Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Chú Tư, con là ai - Chương 10

Mùa khô tới, nước rút đi nhanh giống như nước nổi khi mùa mưa, quay qua ngoảnh lại nước trong đồng đã rút hết, nước sông cũng cạn dần. Xóm ghe lại theo nước cạn mà đi dần ra ngoài sông, lều trại cũng theo dần ra bãi. Người nghèo không biết làm gì kiếm ăn, lại đi vợt ốc, tát vũng kiếm ít cá sặt. Tôi rất mừng khi thấy chú Tư phục sức dần nhưng cũng thấy lo vì chú ăn rất khoẻ. Mỗi bữa chú phải ăn sáu chén đầy ụ cơm với khô cá mới đủ no. Thấy tôi hàng bữa kín đáo nhường chú ăn, chú biêủ :
- Con bớt gạo đi, kiếm ít khoai luộc ăn phụ thêm.
Tôi mua khoai luộc phụ thêm mỗi bữa. Ăn nhiều khoai nóng ruột ợ hơi liên hồi nhưng tôi vẫn giành ăn để nhường cơm cho chú. Tôi biểu chú :
- Khoai ngọt dữ. Con ăn hoài được.
Chú Tư cười sảng khoái :
- Bộ mày bịt mắt được chú hay sao ? Ngày mai con đem sắt ra miếng rồi nấu độn vô cơm.
Hai chú cháu cười nhưng tôi thấy tội chú quá. Một buổi sớm có ghe đổi gạo và muối từ Nam Vang về. Bà chủ ghe vừa đong gạo vừa hỏi mọi người :
- Đây có ai là Tư  Thoả không ?
Bà Năm nhanh nhảu :
- Có Tư Thoả. Chú ấy sống với đứa cháu tên là Nhung.
- Vậy hả. Vậy thì trúng rồi. Người ta nhờ tôi đi tới đâu cũng thăm dò. Tôi đã hỏi hàng tháng nay rồi đó.
- Thăm dò cái gì.
- Là người ta nhờ thăm dò về con bé Nhung. Bị lạc từ ở bển.
- Để tôi kêu chú Tư cho dì hỏi chuyện nghen.
- Phải rồi, thím kêu dùm tôi đi. Hên quá.
Bà Năm vác thúng gạo quay về rồi te te qua gọi chú Tư. Chú vội vàng bơi xuồng đi, mang theo hai chục ký ốc bằng. Khi trở về, chú đưa tôi một túi năm ký gạo, tươi cười hớn hở nói :
- Có tin của má con rồi.
Tôi sướng quá, nhảy lên bá cổ chú Tư :
- Thiệt hả chú ? Vậy má con đang ở đâu ?
- Bả đang ở Nam Vang.
- Lạy Trời Phật, vậy là con tìm lại được má rồi.
- Bả nhờ người tìm con từ lâu, nay mới gặp. Bả nhắn con về với bả.
- Mừng quá chú ơi, không biết ba và các anh con ra sao.
- Cái đó thì chưa biết. Khoảng hơn chục ngày nữa con theo ghe đổi gạo về Nam Vang với má con, đã xắp xếp vậy rồi.
Những ngày đầu mới hay tin tôi sống trong niềm vui tột cùng, cả ngày làm việc không biết mệt nhọc. Trước đây trông nuôi bốn con heo là công việc quá nặng nề. Có hôm kiếm rong về muộn, bầy heo đói rít lên, trông thấy tôi, chúng nhảy chồm tới khiến tôi phát hoảng. Tôi thấy chúng hộc lên đòi ăn thì tức lắm, tức tới mức phải ngồi thụp xuống cạnh đó tấm tức khóc. Mình cũng đang đói rã ruột mà không có cái ăn nói chi đến chúng.  Khóc chán rồi tôi đi tìm củ khoai ăn đỡ cơn đói, người đỡ đói rồi mới nấu cám cho heo ăn được. Vậy mà bây giờ nhìn mấy con heo thấy tội nghiệp. Tôi vuốt ve chúng, biểu tụi bay phải ngoan, tao đi rồi chú Tư không chăm được tụi bay như tao đâu. Tôi mong mau tối để chạy qua ngủ với con Gấm. Tôi kể nó nghe những chuyện tôi còn nhớ về má tôi. Gấm chỉ nghe một đoạn đầu rồi quay qua ngủ. Tôi nằm miên man, nghe nước sông mêng mang, man mác nhớ anh Cháy, hồi tưởng lại lúc anh mân mê tay tôi rồi kéo tôi vô mà hun, nhớ cả cái bộ mặt anh ngây ra khi tôi xua đuổi anh về dưới mà lấy gái Việt. Xua đuổi vậy thôi chớ trong lòng tôi vẫn trông anh quay lên chơi với tụi tôi hoài. Nhớ thương nhưng vẫn ấm ức lắm, ba má ảnh coi tôi là gái Campuchia, trái ngược vậy mà anh Cháy vẫn chịu mới hận chớ. Ít bữa nữa tôi đi khỏi đây, về nhà với má tôi, nếu anh quay lên biết sao tìm gặp lại được.
Ngủ với Gấm nhưng tôi dậy rất sớm, chạy về ghe luôn. Tôi muốn lo cơm nước cho chú Tư thật chu đáo. Được về với má thì tôi lại phải xa chú. Chú đã như ba của tôi, mỗi lần nhớ tới người cha xấu số của tôi thì tôi lại thương chú thiệt nhiều, chỉ sợ mất chú. Nhưng bây giờ tôi phải xa chú thiệt sự rồi. Tôi thầm mong chú cùng về ở với má con tôi. Như khi ở bển, cả chú, cả má, cả anh tôi đã cùng sống trong một cái chòi. Ngày ấy chính chúng tôi đã giữ chú ở lại, chú đi dạo cá, má đội cá vô xóm đổi gạo đổi bắp. Lúc ấy tôi còn nhỏ quá, tôi chưa biết những chuyện của đàn ông đàn bà. Nay tôi đã hiểu đàn ông đàn bà không phải vợ chồng thì không ăn ở cùng nhau được. Vậy nên không thể biểu chú cùng về ở với má con tôi. Nhưng tôi vẫn nói :
- Chú Tư ơi, sao chú không đi với con luôn ?
- Đi với con về Nam Vang chú làm gì mà sống.
- Trước tới giờ mình có lo làm gì để sống đâu chú, mà vẫn sống được đó thôi.
- Ờ, vậy mà chú vẫn không đi được. Về Nam Vang rồi con sẽ tự hiểu.
Chú Tư thở dài, ít khi tôi thấy chú thở dài buồn như thế. Rồi chú mỉm cười, đôi mắt hiền từ nhìn tôi, nhưng ánh mắt cũng đượm buồn.
- Bao giờ lấy chồng thì mời chú đi đám cưới nghe con.
Tôi dãy nẩy :
- Không lấy chồng. Con cứ ở vậy với má với chú thôi.
- Sao có được. Con gái lớn phải lấy chồng, giống như cái xuồng phải có người chở chớ con.
- Vậy sao tới giờ chú chưa lấy vợ.
- Đâu có ai thương chú, bởi chú nghèo quá.
- Con thương chú chớ. Hổng biết chú có thương con không ?
Tôi thương chú quá, thiệt muốn bá vai chú như xưa nhưng giờ biết ngượng. Chú biểu :
- Biết chớ, chú có còn ai thân thích ngoài con.
Nghe chú nói vậy tôi không còn muốn đi nữa. Chú Tư gạt đi, biểu tôi phải trở về với má. Tới hẹn, tôi theo bà chủ ghe, tạt ngang dọc đổi bán gạo hơn một ngày thì về tới Nam Vang. Bà dẫn tôi tới ngay xóm Việt, vô một cái lán tôn trên bốn cột gỗ  cắm ở mé sông. Tôi thấp thỏm dừng lại bên ngoài một lát rồi gọi to :
- Má à, má ơi, con đây nè.
Tiếng bả vọng ra từ trong nhà :
- Nhung đó con. Vô đi chớ còn đợi tao ra đón hả !
Tôi lao vô, muốn ôm lấy má nhưng ngay lập tức khựng lại. Lúc ấy nắng  chiều còn trải trên mặt sông, hắt vô lán tối tăm một màu sáng vàng ói khó chịu. Trong thứ ánh sáng tăm tối ấy, tôi thấy một người đàn bà đang vạch vú cho con bú, bên cạch là một đứa trẻ chừng hai tuổi nằm im  thít nhìn tôi. Trong góc lán còn có một người nằm đắp mền. Tôi ngửi thấy mùi dơ thúi, ốm đau và đói khát, khác hẳn với không khí trong lành trên ghe. Có một lúc tôi đã ngỡ mình vô nhầm, rằng người đàn bà đang cho con bú kia không phải má. Tôi đứng trân nhìn bả, không hiểu mình đang gặp chuyện gì. Bả ấn sâu đầu vú vào miệng đứa bé rồi quay qua nhìn tôi.
- Ủa, sao đứng như trời trồng vậy ! Coi bộ lạ lắm hả ?
Rõ ràng đó là má tôi. Cái giọng nói quen thuộc của bà tôi không lộn được dù có lưu lạc bao nhiêu lâu cũng vậy thôi.
- Má.
- Ngồi xuống đây. Đi cả ngày có đói không ?
- Dạ không.
- Mà có đói cũng không còn gì ăn.
Điều này bà không nói ra tôi cũng có thể nhìn thấy được. Cái đứa bé nằm im thin thít nhìn tôi kia chắc không phải vừa mới chịu đói ngày hôm nay. Tôi đứng xượng xùng mãi mới hỏi má được câu này :
- Má có em bé ?
- Em mày chớ ai. Dượng mày nằm đắp mền kia. Đi chặt rừng mới về, mắc sốt rét.
- Cả hai đứa ?
- Muốn ba đứa hả ?
Vậy là đã rõ rồi. Người đàn ông đang ngọ nguậy thò đầu ra khỏi mền kia là chồng mới của bả. Thằng bé đang lồm cồm ngồi dậy rồi bò quanh bà là con mới của bà. Tôi ngồi xuống bên cạnh thằng bé. Nó tự nhiên thò tay vào cái bọc vải của tôi mò tìm cái ăn. Tôi đâu có gì ăn. Nó nhìn tôi như nói nó đói lắm rồi. Tôi nghĩ tới số tiền ít ỏi tôi gài trong túi áo. Đây là tiền chú Tư cho tôi để may áo tết. Tôi nói với má :
- Con có mấy chục ria nè má.
- Bà nói ngay,
- Thế thì đi mua gạo về nấu cơm ăn. Lẹ lên.
- Con đâu biết mua chỗ nào.
- Ra ngoài mà hỏi, miệng đâu. Gần đây thôi.
Tôi đi ra, lên khỏi bờ sông. Trời đã sẩm tối. Tôi đứng lại ngắm nhìn một vài nhà có điện. Người ta chỉ cho tôi chỗ mua gạo. Tôi lấy ra một nửa số tiền, một nửa số còn lại tôi gài chặt vào túi áo. Mua được 17 kí,  tôi khệ nệ vác về, quăng uỵch xuống, cái lán như rung lên.
- Nhẹ nhàng thôi chớ con. Thổi cơm mau lên má đói rồi.
- Lấy gì nhóm lửa ?
- Qua lán bển xin quẹt, lẹ lên.
Tôi lại quay ra, nhằm chòi bên cạnh vô thẳng. Một lũ trẻ đang vây quanh rổ khoai chợt ngoảnh hết  sang nhìn tôi, hai người lớn dáng chừng là ba má chúng đang chia khoai cho từng đứa. Người đàn ông không lấy gì làm ngạc nhiên trước sự xuất hiện đường đột của tôi, hỏi :
- Con là Nhung hả. Thằng Ba đưa cho chị Nhung cái hộp quẹt.
- Sao chú biết con là Nhung sang xin quẹt ?
Ông cười :
- Biết chớ. Tường vách thông thống có gì mà không biết. Mau về nấu cơm đi, bển đó đói mấy bữa rồi.
Tôi vo gạo nấu cơm xong rồi hỏi má :
- Cơm ăn với gì má ?
- Có lọ tương hột đó con.
Lúc này thằng bé đã thôi nhay vú, bò ngang ngửa đùa nghịch trong khi thằng anh ngồi hóng nồi cơm, thỉnh thoảng lại hét lên ơm ơm. Ba chúng đã ra khỏi mền, ngồi ôm gối nhìn chúng tôi. Khi tôi giở vung nồi, mùi cơm bay lên thơm phưng phức thì trông mọi người linh hoạt hẳn lên. Chỉ một thoáng má tôi đã vét nồi quèn quẹt, hẳn là bên hàng xóm cũng nghe thấy. Thằng anh lom khom tìm nhặt từng hạt cơm vãi bỏ vô miệng. Ăn xong, chồng má tôi vẫn ngồi ôm gối, hỏi :
- Nhung ăn ít vậy con ?
- Quen rồi.
Má tôi xúc miệng xòng xọc, nói :
- Ổng là dượng mày đó.
- Biết rồi,
- Sao biết ?
- Thì ban nãy má chẳng nói đó sao.
Ngồi nói qua nói lại, muỗi đốt tùm lum. Muỗi bay vo vo trước ngọn đèn dầu. Mùi nước sông dưới gầm bốc lên thum thủm, nồng nồng rất khó chịu. Tôi đập muỗi liên hồi, thấy ghê tay, giơ lên nhìn coi có máu không nhưng tối thui, tôi nhớ tới bầy muỗi to như hạt đậu bu đen kín trên mặt dì Tám. Má nói :
- Tắt đèn đi, thắp nhiều tốn dầu lại bị muỗi chích.
- Tắt đi xấp nhỏ lấy gì mà chơi ?
- Giăng mùng lên là chúng ngủ liền.
Má thổi tắt phụt ngọn đèn rồi treo vô góc. Trong lán chỉ còn một thứ ánh sáng nhờ nhờ do nước sông phản chiếu lên. Má thoăn thoắt giăng mùng rồi lùa hai đưa trẻ vô. Quả nhiên vô mùng là chúng thôi cấu chí nhau, một thoáng sau đã ngủ. Má nằm ôm xấp trẻ bên cạnh dượng. Tôi nằm ngoài mùng cho rộng rãi nhưng muỗi chích quá không chịu được, lúc sau phải chui vô mùng nằm cạnh mấy đứa trẻ. Không tài nào ngủ được, tôi nhớ tới chú Tư, con Gấm và cả cái xóm ghe lúc nào cũng lộng gió thoáng đãng. Giờ này chắc chú Tư mới đang ăn cơm, có khi giờ này còn đang mải cho bốn con heo ăn. Một mình chú, bao nhiêu việc, riêng tự lo cơm nước cho mình cũng đủ mệt rồi. Nếu tôi biết má đã lấy chồng và có hai đứa con thế này thì tôi đã không về với má. Lưu lạc bao nhiêu năm nay gặp lại mà thấy xượng xùng quá. Má lấy chồng, có con và thay đổi nhiều quá , không biết có phải do cuộc sống quá khổ mà má trở nên khô cằn và xa lạ không? Còn chồng má, người đàn ông kia và hai đứa trẻ hết sức lạ lùng đối với tôi. Mà sao má lại phải lấy chồng kia chớ, má làm thế tức là má không yêu thương gì anh em tôi. Bây giờ càng không thể yêu thương được nữa bởi còn phải yêu thương người đàn ông kia cùng xấp nhỏ của bà. Chán ngắt, tôi có ý bỏ về với chú Tư.
Sáng sớm hôm sau dượng tôi đã ra đi. Chỉ còn hai má con, tôi hỏi :
- Ổng đi đâu mà sớm vậy má ?
- Đi kiếm việc.
- Việc gì ?
- Ai thuê gì làm nấy. Tội nghiệp ổng, đang sốt rét mà cũng không được nghỉ.
 Tôi đánh bạo hỏi má về cái ý nghĩ hồi hôm.
- Sao má lại lấy chồng ?
- Mày con nít, biết gì mà vặn hỏi.
- Sao má cứ coi con là con nít hoài !
- Tại ổng thương má.
- Vậy giờ má còn thương con với anh Hai ?
- Con này hỏi kỳ quá, không thương tụi bay thì thương con thiên hạ à ?
- Vậy còn thương chồng với mấy đứa con mới ?
- Chúng nó là em mày.
Tôi thấy má thở dài một tiếng.
- Chú Tư giờ sao ?
- Vẫn vậy. Mua được ghe rồi.
- Mừng há. Kể như hồi đó chú thương má thiệt thì giờ đã khác.
- Hồi đó sao vậy ?
- Chú biểu ba mày mới mất, chú chưa thương được. Rồi lạc mỗi người một nơi.
- Má biết anh hai giờ ở đâu ?
- Nghe nói ở Siêm Riệp.
- Làm gì ?
- Nghe nói đi theo bộ đội tình nguyện, dịch tiếng Miên cho người ta.
- Có khi nào về thăm má ?
- Nó nhắn người ta biểu má lấy chồng nó không về.
- Sao má còn gọi con về ?
- Về kiếm việc làm giúp má, nuôi em. Má cực quá con ơi !
Nói đến đây má tôi mếu máo khóc. Nhìn má lấy vạt áo chấm nước mắt tôi không còn ý muốn bỏ má về với chú Tư nữa.
Mới ở nhà má dăm ba hôm mà tôi đã thấy ngán. Hai đứa nhỏ còn lạ, không chịu chơi với tôi. Vậy cũng tốt, phải coi chúng mà chúng quậy quá chịu hết nổi. Ngồi nhìn sông nước mãi phát cuồng, tôi đi loanh quanh ngó nghiêng, hoá ra ở đây cũng phần nhiều là người Việt. Họ ở thành một dãy dài theo mé sông, trong những chiếc chòi lúp xúp lợp tôn. Vào một chiều tối, khi ngang qua nhà kế bên, tôi thấy mọi người nhớn nhác tìm kiếm. Má tôi cũng ôm thằng nhỏ chạy từ trong nhà ra. Bả chõ qua hỏi :
- Có chuyện gì vậy anh Hai.
Chú Hai chính là người đã cho tôi mượn hộp quẹt, đi ra đi vô lo lắng.
- Thằng Ba nhà tôi đi từ hồi trưa giờ này không thấy về.
Tôi nhớ tới thằng bé gày đen, một tay cầm nửa củ khoai, một tay đưa tôi cái hộp quẹt bữa trước. Cũng giống như ở Vo Tiêu hễ một nhà có công chuyện gì là mọi người trong xóm ùa tới hỏi thăm liền, chú Hai đứng phân bua, coi mặt chú căng thẳng cực kỳ :
- Thằng này nhát lắm, chưa có bao giờ dám đi đâu xa một mình.
Thím Hai từ trong nhà nói ra :
- Tôi sợ nó đi tắm quá, ông dò lũ trẻ coi.
Vậy là mọi người túa đi dò lũ trẻ, đứa nào cũng lắc đầu, tới một đứa con gái đen còm, thò lò mũi thì nó nói :
- Con có thấy anh Ba đi tắm.
- Hồi nào ?
- Hồi trưa.
- Mày thấy nó đi với những ai ?
- Con hổng biết.
- Ủa, sao mày biết nó đi tắm, có thiệt nó đi tắm không ?
- Dạ, thiệt mà.
- Mày thấy nó tắm ở đâu ?
- Quãng cây trứng cá. Lúc đó con trèo hái trái trứng cá.
Chú Hai la lên thất thanh :
- Thôi chết thiệt rồi, lũ trẻ thường đưa nhau ra đó tắm lắm.
Chú cuống cuồng chạy tới khúc sông có cây trứng cá trên bờ, mọi người tất tả chạy theo, cả xóm ven sông bỗng trở nên huyên náo. Người ta tìm thấy chiếc quần cộc lủng đít của thằng Ba dưới gốc cây trứng cá. Có tới dăm bảy người đàn ông nhảy xuống mé sông lặn ngụp tìm vớt xác thằng Ba. Họ không cho chú Hai nhảy xuống sông. Dượng tôi cũng đi ra, buồn bã và im lặng đứng nhìn một lát rồi nói :
- Tụi bay mò tại chỗ vậy đâu có được, nước này nó phải trôi đi hàng cây số chứ bỡn à.
Tới chập tối người ta vớt được xác thằng Ba nhưng không cho đưa vô nhà mà đặt nó ở mé đường, mặt quay về phía cây trứng cá. Má nó ngồi xổm bên cạnh khóc than, mấy đứa em nhỏ xúm chung quanh ngơ ngác. Ba nó lo nấu cháo thắp hương cho nó, dượng tôi vô chùa mời thầy về tụng kinh. Nhìn thấy cúng bái sơ sài, thầy biểu :
- Hàng ngày nó thích cái gì thì làm cái đó cúng cho nó.
Chú Hai ngó suôi ngó ngược, dáng chừng chú không biết thằng bé thích cái gì, thấy tôi đứng cạnh liền kéo lại biểu :
- Con vô luộc cho em mấy củ khoai.
Tôi vô tìm mãi được hai củ khoai nhỏ, đứng băn khoăn một chập rồi chạy ra hỏi chú Hai :
- Có hai củ nhỏ xíu vầy chú ?
- Chắc còn có vậy thôi, luộc mau cho em.
Tôi đặt hai củ khoai nhỏ xíu vô chiếc dĩa sứt cáu mẻ rôi bê tới cạnh thằng bé. Lúc đó tôi không thấy sợ mà chỉ thấy thương xót nó. Bụng nó coi thấy căng trướng lên vậy mà chắc lép kẹp à, từ hồi mai tới giờ đã được miếng chi đâu. Tôi khấn thầm em ơi có hai củ khoai em mau về ăn đỡ đi, đừng chịu chết đói thì khổ quá. Mấy đứa em thấy tôi mang dĩa khoai ra chực chộp lấy liền bị ba chúng phát vô tay.
- Đừng có cà chớn ăn đòn bây giờ. Để cúng anh tụi bay xong  rồi ba cho.
 Đêm tôi không thể nào nhắm mắt được. Thằng bé nằm ngoài đó chắc giờ muỗi xúm vô chính vô thân xác nó đau đớn lắm, tôi nhớ lại cái xác dì Tám bị muỗi bu đen mà rùng mình.  Chú Hai ngồi ủ rũ canh thằng bé, chốc chốc lấy tàu chuối gạt muỗi, ngọn nến lúc lúc bị gió thổi tắt, lại phải châm lại. Tới gần sáng cả xóm bỗng lại náo loạn khi có tiếng trẻ con la lớn :
- Trời đất ơi tôi sợ quá, thằng Ba nó về kiếm tôi.
Mọi người ùa ra coi có chuyện gì, thấy thằng Tư sứt môi chạy vùng quanh, vẻ sợ hãi. Người ta túm nó lại hỏi :
- Chuyện gì vậy Tư, thong thả kể coi.
Vẫn chưa hết hoảng sợ, thằng Tư sứt môi hổn hển kể :
- Rõ ràng tôi thấy thằng Ba vừa về, kêu tôi đi chơi.
- Chuyện gì mà kỳ vậy, rồi sao ?
- Rõ ràng lắm mà, tôi còn nghe nó thở nữa kia. Nó kêu tôi đi chơi, đi kiếm cái gì ăn cho đỡ đói. Tôi sợ quá biểu nó mày chết rồi còn đi chơi cái gì, nó biểu tao có chết đâu. Nhưng mà coi mặt nó buồn rầu lắm chớ không vui nhộn như lúc còn sống.
- Thế rồi nó có làm gì mày không ?
- Nó lặng lẽ bỏ đi, đi ngang qua ngay đây nè, tôi sợ quá mới kêu mọi người.
Người ta chôn thằng Ba ở nghĩa trang Việt kiều, chôn hôm trước thì vài hôm sau lại có chuyện ầm ỹ cả xóm. Thím Ba ve chai bỗng dưng đùng đùng vác rựa chặt cây trứng cá kế bên nhà. Vừa chặt cây, thím vừa tức tưởi kể :
- Thằng Ba chết rồi mà cứ về nhát người ta hoài, chiều nào nó cũng trèo lên ngồi vắt vẻo trên cây trứng cá này. Tôi gặp nó ba bốn bận rồi, là nó thiệt chớ không sai được. Vậy nên chặt phéng cái cây này đi, hết nhát người, tôi đâu có sợ, sống nó là thằng Ba, chết nó cũng là thằng Ba chớ sao mình phải sợ nó.
Một người đàn bà ẵm con trong đám đông nói chen vô :
- Một lần mới sớm mai tôi cũng gặp nó đi đi lại lại bên ngoài, hỏi nó sao không vô nhà, nó nói trong nhà thờ Phật, không vô được.
Sau những chuyện như thế dân cả xóm từ người già tới con nít đều để ý coi có gặp thằng Ba hiện về không. Thấy vậy, dượng tôi bàn với chú Hai :
- Coi chừng nó không siêu thoát được, chú tính rước ảnh nó vô chùa cho yên.
Chú Hai buồn rầu :
- Nó làm gì có ảnh mà rước ảnh.
- Mình ghi tên tuổi nó rồi mang vô chùa cũng được.
Tôi cũng đi theo lên chùa, cả đám chừng dăm bảy người lôi thôi lếch thếch. Vô chùa đợi hoài không có ai tiếp, đợi ngán mới có một người bận đồ sư ra hỏi :
- Mấy người có việc gì ?
Dượng tôi kể đầu đuôi, vị sư nghe xong nói :
- Giờ này trụ trì còn bận đi rước mấy người về cúng dường, các thí chủ ra bên ngoài kia đợi đi.
Coi như họ đuổi tụi tôi ra ngoài. Đợi chừng một chập sau quả nhiên thấy có đoàn người đi vô, coi ai cũng sang trọng. Một người đàn bà bận đồ nâu, nét mặt phúc hậu, thấy má thằng Ba khóc than bằng tiếng Việt liền dừng lại hỏi chuyện. Nghe hết câu chuyện bả cảm động, chấm nước mắt rồi xin với sư trụ trì làm lễ cúng cho thằng Ba. Bà còn phúng cho thằng Ba ít tiền, má nó muốn đem về mua gạo nhưng ba nó ngăn, nói để lại chùa người ta dầu đèn cho con.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét