Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

IM LẶNG LÀ VÀNG

Tác giả :  Tô Văn Trường

Im lặng là vàng. Đó là câu châm ngôn phương Tây mang nhiều ý nghĩa nhưng ngày nay lại được nhiều người trong giới trí thức chúng ta coi như một triết lý sống.  Triết lý sống ấy, phần lớn do người ta ngao ngán với “nhân tình, thế thái”. Mặt khác,  cũng có một số người nghĩ  im lặng sẽ đảm bảo cho sự an toàn của bản thân trong mọi lúc, mọi nơi. Rồi từ chỗ ít nói, ngại nói, không dám nói  những điều mình đang trăn trở, nghĩ suy, người ta trở nên dửng dưng trước mọi biến động của xã hội. Thậm chí coi im lặng là vàng mà vàng thì quý lắm, lại đang lên giá từng ngày nên ngay cả khi đất nước gặp nguy nan cả trong đối nội và đối ngoại, họ vẫn tôn thờ chủ nghĩa MAKENO, vẫn “mũ ni, che tai” như một kẻ ngoài cuộc.
Ngược lại, có luồng ý kiến lại cho rằng ngay những người trí thức Việt Nam, không ít người lại quá đà chỉ thích chỉ trích, chê bai, mà không bao giờ nghĩ xem nếu mình được đặt vào vị trí quản lý mình có làm được không, mình có
bị quyền lực và tiền bạc làm cho tha hoá không? Đấy là chưa kể, những
người khi ngồi ở ghế ấy thì khác, lúc về vườn lại quay ra chỉ trích
chính những gì mà mình từng làm.
Một vị giáo sư thuộc loại con nhà nòi, mới gọi điện thoại cho tôi tâm sự về chuyện thời xưa người ta còn biết tuyệt thực trong nhà tù, thời nay, tốt nhất là “rửa tay, gác kiếm” không nghĩ, không nói, không viết nữa!
Một vị trí thức, lão thành cách mạng trăn trở  bảo rằng mọi lời hay ý đẹp của lẽ phải thật ra  không lạ gì đối với những người đang cầm quyền. Mới đây có vị lãnh đạo cấp cao nói chuyện với báo chí rất hay, nhất là phần nói về dân chủ, về trách nhiệm và quyền của các đại biểu Quốc hội nhưng vị ấy lại quên mất rằng  các sự việc diễn ra gần đây trên mảnh đất hình chữ S này lại gây ra rất phản cảm trong xã hội. Vậy thì các bài viết của mình dù là vắt óc để suy nghĩ  liệu có thay đổi được thời cuộc?  Cảm thán, chia sẻ với suy nghĩ của các bậc đàn anh, tôi lại nhớ cụ Nguyễn Khuyến  đã từng viết:
“Câu thơ viết, đắn đo chẳng viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa”
Suy cho cùng, mỗi người có một cách nghĩ, cách ứng xử trước thời cuộc. Ngẫm suy về trách nhiệm của người trí thức thời nay phải là người biết "đánh thức không cho xã hội ngủ" tôi lại nhớ đến lời căn dặn của ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) “Dù trong bất cứ trường hợp nào cũng không được nản chí”!
Người ta có thể  “ba không”  (không nghĩ, không nói, không viết)  để an hưởng thú điền viên "lão giả an chi"! Cái kiểu ứng xử của các cụ trước đây “thiên hạ hữu đạo tắc hiện, thiên hạ vô đạo tắc ẩn” cũng là một cách để tỏ thái độ của người thức thời.  Những người trí thức đều ở trong xã hội, là một phần của xã hội. Quan hệ của trí thức với những thành viên khác của xã hội là quan hệ hai chiều, học lẫn nhau và dạy lẫn nhau, dân tộc đoàn kết, mọi tầng lớp, mọi con người chung sức, chung lòng phát triển và bảo vệ đất nước, mỗi tầng lớp có chức năng riêng, mỗi con người có đóng góp riêng. Ở nước ta, chúng ta có ba tầng lớp đan xen, thâm nhập vào nhau, tạo thành động lực quan trọng nhất của công cuộc phát triển, đó là trí thức, doanh nhân, tuổi trẻ. Trong trí thức có nhiều doanh nhân và người trẻ, trong doanh nhân có nhiều người trẻ và trí thức, trong tuổi trẻ có nhiều trí thức và doanh nhân.
Tôi may mắn được nghe một vị trưởng thượng giảng giải thời nay, là thời giới cầm quyền đã đông hơn trước nhiều, thì ở mọi nước, giới cầm quyền, từ cấp Trung ương (toàn quốc) đến cấp cơ sở, kể cả những người chính danh và những người không chính danh mà thực sự cầm quyền, cộng lại chỉ chiếm từ 3% đến 5% dân số. Ở nước ta, có khoảng 89 triệu dân cả trong nước và ngoài nước, giả định giới cầm quyền chiếm 4% dân số, thì tổng số người cầm quyền là 3 triệu 56 vạn người, tổng số người không cầm quyền là 85 triệu 44 vạn người. 
Tùy từng nước, giới cầm quyền có bản chất, năng lực, phẩm chất như thế nào đó của mình và có quyền lực như thế nào đó của những người cầm quyền ở nước ấy, còn những người không cầm quyền có dân quyền, dân tâm, dân trí như thế nào đó của những người dân nước ấy.
Một bài viết đăng trên báo hoặc/và đưa lên mạng Internet, một bản kiến nghị mà địa chỉ gửi là những người cầm quyền đồng thời công bố trong nước và trên thế giới bằng cách này, cách khác, thì đều là vừa gửi đến giới cầm quyền, vừa gửi đến toàn dân, và trong nhiều trường hợp đến toàn thế giới.
Có những tác giả quyết định rằng địa chỉ gửi chủ yếu của mình là giới cầm quyền. Có những tác giả khác, có lẽ đông hơn, quyết định rằng địa chỉ gửi chủ yếu của mình là dân chúng, là đồng bào mình, là toàn xã hội. 
Trong một thực trạng chính trị, xã hội được nhìn nhận như thế nào đó, thì viết và nói là vô ích, người thông minh, người thức thời chẳng nói, chẳng viết để khỏi phí hoài tâm sức. Nhìn nhận khác đi, thì không phải thế. Không nhiều thì ít, không bây giờ thì rồi đây, thậm chí sau này, tâm sức của từng người và của tất cả những người nói và viết đều không hoàn toàn uổng phí, có hiệu quả hiển hiện, dễ thấy hơn, và có hiệu quả ẩn khuất, khó thấy hơn, nếu chưa có hiệu quả trong giới cầm quyền thì có hiệu quả trong xã hội. Đương nhiên, điều quyết định là nói hoặc viết điều gì, như thế nào, với tấm lòng và tài năng ra sao.
Nhiều tác giả cho rằng chính hiệu quả trong xã hội, đến được dẫu chỉ một chút ít với nhân dân, mới là quan trọng nhất.
                                  “Nồng nàn tâm huyết thưa thành quả   
                                  Gieo trăm gặt một thế cũng là
                                  Được bao nhiêu cũng là được cả
                                  Một thời khô héo một thời hoa.”  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét