Một tốp khách du lịch khi rẽ vào phố Đặng Thái Thân thì chợt thấy tấm biển nhà hàng Cây Cọ viết bằng tiếng Pháp “Au Palmier”. Họ dừng lại, chỉ trỏ, nói với nhau điều gì đó rồi tất cả theo một thiếu nữ lưng đeo đàn ghi ta đi vào quán. Ba lô, va li và các túi du lịch được xếp gọn vào một góc nhà. Khách cười nói vui vẻ và gọi món ăn. Riêng người thiếu nữ đeo đàn khi nãy là có vẻ mặt hơi trầm tư. Chị không ngừng xoay trên tay tấm thiếp của cửa hàng cũng có in chữ “Au Palmier” với hình một cây cọ mầu xanh. Khi chủ quán hỏi chị có cần gì thêm không, chị hỏi lại bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo:
- Chỉ rất đơn giản là vì ngoài sân của nhà hàng có một cây cọ thôi.
- Dưới gốc cọ có bàn ăn không?
- Dạ có, xin mời chị ra xem qua.
Chủ dẫn khách ra sân. Khách nhìn cây cọ già, thân nhỏ mà cao, những tầu lá xanh sẫm xoè ra in đậm lên nền trời thu xanh Hà Nội. Chị chớp chớp đôi mắt đen to, không dấu được nỗi xúc động thậm kín.
- Ôi, tôi rất thích chỗ này. Tôi có thể dành trước chỗ cho các buổi tối trong thời gian ở Hà Nội không?
- Thưa được. Tôi xếp chỗ cho hai người chứ?
- Không. Chỉ một thôi. À, và cây đàn của tôi nữa. Có điều tôi sẽ đến hơi muộn.
Quả nhiên những ngày tiếp theo, người thiếu nữ ấy đã tới ăn tối dưới gốc cây cọ. Là một người nhạy cảm, chủ quán khéo thu xếp và để người khách đặc biệt của mình không bị làm phiền, song chị vẫn để mắt tới mọi cử chỉ của thiếu nữ. Rõ ràng việc ăn chỉ là phụ. Thiếu nữ tới quán như tới một điểm hẹn, giản dị và kín đáo. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai chị ngồi chống cằm, mắt nhìn vào xa vắng. Ngày thứ ba, chị chơi đàn ghi ta. Lúc đầu, tiếng đàn lẫn vào mọi thứ ồn ào của quán ăn. Về sau, tiếng đàn da diết quá khiến mọi thực khách đều chú ý lắng nghe. Chị hơi nghiêng người trên cây đàn, mái tóc đen cắt ngắn loà xoà trên khuôn mặt phúc hậu. Những ngón tay thuôn dài chỉ khẽ gảy trên dây nhưng tiếng đàn buông ra lúc thì dè dặt như bị cầm nén, lúc lại tuôn chảy ào ạt, đầy ắp tình cảm. Chị mải đàn tới mức không biết rằng mọi người trong quán đều hướng về phía chị và khi bản đàn vừa dứt, mọi người đều nông nhiệt vỗ tay. Chủ quán đem đến mời chị một ly rượu, thấy mắt chị nhoè ướt, một giọt nước mắt lấp lánh trên má.
- Chị đàn hay quá, tôi có thể ngồi với chị một chút không?
- Cám ơn chị. Chị ngồi đây đi.
- Chị là người Nhật Bản à?
- Không, tôi là người Hàn quốc. Nhà tôi ở Xơ-un. Có lẽ vì thế mà tôi đã có một chuyện tình dang dở đấy.
Chị dừng lại, đặt cây ghi ta sang bên, nhấm một chút rượu, lấy khăn lau mắt rồi mỉm cười, nụ cười ngập ngừng như muốn hỏi liệu tôi kể chuyện riêng, chị có nghe không. Chủ quán như đã dự cảm được điều này nên nói:
- Chị kể đi.
- Tôi đã muốn kể từ lâu rồi, kể cho một người bạn Việt Nam nghe, nhưng chưa gặp. Chúng mình biết về nhau còn ít quá. Chị đã có chồng chưa?
- Tôi có hai con rồi. Còn chị?
- Tuần sau về tôi sẽ cưới. Tôi thật mãn nguyện đã vào thăm được Việt Nam . Như là đi giã biệt ấy mà, bởi vì cách đây hai mươi năm, tôi đã yêu một người con trai Việt Nam . Chị thấy câu chuyện lãng mạn quá phải không?
Lúc ấy chúng tôi còn rất trẻ và học tiếng Pháp ở Pa-ri. Tôi do gia đình gửi đi, còn anh ấy hình như cùng ở với những người bạn khác nữa. It khi anh ấy đi đâu một mình. Thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp hai người đi riêng với nhau. Tôi yêu anh ấy thực sự, không hiểu cái gì đã lôi cuốn tôi về phía anh ấy. Có thể do tính lãng mạn của một sinh viên văn, có thể do những chuyện về chiến tranh mà Việt Nam phải gánh chịu lúc ấy đã làm cho tôi thấy anh là một người phi thường.
Vào những lúc có thể đi chơi với nhau, chúng tôi thường dạo ở Thảo Cầm Viên Pa-ri. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nghe tiếng sỏi lạo xạo dưới bước chân anh ấy. Anh ấy đã kể tôi nghe, kể rất hay, về một quê hương mà tôi yêu dấu đến bây giờ. Anh cũng hỏi tôi rất nhiều về Hàn quốc. Trời ơi, tôi không thể nào quên được cái nhăn mũi dễ ghét quá chừng của anh ấy khi tôi kể rằng một món đặc sản của Hàn quốc lại là món bắp cải muối ớt. Anh học khá hơn tôi, đã giúp tôi làm luận văn về tín hiệu học để nhật biết các nhân vật trong tiểu thuyết “Chuyến bay đêm” của nhà văn Pháp Xanh Êch-duy-pê-ri.
Chỗ hẹn là một cây cọ trong Thảo Cầm Viên. Chúng tôi gọi nó là “Cây cọ của chúng mình” và thường ngồi nói chuyện rất lâu dưới gốc. Nó mập và thấp hơn cây cọ của chị một chút, thỉnh thoảng lại để rơi một quả chín xuống thảm cỏ xanh. Anh rất thích tôi đàn cho anh nghe. Bản nhạc tôi vừa chơi có lời ca ngợi cây cọ xanh khi đã bám rễ vào lòng đất thì sống hết mình để dâng hiến màu xanh cho đời. Tôi đã chơi bản ấy trong đêm liên hoan chia tay, mắt chỉ nhìn theo anh.
Chủ quán khẽ hỏi:
Chủ quán khẽ hỏi:
- Làm sao anh chị lại không yêu nhau?
- Tôi luôn ngờ ngợ có cái gì đã kìm giữ anh ấy. Một lần đi dạo bên sông Xen, tôi nắm tay anh ấy và nói rằng tôi yêu anh. Anh ấy nói lảng sang chuyện khác rồi chỉ lên mặt trăng và bảo sau này có nhớ anh ấy thì cứ nhìn lên mặt trăng kia kìa, mặt trăng là của chung và ở đâu cũng có. Lúc chia tay, anh bảo tôi dừng lại một chút, anh hát cho mà nghe. Lời anh ấm, nhẹ, thoảng trong gió sông đêm khuya, vậy mà đến giờ tôi vẫn nhớ y nguyên lời bài hát ấy.
Em là cánh buồm trên con thuyền của anh.
Em là mặt trăng là ước mơ của anh.
Tự em em hiểu là anh rất yêu em.
Anh thì thầm với em rằng anh yêu em.
Chị thấy đấy, anh ấy làm ra vẻ cứng rắn nhưng lòng thì mềm như lá cỏ. Vậy mà mãi sau tôi mới hiểu điều đó. Tôi vẫn thường nhìn lên mặt trăng khi nhớ anh. Tôi đã không yêu được anh nhưng đã yêu Việt Nam và cuối cùng đã đến được quê hương của anh ấy, chị có thấy thế không?
- Chị quả là một thiếu nữ tuyệt vời.
- Ôi, kể được câu chuyện này ra với chị, tôi thật thấy lòng mình vợi đi bao nhiêu. Mai tôi về nước, tôi để lại địa chỉ của tôi cho chị, biết đâu có dịp. Trước đây khi chia tay, tôi và anh ấy đã chẳng ai để địa chỉ cho ai cả.
Họ trao danh thiếp cho nhau, ôm hôn nhau trong niềm cảm thông sâu sắc mà chỉ giữa những người phụ nữ với nhau mới cảm nhận được. Chủ dẫn khách ra tận cổng, lấy khăn lau khô những giọt nước mắt còn nhoè trên má người bạn mới.
*
* *
Người khách cuối cùng ra khỏi cửa hàng vào lúc quá nửa đêm. Lúc này chủ quán mới làm hết cái việc vừa hứng thú, vừa tẻ nhạt nhất trong ngày là kiểm tiền. Chị vô tình rút trong túi ra một tấm danh thiếp, nhìn qua rồi hỏi người giúp việc:
- Này, hình như ngày xưa ông học tiếng Trung Quốc phải không?
- Có, nhưng quên gần hết rồi.
- Ông xem hộ tôi cái thiếp này viết gì.
Người giúp việc lau tay, đeo kính, chăm chú đọc.
- Đây là tiếng Triều Tiên. Nhưng cứ theo mẫu chữ hán thì có thể đọc tên người trong thiếp là An Bo – Ok.
- Tên gì lại là Bo – Ok?
- Nghĩa tiếng Hán là Bảo Ngọc. Tên đẹp đấy.
- Cái gì? Bảo Ngọc à?
Chủ quán thấy như có một luồng điện chạy qua người. Chị chợt nhớ cách đây đã lâu, trong số khách của chị, có một người trạc 50 tuổi thường ngồi ờ bàn dưới gốc cây cọ, vừa uống bia xuông vừa kín đáo nhìn chị. Chị nhận biết ánh mắt kín đao ấy, nhưng điều đó cũng chẳng hại gì và người đàn ông cũng không gợi cho chị bất kể thứ tình cảm nào ngoài sự trân trọng đối với khách hàng. Có một hôm, sau khi ăn tối, người khách này đã tặng chị một cuốn sách, rồi từ đấy không trở lại nữa.
Chị chạy vội vào tủ sách, cầm cuốn sách vẫn vất chỏng chơ từ lâu. Đó là cuốn “Chuyến bay đêm”, ngay trang đầu có ghi dòng chữ mầu mực tím: “Xin phép tặng chị chủ quán Cây Cọ với những kỷ niệm về Bảo Ngọc. Chị trông giống Bảo Ngọc tới mức mà tôi không thể nhìn chị mà không nhớ về một quãng đời đã qua. Thành thật xin lỗi chị”.
Không có chữ ký, không có địa chỉ. Chủ quán lúng túng như vừa đánh mất một cái gì thật quý báu. Chị hiểu rằng mình đã chứng kiến một chuyện tình đầy ý nghĩa. Chị cầm cuốn sách chạy vội ra sân. Đêm vắng tanh, se lạnh. Gió thổi qua những tầu lá cọ nghe lật bật. Sau câu chuyện vừa chắp nối lại được, chị nhìn cây cọ như một người bạn có hồn, với nỗi ân hận tại sao chị đã không xin địa chỉ của người khách hàng tặng sách cho chị.
Bây giờ người ấy ở đâu !
Bây giờ người ấy ở đâu !
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét