Chương 18.
Xuân Trường châm lửa vào điếu xì-gà Tây Ban Nha, giơ điếu
thuốc lên trước mặt nhìn nó rồi mới ngậm
vào miệng. Anh ta có thói quen hút loại thuốc đắt tiền này vào sau các bữa ăn
hoặc vào lúc, như anh ta nói, cần tập trung suy nghĩ. Người lạ bước vào nhà anh
ta, từ bếp đến phòng ngủ chỗ nào cũng có thể ngửi thấy mùi xì gà, ngồi nói chuyện
với anh ta đôi lúc cũng phải chịu cái mùi hôi nồng nặc từ miệng anh ta phả ra.
Có lần, sau một cuộc làm tình, Diệu Hương đã nói nếu không phải là cô thì chẳng có người đàn
bà nào chịu nổi cái mùi hôi từ miệng Xuân Trường. Lần này không phải là sau bữa
ăn mà Xuân Trường châm lửa hút điếu xì-gà tức là anh ta có điều phải suy nghĩ.
Không phải về công việc, người như Xuân Trường xem công việc cũng thường thôi,
nếu phải suy nghĩ cũng chỉ là cái công việc ấy có mầu mỡ không, sẽ đem đến cho
anh ta những lợi lộc gì. Xuân Trường đang bận tâm chính là về cái mối quan hệ lằng
nhằng giữa anh ta với Diệu Hương và thằng Tuất, với đứa con chẳng ra là của thằng
Tuất, cũng chẳng ra là của anh ta, nhất là từ sau cái vụ thằng Tuất bắt được
anh ta đang ôm vợ nó. Con người lắm mưu cao kế sâu ấy, lúc đầu cũng chỉ là muốn
tránh cho Diệu Hương cái tiếng chửa hoang với anh ta, tránh làm mất mặt ông cụ,
cũng là giữ cho anh ta trên con đường dẫn tới một chiếc ghế mà anh ta đang nhằm
tới. Nhưng rồi với thời gian, mọi chuyện cứ bung bét ra, vượt cả tầm kiểm soát
của Xuân Trường. Diệu Hương từ chỗ chẳng coi Tuất ra cái gì thì nay nhiều lúc
đã tỏ ra biết điều hơn. Những cái ngớ ngẩn của Tuất trong làm ăn có vẻ như lại
được lòng ông cụ, ông cụ bảo nó thật thà, oái oăm nhất là cũng giống như thằng
Tuất, ông cụ một mực tin cháu ông cụ chính là con đẻ của thằng Tuất. Nhiều lúc
Xuân Trường chua chát nghĩ làm sao đàn ông lại có lắm đứa dễ bị lừa như thế.
Chính vì vậy sự có mặt của Xuân Trường trong gia đình ông cụ cứ tự nhiên mà mờ
nhạt đi, tất nhiên kéo theo nó là chiếc ghế mà anh ta nhắm tới cũng nhích xa dần.
Xuân Trường vội dụi điếu xì gà vào gạt tàn khi Diệu Hương mở
cửa bước vào, tay xách theo một cái túi đựng những thứ đồ của phụ nữ đi tập thể
thao. Dạo này Diệu Hương lên cân, béo ra trông thấy nên cô rất chịu khó đến
phòng tập.
- Sao hôm nay ông anh lại rảnh rang ngồi hút xì-gà vào lúc
này, có cái gì ăn không, em đi tập về đói quá ?
- Chỉ có sữa tươi trong tủ lạnh ấy. À, còn gói bánh ngọt Nhật
Bản nữa, người ta vừa mới cho hôm qua, em bỏ ra mà ăn với sữa. Muốn giảm cân mà
ăn như thế thì giảm làm sao được ?
- Không nhịn ăn được thì đi phòng tập, đơn giản thế thôi !
Anh gọi em đến có việc gì ?
- Dạo này mình ít gặp nhau quá, hôm nay rỗi anh nhắn Hương
đến nói chuyện thôi, chẳng có gì.
Diệu Hương bĩu môi :
- Chẳng chuyện này thì chuyện khác, có bao giờ là anh không
có chuyện !
Đúng là họ đã ít gặp nhau hơn. Thằng Tuất không nói thẳng
ra nhưng cái nhìn và vẻ mặt của nó rõ ràng không muốn cho Xuân Trường đến nhà nó nữa.
- Sao em không mang con bé đến chơi, anh nhớ nó.
- Anh thật dở hơi, đi tập ai mang con theo.
- Thằng Tuất làm ăn thế nào ?
- Cũng khó rồi nhưng nó vừa vay được ít vốn, kha khá, công
việc lại chạy.
- Ông cụ đỡ cho chứ có khối mà người ta cho nó vay.
- Thì vẫn ! Nó còn nhăm nhe nhờ em nói với cụ cho nó một
chân gì đấy.
Xuân Trường bật đứng dậy như có cái lò xo vừa bật tung lên
dưới mông anh ta.
- Cái gì, thằng Tuất nhăm nhe một chân ? Em hài hước à !
- Thế thì có gì lạ mà anh phải ngạc nhiên, khối người nhăm
nhe có khác gì thằng Tuất !
Xuân Trường lặng im. Anh ta với điếu thuốc, gạt hết chỗ tàn
dở rồi châm lửa hút tiếp. Trong con mắt của Xuân Trường, như thế là thằng Tuất
đang đi quá giới hạn của nó rồi. Nó chỉ đáng là một thứ công cụ trong tay anh
ta, đã có gì đâu mà ti toe bước vào chính trị. Thằng này đã đi quá đà, phải chặn
lại, phải đập cho chết. Bỗng dưng Xuân
Trường cười lên thành tiếng, rất ít khi anh ta cười thành tiếng như thế, để lộ
ra hàm răng vàng khè khói thuốc.
- Khôi hài thật, làm sao thằng Tuất có thể có ý nghĩ đó,
hay là nó huếnh lên sau mấy lần xuất hiện
trên ti-vi làm từ thiện ? Này nhé, tham gia câu lạc bộ doanh nhân cũng là anh dắt,
doanh nhân tiêu biểu cũng anh phím, làm ăn thì người ta cầm dự án đặt vào tay
cho, bây giờ nó còn muốn cái gì !
Chỉ một chút nữa là Xuân Trường còn nói “đến vợ cũng do người
ta cài” nhưng anh ta ghìm lại được. Hương nói :
- Đấy là ý muốn của nó. Nhưng mà em cũng ủng hộ.
Xuân Trường mỉa mai :
- Không phải tất cả những kẻ dốt được số phận đưa đẩy đến đỉnh
cao đều hiểu được rằng họ chỉ nhờ may mắn, những đứa này khi đã quen được số phận
nuông chiều thì còn tưởng rằng mình là người có đức có tài. Thế ông cụ bảo thế
nào ?
- Cụ bảo còn để xem.
- Thế thì phải chặn thằng này lại, thằng này quá đáng rồi,
nó muốn qua mặt anh, làm sao Xuân Trường có thể để như thế được !
- Anh mới thật quá đáng, ác vừa chứ, già mà còn ác rồi ai
gánh tội cho.
Xuân Trường cười kiêu ngạo :
- Cả em nữa, rồi em sẽ mang con về ở hẳn với anh thôi, trò
diễn rồi cũng đến lúc phải buông màn. Cái bóng của ông cụ ngắn lại rồi, em
không biết à, đợt tới ông cụ sẽ nghỉ.
- Cái gì, anh nói cái gì, nghe ở đâu ra ?
- Tốt nhất là đừng quấy ông cụ nữa, để cho ông ấy về yên !
Chương 19.
Cú điện thoại của Huy, một người bạn chí cốt gọi từ Hà Nội,
đã làm Kiên mất tập trung, nhấp nhổm không yên trong suốt buổi làm việc sáng
nay. Huy vẫn thường gọi cho Kiên nhưng toàn hỏi về chuyện yêu đương, có vẻ như
đang muốn làm mối cho Kiên một cô em Hà Nội nào đấy. Bởi vậy khi nghe Huy bảo
ra Hà Nội ngay đi, Kiên đã hỏi đùa :
- Ra làm gì, cô em họ mày vẫn bị ế à, lại nhờ mày thòng tao
chứ gì !
Huy gắt lên trong máy :
- Không, chuyện làm ăn nghiêm túc đấy. Tao đợi mày tối nay.
Chuyện làm ăn giữa hai người có thể là chuyện gì nếu không
phải là điều mà Kiên đang chờ đợi ? Huy hiện là ông chủ công ty HHT, một công
ty công nghệ thông tin, chuyên sản xuất phần mềm, kinh doanh theo kiểu bán sản
phẩm trực tiếp cho doanh nhân hoặc tổ chức kinh doanh mà họ thường nói theo tiếng
Anh là “B to B” (Business to Business). Trong khi đó, Kiên lại chuyên về cầu đường,
lọ mọ suốt năm ngoài công trình, vất vả như trâu húc mả, bởi vậy không thể có
chuyện Huy gạ bán phần mềm cho công ty xây dựng. Hay là Huy đã móc nối được cái
chuyện ấy !
- Tao đang bận lắm, nếu không phải cái việc đã bàn thì để
lúc khác tao ra.
- Không được chậm, ra ngay tối nay, nó đấy, đến lúc quyết rồi.
Thế là nó cúp máy.
Cơm trưa xong, Kiên vội vàng đi ngay, không quên nhét vội vào cặp cuốn
“Quốc gia khởi nghiệp” anh đang đọc dở, dự định phải đọc nốt khi ngồi trên máy
bay. Về tới Sài Gòn đã quá hai giờ chiều, Kiên định ghé thăm mẹ con Ly nhưng lại
thôi vì sợ lúc quay ra sẽ kẹt xe, nào ngờ máy bay chậm mất một tiếng, giam Kiên
trong phòng đợi víp. Chẳng còn cơ hội nào tốt hơn đối với Kiên để anh ngấu nghiến
mấy chương trong cuốn sách mang theo, mãi đến khi cô tiếp viên vào tận nơi mời
lên máy bay anh mới gập cuốn sách lại, đầu vẫn luẩn quẩn câu hỏi tại sao người
Ít-xra-en lại có thể làm được những điều họ muốn. Về tới Hà Nội đã quá 6 giờ rưỡi,
thời tiết ở đây lúc này thu đã già mà đông còn non, mặc chiếc áo cộc tay như
Kiên đang mặc thì se lạnh nhưng nếu khoác thêm chiếc áo khoác sẽ lại hơi nóng.
Kiên bốc máy gọi cho Huy :
- Tao ở Hà Nội rồi đây này, bây giờ đi đâu ?
- Bảo tắc-xi đưa đến quán phở Nam Ngư ấy, mày còn nhớ không, đợi ở đấy, tao
đến ngay.
Làm sao có thể quên được, Kiên nghĩ hẹn mình đến đây chắc
là một cách để Huy hoài cổ, ngày còn lập nghiệp họ thường rủ nhau ăn ở quán phở
gà Nam Ngư nổi tiếng này. Phố Nam Ngư lúc vừa tối trong ánh đèn mới bật có vẻ
nhỏ hơn xưa, chật chội bởi từng đoàn xe tắc-xi đưa khách vào các quán ăn theo
chiều từ Phan Bội Châu sang phố Lê Duẩn. Quán phở có vẻ như đã được nâng cấp,
thoáng đãng, sạch sẽ và thoải mái hơn nhưng vẫn giữ được nét cũ kỹ dân dã một
thời. Kiên nghĩ chắc phải rất khó để có thể giữ được nét đẹp quá khứ ấy giữa một
con phố mà giờ đây đã đầy rẫy những hàng quán hiện đại sang trọng.
Gần một nửa giờ sau Huy mới tới, vội vàng đi vào nhà hàng,
bộ com-lê màu ghi kẻ sọc rất đúng mốt vẫn nguyên vẹn mặc trên người, tóc dài xõa sang hai bên,
một chiếc kính cận khá dày đeo trên mắt.
- Đi ăn phở mà mày diện bảnh thế này cơ à ?
Huy cởi bỏ chiếc áo vét treo lên thành ghế trước khi ngồi
ngay ngắn đối diện với Kiên.
- Tao vừa ở chỗ người có trách nhiệm về, báo cáo ông ấy về
dự định của chúng mình mua đứt cái công ty vận tải biển. Được ông ấy động viên
lắm.
Kiên thở phào nhẹ nhõm, thế là cái điều anh thấp thỏm trong
suốt chuyến bay đã là sự thật.
- Vẫn là cái chỗ ấy chứ ?
- Từ từ đã, vội gì. Làm lon bia nhé ?
- Tùy mày, trong lúc chờ tao đã làm một lon Ken rồi.
- Bây giờ tao bắt đầu bằng một câu hỏi. Mày có nhớ cuối lớp
12, khi chúng mình chuẩn bị mỗi đứa thi vào một nơi, mày nói gì với tụi tao không
? Không à, thế mà tao nhớ đấy. Mày đã chẳng nói ước mơ của mày là sẽ trở thành
một Bạch Thái Bưởi là gì !
Câu
nói ấy của Huy đã chẳng khác nào như một chiếc búa máy ngay lập tức đập tan cái
bức tường bằng kính mờ ngăn cách hiện tại và quá khứ, kỷ niệm bỗng ào về, cuồn
cuộn dâng tràn như một dòng nước lũ nhấn chìm và cuốn phăng hai người bạn về những
ngày cuối cấp phổ thông. Xoay xoay chiếc cốc trên tay, mắt dán vào màu bia vàng
như thể nhìn thấy một thời trong cái màu vàng đại mạch ấy, Kiên mỉm cười nói với
Huy mà như nói với chính mình :
- Đấy là những ngày tuyệt đẹp phải không, là những ngày mà
tao, mày và chúng nó, đứa nào cũng ôm ấp một ước mơ trưởng thành và cống hiến.
Tao nhớ rồi, tao đã nói thế trong một cuộc giao lưu của chi đoàn, đứa nào cũng
phải trả lời câu hỏi rồi đây bạn sẽ làm gì cho đất nước.
- Thế mày có nhớ đến lượt tao, tao đã trả lời thế nào không
?
- Có, mày nói mày sẽ trở thành thuyền trưởng trên đội tàu của
Bạch Thái Bưởi mới, còn cái Nhung thì nói sẽ làm bác sĩ cho đội tàu của chúng
mình. Về sau này tao cũng đã có lúc tìm hiểu về Bạch Thái Bưởi, ông ấy mới thực
sự là một doanh nhân, sách vở ca ngợi ông ấy là một thương gia lớn giàu ý chí tự
cường, có tinh thần tự tôn dân tộc, một tâm hồn Việt.
- Mày mơ thành Bạch Thái Bưởi bây giờ lại trở thành kỹ sư cầu
đường, cái Nhung mơ thành bác sĩ trên tàu của chúng mình thì thành nhạc sĩ, còn
tao muốn làm thuyền trưởng cho mày lại hóa ra anh chuyên phần mềm máy tính, thật
chẳng cái nào ăn nhập với cái nào cả, cuộc sống nhộn thật đấy. Nhưng mà…
- Nhưng mà làm sao ?
- Mày có nhớ ông bô mày lúc bấy giờ hay mắng chúng mình thế
nào không, rằng tụi trẻ chúng mình thời bây giờ thiếu lý tưởng ! Nhưng tao
nghĩ, những khao khát được cống hiến vẫn cháy bỏng tận sâu trong tim óc chúng
mình chẳng phải là những khao khát lý tưởng đó hay sao ! Nếu bây giờ mày và
tao, chúng mình lại tiếp tục theo đuổi cái ước mơ thời ấy thì có phải là chúng
mình vẫn theo đuổi lý tưởng hay không ?
Chất men của kỷ niệm cộng với cốc bia Ken khi ngồi với người
bạn thân sau khi đã đọc gần hết cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” đã làm cho Kiên
luôn thấy nóng bừng và rạo rực, cả thể chất cũng như suy nghĩ, bứt rứt muốn làm
một cái gì, nhưng cái gì là cái gì đây. Kiên cũng không biết anh bạn của mình,
một anh chàng láu cá bông lơn thời trẻ, bây giờ đã thành một ông chủ có công ty
riêng, vợ con, nhà cửa đàng hoàng, nay bỗng
dưng gọi anh từ Bình Phước ra Hà Nội nhắc lại câu chuyện quá khứ là để dẫn anh
tới cái gì.
- Mày định đưa tao đi đến đâu mà liên tiếp đặt ra những câu
hỏi thế ?
- Đơn giản là thế này thôi, nếu đơn giản coi ước mơ ngày ấy
là lý tưởng thì mày đang có cơ hội thực hiện lý tưởng của mình đấy, có cơ hội
trở thành một tư sản dân tộc thực thụ với khát khao góp phần phát triển nền
kinh tế đất nước.
Nghe tới đây Kiên đã thấy sởn hết da gà, tuy nhiên anh vẫn
cố ghìm cơn bốc đồng của bạn :
- Thôi ông ơi, làm gì mà to tát thế, ông nói ngắn gọn và cụ
thể xem nào, có đúng là cái vụ công ty vận tải biển đó không ?
- Chính xác, tao đã tìm hiểu kỹ rồi. Một công ty vận tải biển
đang tiến hành cổ phần hóa, chuyển đổi thành công ty cổ phần. Người có trách
nhiệm cho tao biết sẽ thoái toàn bộ vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp này, như thế
có vẻ như mình có thể mua đứt. Mày là một thằng vẫn quan tâm đến tương lai của
đất nước này chứ không chỉ nghĩ tới đô la, tao biết, mày vẫn nói cần phải làm một
cái gì cho đất nước, thì cái gì ấy chẳng phải là việc xây dựng một đội tàu thuyền
vững mạnh về mọi mặt đủ để làm ăn phát đạt đồng thời góp vào khẳng định chủ quyền
biển đảo của mình hay sao. Nếu như chúng mình góp vốn mua hết cổ phần thì ông
nghĩ sao ông Bạch Thái Kiên ?
- Tuyệt quá, quá hấp dẫn ! Tao nóng rực cả người lên rồi
đây này. Mày nói cụ thể xem nào, có đúng Đại Bàng Biển ?
- Chính xác, cụ thể là thế này, công ty Đại Bàng Biển đang
khai thác một đội tàu, ác liệt đấy, gồm các tàu chở hàng rời, tàu dầu sản phẩm,
cả tàu công-tơ-nơ nữa, đấy là chưa kể nó còn mua bán tàu cũ và tham gia các dịch
vụ khác như đại lý, giao nhận…Bây giờ phải cổ phần hóa, mày biết tại sao rồi.
Trong tình hình khó khăn hiện tại của
ngành vận tải biển không phải nhiều người quan tâm đến vụ này. Nếu mình quyết
thì cũng không nên mở rộng, chỉ cần ba cổ đông là đủ theo luật định. Kể ra thì
cũng xương lắm, khó gặm đấy, nhưng đây
là ước mơ chúng mình, vậy tại sao không ?
- Vốn nhiều thế, tính thế nào đây ?
- Tao, mày, với hết tất cả những gì chúng mình đang có đem
cho ngân hàng. Chúng mình còn có hai trái tim nữa. Đấy mới thực sự là vốn, nếu
cần có thể móc ra đặt lên đĩa dâng cho họ, như trái tim Đan Cô, mày còn nhớ
trái tim Đan Cô không !
Kiên hét lên :
- Nhớ chứ, nhớ chứ. Tao vẫn có thể đọc thuộc được một đoạn,
nghe đây này : “Nghĩ ngợi không thể hất bỏ
được tảng đá trên con đường ta đi. Kẻ nào không mó tay vào việc thì chẳng làm
nên công chuyện gì. Cứ lo nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức ? Hãy đứng lên,
chúng ta sẽ đi sâu vào rừng và xuyên qua rừng, bởi vì rừng cũng có chỗ kết
thúc, mọi cái trên đời đều có chỗ kết thúc ! Ta đi đi ! Nào ! Tiến bước ! …”. Thấy
chưa, mày nghe chưa, chẳng khác gì như ai đã nói rằng thà thắp lên một ngọn lửa
còn hơn cứ ngồi mà nguyền rủa bóng tối !
Đúng là trái tim mỗi người lúc ấy như đang rực lên một ngọn
lửa, hai người bạn không ai nói với ai đều đứng lên ôm chầm lấy nhau, thân thiết
và cảm động, như để chung cháy và khẳng định với nhau một cam kết của tuổi trẻ,
rằng họ phải làm một cái gì. Buông tay khỏi bờ vai của Kiên, Huy nói :
- Vậy là đã quyết rồi, chúng mình bắt tay vào việc kể từ
bây giờ.
Kiên nhắc lại, chắc nịch :
- Kể từ bây giờ.
Lúc ấy đã quá 10 giở tối, hàng phở đã vắng ngắt, cô nhân
viên ra vào sốt ruột nhìn hai vị khách không uống rượu mà như say. Huy hỏi Kiên
:
- Tối nay về tao hay về thăm cụ ?
- Tao ra khách sạn ngủ cho thoải mái, sáng mai về thăm cụ
cho tiện.
- Vậy mọi cái cứ như thế, mày phải thu xếp ở đây ít nhất một
tuần để bàn kỹ tiến hành ra sao. À, quên chưa hỏi mày, chuyện vợ con thế nào rồi,
cô em họ của tao vẫn còn nguyên đấy ?
Kiên cười có chút ngượng nghịu :
- Chắc là quyết rồi, bao giờ vào trong ấy tao giới thiệu.
- Bất thình lình nhỉ, nhưng mà OK. Thôi, tao đi đây.
Họ lại ôm chặt nhau lần nữa trước khi chia tay. Cô nhân viên
cửa hàng nhanh nhẹn định gọi tắc-xi nhưng Kiên bảo để anh đi bộ. Câu chuyện vừa rồi với Huy vẫn còn để lại đậm
chất men say trong tâm trí, Kiên lâng lâng bước đi qua phố Nguyễn Khuyến, vừa
đi vừa xúc động suy nghĩ về những khát khao vươn tới đầy màu sắc lý tưởng. Hà Nội
về đêm vắng vẻ, không ồn ào, phố xá đang sớm đi vào giấc ngủ, nhiều nhà hàng hai bên đường
đã đóng cửa kín mít, những hàng cây ven đường trầm tư thả bóng mình thành những
khoảng tối dưới lòng đường. Ở đầu phố Nguyễn Khuyến vẳng lên một tiếng rao đêm
lanh lảnh, Kiên đi tới gặp một cô gái trẻ
bán sắn khoai luộc trên xe đẩy, hơi nóng bốc lên ngào ngạt trong ánh đèn vàng
trông thật ấm áp, anh dừng lại mua một mẩu sắn trắng ngần và hỏi :
- Em bán hàng khuya thế có còn người mua không ?
- Cũng vắng anh ạ, nhưng em chỉ bán được ban đêm, ngày em
còn đi học.
- Em là sinh viên à, năm thứ mấy, trường gì ?
- Em học giao thông, mới năm thứ nhất anh ạ.
Cầm củ sắn nóng hổi trên tay, Kiên định hỏi cô gái cái câu
hỏi mà người ta đã hỏi anh cách đây hơn một chục năm, rằng cô có ước mơ sau này
sẽ trở thành người thế nào không, nhưng rồi anh ghìm lại, chào cô bé rồi đi tiếp.
Sáng hôm sau, trong lòng vẫn tràn đầy phấn khích, Kiên gọi
điện cho bố, nói anh đang ở Hà Nội và sẽ về thăm ông. Ông bố Kiên nói :
- Hay lắm, con về đi, bố cũng có vị khách đặc biệt đang ngồi
đây.
Khi Kiên mở cửa bước vào, anh giật mình nhận ra đó là bác
Phúc chứ không ai khác, cuộc gặp gỡ không ngờ làm anh quá lúng túng, vội vàng
bước tới cầm lấy tay người đàn ông luống tuổi mảnh mai gầy, có mái tóc bạc trắng
và bộ ria mép cũng bạc trắng được cắt tỉa khá công phu. Ông Phúc mỉm cười với
Kiên và anh nhớ ngay ra rằng anh đã biết
một nụ cười y hệt như thế, ranh mãnh mà ý nhị, đó là nụ cưởi của con gái ông
Phúc.
- Kiên đây à cháu, lâu lắm rồi mới gặp lại cháu, bác mừng
trông thấy cháu khỏe và rắn rỏi lắm.
Hai bàn tay Kiên vẫn ôm lấy tay ông Phúc, anh không giấu được
nỗi xúc động trong giọng nói :
- Bố cháu bảo có một vị khách đặc biệt đang ngồi đây, thật
không ngờ là bác. Cháu trông bác già đi nhiều nhưng vẫn còn trẻ hơn bố cháu, đặc
biệt là cái nhìn của bác thì vẫn sáng và soi mói như ngày xưa, lúc ấy cháu sợ
nhất là bị bác nhìn, cứ như đèn pha cực sáng soi vào mình.
Ông Phúc phá lên cười, tiếng cười sảng khoái đầy lạc quan :
- Thế cơ à, vậy mà bác cứ tưởng bác nhìn dịu dàng lắm. Bác
nghe tin bố cháu bị mệt nhiều, thôi thì mọi chuyện cũ gạt bỏ đi hết, bác tìm đến
thăm ông ấy, chỉ sợ ông ấy lại đuổi mình đi như ngày xưa, ai ngờ ông ấy vui vẻ
đón nhận.
Lúc ấy ông bố Kiên trong bộ quần áo ngủ kẻ sọc xanh đang ngồi
ở ghế, hai tay để lên đùi, râu ria lởm chởm trên cằm, chăm chú nhìn hai bác
cháu rồi cười khấc khấc lên đáp lời ông Phúc :
- Tôi mà khỏe được như xưa thì tôi cũng lôi vị thông gia hụt
này của tôi ra khỏi cửa chứ bỡn à ! Nếu ngày ấy tôi đừng cản chúng nó thì bây
giờ cháu nội của tôi cháu ngoại của ông có lẽ đã phải dăm bảy tuổi rồi.
- Tại ông khắt khe quá lắm nên giời phạt. Thế còn Kiên,
cháu vẫn chưa lấy vợ à cháu ?
- Cháu chịu thua Nhung rồi. Hôm qua cháu ngồi với Huy bạn
cháu, chúng cháu cũng nhắc đến cô ấy.
- Bây giờ cháu làm gì, công việc ra sao ?
- Dạ thưa bác cháu có một công ty chuyên về cầu đường ạ,
nhưng mà cháu sẽ chuyển sang kinh doanh tàu biển.
- À, thế là doanh nhân rồi.
Ông bố Kiên bỗng hua tay lên tham gia câu chuyện, tay vẫy vẫy
chỉ về phía Kiên :
- Này, không phải dễ mà trở thành doanh nhân đúng nghĩa đâu
nhá !
Ông Phúc tranh lời :
- Tôi biết, tôi biết. Phải có nhiều tiêu chí để trở thành doanh nhân thứ thiệt. Bác mới đọc
một bài báo Kiên ạ, theo đó thì doanh nhân trước hết phải là người lãnh đạo
doanh nghiệp làm ra của cải vật chất hoặc kinh doanh có lợi nhuận. Tuy nhiên
như thế chưa đủ, họ còn phải “être compatible”,-ông Phúc có thói quen thỉnh thoảng
lại đá vào một câu tiếng Pháp, thói quen mà trước đây ông bố Kiên chúa ghét-
nghĩa là phải tương hợp, không được để công việc kinh doanh của mình xung đột với
đạo đức xã hội, phương hại tới môi trường chung quanh. Bác nhớ có một doanh
nhân người Mỹ đã nói, một cuộc kinh doanh không mang lại
gì cho xã hội mà chỉ kiếm được tiền là một cuộc kinh doanh tồi.
Đấy, cứ nhìn các doanh nhân lớn của nước ngoài mà xem, kiểu như Bin Ghết ấy, trong khi ở mình thì có một số người vừa làm
được một chút từ thiện đã loa lên, tìm mọi cách khoe mình, tô vẽ doanh nghiệp,
cho đi được vài triệu đồng thì bắt người
ta phải diễn trò khóc cười để đưa lên vô tuyến, thật là vô liêm sỉ…!
Ông bố Kiên mỗi lần muốn nói đều phải hua tay lên, lần này
ông nhấc cả hai tay khỏi đùi giơ lên vẫy vẫy để cướp lời.
- Ông vẫn cái giọng điệu độc địa nhiễu sự như ngày xưa, chẳng
thay đổi tí nào.
Ông Phúc đã rất nhanh đáp trả :
- Tôi không thay đổi, nếu bây giờ ông nghe được tôi nói thì
là vì chính ông đã thay đổi chứ tôi thì không. Để tôi nói tiếp với thằng con rể
hụt về cái bài báo ấy đã, bác nói đến đâu rồi nhỉ…
- Bác đang nói về các tiêu chí của một doanh nhân.
- Đúng thế, cháu biết không, ở ta thì theo bác có ba loại
doanh nhân. Loại thứ nhất là doanh nhân của nhà nước, được nhà nước đặt tiền của
vào tay mà thành doanh nhân, trong loại này có những anh ăn tàn phá hại như thế
nào thì cháu với bố cháu đã biết rồi. Loại thứ hai là những người bỗng giàu lên
một cách nhanh chóng, bác phải gọi là giàu xổi, giàu xổi lên nhờ khai thác tài
nguyên thiên nhiên, chặt cây phá rừng, chặn dòng chảy tự nhiên, nhất là giàu xổi
lên nhờ buôn đất bán đất, có tiền thì đăng ký vào mấy câu lạc bộ doanh nhân, thế
là thành doanh nhân. Loại thứ ba bác đã
thấy cháu ạ, tuy chưa nhiều nhưng đã thấy, là những người như các cháu, bươn chải
từ mồ hôi và trí tuệ của chính mình mà nên, gây dựng từ hai bàn tay trắng, biết
chắt chiu từng đồng tiền mình làm ra chứ không đốt tiền như đốt tiền chùa. Loại
thứ ba chính là nền tảng cho sự nghiệp chấn hưng và phát triển đất nước đấy
cháu ạ.
Kiên nóng bừng mặt vì anh cảm thấy như ông Phúc đang nói
chính mình, đang chỉ thẳng vào mặt anh mà chỉ trích, chẳng phải vì thế mà bố
anh trước đây đã không chịu được ông này hay sao.
- Vâng thưa bác, có nhiều lúc cháu cũng nghĩ như thế mà
không diễn tả được ra, bác đã nói đúng gan ruột cháu, bác là nhà văn có khác.
Bây giờ bác có đang viết gì không ạ ?
- Nhờ viết mà những người như bác tồn tại được Kiên ạ, bởi
vì, viết trước hết là giải tỏa. Bác nói tồn tại không phải theo nghĩa ăn uống để
mà sống đâu nhá.
- Vâng, cháu hiểu, cháu lại vừa chợt nghĩ có khi các nhân vật
của bác bây giờ toàn là những đại gia chứng khoán và địa ốc.
- Đúng thế, làm thế nào khác được hả cháu khi mà họ chính
là hình ảnh của nền kinh tế đất nước một thời, muốn phản ánh một thời ấy thì phải
viết về họ. Nhưng mà bác nói chỉ một thời thôi, rồi mọi cái sẽ được sắp xếp lại,
giống như biển cả sẽ yên ả trở lại sau cơn đại hồng thủy.
Ông Phúc đã ngồi xuống ghế rồi lại đứng lên, rút khăn mùi xoa
ra lau kính, đeo kính vào rồi lại ngồi xuống đối diện với ông bố Kiên.
- Bác đã nói với bố cháu, hôm nay bác đến thăm là để chủ động
trang trải với ông ấy, là để nói với ông ấy là bác vẫn nghĩ tốt về ông ấy mặc
dù luôn có những lời nói nghịch tai mà ông ấy phải nghe khi còn là thủ trưởng của
bác. Bác bây giờ theo Phật, Phật bảo phải hỉ xả, phải buông cháu ạ, bác đến
thăm bố cháu hôm nay thật sự cảm thấy rất nhẹ lòng.
- Vâng, cám ơn bác.
- Bác còn muốn nói với Kiên một điều này nữa, các cháu phải
có ước mơ và đừng ngại ngần bất kể một điều gì vì ước mơ của mình. Đừng quên đọc
sách văn học trên bước đường ấy, bởi vì, không phải bác là nhà văn mà bác nói
thế, văn học là mưa là nắng, là mây là gió, là trăng là sao, bổ dưỡng tưới tắm
cho con người ta trở nên nhân văn hơn. Người ta mà thiếu văn học thì cũng như
cái cây thiếu mưa, thiếu nắng, thiếu gió, không được bổ dưỡng, có khi tốt lá mà không tốt rễ, tốt
hoa mà không tốt quả.
Kiên đứng lên chạy đến cầm tay ông già tóc bạc, lắc mạnh
tay ông và nói :
- Cháu rất cám ơn bác, bác nói cho cháu những điều đó cũng
là đã thay cháu nói cho bố cháu biết cháu đang nghĩ gì và làm gì.
Lúc ấy, Kiên nghĩ tới lời thằng Huy nói, nếu có thể móc
trái tim ra vì ước mơ thì họ cũng móc ra và dâng lên.
Chương 20.
Sau ngày về thăm bố và gặp ông Phúc, Kiên đã ngồi lại với
Huy bàn cách mua lại công ty Đại Bàng Biển, công việc kéo
dài hàng tháng nên anh muốn Ly ra Hà Nội với anh. Anh gọi điện cho Ly.
- Em à, anh còn phải ở Hà Nội thêm một thời gian nữa, tranh
thủ dịp này em và thằng Cường ra với anh nhé.
Câu hỏi thật bất thình lình làm cô lúng túng :
- Em đang học cơ mà, đi làm sao được. Các chị ấy bảo sắp đến
bài cuối rồi.
- Các cô ấy khoe với anh là em tiếp thu nhanh lắm.
- Họ khen động viên em đấy, còn phải học nhiều. Chỉ sợ học
xong rồi không xin được việc làm !
-
Yên trí đi, anh sắp mua lại một công ty biển, khi xong thì phần kế toán dành
cho em, vì thế em phải cố gắng nhiều đấy.
- Dự án lớn thế cơ à, bao giờ anh ?
- Còn đang thương lượng, nhưng chắc thành công, nhiều việc
lắm em ạ. Ra lần này tranh thủ về Thung…Thung gì ấy nhỉ.
- Thung Củ.
- Vậy nhé, anh sẽ bảo các cô trong ấy thu xếp đi ngay.
- Sao phải gấp thế anh ?
- Có chuyện đấy.
Sáng hôm sau người ở công ty của Kiên đến đón mẹ con Ly, sợ
Ly chưa đi máy bay lần nào nên Kiên còn cử người đi kèm kết hợp ra Hà Nội làm
việc. Thằng cu Cường nghe nói được đi máy bay ra Hà Nội với bố Kiên nên nhấp nhỏm
cả đêm nhưng bay được một lúc đã lăn ra ngủ. Cô nhân viên kế toán trẻ có nhiệm
vụ đi kèm Ly là người rất hay chuyện, cô nàng dây cà ra dây muống, hết chuyện
này sang chuyện khác, còn Ly thì hồi hộp hết chỗ nói khi nghĩ đến Hà Nội chỉ
cách Thung Củ có 60 cây số. Vui chuyện, Ly hỏi một câu bâng quơ :
- Không biết có việc gì mà Giám đốc gọi chúng mình ra gấp thế.
Cô nhân viên kế toán thản nhiên nói :
- Ơ, thế chị là em sếp mà chị không biết à ? Mọi người nói
ông bố sếp gọi sếp ra Hà Nội cưới vợ. Mà sếp năm nay cũng ngoài ba mươi rồi còn
gì.
Ly lặng người đi, mất
hết tập trung khi nghe cô nhân viên nói thế. Đấy là phản ứng của con chim đã một
lần bị trúng tên, bất thình lình nhìn thấy cành cong là hoảng hốt. Chưa bao giờ
Ly ý thức được những vẻ đẹp người đẹp nết của mình có sức quyến rũ như thế nào
nên khi yêu Kiên cô luôn mặc cảm, luôn nghĩ rằng cô không xứng với anh. Một lần
gọi điện tâm sự với cái Hiền về Kiên, không biết nó có nghe thủng câu chuyện
không mà phán ngay một câu :
- Chỉ sợ lại như thằng đểu Tuất !
Lời nhận xét của bạn
đã gieo vào đầu Ly một nỗi hoang mang. Bây giờ, qua miệng cô nhân viên kia, Ly
mới biết ở công ty người ta chỉ coi cô như em gái của Kiên. Mà lúc đầu, khi ở
Bình Phước chính cô cũng nghĩ như thế, rằng Kiên chỉ coi mình như một người em
cần giúp đỡ. Chợt nghĩ lại chuỗi ngày qua Ly thấy quả thật như thế, mặc dù anh
đã nói yêu cô nhưng ngoài một đôi lần vuốt tóc và thơm lên má cô, điều mà bất cứ
người anh trai nào đều có thể làm với người em gái, thì chưa bao giờ Kiên ôm
hôn Ly, chưa bao giờ anh ngủ lại chỗ Ly. Chẳng lẽ lần này Kiên gọi cô ra Hà Nội
là như người anh gọi em ra dự đám cưới của mình. Câu hỏi này cứ dằn vặt Ly làm
cho chuyến bay mất hết phần vui vẻ.
Khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài, Ly thấy mình bỗng hồi
hộp vô cùng, tim cô đập thình thình liên hồi khi cô nghĩ không biết cái gì đang
đợi mình ở phía trước. Ra đến cửa đã thấy Kiên đứng đợi mẹ con cô. Ly gượng gạo
hỏi :
- Sao không để em tự về, bận thế còn đi đón làm gì !
Thằng Cường chạy đến ôm chầm lấy Kiên, anh đón lấy nhấc bổng
nó lên.
- Cường đi máy bay có thích không ?
- Thích lắm ba ạ, con còn bay cao hơn đám mây trắng cơ.
- Ba Kiên có quà cho con đây nè.
Anh rút trong túi quần ra một hình người bằng nhựa cứng lớn
hơn đầu ngón tay cái, giơ lên trước mặt thằng Cường, nó reo lên :
- A thích quá, siêu nhân ba Kiên ơi, cám ơn ba Kiên.
Quay sang Ly anh nhận thấy vẻ mặt thảng thốt ngơ ngác của
cô nhưng anh nghĩ có lẽ vì chưa đi máy bay bao giờ nên mệt mỏi một chút cũng là
chuyện thường. Kiên đã thuê phòng ở khách sạn Hướng Dương trên đường Giảng Võ
cho mẹ con Ly. Về đến nơi anh bảo :
- Thời gian ở Hà Nội thì hai mẹ con ở đây, gần nhà anh cho
tiện.
- Có đắt không anh ? Sao không để em về quê ở với ông bà
vãi !
- Em yên tâm, đây là khách sạn rẻ nhất có thể chấp nhận rồi.
- Vậy có chuyện gì mà anh gọi em ra gấp thế ? Ra dự đám cưới
của anh à !
Kiên thấy giọng Ly lạc đi, anh cảm thấy từ lúc đi xe về đây
cô như đang có uẩn khúc gì. Anh vội nói :
- Thế này nhé, ngay buổi tối hôm ra, anh đã về thăm bố và
nói chuyện với ông. Ông cụ chỉ bị mệt thôi, tuổi già ấy mà, nhưng cũng đã lúc
nhớ lúc quên. Lần này thấy ông vui vẻ lắm. Ông giục anh lấy vợ.
- Người ở công ty cũng nói với em là sếp ra để cưới vợ.
Kiên vui mừng nhận thấy rằng cái uẩn khúc mà Ly đang có
chính là ở câu chuyện sếp ra Hà Nội cưới vợ. Anh mủm mỉm cười, thong thả nói
như để trêu tức người nghe :
- Đúng thế, ông giục anh mau chóng tìm hiểu rồi cưới vợ cho
ông yên tâm, càng có tuổi ông càng nghĩ
nhiều về điều này.
Ly gượng hỏi :
- Chứ không phải ông cụ đã sắp đặt rồi à ?
- Không, ông cụ hỏi anh sao không lấy vợ đi.
- Đúng quá rồi, ngoài ba mươi không lấy vợ thành hâm. Thế rồi
anh bảo cụ thế nào ?
- Anh bảo anh đã có vợ có con, ông cụ ngạc nhiên, mắt tròn
thô lố.
- Người nghiêm chỉnh như anh mà cũng bịa tạc, nói dối cụ
làm gì.
- Anh nào có nói dối, cụ cũng hỏi anh có nói thật không, nếu
thật thì mang vợ con về ra mắt cụ.
Kiên nói đến đây thì Ly cảm nhận câu chuyện đã chuyển qua một
hướng khác, người cô nóng ran và hai má ửng hồng dần lên. Kiên tiếp :
- Thế là anh vội gọi cho mẹ con em ra đây. Ngạc nhiên chưa
!
Mặt trời tình yêu tỏa sáng quá mạnh mẽ đã nhanh chóng xua
tan chút mây đen nỗi niềm trong lòng Ly từ sân bay về đây. Cô mãn nguyện đắm
mình trong ánh sáng rực rỡ và nồng ấm mà cô từng hằng đêm ao ước, nay nó đến
sau một chuyến đi, nói đúng hơn là sau những tháng năm dài, tự nhiên và tất yếu,
nhưng cũng thật bất ngờ.
- Chuẩn bị ngay tối
nay anh sẽ dẫn em và con ra mắt cụ, em có đồng ý không ?
Ly cảm động và sung sướng tới mức không thể thốt được ra một
lời nào. Cả buổi chiều cô tất bật với ý nghĩ sẽ ra mắt bố chồng như thế nào.
Theo Kiên nói ông cụ khó tính lắm, cái gì cũng chỉ muốn theo chuẩn của thời ông
ấy, vậy nên Ly sẽ thật giản dị và chân thành. Cô chọn cho mình một cái áo cánh
màu xanh lục, cho Cường mặc bộ đồng phục lớp một thường ngày. Cô hỏi Kiên nên
mua quà gì biếu cụ thì anh nói cụ không thiếu thứ gì, chính anh cũng không biết
bây giờ cụ thích cái gì ngoài chuyện thích anh lấy vợ. Ly bảo :
- Vậy em sẽ mua hoa.
Hoa bày bán trên quầy đủ màu sắc, giống như một góc công
viên làm rực rỡ cả một góc phố ở khu tập thể Giảng Võ vốn đã cũ kỹ. Ly đứng trước
quầy, mải ngắm những bông hồng Đà Lạt đỏ tươi, những bông ly vàng và thơm hắc,
những bông cúc đại đóa ấm cúng trong cái mát lạnh cuối thu. Tuy nhiên đấy không
phải là những bông hoa có thể đem đến tặng cho một ông già U 60 như bố Kiên. Ly
tự tay chọn ra những bông hoa dân dã và khỏe khoắn mà chính cô cũng chưa biết
tên gọi, những bông hoa tươi vui nhất, mùi thì thơm mà sắc thì trẻ trung. Khi
Ly xuất hiện với bó hoa trên tay, Kiên sững sờ khen đẹp và anh nghĩ quả nhiên
trình độ học vấn nhiều khi không tương tác với sự nhạy cảm văn hóa của mỗi con
người, ví như Ly tuy học ít nhưng những tố chất văn hóa như đã có sẵn trong mình.
Buổi tối họ cùng nhau đi lên gác ba một chung cư già nua với
những nhịp cầu thang nhỡ bước và bụi bặm. Căn hộ này ông bố Kiên được phân cho
từ hồi bao cấp, lúc ấy nó là căn hộ tập thể xịn bậc nhất và là niềm tự hào của
Hà Nội, phải là cán bộ cỡ vụ trưởng mới có tiêu chuẩn. Người giúp việc ra mở cửa
rồi đứng nép vào một bên nhường lối, ngọn đèn giữa phòng khách có cái chụp bằng
sắt sơn trắng như lúc Kiên còn bé vẫn sáng lờ mờ như xưa, như chỉ đủ tỏa ra cái
ánh sáng của quá khứ. Bố Kiên từ trong phòng đi ra, lặng im nhìn mọi người rồi
hướng mắt tới thằng bé đang trong tay Kiên. Ông hua tay chỉ vào bộ xa-lông gỗ,
loại gỗ bạch đàn được đóng thành xa-lông cách đây có đến bốn thập kỷ, cũng là bộ
xa-lông được cấp theo tiêu chuẩn nhà nước, nói như ra lệnh :
- Ngồi đi.
Mọi người ngồi vào ghế. Người giúp việc cắm hoa vào chiếc
bình sứ rồi đặt lên bàn, lọ hoa làm cho căn phòng sáng sủa và tươi trẻ hẳn lên.
Bố Kiên lại hua tay chỉ về đứa bé hỏi :
- Là cháu ông đây phải không ? Lại đây với ông nào.
Ly vội vàng nói :
- Kìa Cường, con lại ngồi với ông đi.
Thằng bé tụt khỏi lòng Kiên, bàn tay nhỏ bé trắng trẻo vẫn
nắm chặt hình người siêu nhân, chạy tới :
- Con chào nội, con tới ngồi với nội.
Ông bố Kiên hài lòng xoa tóc nó. Rồi ông hỏi có phần trách
móc :
- Chúng mày cưới nhau khi nào, có con lớn bằng ngần này rồi
mà không cho bố biết ?
Kiên vội trả lời :
- Chúng con đã cưới đâu bố, đợi về lần này bố đứng ra tổ chức
cho chúng con.
Ông già lấy tay dụi mắt ngạc nhiên :
- Chưa cưới sao đã ăn ở với nhau có con ?
- Có gì đâu bố, thời bây giờ nhiều người ở với nhau có con
rồi mới cưới mà.
- Thời bây giờ mọi giá trị đảo lộn hết cả, bố chẳng biết đằng
nào mà lần.
- Bây giờ là thời máy tính mà bố, người ta gọi là thời
a-còng, nhiều giá trị thay đổi, nhưng những giá trị nhân văn căn bản thì không
thay đổi, không thể thay đổi.
Nghe con nói thế, ông bố Kiên hào hứng hỏi :
- Con nói những giá trị nhân văn căn bản là những giá trị
nào ?
- Chẳng hạn như gia đình, lòng nhân ái, ước nguyện hòa
bình…Đấy chẳng phải là những điều bố vẫn rao giảng và tâm nguyện đó sao !
- Đúng rồi, nhưng giờ nó khác, có cái gì đó không như tâm nguyện…
Kiên tiếp lời :
- Ai cũng thấy có gì đó không như tâm nguyện, thế hệ bố thấy
nhưng im lặng, không nói và cũng không hành động. Đến thế hệ chúng con, chúng
con thấy nhưng cũng không nói, nhưng mà chúng con hành động. Chắc chắn thế hệ
trẻ hơn, thế hệ thằng cháu ông đây này chẳng hạn, chúng nó thấy, chúng nó sẽ
nói và hành động.
Ông
bố Kiên thở dài rất to. Rồi ông hỏi :
- Cháu tên là gì, mấy tuổi rồi ?
Thằng bé khoanh tay thưa :
- Dạ thưa nội, con tên Cường, con lên sáu tuổi, học lớp
1A1.
- Cháu ông nói tiếng Sài Gòn rồi. Bố Kiên con Cường, phải
luôn luôn rất kiên cường cháu ạ. Cháu lên mấy tuổi rồi ?
- Con lên sáu tuổi.
- Hoa này ai mua, đẹp thật đấy, như hoa Tết. Đã từ lâu rồi
không có ai tặng hoa bố !
- Đây là hoa của Ly, vợ con tên là Ly, mua tặng bố, bố khen
đẹp là chúng con mừng rồi. Bây giờ cần gì phải ai tặng hoa nữa bố, bố mà thích
thì ngày nào chúng con cũng mua cho bố.
- Phí tiền ! Nghe nói các con làm ăn lớn lắm phải không ?
- Vâng, con đang có một số dự án lớn, sắp tới con sẽ mua hầu
hết cổ phẩn một công ty vận tải biển, lúc ấy con ra hẳn ngoài này, sẽ gần bố
hơn.
- Làm ăn không cẩn trọng dễ sa ngã, phạm pháp lắm, thương
trường phức tạp, nhiều khi những thủ đoạn, lừa lọc lại đội lốt lòng tốt và sự cảm
thông, bố chỉ lo…
- Bố, đến bao giờ thì bố mới tin chúng con…Tất nhiên không
phải không có những rủi ro, cạm bẫy,
nhưng một khi đã xác định được lý tưởng mình theo đuổi thì khó khăn mấy
cũng sẽ vượt qua bố ạ, giống như bố vừa nói ấy, phải luôn luôn kiên cường.
- Đúng thế, con nói phải. Thế thằng cháu Cường năm nay lên
mấy tuổi ?
Thằng Cường ngạc nhiên, tuột ra khỏi tay ông, nó làm sao có
thể hiểu được thế nào là người già lẫn cẫn :
- Ủa, sao nội hỏi tuổi con tới ba lần lận, con trả lời nội
rồi cơ mà !
Ly vội vàng nói xua đi :
- Cháu được sáu tuổi rồi ông ạ. Cháu đang học lớp một ạ. Cường
ra đây ngồi với mẹ để ông ngồi yên nói chuyện với ba Kiên.
Chương 21.
Tuất lái chiếc “Lắc-xờ-ti” từ dự án về thành phố vào lúc xế
chiều, khi ấy mặt trời đã ghếch đỉnh núi Ba Vì. Nó vừa nhẹ đạp ga vừa đút chiếc
đĩa nhạc vào ổ, đây là loại nhạc giật rất mạnh, cánh trẻ thường gọi là nhạc
băm, Tuất muốn nghe loại nhạc băm này để cố xóa bớt đi những nỗi lo lắng đang
đè nặng tâm trí nó. Mỗi lần ra dự án là một lần ngao ngán và bất lực đứng nhìn
những khối móng bê tông đồ sộ với những trụ sắt hoen gỉ tua tủa chổng lên trời,
dở dang phơi ra mưa nắng. Đến một quãng
đường vắng, Tuất chợt chú ý tới một tốp 3 chiếc xe máy mỗi xe 2 người đang đuổi
bám theo nó, càng lúc càng áp sát vào chiếc “lắc-xờ-ti”. Bỗng một chiếc Air
Blade màu mận chín vượt lên, người ngồi sau xe đội mũ bảo hiểm kín mít chỉ tay
ra hiệu cho Tuất đậu áp xe vào bên đường. Nghĩ là công an, Tuất giảm ga rồi dừng
xe. Cùng lúc đó một tiếng động khủng khiếp vang lên từ phía sau, chiếc xe bị
rung lắc mạnh,Tuất hoảng hốt quay nhìn, thấy kính sau đã bị đập vỡ thành một lỗ
hổng tan hoang, kính vỡ vụn bắn ra tung tóe. Tuất khiếp đảm mở cửa, vừa bước ra
khỏi xe đã bị cả bọn xe máy xúm lại túm lấy cổ áo mà ra đòn tới tấp, đứa lấy mũ
bảo hiểm đập vào người Tuất, đứa lấy búa đập vào kính xe. Còn chưa kịp kinh ngạc
thì Tuất đã cảm thấy có một vật rắn đập vào đầu rất gọn, gáy nó đau nhói lên rồi
tối sầm mắt, lịm đi.
Khi tỉnh lại, Tuất lơ mơ thấy mình trong một cái phòng con,
có một dáng người quen quen ngồi cạnh giường. Người ấy cúi xuống , tóc buông
xõa vào mặt nó, lờ mờ và rắm rối khiến nó hoảng hốt muốn vung tay đấm nhưng
không thể nhấc tay lên được.
- Hương đây, may
quá, Tuất tỉnh rồi ?
Hương đặt tay lên trán Tuất, không thấy sốt. Nó vuốt nhẹ tóc
Tuất, cử chỉ âu yếm hiếm hoi kể từ khi chúng nó lấy nhau. Buổi chiều nay, khi
đã rất muộn không thấy Tuất về như thường lệ, Hương sốt ruột gọi vào máy Tuất mấy
lần, chỉ có chuông reo mà không trả lời. Đến tám giờ rưỡi tối có người gọi điện
báo cho Hương biết là Tuất bị tai nạn và đã được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện.
Hương vội vàng vào viện, hoa mắt chóng mặt khi nhìn thấy Tuất máu me đầy mặt
đang bất tỉnh nằm còng queo ở phòng cấp cứu. Cô vội gọi người quen nhờ bác sĩ
can thiệp ngay rồi thuê một phòng đặc biệt cho Tuất nằm riêng.
Bác sĩ cho Hương biết làTuất bị chấn thương ở đầu nhưng
không tới mức nguy hiểm, chỉ cần tĩnh dưỡng là sẽ nhanh hồi phục, tuy nhiên kết
quả thử máu và chiếu chụp cho thấy anh ta đang bị xơ gan. Hương kinh hãi khi
nghe nói thế nên vội hỏi :
- Xơ gan là thế nào hả bác sĩ, làm sao mà anh ta có thể mắc
được căn bệnh này ?
Thông cảm với nỗi lo lắng của Hương, bác sĩ dừng lại trước
cửa ra vào, vắn tắt giải thích :
- Đây là biểu hiện của gan đã bị tổn thương, có thể do anh ấy
làm việc quá nhiều, hoặc ăn quá nhiều chất béo, hoặc uống quá nhiều rượu. Anh ấy
có nghiện rượu không chị ?
Hương ngao ngán trả lời :
- Ít cũng ¼ lít rượu mạnh một ngày, lúc vui không kể, mà
lúc vui thì nhiều lắm, lúc nào anh ấy cũng có cớ để vui.
Bác sĩ dặn thêm trước khi đi ra để Hương ở lại một mình với
Tuất.
- Chị nói với anh ấy đi kiểm tra thường xuyên, đừng để chuyển
thành ung thư rồi thì khó chữa.
Hương gà gật ngủ bên cạnh Tuất cho đến khi nó nhúc nhích cựa
mình, cô bừng tỉnh nhìn đồng hồ, lúc đó đã 4 giờ sáng. Chỉ một lúc sau Tuất đã
nhận ra Hương ngồi cạnh, mặc dù còn đau đớn và hoảng hốt nhưng nó vẫn vui sướng
cảm nhận cái vuốt tóc âu yếm của Hương, giơ tay ra nắm chặt bàn tay Hương đặt
lên ngực nó.
Hương ghé sát vào tai Tuất hỏi :
- Tuất bị tai nạn à, tông vào người ta hay người ta tông
vào mình ?
Tuất trả lời, giọng vẫn còn yếu :
- Không phải bị tai nạn, bị đánh.
- Bị đánh, ai đánh ?
- Không biết.
- Bị ở đâu ?
- Chiều hôm qua, trên đường từ dự án về, cách Hà Nội khoảng
mươi cây.
Tuất kể lại những điều mình còn nhớ cho Hương nghe, vẫn nắm
chặt tay Hương trong tay mình, như là, nếu để tuột ra thì Hương sẽ biến đi mất.
Thấy câu chuyện kể không được rành mạch, nhiều lúc Tuất phải dừng lại lấy hơi
nên Hương bảo Tuất hãy cứ nghỉ, để khi đỡ hẳn rồi tính.
Nó chỉ nằm viện có hai hôm đã được về nhà, bác sĩ dặn phải
tĩnh dưỡng chứ đừng nghĩ ngợi nhiều vì dù nhẹ nhưng cũng vẫn là vết thương ở đầu.
Buổi sáng thứ ba sau ngày bị đánh, theo yêu cầu trong khai báo của Hương, có mấy
chú công an đến nhà làm việc. Họ mang theo bản phô-tô bài báo của mấy trang mạng
có cái tít rất nổi : “Ông chủ dự án Thiên
nga xanh bị côn đồ vô cớ hành hung”. Tuất đọc kỹ còn thấy có đoạn viết :”Mặc dù làm ăn bị thua lỗ, ông giám đốc dự án Trần Đức Tuất vẫn là người
sốt sắng ủng hộ Quỹ Tấm Lòng, không phải với mục đích đánh bóng bản thân mà xuất
phát từ tình cảm thương yêu thật sự”. Đọc xong mặt Tuất đỏ lên như gấc, nó
dằn mạnh bài báo xuống mặt bàn, quên bẵng mất sự có mặt của mấy đồng chí công
an mà thốt lên một câu chửi tục :
- “Điếu” mẹ chúng nó, nhất định có thằng chơi xỏ mình đây.
Viết thế này là nó bêu xấu mình chứ khen ngợi gì. Các anh có biết cánh nhà báo
lấy tin ở đâu không ?
Đồng chí thượng úy công an ngồi cạnh từ tốn nhắc, từ tốn
theo kiểu của người chuyên lấy cung :
- Anh cứ bình tĩnh để chúng tôi tìm hiểu câu chuyện. Chúng
tôi hỏi, anh trả lời chứ không phải anh hỏi, thế nhá. Anh có nhận dạng được bọn
đã hành hung anh như thế nào không ?
- Chúng nó đội mũ bảo hiểm che kín mặt, vừa dừng xe đã xúm
đến đánh tôi ngất xỉu, làm sao mà nhận dạng được. Đến ai đưa tôi vào bệnh viện
tôi cũng có biết đâu.
- Trong làm ăn anh có khúc mắc, nợ nần với ai không ?
- Tôi vay ngân hàng, nợ cũng nợ ngân hàng, làm ăn sòng phẳng,
không gây thù chuốc oán với ai bao giờ, thế mới lạ chứ, hay chúng nhầm người ?
Không, cứ xem bài báo thì dứt khoát có đứa nào xì đểu.
- Theo anh thì là ai ?
Tuất bóp trán rồi nói :
- Hiện thời thì nghĩ không ra.
Ngồi thêm một chút rồi mấy chú công an ra về, Tuất nằm trên
giường mà không quên bảo Hương nhớ cám ơn người ta, thật rõ là bệnh nghề nghiệp
! Hương theo dõi câu chuyện giữa Tuất với công an từ đầu, trong lòng dội lên một
mối nghi ngờ nhưng không thể nói ra. Kể từ hôm Xuân Trường nói chuyện như có ý
đe dọa cô, cô luôn cảm thấy có điều gì đó bất an đang rình rập đâu đó. Cô biết
Xuân Trường có thể làm được mọi cái. Nếu không vẩn lên mối nghi hoặc ấy thì cô
đã nhấc máy nói cho anh ta biết chuyện Tuất bị hành hung, giải quyết những vụ
việc rắc rối như thế này đối với Xuân Trường chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng việc này
thì không, Hương quyết định cứ để xem sao, biết đâu đây chính là chuyện giữa
hai người đàn ông của cô, là phận đàn bà cô chưa biết rồi mình sẽ phải ngả hẳn
về bên nào.
Hương không cho Tuất lên công ty và không quên chỉ cho nó
thấy dòng lưu ý về xơ gan trong bệnh án, bắt nó phải nghỉ hẳn ở nhà một tuần. Đến
sáng ngày thứ bảy bỗng dưng có điện thoại của thằng Khe hoảng hốt báo :
- Anh Tuất ơi, bọn mua nhà kéo đến dự án rất đông, đang đòi
gặp anh, bây giờ làm thế nào ?
- Họ đòi gặp để làm gì ?
- Chúng nó đòi phải giao nhà theo đúng thời gian trong hợp
đồng, nếu không phải trả lại tiền cho chúng nó.
- Có đông không ?
- Khoảng vài chục đứa.
- “Điếu” sợ, bảo chúng nó là tao sắp có người đầu tư, nhiều
tiền lắm, đứa nào không thích mua nhà thì trả tiền, rồi bảo mấy thằng bảo vệ giải
tán. Bảo tao đi chữa bệnh, “điếu” tiếp được, rõ chưa ?
- Ok anh.
Bỏ máy xuống Tuất nằm thừ ra nghĩ, lẩm bẩm nói vừa đủ cho
Hương nghe thấy :
- Vốn “điếu” có, phép thì chưa, làm thế “điếu” nào mà hoàn
thành được dự án theo đúng tiến độ cơ chứ. “Điếu” mẹ chúng nó, một trăm dự án
thì sáu bảy mươi cái là lấy mỡ nó rán nó, toàn là tay không bắt giặc, riêng “điếu”
gì ông.
Hương đang sấy tóc, quay ra hỏi :
- Lẩm bẩm cái gì đấy, chửi đổng à ?
- Thằng Khe vừa báo dân kéo đến đòi nhà đòi tiền.
- Thế là có chuyện lớn đấy.
Đúng là có chuyện lớn và mọi cái xảy ra rất dồn dập, theo
cái kiểu họa không chỉ đến một lần. Người
mua nhà quây lấy Tuất để đòi lại tiền, dọa sẽ đem kiện nó ra pháp luật trong
khi đó Tuất không có cách nào vay tiếp ngân hàng vì nó còn nợ một đống, lại sắp
đến kỳ đáo hạn. Càng nghĩ cách càng rối bung lên, Tuất chỉ thấy đỡ đau đầu khi
nốc vài chén rượu mạnh ba-lăng-tin. Một buổi tối, nó thẽ thọt hỏi Hương, hơi thở
sặc mùi rượu :
- Bí quá rồi, Tuất muốn nhờ ông Trường, liệu lão ấy có cách
giúp không ?
Mắt không rời khỏi phim bắt ma túy trên vô tuyến, cô này thản
nhiên :
- Cứ thử xem, việc gì mà anh ấy không làm được ! Nhưng mà đợi
đến chủ nhật, hôm nay anh ấy đang đi tỉnh.
Thế là Tuất quyết định cầu cứu tới Xuân Trường, chỗ bấu víu
duy nhất của nó. Từ lúc khởi nghiệp chỉ có hai bàn tay trắng, đây là lần đầu
tiên nó có mặc cảm phải đi cầu cạnh, hoặc phải cúi mình, hoặc chết. Tất nhiên
Tuất không chọn cho mình con đường chết. Nó tống khứ mọi ý nghĩ xấu xa về Xuân
Trường ra khỏi đầu, gạt bỏ mọi ác cảm về con người mà nó vẫn coi là gian xảo và
hiểm độc này, đóng bộ rất đàng hoàng rồi đi tới nhà riêng của Xuân Trường ở một
con phố mát mẻ và vắng vẻ. Hóa ra ngoài căn hộ mà Tuất đã biết, Xuân Trường còn
có một biệt thự xinh đẹp đến nhường này. Khi ô tô đỗ trước một cái cổng sơn
xanh, Tuất bước xuống và bỗng nó có cái cảm giác rợn rợn, giống như lần đầu
tiên đi theo Diệu Hương đến ra mắt bố vợ.
Nó nắm chắc cái quai cặp màu nâu trên tay, nhấc lên thả xuống mấy lần,
khi đã chắc chiếc cặp như thế là vừa đủ nặng nó mới tự tin đưa ngón tay ấn vào
nút cái chuông điện.
Có người ra đón Tuất vào đến tận cửa phòng. Đã được Diệu
Hương báo trước, Xuân Trường vui vẻ giơ tay bắt tay Tuất. Tuất chợt nghĩ chỉ một
cái kéo nhẹ của nó cũng đủ để con người dị dạng kia ngã dúi mặt về phía trước,
nhưng nó không làm thế, không ai làm thế chỉ vì người ta chưa đủ mưu mẹo hoặc
khôn ngoan.
Xuân Trường chỉ cho Tuất ngồi vào bộ xa-lông da màu đen, đối
diện với nó là tượng ông Quan Vân Trường đang quắc mắt nhìn khách khiến cho ai
yếu bóng vía cũng phải vô cớ mà khiếp đảm. Trước khi tới đây Tuất đã nhẩm sẵn mấy
câu mở đầu nhưng chưa kịp nói thì Xuân Trường đã xởi lởi :
- Khó khăn hả, không sao, khó khăn chung ấy mà, rồi tìm
cách mà tháo gỡ chú em ạ.
- Vâng, em đến nhờ anh cũng là việc ấy…
- Chú chẳng nói anh cũng biết là sắp đáo hạn ngân hàng chứ
gì ! Cái vụ này mà không làm cho khéo thì mất sạch, có khi còn tù tội chứ bỡn à
!
- Vâng, anh có cách nào cứu em, em không dám quên ơn anh.
Vừa nói câu ấy Tuất vừa liếc mắt nhìn vào cái cặp nâu nó để
trên mặt bàn.
- Chú đã cho anh nhiều rồi, ơn huệ cái gì nữa, bây giờ anh
giúp chú vô tư thôi. Chú còn nợ ngân hàng bao nhiêu, nhiều hả ? Bây giờ chỉ còn
cách thế này, chú về nhờ người ta làm cho cái tái thẩm định giá trị tài sản của
dự án, cứ làm thế nào tăng giá trị thật của tài sản lên, ví dụ tài sản có giá
trị là hai tỷ thì tái thẩm định lên thành ba, bốn tỷ, thế là chú có thể vay được
một khoản, đủ để mà đáo hạn thành công. Ấy là anh thí dụ thế chứ làm gì có cái
dự án nào giá trị hai tỷ, anh nói thế để
cho chú hiểu.
- Vâng, em hiểu, có điều…
- Làm sao ? Làm thế nào để người ta nhận giúp cho mình chứ gì, sao mà đến giờ này
chú vẫn còn khờ khạo thế, hay là chú giả vờ ?
Xuân Trường nhếch mép cười, mắt sáng quắc nhìn thằng Tuất
như nhìn một con chuột đang hoảng hốt và
thảm hại bị người ta dồn đến chân tường.
- Ấy không, không phải thế, quả thật là em chưa biết bắt đầu
từ đâu.
Xuân Trường nhỏ giọng, ghé sát vào tai thằng Tuất, tuy đang
lúc rối bời ruột gan mà nó vẫn ngửi thấy mùi hôi khủng khiếp của của cái miệng
hút xì gà Tây-Ban-Nha.
- Để anh nói giúp cho. Chú còn những gì ?
- Mấy cái sổ đỏ vẫn còn thế chấp ở ngân hàng, em chỉ còn
căn hộ đang ở với hai cái xe ô tô.
- Thu xếp đi mà chạy việc, đáo hạn xong vay được vốn là lại
có ngay ấy mà. Nhưng mà này, nhớ giữ kín câu chuyện hôm nay nhé, đừng có nói với
ai là anh gà cho chú. Thôi được rồi, về mà lo việc đi.
Như là đã nhìn thấy lối thoát, Tuất nhanh nhẹn đứng lên bắt
tay Xuân Trường ra về thì anh này kéo Tuất lại :
- Chú quên cái cặp này !
Tuất vội xua tay :
- Không phải em quên đâu, đấy là cái cặp của anh đấy ạ !
Từ nhà Xuân Trường đi ra, Tuất hớn hở như là nó đã vừa đáo
hạn thành công. Nó lệnh cho Khe và Trà My làm nhanh phi vụ bán ô tô và căn hộ,
cùng nhau xông xênh mang tiền chạy đôn
đáo lo vụ tái thẩm định giá trị tài sản. Thường rất tin vào cái số được
“Cô” cho của thằng Tuất nhưng lần này Khe vẫn phải thốt lên với Trà My :
- Chuyện không nhỏ tí nào.
Tuất nghe được liền gạt phăng đi :
- Không nhỏ cũng phải chạy, tao có người chống lưng, sợ “điếu”
gì.
Sau khi bán nhà, Tuất chuyển đến ở một nhà trọ khá sạch sẽ
gần công ty Kim Thổ, đi lại đã có xe ôm,
ăn đã có cơm bụi, như thế cũng đã quá tươm so với thời nó làm bảo vệ chung cư.
Tuy vậy, những lúc và miếng cơm bình dân lên miệng, nó không khỏi cay đắng nhớ
đến những ngày sung sướng như trong mộng, sáng cơm Tàu, chiều cơm Tây. Nó thường
làm một gù rượu trắng mỗi bữa, tuy không thể nào so với cái Ba-lăng-tin ưa
thích nhưng vẫn còn ngon chán so với rượu ở Thung Củ. Trong trạng thái lơ mơ
không say không tỉnh, Tuất hổi hộp chờ đợi kết quả tái thẩm định, lo lắng tới mất
ăn mất ngủ, sinh uống rượu rộc cả người khiến thằng Khe phải kinh ngạc kêu lên
:
- Chết thật, anh Tuất trông ốm quá, cẩn thận chứ mà đổ bệnh
thì bỏ mẹ cả nút.
Cái thời gian đáo hạn nhích đến từng ngày chẳng khác nào
như chiếc khăn lụa nhẹ nhàng mà săn chắc từng ngày siết chặt cổ thằng Tuất. Ngột
ngạt không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi, Tuất liên tục gọi Xuân Trường nhưng lần
nào máy cũng bận, cuối cùng vớ được anh này trên máy, Tuất còn đang run lên vì
sung sướng thì anh này đã nói, rõ ràng nhưng lạnh lùng :
- Anh quên không báo cho chú, việc tái thẩm định không
thành công vì dự án chưa được cấp phép. Thế nhé.
Tiếng cúp máy như tiếng búa gõ phán quyết của quan tòa, thằng
Tuất nằm vật xuống trong phòng trọ, chiếc điện thoại văng ra trên giường.
Thế cũng chưa hết, người mua nhà càng đòi càng hăng,
giương khẩu hiệu “chủ dự
án trả nhà cho dân” trước cái móng công trình dang dở. Cùng lúc có đơn tố cáo công ty Kim Thổ liên
tục gian lận thuế trong nhiều năm, các cơ quan chức năng vào cuộc, đại gia của
dự án Thiên nga xanh đứng trước nguy cơ lao lý. Tuất cùng đường, lặng lẽ rời
nhà trọ bỏ đi vào một đêm tối trời.
Chương 22
Sau khi Tuất bán nhà để trả nợ, Diệu Hương dọn về căn hộ cũ
của cô ta, một chút ưu tư trong lòng nhưng vẫn không bỏ buổi tập thể hình nào để
giảm cân. Bạn bè có hỏi thăm, Diệu Hương vẫn vô tư nói đấy là chuyện riêng của
anh ấy. Sở dĩ như vậy là vì ngay từ đầu, theo lời khuyên của Xuân Trường, việc
làm ăn kinh tế của hai vợ chồng đã rất rạch ròi, vốn của ai người ấy quản, nên
khi Tuất đang trở thành thân tàn ma dại thì Diệu Hương vẫn bình chân như vại.
Cô ta chỉ khó chịu khi đêm đêm không có người đàn ông nằm cạnh, và đôi lúc cũng
động lòng khi nghĩ dù thế nào cũng đã là vợ chồng.
Bây giờ Xuân Trường đến với Diệu Hương thường xuyên, ngồi
chơi, nô đùa với đứa trẻ thoải mái suốt buổi tối, có những hôm còn ở lại qua
đêm với mẹ nó. Diệu Hương chẳng ngại ngần gì mà không nói toẹt cái ý nghĩ nghi
ngờ của mình ra, có lần cô hỏi Xuân Trường :
- Làm sao mà anh hành thằng Tuất ghê thế? Tính ra thì nó đã
mất hết, trắng tay rồi.
Xuân Trường trả lời :
- Làm ăn bây giờ phải vậy.
- Anh dúi nó thế đã đủ chưa hay còn đẩy nó đi đến đâu nữa,
đừng quên nó vẫn là chồng em.
- Em vị tha nhỉ. Thương nó là chồng em, cho nó ăn đòn đến
thế thôi, gượng lên được thì sống, không thì khai tử luôn.
- Em không ngờ hiền lành như nó mà cũng gian lận tiền nong
thuế khóa linh tinh cả.
Xuân Trường bĩu môi, cười :
- Chuyện, sờ vào một trăm thằng thì cả trăm thằng mắc,
không tội này thì tội khác, thoát sao được, có điều người ta có muốn khui ra
hay không, em hiểu chưa ! Để thằng nào sống thì nó là đại gia, là tấm lòng
vàng, là người đương thời. Bắt đứa nào chết thì nó ra mảnh sành mảnh chĩnh, như
thằng Tuất ấy, có phải là lúc đắt ra quế lúc ế ra củi không !
Một buổi tối khi Diệu Hương ở nhà một mình xem phim Hàn Quốc
thì điện thoại reo. Cô bấm máy, nghe có giọng lạ của một cháu gái ở đầu dây bên
kia :
- Cho cháu hỏi có phải cô Diệu Hương đấy không ạ ?
- Diệu Hương đây, ai đấy ?
- Cô ơi cháu bán hàng ở quán Đêm, chắc cô chẳng nhớ cháu.
- Lâu cô không lên quán Đêm. Có chuyện gì ?
- Cô ơi, chú Tuất đang say khướt ở quán, cô lên đón chú ấy
về đi.
- Thế à, chú Tuất đang ở đấy à, chú ấy có làm sao không ?
- Say chẳng biết gì. Mấy hôm nay chú ấy toàn vào đây, ăn uống
không trả tiền. Chúng cháu cũng nể vì là khách quen, nhưng mà cứ thế mãi thì ngại
lắm, chú ấy lại đi một mình, không thấy cô đâu. Cô ơi cô ra đón chú ấy rồi
thanh toán cho chúng cháu nhé.
Diệu Hương miễn cưỡng :
- Để lát cô ra.
Nhắc đến quán Đêm, Diệu Hương cũng thấy chạnh lòng thương
xót cho Tuất, chẳng gì hai đứa cũng đã có những đêm đi dạo tình tứ ở phố Chân Cầm,
con phố mà trước lúc có con, Diệu Hương đã rất thích lui tới. Bây giờ đi ra
quán Đêm cô không còn những tình cảm lãng mạn như xưa nữa, cố hình dung xem cảnh
Tuất nằm rũ vì say rượu ở quán như thế nào. Cô gọi tắc xi đi lên phố. Lúc này mới
khoảng 9 giờ tối, phố Chân Cầm vẫn đầy những hàng quà mà Diệu Hương rất thích
như hàng chè thập cẩm, hàng ô mai mơ, hàng nem nướng, tuy vậy lần này cô đi qua
mà vẫn dửng dưng. Đến quán Đêm, cô thấy mọi thứ vẫn như cũ, duy có cháu bé phục
vụ mà cô quen từ trước chạy ra đón cô là trông béo đẫy, Hương đoán chắc cô ta
cũng đã có chồng có con như mình.
Tuất gục trên bàn, chình ình ngay giữa cửa hàng, đầu tóc rối
bù, quần áo nhàu nát, Hương trông mà phát khiếp. Cô nắm vai áo nó mà lay :
- Tuất à, dậy đi, ai lại nằm thế này ! Nốc cho lắm vào.
Tuất ú ớ nói gì không ai nghe được, Hương phải nhờ anh lái
tắc-xi và các cháu xốc nó lên, dìu ra xe. Lúc Hương định ngồi vào xe thì các
cháu níu cô lại.
- Cô Hương ơi, cô thanh toán cho chú ấy được không ?
- Hết bao nhiêu ?
- Cháu đưa hóa đơn cho cô đây ạ, từ mấy hôm nay chú ấy ăn uống
ở đây, cũng không hết nhiều, có mấy triệu thôi mà.
Hương rút tiền trả cho người nhà hàng rồi vào ngồi trong xe,
ngại ngùng để cho thằng Tuất dựa vào vai mình. Cô ta lấy chiếc khăn giấy trong
túi xách ra bịt mũi để khỏi phải ngửi mùi rượu nồng nặc từ hơi thở của Tuất cộng
với mùi xe tắc-xi hôi đến nôn ọe. Ngược lại, thằng Tuất cho dù đang chìm đắm
say khướt hình như cũng vừa nhận ra hương thơm từ thân thể của vợ, cánh mũi nó
phập phồng, mắt nó cố rướn lên mở to ra, miệng mấp máy :
- Hương à, có phải Hương không ? Mình đi về đâu bây giờ ?
Suốt mấy tuần vừa rồi Xuân Trường quấy đảo ghê quá, dù là
người có chưởng lực khá cao trong chuyện tình ái mà Hương cũng bắt đầu thấy
kinh sợ. Vì thế Hương có ý cứ đưa Tuất về nhà vài hôm, vừa được tiếng thương chồng
lại vừa có tác dụng hạn chế lão kia, sau hãy tính. Bước vào trong nhà, đứa con
gái chưa ngủ chạy ra vui mừng reo lên :
- A, bố Tuất, bố có quà cho con không ?
Đứa bé chạy đến định ôm lấy Tuất liền bị Hương ngăn lại. Tuất
cũng biết đấy là quy tắc của vợ, đi đâu về mà chưa tắm rửa sạch sẽ thì không được
bế nó. Thằng Tuất cũng nhớ con, muốn nô đùa với nó nên vội vã đi tắm thay. Tắm
sạch sẽ tinh tươm rồi nó quay ra nhưng vẫn còn chếnh choáng. Đứa bé đang ngồi
trên xa-lông xem vô tuyến chiếu phim hoạt hình mèo đuổi chuột. Tuất lảo đảo tiến
đến gần con, khi nó ngước lên nhìn bố thì bỗng thằng Tuất đứng khựng lại. Trong
cái lơ mơ của men rượu chưa tan, thằng Tuất thấy hiện lên khuôn mặt của Xuân
Trường, đang cười, mắt mở to, mỗi khi có chuyện làm ăn bàn bạc với Tuất, mắt
anh ta cũng mở to nhìn Tuất như thế. Thằng Tuất bỗng dưng thấy mọi cái rối bung lên, vừa tức giận vừa
hoảng loạn chỉ tay vào cái khuôn mặt của Xuân Trường :
- Đồ đểu, anh đến đây làm “điếu” gì, cút đi, cút ngay !
Đứa bé sợ quá, òa khóc, vội vàng ôm chầm lấy mẹ. Diệu Hương
chứng kiến cảnh tượng vừa rồi, cũng đến lúc ấy mới nhận ra con bé càng lớn càng
giống bố. Cô ôm chặt nó vào lòng, xoa tóc nó và nghĩ không thể cứ lừa dối Tuất
mãi được. Thằng Tuất nằm vật ra giữa sàn, ngủ một giấc thật say. Sáng muộn hôm
sau Tuất tỉnh lại hoàn toàn, thấy mình quá cô đơn trong căn hộ thênh thang, đầu
óc vẫn bị ám ảnh bởi khuôn mặt và đôi mắt mở to của Xuân Trường. Chắc lúc này
Diệu Hương đang đưa con đi mẫu giáo, chỉ còn một mình cô giúp việc ở nhà. Cô
này bảo Tuất :
- Cô chủ dặn khi nào chú dậy thì mời chú ăn sáng, đồ ăn đã
để trên bàn ạ.
Tuất không nói gì, nó đứng lên đảo mắt nhìn một lượt như để
tìm xem có cái gì là thân thuộc của mình không rồi quay ra bảo :
- Khi nào họ về thì bảo tôi đi rồi, đừng tìm.
Thằng này rất chủ quan, từ lúc khởi nghiệp đến giờ lụn bại
rồi mà vẫn chủ quan. Ở cái chỗ ấy làm gì có ai tìm nó mà dặn lại đừng tìm ! Nó
đi xuống, trơ trọi đứng, nhìn đường nhìn người, bơ vơ. Đi về đâu ! Người và xe
qua lại loang loáng trước mặt nó như một thứ mắc cửi hỗn độn, không ai để ý đến
nó, như là thằng Tuất không hề tồn tại trên thế gian này. Cái chỗ mà Tuất đã tưởng
là vợ con nó hóa ra chỉ là cái bong bóng xà phòng, đúng là với đủ màu sắc cầu vồng,
óng ánh và cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là cái bong bóng xà phòng, nay đã vỡ rồi. Sàn
giao dịch của nó cũng chẳng khác nào quả bóng te te xanh đỏ được thần may mắn
bơm vào một ít khí hi-đờ-rô rồi thả cho bay lên, nhưng càng lên càng phải đương
đầu với giông bão, không chịu nổi đã nổ tung. Tất cả đều chỉ là bong bóng. Mới
đấy mà tất cả đã là quá khứ, cái quá khứ tiền bạc chói lọi nhưng ngắn ngủi ấy
không đủ sức vực thằng Tuất đứng dậy, để cho nó bây giờ phải đứng chơ vơ giữa
đường, cô độc. Đi về đâu !
Đúng là Tuất bước đi mà không biết mình đang bước đi đâu. Nắng
hè chói chang nhanh chóng đổ ập xuống phố phường, chút dịu mát của buổi sáng chỉ
cầm cự được chốc lát là đã chịu tan vào nắng đốt. Tuất ngoái nhìn lại phía sau,
cái chung cư cao cấp có căn hộ của con vợ nó đã chìm trong nắng, rung rinh lóa
chói lên như một thứ ảo ảnh giữa sa mạc. Bất giác Tuất thấy như cái chung cư
nghễu nghện ấy rung lên và sắp đổ ập xuống đường phố, đè bẹp nghiến nát người
qua đường, nó hốt hoảng quay đầu bỏ chạy, va vào một gánh quả của người bán
hàng rong đi ngược chiều khiến người này bật rủa : thằng điên !
Khi đã vượt xa khỏi cái ảo ảnh ấy khoảng một cây số thằng
Tuất bước chậm lại, mồ hôi đã vã ra ướt áo như bị giội nước, nhưng nó tĩnh tâm
hơn. Đường phố ở đây thưa người nên thằng Tuất bỗng trở nên nổi bật, nó thấy
chung quanh ai cũng như đang hiếu kỳ nhìn cái bộ dạng xô lệch và tong tả của
nó. Và nó xấu hổ. Xấu hổ là lúc tỉnh táo nhất, chỉ lúc tỉnh táo người ta mới biết
xấu hổ, nên, than ôi, con người ta những năm tháng dài này đều đang mê muội cả.
Thằng Tuất lại bỏ chạy, mồ hôi trên người đã rỏ thành giọt theo những bước
chân. Nó muốn chạy trốn khỏi nỗi xấu hổ, đến khi bất thình lình dừng lại, ngẩng
mặt lên nhìn thì không ngờ đã đứng ngay trước tấm biển đỏ chữ trắng “Sàn giao dịch
bất động sản Kim Thổ”. Tuất đứng ngây dại, chìm đắm trong nuối tiếc, sau cánh cửa
kia là chiếc bàn làm việc có tấm biển đề giám đốc và chiếc điện thoại bàn màu
trắng sữa đặt phía trên, chiếc ghế xoay bọc da màu đen uy nghi, chiếc máy tính
trong đó có mấy bộ phim ướt át, trên tường là chiếc điều hòa nhiệt độ mát rượi.
Vô thức và nặng nề Tuất rờ tay mình lên nắm đấm cánh cửa, cái nắm đấm đã in dày
dấu vân tay của nó, thì bỗng giật mình quay lại phía sau.
- Này anh, công an người ta đã niêm phong hết rồi đấy,
không trông thấy hay sao ! Đấy là ông bán nước chè chén có cái đầu hói như đầu
người trí thức vừa nhắc, làm cho thằng Tuất tỉnh hẳn khỏi cơn mê. Là người bán
quán vỉa hè nên ông chỉ mặc có chiếc áo may ô thủng một lỗ trước ngực và chiếc
quần ta nâu đã bạc, ông này rót chén chè nóng đưa tới cho Tuất :
- Anh uống chén nước rồi hãy đi. Nắng thế mà đầu chả mũ mão
gì !
Đỡ chén nước trên tay ông đầu hói, Tuất hỏi :
- Bác có thấy thằng Khe ra đây bao giờ không ?
- Không, anh ấy biến mất luôn rồi. Có thấy anh Quý hôm nọ
ra ngồi uống nước ở đây.
- Cám ơn bác, tôi đi đây.
Ông chủ quán nhận lại cái chén, dúng nó vào trong chiếc thùng sơn con đựng nước, lấy chiếc khăn
đầy vệt bã chè lau khô, úp chiếc chén lên khay rồi quay ra ngồi sát vào chiếc
quạt cây cũ kỹ kêu phành phạch.
Chén nước chè của ông đầu hói đã làm cho nó có thêm chút phấn
chấn, nó nghĩ tới Thung Củ. Mẹ nó đã có lần nói với anh em Tuất :
- Các con lớn khôn rồi, cứ đi, nhỡ khi nào có khổ quá thì lại
về với mẹ.
Trong đầu vang lên lời mời đầy yêu thương ấy của mẹ, Tuất
đi như chạy qua những con phố dài loang loáng nắng, khi dừng lại trước cửa nhà
anh Quý thì đầu tóc mặt mũi đã ướt sũng mồ hôi. Anh Quý cởi trần đóng chiếc quần
đùi thụng đang ngồi trong nhà xem phim Địch Nhân Kiệt của Trung Quốc trên
ti-vi, thấy cái dáng bộ tơi tả vì nắng nóng của Tuất thì kéo nó vào nhà tắm.
- Khăn đây, chú lau qua thôi chứ đừng dội nước, cảm chết.
Anh Quý không gọi Tuất là sếp nữa mà trở lại anh với chú
như hổi ở chung cư Nơi Sum Họp. Khi Tuất quay ra trông thần thái nó đã khá hơn,
anh Quý rót cho nó cốc nước lọc, cầm cốc nước nó hỏi :
- Có đá không ?
Anh Quý tắt ti-vi, chạy vào tủ lạnh lấy ra khay đá đưa cho
Tuất.
- Tôi gọi điện cho chú mấy lần mà không được, chú thay sim
mới ?
- Không, tôi chưa có tiền nạp.
- Đến thế cơ à ! Chú định thế nào ?
- Không biết được, bây giờ anh cho tôi mượn cái xe về nhà
cái đã, rồi sau hẵng hay.
- Chú cứ lấy mà đi. Cầm mấy trăm của tôi mà nạp điện thoại.
Đi từ từ thôi nhé, đừng có phóng, vận đang đen hay gặp xúi vặt lắm đấy.
- Vâng, cám ơn anh.
Tuất chỉ nộp một trăm ngàn tài khoản Viettel vào điện thoại,
số một trăm ngàn còn lại của anh Quý đưa nó đút vào túi quần sau rồi phóng thẳng
lên đường Láng-Hòa Lạc. Tuất định đi thẳng vào cao tốc cho nhanh nhưng nhớ đến
lời dặn của anh Quý nên nó vòng ra đường gom đi cho lành. Mới được một quãng điện
thoại đã reo, liếc qua thấy cái Hiền gọi nên nó dạt vào ven đường đứng nói chuyện.
- Gì đấy Hiền ơi, có tin của cái Ly à ?
- Tao gọi cho mày từ sáng mấy lần mà không được.
- Có chuyện gì ?
- Chuyện là thế này, con bé cháu con bà chị tao vừa tốt
nghiệp trung cấp kế toán, mày cho nó vào công ty làm có được không ?
Quá ngao ngán Tuất uể oải nói :
- Giời đất ơi, giờ là lúc nào mà mày còn nói chuyện ấy, tao
đang chết đây này.
- Gớm, mày thì chết làm sao được. Cháu tao ngoan lắm, không
cần lương cao đâu, cứ cho nó có việc đã, được không ?
- Tao đang chết thật đấy, phá sản rồi, không còn gì nữa.
- Mày cứ hay đùa !
Tuất định cúp máy nhưng nó vẫn kịp hỏi với một câu :
- Mày có tin gì của cái Ly không ?
Hiền ngạc nhiên :
- Ơ, tao tưởng mày biết chứ, nó vừa về Thung Củ cách đây mấy
hôm, đáng nể lắm, đại gia chẳng kém gì mày.
- Thế à, nó đi với ai ?
- Đi với con nó, dẫn cả con với một cái anh nữa đến tao
chơi, cho quà đàng hoàng chứ không như mày. Này, hình như nó nhớ tới mày nhiều
hay sao mà trông thằng bé giống mày quá cơ.
Tuất cuống quýt hỏi :
- Bây giờ nó ở đâu ?
- Nó đang ở Hà Nội đấy, nó bảo ở khách sạn Hướng Dương đường
Giảng Võ ấy.
Thằng Tuất không nói thêm một câu nào với cái Hiền, thô bạo
cúp máy, vội vã quay trở lại Hà Nội. Đi tìm cái Ly để làm gì nó cũng không biết
nữa, cũng không cần vội hình dung ra cái phút gặp gỡ ấy như thế nào, nhưng nó
phải tìm ra cái Ly, biết đâu ở cuối con đường vận hạn đen tối cái Ly vẫn đứng đợi
nó, như là đã đợi nó ở cuối con đường đất đỏ để cùng đi đến trường. Nó phải tìm
bằng được cái Ly chỉ để xin Ly cho nó một cơ hội làm lại tất cả. Từ đầu.
Tuất gửi xe rồi đi vào khách sạn, hơi lạnh thoát ra theo
cái cửa quay mát lạnh. Anh bảo vệ đứng gần đó nhận ra mùi mồ hôi chua hoắc bốc
lên từ cái bộ dạng lôi thôi của Tuất nên tiến đến chặn nó lại :
- Này anh, vào có việc gì, hỏi ai ?
- Tìm người quen.
Tuất gạt anh này ra để đi về phía quầy lễ tân, anh bảo vệ
thấy vị khách có vẻ đang nóng nảy nên bằng lòng đi cách sau nó một quãng để cầm
chừng.
Đứng trước quầy lễ tân, Tuất giơ cánh tay quệt mồ hôi trên
mặt, vẽ lên má mấy vệt nhem nhuốc trước sự kinh ngạc của cô lễ tân trẻ tuổi mặc
áo màu hoàng yến, chưa bao giờ cô gặp một vị khách vào khách sạn mà lại hôi hám
bẩn tưởi như thế này nên cô cảnh giác nghĩ ngay đến một vụ đánh ghen.
- Cô cho tôi hỏi có cô Ly ở đây không ?
- Anh là thế nào với cô Ly ạ ?
- Hừm, người nhà, được chưa ?
- Sao anh không gọi điện trước ?
- Vớ vẩn, có điện thoại việc “điếu” gì phải hỏi cô.
- Vâng, chúng em có ba người tên là Ly, một bà Ly Việt kiều
mới ở Mỹ về, một cô Ly vừa ở miền Nam ra, một chị Ly Kiên đã trả phòng, trong
ba người ấy anh tìm Ly nào ?
Những lúc cần Tuất vẫn nhanh trí được nên nó nói :
- Không phải Việt kiều, cô xem Ly nào họ Hoàng thì báo tôi.
Cô lễ tân trẻ kiên nhẫn cúi xuống tra trong sổ rồi ngẩng
lên mỉm cười như xin lỗi :
- Cả hai Ly đều họ Hoàng anh ạ, chị Hoàng Ly đi từ sáng, dặn
lại nếu có người hỏi thì nói chiều về, chắc cũng sắp rồi, còn chị Hoàng Thị Ly
đang chuẩn bị đi sân bay, đã nhờ gọi tắc-xi, chỉ tí tẹo nữa xuống. Tốt nhất mời
anh cứ ngồi đợi, thế nào cũng gặp cả hai.
Không còn cách nào khác hơn là ngồi đợi, Tuất chọn chiếc ghế
ở góc sảnh trong cùng, ở đấy có một chậu cây xanh xum xuê mà nó có thể giấu
mình để nhìn ra. Sau gần một ngày chỉ có
chạy ngoài nắng và chịu đói khát, Tuất ngả đầu vào lưng ghế, hai tay ôm vào
thành ghế hai bên, duỗi chân ra thấp thỏm ngồi đợi. Ngồi trong tư thế ấy khoảng
một nửa tiếng thì thấy có một tốp nam nữ đi vào cửa, nói cười nhộn nhịp, cô lễ
tân đứng lên nhìn về phía Tuất vẫy tay, ý bảo nó là Hoàng Ly đang ở trong tốp
đó. Tuất bừng tỉnh đứng lên, hồi hộp, tim đập rộn rã, rộn rã hơn cả những lúc
nó thắng chứng khoán, bước từng bước do dự ra phía cửa. Tính ra có hơn 5 năm
chưa gặp lại Ly nhưng chắc chắn Tuất không bao giờ lẫn lộn hình dáng ấy với bất
cứ cô gái nào khác. Trong lúc nó đang thất
vọng đứng nhìn tốp người cười nói vui vẻ ấy thì sau lưng nó có một người đàn
ông, một tay kéo chiếc va-li Săm-xô-nai xanh, một tay dắt theo đứa trẻ diện quần
soóc xanh áo sơ-mi cộc tay trắng xuống thang gác và đi ra cửa. Bước ngay theo
sau họ là một phụ nữ tóc đen láy ngang vai, nhẹ nhàng thanh thoát trong bộ áo
váy mùa hè màu trắng chấm xanh, tay xách theo một chiếc túi du lịch da màu đen.
Họ đi sát ngay bên cạnh Tuất, để lại trong không khí thoáng một mùi hương ngọt
ngào mà cái mũi thật thính của nó ngay lập tức nhận ra đó chính là cái mùi thơm
Thung Củ. Tuất bối rối rụng rời, chân tay
bỗng nặng nề không nhấc lên nổi, nó đứng như trời trồng, mồm há ra gọi
“Ly ơi” nhưng không tài nào cất được lên thành tiếng. Trong truyện Kiều có cảnh
Từ Hải chết đứng, nếu hình dung ra thì có lẽ thằng Tuất cũng chết đứng như Từ Hải,
tuy tóc nó không dựng lên nhưng mồm nó cứ há ra mà không khép lại được, hai mắt
trắng dã trợn lên nhìn người yêu cũ đi qua như một làn gió nhẹ, gần ngay bên
mình mà không thể giơ tay ra nắm giữ. Đến khi Tuất nhấc được chân chạy ra cửa
thì chiếc xe tắc-xi Mai Linh đã vút đi. Tuất đứng dựa vào tường, mồ hôi vã ra
như người phải cảm, mắt vẫn trợn lên đau xót nhìn cơ đồ sự nghiệp người yêu tất
cả đang tuột khỏi cuộc đời. Hai chân nó sụm xuống như là đất dưới chân đang sụt
lở, đang chuẩn bị cuốn nó theo vào một cái hố tử thần, nó hoa mắt nhìn một anh
bảo vệ thành mấy anh bảo vệ đang tiến đến gần nó hỏi :
- Này anh, có làm sao không ?
Như một cái xác không hồn, Tuất lững thững bước những bước
mộng du, bước mãi, vô hồn, loanh quanh thế nào lại đến trước cái chung cư có
căn hộ của nó trên tầng 9. Chẳng khác gì có ma dẫn, Tuất cứ thế đi vào thang
máy, bấm vào con số 9 quen thuộc, thấy mình được bốc lên êm ru. Cửa thang máy mở,
Tuất đi về trước căn hộ cũ, đứng đấy bất động trước khi thò tay vào nắm đấm mở
cửa. Trước mặt nó hiện lên khung cảnh ấm cúng của một gia đình đang quây quần
bên bàn ăn, đồ ăn tối tỏa khói nghi ngút dưới ánh đèn vàng. Chủ nhà giật mình
quay ra, nhìn thấy bộ dạng thằng Tuất lúc ấy thì hốt hoảng hét “nhầm nhà rồi”
và lập tức đứng lên đóng sập cửa lại.
Cái cửa đóng sầm ngay sát mặt Tuất, nó bật lại phía sau rồi
lê bước đi trong hành lang, đến khi đứng trước cửa sổ hành lang, phơi mặt ra
gió mùa hè lộng thổi, nó thấy phía trước bỗng hiện ra một dải ánh sáng trắng
xóa cuộn đi như một đám mây bạc. Nó bật
cười lên khanh khách, tay với theo cái ánh sáng trắng ấy, mắt đăm đắm nhìn về bầu
trời phía Tây.
Chương cuối.
Cả Kiên và Ly hàng ngày đều xem tin trên máy tính, tuy vậy
Kiên vẫn đặt một loạt báo giấy, đủ các loại từ an ninh đến thể thao, sáng nào
Ly cũng ôm lên một đống. Hôm nay cô vô tình vớ một tờ đọc lướt qua, thấy một
cái tít rất giật gân “ Hà Nội : Rơi từ tầng
9 tòa nhà T6 xuống đất tử vong” . Lúc đầu Ly chỉ nghĩ báo chí bây giờ hay
giật tít kiểu ấy để câu khách, biết vậy mà vì tò mò nên vẫn xem.
“Trao đổi với phóng viên
vào chiều cùng ngày, người dân ở chung cư cao cấp T6 cho biết nạn nhân được xác
định là anh Trần Đức Tuất, cách đây không lâu còn sinh
sống tại căn hộ ở tầng 9 tòa nhà T6. Nhiều người ở chung cư đều biết anh
Trần Đức Tuất từng là Giám đốc công
ty địa ốc Kim Thổ đồng thời là chủ dự án Thiên nga xanh. Khoảng
7 giờ sáng nay 4/6, bảo vệ chung cư đã phát hiện
nạn nhân nằm bất động trong vũng máu ở chân tường
phía Tây tòa nhà và đã nhanh chóng báo cho cơ quan công an. Theo
kết quả điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cái chết
thương tâm của anh Tuất có thể do tự vẫn”.
Ly vội vàng quăng tờ báo sang bên như vội quăng đi cái hung
tin cô vừa đọc, kinh hãi ngồi lặng im, mồ hôi toát ra, nhịp tim đập dồn dập. Một
lát sau cô lại cầm tờ báo lên, tay run bần bật, cố gắng đọc lại, từng câu từng
chữ, để chắc chắn người trong bài báo chính là thằng Tuất ở Thung Củ. Trời ơi,
làm sao đến nông nỗi này !
Từ lâu nay, tuy không phải cố gắng để quên đi quá khứ bị bội
bạc, Ly vẫn muốn xóa bỏ tất cả những gì đã chứng kiến những ngày tháng của cô với
Tuất, dứt khoát tới mức cực đoan, đòi cả bố cô phải chặt đi cái cây bòng vô tội
ở góc vườn, coi đó như một điều kiện để dẫn Kiên về nhà. Tuy tiếc nó nhưng ông
bố Ly vẫn đốn chặt theo yêu cầu của con, ông biết đứa con gái duy nhất của ông
đang muốn sửa dọn mình để đón nhận tình yêu mới. Người đàn bà lại yêu đang có
trái tim tràn ngập ánh sáng hạnh phúc, tưởng như thế là có thể thoát khỏi quá
khứ nhưng cô đã lầm. Tuất vẫn hiện hữu, hàng ngày, bằng xương thịt, qua thân
xác thằng con của họ là thằng Cường. Chỉ mấy tháng nữa là thằng Cường sẽ lên lớp
hai, cho đến lúc này nó vẫn hoàn toàn không biết gì về người bố ADN của nó, bố
nó vẫn là người mà nó gọi hàng ngày là ba Kiên. Ba Kiên âu yếm, cưng chiều,
bênh vực, che chắn…, tất cả những gì cần có ở người cha đều hội đủ trong tình cảm
của Kiên đối với thằng bé. Thằng Cường hướng về ba Kiên của nó đầy tin tưởng, với
một tình yêu trẻ thơ trong suốt như pha lê, đẹp đẽ và óng ánh, cho nên, Ly
nghĩ, đến một lúc nào đó mà cho đứa trẻ biết sự thật, thì sự thật ấy sẽ là quá
phũ phàng đối với nó, giống như người ta cầm cái búa giáng mạnh vào chiếc bình
pha lê khiến nó vỡ tan ra thành trăm ngàn mảnh vụn không thể hàn gắn được . Nhiều
lúc Ly tự hỏi, liệu có mâu thuẫn không khi mà bên trong cái thể xác của con cô
kia, lại là tâm hồn, và rồi đây sẽ là tinh thần, là ý chí và tình cảm, là tư tưởng của Kiên. Cuộc sống vốn
đã có quá nhiều điều dối trá, tuy nhiên có những sự thật mà nếu người ta không
đem phơi bày ra lại có thể làm cho cuộc sống ấy trở nên dễ chịu hơn nhiều. Những
lúc Ly nghĩ về Tuất không phải là vì cô còn nhớ thương vương vấn gì con người ấy,
nghĩ về Tuất chỉ vì cô nghĩ tới đứa con, vì cô nhớ tới quê hương Thung Củ. Nay
bỗng dưng Tuất biến mất khỏi cuộc đời, biến mất khỏi cái mối liên hệ ràng buộc
nhằng nhịt ấy, chẳng phải như thế là thằng Tuất đã xóa đi sạch sành sanh quá khứ
của Ly, xóa hẳn đi một chút gì còn gọi là vướng mắc trong mối tình giữa cô và
Kiên. Ly không muốn có cái vướng mắc ấy, người đàn bà nào khi yêu trở lại mà chẳng
muốn như thế, tuy nhiên, cái cách mà nó được tháo bỏ đi lại quá đau đớn, vượt
quá sức tưởng tượng của Ly, lại in thêm lên tâm hồn vốn đã rất nhạy cảm của Ly
một dấu đen nữa, đó là cái mặc cảm tội lỗi,
rằng biết đâu chẳng phải vì cô mà Tuất đã có một kết cục đen tối, rằng tận đến
lúc tìm tới cái chết rồi mà thằng Tuất vẫn không một lần được biết và được nhìn thấy mặt đứa con của mình. Nghĩ như thế,
Ly bật khóc, nức nở mà không ghìm lại được. Khóc chán một mình rồi cũng phải nín,
cô đứng lên vào phòng tắm xả nước lạnh lên người. Nước lạnh làm cho những cảm
xúc vừa rồi nguội xuống, Ly quay ra gọi điện cho cái Hiền. Vừa nghe tiếng Ly
cái Hiền đã hỏi :
- Thằng Tuất chết rồi, mày biết chưa ?
Ly sụt sịt nói trên máy :
- Tao vừa xem tin trong báo, làm sao đến nông nỗi này, nó
đang làm ăn phất lắm cơ mà ?
- Báo cũng đưa tin cơ à ? Nghe nói nó bị vỡ nợ, mất sạch cả,
lại còn bị bệnh gan nữa chứ, vợ con chẳng
ra cái quái gì nên uất quá mà chết. Đấy, đến lúc này mà có ai bên nhà vợ nó thèm về lo cho nó đâu. Mỗi mình tao
với cái anh tên là Khe ở công ty thằng Tuất chạy từ đầu chí cuối để đưa nó về.
Dựng rạp ở bãi ấy chứ ai người ta cho vào nhà. Bố nó không chịu được cú sốc này
nên phải đưa vào viện cấp cứu rồi, còn mẹ nó ngất lên ngất xuống, rũ ra như tàu
dưa héo, cái Thư em nó đã thấy về đâu. Mày thế nào, có ra được không ?
- Tội nghiệp cho nhà nó quá. Chắc mày cần tiền để lo cho
nó, có vay mượn tạm được không, rồi tao đem về cho ?
Ly đã rất ngần ngại khi nói đến chuyện tiền, cô không ngờ
cái Hiền lại trả lời thẳng tắp lự :
- Ok, cũng phải thế chứ tao lấy đâu ra tiền. Kế hoạch là
ngày mai mọi người đến viếng buổi sáng, buổi chiều đưa ra đồng luôn. Mày cố mà
ra đưa nó, nghĩa tử là nghĩa tận Ly ạ.
- Ừ, biết thế.
Buổi tối khi Kiên về, Ly đưa anh xem tờ báo, không giấu được
vẻ buồn rầu u ám trên nét mặt. Xem xong Kiên nói :
- Đáng lẽ Tuất không cần phải làm thế. Trong kinh doanh có
đủ cả, tốt đẹp lẫn xấu xa, ngay thật lẫn dối trá lừa lọc, thành công và thất bại
là chuyện thường, phải dũng cảm đứng lên mà làm lại chứ đầu hàng là chết. Nhưng
thôi, chuyện đã như thế, em nên đưa con về viếng nó.
- Như thế có tiện không anh ?
Kiên trìu mến nhìn Ly, thông cảm động viên cô :
- Chẳng có gì là tiện và không tiện cả, đấy là việc mình thấy
nên làm thì mình làm. Em nhớ đừng nói gì với thằng Cường. Mai anh phải đi Vũng
Tàu, nếu không đã cùng đi với em. Em đừng ngại gì.
Ly thấy yên tâm hơn khi được những lời ấy, cô cảm nhận hết
lòng bao dung của Kiên, run lên vì hạnh phúc.
Quả thật đám ma thằng Tuất là cái đám ma buồn
chán nhất Thung Củ. Không có nhạc đám ò e í e nên không khí vắng lặng, nặng nề
mùi khói hương. Người ra vào viếng toàn là người làng, người nhà quê kỳ lạ thế,
lúc thằng Tuất cưới thì chẳng ai đi dự, khi nó chết thì lại kéo nhau đến thắp
hương trong khi bên Hà Nội có độc thằng Khe phối hợp với cái Hiền chạy cuống cuồng,
lo toan đủ mọi thứ. Khi đặt xác thằng Tuất vào quan tài để đưa về quê, người ta phải lau rửa và thay quần áo cho nó,
không hiểu thằng Khe nghĩ thế nào mà lại kiếm một bộ đồng phục bảo vệ mặc vào
cho Tuất, áo xanh da trời, quần xanh nước
biển. Việc làm đó của Khe không bị ai ngăn cản, thậm chí đến cái Hiền cũng chẳng
buồn ngạc nhiên mà chỉ đưa ra mỗi một lời nhận xét ngắn gọn : trở về với giá trị
thật ! Mặt thằng Tuất lúc này đã phù lên, vàng bệch ra như mặt người sáp, đúng
là cái mặt của kẻ nghiện rượu bị bệnh gan, thằng Khe phải lấy cái mũ kê-pi đậy
lên trông cho đỡ kinh. Làm xong tưng đấy việc nó quay sang nhíu mày nói với cái
Hiền :
- Vậy là hết, chấm hết, chẳng còn gì !
Trước đó, thằng Khe đã liên tục gọi điện cho Diệu Hương
nhưng cô này không bắt máy. Nó có số điện thoại di động của Xuân Trường nhưng
ngại gọi vì từ trước nó vẫn coi anh này là sếp lớn, mọi giao dịch đã có Tuất trực
tiếp. Liên hệ mãi mà không được Diệu Hương, thằng Khe không đừng được liền bấm
máy cho Xuân Trường.
- A lô, anh Trường ạ, em là Khe đây, em đang ở đám ma anh
Tuất…
Tiếng Xuân Trường từ đầu dây bên kia, lạnh lùng :
- Biết rồi,
nói nhanh đi, anh đang họp.
- Anh có tranh thủ ghé về một tí được không ?
- Nói rồi, đang họp, quan trọng lắm, anh đang chủ trì hội
nghị chống tham nhũng, không bỏ được. Chú cho anh gửi lời chia buồn đến nó !
- Em gọi mãi cho chị ấy mà…
Xuân Trường ngắt lời Khe :
- Anh cũng không gọi được, chắc cô ấy có việc đi đâu đấy.
Thôi nhé !
Cúp máy. Thằng Khe giận sôi lên, mặt nó bỗng trở nên đỏ gay
và mắt trợn lên trừng trừng, trong nắng lóa nó nhìn thấy Xuân Trường xách cặp tập
tễnh bước tới, rướn cái lưng gù lên để nhòm vào quan tài, mỉm cười đắc thắng.
Khe rùng mình trước cái ảo ảnh vừa chợt hiện lên như một bóng ma đã vội biến mất,
để lại trước mắt nó cái màu đỏ gắt của chiếc áo quan. Bất thình lình nó văng ra
một lời chửi tục theo kiểu của thằng Tuất :
- “Điếu” mẹ, nó chết
rồi thì làm sao mà chuyển lời chia buồn của anh cho nó được. Đểu, đểu “điếu” chịu
được !
Có mấy vòng hoa viếng từ Hà Nội gửi sang, mọi người đặc biệt
để ý đến một vòng hoa chỉ ghi vẻn vẹn hai chữ “Viếng Tuất” nhưng không biết đấy
chính là vòng hoa của Diệu Hương. Bạn của ông bố Tuất là ông Điển cũng có mặt ở
tang lễ. Ông này không ngồi yên được, đi ra đi vào, thỉnh thoảng lại kéo Khe ra
nói :
- Này anh ạ, nghĩ cho cùng thì tôi cũng là người có tội
trong việc này, chính tôi đã đem thằng Tuất ra Hà Nội, làm hỏng nó. Nếu…
Khe sốt ruột ngắt lời :
- Không phải tại ông đâu, ông đừng nghĩ thế !
- Tôi rất ân hận anh ạ, không phải tại tôi thì tại cái gì !
Nếu…
- Thôi ông ơi, ông đừng “nếu” nữa, nó chết là tại ông, tại
tôi, tại chúng ta, thế đã được chưa !
Đến
gần trưa, khi đã vãn người viếng, có một chiếc xe màu sáng sang trọng đi vào
làng. Một người phụ nữ bận đồ xám kín
đáo, dắt theo một đứa trẻ mặc đồ đen, từ trên xe bước xuống. Mọi người ở đám xì
xào hỏi ai thì cái Hiền liền nói đấy là mẹ con cái Ly chứ ai. Thế là không khí buồn tẻ tang thương bỗng náo nhiệt
hẳn lên. Ly thong thả dắt thằng Cường, lặng lẽ cúi chào mọi người, anh lái xe
bê theo một vòng hoa đi sau. Ly cố nén không khóc nhưng mắt cô đỏ hoe cũng đủ
chứng tỏ cô đau lòng đến nhường nào. Cô thắp hương, cúi đầu khấn thằng Tuất,
mùi hương tỏa ra ngột ngạt, khói hương quấn thành những vòng trắng bay lên. Trong khi đó mọi người
chung quanh dồn mắt vào thằng bé đang ngơ ngác thoáng chút hoảng sợ. Có tiếng
xì xào nói thằng bé này giống Tuất như đúc. Một thanh niên là người họ hàng của
Tuất, gọi bố Tuất bằng chú bỗng nhanh nhẹn tách khỏi đám đông ra ngoài gọi điện.
Thắp hương xong, Ly quay ra ôm lấy cái Hiền. Mọi người xúm lại vây lấy cô hỏi
thăm trong khi thằng bé cứ bám lấy quần mẹ. Đứng nói chuyện một lúc Ly chào mọi
người, nói là để tranh thủ về thăm ông bà vãi. Vừa lúc ấy người ta thấy có một
chiếc xe máy chở ông Triệu từ từ đi vào đám. Người thanh niên gọi điện khi nãy
đỡ ông xuống xe.
Cứ ngỡ ông Triệu sẽ đi thẳng đến chiếc quan tài màu đỏ, nhưng không, ông run rẩy, đau khổ
và chậm chạp tiến về chiếc xe ô tô vừa đúng lúc Ly và thằng bé bước vào xe. Ông
Triệu lúc ấy còn kịp nhìn thấy nét mặt thằng bé chưa hết ngỡ ngàng trước những
việc của người lớn đang diễn ra chung quanh nó, đôi mắt trong sáng và cái nhìn
thơ ngây của nó như có điện làm ông rụng rời chân tay. Trong khoảng khắc rất ngắn
ngủi ấy, ông Triệu ngây người
khi nhận ra đó chính là đôi mắt và cái nhìn của thằng Tuất những ngày thơ bé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét