Qua Lều văn Thăng Sắc, ông Vũ Khoan laị vừa mới chia sẻ với chúng ta những bài học quý báu về công tác đàm phán trong ngoại giao nói riêng và trong đối ngoại nói chung. Thăng Sắc xin trân trong giới thiệu lại với bạn đọc, nhất là các bạn trẻ.
Lêu văn Thăng Săc : Hôm nay hai anh em ta chuyển sang chủ đề khác của hoạt động ngoại giao nhé!Đó là thương lượng, đàm phán ngoại giao. Đọc báo, xem TV thấy các nhà ngoại giao ngồi trịnh trọng bên bàn đàm phán rồi xếp hàng chứng kiến lễ ký kết các văn kiện, sau đó nâng cốc chúc mừng nhau em cứ thắc mắc, không biết đằng sau sân khấu họ cò cưa thế nào chứ những gì ta nhìn thấy chắc chỉ là bề nổi và kết quả cuối cùng thôi.
Là người đã từng tham gia hoặc trực tiếp đàm phán về nhiều vấn đề, mong anh chia xẻ đôi điều về những gì diễn ra đằng sau sân khấu cho mọi người biết với.
Ông Vũ Khoan : Lần trước mình có ví hoạt động ngoại giao như cái cây, công tác nghiên cứu là gốc, các hoạt động nghiệp vụ khác như những cái cành, còn đàm phán, ký kết chẳng khác nào như thân cây…
Đúng là mình có được tham gia và trực tiếp tiến hành hay chỉ đạo không ít cuộc đàm phán song phương và đa phương song cũng không dám vỗ ngực biết gì nhiều về cái món này, một cái món kết tinh trí tuệ, thậm chí nghệ thuật, đem lại nhiều hệ lụy cho quốc gia, dân tộc.
Không phải đại ngôn đâu, bạn thử nghĩ xem: các vị tiền bối đã từng đàm phán, ký kết các Hiệp định Sơ bộ mùng 6/3 và Tạm ước 14/9/1946, Hiệp định Genève về Đông dương năm 1954 hay về Lào 1961, Paris về Việt Nam 1973 và về Căm-pu-chia năm 1991…có đúng là đã làm nên những công việc đại sự có ý nghĩa lớn lao đối với vận mệnh dân tộc ta không? Rồi các Hiệp định biên giới trên bộ và vịnh Bắc bộ với Trung quốc, các Hiệp định về biên giới trên biển với Malaixia, Thái Lan, Inđônêxia, Hiệp định thương mại song phương với Hoa kỳ, Hiệp định gia nhập WTO…trong thời kỳ đổi mới và hội nhập lẽ nào không có ý nghĩa như vậy?
Mình chỉ tiếc rằng, những “cây đa cây đề” của nền ngoại giao Việt Nam đã đi về thế giới bên kia mà không để lại cho hậu thế dòng hồi ký nào để con cháu mai sau học hỏi.
Còn thế hệ bọn mình cũng chỉ mò mẫm làm chứ cũng chẳng được đào tạo, huấn luyện gì cho có bài có bản, do đó cũng khó bề tổng kết được điều gì mang ý nghĩa khoa học cả. Tuy nhiên, bạn đã hỏi thì mình cũng xin chia xẻ một số nhận thức rất riêng tư về công việc đầy gian truân và đầy trọng trách này.
Khâu đầu tiên, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quyết định, chính là việc chuẩn bị đàm phán. Cũng giống như trong toàn bộ hoạt động ngoại giao, ở đây cần tiếp cận theo phương châm: “biết mình, biết người, biết thời thế”, nếu cần thì bổ sung thêm vế thứ tư là “biết luật chơi”.
Lều văn Thăng Sắc : Anh bắt đầu làm em tò mò rồi đó. Trước hết anh chia xẻ ý “biết mình” nghĩa là gì?
Ông Vũ Khoan: Nghĩa là làm rõ ba chuyện : mình muốn gì, mình có gì và mình có thể nhân nhượng, đổi chác cái gì? Mình ở đây là đất nước chứ không phải cá nhân nào đâu.
Ví dụ khi đi vào đàm phán để đi tới Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1968-1973) thì cái “mình cần” nhất là “Mỹ cút” để sau này giành lấy cái “ngụy nhào”; cái “mình có” cơ bản nhất là thắng trên chiến trường, kể cả trận Điện biên phủ trên không 1972; còn cái mình “tạm nhân nhượng” là chưa xóa bỏ ngay chính quyền Sài gòn.
Khi đàm phán về việc gia nhập WTO thì cái “mình muốn” nhất là được đối xử bình đẳng, không bị áp thuế cao, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển sản xuất; cái “mình có” là một nền kinh tế mới nổi, dung lượng thị trường hấp dẫn đối với thiên hạ và cái “mình có thể đổi chác” là mức độ giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường cho thiên hạ.
Khi xác đinh cái “mình cần” thì phải làm rõ yêu cầu chính yếu và thứ yếu; trong khi đàm phán cần kiên định theo đuổi cái chính yếu, không để cái thứ yếu cản trở. Ví như khi cần qua cầu thì phải mạnh dạn vượt qua chứ đừng thấy một vật cản nhỏ ở giữa cầu cứ loay hoay ở đó.
Khi xác định cái thuận, cái không thuận của mình thì chẳng những cần tìm ra những thế mạnh và khiếm khuyết của bản thân mà còn cần làm rõ cái yếu của đối phương vì đó cũng chính là cái mạnh của mình. Ví dụ trong chiến tranh, ngoài thế thắng trên chiến trường và sự ủng hộ của bạn bè thì cái khó của đối phương, sự rạn nứt, lục dục trong nội bộ họ cũng là cái mạnh của mình cần được khai thác triệt để. Chắc bạn còn nhớ ta đã tận dụng triệt để thế nào những khó khăn lục đục trong nội bộ nước Mỹ và ngụy quyền Sài gòn cũng như mâu thuẫn sâu sắc giữa họ với nhau để giành lợi thế cho ta trong đàm phán Paris.
Lều văn Thăng Sắc : Thế còn biết người?
Ông Vũ Khoan: Hồi nhỏ đi xem phim ở ngoài trời nhiều khi bọn mình kéo nhau ngồi sau màn ảnh vẫn xem được, chỉ có điều hình ảnh ngược lại so với mặt trước thôi. Ơ đây cũng vậy, lật ngược cái “biết mình” sẽ thành cái “biết người”. Hay nói một cách khác là vận dụng phương châm “suy bụng ta ra bụng người”. Nói vậy thôi chứ biết người khó hơn biết mình nhiều, bụng người khác hẳn bụng mình. Muốn “biết người” cần phải “vận khí công” nghiên cứu, tìm hiểu, suy xét rất nhiều mặt. Ơ đây có thể vận dụng một số điều mình đã chia xẻ lần trước về đề tài “Bếp núc nghiên cứu ngoại giao”.
Ví dụ khi đi vào cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris ta đã phải nghiên cứu sâu, theo dõi sát những tác động của chiến tranh Việt Nam tới kinh tế, chính trị nội bộ, quan hệ quốc tế, nhất là quan hệ giữa Mỹ với Liên Xô, Trung Quốc để thấy rõ cái Mỹ cần là rút khỏi vũng lầy chiến tranh Việt Nam, nếu không sự ổn định nội bộ, vị thế quốc tế của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đó là chưa kể những tác động tới các cuộc chạy đua vào Nhà trắng. Còn cái Mỹ có là sức mạnh quân sự thì đã chịu nhiều đòn đau trên chiến trường, nhất là qua cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1968 và trận Điện Biên Phủ trên không 1972; cái có nữa của Mỹ là sự lục đục Xô-Trung và ý muốn của cả hai nước đó sử dụng vấn đề Việt Nam để mặc cả với Mỹ nhưng lại vấp phải chính sách của Việt Nam là kiên trì độc lập, tự chủ và đoàn kết quốc tế với cả hai ông lớn. Do dư địa không nhiều nên cái Mỹ có thể thí là chính quyền tay sai ở Sài gòn.
Trong các cuộc đàm phán khác, cách tiếp cận cũng đại thể như vậy song phải uyển chuyển tùy theo nội dung đàm phán, đối tác đàm phán và thời thế cụ thể.
Còn một việc nữa liên quan đến phương châm “biết người” là biết con người sẽ đàm phán với mình. Đương nhiên người nào cũng thể hiện lợi ích quốc gia của họ song tính tình, phong cách mỗi người mỗi khác, có người mềm mỏng, có người cứng rắn, có người lịch thiệp có người thô thiển…Văn hóa của mỗi nước cũng để lại dấu ấn trong cách hành sử của họ mà mình cần nắm bắt. Tất cả những điều đó ảnh hưởng không ít tới không khí và kết quả đàm phán. Nếu chưa gập, chưa quen thì nên dò hỏi những người quen biết họ để chí ít cũng biết sơ sơ. Nếu không thì đành nắm bắt ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên để ứng xử.
Lêù văn Thăng Săc : Xin anh đi sâu vào câu chuyện thời thế.
Ông Vũ Khoan: “Thời thế” ở đây nên hiểu theo hai khía cạnh: Một là, cục diện nội bộ nước tiến hành đàm phán với mình cũng như mối quan hệ hai bên và tình hình thế giới có thể ảnh hướng tới đàm phán. Và hai là, sự hội tụ những nhân tố thuận và không thuận đối với cuộc đàm phán, nghĩa là xem xét thời cơ đã chín muồi chưa. Khi lợi ích hai bên gập nhau cho dù xuất phát từ những động cơ rất khác nhau và thời cuộc thuận lợi thì đàm phán có cơ thành công,
Ví dụ ta và Trung Quốc cũng đã tiến hành đàm phán về biên giới trên bộ và vịnh Bắc bộ từ giữa những năm 70 thế kỷ trước nhưng chẳng đi đến đâu, cuộc đàm phán chẳng khác nào cuộc nói chuyện giữa hai người điếc. Nhưng từ cuối những năm 80, tình hình thế giới và khu vực có những biến động lớn, nhất là sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc có yêu cầu đẩy mạnh đàm phán về biên giới lãnh thổ với các nước láng giềng để tạo ra môi trường ổn định xung quanh. Ơ Đông Nam A, xu thế hòa bình, ổn định để phát triển gia tăng, chính sách bao vây cô lập nước ta từng bước bị đẩy lùi. Bản thân nước ta cũng có lợi ích tạo dựng môi trường quốc tế ổn định để phát triển. Tất cả những nhân tố ấy hội tụ lại tạo ra thời cơ thúc đẩy đàm phán về biên giới trên bộ và vịnh Bắc bộ giữa ta và Trung quốc.
Tương tự như vậy, khi đi vào đàm phán về việc gia nhập WTO cũng đã lộ diện những nét thuận lợi trong thời thế. Trên thế giới, xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại phát triển; các nước đều có nhu cầu tìm kiếm thị trường, trong đó Viẹt Nam được đánh giá là một thị trường mới nổi đầy tiềm năng; bản thân nước ta đã chuyển đổi sang cơ chế thị trường và thực thi chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế - tất cả những nhân tố đó tạo nên thời thế thuận lợi cho quá trình đàm phán. Ấy vậy đàm phán cũng phải mất mươi năm. Có lúc ta phấn đấu để cuối năm 2005 gia nhập nhưng Mỹ lại có tính toán khác, muốn gắn với Cấp cao APEC Hà nội và Tổng thống Bush thăm ta nên phải tới cuối năm 2006 ta mới gia nhập được.
Biết mình, biết người, biết thời thế rồi lại còn phải biết luật chơi. Làm sao có thể đàm phán về biên giới lãnh thổ thành công nếu không nắm vững lịch sử, nội dung hiệp định Pháp-Thanh, tình hình cụ thể trên thực địa, những quy định, thông lệ quốc tế về biên giới? Làm sao có thể cò cưa về các vấn đề trên biển nếu không nắm vững luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982? Làm sao có thể đàm phán về BTA hay WTO nếu không nắm vững các quy định của WTO và luật lệ của Mỹ? Thật ra anh em ta chẳng được đào tạo cơ bản về những món này nhưng họ rất thông minh, nắm bắt rất nhanh, một số anh em nay đã là Thứ trưởng Bộ này hay Bộ khác rồi.
Lều văn Thăng Săc : Sau khi đã nắm được 4 yếu tố anh nói trên thì việc tiếp theo là gì?
Ông Vũ Khoan: Trên cơ sở đó, phải xây dựng phương án đàm phán. Nói nôm na thì đó là việc tính toán các phương án khác nhau để thương thảo, thỏa thuận. Khi đề xuất các phương án đàm phán cần dự liệu nhiều mức độ khác nhau trong khuôn khổ “sàn” (tối thiểu) và “trần” (tối đa). Ví dụ khi chuẩn bị đàm phán về việc gia nhập WTO thì phải xây dựng phương án cắt giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường với mức độ và lộ trình khác nhau từ tối thiểu đến tối đa.
Trong phương án đàm phán còn cần phải xác định các kịch bản khác nhau và tuần tự các bước đi; nếu là đàm phán với nhiều nước thì cần tính toán cả trình tự đàm phán với các đối tượng. Ví dụ, về kịch bản có thể chọn phương châm “dễ trước khó sau” hay ngược lại; về bước đi có thể tính đến việc đàm phán thăm dò trước rồi đi tới thỏa thuận các nguyên tắc chỉ đạo, tiếp đến mới đi vào cò cưa cụ thể; về đối tượng thì cần tính toán làm sao sử dụng cuộc đàm phán với đối tượng này tác động tới cuộc đàm phán với các đối tượng khác như kiểu bóc vỏ cam và dần dần nhằn hột ra…
Bước 3 tiếp theo là chuẩn bị nội bộ. Khâu này cũng rất quan trọng và không dễ chút nào, thậm chí có người cho rằng, đàm phán nội bộ nhiều khi còn khó hơn đàm phán đối ngoại! Ơ khâu này có 3 việc phải làm:
Một là, tạo sự đồng thuận nội bộ. Về các cuộc đàm phán chính trị-an ninh thì chỉ có thể dàn xếp trong diện hẹp, giữa nội bộ lãnh đạo, giữa các ngành, các địa phương liên quan. Ví dụ đàm phán về biên giới trên bộ thì cần có sự đồng thuận giữa các ngành ngoại giao, quốc phòng (bao gồm cả Bộ đội biên phòng), công an, ở chừng mực nhất định cả ngành nông nghiệp, tài nguyên-môi trường (liên quan đến đất đai, sông suối, rừng) cùng các tỉnh biên giới. Ấy vậy nhiều khi cũng gay cấn lắm do thông tin, nhận thức, lợi ích rất khác nhau. Còn đàm phán về kinh tế (ví dụ về hội nhập kinh tế) thì lại cần có sự bàn bạc, đồng thuận giữa công-thương, tài chính và các ngành hữu quan khác…Ơ nhiều nước nước người ta rất chú trọng tham vấn ý kiến giới doanh nghiệp, còn ở ta thông lệ này chưa phổ biến lắm. Ngoài ra cần tranh thủ sự đóng góp ngay từ đầu của bên Quốc hội nếu đó là Hiệp định phải được Quốc hội phê chuẩn. Ôi, chuyện phối hợp này gay cấn lắm vì ngành nào cũng muốn được bảo hộ, không chịu cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, chẳng muồn mở cửa thị trường! Điều quan trọng nhất là đừng để lợi ích cục bộ chi phối lợi ích toàn cục của quốc gia.
Một cái khó trong quá trình này là bảo mật phương án đàm phán vì tham vấn rộng tất khó bề giữ kín, đối tác biết thì thôi rồi, còn gì để cò cưa nữa? Do đó phải chọn lựa cẩn trọng vấn đề gì tham vấn rộng, vấn đề gì chỉ trao đổi trong phạm vi hẹp, thậm chí rất hẹp, chỉ vài ba người biết.
Hai là, trình cấp có thẩm quyền duyệt phương án. Đây cũng là khâu gian khổ vì nhiều khi ý kiến các vị có thẩm quyền khác nhau hoặc quyết định không rõ. Tôi nói điều này là “nói có sách, mách có chứng” vì bản thân phải “bưng bê” không biết bao nhiêu tờ trình và bản thân đã từng rơi vào những tình huống hết sức khó xử. Có lẽ cách tốt nhất là lãnh đạo chỉ nên thông qua những nguyên tắc lớn và khung thỏa thuận, còn cụ thể thế nào cần giao cho một người có thẩm quyền chỉ đạo trực tiếp chứ cứ mỗi lần lại trình bẩm thì “rách việc” lắm, thậm chí nhiều khi quá gấp, khó bề họp để xin ý kiến tập thể được. Nói cách khác là phải quán triệt phương châm tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Ba là, tổ chức đoàn đàm phán. Đương nhiên quan trọng nhất là chọn trưởng đoàn. Người đó cần có hiểu biết, có kinh nghiệm và có uy tín nội bộ, nếu quen biết đối tác thì càng tốt. Các thành viên cũng phải hiểu biết sâu lĩnh vực mình phụ trách và có kinh nghiệm đàm phán, có tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và tinh thần cộng đồng. Họ phải theo từ đầu chí cuối chứ phiên này một người, phiên khác lại người khác thì rất rối rắm. Nói thì ngon vậy chứ trong cuộc sống cũng lắm loại người lắm, có người chín chắn, có người bộp chộp, thậm chí có khi còn hâm hy nữa ấy chứ. Vớ phải những vị ấy trong đoàn thì chỉ có chết! Lại còn chuyện đoàn viên không chịu tuân theo ý kiến trưởng đoàn với lý do chỉ tuân thủ ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng ngành. Cái khổ là ý thức cộng đồng, tinh thần hiệp đồng nhiều khi rất kém, ai cũng giỏi cả mới chết!
Khi đã hình thành đoàn đàm phán cần có quy chế hoạt động của đoàn thật chặt chẽ thì thuận lợi và hiệu quả hơn.
Lều văn Thăng Sắc : Xem như vậy thì khâu chuẩn bị cũng nhiêu khê nhỉ. Thế còn tiến hành đàm phán thì thế nào?
Ông Vũ Khoan: Chuẩn bị tốt đã bảo đảm một nửa thành công rồi. Nửa còn lại là tiến hành đàm phán ra sao. Về chuyện này mình chẳng dám và chẳng có khả năng rút ra những nguyên lý cơ bản mà chỉ xin chia xẻ một số “thủ thuật” riêng tư thôi.
Trước khi bước vào đàm phán chính thức nên thu xếp một cuộc gập riêng với trưởng đoàn đối tác để làm quen, đồng thời thăm dò tâm tư tình cảm, tính toán của họ, nếu cần thì hé lộ vài thông điệp từ phía mình. Ấn tượng ban đầu mình tạo ra đối với đối tác quan trọng lắm, ấn tượng tốt sẽ tạo thuận lợi cho quá trình đối thoại tiếp theo. Dù là đối thủ của nhau song con người vẫn là con người; nếu mình tạo dựng được mối quan hệ “giữa người với người” sẽ rất có ích cho công việc. Người Âu-Mỹ thường cởi mở, không thích những câu xáo rỗng, cứng nhắc, thích những lời hay ý đẹp, thông minh, cho nên khi mới gập nên tìm cách “phá băng” bằng những câu thân tình, thậm chí dí dỏm. Lần đầu gập bà Barshevski, Đại diện Thương mại Hoa kỳ để hoàn tất BTA mình nửa đùa nửa thật hỏi: “Tôi nghe bà là người đàn bà thép, tôi hy vọng cuộc gập lần này với bà sẽ chứng tỏ tôi nghĩ sai!” Mình có cảm giác sau đó bà đối xử với mình có phần “mềm” hơn, thân tình hơn. Còn các đối tác châu A, nhất là Trung Quốc, Nhật thì nghiêm nghị hơn nên không phải lúc nào cũng đùa cười được.
Tại cuộc họp toàn thể đầu tiên thì đương nhiên phải có bài phát biểu nghiêm chỉnh nêu lên mục đích đàm phán, lòng mong muốn của phía mình và những đề nghị liên quan tới tiến trình đàm phán, tránh xục vào nội dung ngay. Nói chung trưởng đoàn (ở cấp lãnh đạo Bộ trở lên) không nên trực tiếp cò cưa, cãi vã về các nội dung, điều khoản cụ thể mà chỉ nên nêu nguyên tắc, còn thì để chuyên viên làm. Chỉ vào những thời điểm then chốt trưởng đoàn mới vào trận, tìm cách tháo gỡ, đi đến thỏa thuận.
Một điều tối kỵ là trên bàn đàm phán các đoàn viên tự ý lên tiếng, nhất là lại cãi vã nhau trước mặt đối tác. Đã ngồi vào bàn đàm phán thì chỉ có một người phát ngôn duy nhất là trưởng đoàn, trưởng nhóm; nếu cần thì trưởng đoàn mời chuyên viên chuyên sâu phát biểu theo phương án đã thống nhất nội bộ. Các chuyên viên có điều gì bức xúc cần lưu ý trưởng đoàn, trưởng nhóm thì chỉ viết giấy chuyển tới; nếu vấn đề phức tạp thì xin nghỉ giải lao để trao đổi.
Nhân đây mình muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bí mật đàm phán. Sở dĩ mình nhấn mạnh điều này vì ngày nay dường như nó không được coi trọng và thực hiện nghiêm túc lắm. Thứ nhất là bảo quản tài liệu. Giấy tờ, sổ sách có nguy cơ lớn bị thất lạc hay để quên cặp ở nơi này nơi khác. Ngày nay anh chị em hay bảo quản trong laptop với hy vọng rằng đã khóa mã nhưng đối với thiên hạ việc giải mã chẳng khó khăn gì. Cá nhân mình thường cố nhập tâm những chủ trương chính, cần lắm thì ghi lóng một vài con số cụ thể vào tờ giấy nhỏ, để trong ví. Thứ hai là bí mật tiếp xúc. Đó là các cuộc trao đổi nội bộ, những phát ngôn sơ hở, các cuộc liên lạc qua điện thoại hay e-mail. Do đó nếu cần thì kéo nhau đi chơi phố, ra vườn hoa để trao đổi, nhất thiết không trao đổi ở khách sạn, nơi họp, nơi công cộng đông người, ví dụ quán ăn chẳng hạn…Còn liên hệ với trong nước để xin ý kiến chỉ đạo thì nhất thiết phải qua mật mã, trừ trường hợp cố tình nói để thiên hạ nghe. Thứ ba là giữ bí mật với các đối tượng bên ngoài muốn nắm được nội dung đàm phán. Ơ đây chỉ có một bí quyết là giữ nghiêm kỷ luật giao tiếp, phát ngôn.
Thôi mình hơi đi lệch chủ đề mất rồi.
Một chuyện nữa là trao đổi dự thảo văn kiện. Tốt nhất là mình chủ động soạn thảo văn kiện thỏa thuận và trao trước cho đối tác. Đương nhiên dự thảo ấy bao hàm những phương án cao nhất của phía mình. Tuy nhiên không chỉ có mình “khôn” mà đối tác cũng thường làm như vậy. Trong trường hợp đó thì cùng nhau so sánh hai bản, loại ra những điểm về cơ bản trùng nhau, lọc ra những điểm khác biệt để cò cưa.
Điểm mấu chốt của đàm phán nằm ở khâu này. Thường thì mỗi bên đều đưa ra phương án tối đa. Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đoàn đại biểu Đảng-Chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu có đi thăm một loạt nước để cảm ơn và tranh thủ sự ủng hộ của bạn đối với ta trong giai đoạn tiếp. Ta có yêu cầu tranh thủ bạn lên án Mỹ và chính quyền Sài gòn vi phạm hiệp định; bạn lại có nhu cầu hòa hoãn, không muón lên án phía bên kia. Tôi được giao nhiệm vụ đi đàm phán về các bản tuyên bố chung với các nước Liên Xô-Đông Âu nên luôn phải cò cưa gian khổ về chỗ khác biệt này. Bên cạnh đó một số nước lại yêu cầu ta ủng hộ điểm này điểm khác trong nội tình và chính sách đối ngoại của họ mà ta thấy nhậy cảm. Lúc đó đồng chí Nguyễn Cơ Thạch “dậy” tôi một thủ thuật: cậu cứ đưa ra phương án thật cao đến mức bạn khó sài, trên cơ sở đó cò cưa để hai bên cùng xuống thang. Quả nhiên thủ thuạt đó khá hiệu nghiệm. Nhân đây mình muốn lưu ý rằng dù tối đa cũng phải có lý, không nên đưa ra những đòi hỏi quá vô lý, trừ trường hợp chưa muốn đi tới thỏa thuận. Trên thực tế ta đã từng đưa ra những phương án không có cơ sở vững chắc trong vài ba cuộc đàm phán quốc tế cho nên đàm phán tan vỡ hoặc kéo dài lê thê.
Đàm phán là cuộc đấu trí, đấu lẽ. Thật khó chia xẻ cách đấu trí và đấu lẽ nên thế nào vì tùy thuộc rất nhiều nhân tố khác nhau: về nội dung, về đối tượng, về ý đồ, về thời điểm, về bối cảnh…Đương nhiên lý lẽ phải sắc bén, logic, phù hợp với luật chơi. Còn cách thể hiện thì tùy, khi “cương”, khi “nhu” nhưng “cương” cũng không để đàm phán tan vỡ (nếu mình không chủ động muốn cắt cầu); “nhu” cũng không được tỏ ra yếu đuối để người ta hạ nhục, chệch yêu cầu đàm phán.
Khi cò cưa về cách thể hiện thành lời văn các điều khoản thỏa thuânh, ta nên chuẩn bị sẵn những cái “phao” với các phương án khác nhau để khi trao đổi đỡ bị động.
Trong đàm phán có chuyện “mặc cả” theo kiểu “take and give”: lấy và cho. Khi đánh đổi cần cố giữ cái cần nhất, cho cái ít hại nhất. Năm 2010, khi kết thúc đàm phán về BTA có anh em cứ ép tôi phải đòi bằng được Mỹ bỏ quota dệt may nhưng khốn nỗi theo luật chơi chỉ khi nào là thành viên WTO mới được hưởng quy chế đó nên tạm thời đòi hạ thuế suất thuế nhập khẩu hàng dệt may từ trên 40% xuống khoảng 4% cái đã và giành lấy hiệp định BTA để xâm nhập thị trường rộng lớn của Mỹ; đổi lại ta chấp nhận mở cửa thị trường Việt Nam ở mức khá hạn chế. Tới khi kết thúc đàm phán với Mỹ về việc ta gia nhập WTO, tới phút chót, anh Tuyển (Bộ trưởng Thương mại) gọi điện cho tôi báo cáo Mỹ đã chấp nhận bỏ quota dệt may nhưng kèm theo cơ chế theo dõi và anh đó đã gài một số quy định về quy trinh tham vấn, xem xét…vậy có chấp thuận không? Lúc đó là ban đêm ở ta và tôi được giao nhiệm vụ chỉ đạo đàm phán nên đã “liều” gánh lấy trách nhiệm đồng ý vì đã bỏ được quota và rộng lớn hơn là gia nhập WTO, từ đó hưởng chế độ thương mại bình thường thường xuyên (PNTR) của Mỹ, mở rộng hơn nữa thị trường của ta.
Kết quả cuối cùng thường là giải pháp dung hòa. Hai ví dụ trên thể hiện điều đó. Riêng tôi nhớ lại năm 1989 hay 1990 gì đó mình dẫn đầu đoàn ta đi dự hội nghị quốc tế trù bị về vấn đề “thuyền nhân” Việt Nam họp ở Kuala Lumpur (Malaixia). Các nước hữu quan, chủ yếu là Trung Quốc, Anh (lúc đó còn quản lý Hồng Kông), các nước ASEAN đòi ta phải nhận tất về, kể cả bằng biện pháp cưỡng bức; còn ta trước đó chỉ chấp nhận hồi hương từng trường hợp cá biệt một. Để tháo gỡ tình hình, ta chủ trương nhích lên một chút là chấp nhận hồi hương tự nguyện – điều mà các nước hữu quan không chịu. Hai bên tranh cãi thâu đêm suốt sáng; cuối cùng thỏa thuận công thức “hồi hương có trật tự” (ordery repatriation) nghĩa là thông qua một số thủ tục chặt chẽ và có sự tài trợ quốc tế. Phương án dung hòa ấy đã giải tỏa được vấn đề gay cấn này – một trong hai điều kiện để thiên hạ bỏ cấm vận với mình (điều kiện thứ nhất là ta rút quân khỏi Căm-pu-chia và lập Chính phủ hòa giải dân tộc ở đó).
Thành bại của các cuộc đàm phán tùy thuộc không ít vào quá trinh vận động dư luận bên ngoài phòng đàm phán mà ở Mỹ gọi là vận động hành lang (lobby). Đối tượng vận động là các nhà lập pháp (Nghị viện), các doanh nghiệp hữu quan, giới truyền thông, các tổ chức NGO…Trong quá trình đàm phán Paris 1968-1973 ta đã rất thành công trong việc vận động một phong trào rộng lớn nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ ta, phản đối chính quyền Mỹ. Trong quá trình đàm phán về BTA và gia nhập WTO ta cũng chú trọng nhiều công tác này, trong đó đã ra sức tranh thủ những doanh nghiệp đã hoặc có ý định kinh doanh, làm ăn với nước ta. Còn đàm phán với Trung Quốc – một nước XHCN có sự quản lý, chỉ đạo chặt chẽ thì hoạt động này ít tác dụng, thậm chí khó bề tiến hành.
Trong đàm phán đa phương, sự phân hóa, tập hợp lực lượng có tác dụng lớn. Cũng tại Hội nghị trù bị về người ra đi bằng thuyền kể trên ta hoàn toàn bị cô lập, cả Trung Quốc lẫn Đông Nam A xúm vào lên án ta, đòi cưỡng bức hồi hương hàng chục vạn người về nhưng tôi thấy đại biểu Mỹ chưa lên tiếng. Tới giờ giải lao, ông ta (lúc đó là Trợ lý Ngoại trưởng) mời tôi đi ăn cơm. Lúc đầu tôi rất băn khoăn vì giữa hai nước chưa có quan hệ, hơn nữa các bạn cũng hiểu lúc đó tiếp xúc với Mỹ không phải đơn giản nhưng tôi vẫn “liều” đồng ý để xem họ muốn gì? Khi chúng tôi cùng nhau rời hội trường thì phóng viên xúm đông xúm đỏ chụp ảnh một cảnh thật bất ngờ: hai trưởng đoàn Mỹ và Việt Nam sánh vai đi với nhau, chuỵện trò vui vẻ. Trong bữa ăn ông ta tỏ ý không tán thành cơ chế cưỡng bức hồi hương, ủng hộ cơ chế tự nguyện với cái cớ là bảo vệ nhân quyền! Tôi bỗng ngộ ra rằng đây chính là “đồng minh tạm thời” cho dù hai người “đồng sàng dị mộng”. Tôi đề nghị sau giải lao ông lên tiếng và quả nhiên sau khi đại diện Mỹ phát biểu thì không khí thay đổi.
Khi đã đạt được thỏa thuận thì khâu quan trọng là hoàn tất văn bản (wording). Chẳng phải nói cũng rõ cần phải cẩn trọng như thế nào vì “bút sa gà chết”, thể hiện sai có thể “đi một dặm”, nhất là ngôn ngữ, khái niệm của hai bên nhiều khi không khớp hẳn, hơn nữa có khi phải dùng ngôn ngữ thứ ba như tiếng Anh, tiếng Pháp (trước đây còn dùng cả tiếng Nga trong quan hệ giữa các nước thành viên SEV). Ngoài ra khâu kỹ thuật cũng có khi trục trặc nếu không dự liệu trước. Hồi ký BTA với Mỹ, ta mang giấy đánh văn bản Hiệp định sang (theo thông lệ nước nào dùng giấy của nước đó) nhưng khốn nỗi lại dầy quá, không đưa vào máy in của Mỹ được, tới phút chót (thời điểm Tổng thống Clinton tiếp đoàn trong Nhà trằng và sẽ công bố với toàn thế giới) cũng chưa xử lý xong nên mình và bà Barshewsky đã phải ký vào trang cuối cùng trước, sau đó hai bên phải hoàn tất tiếp!
Mình nói dài quá phải không? Cũng đành thôi vì chuyện này đâu có đơn giản?
Lều văn Thăng Săc : Không, dài nhưng thú vị. Còn khâu thực hiện thì ra sao?
Ông Vũ Khoan: Đàm phán, ký kết chỉ là công đoạn đầu, việc thực thi thỏa thuận mới là khâu quyết định.
Sau khi hoàn tất thủ tục nội bộ về phê duyệt (Chính phủ) hay phê chuẩn (Quốc hội và Chủ tịch nước) thì điều quan trọng là phổ biến và hướng dẫn các bộ phận hữu quan thực hiện. Ơ ta khâu này còn yếu lắm, thường thì cơ quan bảo quản văn bản là Bộ Ngoại giao sao gửi cho các cơ quan hữ quan thì coi là xong! Những người trực tiếp thực hiện nhiều khi chẳng biết rõ. Thỏa thuận về gia nhập WTO cho tới nay cũng chưa thấm sâu xuống các doanh nghiệp một phần vì nó quá phức tạp, phần khác do cách truyền đạt chưa thấu đáo và tiếc rằng bản thân các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đúng mức.
Ta tôn trọng thỏa thuận quốc tế song khi vận dụng lại phải sáng tạo để bảo vệ lợi ích của ta. Việc thi hành Hiệp định Paris năm 1973 cho thấy có nơi đã cứng nhắc, thụ động để chính quyền Sài gòn lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”, ngược lại có địa phương như Khu 9 chẳng hạn đã chủ động chống lại. Hiệp định gia nhập WTO cũng vậy, có khi ta thụ động thực hiện mà không chủ động áp dụng các biện pháp WTO cho phép để bảo vệ sản xuất trong nước nên thua thiệt.
Chỉ có một thái độ tích cực, chủ động mới đem lại lợi ích thiết thân cho đất nước!
Thôi ta dừng lại ở đây. Lần sau bàn chuyện khác.
Lều văn Thăng Săc: Cảm ơn anh nhiều. Hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm nội dung anh em ta trao đổi hôm nay vì nước ta đã hội nhập quốc tế, đề tài này chẳng những liên quan tới ngành ngoại giao mà còn có ích cho mọi ngành, mọi địa phương trong giao lưu quốc tế.
Ông Vũ Khoan: Chính vì vậy mà nhiều nơi đã yêu cầu mình chia xẻ kinh nghiệm; gần đây nhất là ngày 8/8/2011 mình đã nói chuyện với đong đảo anh chị em cán bộ trẻ của Bộ Ngoại giao. Xem ra họ hào hứng lắm và điều đó làm cho mình rất vui.
Cháu là sinh viên của Học Viện Ngoại giao VN. Thật may mắn khi đọc được blog của chú.
Trả lờiXóa