Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

NHỮNG NGUỒN LỰC CỦA THỜI ĐẠI NGÀY NAY

Tác giả : Tô Văn Trường

Năm 2011, đất nước ta có sự kiện trọng đại đó là Quốc  hội khóa 13 bầu ra bộ máy  lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ mới trong hoàn cảnh không ít cam go thử thách cả đối nội lẫn đối ngoại. Để đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia trong thế giới ngày nay, người ta thường nhìn vào những nguồn lực, những sức mạnh  thể hiện ở các mặt:  Phát huy dân tộc, giữ vững chủ quyền, thực hiện dân chủ, tôn trọng tự do và vững tiến cùng thời đại.
            Ở quốc gia mà xã hội và nhà nước do một Đảng lãnh đạo, như Việt Nam thì thêm một điều nữa, đặt trước tiên là: Đảng không cai trị. Sát hơn vào thực tế cuộc sống, nhiều nhà nghiên cứu vạch ra năm yếu tố cốt yếu của một xã hội văn minh như sau : Nhân dân thực sự là chủ, nhà nước pháp quyền hiệu quả, kinh tế thị trường hiện đại, xã hội dân sự lành mạnh, hội nhập quốc tế chủ động. Tuy nhiên, những sự đúc kết quá tóm tắt như thế cần được luận giải sáng tỏ, và liên hệ sát hợp với đặc điểm từng nước, nếu không thì chỉ là những chữ mà khái niệm mơ hồ, mù mờ, thậm chí có thể bị nhận xét là từ ngữ sáo rỗng, không khái niệm, không sức sống. Làm thế nào để người dân có thể nói lên các suy nghĩ của mình, trí thức và nhà báo không phải xấu hổ, khi viết phải tìm cách “lách” cho mềm đi để đỡ “đụng chạm”  lại làm cho chúng ta nhớ đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, muốn nói thẳng, nói thật “cuộc đời đó có bao lâu, mà hững hờ …” 
          Người dân có quyền đòi hỏi những người công bộc của dân khi được giữ chức trách cao cần hiểu thấu đáo (1) làm người đầy tớ trung thành của dân; (2) làm người học trò khiêm tốn của dân và (3) để xứng đáng là người hướng dẫn tin cậy của dân.  Làm được 2 việc trên bao nhiêu, thì đáng được tin cậy chừng ấy! Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 có thể và chắc phải được đánh dấu bằng những bước tiến về dân chủ (ở nước ta), trong đó có bước tiến về quyền hạn đích thực và trách nhiệm đích thực của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội sẽ vẫn đúng như quy định theo Hiến pháp hiện nay và những điều sẽ sửa đổi Hiến pháp theo hướng dân chủ hơn nữa. Người dân yêu cầu từng đại biểu Quốc hội và mọi đại biểu Quốc hội, đều là những tác nhân tích cực, chủ động tạo ra những bước tiến ấy mà toàn dân tộc rất mong chờ và đòi hỏi.  
          Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nguồn lực lớn nhất đó là con người, những con người của  ý thức, của trí tuệ và bản lĩnh để chủ động nắm bắt thời cơ và sẵn sàng vượt qua mọi thử thách. Gần 90 triệu dân nếu được giác ngộ, động viên sẽ là nguồn lực vô cùng to lớn, đủ sức chiến thắng và vượt qua tất cả khó khăn, trở ngại . Lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc ta đã nhiều lần chứng minh điều đó. Xưa nay, các bậc minh quân và anh hùng hào kiệt muốn làm việc lớn đều thấu hiểu  điều đó, và họ luôn coi việc “khoan sức dân” làm kế “sâu rễ, bền gốc” như  Cụ Hồ đã nói một cách rất dễ hiểu:” Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
          Quốc hội do dân bầu, đương nhiên phải hội tụ và thể hiện đầy đủ  quyền lực,  đồng thời cũng phải biết khơi gợi, phát huy, nhân lên nguồn lực đó. Tức là mỗi đại biểu  Quốc hội phải có đầy đủ phẩm chất của người đại diện ưu tú của cộng đồng, có ý thức, trí tuệ, và bản lĩnh. Từ đó, có thể thấy rằng nguồn lực của quốc gia là do mức độ dân chủ của thể chế chính trị quyết định. Nước ta còn rất nhiều việc phải làm để có một nền dân chủ đầy đủ làm cơ sở cho sự phát triển nguồn lực to lớn.
          Nguy cơ làm cho nguồn  nhân  lực bị suy giảm, phản biện xã hội bị triệt tiêu, hay nạn quan liêu, cửa quyền, lãng phí, vô trách nhiệm đều có nguồn gốc ở tệ tham nhũng mà ra. Làm mấy phép tính đơn giản sẽ thấy những vụ thất thoát, ăn cắp tham nhũng lớn như PMU 18, đại lộ Đông Tây TP.Hồ Chí Minh, Vinashin vv… là mất tiền thuế khổng lồ của người dân  lên đến hàng tỷ USA. Số tiền ấy, đủ để  trang bị nhiều máy bay, tầu ngầm, các khí tài quân sự hiện đại, nâng cao sức bảo vệ chủ quyền đất nước. Số tiền ấy, cũng có thể để bổ sung đáng kể cho cái ăn, cái mặc của người dân, cho lương bổng của sỹ quan chiến sỹ và ổn định kinh tế gia đình họ, để họ yên tâm đứng vững nơi đầu sóng, ngọn gió giữ gìn độc lập dân tộc. Đấu tranh chống  tham nhũng không chỉ trực tiếp làm cho nhân dân bớt mồ hôi, nước mắt mà còn trực tiếp làm tăng sức phát triển bền vững của quốc gia.
Mọi sự so sánh có thể khập khiễng, nhưng thật sự đau lòng khi so sánh sự phát triển giữa chúng ta với một số nước cùng từng trải qua chiến tranh tàn phá. 30 năm sau chiến tranh Hàn Quốc, Nhật Bản đã trở thành cường quốc. Còn chúng ta, sau 30 năm mới thoát khỏi danh sách các nước nghèo. Thêm 10 năm nữa, nếu tệ nạn tham nhũng vẫn hoành hành như thế này thì liệu Việt Nam có thể trở thành “nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại hóa” được không? Ai làm và làm như thế nào???  Đến nay vẫn chưa xuất hiện câu trả lời thỏa đáng.  Rõ ràng nạn tham nhũng đã và  đang làm suy yếu và triệt tiêu nghiêm trọng nguồn lực của cộng đồng gần 90 triệu người cả về vật chất lẫn tinh thần. Thấu hiểu nguy cơ này, ngay kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13 cũng đã lên tiếng cảnh báo về điều đó và chúng ta hy vọng đất nước có thêm nguồn lực mới từ chính tâm huyết, trí tuệ  và bản lĩnh mà mỗi đại biểu Quốc hội tạo ra trong nhiệm kỳ của mình.
Một số vấn đề  có tính chất chiến lược phát triển của đất nước, rất cần sự đóng góp trí tuệ của toàn dân, cụ thể là các đai biểu Quốc hội khóa 13 là:
1.Thượng tầng kiến trúc và hạ tầng cơ sở:  nguồn lực ở trên thượng tầng và ở dưới hạ tầng thế nào, phân bổ nguồn lực và chia sẻ quyền lực ra sao.
2.  Xây dựng nền dân chủ thông qua xây dựng nhà nước pháp quyền: thượng tôn pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật hay đứng ngoài pháp luật, không có ngoại lệ.
3. Phát triển dân trí: xã hội nào, nhà nước nào cho dù các nước nghèo đói ở Châu Phi cũng không thể nói họ không có tầng lớp trí thức hay tinh hoa của đất nước (elite), do vậy, không thể nói vì dân trí còn thấp nên không thể mở rộng dân chủ. Điều này dễ rơi vào ngụy biện, thậm chí ngay cả chính những người trí thức có khi cũng tự phủ nhận quyền lợi phát triển dân chủ của bản thân dân tộc mình. Thực tế, dân chủ và pháp quyền hay các quyền lợi cơ bản của con người và phương tiện bảo vệ quyền lợi cơ bản của con người không hề mâu thuẫn với trình độ dân trí của quốc gia. Luận điểm không chấp nhận mở rộng dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền chẳng khác nào nói: một đứa trẻ mới sinh ra vì thiếu trí tuệ, chưa được giáo dục nên không nên cho nó hưởng quyền tự do, dân chủ !!! Một công nhân lao động đầu tắt mặt tối nên không cần hưởng sự công bằng về pháp luật ngang hàng với một ông chủ tịch phường hay bí thư quận chỉ vì người công nhân này mới học hết lớp 9 và không am hiểu pháp luật nên “không áp dụng nền dân chủ hay công bằng cho anh ta” !  Không thể nói, vì dân ta có dân trí thấp nên hay xả rác, do đó không đặt các thùng rác tại nơi công cộng làm gì cho mất công !!! Không thể nói ngụy biện rằng một tên ăn trộm bị bắt là dốt nát nên có thể đánh cho nó một trận chết ráng chịu bất chấp cả pháp luật !!! Nếu chúng ta sồng trong các kiểu ngụy biện này mà không chịu thức tỉnh, không chịu sửa đổi thì con cháu chúng ta rồi cũng sẽ trả giá tương tự vì “không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời” và qui luật “gieo gì sẽ gặt nấy”.
4. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản: cần làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng cả trong điều lệ và thực tiển.  Tại sao Đảng cần lãnh đạo toàn diện? Tại sao nói Đảng ta là Đảng cầm quyền?  Làm sao Đảng có thể tự làm mới mình, luôn học hỏi để xứng đáng là “lãnh đạo”, xứng đáng “cầm quyền”?  Nếu không có cơ chế để Đảng học hỏi và tiến bộ liệu Đảng có tự mình bị rơi vào vòng lạc hậu và suy thoái?
5. Các nghịch lý: Nếu các trao đổi thẳng thắn, xây dựng không được tiếp thu nghiêm túc thì xã hội ta chẳng khác nào “anh Chí Phèo” ngày xưa của Nam Cao. Nhìn sang Bắc Triều Tiên, Cuba rồi quay lại Miến Điện hay Trung Quốc và Việt Nam chúng ta dễ thấy người dân sống ra sao so với đời sống tại các quốc gia khác trong khu vực và trên khắp thế giới? Nếu chúng ta xem Bắc Triều Tiên hay Cuba là hiện đang có đời sống rất khó khăn vì bị cô lập, chậm phát triển thì câu hỏi đầu tiên là: tại sao như vậy?  Thế giới đang nhìn Việt Nam và Trung Quốc với cặp mắt ra sao? Nhân dân trong nước thực sự đang nghĩ gì về sự lãnh đạo này? Muốn kiểm chứng không khó, chỉ cần vào các trang Web như Google hay Wikipedia vv... sẽ tìm thấy các thông tin, chỉ số về đời sống kinh tế xã hội của các quốc gia và dễ dàng nhận ra chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thế giới !!!
6.  Giải phóng sức dân: đây chính là bàn tay vô hình điều tiết thị trường. Các nguồn lực quốc gia xét cho cùng cũng từ sức dân mà ra. Nếu các cơ chế giải phóng sức dân được thực thi nghiêm túc, các thành tựu sẽ tự tìm đến. Rõ ràng là từ khi Việt Nam mở cửa, chấp nhận một nền kinh tế thị trường, kêu gọi đầu tư nước ngoài, kêu gọi làm bạn với các nước khác, chấp nhận các qui luật, qui định, định chế chung về phát triển kinh tế xã hội như Liên hợp quốc, WTO, WB, IMF vv… thì nền kinh tế của Việt Nam phát triển nhanh hơn nhiều so với trước đây và so với các nước chậm mở cửa như Bắc Triều Tiên, Cuba, Miến Điện. Thực tế, đây cũng chính là vấn đề “giải phóng sức dân” mà thôi. Các thành tích về y tế, giáo dục, thể thao cũng theo đó mà tiến bộ.
7.  Phát triển kinh tế phải đi cùng phát triển thể chế: đây là vấn đề năng lực sản xuất và phương thức sản xuất. Nếu năng lực kém, không thể theo kịp một phương thức sản xuất đang thay đổi nhanh và trở thành lực cản, ngăn trở sự phát triển của đất nước.
8. Đổi mới kinh tế và Đổi mới chính trị phải được tiến hành song song đã thành đường lối, chủ trương chính thức của Đảng và Nhà nước ta. Nhiều nhà nghiên cứu đã viết sáng tỏ, rõ ràng về mối quan hệ này.
Nói tóm lại: Một cuộc tranh luận dai dẳng, từ khi chúng ta mới bắt đầu dùng cụm từ "hệ thống chính trị", cho đến nay chưa chấm dứt, đó là câu hỏi: Nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam ở trong, và ở trung tâm của hệ thống chính trị Việt Nam, hay là ở ngoài, không có nhân dân, không có dân tộc trong hệ thống chính trị?. Tôi nghĩ là người đọc có câu trả lời của chính mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét