LTS: Nhân việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ.
GS Ngô Vĩnh Long (ảnh trái). Ảnh: HM/ Hiệu Minh Blog |
Tôi nghĩ Trung Quốc có nhiều lý do tấn vào vùng Hoàng Sa mà tôi cho là "yếu huyệt" hay "yết hầu" của Biển Đông trong nhiều bài phỏng vấn. Tôi cũng đã cho biết là Trung Quốc "dương Đông, kích Nam" khi làm rùm beng ở vùng biển Hoa Đông để đánh lạc hướng dư luận và để chuẩn bị các bước tiến mới vào Biển Đông.
Tại Đông Nam Á, Tổng thống Obama đã đạt được mục đích quan trọng tại hai nước đó.
Song song với nỗ lực kiện Bắc Kinh ra tòa án Liên Hiệp Quốc, Manila đã nhân chuyến công du của Tổng thống Mỹ ký kết hiệp ước tăng cường hợp tác quân sự, củng cố hiệp định quốc phòng hỗ tương có hiệu lực từ năm 1951.
Malaysia, sau một thời gian cơm không lành, canh không ngọt với Mỹ (từ vụ khủng hoảng tài chính 1997) đã đồng ý và ủng hộ chính sách tăng cường hải quân Mỹ tại Châu Á.
Nhưng đối với Việt Nam, Tổng thống Obama chưa sang thăm, và cũng chưa nói năng gì, nên tôi nghĩ Trung Quốc sẽ làm tới ở khu vực gần Hoàng Sa để xem phản ứng của cả Việt Nam và Mỹ ra sao.
Thêm vào đó là Trung Quốc biết Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Daniel Russel sắp đến Hà Nội nên nắn gân Mỹ thêm một cú nữa xem phản ứng như thế nào và qua đó đe doạ cả Việt Nam và các nước trong khu vực.
Trung Quốc làm việc nầy có suy tính kỹ, đặt giàn khoan cách đảo Tri Tôn có 18 hải lý và cách Hải Nam có trên 180 hải lý. Nếu Trung Quốc không dùng Hoàng Sa để đo EEZ cho việc này được, thì họ cũng có thể dùng Hải Nam để nói rằng nơi đặt giàn khoan là trong vùng EEZ của Hải Nam và của Việt Nam, vậy là trong vùng tranh chấp chưa được phân định thì hai bên phải đàm phán song phương và không có nước nào khác được xía vào.
Giàn khoan trái phép HD-981 của Trung Quốc. Ảnh: THX |
Vì vậy, tôi nói là rất may cho Việt Nam là Trung Quốc đã dùng Hoàng Sa trong các tuyên bố và việc này giúp cho Việt Nam có lý do đem Trung Quốc ra kiện trước Tòa án Công lý Quốc tế vì Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, giết hại 74 người Việt, và từ đó đến nay dùng căn cứ ở Hoàng Sa để gây tổn thương không những cho Việt Nam mà cho cả thế giới nữa.
Liệu cuộc họp về COC ở Myanmar cuối tuần này có ý nghĩa nào đó với hành động của Trung Quốc?
Có chứ. Trung Quốc muốn trì trệ quyết định về COC vì như thế sẽ có lợi cho Trung Quốc về xa về dài, đặc biệt là với chiến lược "tằm ăn dâu".
Nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam để vận động các nước trong khu vực mà cũng là dịp thúc đẩy Mỹ và đồng minh đưa vấn đề ra trước Hội đồng Bảo an và cả Đại Hội đồng (General Assembly) của Liên Hiệp Quốc.
Nhưng Trung Quốc sẽ phủ quyết?
Đưa ra Hội đồng Bảo an vì lý do Trung Quốc đe doạ anh ninh của khu vực và thế giới, và, lẽ dĩ nhiên là Trung Quốc sẽ phủ quyết, nhưng điều này gây được sự chú ý của dư luận quốc tế.
Còn nếu đưa ra Đại Hội đồng thì Trung Quốc khó phủ quyết hơn và có ảnh hưởng rất lớn.
Đó chỉ là những bước đi về ngoại giao, và phần nào đó là dư luận. Theo ông, về luật pháp quốc tế, Việt Nam nên có những bước đi nào nữa không?
Việt Nam cũng nên đưa Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc vì dẫu là Hoàng Sa đang dưới sự kiểm soát của Trung Quốc đi nữa thì đảo Tri Tôn chỉ có 12 dặm lãnh hải thôi.
Và VN nên đem Trung Quốc ra Toà Án Công Lý Quốc Tế (International Court of Justice) vì Trung Quốc mới gây tổn hại cho phía Việt Nam trong những ngày qua, cũng như thương vong khi chiếm Hoàng Sa...
Ngoài ra, như tôi đã nói nhiều lần, Việt Nam phải mạnh dạn ủng hộ việc kiện của Philippines, vì việc kiện nầy có liên quan lớn đến đường chữ U và lợi ích của Việt Nam, do Việt Nam có lãnh hải và lãnh thổ dài nhất ở khu vực Biển Đông.
Những việc làm tôi nêu lên phía trên là những việc tôi đã cố gắng thúc đẩy chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua vì chỉ có chính phủ mới làm được thôi. Chứ còn những người như chúng tôi chỉ có thể vận động dư luận và sự ủng hộ của bên ngoài.
Xin cám ơn ông.
Huỳnh Phan (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét