa tiền mua bò giống, nợ hàng xóm tiền phối giống,
tiền mua thức ăn, nợ họ hàng tiền mua thuốc cho vợ, ông bố Ly không nhắc thì Ly
cũng tự hiểu rằng nó phải thôi học. Ly không buồn, chỉ thấy có một niềm luyến
tiếc cứ dâng trào. Ở Thung Củ, chuyện học sinh bỏ học cũng là chuyện bình thường,
học ở phổ thông còn không đủ tiền đóng học phí lấy đâu ra mà theo lên cao nữa,
trước sau đằng nào chẳng phải thôi. Ấy vậy
mà đã có lúc Ly mơ ước được theo học đến cùng, cô tin chắc mình sẽ thi đỗ vào
trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trở thành cô giáo dạy văn. Ly đã để dành tiền
mua hàng chục cuốn sách văn học, một tủ sách con con nhưng hiếm có đối với lũ học
sinh phổ thông bây giờ, trong đó phải kể đến “Thép đã tôi thế đấy” của
Ni-cô-lai Oxtrop-xky, “ Giên E-rơ” của Sác-lốt Brôn-ti và ba cuốn truyện tuổi học
trò của Nguyễn Nhật Ánh là “Cửa sổ Win-đâu”, “Bong bóng lên trời” và “Bồ câu
đưa thư”. Ly đọc những cuốn sách này từ từ vào những lúc rỗi, không nhanh nhưng
nghiền ngẫm, thích thú để cho trí tưởng tượng bay bổng vượt qua lũy tre làng,
đưa nó vào cuộc sống khó khăn nhưng đầy chất lãng mạn của người sinh viên. Nay
thì thôi rồi, nay thì nhà nó không thể làm gì mà có ngay ra cái số tiền không
thể nào có là vài chục triệu đồng để trang trải nợ nần, số tiền mà đáng lẽ một
con bê cái có thể gánh đỡ một phần lớn.
Ly quyết định làm đơn xin thôi học đúng vào lúc mà các trường
đang chuẩn bị năm học mới. Lúc ấy đã gần tháng chín, bầu trời mùa thu trong vắt
và hoa tóc tiên nở hồng rực trên những bãi cỏ xanh. Ly gọi hoa tóc tiên là hoa
báo mưa vì mỗi lần hoa nở nhiều như vậy là y như mưa sẽ đến. Nó hái những đóa
hoa trông giống như một bông sen tí xíu ấy về cắm vào cái cốc nhỏ để bên đống
sách giáo khoa lớp mười một rồi ngồi ngắm. Người chị họ học trên Ly một lớp đã
cho nó toàn bộ sách giáo khoa lớp mười một, nay số sách này ế rồi. Ly nghĩ đến
thằng Tuất, nếu nó chưa mua thì cho lại nó. Thằng Tuất là người cùng thôn, học cùng lớp với Ly
từ năm năm nay, một thời gian đủ để chúng nó gắn bó với nhau theo cái kiểu tình
yêu học trò. Giữa hai đứa có cái gì giống như thần giao cách cảm cho nên khi Ly
vừa nghĩ tới Tuất thì nó đã xuất hiện ngoài cổng.
Tuất không vào nhà mà đứng ở ngoài ngõ, dưới gốc xoan, chỗ
có những đốm nắng sớm lọt qua tán lá đang rung rinh nhảy múa như những cách bướm
được tạo thành bởi ánh sáng. Những cánh nắng ấy cũng sáng lấp lánh trên đầu,
trên vai Tuất, tỏa lên mặt nó một vẻ rạng rỡ và khỏe khoắn của tuổi trẻ. Đây là
chỗ Tuất đứng đợi Ly, hầu như không thay đổi từ mùa này sang mùa khác, bất kể
trời nóng hay trời lạnh, chỉ trừ những lúc mưa, hễ Ly từ trong nhà chạy ra thì
thằng Tuất đã đứng đấy, ban ngày thì cùng đi lên trường, tối thì cùng đi sinh
hoạt thanh niên.
Có ít đứa học sinh trung học mà lại to cao như Tuất. Cái áo
nó mặc có vẻ bao giờ cũng chật, bao giờ cái cúc ở cổ cũng bật tung ra nên bao
giờ trông nó cũng như để phanh ngực trong khi cái quần nó mặc bao giờ cũng ngắn
một gấu, thành thử thầy chủ nhiệm thường phải nhắc nó ăn mặc cho nghiêm chỉnh.
Thầy chủ nhiệm nhắc vậy thôi, là để cho nó có ý thức, chứ còn thầy vẫn biết rằng
đối với Tuất thì hoặc là phải luôn có những bộ quần áo thật rộng, hoặc là cơ thể
đang phát triển của nó sẽ đòi phá tung cái sự gò bó của những bộ quần áo chưa mặc
đã chật.
Tuất cất tiếng gọi Ly với giọng ồm ồm của chàng trai đang vỡ
tiếng, đồng thời tay nó khoát một vòng rộng, động tác hoàn toàn dư thừa chứng tỏ
nó đang trong thời kỳ chân tay không yên.
- Ly ơi, có nhà không ?
Ly chạy ra. Tuất ngạc nhiên hỏi :
- Sao mày lại mặc áo đồng phục hôm nay ?
Nắng thu cũng đang tỏa sáng trên chiếc áo đồng phục học
sinh màu trắng làm cho mái tóc phủ ngang vai lấp lánh đen láy, đôi môi học sinh
đỏ mọng như hai cánh hoa mảnh mai xinh xắn gắn trên khuôn mặt có nước da trắng
hồng, lúc này trông Ly hoàn toàn không có dáng một cô gái nhà quê chăn bò. Từ
chiếc áo thoảng lên mùi băng phiến, chắc chiếc áo đã nằm im trong suốt cả mùa
hè nóng nực. Ly bảo :
- Tao đang chuẩn bị lên trường, mày có đi với tao không ?
- Lên trường làm gì bây giờ ?
- Nộp đơn xin thôi học.
Tuất lại huơ tay một cái, lần này là cái huơ tay của sự ngạc
nhiên đang tăng lên, mắt mở to nhìn Ly như vừa chứng kiến điều gì rất lạ lùng :
- Mày nói cái gì ấy nhỉ, xin thôi học á, ngôn ngữ hôm nay
nghe bất thường quá ?
- Đáng lẽ con bò nhà tao mà đẻ ra con bê cái thì may ra tao
còn được đi học tiếp, nhưng mà nó lại cho ra con bê đực. Giống đực chúng mày
chán chết, thật không đáng một xu !
Thôi, có ra trường với tao hay không ?
- Đi bằng cái gì ?
Ly cười, khoe ra hàm răng đều tắp và trắng ánh lên dưới nắng,
hai tay nó vỗ vào hai đùi.
- Đây này, xe căng hải chứ còn xe nào, hỏi rõ vớ vẩn !
- Thế thì để tao chạy về mượn ông già cái xe đạp.
Tuất chạy thật. Nó chạy một mạch khoảng hai cây số từ nhà
Ly về nhà mình lấy chiếc xe đạp Nhật của ông bố nó rồi cắm cổ đạp xe quay trở lại
đón Ly. Hai đứa đèo nhau đi trên con đường đất đỏ quen thuộc, con đường mà
chúng nó đã đi về cùng nhau từ năm lớp năm, Tuất thuộc từng ổ gà, từng vũng
trâu đằm nên mới hỏi Ly :
- Mày có đố tao nhắm mắt mà vẫn đi được không ?
Ly đấm thùm thụp vào lưng Tuất :
- Thôi, ông tướng ạ, cẩn thận không lại cho nhau xuống ruộng
bây giờ.
Tuất cười khì :
- Ruộng mùa này khô, sợ “điếu” gì.
Ruộng lúa hai bên đường đã xậm hạt, lúa chín không đều tạo
thành một chiếc thảm chỗ vàng chỗ xanh trải rộng vào đến tận lũy tre, chỉ khoảng
một tháng nữa là người dân ở bên trong những lũy tre ấy sẽ gặt lúa về. Gió vớt
lấy và mang theo mùi thơm của cốm tỏa ra từ cánh đồng lúa đang chín. Đã xuất hiện
mấy con chèo bẻo màu đen đậu giăng hàng trên dây điện bắc ngang qua cánh đồng.
Tiếng líp xe kêu rè rè như một bản nhạc đều đều vui tai làm cho hai đứa học trò
thêm phấn khích. Đến chỗ lên dốc, Ly hỏi Tuất :
- Có mệt không ?
Tuất đùa cợt, hổn hển trả lời :
- Vưỡn phình phường !
Khi đến trường,Tuất đứng ngoài đợi, để Ly một mình đi vào.
Bên trong đã có từng tốp học sinh đang lao động, chúng nó quét sân trường bụi
mù, vừa quét vừa trêu chọc nhau chí chóe. Trước cổng trường có hai cây phượng
vĩ, thân cây vạm vỡ đầy nhựa sống, đứng đối xứng nhau như hai người lính gác trẻ
trung. Tuất dựng xe vào gốc cây, rờ tay lên cái cây mà nó và cái Ly cùng mấy đứa
ở lớp đã trồng từ năm lớp năm, lúc ấy thân cây mới chỉ to bằng cổ tay khẳng
khiu của cậu học trò hơn mười tuổi. Mãi đến một ngày đầu hè năm lớp chín, khi
lũ ve sầu kêu ra rả và đái ướt các gốc cây, từ trong lớp học cái Ly bất chợt
kêu rú lên vì nhìn thấy những chùm hoa đầu tiên ngập ngừng đỏ. Vậy mà đến mùa
hè năm lớp mười thì hoa đỏ đã phủ rợp ngọn cây, hai cây phượng vĩ đỏ hoa chẳng
khác nào hai lá cờ đỏ vĩ đại gợn sóng bay trước cổng trường.
Trong lúc đứng đợi Ly, Tuất nghĩ hai cây phượng đứng thành
đôi ở cổng trường cũng giống như Tuất và Ly ngần ấy năm học cùng lớp, nay Ly bỗng
dưng thôi học chẳng khác gì người ta đem bứng đi một cây. Tuất không có năng
khiếu về văn như cái Ly, nó học môn gì cũng ở mức trung bình, riêng văn chỉ được
trung bình kém, tuy nhiên đôi khi những so sánh của nó lại rất giàu hình ảnh và
sống động như thế. Đợi một lát thì Ly đi ra, trông buồn thiu.
- Gặp đúng cô chủ nhiệm, cô Diệp ấy, cô cứ gặng hỏi vì sao.
- Sao mày không bảo cô ấy là tại con bò !
- Giờ mà vẫn còn đùa được à ? Đang buồn thối ruột đây.
- Thôi học sướng bỏ mẹ còn kêu thối !
- Hoàn cảnh thì mới phải thôi học chứ sướng cái gì. Tao nghỉ
học, thừa ra tập sách giáo khoa lớp mười một, mày có lấy tao cho ?
Tuất trả lời dứt khoát, y như cái việc từ chối này đã được nó chuẩn bị từ trước :
- Không lấy.
- Sao thế, có rồi à ?
- Chưa có.
- Thế sao không lấy ?
- Tao cũng thôi học luôn !
Ly đứng sững lại, trân trân nhìn Tuất, đôi mắt mở tròn xoe,
trong veo như nước hồ Bơn, cái hồ tự nhiên có nước trong biếc nằm bên đường tới
trường.
- Mày đùa à ?
- Không đùa, thật một trăm phần trăm luôn.
- Sao bỗng dưng lại thôi học, có điên không ?
- Điên đấy ! Mày nghỉ học thì tao đi học làm “điếu” gì, nghỉ
luôn cho vui.
Đã quen với tính cách bốc đồng của bạn, Ly nhận thấy thằng
Tuất đang nói thật và biết nó đủ mức lì lợm để làm thật. Cô bực tức :
- Một đứa đã phải thôi thì một đứa phải cố mà học chứ, mày
nghĩ cái kiểu gì lạ vậy ? Muốn thôi học thì sao không vào nộp đơn đi !
- Làm đơn xin học chứ ai làm đơn xin thôi, vô duyên. “Tốp”
lại, không phải bàn chuyện này nữa, quyết rồi. Bây giờ mình đi chơi để kỷ niệm
ngày hai đứa cùng thôi học.
Ly xịu mặt xuống vì trong lòng bỗng trĩu nặng một nỗi buồn,
một nỗi buồn có nguồn cớ chứ không phải “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” !
Bạn bè chơi với nhau nên Ly biết rõ Tuất,
ở nó thỉnh thoảng lại có một hành động bất ngờ như thế. Tuy nhiên, lần này cái
quyết định bất thình lình của Tuất táo tợn quá, và lý do, theo Tuất nói, lại bởi
Ly. Nếu thật sự nghỉ học vì Ly thì Ly sẽ áy náy đến bao giờ ! Ly muốn tìm lời
thuyết phục nhưng bao nhiêu ý tứ còn đang rối loạn trong đầu thì Tuất đã giục :
- Sao còn đứng ngây ra đấy, đi thôi !
Ly nhảy lên
poóc-ba-ga ngồi như người không hồn. Nó hỏi Tuất :
- Đi đâu ?
- Thì cứ đi, lang thang thế này thôi, mày không thích à ?
Ly thích tuy nó không trả lời. Đây là lần đi chơi lang
thang đầu tiên của hai đứa. Thường vẫn
bên nhau, khi đến trường, khi học nhóm, khi sinh hoạt chi đoàn, nhưng đi lang thang
riêng hai đứa thì chưa bao giờ, vậy nên, không nói ra nhưng cả hai đều thích. Mới
vừa quyết định thôi học mà chúng nó đã thấy như được sổ lồng, kể từ nay sẽ rũ bỏ
mọi lo âu về những thuộc bài hay không thuộc bài, điểm cao hay điểm thấp, nhất
là nỗi lo ê chề đến kỳ mà chưa có tiền đóng học phí. Chính là với tình cảm ấy
mà Tuất đèo Ly lang thang từ trường ra tới đường đi lên Tản Lĩnh, ở đây nhiều
quán hàng đã mọc lên với những tấm biển ghi dòng chữ to đùng màu đỏ “Sữa tươi
Ba Vì”. Thỉnh thoảng xen giữa những tấm biển quảng cáo sữa tươi ấy là tấm biển
màu đỏ chữ vàng ghi ba câu cộc lốc “Mua bán đất”, ô tô con và xe máy ra vào có
vẻ nhộn nhịp hơn hẳn những nơi chỉ bán sữa không.
Đến gần trưa bụng
đói réo lên ùng ục, Ly níu áo Tuất :
- Mày có đói không, tao đói lắm rồi.
- Tao cũng đói, đèo mày nặng bỏ mẹ nên càng đói.
- Bây giờ có cái gì mà ăn nhỉ, tao có năm nghìn đây.
- Tao có mười nghìn, cộng vào được mười lăm nghìn, tốt chán
!
Chúng nó dừng lại ở một cái quán mà đập ngay vào mắt là
hình ảnh một con bò sữa đen khoang trắng với bộ vú đồ sộ đang nhe răng cười
trên tấm biển quảng cáo khủng. Tuất lẩm bẩm “lại bò !”. Cô bán hàng thấy có
khách liền đon đả chạy ra kéo ghế nhựa màu xanh mời chúng nó ngồi, khi Tuất hỏi
có gì ăn không cô bèn bê ra một rổ bánh còn nóng.
- Bánh tẻ chị mới lấy ở chợ Mía đây, ngon lắm, các em ăn
đi.
Ly dè dặt hỏi :
- Bao nhiêu tiền một chiếc hả chị ?
- Có 3 nghìn thôi, ăn đi, không tiếc đâu.
Thằng Tuất gọi 4
cái, mỗi cái 3 nghìn, bốn cái 12 nghìn rồi
quay ra cười với cô bán hàng :
- Còn ba nghìn chị cho nốt rượu ra đây.
Nhìn mồ hôi hạt lăn từ tóc mai xuống má thằng Tuất và cái cổ
áo ngực của nó phanh ra, Ly đưa mắt lườm nó, ngán ngẩm ca thán :
- Khiếp, tí tuổi đã nốc rượu !
- Mày không biết à, không rượu thì làm sao mà thành trai
Thung Củ được !
Ly nhẹ nhàng bóc
bánh, tách ra từng lớp lá chuối như bóc bánh chưng, chiếc bánh tẻ đặc sản của
Sơn Tây có màu trắng ngần, nhân bánh làm từ thịt băm mộc nhĩ xào hành mỡ thơm
tho và béo ngậy. Nó để nguyên chiếc bánh ngon lành trên miếng lá chuối mỏng đưa
cho Tuất rồi mới bóc cái khác cho mình. Đối với học trò nhà quê, như thế cũng
là một bữa sang, sang mà vui. Thoáng cái thằng Tuất đã xơi hết hai chiếc, Ly bẻ
nửa phần chiếc bánh còn lại của nó đưa cho Tuất, anh chàng cầm lấy, cười khì
khì. Tuổi trẻ nó thế, vui thì quá ngọ mà buồn thì không quá mùi, buồn một lúc rồi
vui, vui như gió, buồn như đám mây bay, quên buồn ngay được. Xong bữa, Ly bảo
Tuất :
- Mày có mệt để tao đèo cho một quãng.
Tuất bĩu môi :
- Ai để mày phải đèo, điên à !
- Sĩ diện ! Tránh ổ gà ra, đừng để thủng lốp bây giờ không
còn đồng nào đâu. Này, thế mày định nghỉ học thật à ?
- Thật !
- Nghỉ học thì mày làm cái gì ?
Rất nhanh Tuất quay hỏi lại :
- Mày làm gì ?
- Tao nuôi bò vắt sữa, theo con đường của anh hùng nuôi bò
Hồ Giáo.
- Còn tao á, thiếu gì việc, đi phu hồ, vào khu du lịch chụp
ảnh thuê, cùng lắm theo ông Đại đi bẫy chim, lăn lộn như Pa-ven Coóc-xa-gin tronbg
cái tiểu thuyết mày cho tao mượn ấy chứ !
Tuất đã kể ra những công việc mà phần lớn trai làng đang
theo, trong những việc ấy nó thích nhất đi bẫy chim. Đã quá năm mươi tuổi, ông
Đại tuy gầy gò nhưng dẻo dai, nước da phơi nắng đen bóng, mắt nhìn bao giờ cũng
nheo nheo khiến cho đuôi mắt hằn rõ những vết chân chim. Người ta vui đùa gọi
ông là “Đại du”, mỗi lần vác sào vác lưới đi là ông xách về từng xâu hàng chục
con chim ngói béo hú. Cho tới bây giờ, người trong thôn Tuất chỉ phục duy nhất
có ông Đại, tôn ông là bậc cao thủ trong làng săn chim, đã vài lần dám bỏ học
theo ông đi bẫy.
- Chỉ được cái bốc phét là giỏi !
- Còn gì nữa, có phải cứ đi học rồi mới nên người đâu. Nghe
này, Trần Đức Tuất này là thép đấy, thép chưa tôi đã thế, hãy đợi đấy, hê hê !
Ly bám chặt lưng Tuất khi xe đổ dốc, tiếng líp xe lại reo
trên con đường đất đỏ, bụi đỏ cuộn lên từng lớp mỏng sau xe, hoa báo mưa tươi hồng
lác đác nở hai bên đường, gió mùa thu rời rợi thổi tung mái tóc. Ngồi đằng sau,
trong những ngọn gió thổi vào mặt, Ly vô tư ngửi thấy có mùi mồ hôi chua chua từ
người Tuất phả ra. Hơn bao giờ hết, chính lúc này đây, khi mà trong lòng cô chứa
chất đầy luyến tiếc đối với ước mơ một ngày nào đó sẽ bước vào trường đại học,
cái ước mơ vừa mới đổ vỡ đây thôi, Ly phát hiện ra và cảm nhận thật rõ ràng là
Tuất đang chia sẻ với cô, san vợi đi cho cô bao nhiêu nỗi niềm, làm cho cuộc sống
của cô, ở cái chỗ ngoặt này, cũng không phải là không tươi đẹp. Chẳng mấy chốc chúng nó đã về đến dốc Thung Củ,
từ đây nhìn về thôn thấy rõ một rặng xoan vẽ lên nền trời những nét đồng quê
yên bình, xa hơn nữa là dãy núi Ba Vì xanh đậm và hùng vĩ.
Chương 2.
Một chiếc xe máy pơ-giô màu đỏ cũ kỹ chạy trên đường vào
Khoang Xanh, bánh xe đè lên những đám rơm màu vàng ươm do người dân trải ra đường
phơi nắng. Người ngồi trên xe mặc quần áo bộ đội cũ, trông cũng cũ kỹ như chiếc
xe, đầu đội một chiếc mũ bảo hiểm to quá khổ màu đỏ, người và xe hài hòa làm
nên một cảnh tượng kì dị hiếm thấy ở con đường đầu thôn vắng vẻ, cho nên, khi
cái cảnh tượng kì dị ấy vừa xuất hiện thì trẻ con đã kéo nhau chạy đuổi theo,
miệng hò hét :
- A, ông Hà Nội chúng mày ơi, ông Hà Nội ơi !
Tụi
trẻ con chỉ dừng lại khi “ông Hà Nội” rẽ vào một cái ngõ nhỏ, ở đấy ông bà Triệu
đang đứng đợi. Bà Triệu, một người đàn bà nửa tỉnh nửa quê, mặc chiếc áo cánh cộc
tay màu hạt dẻ để lộ ra đôi cánh tay mập mạp phốp pháp, đỡ lấy chiếc mũ màu đỏ
“ông Hà Nội” vừa tháo từ đầu ra.
- Chào ông Điển, ông nhà tôi ra vào ngóng từ rõ sớm. Ông đi
đường có mệt không ?
- Cứ chớm vào Khoang Xanh là khỏe khoắn hẳn lên, có bao giờ
về nhà ông bà mà thấy mệt đâu.
Ông Triệu ra đón bạn, chân ông không nhấc cao lên được nên
chỉ bước những bước ngắn chậm chạp, tay trái ông đỡ tay phải ông mà vẫn run,
trông ông rõ ra là người bị bệnh liệt rung. Nhìn ông Triệu đứng cười cười, ông
Điển vui vẻ nói đùa :
- Run rẩy thế mà vẫn ra đón tận cổng cơ đấy, té ra ông hơn
tôi ở chỗ có bà ý trông nom nhưng lại không được cứng chân khỏe tay như tôi.
Ông Điển và ông Triệu là bạn chiến đấu những năm tháng tuổi
trẻ, là đồng đội ở chiến trường K, tức là chiến trường Campuchia vào những năm
1979 đến 1989. Miếng sẹo đỏ óng như một miếng cao su nhăn nhúm dán trên má phải
của ông Triệu là chứng tích còn lại của một cú đẩy người đồng đội, tức là ông
Điển, tránh khỏi đường đạn B40 của tụi lính áo đen Pôn Pốt. Cú đẩy mạnh ấy làm
ông Điển ngã sấp xuống trong khi cái lưỡi hái thần chết như một luồng phụt đỏ lừ
và nóng rẫy xẹt ngang má ông Triệu, để lại ở đấy dấu vết kỷ niệm chiến tranh.
Sau này, mỗi khi nhìn mặt người đồng đội méo đi khi vui cười, ông Điển không khỏi
nhói tim xót xa, niềm xót xa đầy ân nghĩa đối với người đã nhận lấy vết sẹo ấy
để giành lại mạng sống cho mình. Trận mạc với những hy sinh mất mát ở một đất
nước xa lạ đã gắn bó họ sống chết có nhau, về sau trở thành một cặp cựu chiến
binh luôn cặp kè bên nhau, không phải lại để đánh nhau với một kẻ thù nào mà để
được thỏa sức “chém gió”, hễ lâu lâu mà
không gặp nhau thì họ khó chịu lắm. Là đồng đội, họ chia sẻ với nhau mọi chuyện,
gia đình, con cái, và nhất là những bức xúc xã hội. Tuy nhiên có một cái không
đồng là bệnh, mỗi ông một bệnh. Ông Điển còn khỏe, vẫn đi làm, nhờ trời chỉ
viêm họng sổ mũi, đau nhức xương cốt, người có tuổi ai chẳng thế. Ông Triệu sau
khi xuất ngũ vì mất sức ít lâu bỗng sinh
ra cái bệnh run, chân tay lúc nào cũng lẩy bẩy, đi khám bác sĩ bảo đấy là bệnh
pắc-kinh-sơn, tiếng ta là bệnh liệt rung, uống thuốc chỉ đỡ chứ vô phương cứu
chữa. Được cái người chiến sĩ đã giơ má ra nhận lấy đường đạn thay cho bạn lại
luôn lạc quan, bệnh thì bệnh chứ kệ mẹ nó, không đuổi được bệnh đi thì sống
chung với bệnh, cần quái gì. Ông Điển bảo như thế gọi là lạc quan cũng được mà
gọi là AQ cũng được, thế nào cũng được, thiên hạ bây giờ lẫn lộn giữa AQ với lạc
quan nhiều lắm. Ông Triệu lại bảo ừ thì thế nào cũng phải, chẳng phải là bảy
mươi thì nghe cái gì cũng thuận tai đó hay sao, miễn là cái “bắc-kinh-sơn” ấy đừng
có tiến triển nữa. Hai ông bạn già gặp nhau lúc nào cũng vui vẻ như thế, thường
thì chuyện này xọ qua chuyện kia, dây cà ra dây muống, lúc thì nghiêm túc, lúc
thì trêu chọc nhau. Riêng lần này ông Triệu tỏ vẻ u uất không vui, ông Điển vẫn nhạy bén cảm thấy điều đó
nên hỏi ngay :
- Chắc ông lại có tâm sự ?
- Phải rồi, đầy một đống, đang muốn trút bớt sang cho ông.
- Tôi cũng đoán ra được một phần, lại cái vụ đất dự án mà
ông nói độ trước ấy chứ gì ?
- Vụ ấy đã xong, giấy tờ đền bù tôi ký hết rồi, tiền tôi cầm
đây rồi mà cứ bâng khuâng thế nào ấy, nhiều lúc như loãng trí không biết mình
đang nghĩ cái gì. Bỗng dưng thấy tiếc, tiếc lắm, ông không hình dung được thế
nào đâu.
- Có gì mà không
hình dung được, giống như tôi mất cái nhà hồi đổi tiền ấy chứ gì. Chiều tối hôm
trước nó đến nói ngon nói ngọt đòi mua bằng
được, mình xiêu lòng bán cho nó, sáng hôm sau đổi tiền đánh cái rụp, thế là cả
cái nhà còn được hai chỉ vàng, tiếc ngẩn tiếc ngơ mãi.
Ông Triệu hấp háy mắt nhìn nắng vàng hoe đổ xuống sân, nói
giọng thẫn thờ của người vừa mất của :
- Thế đã thấm gì. Hàng mẫu vườn đất đồi núi của mình bỗng
dưng thành của người ta, vẫn cây cối ấy, ao chuôm ấy mà bỗng ra thành xa lạ với
mình. Tiền cầm về mất giá hàng ngày, từ hôm nhận tiền về tôi cứ như nhà kinh tế
bất đắc dĩ, hôm nào cũng theo dõi giá đô la, giá vàng lên xuống ra sao.
- Anh lính quèn bỗng trở thành người giàu có khác – Ông Điển
như muốn chọc tức bạn - Khiếp thật !
- Chưa hết đâu, còn chuyện cái thằng Tuất nữa mới là vấn đề.
Con em nó vừa thi vào Đại học sư phạm ngoại ngữ, nó chăm chỉ nên tôi không sợ.
Sợ nhất là cái thằng anh nó, cái thằng Tuất ấy.
- Có phải em nó là con Thư không ?
- Đúng rồi, nó được cái chăm chỉ thôi chứ không xuất sắc.
Còn thằng anh nó mới tệ, lêu lổng từ ngày bỏ học đến giờ. Nó thì yêu vườn tược
thật đấy, cũng chịu khó trông nom con lợn con cá, nhưng đấy là lúc chưa có dự
án. Bây giờ dự án rồi, lấy đâu ra vườn đất mà trông nom nữa, tôi sợ nó đi vào
xã hội đen thì bỏ mẹ.
Ông Điển khoát tay phán một câu xanh rờn :
- Phải đưa nó đi vào xã hội đỏ chứ ông. Nếu thằng Tuất mà
chịu học hành đến nơi đến chốn thì lo cho nó đi công an, con Thư đi bác sĩ, ấy
mới là nhà có phúc bây giờ, cứ là vững như bàn đá.
Nói dứt lời ông Điển mới chợt nhận ngay ra sự vô duyên của
ý nghĩ vừa rồi, vô duyên ở chỗ lấy đâu ra cái nếu đó. Tuy nhiên ông cũng cao hứng
cho rằng chính ông vừa đưa ra một khái niệm lạ, xã hội đỏ, để đối lập với xã hội
đen mà ông Triệu nhắc tới, thế thôi, còn nội hàm của khái niệm này thế nào thì
để khi có thời gian ông sẽ đi sâu vào tìm hiểu.
Ông Triệu giơ bàn tay run của mình lên xua xua :
- Chỉ được cái lãng mạn hão, chẳng trách hồi ở K ông cứ hay
bị phê bình về cái thiếu sót này ! Con mình vừa bỏ nhà đi sáu tháng trời, còn
không biết nó đi đâu, làm gì, lấy đâu ra mà công an với xã hội đỏ !
Gió từ cánh đồng thung lũng trước nhà thổi lên hiu hiu mát,
nắng cũng vàng hoe phơi trên những thửa ruộng vừa mới gặt. Một đám mây trắng lững
thững trên đỉnh dãy Ba Vì, vô tư như là ngoài việc trưng ra cái màu trắng xốp
như bông thì đám mây kia chẳng có gì để phải vội vàng. Bà Triệu bưng ra một ấm
chè tươi kèm một đĩa lạc luộc. Lạc mới dỡ ngọt như đòng, là của hàng xóm đem
cho, ở mường ở bản thế này tuy không làm nông nghiệp thì cũng vẫn cứ mùa nào thức
nấy, ngô có ngô, lạc có lạc, xóm giềng qua lại còn vui vẻ tự nhiên lắm chứ chưa
như ngoài Hà Nội.
Hai ông bóc lạc nhâm nhi, đang chuyện rôm rả thì thấy chó sủa
rộ lên ngoài ngõ rồi có tiếng gọi giật giọng :
- Ông bà Triệu có ai ở nhà không ?
Ông Triệu nuốt vội hạt lạc đang nhai dở khiến cho cái yết hầu
nhô hẳn lên, bỏ nắm lạc trên tay xuống đĩa, lật đật đi ra xem ai, hóa ra ba
công an xã. Ông ngạc nhiên, đứng ngẩn ra một lúc mới cất được tiếng chào :
- Có nhà cả đây, mời các anh vào uống nước.
Một người không mặc đồng phục làm mất cả cái oai của hai
anh công an kia gọn gàng trong bộ quần áo mầu xanh rêu. Tuy nhiên, người không mặc đồng phục ấy, người lùn nhất
trong đám lại đang tỏ ra là chỉ huy khi mà chỉ một mình anh này liên tiếp nêu
câu hỏi trong khi hai người kia đảo mắt nhìn, tất nhiên là cái nhìn nghiệp vụ.
- Anh Trần Đức Tuất có nhà không ?
- Em nó đi vắng, không có nhà.
-Đi đâu, ở nhà ai ?
- Nó đi nó về lung tung, chúng tôi cũng không biết.
- Thế là ông bà không làm tốt công tác quản lý con cái !
Ông bà Triệu im như thóc, không biết đáp lại thế nào. Anh
chỉ huy giở trong xắc-cốt đeo bên mình ra một cuốn sổ tay, lật mấy trang nhìn
vào đấy, nói :
- Hôm nay chúng tôi đến để thông báo cho ông bà biết là
công an xã chúng tôi trong thời gian vừa qua nhận được ba đơn thư tố cáo có
liên quan đến anh Tuất, một đơn về việc anh Tuất bán trộm của dân một cây lộc vừng
lâu năm lấy năm triệu đồng, một đơn tố cáo anh Tuất trộm chó về giết thịt rồi
nhậu nhẹt cùng một số thanh niên chậm tiến, có tiền án tiền sự trong xã. Nghiêm
trọng nhất là đơn tố cáo anh Tuất trộm bò nhưng không thành.
Sau khi nhấn mạnh cái tội danh trộm bò hụt của thằng Tuất,
anh chỉ huy dừng lại, ngước mắt nhìn nhanh mọi người, giống như mấy ông đọc diễn
văn trong vô tuyến ngước lên nhìn người nghe một tí, rồi lại cúi xuống quyển sổ
:
- Những đơn thư này đã làm ảnh hưởng đến công tác xây dựng
thôn làng văn hóa mới. Qua quá trình nắm bắt tình hình và rà soát các đối tượng,
chúng tôi cho rằng những vụ việc này đều xảy ra trong địa bàn xã là địa bàn quản
lý của chúng tôi, là những vụ việc có hệ thống và khá nghiêm trọng nên chúng
tôi quyết định triệu tập anh Tuất lên công an xã để làm rõ.
Tuy bà Triệu không bị liệt rung như chồng nhưng nghe công
an xã đọc đến đâu chân tay bà cũng run lên bần bật đến đó. Ông Triệu, cả ông Điển
nữa, cứ há hốc mồm ra nghe, kinh ngạc, không tưởng tượng nổi thằng Tuất lại có
thể gây ra những chuyện đối với họ là kinh trời động đất đến như vậy. Anh công
an mặc thường phục nhìn bao quát mọi người rồi nói tiếp :
- Chúng tôi đã đọc lệnh triệu tập anh Tuất, anh ấy không có nhà thì mời ông bà nghe và ký
vào đây, khi nào anh ấy về thì bảo anh ấy lên gặp chúng tôi ngay.
- Vâng, nhất định rồi.
Ông Triệu
run tay nên cứ lóng ngóng cầm bút mà không ký nổi, cuối cùng phải nhờ đến bà.
Con chó đen bốn mắt đuổi theo gâu gâu mấy anh công an đi ra ngõ bất chấp cả lời
mời ăn lạc luộc và uống nước chè tươi của chủ nhà. Công an đi rồi mà ba người
còn ngồi lặng, một lúc sau mới chuyện trò được tiếp. Tai nghe mắt thấy những chuyện vừa rồi, ông Điển tỏ ra lo lắng
không kém ông bà Triệu.
- Kiểu này gay đấy, có khi phải lấy vợ cho thằng Tuất để vợ
nó quản.
- Nói mãi mà không ăn thua gì, cứ như nước đổ đầu vịt.
Không học hành, không chịu khó làm việc, suốt ngày lêu lổng mà chỉ muốn có thật
nhiều tiền, muốn làm giàu thật nhanh ! Tụi chúng nó bây giờ lạ thật, mình không
thể hiểu nổi, chỉ có đi ăn cắp, ăn cướp của người ta thì mới giàu có kiểu ấy được.
- Nó có năng lực gì không ?
- Ông nói vui nhỉ, gây gổ đánh nhau là giỏi chứ năng lực gì
! Hôm qua nó dám chặn mấy thằng công nông, trấn của người ta ngót triệu bạc có
tệ không !
- Chết thật, làm thế nào mà trấn được của bọn công nông, bọn
ấy rắn lắm, chẳng có câu “ra đường sợ nhất công nông” là gì !
- Chỉ va quệt có tí tẹo nhưng chó cậy gần nhà, gà cậy gần
chuồng đấy mà. Mấy thằng công nông lạ, vô phúc gặp nó khi đang chở gạch cho người
ta. Chủ nhà thuộc loại dĩ hòa vi quý, muốn cho xong chuyện nên dúi cho mấy thằng
công nông triệu bạc trả cho thằng Tuất. Chuyện đang ầm lên kia, mấy ông công
an xã đã lởn vởn đi tìm thằng Tuất mà
không biết nó đi đâu nên mới phải đến nhà.
- Nó đi đâu ?
- Ai mà biết được, đi đâu có bao giờ nó khai với mình. Đến
giờ mà vẫn phải lo về con cái mệt lắm ông ạ, thật là con dại cái mang !
Ông Điển chạnh lòng thương bạn bèn nói :
- Hay là thế này, mình tìm cho nó cái việc gì ở ngoài Hà Nội
?
- Mã nó ra Hà Nội thì chỉ có đi gác cổng chứ làm gì. Bằng
phổ thông chưa có, vi tính vi teo chẳng biết, ai người ta mướn.
- Đấy, ông vừa gợi ý cho tôi đấy - ông Điển reo lên như lại
vừa tìm được một khái niệm gì mới - Trước tiên hãy cứ cho nó đi làm gác cổng
cái đã, nhất quyết không để cho nó lêu lổng nữa. Tôi có thằng cháu quen với một
người bạn là chủ của một tòa nhà chung cư, đang tuyển bảo vệ, tôi bảo cháu giới
thiệu một câu là được ngay, rất phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của thằng Tuất
bây giờ. Ông thấy thế nào ?
- Được thế thì mừng quá, nhưng không biết ý nó ra sao.
- Thôi, câu chuyện này hãy cứ thế đã. Tôi thấy đói rồi, ở
trên này ăn ngủ tốt thế đấy, nếu về sau
có dự án vàng đi chăng nữa thì ông cũng cố mà giữ lấy mảnh vườn với cái nhà
này, để lấy chỗ cho hai thằng mình dưỡng già đấy nhé.
- Đói rồi thì đi ăn thôi, hôm qua lấy được con chạch chấu,
bà ấy bóp mẻ om riềng từ sáng chờ ông.
Ông Điển hít hít mũi như đã ngửi thấy mùi thơm lừng của món
chạch chấu om riềng. Trong lúc chờ bà Triệu dọn bữa, ông Điển lại đứng ngắm cảnh.
Ngọn Ba Vì đang ở trước mặt ông. Dãy núi xanh thắm màu xanh thiên thu tạc lên nền
trời trưa hè cái dáng vẻ oai vệ thánh thần của nó.
*
*
*
Cuối tháng 9 năm 1999, sau một cơn bão muộn, nhẹ nhưng gây
lụt hiếm khi thấy ở Ba Vì, ông bà Triệu nhận liền hai tin vui : cô con gái
trúng tuyển vào Đại học Sư phạm ngoại ngữ, cậu con trai được ra Hà Nội làm bảo
vệ. Ông bà trích tiền đền bù đất tậu cho cô cậu mỗi người một xe Hon-đa Uây, cô
Thư thích con màu xanh, cậu Tuất thích màu đỏ. Không giống như ông Triệu với
ông Điển, lũ trẻ bây giờ thích màu đỏ chỉ vì chúng cho màu đỏ là mạnh mẽ và may
mắn. Lại còn mỗi đứa một cái điện thoại di động Nôi-ka nữa chứ. Chúng nó đòi bằng
được, đòi như biểu tình, bởi vì, sống ở Hà Nội bây giờ mà không có điện thoại
di động thì làm sao mà sống nổi. Bà Triệu ngồi tính, cả tiền mua xe với tiền điện
thoại, mua sắm quần áo cho hai đứa cũng mất đứt năm chục triệu mà rợn tóc gáy,
ai đời tiêu hàng chục triệu mà cứ giống như đi chợ tiêu chục nghìn vậy. Ông Triệu
điềm tĩnh hơn, lý lẽ của ông là may mà còn có khoản tiền đền bù đất, nếu không
lấy cái gì mà lo cho chúng. Thôi, mình không tin có số phận nhưng nó cũng tại số
bà nó ạ, nhìn lên không bằng ai, nhìn xuống còn hơn khối người, đến đất cũng
không có mà bán, con cái thì ban ngày đi cắt cỏ nuôi bò, ban đêm đi canh cá, ra
Hà Nội làm gác cổng cũng không dám mơ chứ nói gì đến đi đại học. Bà Triệu bĩu
môi bảo nói như ông thì hết cả chuyện rồi kéo ông ra tận gốc cây khế, thì thào
:
- Tôi nói ông biết thế này nhé, ông Điển đã trao đổi với
tôi, chúng nó ra Hà Nội, đứa thì có tiền lương, đứa thì có học bổng, mình không
phải cho tiền chúng nó nữa. Có nhiều tiêu nhiều, sinh hư !
Miếng sẹo trên má ông Triệu đỏ lên, giật giật :
- Cũng phải cho chúng nó chút tiền túi chứ.
- Tôi chỉ cho thêm mỗi đứa năm trăm nghìn, hai đứa dư là một
triệu, ông đừng có can thiệp vào, không chiều theo chúng nó được.
Ông không cãi lại bà, lặng im run rẩy đi vào, đã bao giờ
ông chiều con mà chạy theo chúng nó đâu.
Hai anh em thằng Tuất hẹn nhau chọn sáng ngày 12 tháng 8 âm
lịch là ngày đẹp, lại vừa trước Trung thu, để ra Hà Nôi, vậy mà đêm 11 tháng 8
thằng Tuất bỗng biến mất, tận trưa hôm sau vẫn không thấy mò về. Đến khi cái
Thư sốt ruột quá định bỏ đi một mình thì bỗng nghe tiếng xe máy ngoài ngõ, nhìn
ra thấy một chàng trai cường tráng cưỡi chiếc xe Uây đỏ, mặc áo ti-sớt màu đen
có in một cái mặt người màu trắng ở phía trước, mắt đeo kính râm, ngực đeo lắc
bạc to kềnh óng ánh, tóc vuốt ngược lên như tóc ca sĩ. Thư nheo mắt nhìn mãi mới
nhận ra ông anh, nó líu lưỡi gọi mẹ :
- Ối lèo ơi, té ra là anh Tuất ! U ơi ra mà xem này !
Ông bà Triệu thô lố mắt như vừa nhìn thấy một người từ hành
tinh khác đến. Sau một đêm Tuất đã thay đổi hẳn, thế này thì ai dám bảo nó là
người Thung Củ nữa, thanh niên Thung Củ thuần những người quần nâu áo
xanh, cách đây ít lâu khi còn đi canh cá
thằng Tuất cũng ăn mặc thế thôi mà sao nó sành điệu lên nhanh thế. Tuất nhăn
răng cười, giơ cao tay cho người ta nhìn thấy cái đồng hồ lấp lánh sáng. Bà Triệu
thấy thế mà dở khóc dở cười, buốt đến tận ruột tận gan. Bỗng dưng cả hai đứa
cùng đi một lúc, người mẹ nào mà chả như con gà mái, lúc nào cũng chỉ chực xòe
cánh ra ấp lấy các con, các con đi rồi thì chỉ có mà ấp bóng. Nhìn chúng nó lớn
khôn bước ra với đời cũng nở nang mặt mày nhưng trong bụng thì phát khiếp, chỉ
có mấy ngày mà tiền đổ vào các thứ sành
điệu kia hàng chục triệu, moi đâu ra. Ông Triệu vẫn điềm tĩnh vì ông có triết
lý của ông, ông bảo phải tùy duyên, nước đến đâu bắc cầu đến đấy, ngồi mà lo
sao cho xuể. Bà Triệu lại quay qua dằn vặt ông : chẳng có ai chiều con như ông,
đòi cái gì cũng được.
Thằng Tuất vẫn cười khi nghe bố mẹ lời qua tiếng lại, cười
chán nó nói :
- Thầy u thì lúc nào cũng tiền ! Khỏi lo đi, toàn là tiền
con đi vay chứ có xin thày u đâu. Rồi đây con làm ra khối tiền, hôm qua đi xem,
cô nói tuổi Nhâm rồi cứ mà tiêu nhọc. Cứ đợi đấy !
Đấy lại là một câu chọc tức bà Triệu.
- Tiên nhân anh, tu tỉnh mà làm ăn chứ trông mong gì, không
nghe lời thày u lại đi nghe cô với cậu nào, thật là cá không ăn muối cá ươn, con
không nghe lời cha mẹ trăm đường con hư, chẳng sai tí nào !
Nó lại cười, răng nó trắng nhởn ra thế kia, trắng như cái
hàm răng quảng cáo trên tuýp thuốc đánh
răng Đác-li. Rồi Tuất vừa cười vừa nói :
- Thầy u lạc hậu rồi, cả ngày cứ ngồi ở Thung Củ mà lo gần
lo xa thì làm sao mà phát triển lên được. Thời buổi bây giờ phải hành động chứ.
Ông Triệu chột dạ. Đấy cũng là cái điều ông nghĩ, ông đã
trao đổi với ông Điển về cái ý này, hai ông cũng đồng quan điểm rằng các ông đã
lạc hậu, rằng thời buổi bây giờ là thời buổi hành động, nhưng hành động thế nào
mới là câu hỏi của các ông đặt ra. Những ý này chưa bao giờ đem ra chuyện trò với
Tuất, vậy mà nó cũng nghĩ thế, nó lại nói thẳng ra với ông. Chúng nó thẳng thắn
chứ không quanh co, các ông không mấy
khi nói thẳng tuột được ra cái ý nghĩ của mình.
Đang mải nghiền ngẫm thì đã nghe tiếng bà Triệu xoe xóe :
- Gớm, nòng nọc chưa đứt đuôi đã đòi làm cậu ông giời ! Có
lạc hậu thì cũng đẻ ra các anh các chị, nuôi các anh các chị ăn học cho lắm vào rồi quay lại chê chúng tôi
lạc hậu. Rõ nỡm !
Con Thư chen vào :
- Anh rõ là…Đang yên lành chuẩn bị đi thì lại lắm điều, để
thầy u lôi cả em vào. Học hành đã chả chịu…
Thằng Tuất lại cười, cái miệng cười làm khuôn mặt nó rạng rỡ
ra, mặt ấy ai mà giận được. Ông Triệu tự hỏi không biết lúc nó gây gổ với tụi
công nông thì nó có cười như thế không. Nó vừa cười vừa nói với Thư :
- Chịu làm sao ? Cô cứ biết lo lấy cái thân cô đã nhá, tốt
nhất là lừa được đứa nào giàu có lấy làm chồng cho thầy u vui.
Bà Triệu giục :
- Thế các anh chị có định đi không, hay là lại đợi đến mặt
trời lặn rồi mới cuống lên ?
Tuất nói :
- Vội gì u, nếu không phải vừa đi vừa đợi cái Thư thì 60
cây số con chỉ làm một tiếng là đến nơi.
Bà Triệu lập tức lo lắng :
- Đi lấy chết hay sao mà đi nhanh như thế, hôm qua vô tuyến
vừa nói một ngày có mấy tai nạn giao thông trên đường Láng Hòa Lạc, xe cộ đi lại
tứ tung hỗn độn lắm.
Ông Triệu thêm vào :
- U mày nói phải đấy, tai nạn giao thông đang là vấn nạn.
Thằng Tuất tỉnh queo :
- Úi giời, chúng con bây giờ là thế hệ tốc độ, chết làm sao
được.
Nó quay sang bảo Thư :
- Mới có điện thoại nên chẳng có ma nào gọi cho tao. Mày bấm
số của mày vào đây, nhân thể chỉ cho tao cách gửi tin nhắn.
- Đúng là quê, đưa máy đây. Thế đã tạm biệt người yêu chưa
?
- Cả tối hôm qua rồi.
Ông Triệu giục :
- Chúng mày nhanh chóng lên mà đi, đã hẹn mà đến muộn thế
nào bác Điển cũng sốt ruột. Ở nhờ nhà người ta mấy ngày đầu thôi rồi nhanh
chóng tìm lấy chỗ, đừng quấy quả người ta nhiều quá.
- Có thế mà cứ giục cuống lên. Được rồi, con đi đây, thầy u
ở nhà bảo trọng nhé.
Nói rồi hai đứa hai xe vút đi, chúng nó đi mà không ngoái đầu
nhìn lại, không giống như những người trong phim lúc đi xa đều ngoảnh lại lưu
luyến nhìn phía sau. Ông bà Triệu đứng ngẩn ra rồi quay sang nhìn nhau, bà bảo
kể ra muộn thế này rồi thì giữ chúng lại ăn cơm chiều, sáng mai đi cũng được. Đấy,
có quả mít dai vườn nhà bảo chúng chở đi biếu ông Điển nhân ngày rằm tháng Tám
mà chúng cũng chẳng thèm để ý, quả mít này ngày mai chín, mời cả xóm đến ăn không
hết. Ông Triệu kéo cái ghế nhựa ra gốc cây khế ngồi trông về núi Ba Vì, tay cầm
cái quạt nan phe phẩy. Trông ông ngồi điềm tĩnh, chẳng ra người tư lự cũng chẳng
ra người “xăng xu-xi”. Quả vậy, ông chỉ đang nghĩ bữa cơm chiều nay chỉ
còn có hai ông bà, bỗng cái chỉ còn có
hai ông bà, ông dọn cơm sẽ chỉ sắp có hai đôi đũa. Cái hồi thằng cả đi xuất khẩu
lao động, ông còn tại ngũ, bà còn có anh em thằng Tuất cái Thư, cũng chẳng thấy
gì là buồn là lo. Bây giờ tay ông phe phẩy quạt có vẻ điềm tĩnh lắm nhưng mà
trong lòng đang xao động, té ra cuộc đời là thế này, lớn lên lấy vợ lấy chồng,
sinh con đẻ cái quấn túm sum vầy cho đến lúc chúng nó trưởng thành thì mỗi đứa
đi một ngả. Ông Triệu ngồi bâng khuâng, mắt đắm đuối nhìn cánh đồng dưới thung
lũng lúa đã gặt hết còn trơ dạ màu vàng, bên kia thung lũng là rừng thiêng núi
thiêng đã ngả sang màu lam chiều. Ông thầm khấn các vị thần thánh núi rừng phù
hộ cho các con ông được hanh thông mọi việc. Bà Triệu mang cho ông bát nước chè
tươi nóng, đứng sau gọi ông hai lần ông không nghe, bực quá quay đi, miệng lẩm
bẩm rõ ra người vô tích sự.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét