Đó là bài thỏ có đầu đề HỒ CHÍ MINH của Ernst Schumacher – một
nhà thơ lớn của CHDC Đức trước đây. Bài thơ này được tác giả viết năm 1956 sau một
cuộc gặp của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, không bao lâu sau khi Hồ
Chủ tịch và Chính phủ từ Thủ đô Kháng chiến về Thủ đô Hà Nội. Có lẽ ông là một
trong số rất ít văn nghệ sỹ đầu tiển của CHDC Đức nói riêng và thế giới nói
chung được Bác Hồ tiếp vào thời gian đó. Ấn tượng sâu sắc của ông về vị lãnh tụ
kính yêu của nhân dân Việt Nam, người Bạn lớn của nhân dân Đức và người Bạn
chiến đấu thân thiết của các lãnh tụ nổi tiếng của phong trào cộng sản và công
nhân Đức như Clara Zetkin, Rosa Luxemburg, Ernst Thaelmann và Wilhelm Pieck...
chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho ông viết nên những dòng thơ rất mộc mạc
nhưng đầy tính triết lý ẩn dụ sâu sắc.
Chỉ với 18 khổ thơ, mỗi khổ hai câu như
hai vế đối ông đã phác họa khá đậm nét chân dung của vị lãnh tụ vị đại đồng
thời vẫn mang cốt cách của một con người bình dị toát lên từ nhân cách siêu
việt, ý chí cách mạng kiên cường, hy sinh cống hiến cả cuộc đời mình không chỉ
cho dân tộc và nhân dân Việt Nam mà cho cả nhân loại, từ đạo đức trong sáng như
pha lê, từ sức thuyết phục và cuốn hút mọi người, từ phong cách ung dung tự tại,
lòng nhân hậu vô biên... Bài thơ này đã được in trong tác phẩm của Ernst
Schumacher và đăng lại trên Báo Berlin
– Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ SED (Đảng XHCN Thống nhất Đức) của Thủ đô
Berlin ngày 05.9.1969, đúng vào dịp nhân dân Việt Nam và bè bạn khắp năm châu tưởng
niệm, thương nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người qua đời.
Ernst
Schumacher sinh năm 1921 tại miền Tây nước Đức, ông là một nhà văn, nhà thơ nổi
tiếng của CHDC Đức trước đây; tên tuổi ông được biết đến như một nhà nghiên cứu
văn học và sân khấu mác-xít có uy tín cao, nhà thơ trữ tình và nhà tiểu luận;
ngoài ra ông còn hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Ông đã tham gia Hội nghị Nhà
văn Á – Phi tại Taschkent năm 1958; cùng năm đó đã đi thăm Trung Quốc và viết
một loạt phóng sự chuyến đi này. Ernst Schumacher là viện sỹ Viện hàn lâm Nghệ
thuật CHDC Đức trước đây, có học vị Tiến sỹ khoa học xã hội và là Giáo sư về
khoa học sân khấu, đã tham gia giảng dạy trong lĩnh vực văn học, sân khấu tại
nhiều trường đại học danh tiếng của CHDC Đức. Bản thân ông cũng đã xuất bản
nhiểu tác phẩm, các bài phê bình tiểu luận về các lĩnh vực văn học cận đại nhất
là thơ trữ tình, kịch bản, sân khấu... Ông là chuyên gia nghiên cứu về Bertolt
Brecht, nhà viết kịch và đạo diễn sân khấu nổi tiếng thế giới của CHDC Đức.
Xin
trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ HỒ CHÍ MINH của Ernst Schumacher nhân dịp kỷ niệm lần thứ 124 ngày sinh của
Người .
HỒ CHÍ MINH
ERNST SCHUMACHER
Người đã học,
Để giảng dạy cho bao người khác.
Vì Quê hương mình
Người đã ra đi,
Trên những miền đất lạ
Người hiểu sâu thêm Tổ quốc của mình.
Người thấu hiểu sự áp bức
Ngay trong sào huyệt của bọn người áp bức.
Người nhận ra
Trong màu Trắng cũng có cả màu Đỏ*
Ở châu Âu, Người đấu tranh
cho châu Á,
Ở Quảng Châu
cho cả Béc-lin.
Đi con đường vòng
Người đã tiến dần tới đích.
Vì chân lý
Người đã gi ả trang.
Như một thương nhân
Nguời đã từng thương thuyết.
Đằng sau bộ áo quần viên chức
Ý chí của Người bùng lên như lửa cháy.
Trong những túp lều của kẻ bần hàn
Người cảm hóa được cả kẻ giàu sang.
Thân thể Người mảnh mai, nhỏ yếu
Mà địch nổi thép gang.
Hồ Chí Minh con người dịu hiền
Lại chính là sức mạnh.
Lòng khoan dung của Người
Đã bóc trần sự thấp hèn của quân thù.
Ý chí kiên trung của Người
Đã làm nên sự đổi thay cách mạng.
Chỉ là một cá nhân
Người là hiện thân cho hàng triệu người.
Không làm cha
Người lại là Cha của mọi trẻ thơ.
Là người Con của dân tộc
Người cũng là Anh hùng chân chính của nhân dân.
Người dịch: Trần
Ngọc Quyên
Nguyên Tham tán-Công sứ Việt Nam tại CHLB Đức
(Bài
thơ này Tác giả viết năm 1956, sau một cuộc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội)
* Chú thích: Ý câu thơ này là trong những người da
trắng cũng có nhiều người cách mạng, chống áp bức... (Trái tim đỏ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét